Sự kiện: Công bố KQKD Q4/NĐTC 2023-2024
HSG công bố KQKD Q4/NĐTC 2023-2024 đáng thất vọng. Do chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh cùng với tỷ suất lợi nhuận gộp giảm (ngoài ra còn có các khoản lỗ không thường xuyên), HSG ghi nhận lỗ thuần 186 tỷ đồng trong Q4/NĐTC 2023-2024 (so với lợi nhuận thuần 440 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận 273 tỷ đồng trong Q3/NĐTC 2023-2024).
Nếu loại trừ các khoản trích lập dự phòng và lãi tỷ giá trong quý, lỗ HĐKD cốt lõi sẽ ở mức 135 tỷ đồng (so với lợi nhuận 163 tỷ đồng trong Q4/NĐTC 2022- 2023 và 256 tỷ đồng trong Q3/NĐTC 2023-2024). Với kết quả trên, lợi nhuận thuần NĐTC 2023-2024 đạt 510 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận 30 tỷ đồng trong NĐTC 2022-2023 nhưng thấp hơn dự báo của HSC ở mức 747 tỷ đồng.
Doanh thu thuần vững chắc, nhờ sản lượng tiêu thụ có khả năng phục hồi tốt
HSG báo cáo doanh thu Q4/NĐTC 2023-2024 ở mức 10,1 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (nhưng giảm 7% so với quý trước), đa phần nhờ sản lượng tiêu thụ tăng.
Bảng 1: KQKD Q4/NĐTC 2023-2024, HSG
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), HSG bán tổng cộng 499.181 tấn thép trong quý (tăng 28% so với cùng kỳ nhưng giảm 3% so với quý trước) và 510.281 tấn sản phẩm (bao gồm thép và ống nhựa), tăng 29% so với cùng kỳ nhưng giảm 3% so với quý trước.
HSC ước tính giá bán bình quân Q4/NĐTC 2023-2024 giảm 2,4% so với cùng kỳ và 3,7% so với quý trước xuống 19,8 triệu đồng/tấn.
Với kết quả trên, doanh thu thuần NĐTC 2023-2024 của HSG đạt 39,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 24%, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 36% so với cùng kỳ lên 1.951.653 tấn.
…trong khi lợi nhuận thuần giảm mạnh do tỷ suất lợi nhuận thu hẹp
Tỷ suất lợi nhuận gộp Q4/NĐTC 2023-2024 của HSG chỉ ở mức 8,4%, giảm mạnh từ mức 12,3% trong Q3/NĐTC 2023-2024 và 13,3% trong Q4/NĐTC 2022-2023. Dưới đây là những nguyên nhân chính:
Giá bán bình quân giảm 2,4% so với cùng kỳ và giảm 3,7% so với quý trước do giá thép toàn cầu giảm, bị ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc trong tháng 7-8/2024.
HSG ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 122 tỷ đồng trong quý, so với hoàn nhập dự phòng 89 tỷ đồng trong Q4/NĐTC 2022-2023 và không trích lập dự phòng trong Q3/NĐTC 2023-2024.
Loại trừ các khoản trích lập dự phòng, tỷ suất lợi nhuận gộp HĐKD cốt lõi đạt 9,6% trong giai đoạn này, thấp hơn 260 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 270 điểm cơ bản so với quý trước do giá bán bình quân giảm.
Chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh 66% so với cùng kỳ và 3% so với quý trước lên 1.058 tỷ đồng trong Q4/NĐTC 2023-2024. Kết quả này cũng là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận thấp hơn dự báo. Chi phí vận chuyển trong hoạt động xuất khẩu tăng mạnh (tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 394 tỷ đồng) trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 32% so với cùng kỳ và chi phí nhân công tăng mạnh (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ do thưởng năng suất cao hơn so với cùng kỳ). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận thuần thấp hơn dự báo. Do đó, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng mạnh lên 10,5% trong giai đoạn này, tăng 270 điểm phần trăm so với cùng kỳ và 100 điểm phần trăm so với quý trước. HSG cũng ghi nhận lãi tỷ giá 72 tỷ đồng trong Q4/NĐTC 2023-2024, giảm 20% so với cùng kỳ.
Xem xét lại khuyến nghị và mục tiêu
HSC đang xem xét lại khuyến nghị, giá mục tiêu, và dự báo lợi nhuận.
Hiện tại, chúng tôi khuyến nghị Nắm giữ đối với Cổ phiếu HSG, và xem đây là cổ phiếu ít hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu ngành thép khác, đặc biệt trong thời gian giá HRC biến động. Chúng tôi ưa thích cổ phiếu HPG (Mua vào) ở giai đoạn này nhờ có triển vọng lợi nhuận tích cực và là đơn vị hưởng lợi chính của việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Biểu đồ 2: Tỷ suất lợi nhuận hàng quý, HSG
Bảng 3: Sản lượng tiêu thụ thép, HSG
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.