Duy trì khuyến nghị Mua vào; nhiều động lực xuất hiện
Dựa trên triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ hơn từ nửa cuối năm 2024, khả năng quản trị doanh nghiệp cải thiện, và các dấu hiệu tiến triển nhanh trong quá trình IPO, HSC duy trì khuyến nghị Mua vào với giá mục tiêu mới là 268.200đ. Về cơ bản, triển vọng lợi nhuận cải thiện từ nửa cuối năm 2024 (với mức tăng trưởng cao hơn so với các đối thủ trong nước) sẽ đến từ thế mạnh của MCH trong đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm cũng như mạng lưới phân phối rộng khắp. Bên cạnh đó, khoản cổ tức tiền mặt đặc biệt dự kiến sẽ mang lại lợi suất hấp dẫn cho NĐT, nhưng quan trọng hơn, điều này giúp giảm bớt lo ngại về mặt quản trị doanh nghiệp và việc sử dụng tiền mặt. Đồng thời, khả năng niêm yết trên sàn HSX dự kiến sẽ mang lại thêm động lực. P/E dự phóng năm 2025 của MCH là 17,7 lần, thấp hơn 27% so với bình quân khu vực (tăng từ mức 23% cách đây 6 tuần), nhưng ROAE hấp dẫn hơn nhiều, đạt 45%.
KQKD Q2/2024: Những thông tin chính
Cổ phiếu MCH đã công bố KQKD Q2/2024 tích cực với lợi nhuận thuần đạt 1.757 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ và 7% so với quý trước) và doanh thu thuần đạt 7.388 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ và 12% so với quý trước). Đáng chú ý, đây là quý thứ 5 liên tiếp MCH có diễn biến tích cực hơn so với thị trường hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam, với mức tăng trưởng 1,8% trong Q2/2024, sau ba quý giảm liên tiếp (Bảng 1).
KQKD của MCH có các điểm nổi bật sau: doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên khắp các mảng kinh doanh chủ chốt, chi phí hoạt động tăng mạnh trong kỳ (dẫn đến tỷ suất lợi nhuận HĐKD giảm nhẹ), và bảng CĐKT vẫn lành mạnh với lượng tiền mặt dồi dào (đến mức Công ty đang lên kế hoạch trả khoản cổ tức đặc biệt). HSC sẽ thảo luận chi tiết hơn về các yếu tố này dưới đây.
Biểu đồ 1: Tăng trưởng doanh thu của MCH so với thị trường hàng tiêu dùng nhanh
Bảng 2: KQKD, MCH
Doanh thu của các mảng chủ chốt đều tăng trưởng vững chắc
Trong Q2/2024, doanh thu các mảng kinh doanh chính của MCH, bao gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống và cà phê hòa tan, đều tăng trưởng vững chắc so với cùng kỳ và quý trước. Các điểm nổi bật chính như sau:
- Doanh thu mảng gia vị tăng 9% so với cùng kỳ và 7% so với quý trước, đạt 2.509 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tương ớt tăng mạnh 31% so với cùng kỳ trong Q2/2024, sau khi tăng 25% trong Q1/2024; động lực chính là tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.
- Doanh thu mảng thực phẩm tiện lợi tăng mạnh 21% so với cùng kỳ, đạt 2.183 tỷ đồng (tăng 4% so với quý trước). Theo đó, HSC ước tính giá bán bình quân tăng 5% trong khi phần còn lại đến từ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Doanh thu Kokomi (thương hiệu đại chúng) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi Omachi (thương hiệu cao cấp) tiếp tục dẫn đầu xu hướng cao cấp hóa thương hiệu trong ngành hàng mì ăn liền của Việt Nam.
- Doanh thu mảng đồ uống tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 1.477 tỷ đồng (tăng 27% so với quý trước). Đáng chú ý, doanh thu của Tea365, sản phẩm mới ra mắt vào cuối năm 2023, đạt 154 tỷ đồng (tăng 33% so với quý trước). Nếu không kể đến đóng góp của Tea365, doanh thu đồ uống của MCH trong Q2/2024 đạt 1.323 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và 27% so với quý trước. Ngoài ra, doanh thu sản phẩm Wakeup 247 tăng 9% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ.
- Doanh thu mảng cà phê hòa tan tăng mạnh 16% so với cùng kỳ đạt 391 tỷ đồng (tăng 5% so với quý trước), chủ yếu nhờ vào việc tăng giá bán trong bối cảnh giá cà phê tăng mạnh. Xét từng thương hiệu, doanh thu Vinacafe tăng 25% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu Wake Up tăng 7% so với cùng kỳ.
- Doanh thu mảng sản phẩm chăm sóc cá nhân tại nhà giảm 5% so với cùng kỳ và 4% so với quý trước xuống 438 tỷ đồng, do nhu cầu bột giặt yếu. Doanh thu bột giặt NET giảm 12% so với cùng kỳ, do chuyển từ các chương trình khuyến mãi thương mại sang giảm giá trực tiếp trên giá bán lẻ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong khi đó, doanh thu nước giặt xả Chante tăng mạnh 50% so với cùng kỳ, nhờ thâm nhập thành công vào các kênh bán hàng hiện đại; thương hiệu này dự kiến sẽ xuất hiện trên kênh bán hàng truyền thống vào nửa cuối năm 2024.
Bảng 3: Cơ cấu doanh thu theo quý, MCH
Tỷ suất lợi nhuận HĐKD giảm nhẹ do chi phí hoạt động tăng mạnh
Tỷ suất lợi nhuận gộp của MCH trong Q2/2024 vẫn duy trì vững chắc ở mức 46,2% so với 47,1% trong Q1/2024 và 46,0% trong Q2/2023. Điều này chủ yếu nhờ vào lợi thế chi phí thấp (như chi phí nguyên vật liệu đầu vào và bao bì). Ví dụ, tỷ suất lợi nhuận gộp của Omachi và Kokomi tăng lần lượt 3,5 và 5,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ trong Q2/2024. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng lên mức 24,2% tổng doanh thu thuần trong Q2/2024, cao hơn mức 23,7% trong Q1/2024 và 22,7% trong Q2/2023. Tuy nhiên, HSC nhận thấy sự gia tăng này không có gì bất thường vì chi phí này sẽ có xu hướng giảm nhẹ vào cuối năm.
Kết quả là tỷ suất lợi nhuận HĐKD giảm xuống mức 22,2% trong Q2/2024 so với 23,0% trong Q1/2024 và 23,3% trong Q2/2023. Nhờ lợi nhuận tài chính tăng, đạt 377 tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ và 4% so với quý trước), tỷ suất lợi nhuận thuần của MCH trong Q2/2024 đạt mức 23,8%.
Biểu đồ 4: Xu hướng tỷ suất lợi nhuận chính, MCH
Đánh giá bảng
CĐKT Vị thế tiền mặt dồi dào và đòn bẩy thấp
Đến cuối Q2/2024, tổng tài sản của MCH đạt 41.824 tỷ đồng, trong đó tổng tài sản sinh lãi là 25.856 tỷ đồng (chiếm 62% tổng tài sản). Trong các tài sản này, tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn là 5.780 tỷ đồng, các khoản cho các bên liên quan vay là 3.871 tỷ đồng, các khoản tiền gửi cho đầu tư ngắn hạn là 5.878 tỷ đồng, và đầu tư dài hạn là 14.207 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn là 6.941 tỷ đồng và nợ dài hạn không đáng kể, chỉ ở mức 155 tỷ đồng. Đòn bẩy tài chính ở mức tối thiểu với tỷ lệ nợ trên tài sản là 0,17 lần.
Chi trả khoản cổ tức tiền mặt đặc biệt: một diễn biến tích cực.
Điều thú vị là MCH gần đây đã xin sự chấp thuận của cổ đông về việc chi trả cổ tức tiền mặt đặc biệt với mức 16.800đ/cp, tương đương lợi suất cổ tức hấp dẫn 8%. Nếu thành công, MCH sẽ chi trả toàn bộ lợi nhuận giữ lại cuối năm 2023 là 16 nghìn tỷ đồng. Việc chi trả cổ tức dự kiến sẽ được thực hiện trong một hoặc nhiều đợt và trong vòng 6 tháng sau khi được cổ đông chấp thuận. Thời điểm chốt quyền nhận cổ tức là ngày 13/9/2024.
HSC coi đây là một diễn biến tích cực đối với MCH vì giúp làm giảm các khoản cho vay giữa các bên trong tập đoàn và các hoạt động tài chính nội bộ, những hoạt động này thường công bố thông tin hạn chế và làm tăng mối lo ngại của các NĐT. Sau khi chi trả cổ tức, chúng tôi dự báo ROAE sẽ tăng đáng kể, dao động từ 37-49% trong giai đoạn 2024-2026, cao hơn so với tỷ suất 6-7% từ các tài sản sinh lãi hiện tại và cao hơn ROAE trong giai đoạn 2018-2023 ở mức 28-35%.
Ngoài ra, vì khoản cổ tức tiền mặt đặc biệt này là một phần của kế hoạch niêm yết sắp tới, nên HSC đang nhận thấy những nỗ lực từ BLĐ và những dấu hiệu cho thấy quá trình này đang được đẩy nhanh. Một lần nữa, IPO và khả năng niêm yết trên sàn HSX sắp tới dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ các NĐT và giúp thu hút dòng vốn đổ vào.
Bảng 5: Cơ cấu tài sản sinh lãi, MCH
Dự báo mới: Cải thiện từ nửa cuối năm 2024
Triển vọng nửa cuối năm 2024: Lợi nhuận thuần dự báo tăng mạnh 37% so với nửa đầu năm & 14% so với cùng kỳ
Theo dự báo mới của HSC cho năm 2024 (chi tiết dưới đây), chúng tôi tin rằng lợi nhuận thuần của MCH trong nửa cuối năm 2024 sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với nửa đầu năm 2024, được hỗ trợ bởi vị thế cạnh tranh vững chắc của MCH, dẫn đến việc tiếp tục giành thêm thị phần và gia tăng sức mạnh thương lượng trong bối cảnh nhu cầu đối với hàng tiêu dùng nhanh đang cải thiện. Cụ thể:
- Chúng tôi kỳ vọng những thế mạnh chính của MCH về đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, cùng với mạng lưới phân phối rộng khắp sẽ giúp công ty có vị thế thuận lợi để duy trì KQKD vượt trội so với thị trường chung một cách bền vững. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận, nhờ vào khả năng tăng giá bán và cải thiện hiệu quả hoạt động.
- Thông thường, nhu cầu gia vị và thực phẩm tiện lợi tăng cao hơn trong mùa mưa (Q3) và mùa đông (Q4), vì thời tiết mát mẻ và ẩm ướt khiến các bữa ăn nóng và tiện lợi trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng tăng lượng hàng tồn kho trước kỳ bán hàng Tết.
Cụ thể, lợi nhuận thuần nửa cuối năm 2024 dự báo tăng 37% so với nửa đầu năm và 14% so với cùng kỳ, đạt 4.660 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần của MCH Q3/2024 dự báo tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 2.087 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận Q4/2024 dự báo đạt 2.574 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Bảng 6: Ước tính KQKD 6 tháng cuối năm 2024, MCH
Bảng 7: KQKD theo quý thực tế & dự báo, MCH
Dự báo cho giai đoạn 2024-2026: EBITDA tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm đạt 15%
Dự báo mới cho giai đoạn 2024-2026 cho thấy lợi nhuận thuần vẫn tăng trưởng với tốc độ CAGR 3 năm vững chắc là 12% (so với 10% trước đó). HSC ưa thích xem xét EBITDA, vì chỉ số này phản ánh sát hơn lợi nhuận tiền mặt và cho thấy bức tranh toàn diện hơn về hiệu quả hoạt động, khi loại bỏ các khoản lợi nhuận/lỗ HĐ tài chính (do cơ cấu nguồn vốn khác nhau) và các khác biệt thuế giữa các công ty.
Theo dự báo mới của HSC, cho giai đoạn 2024-2026, EBITDA của MCH sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 15% (từ 14% trong dự báo trước đó) – trên cơ sở EBITDA dự báo tăng trưởng lần lượt 19%, 15% và 11% trong năm 2024, 2025 và 2026 – nhờ tăng dự báo tổng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn này. Theo đó, HSC dự báo lợi nhuận thuần tăng trưởng lần lượt 13%, 7%, 17% trong năm 2024, 2025, 2026.
Các động lực chính ở đây là nhu cầu/thị trường tăng lên và thị phần giành thêm được, nhất là ở những nơi mà Công ty đã chiếm ưu thế, thông qua thế mạnh về đổi mới sản phẩm và mạng lưới phân phối rộng khắp. Trong khi đó, việc vẫn tiếp tục chiến lược cao cấp hóa và tăng hiệu quả hoạt động sẽ giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Bảng 8: Dự báo lợi nhuận cũ và mới cho giai đoạn 2024-2026, MCH
Về lợi nhuận HĐ tài chính: HSC tăng mạnh 66% dự báo năm 2024, nhờ (1) lợi suất cao hơn, HĐ ngân quỹ tích cực hơn, và (2) hạ dự báo nợ và lãi suất vay, sau những bất ngờ từ KQKD Q2/2024. Trên thực tế, lợi nhuận HĐ tài chính trong nửa đầu năm 2024 đã bằng 86% dự báo trước đây của HSC cho năm 2024. Chúng tôi cũng giảm 11% dự báo cho năm 2025 nhằm phản ánh tác động của vị thế tiền mặt thu hẹp sau khi chi trả cổ tức tiền mặt đặc biệt, nhưng tăng 19% dự báo cho năm 2026 do kỳ vọng vị thế tiền mặt sẽ được cải thiện. Lợi nhuận HĐ tài chính hiện chiếm lần lượt 18%, 8% và 13% trong dự báo lợi nhuận thuần cho giai đoạn 2024-2026.
Bảng 9: Dự báo doanh thu theo mảng kinh doanh trong giai đoạn 2024-2026, MCH
Bảng 10: Dự báo tỷ suất lợi nhuận, MCH
Bảng CĐKT: Tiền mặt thuần tăng trong giai đoạn dự báo
Do dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt đáng kể trong năm 2024, HSC cho rằng MCH sẽ giảm các khoản cho vay cho các bên liên quan và các hoạt động tài chính nội bộ nhằm thu hồi và củng cố vị thế tiền mặt cũng như thanh khoản để thực hiện chi trả cổ tức. Trong khi đó, sau đợt chi trả này – và theo chiến lược nhất quán của Tập đoàn Masan (MSN; Mua vào, giá mục tiêu 92.900đ, tỉ lệ sở hữu thực tế trong MCH là 68,2%) để giảm đòn bẩy trong những năm tới – HSC giảm các giả định về nợ và dự báo tỷ lệ vay nợ của MCH sẽ giảm xuống mức 33% vào năm 2026, từ 38% trong năm 2024 và 36% trong năm 2025.
Trong giai đoạn 2018-2023, tổng các đợt chi trả cổ tức tiền mặt của MCH (bao gồm cả khoản chi trả đặc biệt sắp tới) bình quân chiếm 95% tổng lợi nhuận thuần (Bảng 11). Nhờ dòng tiền tự do dự báo mạnh mẽ và không có kế hoạch mở rộng công suất trong tương lai gần (các cơ sở sản xuất của MCH hiện đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất), cổ tức tiền mặt của MCH trong giai đoạn 2024-2026 dự báo đạt 10.000đ (có thể được chi trả trong giai đoạn 2025-2027), tương đương lợi suất cổ tức 5% và tỷ lệ chi trả từ 73-89%.
Bảng 11: Dự báo nợ, MCH
Bảng 12: Chính sách cổ tức bằng tiền mặt, MCH
Bảng 13: Dự báo cổ tức bằng tiền mặt, MCH
Định giá và khuyến nghị
HSC tăng 7% giá mục tiêu theo phương pháp DCF lên 268.200đ (từ 251.100đ trước đó), chủ yếu nhờ tăng dự báo lợi nhuận. Tại giá mục tiêu mới, tiềm năng tăng giá là 29% và P/E dự phóng năm 2025 là 22,8 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua vào. Lợi nhuận cơ bản mạnh mẽ hơn từ nửa cuối năm 2024 (đặc biệt so với các đối thủ cạnh tranh chủ chốt trong nước), được củng cố nhờ các thế mạnh chủ chốt của MCH về đổi mới sản phẩm, cao cấp hóa sản phẩm và mạng lưới phân phối hàng đầu, là yếu tố chính giúp MCH xứng đáng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn. Việc chốt lại một đợt chi trả cổ tức tiền mặt “đặc biệt” có thể là động lực trong ngắn hạn; quan trọng hơn, nó sẽ giúp giảm bớt các lo ngại về quản trị doanh nghiệp và cách sử dụng nguồn tiền mặt.
Kết luận và phương pháp định giá
HSC tăng 7% giá mục tiêu theo phương pháp DCF lên 268.200đ (từ 251.100đ trước đó), tương đương tiềm năng tăng giá 29% tại thị giá hiện tại. Chúng tôi tăng giá mục tiêu chủ yếu nhờ tăng dự báo lợi nhuận. Tại giá mục tiêu mới, chúng tôi định giá MCH ở mức P/E dự phóng 2025 hợp lý là 22,8 lần.
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào. Xét trên các yếu tố cơ bản, chúng tôi cho rằng MCH xứng đáng được định giá lại ở mặt bằng cao hơn nhờ triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ hơn nhiều từ nửa cuối năm 2024 so với các đối thủ cạnh tranh lớn trong nước, nhờ vào những thế mạnh của MCH về đổi mới sản phẩm, cao cấp hóa sản phẩm và mạng lưới phân phối hàng đầu. Không chỉ khoản cổ tức tiền mặt đặc biệt mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các NĐT, mà quan trọng hơn, nó còn giảm bớt các lo ngại về quản trị doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn tiền mặt dồi dào của Công ty. Việc niêm yết sắp tới trên sàn HSX và khả năng được thêm vào các giỏ chỉ số là những yếu tố mang tính đột phá cho cổ phiếu, hứa hẹn thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của NĐT và dòng vốn đổ vào cổ phiếu này.
HSC tiếp tục áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) để định giá MCH. Trong đó, giả định WACC là 9,3% (từ 9,1% trước đó) và tốc độ tăng trưởng dài hạn là 3,0% (không thay đổi). Các giả định chính trong mô hình định giá của chúng tôi như sau:
- Lãi suất phi rủi ro tiêu chuẩn: 4,0% (không thay đổi).
- Phần bù rủi ro vốn CSH được điều chỉnh: 9,25%, gồm phần bù rủi ro vốn CSH tiêu chuẩn là 8,5% cộng với phần bù phụ trội là 0,75 điểm phần trăm (từ 1 điểm phần trăm trước đó).
Bảng 14: Tính toán dòng tiền tự do của doanh nghiệp, MCH
Bảng 15: Giả định & tính toán định giá, MCH
Lưu ý, trong báo cáo trước, chúng tôi áp dụng phần bù phụ trội là 1 điểm phần trăm, 0,5 điểm phần trăm cho mỗi yếu tố trong hai yếu tố sau: (1) cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, khiến nhiều quỹ không thể đầu tư, và (2) rủi ro liên quan đến các khoản cho vay cho các bên liên quan và tiền gửi, là những thông tin ít được công khai. Khoản cổ tức tiền mặt đặc biệt ở mức 16.800đ/cp sẽ giúp giảm bớt những rủi ro của yếu tố thứ hai trong ngắn hạn, trong khi việc sử dụng lượng tiền mặt lớn hơn trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn. Do đó, HSC đã giảm phần bù phụ trội liên quan đến yếu tố này từ 0,5 điểm phần trăm xuống 0,25 điểm phần trăm để phản ánh rủi ro đã giảm xuống.
- Beta: 0,74 (không thay đổi).
- Chi phí nợ trước thuế: 5,0% (không thay đổi).
- Tỷ trọng nợ giảm xuống mức 22% (từ 35% trước đó).
Bảng 16: Phân tích độ nhạy của giá mục tiêu, MCH
Biểu đồ 17: P/E trượt dự phóng 1 năm, MCH
Biểu đồ 18: Độ lệch chuẩn so với giá trị bình quân, MCH
Bối cảnh định giá
P/E trượt dự phóng: Cao hơn so với bình quân 3 năm
Ở mức giá hiện tại, MCH đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 17,9 lần, cao hơn 2,4 độ lệch chuẩn so với bình quân từ tháng 1/2019 ở mức 10,5 lần. Mặc dù có nền tảng cơ bản vững chắc nhưng sự quan tâm của NĐT đối với cổ phiếu này trước năm nay vẫn còn thấp, do đó, HSC cho rằng các hệ số trong quá khứ có thể không có nhiều ý nghĩa.
MCH so với các công ty cùng ngành trong khu vực
Trong bối cảnh khu vực, P/E dự phóng năm 2025 của Cổ phiếu MCH là 17,7 lần, thấp hơn 27% (từ mức 23% cách đây 6 tuần) so với bình quân của các công ty cùng ngành ở mức 24,6 lần; tuy nhiên, MCH có ROAE 3 năm mạnh hơn đáng kể, đạt 45%, so với bình quân của các công ty cùng ngành ở mức 28%.
Trong khi đó, so với các đối thủ trong nước tương đồng nhất là Vinamilk (VNM; Mua vào, giá mục tiêu 85.300đ) và Sabeco (SAB; Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu 69.600đ), HSC tin rằng mức định giá cao hơn của MCH là hợp lý nhờ quy mô thị trường mục tiêu lớn hơn của Công ty, tạo nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, cho phép Công ty dễ dàng đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, đồng thời giảm thiểu mối đe dọa từ các đối thủ quốc tế. Bên cạnh đó, HSC cho rằng những thế mạnh riêng của MCH, bao gồm năng lực đã được chứng minh trong việc cao cấp hóa thương hiệu, đổi mới sản phẩm, và mạng lưới phân phối rộng khắp và vững chắc nhất, giúp Công ty có vị thế tốt để tận dụng các xu hướng mang tính cấu trúc này (Bảng 19).
Bảng 19: Tại sao MCH xứng đáng được định giá ở mặt bằng cao hơn so với các công ty lớn trong nước?
Bảng 20: So sánh các công ty cùng ngành, MCH
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.