Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2024 vào ngày 29/10/2024
MSB công bố KQKD Q3/2024 với LNTT đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ, do tổng thu nhập hoạt động giảm 7% so với cùng kỳ (trong đó thu nhập lãi thuần giảm 2% và HĐKD ngoại hối ghi nhận lỗ) và chi phí dự phòng tăng 34% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, LNTT đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ, bằng 72% dự báo và thấp hơn một chút so với dự báo 9 tháng của chúng tôi.
Thu nhập lãi thuần giảm do tỷ lệ NIM giảm
Thu nhập lãi thuần Q3/2024 giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ do tác động tiêu cực từ việc tỷ lệ NIM sụt giảm lớn hơn tác động tích cực từ tăng trưởng tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong Q3/2024: Tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm đạt 14,2%, trong đó tín dụng Ngân hàng mẹ tăng trưởng 15,1%. Tuy nhiên, tín dụng của công ty con tài chính tiêu dùng TNEX giảm mạnh 46,4%. So với quý trước, tăng trưởng tín dụng đã chững lại chỉ đạt 2,5%. Phân khúc khách hàng cá nhân đã có dấu hiệu hồi phục trong Q3, tăng 7,2% so với quý trước, trong khi phân khúc khách hàng doanh nghiệp đi ngang, chỉ tăng 1,1% so với quý trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng phân khúc khách hàng doanh nghiệp (tăng 19,4% kể từ đầu năm) là động lực, so với phân khúc khách hàng cá nhân (chỉ tăng 0,6% kể từ đầu năm).
Bảng 1: KQKD Q3 & 9 tháng đầu năm 2024, MSB
Đối với huy động, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 17,6% kể từ đầu năm trong khi gần như đi ngang so với quý trước. Từ đó, hệ số LDR điều chỉnh (tổng dư nợ tín dụng/tổng tiền gửi khách hàng & giấy tờ có giá) là 104%, tăng từ 101% trong Q2/2024.
Tỷ lệ NIM giảm nhẹ so với quý trước, sát với xu hướng ngành: Tỷ lệ NIM Q3 đạt 3,3%, giảm 8 điểm cơ bản so với quý trước (giảm 96 điểm cơ bản so với cùng kỳ), thấp hơn dự báo của chúng tôi nhưng sát với xu hướng ngành. Tỷ lệ NIM giảm nhẹ so với quý trước chủ yếu do chi phí huy động tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước trong khi lợi suất gộp đi ngang so với quý trước. Trong bối cảnh nhu cầu thấp và cạnh tranh cao, MSB không thể chuyển hết phần gia tăng của chi phí huy động sang cho khách hàng.
Dưới đây là một số thông tin về nguyên nhân khiến tỷ lệ NIM tiếp tục xu hướng giảm, thay vì hồi phục như dự báo:
- Sức ép từ chi phí tiền gửi lên chi phí huy động cao hơn dự báo.
- Lợi suất gộp không đạt dự báo do lợi suất hoạt động tín dụng khác (=thu nhập lãi từ hoạt động tín dụng khác/trung bình tài sản sinh lãi) sụt giảm. Lưu ý rằng thu nhập lãi khác của MSB đã tăng đáng kể nhờ thu hồi lãi từ các khoản vay quá hạn. HSC trước đó đã đề cập về rủi ro giảm đối với dự báo lợi suất gộp của chúng tôi đến từ thu nhập lãi khác nếu khách hàng vay mất khả năng chi trả hoặc thanh toán muộn.
Thu nhập ngoài lãi thấp do lỗ HĐ kinh doanh ngoại hối
Thu nhập ngoài lãi Q3 giảm 27% so với cùng kỳ do tác động tiêu cực từ khoản lỗ HĐ kinh doanh ngoại hối 131 tỷ đồng, bù trừ tác động tích cực từ sự gia tăng trong: lãi thuần HĐ dịch vụ (tăng 58% so với cùng kỳ), lãi mua bán trái phiếu & thu nhập thuần khác (so với lỗ trong năm ngoái).
MSB ghi nhận 89 tỷ đồng thu nhập từ thu hồi nợ xấu trong quý. Từ đó, thu nhập từ thu hồi nợ xấu 9 tháng đầu năm 2024 đạt 966 tỷ đồng (tăng 9 lần so với cùng kỳ) – hoàn thành 54% kế hoạch của BLĐ và bằng 50% dự báo của chúng tôi, sát với dự báo của chúng tôi. 1 nghìn tỷ đồng thu nhập từ thu hồi nợ xấu còn lại dự kiến sẽ ghi nhận vào Q4/2024; tuy nhiên, khoản thu nhập này vẫn còn chưa chắc chắn.
Chất lượng tài sản cải thiện nhẹ
Chất lượng tài sản cải thiện nhẹ với tỷ lệ nợ xấu giảm, lãi dự thu giảm và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên. Tuy nhiên, tài sản có vấn đề tại MSB vẫn tiếp tục ở mức cao.
Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 2,9% từ 3,1% trong Q2/2024 nhưng vẫn cao so với ngành. Sự sụt giảm này là nhờ (1) nợ xấu mới hình thành giảm xuống 0,2% (so với mức bình quân là 0,5% kể từ thời điểm bắt đầu xấu đi từ đầu năm 2023) và (2) tốc độ xử lý nợ xấu (tỷ lệ nợ xấu được xóa là 0,3% dư nợ cho vay bình quân) nhanh hơn tỷ lệ nợ xấu mới hình thành. Hệ số LLR cũng cải thiện lên 63% từ 59% trong Q2/2024 và 54% trong Q1/2024. Tỷ lệ lãi dự thu/nợ nhóm 1 cũng giảm xuống 2,5%, vẫn trong xu hướng giảm từ mức đỉnh 3 năm là 3,8% thiết lập vào cuối Q1/2024. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với ngành.
Chi phí dự phòng tăng 34% so với cùng kỳ trong Q3/2024 và tăng 31% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024. Từ đó, chi phí tín dụng kể từ đầu năm là 1,4%, cao hơn một chút so với năm ngoái là 1,3% và bình quân 5 năm ở mức 1,3%. HSC kỳ vọng chi phí tín dụng sẽ ở mức cao trong những quý sắp tới do Ngân hàng đang trong quá trình làm sạch bảng CĐKT.
HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng và giá mục tiêu
Mặc dù lợi nhuận thấp hơn một chút so với dự báo nhưng chất lượng tài sản đã có dấu hiệu cải thiện ban đầu, đây là điều rất quan trọng đối với MSB ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, rủi ro về chất lượng tài sản vẫn hiện hữu do tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và dự kiến Ngân hàng sẽ cần một vài năm để xử lý hoàn toàn những vấn đề này. Ngoài ra, rủi ro chính đối với dự báo năm nay của chúng tôi nằm ở khoản thu nhập từ thu hồi nợ xấu dự kiến được ghi nhận vào Q4/2024.
HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng và giá mục tiêu. Cổ phiếu MSB đang giao dịch với P/B và P/E dự phóng năm 2024 lần lượt là 0,87 lần và 5,8 lần, thấp hơn đáng kể so với bình quân nhóm NHTM tư nhân lần lượt ở mức 1,24 lần và 7,6 lần.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.