DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 18/11/2015

Lượt xem: 13,655 - Ngày:
Chia sẻ
Đồ thị VN-Index ngày 17/11/2015.

Đồ thị VN-Index ngày 17/11/2015. Nguồn: Amibroker

1. Quan điểm kỹ thuật:

Biến động của mô hình nến ngày 17/11 vẫn chưa thoát khỏi biên độ của 02 phiên liền trước. Độ rộng của nhịp giảm cũng không quá lớn mà chủ yếu xảy ra mạnh và đồng loạt ở một số nhóm cổ phiếu trụ cột như VNM, BVH, FPT…đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số rơi rất nhanh trong phiên chiều 17/11. Có thể thấy, áp lực bán chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu trụ cột đã tăng mạnh trong thời gian qua cho nên rủi ro phân phối đỉnh là chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại. Trên quan điểm kỹ thuật, mình cho rằng chỉ số VN-Index có thể tiếp tục kiểm định mức 605 điểm và dần hồi phục về cuối phiên hướng về vùng giá 610 điểm. Đồng thời, mình đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp và dòng tiền ngắn hạn vẫn có chiều hướng tăng. Hiện khu vực hỗ trợ được đặc biệt theo dõi trong các phiên gần đây tại 600- 605 điểm vẫn chưa bị vi phạm do đó sự đột biến xấu về xu hướng ngắn hạn chưa xảy ra. Tuy nhiên, những diễn biến khá nhanh và bất ổn kể trên đang làm gia tăng các áp lực rất lớn đối với khu vực hỗ trợ này. Ở góc độ tiêu cực, nếu chỉ số xuyên phá khỏi khoảng hỗ trợ ngắn hạn này, nó sẽ kéo theo một nhịp giảm sâu hơn trong đó mục tiêu quan trọng sẽ tương ứng với khu vực 575-580 điểm tạo bởi đường MA200 và Fibo 38.2% (hoàn bù nhịp tăng 510- 620 điểm vừa qua).

Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức tăng cho xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index với mức cắt lỗ ở mức 600 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới. Ngoài ra, dòng tiền sẽ chú ý vào các cổ phiếu có tác động từ kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETF trong Q4/2015 và ngày chốt số liệu sẽ rơi vào 27/11 tới đây.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 17/11/2015:

Thị trường tiếp tục có một phiên suy giảm nhẹ. Biến động trong buổi sáng khá giằng co khiến VN-Index liên tục “đổi màu” quanh vùng tham chiếu. Buổi chiều ghi nhận lực bán mạnh dần, đặc biệt là hiệu ứng “xả hàng” ở VNM đã khiến thị trường chìm sâu hơn trong sắc đỏ, VN-Index đóng cửa tại vùng thấp nhất trong ngày 605,05 điểm (-0,68%). HNX-Index do ít bị ảnh hưởng từ các cổ phiếu trụ, vẫn tăng nhẹ lên 81,13 điểm (+0,11%).

Thanh khoản tiếp tục ở mức cao, HSX có 162 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị 2.633 tỷ đồng (+27,4%) còn HNX có 56,8 triệu đơn vị khớp lệnh với 555 tỷ đồng (+16,8%), dòng tiền vẫn đang cho thấy mức hoạt động sôi nổi của cả hai bên mua bán.

Tâm điểm hôm nay tập trung mạnh rất lớn vào giao dịch của VNM. Vốn là cổ phiếu “trụ cột” của thị trường xuyên suốt nhiều tuần qua, VNM hôm nay đối diện với áp lực chốt lời lớn hơn rất nhiều. Dù lực mua tại các vùng giá thấp cũng rất dồi dào, cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức suy giảm 4,3% – mức giảm trong phiên lớn nhất tính từ tháng 9 đến nay.

Ảnh hưởng của VNM cũng tạo ra sự “lan tỏa” nhất định đến một số cổ phiếu khác có cùng câu chuyện về thoái vốn của SCIC, điển hình như: BMP (-2,2%), FPT (-3,7%),…

Phiên hôm nay ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thông qua khớp lệnh tại HSX thêm 1,1 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 91,6 tỷ đồng (+50%). Như đã nhiều lần lưu ý, việc khối ngoại đang quay lại bán ròng thường xuyên sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng ngắn hạn của thị trường giai đoạn hiện nay.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

CII: Công bố trích lập dự phòng – hôm qua CII đã công bố sẽ trích lập dự phòng khoảng 110 tỷ đồng trong Q4 vì những nguyên nhân sau:

(1) Theo quy định của nhà nước, công ty sẽ phải thay đổi tiến độ đầu tư và thu phí của một trong số các dự án BOT. Việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền của CII cũng như cam kết của CII với các đối tác. Theo đó, CII dự kiến sẽ trích lập một khoản dự phòng tài chính trong Q4. Tuy nhiên công ty không công bố chi tiết về:

· Số tiền trích lập

· Dự án cần trích lập

(2) CII nhiều khả năng cũng sẽ ghi nhận lỗ tỷ giá cho 25 triệu USD trái phiếu chuyển đổi phát hành cho GS nếu GS không chuyển đổi số trái phiếu này thành cổ phiếu trước cuối năm nay.

Thanh tra chính phủ đã thanh tra nhiều dự án BOT – gần đây, thanh tra chính phủ đã tiến hành thanh tra một số dự án BOT và BT tại Hà Nội và TP HCM (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT). Theo đó, một số dự án liên quan đến CII tại TP HCM chẳng hạn như dự án BOT Xa lộ Hà Nội mở rộng, BOT Bình Triệu 2 (giai đoạn 1) và BT Cầu Sài Gòn 2 đã được thanh tra.

EIB: Công bố KQKD hợp nhất kém khả quan – tổng LNTT 9T chỉ hoàn thành 67,7% kế hoạch cả năm của EIB. Tuy nhiên trong Q3, cho vay khách hàng đã tăng nhẹ so với Q2. Tỷ lệ NIM cũng được cải thiện trong khi tỷ lệ NPL công bố thấp. Chi phí dự phòng trích lập tăng và đây là dấu hiệu đầu tiên cho xu hướng sắp tới trong đó Ngân hàng sẽ phải trích lập đáng kể dự phòng cho trái phiếu VAMC (trái phiếu VAMC bằng hơn 7,3% tổng dư nợ). Trong ĐHCĐBT sắp tới, có khả năng EIB sẽ thay đổi HĐQT và ban lãnh đạo; và sau đó ngân hàng có lẽ sẽ tích cực hơn trong xử lý nợ xấu.

VHC: Công bố KQKD không mấy khả quan – doanh thu thuần 9T tăng 8,2% so với cùng kỳ và đạt 4.657 tỷ đồng, hoàn thành 64,1% kế hoạch cả năm. Doanh thu thuần tăng nhờ doanh thu xuất khẩu cá đạt 179,6 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ trong khi doanh thu xuất khẩu gạo (đóng góp không nhiều vào kết quả kinh doanh chung) giảm 94% so với cùng kỳ do công ty rút khỏi mảng này theo như kế hoạch. Doanh thu xuất khẩu cá đạt thấp hơn kỳ vọng do giá bán bình quân giảm 10% so với cùng kỳ mặc dù sản lượng vẫn tăng tốt ở mức 31%. Mỹ vẫn là thị trường chính của VHC, đóng góp 57% tổng doanh thu xuất khẩu. Doanh thu hiện đang thấp hơn thấp hơn kế hoạch của công ty.

Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm do giá bán bình quân giảm – lợi nhuận gộp chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ và đạt 597 tỷ đồng trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp là 12,8% (cùng kỳ là 13,7%). LNST 9T đạt 251 tỷ đồng, giảm 32,9% so với cùng kỳ. Nếu không tính lợi nhuận không thường xuyên từ bán cổ phần tại CTCP Thức Ăn Thủy Sản trong 9T đầu năm 2014, theo đó lợi nhuận thuần từ HĐKD chính tăng 7.4%. Cho dù vậy VHC vẫn trên đà đạt kế hoạch LNST cả năm là 320 tỷ đồng.

HVG: LNST 9T/15 giảm mạnh 81% n/n.

Theo KQKD 9T/15 hợp nhất (chưa kiểm toán) của HVG, doanh thu thuần 9T/15 đạt 13.015 tỷ, tăng nhẹ 20% n/n. Mức tăng này nhờ hoạt động kinh doanh xuất khẩu thủy sản (hợp nhất Agifish – AGF và Thủy sản Sao Ta – FMC), thức ăn cho cá (hợp nhất Việt Thắng – VTF) và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (kinh doanh bánh dầu đậu nành), đóng góp 85% tổng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 21%, 37% n/n và 19% n/n. Theo số liệu thống kê của VASEP, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Tập đoàn HVG 9T/15 khoảng 116,4 triệu USD, giảm 31% n/n. Nhờ hợp nhất kim ngạch xuất khẩu tôm của FMC từ Q2/15 nên HĐKD xuất khẩu thủy sản của HVG có mức tăng trưởng dương. Tổng biên lợi nhuận gộp 9T/15 giảm 2 điểm % xuống mức 7%, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp của hoạt động xuất khẩu thủy sản và thức ăn cho cá giảm.

Do nhu cầu đầu tư/mở rộng sản xuất, HVG tăng vay nợ để đáp ứng chi phí đầu tư tăng. Tỷ lệ nợ/VCSH tại ngày 30/9/2015 ở mức 3x, tăng so với mức 1,9x cùng kỳ. Chi phí lãi vay 9T/15 tăng 25% n/n. Thêm vào đó, do không còn khoảng thu từ thanh lý công ty con nên doanh thu tài chính 9T/15 giảm 84% n/n. Lỗ ròng tài chính là 316 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 10 tỷ. Tỷ lệ chí phí BH&QLDN/DT giảm 1 điểm %, LNST 9T/15 đạt khoảng 64,4 tỷ, giảm 81% n/n. Như vậy kết thúc 9T/15, HVG chỉ mới hoàn thành 65% và 20% kế hoạch doanh thu và LNTT cả năm 2015.

Trong bối cảnh tình hình chung của thị trường cá tra không khả quan với giá trị xuất khẩu 9T/15 giảm 9% n/n, trong đó thị trường Mỹ và châu Âu giảm lần lượt 3% và 16% n/n, tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu cá tra của HVG cũng bị ảnh hưởng. Kể từ 2015 niên độ tài chính của HVG sẽ kết thúc ngày 30/9, niên độ tài chính các năm tiếp theo sẽ bắt đầu vào ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9 năm kế tiếp. Dự báo doanh thu và LNST 2015 của HVG đạt lần lượt 17.042 tỷ, tăng 13% n/n và 190 tỷ, giảm 34% n/n. EPS 2015 ước đạt 1.091 đồng/cp, PE 2015 giao dịch ở mức 14 lần, cao hơn trung bình ngành 10 lần.

CNG: LNST 9T15 giảm 2,5% n/n, còn 88,5 tỷ đồng. Mức giảm này chậm hơn rất nhiều so với doanh thu (giảm 14,7% n/n còn 691,7 tỷ). Do bắt đầu thả nổi giá khí đầu vào theo FO, nên mặc dù giá bán giảm nhưng giá đầu vào giảm nhanh hơn khiến biên lợi nhuận gộp tăng từ 21,9% trong 9T14 lên 24,7% trong 9T15. Ngoài ra, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt do đó tỷ lệ chi phí BH & QLDN/DTT giảm còn 8,9% trong 9T15.

CNG dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% mệnh giá, tương ứng lợi tức cổ tức 9%. Tỷ lệ cổ tức/EPS ở mức 69%, tương đối hợp lý do công ty chưa phải đầu tư nhiều cho hoạt động phân phối CNG tại miền Bắc. Tính đến thời điểm cuối Q3/15, tiền và tương đương tiền ở mức 248,8 tỷ (tương ứng 9.200 đồng/cp). LNST chưa phân phối đạt 82 tỷ (3.030 đồng/cp). CNG có chính sách cổ tức khá hấp dẫn lịch sử chia cổ tức với tỷ lệ trên 30% mệnh giá. CNG đã tham gia phân phối khí CNG cho khu vực miền Bắc trong Q3/15 cùng với PVG và PGD. CNG đã có 7 khách hàng đầu tiên tại miền Bắc và dự kiến tiêu thụ được 9 triệu Sm3 khí trong năm 2015.

Năm 2016, CNG dự kiến sẽ nâng tiêu thụ CNG tại miền Bắc lên 30 triệu Sm3 (trong tổng số 110 triệu Sm3). Do CNG chỉ tham gia vào khâu phân phối nên chúng tôi chưa kỳ vọng nhiều vào LN trong 2 năm tới tại thị trường mới này. CNG đã đầu tư 1 trạm giải nén tại thị trường miền Bắc với chi phí đầu tư không đáng kể (<10 tỷ).

FCN: CTCP Kỹ Thuật Nền Móng và Công trình Ngầm Fecon: Công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III đạt 341,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,82 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm nên mức tăng của lãi gộp chỉ còn 100%, đạt 57,04 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng không nhiều nhưng chi phí tài chính tăng 165%, chủ yếu do lãi vay. Dù vậy, với doanh thu tăng vọt, lợi nhuận ròng quý III của FCN vẫn đạt 16 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FCN thu về 884,5 tỷ đồng doanh thu và 68,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ. So với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 49,8% và 20,4.

KLF: CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế: Công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015. Mặc dù tổng doanh thu hợp nhất quý III/2015 tăng 62,15% so với cùng kỳ 2014, trong đó doanh thu bán hàng và CCDV đạt gần 310 tỷ đồng và doanh thu tài chính đóng góp 2,59 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí đầu vào (giá vốn) cũng như chi phí quản lý, chi phí bán hàng tăng cao nên lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 85,8%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, KLF đạt 819,3 tỷ đồng doanh thu và 46,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 44,5% so với thực hiện 9 tháng 2014.

MSR: CTCP Tài nguyên Ma San: Công bố BCTC quý 3/2015 Công ty mẹ và hợp nhất. Trong 9 tháng đầu năm MSR đã thu về 1,6 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận gộp kỳ này đạt 504,8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 346,6 tỷ đồng. Ghi nhận những nỗ lực của cả tập đoàn khi đã đưa công ty thoát lỗ trong 9 tháng đầu năm 2015, điều này được hiện diện cụ thể bởi chỉ tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 65,8 triệu đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2014 lỗ thuần là 340,7 triệu. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 72,4 triệu đồng. Trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 71,2 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 143,6 triệu.

VHG: Quý 3 lãi 24 tỷ đồng, giảm gần 55% so với cùng kỳ

Công ty cổ phần Cao su Quảng Nam (VHG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm. Doanh thu thuần quý 3 của VHG đạt 210 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần tăng mạnh khiến lãi gộp của công ty giảm sâu từ mức 54,3 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 23,8 tỷ đồng. Kết quả quý 3 VHG lãi ròng gần 24 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, nhờ kết quả khả quan 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của VHG chỉ giảm 19,6%, đạt 65,6 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, VHG mới chỉ thực hiện 29,3% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm. Giải trình kết quả kinh doanh sụt giảm, VHG cho biết nguyên nhân do giá cao su thế giới sụt giảm. Những diễn biến này khác với những dự đoán mà VHG đã đưa ra trước đó là giá cao su đang chạm đáy và phục hồi bền vững. Trong tháng 8, VHG đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Cổ phiếu được bán cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư khác với giá 10.000 đồng/cổ phiếu – số tiền thu về tương đương 750 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối quý 3 của VHG đạt 1.840 tỷ đồng, tăng 769 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của VHG âm 629 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu trong kỳ. Nhờ dòng tiền từ hoạt động tài chính (thu từ phát hành cổ phiếu và vay ngắn/dài hạn) gần 1.100 tỷ đồng, số dư tiền và tương đương tiền cuối quý 3 của VHG đạt 127 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

PLC: Giá dầu thô thấp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. KQKD 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy biên LN gộp vượt nhẹ so với dự báo nhờ chi phí đầu vào thấp, dựa theo diễn biến giá dầu thô đã giúp bù đắp cho việc doanh thu từ dầu nhờn chững lại do cạnh tranh gia tăng từ các thương hiệu nước ngoài. Doanh thu từ nhựa đường không thay đổi đáng kể trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, giả định biên LN gộp cao hơn cho cả mảng dầu nhờn và nhựa đường đã nâng dự báo LNST 2015 và 2016 lên tương ứng 5% và 11%. Tăng trưởng EPS điều chỉnh cho năm 2015 và 2016 lần lượt là 39,6% và 13,6%.

Giá mục tiêu được điều chỉnh tăng 8% đạt 42.000 đồng (tương ứng tổng mức sinh lời 20% bao gồm lợi suất cổ tức 8%). Với mức giá hiện tại 37.500 đồng, PLC đang giao dịch với PER 8,8 lần năm 2015 và 7,7 lần năm 2016. Với giá đóng cửa ngày hôm nay tại 37.500 đồng nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu này.

VSH: Công bố doanh thu Quý 3 đạt 92 tỷ, tăng 223% so với cùng kỳ do sản lượng điện tăng mạnh 43%, giá điện mới (cao hơn giá điện cũ 20%) có hiệu lực từ tháng 12/2014 và giá thị trường điện cạnh tranh cao hơn. Như vậy, lợi nhuận sau thuế Quý 3 cũng tăng mạnh lên 44 tỷ so với 0.5 tỷ cùng kỳ Sau 9 tháng, doanh thu VSH đạt 74% và lợi nhuận đạt 76% dự báo 2015 của chúng tôi. Triển vọng Quý 4 và 2016: Hiện tại hồ Vĩnh Sơn và Sông Hinh mới chỉ tích được khoảng 20-40% dung tích hồ chứa do hạn hán. Mùa mưa chỉ còn kéo dài 20 ngày nữa và VSH bị rủi ro sản lượng Quý 4 sẽ không cao.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Bộ Tài chính tại thời điểm hiện tại có thể hoãn phát hành trái phiếu quôc tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng trả lời trước Quốc hội trong phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp hôm nay rằng kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế gần đây đã được phê duyệt có thể bị trì hoãn vào thời điểm hiện tại do Bộ Tài chính mong muốn quan sát biến động giá trong thời gian tới. Standard Chartered được lựa chọn với tư cách là nhà đồng dựng sổ cho đợt phát hành này. Điều này cho thấy có lẽ kế hoạch vẫn đang được tiến hành.

Các thị trường quốc tế đang chờ đợi liệu Fed có tăng lãi suất trong tháng 12 tới không khi có sự đồng thuận về khả năng này khi lạm phát tiền lương hàng năm tại Mỹ đã trở về mức 2,5% vào tháng trước do thị trường lao động Mỹ thắt chặt. Thay vì đó, Bộ trưởng phát biểu Bộ tài chính sẽ tăng phát hành tại thị trường trong nước với kỳ hạn dài hơn và cũng lưu ý rằng;

• Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với chi tiêu và cho vay các DNNN

• Nợ công được kiểm soát dưới mức trần cho phép mặc dù tăng 20% mỗi năm chủ yếu do tăng chi ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tổng cục Hải quan: theo số liệu sơ bộ, trong tháng 10 nền kinh tế xuất siêu 500 triệu USD thay vì con số nhập siêu 100 triệu USD như ước tính của Tổng cục Thống kê. Nhờ đó nhập siêu 10 tháng đầu năm chỉ ở mức gần 3,6 tỷ USD thay vì con số 4,1 tỷ USD. Cụ thể, trong tháng 10 kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa của cả nước đạt gần 14,314 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 của cả nước đạt hơn 13,814 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước. Trong đó, tháng 10, khối DN FDI tiếp tục xuất siêu hơn 1,6 tỷ USD, nâng mức xuất siêu trong 10 tháng đầu năm lên hơn 10,2 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 13,8 tỷ USD.

Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex): vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2015. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 112,895 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá vốn hàng bán giảm đến 32% xuống mức 103,287 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của Petrolimex tăng 54%, đạt 9,607 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm tăng 1,900 tỷ đồng. Riêng lãi ròng quý III tăng 21% lên 489 tỷ đồng. Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của Petrolimex đạt 51,136 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Petrolimex đạt gần 1,630 tỷ đồng.

Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay

Ngày 15/11, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nền kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, và tiếp tục đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay, ngoài việc tiếp tục cải cách toàn diện và xây dựng nền kinh tế mở cũng như tính năng động kinh tế trong nước, Trung Quốc đã thông qua kế hoạch năm năm lần thứ 13 (2016-2020) về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó xây dựng xã hội khá giả và phấn đấu tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người ở các vùng thành thị và nông thôn vào năm 2020 so với mức của năm 2010. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng cường phát triển kinh tế xanh, cải thiện chất lượng môi trường và tham gia nhiều vào nền kinh tế thế giới.

5. Sự kiện nổi bật ngày 18/11/2015:

ELC: Ngày GD 715.000 CP niêm yết bổ sung

PXS: Ngày GD 5.000.000 CP niêm yết bổ sung

PGS: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.

SDP: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 5%.

SDG: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%.

TTB: Ngày GD không hưởng quyền phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lê 105:100.

 

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý