Triển vọng lớn tới từ việc bán vốn cho đối tác chiến lược, chia cổ tức 10% bằng tiền mặt
Đồ thị cổ phiếu VPB phiên giao dịch ngày 25/04/2023. Nguồn: AmiBroker
- Kết thúc năm 2022, kết quả kinh doanh của Cổ phiếu VPB vẫn tăng trưởng khá tích cực bất chấp sự sụt giảm trong Q4/2023. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 21.220 tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ, đạt 71,5% kế hoạch. Tổng tài sản tăng 15,3% so với 2021. Huy động vốn và hoạt động tín dụng lần lượt tăng +13,5% và 25% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của VPB tăng +1,16 điểm phần trăm so với năm trước, đạt 5,73%. Nếu chỉ xét riêng ngân hàng riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 11 đạt 2,19% vẫn ở trong mức cho phép theo kế hoạch của ngân hàng.
- KQKD Q1/2023: LNTT Q1/2023 của ngân hàng mẹ đạt trên 4.000 tỷ đồng (-52,5% svck). Kết quả kinh doanh sụt giảm do các tác động tiêu cực trong đầu năm tới từ mức nền lãi suất tăng cao cũng như các rủi ro tới từ thị trường bất động sản. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong Q1/2023 đạt 7,1% cao hơn nhiều so với mức 2,09% của toàn nền kinh tế. Tăng trưởng huy động của ngân hàng trong Q1 đạt 11,5%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục gia tăng khi NPL của ngân hàng mẹ tăng mạnh lên mức 2,6% trong Q1/2023 (cuối năm 2022 đạt 2,19%). Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng hơn 2.600 tỷ trong kỳ để giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 70%. Ngân hàng cũng đánh giá tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý 2 trước khi giảm dần vào Q3. Hoạt động kinh doanh của Fe Credit trong Q1 theo như ngân hàng chia sẽ là không khả quan và vẫn đang ghi nhận lỗ.
- Kế hoạch năm 2023: LNTT mục tiêu năm 2023 của VPB là 24.003 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 13% so với năm trước. Hoạt động huy động và cho vay dự kiến tăng trưởng lần lượt 41% và 33% svck. Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng đầy tham vong, VPB sẽ tập trung đẩy mạnh 2 mảng chính là bán lẻ và SMEs với mức tăng trưởng dự kiến lần lượt đạt 35% và 40% trong năm 2023. Mảng bán lẻ hiện tại đang chiếm trên 60% tổng dư nợ của VPB với giá trị đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng và chỉ riêng trong Q1/2023 đã tăng trưởng hơn 40 nghìn tỷ.
- Đổng thời, VPBank chuyển hướng chiến lược xây dựng tập đoàn tài chính đa năng, chuyển phân khúc doanh nghiệp vừa và lớn từ phân khúc phụ thành phân khúc chính, chú trọng hơn vào khối doanh nghiệp FDI.
- Ban lãnh đạo cũng cho biết danh mục đầu tư trái phiếu hiện tại của VPB đạt hơn 30.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp, giảm 5.000 tỷ so với cuối năm 2022, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 20.000 tỷ cho tới tháng 6/2023. Với các doanh nghiệp bất động sản, giá trị đầu tư cho mỗi doanh nghiệp không quá 1% tổng dư nợ và toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp đều có tài sản đảm bảo.
- Về kế hoạch tăng vốn bằng hình thức phát hành thêm cho đối tác chiến lược SMBC, ngân hàng cho biết ngày 17/04/2023 VPB đã nhận được khoản đặt cọc trị giá 10% với giá trị đạt 3.590 tỷ đồng từ đối tác và phần còn lại dự kiến sẽ được chi trả sau khi ngân hàng thực hiện xong các thủ tục với ủy ban chứng khoán trong vòng 2 tới 3 tháng nữa. Với việc SMBC trở thành đối tác chiến lược sẽ giúp cho VPB có thêm lợi thế về vốn khi ghi nhận thêm hơn 35.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SMBC sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngân hàng trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn cũng như FDI khi số lượng doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay đạt hơn 3.000 doanh nghiệp. VPB kỳ vọng phân khúc này sẽ giúp ngân hàng có thể gia tăng thêm nguồn vốn huy động từ mức 2.000 – 10.000 tỷ đồng.
- Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cũng xác nhận thông tin là VPB sẽ tham gia tái cơ cấu các ngân hàng không đồng nhưng chưa cho biết thông tin về ngân hàng sẽ được chuyển giao. Nếu điều này được hiện thực hóa, VPB sẽ có khả năng được lựa chọn để nới room ngoại lên mức 49% do trong dự thảo đề án 2 trong số 4 ngân hàng tham gia sẽ được nới room ngoại lên 49%.
- Kế hoạch cổ tức 2022: VPB dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% dự kiến thực hiện vào khoảng quý 2- quý 3. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt là 7.934 tỷ đồng. Theo chiến lược 5 năm 2022-2026, VPB đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền và ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng cao để có thể dành 30% lợi nhuận hàng năm chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
- Nhìn chung, LNTT của ngân hàng các năm qua đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Chúng tôi đánh giá VPB có triển vọng dài hạn tốt nhờ vị thế dẫn đầu trong phân khúc bán lẻ. Việc ký kết đối tác chiến lược với SMBC sẽ giúp ngân hàng mở rộng phát triển kinh doanh sang các mảng mới cũng như nâng vị thế trong ngành.
- Tuy nhiên, trong ngắn hạn VPB sẽ chịu tác động tới từ các yếu tố rủi ro từ kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu Fe Credit cũng sẽ tiêu tốn nguồn lực của ngân hàng trong thời gian tới.
- Dựa trên kế hoạch kinh doanh 2023 của VPB, chúng tôi ước tính LNTT năm 2023 của VPB đạt 23.992 tỷ (+13,1% svck). ROE đạt 14,6%. Giá trị sổ sách 2023F là 23.517 VND/cp. Tại mức giá hiện tại, VPB đang được giao dịch tại mức P/B 2023F 1,0x lần, thấp hơn mức P/B trung vị 5 năm của VPB là 1,6x và P/B hiện tại toàn ngành ở mức 1,5x.
Nguồn: ABS
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.
Từ khóa: VPB