1. Nhận định thị trường:
Tiếp tục là đóng cửa với sắc đỏ, VN-Index đánh mất 7,56 điểm lùi về mức 521,88 điểm cùng với 139,64 triệu cổ phiếu được khớp.

Đồ thị VN-Index ngày 21/01/2016. Nguồn: Amibroker
Nến đỏ hình thành với độ dao động rộng, đóng cửa ở mức gần thấp nhất kèm theo khối lượng gia tăng hơn mức bình quân cho thấy áp lực bán vẫn đang rất mạnh và chưa có tín hiệu suy giảm. Đà giảm mạnh tái diễn đã khiến chỉ số nhanh chóng thoái lui về sát ngưỡng hỗ trợ 520 điểm và đồng thời xóa bỏ hoàn toàn tín hiệu tích cực của Bullish marubozu xuất hiện phiên 20/01. VN-Index giảm hai phiên liên tiếp đã lấy đi toàn bộ nỗ lực hồi phục ở ngày giao dịch 19/01, hiện tại chỉ số đang kiểm tra lại vùng hỗ trợ 520 điểm tương ứng với khá nhiều mức đáy đã thiết lập trước đó và đây cũng là điểm rơi cho mô hình giảm giá tiếp diễn, do vậy khả năng VN-Index sẽ sớm lấy lại trạng thái cân bằng ở mức này trong các phiên giao dịch tới.
Đa phần các chỉ báo xung lực đều cho tín hiệu quá bán và trạng thái xu hướng giảm của đường giá vẫn đang hiện diện. Các chỉ báo kỹ thuật quan trọng tiếp tục tiến sâu hơn vào khu vực quá bán trong ngắn hạn như MACD, RSI, STO…Tuy nhiên, do Stochastic Oscillator đang ở khá gần với mức giá trị cực tiểu nên rủi ro của những phiên giảm mạnh liên tục là không lớn, đặc biệt là khi đường giá của VN-Index một lần nữa vượt ra ngoài cận dưới của bollinger bands.
Đánh giá về khả năng hỗ trợ, mốc 520 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ chính đối với VN-Index trong phiên ngày mai 22/01. Dựa trên kênh xu hướng hồi quy 3 tháng, mức hỗ trợ này được đánh giá là khá mạnh khi có sự hiện diện của đường biên dưới của kênh giá hồi quy và khu vực đáy cũ vào Tháng 8/2015. Do đó, khả năng xuất hiện phiên hồi phục kỹ thuật là vẫn còn nếu như khu vực 520 được giữ vững. Trong trường hợp bi quan hơn, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 513 điểm sẽ đóng vai trò như lực đỡ cuối cùng trong kịch bản cảnh báo về sự đổ vỡ của xu hướng thị trường trung – dài hạn.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng phiên 22/01/2016 sẽ là phiên quan trọng để xác nhận nhịp hồi phục bền vững hơn và dự báo đây có thể sẽ là phiên hồi phục với các yếu tố sau:
– Khối lượng giao dịch tăng trở lại, đảo ngược xu hướng giảm của hai phiên gần đây, cho thấy lực cầu giá thấp vẫn đang hiện diện, là yếu tố được kỳ vọng có thể giúp VN-Index trụ được ở vùng hỗ trợ này.
– Số lượng cổ phiếu có dấu hiệu đảo chiều gia tăng trên cả hai sàn cho nên chỉ số khó có thể giảm thêm.
– Điểm sáng trong phiên giao dịch hôm nay là đáy thấp nhất 515 – 520 vẫn chưa bị phá vỡ. Bỏ qua những diễn biến chung của thị trường, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp đang công bố KQKD Q4 2015. Trong bối cảnh giá cổ phiếu chủ yếu bị tác động bởi những yếu tố tâm lý thị trường thì đây lại là thời điểm tốt để tìm kiếm những cơ hội riêng lẻ ở những cổ phiếu có cơ bản và triển vọng kinh doanh năm 2016. Dòng tiền đang có sự phân hóa mạnh và không hề chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các cổ phiếu chịu áp lực giải chấp mạnh.
– Nhóm chỉ báo dao động đã về lại trạng thái quá bán, đồng thời đang có tín hiệu tạo phân kỳ dương với đường giá trong vùng này trong bối cảnh đường giá đang dao động quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh SMA200 trên đồ thị tuần.
– Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ quay lại chu kỳ hồi phục sau khi chạm mức hỗ trợ mạnh 1820 điểm của chỉ số S&P500.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 544 điểm cho nên điểm mua an toàn vẫn chưa được hình thành. Do đó, nếu các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể tận dụng cơ hội giảm điểm để mua vào vùng giá thấp. Đồng thời, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 21/01/2016:
Áp lực bán trên các blue-chips và các cổ phiếu lớn đẩy VN-Index tiếp tục giảm 1.43% phiên hôm nay. Thị trường giảm khá mạnh tuy nhiên thanh khoản cải thiện không nhiều, độ rộng thị trường thu hẹp. Khối ngoại bán ròng hơn hơn 105 tỉ đồng trên cả hai sàn và khối này bán ròng mạnh VIC với hơn 43 tỉ đồng, VNM ETF discount -2.56% FTSE discount -1.79%.
VN-Index:
Áp lực điều chỉnh đồng loạt về cuối phiên khiến VN-Index lùi về sát mốc 520 điểm trong phiên hôm nay. Khối lượng khớp lệnh bật tăng, đạt gần 140 triệu đơn vị. Độ rộng thị trường tiếp tục ở mức tiêu cực với 170 mã giảm và 53 mã tăng giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sau khi trụ vững trong phiên sáng đã giảm mạnh trở lại trong phiên chiều: GAS (700), PVD (-1.100), PXS giảm sàn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có nhịp điều khá mạnh: BID giảm sàn, VCB (-600), CTG (-500), STB (-300), MBB (-100).
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục giao dịch tiêu cực: FIT, FLC, HAG, BGM cùng giảm sàn. Trong rổ VN-30 có tới 24 mã giảm trong khi chỉ có 2 mã tăng nhẹ là HPG (+300) và VIC (+400). Những mã giảm mạnh có thể kể đến như: BVH (-700), HSG (-1.800), VNM (-1.000), GMD (-600), HCM (-600).
Chốt phiên, VN-Index giảm 7,56 điểm, xuống còn 521,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 150 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 1.866 tỷ đồng.
HNX-Index:
Giao dịch trên HNX cũng diễn ra không mấy sáng sủa. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm sâu trong khi các nhóm cổ phiếu khác cũng hoạt động thiếu tích cực khiến HNX-Index tiếp tục mất 1,19% phiên hôm nay.
Nhóm cổ phiếu dầu khí có phiên giao dịch ảm đạm: PVB giảm sàn, PVC (-300), PVS (-800), PLC may mắn giữ được mốc tham chiếu. Nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt điều chỉnh: CEO (-200), NDN (-500), VCG (-400), SCR (-100). Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch không mấy khả quan: VND (+100), BVS (-300), SHS (300), TIG (-100), KLS (-100).
Nhóm cổ phiếu trong rổ HNX-30 cũng giao dịch thiếu tích cực với 19 mã giảm trong khi chỉ có 4 mã tăng giá. AAA là điểm sáng hiếm hoi trong nhóm khi bật tăng 1.000 đồng, đi ngược lại xu hướng chung của thị trường.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,88 điểm, xuống 73,06 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt trên 37,3 triệu đơn vị, tăng nhẹ 6,8% so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 43,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 387 tỷ đồng.
Giao dịch Khối ngoại
Trên HSX, khối ngoại bán ròng khá mạnh, giá trị bán ròng đạt trên 95,6 tỷ đồng. VIC dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 902 nghìn đơn vị.
Trên HSX, khối ngoại bán ròng khá mạnh, giá trị bán ròng đạt trên 95,6 tỷ đồng. VIC dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 902 nghìn đơn vị. HPG và HSG cũng bị bán ròng lần lượt hơn 769 nghìn và 605 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, SSI dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 564 nghìn đơn vị. JVC cũng bất ngờ được mua ròng 489 nghìn đơn vị phiên.
Trên HNX, Khối ngoại cũng bán ròng gần 9,7 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 1 triệu đơn vị. VCG, SHB và BAM cũng bị bán ròng nhẹ lần lượt hơn 177 nghìn, 117 nghìn và 104 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, KLS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 164 nghìn đơn vị. PVC, BCC và PVB cũng được khối ngoại mua ròng nhẹ.
Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh đồng loạt sau phiên Bulltrap ngày 20/1. Những diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán Châu Á sau phiên bán tháo mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 20/1 tiếp tục là yếu tố chủ đạo khiến thị trường chứng khoán Việt Nam suy yếu. Chỉ số S&P 500 giảm 1,2%, xuống mức thấp nhất trong 21 tháng. Trước đó chỉ số này đã có lúc giảm tới 3,7%, tức là mức sâu nhất kể từ đợt bán tháo hồi tháng 8/2014. Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất các thị trường chủ chốt của Châu Á trong phiên hôm nay. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa giảm 3,2% xuống 2.880,8 điểm. Chứng khoán Nhật Bản cũng tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm mạnh 2,43% sau khi mất 3,7% trong phiên trước đó. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tiếp tục mất 1,43%, lùi sát về mốc hỗ trợ 520 điểm với tâm điểm của lực bán về cuối phiên tập trung chủ yếu vào nhóm các mã lớn thuộc các ngành dầu khí và ngân hàng. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước cho thấy lực cầu bắt đáy tiếp tục cải thiện nhưng cũng cho thấy áp lực bán vẫn đang diễn ra rất mạnh.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
DHG: LNST 2015 vượt dự báo 8% nhờ biên LN từ HĐKD (EBIT) cao hơn dự báo. Doanh thu 2015 đạt 3.909 tỷ đồng (-8% so với năm 2014)
Tuy nhiên, biên LN từ HĐKD (EBIT) tăng 1,1 điểm phần trăm đạt 19,7%; xuất phát từ việc giảm các hoạt động khuyến mãi và quảng cáo trong năm 2015 để tập trung vào tái cơ cấu lực lượng bán hàng. Việc tái cơ cấu lực lượng bán hàng bao gồm đào tạo chuyên sâu và chính sách giám sát chặt chẽ hơn, cũng như thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các khách hàng nhỏ, nhằm thúc đẩy doanh số của nhóm này trong khi các khách hàng lớn giải quyết hàng vấn đề hàng tồn kho.
Nhờ vào lợi ích thuế cho nhà máy mới, thuế suất thực tế năm 2015 giảm còn 15,6% từ mức 26,1% năm 2014. Do đó, lợi nhuận ròng sau thuế (LNST) năm 2015 đạt 590 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2014). Trong năm 2016, sẽ vẫn giữ nguyên giả định doanh thu nhưng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo EPS. Với mức giá đóng cửa hôm nay, DHG đang giao dịch với PER 2016 là 10,5 lần, so với mức trung bình 10,9 lần của hai công ty cùng ngành trong nước (TRA và IMP).
——————–
HT1: KQKD phù hợp với dự báo nhưng khối lượng hàng bán vá giá bán trung bình làm giảm KQKD. Lợi nhuận ròng sau thuế của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) năm 2015 đạt 753 tỷ đồng, tăng 147% so với năm 2014, trong đó 46 tỷ đồng đến từ lãi tỷ giá, tương ứng với mức LNST cốt lõi 707 tỷ đồng, khá gần với dự báo 742 tỷ đồng của chúng tôi. Mức LNST này cao hơn 2,6 lần kế hoạch của ban lãnh đạo trong năm 2015. Mức chênh lệch nhẹ so với dự báo không đến từ sụt giảm biên LN gộp, mà do chi phí Bán hàng, Hành chính và Quản lý. Biên EBITDA năm 2015 đạt 25,7%.
HT1 ghi nhận mức LNST quý 4/2015 218 tỷ đồng, tăng 0,4% so với quý 4/2014, nhưng nếu loại trừ ảnh hưởng từ khoản lãi tỷ giá, LNST quý 4/2015 cao hơn 18% so với năm ngoái, do lãi tỷ giá quý 4/2014 đạt 93 tỷ đồng, cao hơn 40 tỷ đồng so với con số năm nay.
Chỉ tính trong quý 4, HT1 đã bán hơn 1,5 triệu tấn xi măng, tăng 13% so với năm ngoái. Trong năm 2015, doanh số xi măng của HT1 đạt 5,7 triệu tấn (so với con số 5,8 triệu theo dự báo), tăng 17% so với 2014, và vượt 108% so với con số 5,3 triệu tấn theo kế hoạch của ban lãnh đạo.
Doanh thu HT1 năm 2015 đạt 7.608 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014 và đạt 106% kế hoạch. Với mức giá đóng cửa hôm nay, HT1 đang giao dịch với PER 10,3 lần trong năm 2016 (có điều chỉnh theo quỹ khen thưởng, phúc lợi).
——————–
STK: KQLN Quý 4 gây thất vọng. CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) công bố KQLN 2015 chưa kiểm toán với doanh thu đạt 1.035 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2014, và LNST đạt 72 tỷ đồng, giảm 32% so với năm ngoái.
Doanh thu giảm vì một số yếu tố như: (1) Khách hàng tiếp tục tạm ngưng đặt hàng để tận dụng cơ hội giá dầu giảm tiếp; (2) Các doanh nghiệp sản xuất sợi Trung Quốc bắt đầu bán phá giá sản phẩm do nhu cầu giảm sau khi một số nhà máy dệt may tại nước này bị đóng cửa gần đây do những quy định nghiêm ngặt của chính phủ nước này về vấn đề bảo vệ môi trường; (3) Các khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng ít hơn trong Quý 4 do chờ đợi kết quả điều tra thuế bán phá giá hồi tố đối với sợi nhập khẩu từ Việt Nam. Các yếu tố này đã khiến doanh thu Quý 4/2015 giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. LNST cũng bị ảnh hưởng do 1,5 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong quý 4, nâng mức lỗ tỷ giá chưa ghi nhận cho cả năm lên khoảng 33 tỷ đồng, nguyên nhân là do đồng VND mất giá 6% so với đồng USD.
Khả năng trong Quý 1/2016, STK sẽ đạt kết quả cao hơn vì khách hàng sẽ đặt hàng trở lại. Tuy giá dầu tiếp tục giảm nhưng khách hàng không thể ngưng đặt hàng lâu hơn nữa vì các doanh nghiệp dệt may phải chuẩn bị sản phẩm cho bộ sưu tập mùa xuân sắp tới.
Theo giá đóng cửa hôm nay 29.900VND, STK hiện đang giao dịch tại mức PER 10 lần EPS dự phóng 2016 đưa ra là 2.996VND.
——————–
DPR: Năm 2015, lợi nhuận vượt gần 20% kế hoạch Quý IV/2015, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR – HOSE) đạt 371,8 tỷ đồng doanh thu và 72,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. CTCP Cao su Đồng Phú (DPR-HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính Công ty mẹ quý IV/2015. Theo đó, quý IV/2015, doanh thu thuần DPR đạt 371,8 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 72,2 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 250%. Lũy kế cả năm 2015, DPR đạt 698,7 tỷ đồng doanh thu và 185,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 21,8% và 29% so với cùng kỳ 2014. Với kết quả này, Công ty vẫn hoàn thành vượt 19,6% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015. Được biết, năm 2015, dự kiến giá cao su tiếp tục giảm sâu, DPR đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 155 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với thực hiện năm 2014.
——————–
PTB: Vốn 144 tỷ, lãi trước thuế 2015 đạt gần 219 tỷ, tăng 61% năm trước Mặc dù kết quả kinh doanh vượt trội so với năm 2014, sang năm 2016 công ty tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm 2015 với doanh thu đạt 3.380 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng tăng lần lượt 12,67% và 5% so với thực hiện 2015. CTCP Phú Tài (PTB) công bố kết quả kinh doanh năm 2015 của công ty với doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm và tăng 24% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt gần 219 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch năm và tăng 61% so với năm trước. Mặc dù kết quả kih doanh vượt trội so với năm 2014, sang năm 2016 công ty tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm 2015 với doanh thu đạt 3.380 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng tăng lần lượt 12,67% và 5% so với thực hiện 2015. HĐQT PTB vừa thông qua nghị quyết chào bán cổ phiếu theo tỷ lệ 5:1 giá 10.000 đồng/cp (hiện giá cổ phiếu PTB trên thị trường là 78.000 đồng/cp).
——————–
SSI: Nhờ bán 10% cổ phần ELC, SSI lãi 200 tỷ quý IV/2015
Trong quý 4/2015 doanh thu của SSI đạt hơn 382 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ năm trước nhờ bán một phần khoản đầu tư vào ELC. Lũy kế cả năm doanh thu của SSI đạt gần 1.500 tỷ, LNTT của SSI đạt gần 1.200 tỷ, tăng 31% cùng kỳ năm trước, LNST đạt 966,6 tỷ, tăng 30% năm 2014.
——————–
VND: Đẩy mạnh nguồn thu khác, lãi ròng quý 4 tăng trưởng 64%
Tính cả năm 2015, doanh thu của VND tăng 23%, đạt 534 tỷ đồng, lãi ròng đạt 182 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014, hoàn thành 91% kế hoạch năm.
——————–
HCM: Công ty CPCK TPHCM – HSC – Năm 2015 lãi 213 tỷ đồng, chỉ đạt 66% kế hoạch
Tính chung cả năm 2015, HSC đạt doanh thu thuần 591 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 đạt 213,3 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2014, tương đương 66% kế hoạch năm.
——————–
KLS: Trích lập dự phòng chứng khoán cao, lỗ 68 tỷ trong năm 2015
Tính cả năm 2015, doanh thu của đơn vị giảm mạnh 26% so với năm trước, đạt 170 tỷ đồng, lãi ròng âm 68 tỷ đồng nguyên nhân là do công ty phải trích lập thêm khoản dự phòng giảm giá chứng khoán.
——————–
VDS: Năm 2015, lãi ròng đạt 21 tỷ đồng
Tổng kết cả năm 2015, doanh thu của VDS đạt 126 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước, Lãi ròng trong năm 21 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với năm 2014, chỉ hoàn thành 27% kế hoạch năm.
——————–
CSM: Casumina Lãi trước thuế 371,5 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm 2015
Lũy kế năm 2015, Casumina đạt doanh thu thuần 3.636,17 tỷ đồng, tăng 14%; Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 371,49 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước đó.
——————–
TMT: Lãi 6,8 tỷ đồng quý 4/2015, tổng tài sản gần 2.000 tỷ đồng
Lợi nhuận khiêm tốn quý 4 không ngăn Ô tô TMT có một năm kinh doanh khởi sắc. Lợi nhuận đạt được của công ty năm 2015 lên tới 186,6 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả đạt được năm 2014.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
TPP sẽ được ký vào ngày 4/2
Bộ trưởng Thương mại Ne Zealand Todd McClay cho biết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký tại Auckland ngày 4/2. Trước đó, quá trình thỏa thuận TPP cũng đã kết thúc vào tháng 10 năm ngoái sau 5 năm đàm phán. Sau khi TPP được kí kết, quốc hội của 12 nước thành viên phải thông qua trước khi TPP chính thức có hiệu lực và điều này sẽ mất khoảng 2 năm. Theo đó, TPP vốn chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu sẽ đi vào thực tế vào năm 2018. Theo nhận định từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất từ TPP khi GDP sẽ tăng thêm trên 10% cùng với hoạt động xuất khẩu mở rộng khoảng 28% trong một thập kỉ tới khi các công ty chuyển dịch các cơ sở sản xuất vào Việt Nam.
——————–
CPI Hà Nội tăng trở lại trong tháng đầu tiên của năm mới
Hà Nội vừa công bố CPI tháng 1 tăng nhẹ 0,12% so với tháng trước và tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2015. 8/11 nhóm hàng tăng giá. Đáng chú ý, nhóm giao dục tăng mạnh nhất (+3,74%) sau khi các trường học tăng học phí cấp. Nhóm thực phẩm cũng tăng 0,27% và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08% so tháng trước trong bối cảnh nhu cầu gia tăng trước Tết âm lịch. Ngược lại, nhóm giao thông giảm đến 2,1% sau khi giá xăng dầu bán lẻ liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây, qua đó giúp lạm phát duy trì ở mức thấp.
——————–
Cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng Đồng USD có thể không tăng giá thêm được nữa. Trong một bài phát biểu mới đây ở Hồng Kong tại Diễn đàn Tài chính Châu Á, ông Bernanke phát biểu “Phần lớn sự tăng giá của đồng USD có thể đã xảy ra rồi, và chúng ta có thể sẽ không còn thấy đồng USD tăng giá thêm nhiều nữa”. Ông cũng cho rằng trong cuộc họp tới đây của FOMC, khả năng tăng lãi suất của FED là gần như bằng 0. Trong khi đó khả năng FED tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 cũng chỉ là 31%. Việc đồng USD ngừng lên giá, nếu đúng như nhận định của ông Bernanke, là thông tin tích cực đối với nền kinh tế vĩ mô Việt Nam do việc điều hành tỷ giá sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc FED trì hoãn nâng lãi suất trong các kỳ họp tiếp theo cũng là yếu tố tích cực đối với diễn biến TTCK.
——————–
Trung Quốc bơm vốn kỷ lục để trấn an thị trường: PBoC đã tiến hành bơm ròng 315 tỷ CNY vào hệ thống. Đây là đợt bơm vốn mạnh nhất trong gần 3 năm thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), nhằm xoa dịu áp lực thiếu tiền mặt ngày Tết Âm lịch sắp tới khi dòng vốn rút khỏi thị trường tăng mạnh. Bên cạnh đó, thông qua các công cụ cho vay khác được sử dụng, đã có 700 tỷ CNY được đưa vào hệ thống cũng trong tuần này với kỳ hạn từ 3 ngày cho tới 1 năm. Thống kê của Bloomberg cho biết, ước tính đã có 843 tỷ USD rút khỏi Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2015. Các nhà hoạch định chính sách của nước này đã phải nỗ lực bơm tiền vào hệ thống nhằm ngăn chặn một đợt lãi suất tăng cao.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (22/01/2016):
DXG: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016
HMH: Thanh toán cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền, 400đồng/cp
SFN: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016
VIT: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016
VMS: Tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền, 600đồng/cp
——————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net