
Đồ thị VN-Index ngày 19/11/2015. Nguồn: Amibroker
1. Quan điểm kỹ thuật:
Mình cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng giá 600 – 605 điểm. Và chỉ số VN-Index sẽ quay lại nhịp tăng ngắn hạn trong phiên giao dịch ngày 20/11/2015. Đồng thời, lực cầu ngắn hạn có thể sẽ gia tăng dần trong các nhịp rung lắc sắp tới khi giá của nhiều cổ phiếu đã giao dịch rơi vào gần vùng quá bán và áp lực giảm mạnh là khó có thể xảy ra.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức tăng cho xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index với mức cắt lỗ ở mức 600 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 19/11/2015:
Thị trường tiếp tục hoạt động cân bằng và ít biến động trong hôm nay. Diễn biến trong phiên khá tương đồng với ngày liền trước, vẫn chỉ là những dao động lên xuống nhẹ quanh mức tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể VN-Index lùi về mức 601,9 điểm (-0,24%) còn HNX-Index dừng phiên tại 81,23 điểm (-0,15%).
Thanh khoản giảm nhẹ thêm đôi chút so với hôm qua. HSX có 111,4 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị 1.767 tỷ đồng (-5,8%) còn HNX có 36,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh với giá trị 373 tỷ đồng (-3,9%). Dù suy giảm nhẹ, mức thanh khoản hiện vẫn cao hơn ngưỡng trung bình 50 ngày và cho thấy dòng tiền vẫn hoạt động với cường độ khá mạnh.
Khác với phiên trước, nhóm các cổ phiếu có liên quan đến hoạt động thái vốn của SCIC đều giảm trong hôm nay với những cái tên quen thuộc như: VNM (-1,5%), BMP (-2,2%) và FPT (-1,0%). Sự điều chỉnh của nhóm này không quá ngạc nhiên do mức tăng trước đó là khá nhanh và mạnh.
Một số “điểm nóng” khác trên thị trường gồm sự “trở lại” bất ngờ của DQC (+4,3%) sau khi đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp trước đó. CTD cũng thu hút được sự quan tâm lớn khi tăng trần và không còn dư bán trong hôm nay.
Nhiều cổ phiếu ngành dầu khí như PVD, PVB, PGD phục hồi khi đã tạo được mặt bằng giá mới thấp hơn 10-15% so với một tháng trước đây.
Khối ngoại vẫn bán ròng trong hôm nay nhưng lực bán không lớn, chỉ tương đương phiên trước đó. Cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thông qua khớp lệnh tại HSX thêm 1,3 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 28,5 tỷ đồng, trong đó riêng MSN chiếm 25,4 tỷ đồng giá trị bán ròng.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
HBC: Doanh thu hợp nhất Q3/2015 đạt 1.182,3 tỷ, tăng 11,5% và lợi nhuận ròng đạt 11,5 tỷ, tăng 301,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9T2015, doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.577,7 tỷ, tăng 42,7% và lợi nhuận ròng đạt 56,2 tỷ, tăng 351,6% so với cùng kỳ.
Trong 9T2015 HBC tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ; tuy nhiên, lưu ý rằng KQKD cùng kỳ năm 2014 sụt giảm đáng kể và đạt mức thấp do ghi nhận chi phí lớn cho khoản dự phòng phải thu khó đòi (~ 135 tỷ). Tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ (5,7% trong 9T2015 so với 10,2% trong 9T2014). Tỷ suất lợi nhuận hoạt động cải thiện đôi chút lên 3% so với 1,3% trong cùng kỳ do 9T2015 không vướng khoản dự phòng phải thu như trong năm trước. Tổng giá trị hợp đồng HBC ký được từ đầu năm đến nay đạt hơn 4.400 tỷ. Ngoài ra, giá trị hợp đồng chuyển từ năm trước sang khoảng 5.000 tỷ, trong đó khoảng 3.000 tỷ dự kiến ghi nhận trong năm 2015. Giá trị phải thu khách hàng cuối Q3/2015 vẫn ở mức cao 3.097 tỷ, chiếm 43% tổng tài sản. Khoản dự phòng phải thu khó đòi không tăng so với cuối năm 2014, tuy nhiên với giá trị phải thu lớn, rủi ro trích lập dự phòng làm tăng chi phí vẫn còn tiềm ẩn.
PPC: Doanh thu thuần 9T tăng 7,1% so với cùng kỳ trong khi LNTT giảm 20,6% so với cùng kỳ – Gần đây PPC đã công bố KQKD 9T với doanh thu đạt 6,04 nghìn tỷ đồng (tăng 7,1% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 472 tỷ đồng (giảm 20,6% so với cùng kỳ). Theo đó công ty đã hoàn thành 76,8% kế hoạch doanh thu và 66,4% kế hoạch LNTT. Cho 2015, PPC đặt kế hoạch doanh thu thuần là 7,86 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 5%) và LNTT là 710,4 tỷ đồng (giảm 45,4%). Riêng trong Q3, doanh thu thuần đạt 1,78 nghìn tỷ đồng (tăng 30,4% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 77,8 tỷ đồng (giảm 81,2% so với cùng kỳ).
Doanh thu đạt được chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng 3,2% so với cùng kỳ và sản lượng tăng 3,9% – Về giá bán, giá bán bình quân chung (gồm giá bán cho phần sản lượng bán theo Hợp đồng mua bán điện và phần sản lượng bán theo cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh) trong 9T là 1.325đ/kWh, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái (là 1.284,8đ/kWh) nhờ giá bán theo Hợp đồng mua bán điện tăng. Chúng tôi ước tính giá bán theo cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh thấp hơn 8,9% so với giá trên Hợp đông mua bán điện và trong 9T đầu năm 2015, PPC bán xấp xỉ 14,9% sản lượng theo cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh.
Sản lượng điện tiêu thụ trong 9T đầu năm 2015 đạt 4,53 tỷ kWh (tăng 3,9% so với cùng kỳ) – Theo đó PPC đã hoàn thành 82,5% kế hoạch sản lượng tiêu thụ cả năm. Mặc dù Q4 là quý thấp điểm nhưng sản lượng điện tiêu thụ trong 9T vẫn vượt kỳ vọng một chút so với kế hoạch điều chỉnh theo mùa vụ. PPC đã đặt kế hoạch khá thấp, chỉ 5,58 tỷ kWh (giảm 1,6% so với cùng kỳ). Sản lượng điện thương phẩm giảm 4,1% so với cùng kỳ trong 6T đầu năm nay. Riêng trong Q3, tổng sản lượng điện phát là 1,39 tỷ kWh (tăng 28,2% so với cùng kỳ), theo đó giúp làm tăng sản lượng 9T so vơi cùng kỳ.
Việc thiếu nhiên liệu trong tháng 8 do ảnh hưởng của bão đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất điện khác và điều này là có lợi cho PPC trong Q3 – PPC là doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện sử dụng than làm đầu vào chính. Và việc sản lượng của PPC tăng mạnh trong Q3 chủ yếu nhờ 2 nhân tố (1) lượng mưa giảm và điều kiện thủy văn không thuận lợi ảnh hưởng đến các công ty thủy điện miền Bắc (2) sản lượng của một nhà máy điện chạy bằng than giảm do thiếu than. Trận bão lịch sử trong vòng 40 năm đã đổ bộ vào Quảng Ninh trong tháng 8 năm nay và Quảng Ninh là nơi khai thác trên 75% sản lượng than cả nước. Nhiều mỏ than đã bị ngập ảnh hưởng đến việc khai thác trong khu vực và các mỏ than đã phải ngừng hoạt động. Theo đó, các nhà máy điện chạy bằng than không có nhiều than tồn khó đã nhanh chóng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lượng than tồn kho của PPC tại thời điểm trên đủ cho công ty sản xuất điện trong 2 tháng nên đã có đủ thời gian để xử lý vấn đề thiếu than.
CTD: Đã công bố KQKD tốt – KQKD 9 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 8.193 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ) và LNST cho cổ đông cty mẹ là 414 tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ). Công ty đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt 3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Các dự án xây dựng dân dụng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu – CTD đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nhờ doanh thu từ mảng xây dựng dân dụng thúc đẩy tổng doanh thu, chiếm 45% tổng doanh thu và đạt 3.543 tỷ đồng (tăng 90% so với cả năm ngoái). Doanh thu từ xây dựng dân dụng tăng chủ yếu nhờ ghi nhận từ một số dự án lớn như Masteri Thảo Điền (Quận 2), Gold View (Quận 4), Goldmark City (Hà Nội), Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) và Vinhomes Times City Park Hill (Hà Nội)
Mảng công nghiệp cũng tăng trưởng – Trong khi đó, CTD tiếp tục giữ thế mạnh trong phân khúc công nghiệp với đóng góp 40% vào tổng doanh thu, đạt 3.149 tỷ đồng (tăng 8,5% so với cả năm 2014) từ các dự án như Nhà máy may Worldon (Tây Ninh), Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) và Regina Miracle International (Hải Phòng)
Giá trị hợp đồng mới tăng gấp 1,7 lần – Tổng giá trị hợp đồng mới đã ký kết từ đầu năm đến nay đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với tổng giá trị hợp đồng mới ký kết trong cả năm ngoái. Trong đó, chúng tôi ước tính mảng xây dựng dân dụng đóng góp 67% tổng giá trị trong khi đó mảng xây dựng công nghiệp đóng góp 15%, resort và khách sạn đóng góp 12% và 6% còn lại là đóng góp từ mảng văn phòng và thương mại. Do đó, tổng giá trị hợp đồng còn lại để thực hiện đến hiện tại đạt 12,8 nghìn tỷ đồng (tăng 113% so với đầu năm). Công ty ước tính tổng giá trị hợp đồng còn lại để thực hiện đến cuối năm nay sẽ đạt 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 125%)
CTD đạt được nhiều hợp đồng xây dựng dự án chung cư cao cấp tại TPHCM – chúng tôi ước tính hầu hết các hợp đồng xây dựng chung cư đã ký kết là thuộc phân khúc cao cấp, là phân khúc sôi động hơn trong thời gian gần đây, bao gồm các dự án Gold View (2.500 tỷ đồng), Vinhomes Central Park (1.860 tỷ đồng), Sala Thủ Thiêm (1.210 tỷ đồng), Diamond Lotus (1.300 tỷ đồng), City Garden 2 (1.100 tỷ đồng), Vinhomes Times City Park Hill (1.688 tỷ đồng)
Công ty là doanh nghiệp xây dựng có năng lực về thiết kế và xây dựng (D&B), đây là mô hình giúp khách hàng của công ty tiết kiệm thời gian và chi phí. Và đây cũng là giá trị gia tăng giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty. Đến hiện tại, hơn 50% trong tổng các dự án của công ty là hợp đồng D&B, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng chung cư. Công ty đã ký một số hợp đồng D&B lớn như Masteri Thảo Điền, Regina Miracle International, nhà máy First Team, resort Đức Việt và Everich Infinity.
Lợi nhuận gộp tăng 67% so với cùng kỳ – LN gộp tăng 67% đạt 626 tỷ đồng. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ, đạt 7,6% so với mức 7,5% trong cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận gộp khác nhau đối với mỗi dự án và công ty không công bố thông tin chi tiết đối với tỷ suất lợi nhuận gộp cho từng mảng hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng công nghiệp thấp hơn một chút so với tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng chung cư do mảng công nghiệp có chu kỳ thanh toán nhanh hơn. Theo đó, CTD có thể đẩy nhanh chu kỳ quay vòng vốn.
Thu nhập tài chính thuần giảm do lỗ tỷ giá tăng – Thu nhập tài chính thuần giảm 13% so với cùng kỳ xuống còn 72,5 tỷ đồng do lãi tiền gửi giảm trong khi chi phí tài chính tăng 274% so với cùng kỳ lên 1,3 tỷ đồng do lỗ tỷ giá tăng.
Tình hình tài chính lành mạnh và không có vay nợ – CTD có tình hình tài chính lành mạnh, không có vay nợ và lượng tiền mặt & tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn ở mức cao. Đến cuối Q3, tiền & tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn tăng đáng kể lên 2.273 tỷ đồng (tăng 107% so với đầu năm) nhờ người mua trả tiền trước tăng 1.238% so với đầu năm lên 1.037 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ổn định – Trong khi đó, các khoản phải thu không tăng so với đầu năm, ở mức 2.149 tỷ đồng (chỉ tăng 0,9% so với đầu năm), bằng 32% tổng tài sản. Trong 9T đầu năm, CTD trích lập 11,3 tỷ đồng phải thu khó đòi nhưng cũng hoàn nhập 17,5 tỷ đồng dự phòng trích lập trước đó. Theo đó, tổng dự phòng trích lập tại thời điểm cuối Q3 là 188 tỷ đồng (giảm 3,6% so với đầu năm).
Như chúng tôi được biết, công ty đã gần như trích lập hết dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi tiềm tàng. Do CTD có thương hiệu mạnh nên ngay cả các chủ đầu tư cũng muốn hưởng lợi khi có tên nhà thầu là CTD cho dự án của mình, theo đó công ty có thể lựa chọn chủ đầu tư để nhận dự án.
CSM: Chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2015. CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) công bố ngày 9/12 là ngày chốt danh sách cổ đông cho tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2015 với 1.500 đồng/CP. Ngày thanh toán cụ thể vẫn chưa được công bố. Tổng số tiền chi trả trong đợt này là 110 tỷ đồng. Mức cổ tức 1.50
Với mức giá đóng cửa hôm nay, CSM đang giao dịch với P/E 5,7 lần dựa theo EPS dự báo 4.744 đồng năm 2015.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
NHNN sẵn sàng can thiệp tỷ giá
Trong thông cáo báo chí của NHNN vào ngày hôm qua (18/11/2015), NHNN nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Hiện tại, giá USD niêm yết vào chiều nay (19/11/2015) tại Vietcombank và BIDV giao dịch ở mức 22.500 đồng/ USD, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước. Giá USD tại Eximbank là 22.510 đồng. Trong khi đó, giá USD tự do hiện giao dịch ở mức 22.650 đồng, tăng 30 đồng so với phiên cuối tuần, vượt trần tỷ giá là 22.547 đồng.
Việc NHNN tuyên bố sẽ sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối là hợp lý và cần thiết nhằm ổn định tỷ giá, qua đó ổn định sản xuất kinh doanh. Giá USD đang có dấu hiệu tăng trở lại có thể là do: 1) nhu cầu USD cho các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ thường có xu hướng tăng vào cuối năm; 2) Giá USD trên thị trường ngoại hối quốc tế đang có xu hướng mạnh hơn so với rổ ngoại tệ lớn do lo ngại FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12; 3) Theo một số nguồn tin chưa kiểm chứng, một ngân hàng lớn trong nước đã mua thêm trái phiếu chính phủ thời hạn năm năm lãi suất 4,4%, trị giá 1 tỷ USD, điều này cũng phần nào làm tăng nhu cầu USD trên thị trường. Mặc dù vậy thì chúng tôi đánh giá thấp khả năng điều chỉnh tỷ giá từ đây đến cuối năm do dư địa điều chỉnh tỷ giá cam kết 2% đã hết và ngoài ra dự trữ ngoại hối theo thống kê mới nhất (vào tháng 7/2015) là 37 tỷ USD, đủ lớn để NHNN can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.
TPP sẽ được ký vào tháng 2/2016 tại New Zealand
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký vào tháng 2/2016 – thời gian và địa điểm tổ chức lễ ký chính thức TPP đã được thông báo ngày hôm nay sau khi toàn bộ 12 nhà lãnh đạo các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia TPP tổ chức cuộc gặp trao đổi trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế APEC lần thứ XXIII đang diễn ra tại Manila. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã quyết định TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand. Bên cạnh đó, lãnh đạo 12 nước TPP cũng thống nhất lộ trình để quốc hội mỗi nước thông qua hiệp định là 2 năm, có nghĩa là TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2018
Ngân hàng Nhà nước: Theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê tuần 9-13/11, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 118.280 tỷ đồng (bình quân 23.656 tỷ đồng/ngày), tăng 26.155 tỷ đồng so với tuần trước; bằng USD quy đổi ra VND đạt 45.921 tỷ đồng (bình quân khoảng 9.184 tỷ đồng/ngày), giảm 2.539 tỷ đồng so với tuần trước đó. NHNN tái khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Từ tháng 1-10, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ đạt 246 triệu USD, giảm hơn 3% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu đạt 231 triệu USD, giảm gần 16% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 122 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ, chiếm tới 11% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Dự báo trong năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm tới 17-18% thị phần xuất khẩu.
Cục dự trữ liên bang (Fed): Theo biên bản cuộc họp tháng 10 công bố ngày 18/11, phần lớn các quan chức của Fed cho rằng kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất. “Tuy không đưa ra quyết định nào, nhưng có thể sẽ là rất hợp lý khi bắt đầu quá trình bình thường hóa chính sách trong cuộc họp lần tới,” biên bản cuộc họp viết. Biên bản cuộc họp cho thấy thị trường tài chính đã ổn định trở lại sau một giai đoạn biến động mạnh khiến Fed quyết định không tăng lãi suất vào tháng 9.
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.