
Đồ thị VN-Index ngày 17/12/2015. Nguồn: Amibroker
1. Nhận định thị trường:
VN-Index hình thành cây nến xanh thứ 3 liên tiếp báo hiệu động lực tăng giá của chỉ số này có thể sẽ còn tiếp diễn trong phiên cuối tuần. Sắc xanh được duy trì trong suốt phiên giao dịch, kèm theo sự lan tỏa của độ rộng tăng điểm phần nào cho thấy tâm lý lạc quan, hưng phấn của nhà đầu tư đối với xu hướng hồi phục của thị trường, tuy nhiên sự thận trọng đã bắt đầu nhen nhóm xuất hiện khi đường giá tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh đường SMA200. Điều này phần nào thấy được qua sự sụt giảm xuống dưới mức khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất của thanh khoản. Đà tăng của chỉ số nhiều khả năng sẽ được nối dài trong một vài phiên kế tiếp khi mà các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang cho thấy một trạng thái diễn biến tương đối tích cực trong ngắn hạn. Cụ thể, chỉ báo đo lường mức biến động giá Momentum đã tăng mạnh trở lại và phá vỡ kênh xu hướng giảm, còn đường MACD cũng đang gia tăng khoảng cách với đường tín hiệu và tiến về ngưỡng 0 với độ dốc tăng dần. Thêm vào đó, nhóm chỉ báo dao động (RSI, MFI và STO) đều đã vượt qua ngưỡng 50 để duy trì xu hướng đi lên bền vững. Do đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ duy trì đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần và thanh khoản có thể sẽ biến động mạnh do hai quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu trong phiên giao dịch cuối cùng. Đồng thời, thị trường sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực trong lần review của 2 quỹ ETF lần này và Nhật Cường tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn đang ở mức thấp. Hiện tại VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự quanh 580 điểm, là nơi hội tụ của rất nhiều các đường trung bình. Nhật Cường cho rằng, nếu VN-Index có thể trụ vững ở vùng giá hiện tại một thời gian để tích lũy thì khả năng bứt phá để hướng tới vùng 600 điểm trong trung hạn là khả thi.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 579.31 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và có thể mở vị thế mua ở các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Đặc biệt ở dòng cổ phiếu ngân hàng đã được nước ngoài tích lũy nhiều đầu năm sẽ có cơ hội bứt phá giai đoạn này để đón sóng chốt “NAV”. Dòng ngân hàng cũng là nhóm ngành đã tạo nên sức hút rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu năm, với giá trị tích lũy ròng của khối ngoại tại BID: 1.004 tỷ đồng, VCB: 98 tỷ đồng, CTG: 533 tỷ đồng.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 17/12/2015:
Thị trường tăng tốt sau khi FED công bố quyết định nâng lãi suất, thanh khoản sụt giảm đáng kể, độ rộng thị trường tích cực. Khối ngoại bán ròng 129 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF discount -0.49%, FTSE ETF discount -0.60%.
Giống như các TTCK khác trên Thế giới, TTCK trong nước không có phản ứng tiêu cực trước việc FED nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm. Kết quả cuộc họp của Fed diễn ra đúng với kỳ vọng của NĐT và việc nâng lãi suất đã giúp giới đầu tư tự tin hơn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, đầu tàu kinh tế thế giới. Điểm đáng chú ý là FED nhấn mạnh tốc độ nâng lãi suất sẽ “từ từ” và phụ thuộc vào các số liệu của nền kinh tế Mỹ. Việc các TTCK tăng điểm đồng loạt trong ngày hôm nay có thể chỉ là phản ứng mang tính thời điểm. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016 và phản ứng chính sách từ các quốc gia khác nhau sẽ tạo ra sự phân hóa trong đó các thị trường mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) có thể sẽ vẫn chịu rủi ro rút vốn như đã diễn ra trong năm 2015.
Chỉ số VN-Index tăng +4,55 điểm (+0,8%) nhờ các cổ phiếu tài chính ngân hàng như BVH, VCB, BID, CTG tăng tích cực. BID tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp sau khi V.N.M ETF bán hết lượng cổ phiếu BID trong danh mục, như vậy áp lực từ quỹ ETF này sẽ chấm dứt. BVH gây bất ngờ khi tăng trần.
Thị trường tăng nhưng thanh khoản lại có diễn biến trái chiều, KLGD trên sàn HOSE chỉ đạt 90,7 triệu đơn vị do thiếu đi các giao dịch thỏa thuận lớn. Ngoài ra, thị trường cũng tỏ ra thận trọng trước sự kiện nâng lãi suất của Fed nên giao dịch trên hai sàn không thực sự sôi động. Dòng tiền trên thị trường vẫn chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu Bluechip như SBT, BID, FPT, BVH, HAG, MSN,… và một số mã đầu cơ như FLC, TIG, HHS,…, ngoài ra, một phần dòng tiền cũng đang có xu hướng quay lại các cổ phiếu có dự báo KQKD quý 4 và cả năm khả quan như VSC, KSB, CTD, MWG, GMD,…
Các NĐTNN vẫn tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn, giá trị bán ròng trên sàn HOSE đạt -123,5 tỷ đồng và tập trung ở các mã MSN (-47,3 tỷ), BVH (-22,6 tỷ), VIC (-14,3 tỷ), HHS (- 9,3 tỷ), HPG (-8,1 tỷ), PVD (-7,8 tỷ), SSI (-5,8 tỷ). Trong khi đó trên HNX, khối ngoại bán ra 10,24 tỷ đồng và mua vào 4,56 tỷ đồng, tổng cộng họ bán ròng 5,69 tỷ đồng với các mã bị bán ra nhiều có PLC (-2,91 tỷ), PVS (-2,6 tỷ), VND (-2,34 tỷ).
3. Thông tin Doanh nghiệp:
REE: Lũy kế 9 tháng đầu năm, REE có DTT 1,981 tỷ, tăng trưởng 8%, lãi ròng 591 tỷ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh hưởng giảm trong quý 3 chủ yếu đến từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại và việc CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) hoạt động thua lỗ trong quý 3.
REE cũng đang có một số mảng kinh doanh tốt và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ cho lợi nhuận trong tương lai. Dịch vụ cơ điện công trình: REE M&E đặt kế hoạch DT đạt 1.430 tỷ đồng và LNST đạt 160 tỷ đồng. Công ty điện máy Reetech đặt kế hoạch DT đạt 540 tỷ đồng và LNST đạt 35 tỷ đồng, hoạt động văn phòng cho thuê đặt kế hoạch DT đạt 507 tỷ đồng và LNST đạt 242 tỷ đồng.
Dự án BĐS mới tại địa chỉ 11 Đoàn Văn Bơ với quy mô sàn xây dựng 66.000m2 trong đó 35.000m2 sàn văn phòng cho thuê và 16.000m2 tầng hầm để xe được khởi công trong Quý II năm 2015, hoàn thành cuối năm 2016 và chính thức đưa vào cho thuê vào đầu năm 2017.
Công ty con của REE, vừa được trao thầu 2 dự án là Dự án phát triển tòa nhà phức hợp Union Square và Dự án Ngôi nhà Đức TP. HCMvới tổng giá trị tương đương 600 tỷ. Với việc ký thầu mới 2 hợp đồng này, REE M&E đã đạt trên 2.000 tỷ tổng giá trị hợp đồng ký mới, vượt hơn 30% kế hoạch 1.500 tỷ giá trị ký mới năm 2015.
CTCP Cơ Điện Lạnh đã mua 1.282.700 cp của CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP), nâng tổng sở hữu lên gần 29 triệu cp tương đương 41.35%.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu REE đã kín room. Do đó REE sẽ được hưởng lợi theo thông tư về việc nới room cho NĐTNN lên 100%.
—————————————————————————————————————
GTN: Cổ đông chủ chốt của GTN tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty
Giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Sản Xuất Thống Nhất (GTN – Khả quan) đã tăng mạnh hôm nay sau thông báo CTCP Invest Tây Đại Dương, là công ty do ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT GTN làm Chủ tịch HĐQT, có kế hoạch mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu GTN, trong vòng một tháng bắt đầu từ ngày 21/12. Theo đó, cổ phần của Invest Tây Đại Dương tại GTN sẽ tăng lên 24,73%, tương đương 18,5 triệu cổ phiếu, từ mức sở hữu hiện tại là 20,05%.
CTCP Invest Tây Đại Dương trước đó đã mua 7,7 triệu cổ phiếu GTN từ ngày 8/12 đến ngày 15/12, theo đó đã tăng gấp đôi tại GTN từ 9,74% lên 20,05%. Trong khi đó, GTN cũng đã mua thành công cổ phần lớn tại các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và nông nghiệp thuộc các lĩnh vực từ thức ăn chăn nuôi; sữa đến chè và rượu. Công ty cũng dự kiến thoái vốn khỏi một số mảng kinh doanh truyền thống hiện tại có tỷ suất lợi nhuận thấp để tập trung vào các mảng mới và liên quan nhiều đến ngành hàng tiêu dùng.
—————————————————————————————————————
MHC: chia cổ tức 25% cho cổ đông Công ty cổ phần MHC (mã MHC-HOSE) vừa có công văn công bố tới các nhà đầu tư, cho biết vừa thực hiện thoái 3.239.060 cổ phiếu HAH từ ngày 8/12 đến 14/12/2015. MHC là một trong các cổ đông sáng lập của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Trong khi giá vốn khoản đầu tư 11.000 đồng/cổ phiếu thì giá cổ phiếu HAH hiện này đang được giao dịch ở mức trên 42.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, trong thương vụ chuyển nhượng này, khoản lãi chênh lệch MHC thu được là 111 tỷ đồng (chưa thuế).
Trong thông báo mới đây từ công ty, MHC cho biết dự kiến trả cổ tức năm 2015 cho cổ đông với tỷ lệ 25% từ nguồn lợi nhuận chuyển nhượng cổ phiếu HAH. MHC chưa công bố chi tiết về phương thức chia cổ tức cùng thời gian phát hành. Nếu thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt thì với 27,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MHC cần chi ra 67,75 tỷ đồng. Khoản lãi từ thương vụ chuyển nhượng HAH sau khi trừ thuế (thuế suất 22%) ước tính khoảng 87,1 tỷ đồng. Đối với số cổ phần HAH còn lại, MHC sẽ chuyển nhượng cho đối tác trong quý I/2015.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Fed cuối cùng đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,25%
Việc Fed tăng lãi suất đã được báo hiệu rõ ràng từ trước – Đúng như kỳ vọng Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã quyết định nâng lãi suất lên 0,25%; chấm dứt một thời kỳ dài giữ lãi suất ở 0%. Nói chung thị trường đã tỏ ra an tâm hơn trước quyết định nâng lãi suất của Fed vì động thái này đã được các NĐT dự đoán từ trước. Fed đề cập “[kinh tế Mỹ] đã tăng trưởng mặc dù kinh tế thế giới vẫn yếu”. Rõ ràng Fed sẽ giữ mức lãi suất này trong vài cuộc họp tới để đánh giá tác động. Tuy nhiên việc Fed đề cập đến “lập trường linh hoạt phù hợp tình hình” cho thấy Cơ quan này có lẽ vẫn chưa chấm dứt việc nâng lãi suất. Như vậy, Fed đã chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục – vốn là một phần trong các chính sách mà Fed đã áp dụng để kích thích nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính. Fed hạ lãi suất cơ bản xuống mức gần 0 vào tháng 12/2008, 3 tháng sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và 10 tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 10%.
Dự kiến Fed sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nhưng sẽ tăng từ từ – Fed cho biết lãi suất sẽ được nâng dần theo đà phục hồi của nền kinh tế. Nói cách khác những lần tăng lãi suất trong tương lai sẽ (1) tùy thuộc vào triển vọng kinh tế vĩ mô thể hiện ở các số liệu công bố; (2) không dựa trên cơ chế định trước, chẳng hạn không định trước mức tăng trong một khoảng thời gian nhất định và (3) mặc dù lạm phát tăng sẽ là nhân tố xem xét tăng lãi suất thì đây không phải là nhân tố duy nhất.
Fed sẽ xem xét các số liệu kinh tế để đưa ra thời điểm và mức độ tăng lãi suất – nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định nâng lãi suất là số liệu kinh tế. Về cở bản, Fed sẽ xem xét các chỉ báo chẳng hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát. Như vậy có thể nói tổng hợp 3 số liệu trên có thể cho thấy trước khả năng tăng lãi suất. Lạm phát là nhân tố chính với tốc độ lạm phát so với cùng kỳ trên 2% (hiện là 2,5%) được coi là mức lạm phát không cao.
Dựa trên thị trường hợp đồng tương lai và các nguồn khác, ước tính lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại Mỹ sẽ tăng lên 0,875-1% vào cuối năm sau – Có thể kết luận là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016 và đây không phải là lần tăng lãi suất duy nhất. Mức độ tăng của lãi suất sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế có xét đến những nhân tố bên ngoài. Ý kiến phổ biến trên thị trường (thể hiện qua thị trường hợp đồng tương lai) cho thấy lãi suất của Fed sẽ tăng lên 0,875% vào cuối năm sau. Một số chuyên gia còn kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ tăng lên 1% hay thậm chí còn cao hơn một chút. Dựa theo đó thì Fed có thể tăng lãi suất thêm 2-3 lần nữa trong năm sau.
Chu kỳ lãi suất cho vay USD có lẽ sẽ đạt đỉnh vào năm 2018 – Lãi suất thông thường có thể sẽ rơi vào 2,5-3,5% khi nền kinh tế tăng tốc lên thời kỳ bão hòa tăng trưởng. Và một số chuyên gia dự báo chu kỳ lãi suất hiện nay có thể tăng lên trên 3-3,5%; đồng thời cho rằng thời điểm này sẽ không diễn ra trước 2018. Vào 2018, chúng tôi giả định lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng lên 1-1,5% vào 2016&2017 với giả định nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình.
FOMC sẽ cứng rắn hơn trong việc nâng lãi suất trong năm sau – một nhân tố cần xem xét là thành phần của Ủy ban FOMC. Hiện có 6 thành viên thường trực bao gồm Chủ tịch và những thành viên này hiện khá ôn hòa đối với việc nâng lãi suất. Và sẽ có sự luân phiên đối với các thành viên của FOMC. Và vào cuối năm nay, 4 trong số 6 thành viên thường trực sẽ được thay thế bằng 4 thành viên mới. Những thanh viên hiện nay có thể nói có lập trường ôn hòa đối với vấn đề lãi suất trong khi những thành viên mới bao gồm 3 cá nhân được coi là có lập trường cứng rắn. Theo đó có thể nói lập trường của FOMC sẽ thiên hơn một chút về cứng rắng kể từ đầu năm sau.
Triển vọng về chính sách của Fed đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam do tỷ giá của Việt Nam được neo vào đồng USD. Và lãi suất USD tăng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lãi suất tại Việt Nam. Khả năng lãi suất USD kỳ hạn ngắn sẽ tăng 1% và lãi suất tiền đồng cũng sẽ tăng ở mức tương tự sau một thời gian trễ. Đây là nhân tố quan trọng giúp người nắm giữ tiền đồng không chuyển sang nắm USD. Hiện lãi suất tiền đồng cao hơn 5% so với lãi suất USD và mức chênh này là để bù cho rủi ro tỷ giá của người gửi tiền đồng.Tỷ giá có thể sẽ điều chỉnh 5% trong năm sau thì khoản chênh lệch lãi suất nói trên thậm chí sẽ còn tăng. Đặc biệt là khi triển vọng lãi suất hiện đã chuyển từ “lập đáy” sang “tăng”.
Lãi suất tiền động tăng sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế năm sau vì lãi suất sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải – mặc dù hiện đang ở mặt bằng thấp thì dự báo lãi suất huy động kỳ hạn ngắn bằng tiền đồng tăng 1% là không hề tiêu cực vì như vậy lãi suất sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải trong năm. Tuy nhiên lãi suất đã trong chu kỳ giảm dài từ 2011 nên sẽ cần có sự điều chỉnh. Nói chung lãi suất tăng sẽ là nhân tố tích cực cho các ngân hàng (giúp tăng tỷ lệ NIM) và tiêu cực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; BĐS và xây dựng (chi phí lãi vay tăng).
—————————————————————————————————————
Dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2015
Tổng cục Hải quan vừa cho biết theo thống kê đến hết tháng 11-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ mới đạt 20,6 tỉ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu dệt may phải đạt trên 2,4 tỉ USD trong tháng 12 mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 23 tỉ USD đã được Bộ Công thương điều chỉnh vào tháng 9-2015, mục tiêu được đưa ra vào đầu năm là 27-27,5 tỉ.
Trong khi đó ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết theo thống kê sơ bộ về tình hình đơn hàng năm2016 của các doanh nghiệp hội viên trên địa bàn TP.HCM, hiện chỉ có khoảng 80% doanh nghiệp có đơn hàng cho quý 1-2016, giá thực hiện hợp đồng vẫn bằng mức năm 2015.
—————————————————————————————————————
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường cuối năm
Ngày 16/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các chi nhánh của NHNN, các ngân hàng thương mại về việc tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2015, đầu năm 2016. Cụ thể, đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cần tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện việc kết nối giữa ngân hàng-doanh nghiệp, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp xúc, mở rộng danh sách doanh nghiệp tham gia Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với các tổ chức tín dụng: chủ động nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, tính đến hết tháng 9/2015, dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế ở mức hơn 4,45 triệu tỉ đồng, tăng 12,12% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là hơn 1,52 triệu tỉ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2014. Riêng dư nợ tín dụng cho xây dựng đạt 435.000 tỉ đồng, tăng trưởng 14,29% so với cuối năm 2014.
—————————————————————————————————————
Huy động thêm 13.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ
Ngày 16/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành. Kết quả, huy động thành công 10.400 tỉ đồng trái phiếu 3 năm với lãi suất trúng thầu 5,8%/năm. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 8 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 7.391 tỉ đồng và vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 6,5-6,85%/năm. Kết quả, huy động được 2.600 tỉ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 6,58%/năm.
—————————————————————————————————————
Giá dầu sụt mạnh sau khi FED tăng lãi suất
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát ý kiến thực hiện bởi CNBC, quyết định nâng lãi suất của FED cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thực sự tin rằng kinh tế Mỹ phục hồi sau thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2009. Lãi suất đồng USD cao gây áp lực sụt giảm lên giá dầu cũng như các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, giá dầu thực tế đã sụt giảm từ rất lâu bởi tình trạng dư cung khi các nước sản xuất dầu lớn của thế giới không chịu giảm sản lượng do lo sợ mất thị phần. Trên thị trường New York phiên 16/12, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2016 giảm 1,83 USD/thùng, tức gần 5%, xuống mức 35,52 USD/thùng. Thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn hạ 1,26 USD/thùng, tương đương hơn 3%, xuống 37,19 USD/thùng. Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ mạnh dự báo giá dầu và cảnh báo về thời kỳ dư cung kéo dài. Theo Moody’s, mức giá dầu Brent trung bình trong năm 2016 sẽ là 43 USD/thùng, dự báo trước đó là 53 USD/thùng. Mức giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trung bình trong năm 2016 sẽ ở mức 40 USD/thùng, thấp hơn 8 USD/thùng so với dự báo đưa ra lần gần nhất. Tuy nhiên, Moody’s cho rằng giá dầu Brent và WTI sẽ tăng khoảng 5 USD/thùng trong năm 2017 và 2018.
—————————————————————————————————————
Hong Kong tăng lãi suất cơ bản ngay sau quyết sách của Fed
Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) thuộc Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sáng 17/12 đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0,5% lên 0,75% ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất. Đây là lần đầu tiên trong một thập niên qua tỷ lệ lãi suất ở Hong Kong chính thức được nới rộng. Lần cắt giảm lãi suất cơ bản cuối cùng ở Hong Kong diễn ra vào ngày 17/12/2008 từ 1,5% xuống 0,5%, và lần tăng lãi suất cơ bản cuối cùng (trước lần tăng này) ở Hong Kong diễn ra vào ngày 30/6/2006 (từ 6,5% lên 6,75%).
—————————————————————————————————————
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Gmail: dautucophieu68
Website: dautucophieu.net