1. Nhận định thị trường:
VN-Index tăng trở lại 4,96 điểm (tương ứng 0,92%) lên mức 542,69 điểm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 113 triệu cổ phiếu, giảm nhẹ so với hai phiên trước.

Đồ thị VN-Index ngày 27/01/2016. Nguồn: Amibroker
Kết phiên, VN-Index tăng trở lại nhưng hình thành cây nến xanh ngắn thể hiện độ rộng thị trường không mạnh, nhưng thị trường đã tăng ngay từ đầu phiên tạo gap với phiên trước cho thấy sức mua cũng ổn định nhưng sự bứt phá của đường giá vẫn chưa đủ mạnh để vượt qua hẳn gap đã tạo ra sau phiên giao dịch ngày 18/01. Tuy nhiên, diễn biến đường giá vẫn đang hồi phục và tiến tới ngưỡng kháng cự cao hơn gần 560 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trong các phiên gần đây cũng đang được cải thiện mặc dù đường giá càng tăng thì khối lượng giao dịch giảm lại.
Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang duy trì được diễn biến tương đối tích cực trong ngắn hạn. Cụ thể, đường MACD đã chính thức cắt lên trên đường tín hiệu và chấm dứt xu hướng suy giảm của chỉ báo này, nếu chỉ báo này tiếp tục vượt lên trên ngưỡng 0 trong thời gian tới sẽ là một tín hiệu hỗ trợ tốt cho khả năng kết thúc xu hướng giảm của chỉ số. Đường STO tiếp tục tạo ra khoảng cách lên đến trên 20 điểm so với đường tín hiệu, trong khi đó các chỉ báo kỹ thuật khác (Momentum, RSI, W%R và MFI) vẫn đang nằm trong xu hướng tăng điểm.
Với những tín hiệu đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ duy trì đà tăng và thử thách vùng kháng cự 550-555 điểm (tương ứng với đường MA20 và EMA26 ngày) trong một vài phiên kế tiếp. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên, tuy nhiên mức độ rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên các nhịp rung lắc được xem là cơ hội để mua ở vùng giá thấp.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 516 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mở vị thế mua mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh nhẹ.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 27/01/2016:
VN-Index đóng cửa tăng 0.92% hôm nay với sự lan tỏa khởi đầu từ nhóm dầu khí. Dòng tiền vào thị trường tiếp tục yếu dần, độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá. Khối ngoại bán ròng phiên thứ năm liên tiếp với hơn 119 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -0.83% FTSE discount -1.2%.
Các thị trường phục hồi nhẹ hôm nay dù KLGD giảm nhẹ. Độ rộng thị trường mở rộng; đã có 45 mã tăng trần và 22 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN giảm và khối này bán ròng ở mức độ vừa phải. Thị trường giao dịch thỏa thuận kém sôi động với các giao dịch trung bình diễn ra ở các mã HNG; HAG và HRC.
Các thị trường tăng tốt hôm nay mặc dù GTGD vẫn dưới mức bình quân trong khi đó khối ngoại tiếp tục bán ròng. Các thị trường khu vực nói chung hôm nay tăng trong khi giá dầu ít biến động hơn mặc dù vẫn giảm nhẹ. Sự phục hồi của thị trường diễn ra vào đúng những ngày cuối cùng của Đại hội Đảng với những vấn đề quan trọng nhất hiện đã thảo luận xong và những vị trí chủ chốt đã được quyết định. Nói chung, quan điểm chung là chính sách từ trước sẽ vẫn được tiếp nối mà không có nhiều thay đổi lớn.
· Các mã ngân hàng diễn biến trái chiều và tăng. BID tiếp tục tăng mạnh trong khi đó CTG, STB và MBB đóng phiên tăng nhẹ. VCB và EIB giảm và ACB không đổi.
· Cổ phiếu các công ty chứng khoán tăng nhẹ. BVH đóng cửa tăng.
· Các mã tài nguyên tiếp tục có phiên giao dịch tốt dẫn đầu là GAS và PVD mặc dù các mã này đóng cửa bên dưới mức cao trong phiên do giá dầu thô giảm về cuối phiên giao dịch.
· VNM & FPT tăng trở lại. BMP cũng tăng.
· Các mã BĐS diễn biến trái chiều với VIC giảm. BCI & NLG đóng phiên tăng. HBC cũng có ngày giao dịch tốt dù CTD giảm.
· HAG giảm và HNG giảm mạnh trở lại do các yếu tố kỹ thuật
· HSG tiếp tục đà tăng gần đây. HPG cũng tăng.
Trên HSX, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên 105 tỷ đồng. VIC tiếp tục dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 1,7 triệu đơn vị. PVD cũng bị bán ròng trên 627 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, HPG dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 428 nghìn đơn vị. KBC, BHS, ITA và BID cũng được mua ròng nhẹ.
Trên HNX, khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng với khối lượng bán ròng đạt trên 13,7 tỷ đồng. AME dẫn đầu về khối lượng bán ròng với 660 nghìn đơn vị. PVS, PGS và PVI cũng bị bán ròng lần lượt hơn 525 nghìn, 105 nghìn và 101 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng nhẹ CEO với khối lượng trên 54 nghìn đơn vị.
VN-Index đóng cửa cao hơn nhiều mốc hỗ trợ với sự khởi sắc ở cả yếu tố trong nước và quốc tế. VN-Index vẫn dao động giữa vùng hỗ trợ mạnh (530-535) và vùng kháng cự (550-555) và đây có thể trở thành biên độ giao dịch ngắn hạn. Và với thực tế Tết Nguyên Đán đang đến gần, sự quan tâm của NĐT và sau đó là KLGD có thể bắt đầu giảm trong các phiên giao dịch cuối cùng của năm âm lịch.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
VCB: Lợi nhuận trước thuế 2015 cao hơn kì vọng. Triển vọng 2016 lạc quan hơn. Lặp lại đánh giá Khả quan.
Lợi nhuận trước thuế cao hơn kì vọng, tăng trưởng 16,8% so với 2014. Hoạt động kinh doanh cốt lõi tích cực với mức NIM cao hơn, các nguồn thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt, và tỷ lệ CIR thấp. LDR có tăng nhẹ khi mở rộng tín dụng vượt trội tăng trưởng huy động. Thu nhập trước dự phòng do đó tăng trưởng mạnh mẽ, đủ để bù lại mức tăng của chi phí hoạt động và chi phí dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,01% chủ yếu nhờ mức xử lý lớn bằng dự phòng. Lượng trái phiếu VAMC nắm giữ ở mức thấp. Xu hướng trích dự phòng sẽ chững lại từ 2016, theo đó lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh từ năm nay. Chuyên viên dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng khoảng 25%.
Lợi nhuận trước thuế 2015 chưa kiểm toán tăng 16,8% so với 2014 – Vietcombank Vietcombank (VCB – Khả quan) ghi nhận kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 6.828,5 tỷ đồng, tăng 16,8%, vượt kế hoạch của ngân hàng khoảng 15,7% và vượt 4,7% so với mức dự báo của chuyên viên. Chuyên viên nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ ở tất cả các hạng mục thu nhập,, giúp tổng thu nhập hoạt động tăng 22,6% so với 2014, đủ bù lại mức tăng 32,2% của chi phí dự phòng và 21,1% của chi phí hoạt động. Do vậy, lợi nhuận đạt mức cao hơn so với năm trước đó.
Kết quả quý 4 cao hơn mong đợi, giúp lợi nhuận cả năm tăng khoảng 16,8% – Lợi nhuận trước thuế quý 4 tăng 31% so với cùng kỳ 2014 khi NIM đạt mức đỉnh 2 năm vào khoảng 2,92% (tăng 0,36% so với cùng kỳ). NIM cao cùng với tín dụng khả quan (tăng 8,6% so với quý 3), giúp thu nhập lãi thuần trong Q4 tăng 34% y/y. Mặc dù chuyên viên nhận thấy một vài suy giảm trong các nguồn thu nhập ngoài lãi (giảm 11,7% so với cùng kì) cũng như mức tăng mạnh của chi phí dự phòng (tăng 25,2% so với cùng kỳ).
Cho cả năm 2015, tổng tài sản sinh lãi đã tăng 16,1% với tỷ trọng cao hơn của cho vay khách hàng, đầu tư trái phiếu cùng với mức giảm của hoạt động liên ngân hàng – Vào cuối 2015, cho vay khách hàng chiếm 61,2% của tài sản sinh lãi, so với mức 59,4% của năm 2014. Đầu tư trái phiếu có tỷ trọng 18,1%, cao hơn nhiều con số 13,8% của năm 2014. Trong khi đó, cho vay và tiền gửi liên ngân hàng giảm tỷ trọng xuống còn 20,7% từ 26,8% vào cuối 2014. Trong từng lớp tài sản, chúng tôi cũng nhận thấy sự chuyển dịch về hướng các khoản mục có lợi suất cao hơn.
Lặp lại đánh giá KHẢ QUAN với lợi thế đầu ngành ngân hàng – VCB vẫn là lựa chọn đầu tiên của chuyên viên trong ngành ngân hàng với mảng kinh doanh chủ chốt mạnh, chi phí huy động thấp nhất, chất lượng tài sản vượt trội và cơ cấu doanh thu linh hoạt. Và với khả năng tốc độ tăng dự phòng sẽ chậm lại trong thời gian tới (khác với diễn biến chung của các ngân hàng khác), chuyên viên dự báo tốc độ tăng trưởng LNTT của ngân hàng có thể tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới. Đề xuất tăng 10% vốn Cấp 1 sẽ dẫn đến tác động pha loãng, tuy nhiên trong cả bối cảnh, đây không phải là lo ngại lớn. Và không giống những ngân hàng khác, VCB sẽ dễ dàng chuyển đổi sang các quy định của Basel II. Và với giá cổ phiếu hiện tại, cổ phiếu VCB hiện giao dịch với P/B dự phóng là 1,95 lần, thấp hơn môt chút so với mức P/B bình quân 7 năm là 2,05 lần. Lặp lại đánh giá Khả quan.
—————————-
PGS: Triển vọng năm 2016 cùng câu chuyện thoái vốn tại CNG
Trong năm 2015, PGS duy trì được sản lượng ~235.000 tấn LPG (tương đương cùng kỳ) và ~88 triệu m3 CNG (+3,88% so với cùng kỳ), mặc dù vậy, KQKD của công ty không đạt được những bước tiến khả quan do áp lực giảm giá đầu ra của thị trường dầu khí nói chung. Tính chung cả năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng âm với lần lượt 5.952,76 tỷ đồng (-21,04% yoy) và 112,89 tỷ đồng (-17,40% yoy).
Dù đang kinh doanh trong thị trường giá xuống, kinh nghiệm trong mảng LPG và cơ chế giá khí mới đối với mảng CNG giúp biên lợi nhuận của PGS trong năm 2015 có sự cải thiện lên ~19,02% so với mức 15,34% trong năm 2014. Tuy nhiên, giá bán giảm mạnh khiến cho doanh thu của công ty bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi các khoản chi phí bán hàng và quản lý đều tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty cũng chịu thuế suất TNDN cao trong năm 2015 do phần sản lượng CNG vượt mức được ưu đãi thuế của các năm trước chưa được khấu trừ toàn bộ. Đồng thời, PGS cũng chấm dứt hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với mảng CNG trong năm 2015.
Triển vọng ngắn hạn: không nhiều điểm sáng
Nhìn về triển vọng trong thời gian tới, mảng CNG của Công ty được kì vọng có hai yếu tố giúp giảm bớt tác động tiêu cực giá dầu: (1) Samsung CE chính thức hoạt động và nhận khí vào năm 2016 và (2) cơ chế giá khí mới đến từ tập đoàn nhằm giúp biên lợi nhuận được duy trì ổn định. Theo chia sẻ từ PGS, Samsung CE mới bắt đầu hoàn thành bộ chuyển đổi sử dụng khí vào cuối năm vừa qua và hoãn thời gian nhận khí đến cuối Q12016. Mặc dù vậy, với mức sản lượng dự kiến tăng thêm ~15 triệu m3 khí CNG trong năm 2016, đây có thể là nguồn thu bù đắp cho sự sụt giảm về giá bán. Ngoài ra, cơ chế giá khí trong năm 2015 được nhận định có mức điều chỉnh chiết khấu tối thiểu chỉ đến ~45 USD/thùngđang là điểm bất lợi đối với doanh nghiệp. Do đó, Công ty đang đề xuất GAS thêm bậc cho cơ chế tính giá khí để hỗ trợ trước tình hình giá dầu hiện nay (giá Brent đang giao dịch ở mức ~30$/thùng).
Với tỷ lệ sở hữu 55,20%, tương đương xấp xỉ 14,9 triệu cổ phiếu, trên giả định giá thoái vốn tại CNG VN tại mức 32.000 đồng/cp (giá giao dịch bình quân 3 tháng gần nhất), ước tính số tiền thu về ~477 tỷ đồng. Theo nghị quyết HĐQT, hình thức thoái vốn có thể là giao dịch thỏa thuận và dự kiến được thực hiện trước ngày 30/04/2016. Trong năm 2016, doanh nghiệp chia sẻ chưa có kế hoạch đầu tư mới nào quan trọng, do đó, chuyên viên kỳ vọng PGS có thể chia lại lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn khỏi CNG VN cho cổ đông. Về dài hạn, nhà đầu tư cần lưu ý khả năng tăng trưởng của PGS sẽ vẫn đối mặt với những khó khăn như đã nêu ở phần trên.
—————————-
DHG: Chuyên viên nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN vì các lý do sau:
Việc cắt giảm các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi để tập trung vào tái cơ cấu đội ngũ bán hàng khiến LNST 2015 cao hơn so với dự báo. Doanh thu thuần năm 2015 giảm 7,8%, phù hợp với dự báo của Chuyên viên, nhưng LNST lại tăng 10,7% và vượt 8% dự báo. Lý do là biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 19,3%, cao hơn so với dự báo của Chuyên viên là 18,0%. Chuyên viên cho rằng kết quả này là nhờ việc giảm các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi để tập trung vào tái cơ cấu đội ngũ bán hàng, nhằm phục vụ các khách hàng nhỏ tốt hơn (đóng góp 20% doanh thu).
Doanh thu từ hàng sản xuất phục hồi từ mức thấp sẽ hỗ trợ KQLN 2016. Chuyên viên điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng doanh thu từ hàng sản xuất lên +15%, từ mức +6,3% trước đây. Lý do của việc điều chỉnh là: (1) Việc DHG nỗ lực đẩy mạnh doanh thu từ các khách hàng nhỏ nhưng chưa được khai thác tốt sẽ mang lại kết quả trong năm 2016; và (2) Doanh thu từ các khách hàng lớn phục hồi sau từ mức thấp của năm 2015. Vì vậy, Chuyên viên điều chỉnh tăng 19,1% dự báo LNST 2016. Tuy nhiên, doanh thu 2016 được điều chỉnh giảm 7,4% so với báo cáo trước do thay đổi cách hạch toán đối với hàng khuyến mãi, khiến doanh thu từ phân phối giảm 39%, nhưng lợi nhuận sẽ không bị ảnh hưởng.
Chuyên viên lo ngại về việc DHG không có chiến lược rõ ràng để đối phó với tình trạng cạnh tranh tại kênh OTC ngày càng gay gắt. Chuyên viên cho rằng việc tái cơ cấu đội ngũ bán hàng phải là giải pháp trong trung hạn, vì cạnh tranh tại kênh OTC (chiếm 90% doanh thu của DHG) ngày càng trở nên gay gắt do các doanh nghiệp dược trong nước chuyển sang OTC nhiều hơn vì Thông tư 1. Ban lãnh đạo vẫn chưa đưa ra kế hoạch nào thuyết phục để đối phó với việc này và lợi thế cạnh tranh là mạng lưới phân phối có thể yếu đi khi các đối thủ tích cực mở rộng sự hiện diện của mình tại kênh OTC.
Điều chỉnh tăng giá mục tiêu vì dự báo lợi nhuận tăng. Giá mục tiêu tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền của Chuyên viên cao hơn, nhưng phần nào cũng bị ảnh hưởng do việc điều chỉnh lãi suất phi rủi ro từ 5,5% lên 6,5% để phản ánh lợi suất trái phiếu Chính phủ hiện nay, và điều chỉnh phần bù rủi ro từ 7,5% lên 8%. Việc Chuyên viên đưa vào định giá PER tương đối (hệ số 20%) cũng khiến giá mục tiêu tăng.
Định giá hấp dẫn so với các công ty cùng ngành. Sau khi giá cổ phiếu giảm khoảng 30% kể từ cuối năm 2014, DHG hiện đang giao dịch tại mức PER 2016 là 9,2 lần, mức mà Chuyên viên cho rằng là khá thấp so với mức trung bình 12,1 lần của các doanh nghiệp dược khác trong nước như TRA và IMP, vì DHG vị thế dẫn đầu trên thị trường, tăng trưởng EPS cao, và lợi suất cổ tức đạt 4,8%.
—————————-
KHA: Năm 2015 lãi ròng 80,4 tỷ đồng Trong đó, riêng quý IV góp 56,7 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2014. TCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 với 434,73 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp nhiều lần so với con số 50,2 tỷ đồng ở cùng kỳ năm 2014. Lãi gộp theo đó cũng có mức tăng gấp đôi khi đạt 75,7 tỷ đồng. Giảm trừ các chi phí liên quan, lãi ròng quý IV của KHA đạt 56,7 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2014. KHA cho biết, trong quý IV công ty có phát sinh doanh thu từ việc chuyển nhượng dự án 56 Bến Vân Đồn, Quận 4, Tp.HCM phần còn lại;Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 70% do có lãi tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại các ngân hàng và cổ tức từ các khoản đầu tư tăng so với cùng kỳ. Hết năm 2015, KHA đạt 460 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ và lãi ròng đạt 80,4 tỷ đồng, tăng gần 17%.
—————————-
SVC: Lãi ròng quý IV tăng gần 43% so với cùng kỳ CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015. Quý IV, doanh thu thuần của SVC đạt 3.125,9 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng vượt doanh thu nên lãi gộp quay đầu giảm nhẹ gần 4% còn 145,35 tỷ đồng. Trong kỳ công ty có khoản lãi thanh lý từ các khoản đầu tư nên doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt từ 2,9 tỷ đồng lên 48,4 tỷ đồng trong khi đó chi phí tài chính lại giảm nhẹ mặc dù không nhiều. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phải trả trong quý cũng tăng lần lượt 25,5% và 16%. Giảm trừ các chi phí liên quan khác, lãi ròng quý IV của SVC đạt 26,6 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Kết thúc năm 2015 công ty lãi sau thuế 99 tỷ đồng, tăng 89% so với năm 2014 và vượt mức kế hoạch 60 tỷ đồng lợi nhuận mà đại hội đã thông qua.
—————————-
BAM: Doanh thu bằng 0, cả năm 2015 lỗ 5 tỷ
Lũy kế cả năm 2015, doanh thu 0 đồng, giảm mạnh so với 126.6 tỷ đem về năm 2014. Trong khi khoản chi phí lãi vay vẫn phải gánh lên đến 3.8 tỷ và chi phí quản lý 1.2 tỷ. Do đó, Công ty bị lỗ tổng cộng gần 5 tỷ (trong khi 2014 lãi 17 tỷ).
—————————-
VHL: Giá vốn hàng bán giảm, lãi ròng quý 4 tăng 43% cùng kỳ
Tổng kết cả năm 2015, tổng doanh thu của công ty đạt gần 1,562 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với kết quả năm 2014 và vượt nhẹ kế hoạch cả năm (1,558 tỷ đồng). Theo đó, nhờ cắt giảm được chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp, lãi trước thuế của VHL được đẩy lên 21% so với thực hiện năm trước, đạt hơn 129 tỷ đồng và vượt chỉ tiêu hơn 2%.
—————————-
VST: Lãi ròng quý 4 hơn 28 tỷ đồng sau 15 quý chịu lỗ
Không tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính nhưng nhờ vào sự biến đổi tích cực từ các yếu tố khác đã góp phần giúp cho lợi nhuận sau thuế quý 4/2015 của VST đạt 28 tỷ đồng, so với kết quả lỗ ròng 279 tỷ đồng như cùng kỳ năm 2014.
—————————-
ITC: Lãi hợp nhất quý 4 giảm một nửa so cùng kỳ
Doanh thu thuần công ty đạt được giảm so với cùng kỳ nhưng giá vốn lại tăng cao hơn. Điều này khiến lãi ròng của ITC đạt được chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy tính đến cuối năm 2015 thì ITC còn lỗ lũy kế hơn 224 tỷ đồng.
—————————-
PTL: Quý 4 lãi hơn 47 tỷ đồng nhờ bàn giao dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú
PTL đạt doanh thu gần 507 tỷ đồng trong năm 2015 và lãi ròng hơn 6 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 và gấp 2 so với kết quả năm 2014.
—————————-
SHN: Lãi ròng 330 tỷ đồng trong năm 2015
Doanh thu tài chính tăng đột biến của SHN trong Q4 giúp SHN lãi quý 4 tăng vọt lên gần 269 tỷ đồng. Cả năm SHN ghi nhận doanh thu 94,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 329,74 tỷ đồng.
—————————-
PVT: Lãi ròng công ty mẹ 2015 hơn 300 tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2015, Công ty mẹ PVT báo lãi hơn 300 tỷ, tăng 25% so với 2014 nhờ bổ sung doanh thu kho nổi và trích lập dự phòng đầu tư vào công ty con.
—————————-
HLD: Không có lãi khác đột biến, lãi ròng quý 4 giảm 66% cùng kỳ
Doanh thu đạt 88 tỷ giảm mạnh hơn 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 34 tỷ đồng giảm gần 30%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý ghi nhận ở mức 13.2 tỷ, lãi sau thuế HLD chỉ đạt gần 18 tỷ, giảm 66% cùng kỳ. Nguyên nhân là do không có khoản lợi nhuận khác đột biến gần 30 tỷ.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Theo thống nhất của các nhà Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định TPP, Lễ ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được diễn ra vào ngày thứ Năm, tức là ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand. Lễ ký kết này được coi là chính thức đánh dấu sự kết thúc tiến trình đàm phán giữa 12 nước thành viên kéo dài từ đầu năm 2008 và là bước khởi đầu cho các nước thực hiện tiến trình vận động để TPP được thông qua tại quốc hội từng nước. Các nước sẽ có thời hạn kéo dài 2 năm để thực hiện cuộc vận động này trước khi TPP chính thức được xem xét để có hiệu lực. Hiệp định trên được nếu có hiệu lực sẽ giúp lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở các ngành dệt may, da dày… hay các ngành hưởng lợi gián tiếp như khu công nghiệp, vận tải biển…
—————————-
Theo Reuters, FED nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động mạnh. Khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới diễn ra vào tháng 3 mặc dù không được đánh giá cao nhưng vẫn đang được bỏ ngỏ. Trong 1 cuộc trưng cầu í kiến các nhà phân tích, cả 69 người được hỏi đều cho rằng FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất 0,25%-0,5% sau cuộc họp 2 ngày. Kết quả sẽ được công bố vào 1900 GMT tức 2h sáng giờ Việt Nam. Với việc kỳ họp Đại Hội Đảng ở Việt Nam đang dần đi đến kết thúc, FED không tăng lãi suất, tâm lý nhà đầu tư trong nước ổn định trở lại có thể giúp diễn biến thị trường tích cực hơn trong thời gian tới.
————————–
Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư: Theo thông tin trên trang thông tin chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI Nguyễn Phú Trọng đã được Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khóa XII diễn ra sáng ngày 27-1 bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
————————–
Nguồn vốn FDI đổ mạnh vào lĩnh vực chế biến, chế tạo trong tháng đầu năm: Trong tháng 1 năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,334 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 905,14 triệu USD, chiếm đến 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1. Dòng vốn nước ngoài bắt đầu có dấu hiệu gia tăng ngay trong tháng đầu năm cho thấy xu hướng đón đầu của dòng vốn ngoại nhằm tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (28/01/2016):
PDN: Trả cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2015, 1.000đồng/cp
QBS: Tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, 500đồng/cp
TMS: Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2016
DBT: Tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1.000đồng/cp
STC: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016; Tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1.300đồng/cp
VC7: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 28/01/2016 VHL HNX ĐHĐCĐ thường niên năm 2016
————————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net