DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 21/12/2015 gồm cập nhật trần lãi suất tiền gửi USD, giảm giá xăng dầu, EIB, HDC

Lượt xem: 13,525 - Ngày:
Chia sẻ
Đồ thị VN-Index ngày 18/12/2015.

Đồ thị VN-Index ngày 18/12/2015. Nguồn: Amibroker

1. Nhận định thị trường:

VN-Index giảm mạnh trở lại -8,93 điểm (tương ứng -1,55%) xuống mức 568,18 điểm, với khối lượng giao dịch tăng mạnh lên 179 triệu cổ phiếu, tăng 80% so với mới trung bình khối lượng 10 phiên. Như vậy, sau ba phiên tăng liên tiếp VN-Index đã có sự điều chỉnh trở lại, đồng thời cho thấy đường giá đang gặp phải áp lực bán ra ở ngưỡng 575 điểm, khối lượng giao dịch của thị trường cũng tăng mạnh lên do ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh của quỹ ETF, điều này ảnh hưởng đến biến động không thực chất của thị trường trong phiên hôm nay nên các tín hiệu của thị trường cần được theo dõi thêm trong các phiên tới. Trong trường hợp đi xuống trở lại thì ngưỡng hỗ trợ củaVN-Index tương ứng với mức đáy gần nhất quanh 560 điểm.

Ngoài nguyên nhân khiến lực cung tăng mạnh bởi kỳ cơ cấu của các ETF thì phiên sụt giảm hôm nay được đánh giá không làm ảnh hưởng lớn đến xu hướng vận động gần đây của chỉ số. Cụ thể, mô hình nến ngày hôm nay có thân dài và phủ kín toàn bộ khoảng trống cần bù lấp đã được đề cập trước đó tại 568 điểm. Chính vì vậy một phiên có quá nhiều yếu tố đột biến nhưng không phản ánh biến động nội tại của thị trường sẽ chỉ được coi như một đột biến gây nhiễu tạm thời. Đồng thời, thanh khoản thị trường chỉ thực sự đột biến mạnh vào phiên ATC, do đó mức độ biến động thực tế của phiên 18/12 là không quá tiêu cực.

Các chỉ báo kỹ thuật có sự biến động đi xuống nhẹ, đường RSI(14) đi xuống nhưng xu hướng ngắn hạn đi lên vẫn chưa bị phá vỡ, trong khi đường MACD histogram vẫn đang có sự đi lên nhẹ phía trên ngưỡng 0. Do đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ quay lại xu hướng hồi phục và kiểm định vùng kháng cự 575 điểm trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng mạnh khi nhiều cổ phiếu đã trở lại mức giá hấp dẫn và rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn. Ngoài ra, Nhật Cường vẫn đánh giá rủi ro giảm điểm ngắn hạn hiện khá thấp và cơ hội tích lũy cổ phiếu đã rõ ràng hơn cho nên các nhà đầu tư không nên bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.

Thống kê lịch sử cũng đang ủng hộ kỳ tăng điểm trong các ngày còn lại của năm 2015. Thống kê giao dịch VN-Index từ 2007-nay, hai tuần cuối tháng 12 thường chứng kiến kì tăng điểm của VN-Index (ngoại trừ năm 2011, thị trường tăng mạnh muộn vào đầu tháng 1/2012). Do đó, lịch sử hơn 9 năm nay đều ủng hộ cho quan điểm tích lũy mạnh trong hai tuần cuối tháng 12 vì rủi ro bị thua lỗ rất thấp.

Tuy nhiên, sau quyết định nâng lãi suất của FED, quan ngại về phá giá VND vẫn đang chi phối lên dòng tiền lớn trên thị trường. Do đó, thanh khoản thị trường sẽ khó đột biến, đặc biệt là giai đoạn đang có nhiều thương vụ IPO đang diễn ra. Như nhận định hôm qua, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu đón sóng KQKD cuối năm 2015 và kế hoạch kinh doanh 2016 tích cực. Đồng thời, dòng cổ phiếu đang trong kênh tăng giá cũng là lựa chọn an toàn đối với nhà đầu tư ngắn hạn do thị trường chỉ vừa mới phát lên các tín hiệu sơ khởi về việc hình thành đáy nên dư địa tăng giá vẫn còn cao.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 579.31 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại. Đồng thời, trên quan điểm rủi ro cao, các nhà đầu tư có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu đã giải ngân trước đó.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 18/12/2015:

Thị trường giảm 1.55% với thanh khoản tăng mạnh đến từ hoạt động các quỹ ETF hoàn thành cơ cấu danh mục, độ rộng thị trường tiêu cực. Khối ngoại bán ròng 87 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -1.14%, FTSE ETF discount -0.05%.

Thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch tái cơ cấu danh mục cuối cùng của các quỹ ETF, VN-Index giảm 8,93 điểm (-1,55%) xuống còn 568,18 điểm, HNX-Index cũng giảm 1,03 điểm (-1,3%) xuống 78,29 điểm. Thanh khoản tăng mạnh trong đó riêng giá trị giao dịch trên HOSE tăng 2,4 lần đạt mức 3979 tỷ đồng tương ứng 211 triệu cổ phiếu, trong khi giá trị giao dịch trên HNX đạt mức 551,6 tỷ đồng (+30,5%) tương ứng 48,9 triệu cổ phiếu.

Diễn biến thị trường khá thận trọng trong thời gian đầu giữa phiên hôm nay và chỉ thực sự bùng nổ trong phiên ATC với sự tham gia của các quỹ ETF. Giao dịch kịch tính trong phiên ATC đã làm thay đổi hoàn toàn kết quả trên bảng điện tử trước đó, nhiều mã cổ phiếu lớn bất ngờ giảm mạnh khiến chỉ số giảm điểm mạnh. Ngoài các mã bị giảm tỷ trọng trong danh mục các quỹ ETF như VIC, IJC, BVH, PPC,PVD…bị giảm giá, ngay cả các mã HHS, HAG, VCB thuộc nhóm được tăng tỷ trọng cũng giảm giá, chỉ có các cổ phiếu được tăng tỷ trọng là SBT, NT2, SSI tăng giá.

Do là phiên đảo danh mục của các quỹ ETF nên giao dịch mua bán của nhà đầu tư nước ngoài khá cân bằng. Trên HOSE, họ chỉ bán ròng 18,84 tỷ đồng khi mua vào 1563,73 tỷ đồng và bán ra 1582,56 tỷ đồng tập trung vào các cổ phiếu được điều chỉnh tỷ trọng trong danh mục như mua vào SSI (+300,2 tỷ), HHS (+107 tỷ), HPG (+100,4 tỷ), BHS (+85,7 tỷ), SBT (+24,2 tỷ) và bán ra DPM (-99,7 tỷ), VCB (-82 tỷ), BVH (-68,4 tỷ)…Trong khi đó trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 67,74 tỷ đồng tập trung vào các mã 35,57 tỷ đồng với các mã bị bán ra nhiều như SHB (-35,57 tỷ), PVS (-32,75 tỷ).

3. Thông tin Doanh nghiệp:

EIB: Đã bầu Chủ tịch HĐQT độc lập là một người có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng sau một kỳ ĐHCĐBT căng thẳng. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan.

ĐHCĐBT của EIB diễn ra tuần này đã đem đến một số bất ngờ. Sau thời gian thảo luận dài, EIB đã bầu 9 thành viên HĐQT; trong đó có 4/8 thành viên nằm trong danh sách được đề cử là xuất hiện vào phút chót. Kết quả bầu HĐQT trong đó tân Chủ tịch là thành viên HĐQT độc lập có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế cho thấy EIB đã có một sự thay đổi lớn. Kết quả Thanh tra của NHNN đối với EIB cho thấy đã phát sinh 831 tỷ đồng còn cần tiếp tục khắc phục liên quan đến giao dịch BĐS với Eximland (trước đó đã được ghi nhận vào thu nhập của EIB từ 2010-2013 nhưng không đúng với quy định kế toán) sẽ phải được hạch toán bù trừ ngược lại vào thu nhập của EIB. EIB cũng đã công bố LNTT chưa kiểm toán tại thời điểm cuối tháng 11 là 552 tỷ đồng. EIB có thể sẽ phải ghi nhận số lỗ 831 tỷ đồng trên vào năm 2016, theo đó sẽ giảm đáng kể LNTT năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 315 tỷ đồng.

Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Mặc dù quá trình phục hồi lợi nhuận sẽ bị chậm thêm một năm nữa, thì các cổ đông EIB có thể an tâm vì HĐQT và tân Chủ tịch sẽ cải thiện hoạt động và công tác quản trị tại EIB trong tương lai. Định giá hiện ở mức hợp lý với P/B dự phóng là 0,94 lần. Tuy nhiên Ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng lớn trong tương lai nên trong ngắn hạn giá cổ phiếu thiếu động lực tăng. NĐT dài hạn có thể xem xét đầu tư cổ phiếu này.

EIB đã bầu tân Chủ tịch là người có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng – Sau ĐHCĐBT (sau khi việc tổ chức ĐHCĐTN đã trì hoãn một thời gian dài), phiên họp HĐQT đầu tiên của nhiệm kỳ mới của EIB (Khả quan) đã chính thức bầu ông Lê Minh Quốc làm chủ tịch HĐQT (ông Lê Minh Quốc trước đó được bầu là thành viên HĐQT độc lập của EIB). Ông Lê Minh Quốc đã từng làm việc tại ngân hàng nước ngoài, từng giữ vị trí cao tại ngân hàng Banque Nationale de Paris trước đây. Gần đây nhất, ông Lê Minh Quốc giữ chức Phó TGĐ của ngân hàng OCB và Phó Chủ tịch của Công ty Cổ phần Âu Lạc. Việc bầu một tân Chủ tịch giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, có vẻ EIB đang gửi thông điệp rõ ràng cho thấy Ngân hàng sắp sang một trang mới.

ĐHCĐBT của EIB đã diễn ra lâu hơn dự kiến với quá trình bầu HĐQT đã diễn ra căng thẳng – Sau một ngày làm việc dài, HĐQT nhiệm kỳ mới đã được bầu ra mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể vào phút chót ở danh sách đề cử vào HĐQT. Cho đến ngay trước khi ĐHCĐTN diễn ra, thì danh sách đề cử là như sau;

1. Ông Cao Xuân Ninh

2. Ông Naoki Nishizawa

3. Ông Yasuhiro Saitoh

4. Ông Đặng Phước Dừa

5. Ông Ngô Thanh Tùng

6. Ông Phạm Hữu Phú

7. Ông Trần Ngô Phúc Vũ

8. Ông Trần Ngọc Tâm

Ngay một ngày sau đó, danh sách ứng viên vào HĐQT đã thay đổi với 4 trong số ứng viên trong danh sách trên đã được thay thế bằng những cái tên mới như sau;

1. Ông Đặng Phước Dừa, ông Phạm Hữu Phú, ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm đã bị loại khỏi danh sách;

2. Thay vào đó là ông Lê Văn Quyết, ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông và ông Hoàng Tuấn Khải. Cả 4 ứng viên này không nắm cổ phiếu EIB theo danh nghĩa cá nhân hay được các cổ đông ủy quyền mà được HĐQT hiện thời của EIB đề cử;

3. HĐQT nhiệm kỳ cũ của EIB cũng đề cử Lê Minh Quốc làm thành viên HĐQT độc lập.

Những thay đổi vào phút chót của danh sách ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ mới đã gây ra thắc mắc ở một số cổ đông – Nhóm cổ đông đề cử ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm đã đặt câu hỏi về việc vắng mặt của 2 ứng viên này trong danh sách cuối cùng; viện dẫn những điều khoản trong điều lệ ngân hàng liên quan đến số lượng cổ phần và thời gian nắm giữ cổ phần. Tuy nhiên những quy định khác trong điều lệ cho phép HĐQT chọn lọc danh sách ứng viên dựa trên đánh giá của mình về tư cách đạo đức và quá trình công tác trong ngành. Và có vẻ HĐQT đã kiến nghị NHNN cung cấp thông tin về những trường hợp này. Có lẽ NHNN đã đã cung cấp thông tin nhưng không tự đưa ra kết luận về những ứng viên trong danh sách mà để HĐQT tự đưa ra quyết định. Hiện nhóm cổ đông đề cử ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm được chia sẻ rằng họ có thể tiếp tục được đề cử 2 ứng viên này hoặc lựa chọn 2 ứng viên khác cho kỳ ĐHCĐTN tiếp theo diễn ra vào đầu 2016. Số lượng thành viên HĐQT của EIB có thể lên đến 11 và hiện vẫn còn 2 ghế trống.

Số lượng thành viên mới trong HĐQT được bầu có lẽ cho thấy sức ảnh hưởng của NHNN – NHNN trước đây đã bác bỏ vài lần danh sách ứng viên vào HĐQT do EIB trình lên trong năm nay. Và đây chính là lý do khiến ĐHCĐTN diễn ra muộn. Và những thay đổi vào phút chót đối với danh sách ứng viên vào HĐQT cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc thay đổi văn hóa lãnh đạo tại EIB; bắt đầu từ HĐQT với bằng chứng rõ ràng nhất là việc bầu tân Chủ tịch HĐQT. Đây là diễn biến tích cực và là một bước trong quá trình tái cơ cấu các NHTMCP.

Kết luận thanh tra của NHNN cho thấy còn khoảng 831 tỷ đồng sai phạm cần khắc phục – Cơ quan thanh tra của NHNN đã công bố kết quả thanh tra EIB cho chính ngân hàng vào ngày 19/10. Và ngân hàng đã công bố một số nội dung của kết quả thanh tra tại ĐHCĐTN. Theo đó, EIB có một số sai phạm như sau;

(1) Một cổ đông cá nhân đã vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa 5% – vì đã sở hữu 7,85% cổ phần EIB. Tuy nhiên EIB đã xử lý vấn đề này và cá nhân nêu trên đã giảm tỷ trọng sở hữu xuống dưới 5% theo đúng quy định.

(2) Vấn đề sở hữu chéo với STB – hiện EIB sở hữu 9,5% cổ phần STB. Trong khi đó STB cũng sở hữu 2,48% cổ phần EIB. EIB đã gửi văn bản đến NHNN và đang chờ hướng dẫn thoái vốn nhằm đảm bảo đúng quy định.

(3) Một số sai phạm trong hạch toán thu nhập sẽ ảnh hưởng đến KQKD năm sau – báo cáo của thanh tra NHNN cho biết EIB cần ghi nhận thêm 1.614 tỷ đồng lỗ trên báo cáo KQKD. Khoản lỗ này chủ yếu từ chi phí dự phòng phải trích lập thêm và lãi dư thu phải thoái cộng với lỗ phải ghi nhận liên quan đến một giao dịch BĐS với Eximland trước đây (trước đó đã được ghi nhận vào thu nhập của EIB). Trên thực tế theo quy định kế toán thông thường EIB phải ghi nhận ngược lại một khoản lỗ 831 tỷ đồng vào báo cáo KQKD.

Giao dịch này phát sinh vào 2010-2013. Trên thực tế Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này. Tuy nhiên, quyền sở hữu thực sự đã không được chuyển giao từ EIB sang cho Eximbank. Như vậy theo quy định kế toán, ngân hàng không được hạch toán thu nhập đối với giao dịch này. Cơ quan thanh tra đã yêu cầu thoái lợi nhuận và ghi nhận toàn bộ thu nhập đã hạch toán từ giao dịch này vào một khoản lỗ. Và do EIB đã dùng thu nhập này để trả cổ tức cho cổ đông nên sẽ phải hạch toán lỗ vào những năm sau. EIB đã đề nghị cổ đông tại Đại hội ủy quyền cho HĐQT lập phương án khắc phục từ 2016-2018 để trình NHNN xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, các cổ đông đã không bỏ phiếu thông qua kế hoạch này và do dó EIB có lẽ sẽ phải khắc phục toàn bộ 831 tỷ đồng trong 2016.

Tuy nhiên EIB đã xử lý gần hết những vấn đề liên quan tới việc trích lập dự phòng bổ sung và thoái dự thu trong năm 2015 liên quan tới kết luận của Thanh tra. Vào cuối tháng 11/2015, chỉ còn khoảng 36 tỷ đồng chi phí dự phòng phải trích bổ sung và khoảng 11,4 tỷ đồng lãi dự thu cần thoái tiếp so với kết luận của thanh tra NHNN trong báo cáo lợi nhuận năm nay. Đây không còn là con số trọng yếu.

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đến cuối tháng 11/2015 là 552 tỷ đồng – EIB cũng báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ đến cuối tháng 11/2015. LNTT chưa kiểm toán là 552 tỷ đồng (chỉ chiếm 55,2% kế hoạch cả năm đặt ra từ đầu của EIB). Sự sụt giảm này được giải thích bởi tốc độ tăng trưởng âm của cả huy động khách hàng xuống còn 101.280 tỷ đồng (giảm 0,2% so với đầu năm) và cho vay khách hàng xuống còn 84.548 tỷ đồng (giảm 3% so với đầu năm). Mặc dù vậy, nếu chúng ta loại bỏ khoảng 6.600 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC ra khỏi dư nợ, thì Ngân hàng thực tế đã tăng trưởng được khoảng 5% dư nợ cho vay khách hàng từ đầu năm đến cuối T11/2015. Thông tin chi tiết về các khoản lợi nhuận ngoài lãi và chi phí hoạt động không được cung cấp. EIB báo cáo 1.724 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng và trước thuế cho 11 tháng. Tuy nhiên, dự phòng tín dụng cả năm 2015 sẽ được trích lập đầy đủ vào tháng 12/2015 căn cứ trên phân loại nợ xấu vào cuối tháng 11/2015. Do sự phát sinh của khoản trích lập dự phòng bổ sung 750 tỷ theo kết luận của Thanh tra NHNN là ngoài dự báo, giả định rằng EIB vẫn còn phải trích lập khoảng 450 tỷ đồng nữa vào KQKD T12/2015. Do đó, LNTT cả năm 2015 của EIB có thể chỉ còn khoảng 200-300 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu báo cáo là 1,82%, giảm từ 2,46% vào cuối năm 2014 – Tổng số dư nợ xấu là 1,538 tỷ đồng. Chi phí dự phòng là 1.172 tỷ đồng, và chi phí này đã tăng rất mạnh từ mức 499 tỷ đồng chi phí dự phòng cho 9 tháng đầu năm. Thêm vào đó, Ngân hàng còn phải chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ 20% chi phí dự phòng cho các khoản trái phiếu VAMC đã được bán ồ ạt vào cuối Q4/2014. Tổng giá trị khoản trái phiếu VAMC này là khoảng 4.000 tỷ đồng và sau 12 tháng sẽ phải ghi nhận chi phí dự phòng đầy đủ vào Q4/2015.

—————————————————————————————————————

HDC: Đánh giá cao tiềm năng quỹ đất của HDC và vị thế của doanh nghiệp ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hầu hết các dự án mà HDC đang triển khai như dự án đồi Ngọc Tước, KĐT Mới Phú Mỹ, Chung cu Bình An…đều có vị trí thuận lợi, chi phí đất thấp (mua đấu giá hoặc đền bù từ sớm) và “sạch” về pháp lý. Tuy nhiên, do (1) đặc điểm ghi nhận doanh thu khi bàn giao, (2) độ trễ và tính thanh khoản thấp hơn của thị trường BĐS Vũng Tàu so với Tp.HCM nên KQKD của HDC sẽ không có sự đột phá trong năm 2015 mà điểm rơi DT và LN chủ yếu là năm 2016 và 2017.

9 tháng đầu năm, DTT của HDC đạt 255 tỷ đồng (-8% yoy), LNST đạt 19 tỷ đồng (-0.4% yoy). Trên cơ sở thận trọng, thì khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay (442 tỷ doanh thu và 60 tỷ LNTT) là không nhiều và sẽ phụ thuộc vào việc hạch toán doanh thu của dự án đồi Ngọc Tước 2. HDC hiện đang giao dịch ở mức P/B khoảng 0,95x, không phải là quá hấp dẫn cho với mức P/B trung bình cuả ngành BĐS hiện nay (~1,1x). Kế hoạch thoái vốn của SCIC cũng có thể là chất xúc tác để HDC năng động hơn trong các kế hoạch kinh doanh nhằm hiện thực hóa tiềm năng quỹ đất của mình trong các năm tới.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

NHNN hạ trần lãi suất tiền gửi USD cho cá nhân về 0% từ 0,25%

Hôm qua, NHNN đã ban hành Quyết định 2589/QĐ-NHNN tiếp tục cắt giảm trần lãi suất tiền gửi USD về 0% từ mức 0,25% cho khách hàng cá nhân và Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/12. Vào cuối tháng 9, NHNN đã giảm trần lãi suất tiền gửi USD cho khách hàng tổ chức (về 0% từ 0,25% mỗi năm) và đối với khách hàng cá nhân (về 0,25% từ mức 0,75% mỗi năm). Do đó, lãi suất huy động USD đối với tất cả nhóm khách hàng hiện tại là 0%, ngoại trừ huy động từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Động thái này có vẻ trái với xu hướng hiện tại và cho thấy NHNN vẫn tiếp tục ưu tiên chính sách chống đô la hóa. Bằng cách giảm lượng tiền gửi đô la trong hệ thống ngân hàng hơn nữa, NHNN hi vọng theo đó mức dư nợ USD hiện tại cũng sẽ giảm. Và có thể thuyết phục các cá nhân chuyển đổi USD sang tiền đồng trên thị trường ngoại hối, theo đó tăng cường nguồn cung đô Mỹ được quay vòng trên thị trường liên ngân hàng. Và cuối cùng giảm nhẹ gánh nặng lên NHNN trong mùa cao điểm cuối năm về nhu cầu USD.

Tăng lượng đô Mỹ quay vòng trên thị trường liên ngân hàng – Với tỷ giá USD/VND hiện đang tăng dần về mức trần giao dịch, NHNN đã chi một lượng đáng kể dự trữ đô Mỹ trong 6 tháng qua nhằm bảo vệ tiền đồng và vẫn tìm kiếm những biện pháp quản lý hiệu quả để hỗ trợ giải quyết tình hình. Khi đó, động thái này của NHNN là theo sát cả chính sách chống đô la hóa trong dài hạn đồng thời đáp ứng nhu cầu ngắn hạn là tăng cường nguồn cung USD trong những trường hợp cần thiết nhất. Đó là trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Tiền gửi ngoại tệ đã giảm dần trong những tháng qua – Đến hiện tại, chính sách này đã khá thành công với lượng tiền gửi ngoại tệ giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 8. Dĩ nhiên, vậy nguồn tiền này chảy về đâu vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ mặc dù chắc chắn phần lớn đã được chuyển đổi sang tiền đồng, do đó bổ sung vào nguồn cung trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, rủi ro trong tương lai là chính sách lãi suất tiền gửi 0% này có thể có tác động lên lượng kiều hối chảy về khi mà rõ ràng với lãi suất USD ở nước ngoài cao hơn, sẽ không có động lực để kiều hối chuyển về Việt Nam trừ phi được chuyển đổi lập tức sang tiền đồng. Chắc chắn NHNN sẽ giám sát chặt chẽ những tác động của chính sách này để xem những tác động kinh tế vĩ mô ở đây là gì và có điều chỉnh khi cần thiết.

—————————————————————————————————————

Xăng giảm giá về 16.400 đồng một lít

Giá bán lẻ mới của xăng RON 92 được doanh nghiệp áp dụng từ 15h ngày 18/12. Đây nhiều khả năng là lần điều chỉnh giá cuối cùng trong năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố áp dụng giá mới từ 15h chiều nay. Theo đó, mỗi lít xăng RON 92 được bán với giá 16.400 đồng một lít, giảm 390 đồng so với trước.

Trước đó, Liên bộ Công Thương – Tài chính vừa có văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá bán lẻ xăng RON 92 không được cao hơn 16.405 đồng một lít, giảm gần 400 đồng so với giá bán lẻ tối đa trước đó. Các mặt hàng dầu giảm 942-1.246 đồng một lít, kg; trong đó giảm mạnh nhất là dầu diesel (1.246 đồng).

Theo tính toán của nhà điều hành, trong chu kỳ 15 ngày gần nhất, giá xăng dầu thế giới tiếp tục có xu hướng giảm. Giá xăng thành phẩm RON 92 trung bình nửa tháng qua tại Singapore là 53,3 USD thùng, thấp hơn mức 55,5 USD của bình quân chu kỳ trước. Do đó, cơ quan điều hành yêu cầu tiếp tục không sử dụng Quỹ bình ổn, giữ mức trích quỹ cũng như không thay đổi các loại thuế, phí.

Chốt phiên chiều 18/12, giá dầu thô Mỹ – WTI giảm 22 cent tương đương 0,6 % , xuống còn 34,73$ một thùng trên sàn giao dịch New York. So với giá 35,62$ hôm thứ sáu tuần trước thì giá dầu WTI đã giảm khoảng 2,5 % trong tuần, tiệm cận đáy năm 2008 (32,4 USD). Thời gian gần đây, giá dầu liên tục phá đáy vì dư cung.

Như vậy, trong năm 2015, giá xăng dầu đã trải qua tổng cộng 18 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng và 12 lần giảm. Giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 1.500 đồng mỗi lít.

—————————————————————————————————————

Standards & Poor (S & P) cho rằng “kinh tế Việt Nam đang bắt đầu khởi sắc”

Thương mại giữa Australia và Việt Nam tăng 35% năm 2014, lên mức 8 tỷ AUD, mặc dù đầu tư của Australia tại Việt Nam mới đạt ở mức khiêm tốn 1,2 tỷ AUD. Cách đây 4 năm, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang “vật lộn” và các khoản nợ xấu đặc biệt khi Chính phủ ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước. Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được đủ vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu, mặc dù nhu cầu và giá cả trên thế giới giảm sút. Xuất khẩu điện tử tăng 33%/năm trong vòng 3 năm, chiếm 18 – 29% tổng số xuất khẩu, dệt may chiếm 20% xuất khẩu. Tổng thể, đầu tư nước ngoài tăng gấp đôi từ năm 2012 – 2014, so với 3 năm trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi nước chiếm 22%, Singapore chiếm 16%, Trung Quốc và Hongkong chiếm 13% trong khi Đài Loan chiếm 7,5%.

Lực lượng lao động Việt Nam khoảng 91 triệu dân là một nhân tố quan trọng, với năng suất tăng cao do công nhân được trang bị máy móc và máy tính. Ngân hàng thế giới dự đoán dân số độ tuổi lao động của Việt Nam sẽ tăng đến năm 2030, trong khi dân số lao động Trung Quốc giảm sút. Mức lương trung bình hàng năm của công nhân Việt Nam và Indonesia hơn 2800 AUD, tương đương mức lương của Trung Quốc cách đây 10 năm, hiện nay mức lương Trung Quốc là 11.200 AUD. So với các nước có mức lương thấp, Việt Nam được hưởng lợi từ “thái độ khá cởi mở với đầu tư nước ngoài”.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp phải thách thức từ việc đồng USD tăng giá và tỷ giá tăng, do Việt Nam duy trì tỷ giá cố định và mức dự trữ ngoại tệ thấp, 31 tỷ USD (43 tỷ AUD) vào tháng 9. Cơ quan phân tích kinh doanh của Singapore, IMA Asia cho biết Việt Nam sẽ được lợi hơn 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thông qua việc hưởng thuế thấp hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu có tiếng. Theo dự báo của IMA, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2% năm 2015 và 6,4% năm 2016.

 

 

 

—————————————————————————————————————

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Gmail: dautucophieu68

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý