1. Nhận định thị trường:
VN-Index trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày kết thúc với trạng thái giảm nhẹ -0.18%, tại 543.79 điểm. Thanh khoản cả phiên chỉ đạt mức rất thấp, hơn 60 triệu cổ phiếu, tiếp tục là phiên thứ 11 liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên. Độ rộng thị trường cũng diễn ra tương đối cân bằng khi sắc đỏ chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với sắc xanh.

Đồ thị VN-Index ngày 15/02/2016. Nguồn: Amibroker
Diễn biến này một phần phản ánh sự ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của giá dầu và thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần nghỉ lễ, nhưng mặt khác nó lại cho thấy tâm lý kỳ vọng về khả năng hồi phục của chỉ số sau kỳ nghỉ lễ, đặc biệt là khi chứng khoán toàn cầu và giá dầu cũng đang trên đà hồi phục mạnh mẽ trở lại sau tuần lao dốc mạnh.
Các chỉ báo kỹ thuật (MACD, RSI, STO) tương đối tích cực. Cụ thể, đường MACD đang xác lập xu hướng tăng khá chắc chắn sau khi vượt qua ngưỡng 0, chỉ báo RSI vẫn phát đi tín hiệu sẽ vượt qua ngưỡng 50 để hướng về vùng quá mua trong thời gian tới, còn đường STO đã giao cắt lên trên trở lại đường tín hiệu.
VN-Index đã có hồi phục trở lại khá tích cực vào cuối phiên và vẫn trụ được trên vùng gap hình thành trong phiên 04/02/2016 tại 539-542 điểm. Dù giảm điểm nhưng các tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện. Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 16/02/2016, VN-Index có khả năng sẽ tiếp tục trụ vững trên vùng gap và test lên ngưỡng 548.5 điểm là mức đỉnh cũ xác lập vào ngày 01/02/2016. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở vùng giá hiện tại.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 527.28 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên 16/02/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 15/02/2016:
Diễn biến thị trường thế giới nhiều biến động tiêu cực trong kì nghỉ lễ cùng với tâm lí nghỉ Tết dường như vẫn kéo dài đã tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày hôm nay. VN-Index thu hẹp được đà giảm vào cuối phiên, đóng cửa tại 543.79 điểm (giảm 0.18% so với phiên trước Tết). Thanh khoản đứng ở mức rất thấp, độ rộng thị trường thu hẹp. Khối ngoại bán ròng gần 71 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -3.1%, FTSE ETF premium 0.12% (ngày 05/02/2016).
Các thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. GTGD đạt khá thấp. Độ rộng thị trường hẹp; đã có 31 mã tăng trần và 24 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN đạt khá cao và khối này đã bán ròng. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra trầm lắng; trong đó có giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở mã VNM và giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở mã VIC.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã nghỉ giao dịch trong dịp Tết nguyên đán trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động. Và hôm nay thị trường Việt Nam đã mở cửa trở lại chỉ giảm nhẹ với Vnindex đóng cửa không giảm nhiều sau khi đã giảm mạnh trước đó. Rõ ràng điều này là nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ & châu Âu vào cuối tuần trước cộng với sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường Nhật Bản vào ngày hôm nay mặc dù thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịp Tết giảm.
• Các mã ngân hàng biến động trái chiều với EIB; STB và ACB giảm. BID & CTG đóng cửa tại tham chiếu. MBB & VCB tăng.
• Các mã chứng khoán giảm. BVH cũng giảm.
• Các mã ngành dầu khí biến động trái chiều với GAS tăng trong khi PVD giảm.
• VNM tăng trong khi FPT & BMP giảm.
• Các mã BĐS nói chung tăng, dẫn đầu là VIC. NLG cũng tăng nhẹ.
• Mã ngành xây dựng CTD tăng hôm nay sau khi công bố KQKD hợp nhất khả quan. Các mã ngành thép biến động trái chiều với HPG giảm trong khi HSG tăng.
• HAG hôm nay đóng cửa tại tham chiếu trong khi HNG tiếp tục giảm.
• PPC giảm do đồng Yên Nhật mạnh lên gần đây.
VIC giảm 2,4% dù có thông tin công ty đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên tại nước ngoài. Theo tờ The Australian, VIC đã chi 22,4 triệu đô-la Úc (16,1 triệu USD) để mua lại một khu đất rộng 1.030m2 tại trung tâm Sydney để xây dựng một khách sạn quy mô 172 phòng.
Thông tin MBB được chập thuận nới room ngoại lên 20% vào cuối phiên 05/02 khiến MBB là 1 trong ít cổ phiếu có sắc xanh trong phiên giao dịch sáng. Hết phiên, chỉ có VCB, SHB và MBB đóng cửa tăng giá, các cổ phiếu ngân hàng còn lại giảm nhẹ cùng với hầu hết cổ phiếu ngành bảo hiểm.
CTD tăng khá mạnh sau khi KQKD cả năm 2015 được công bố. Cụ thể, LNST đạt 666 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2014 và vượt 67% kế hoạch (KH đạt 400 tỷ đồng), EPS 2015 đạt 14.770 đồng. CTD là một trong những cổ phiếu có tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua và điều đó đã được phản ánh vào giá sau khi tăng mạnh từ vùng giá 57.000đ/cp của những tháng đầu năm 2015.
Khối ngoại bán ròng hơn 71 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Diễn biến giao dịch khối ngoại có phần trái ngược trên 2 sàn khi mua ròng nhẹ 12,23 tỷ đồng trên HNX trong khi bán ròng 83,28 tỷ đồng trên HSX. Trên HSX, OGC dẫn đầu khối lượng mua ròng với 650 nghìn đơn vị. GAS và DLG cũng được mua ròng nhẹ hơn 300 nghìn đơn vị mỗi mã. Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với khối lượng trên 2 triệu đơn vị. SSI cũng bị bán ròng trên 713 nghìn đơn vị.
Trên HNX, PVS dẫn đầu khối lượng mua ròng với trên 605 nghìn đơn vị. API và KLF cũng được mua ròng lần lượt 500 nghìn và 300 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng TIG và VND với khối lượng lần lượt 398 nghìn và 130 nghìn đơn vị.
Tỷ giá NDT đang ổn định trong khi giá dầu đã nhận được lực hỗ trợ với một số quốc gia sản xuất đang đề cập đến việc hỗ trợ giá dầu trong thời gian gần đây. Trước mắt với tỷ giá NDT trong ngắn hạn đã ổn định cộng với một số ý muốn hỗ trợ giá dầu được phát biểu trong vài tuần qua, thì Chuyên viên cho rằng tình hình có thể sẽ sớm ổn định trở lại. Ngoài ra còn kỳ vọng có thêm biện pháp kích thích kinh tế của NHTW Châu Âu vào tháng 3 cũng như của NHTW Nhật Bản.
Trước mắt Chuyên viên vẫn thận trọng đối với cổ phiếu ngân hàng & chứng khoán; lạc quan đối với cổ phiếu BĐS với dự thảo Thông tư 36 (siết cho vay ngành BĐS) sẽ chưa ban hành ngay trong khi cầu trong ngành vẫn cao. Chuyên viên nói chung cũng lạc quan đối với cổ phiếu ngành sản xuất. Đồng thời đang theo dõi sát các mã ngành dầu khí để chờ thời điểm thích hợp mua vào.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
MBB: Nâng trần khối ngoại từ 10% lên 20%
Trong thời điểm sát Tết Nguyên đán, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) đã chính thức công bố sẽ nâng trần sở hữu nước ngoài (FOL) từ 10% lên 20%, chính thức giảm tham vọng tìm nhà đầu tư chiến lược 20% kéo dài trong nhiều năm qua (mức sở hữu tối đa lý thuyết của nước ngoài giờ đây là 10%).
MBB vẫn chưa công bố thông báo liên quan trên website của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), do đó Chuyên viên vẫn chưa biết được thời gian áp dụng cụ thể. Theo quan điểm của Chuyên viên, đây là bước đi đúng đắn khi “khẩu vị” của các nhà đầu tư chiến lược không còn giống 5 năm trước, và các ngân hàng có hướng đi tương tự nên chú ý vấn đề này. Việc điều chỉnh trên có thể có hàm ý sau: 1) mở room 10% tương ứng với 160 triệu cổ phiếu, cao hơn nhiều con số 40,6 triệu được mở trong tháng 9/2015.
Mặc dù có thể nghi ngờ về tính hấp dẫn của 160 triệu cổ phiếu đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, tuy nhiên cũng có thể một phần lớn số cổ phiếu này sẽ được mua bởi các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (ví dụ như các công ty chứng khoán nước ngoài, vốn được MBB cho biết rất quan tâm trong việc mở vị thế đối với MBB) khi được mở room; 2) động thái này có thể liên quan đến Thông tư 36/2014 nhằm giải quyết vấn đề sở hữu chéo (VCB và Ngân hàng Maritime hiện đanh sở hữu hơn 5% tại MBB) và 3) động thái mở room này sẽ thu hút một lượng vốn nước ngoài đáng kể, và sự quan tâm lớn của khối ngoại trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam là một điều tích cực.
————
PVD: KQLN 2015 kém tích cực nhưng phù hợp dự báo
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) công bố doanh thu và LNST 2015 đạt lần lượt 656 triệu USD và 76 triệu USD, đều giảm 33,3% so với năm 2014. KQLN 2015 phù hợp với dự báo của Chuyên viên, với doanh thu và LNST đạt lần lượt 98% và 95% dự báo.
Diễn biến 2015 kém tích cực vì các nguyên nhân sau: (1) Giá thuê ngày giảm 20%-35% so với năm 2014; (2) Khối lượng công việc của các giàn khoan tự nâng suy giảm đáng kể với hiệu suất hoạt động ước tính chỉ đạt 79% so với mức 95% năm ngoái; và (3) Doanh thu mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cũng giảm mạnh 38%, do số giàn khoan sở hữu đang hoạt động giảm, và không có giàn khoan thuê nào hoạt động từ tháng 09/2015 đến nay. Kết quả này có thể sẽ kém tích cực hơn nữa nếu không có khoản lợi nhuận 8,9 triệu USD được chia từ liên doanh với Baker Hughes, đã ghi nhận trong Quý 3/2015.
Chuyên viên dự báo năm 2016, doanh thu và LNST sẽ giảm lần lượt 54% và 71% so với năm 2015, trên cơ sở giá dầu thô trung bình 30USD/thùng trong năm 2016. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dự báo giá dầu thô sẽ phục hồi ở thời điểm giữa năm nay, Chuyên viên sẽ đánh giá lại dự báo cho năm 2016 trong báo cáo cập nhật sắp tới của PVD.
Chuyên viên hiện đưa ra khuyến nghị BÁN dành cho PVD với giá mục tiêu 14.500VND/cổ phiếu. PVD này hiện đang giao dịch tại mức PER dự phóng 1 năm là 16,7 lần so với PER trung vị đã điều chỉnh của các công ty cùng ngành là 9,1 lần.
————
CVT công bố kết quả kinh doanh năm 2015 khả quan.
Theo đó, doanh thu đạt mức 785 tỷ VNĐ, tăng 16.8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 62.8 tỷ VNĐ, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong năm 2015, CVT đã chủ động nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang các mặt hàng cao cấp cộng thêm thị trường bất động sản khởi sắc khiến doanh thu tăng trưởng khả quan. Công ty chủ động tiết giảm các chi phí trung gian như chi phí quản lý, lãi vay qua đó hỗ trợ đáng kể cho đà tăng trưởng lợi nhuận.
Trong năm 2015, CVT tập trung đầu tư giai đoạn 2 nhà máy CMC số 2 do đó chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận và dòng tiền của CVT sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2016. Công ty đã chính thức khánh thành nhà máy gạch CMC 2 giai đoạn 2 với công suất 5 triệu m2 gạch/năm. Nhà máy này sẽ chuyên sản xuất gạch lát dòng sản phẩm cao cấp khổ lớn 600×600 và 800×800, có giá bán cao hơn các dòng sản phẩm khổ nhỏ. Nhà máy đã xong giai đoạn tiến hành chạy thử. Đồng thời, Công ty cũng vừa hoàn thành nâng cấp nhà máy CMC 2 giai đoạn 1 và tăng công suất sản xuất của giai đoạn 1 thêm 25%.
Trong năm 2015, nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát đã tiến hành tăng công suất do triển vọng tiêu thụ khả quan. Chuyên viên dự báo áp lực cạnh tranh đối với CVT sẽ tăng cao hơn trong năm 2016. Mặc dù vậy chuyên viên vẫn duy trì dự phóng lạc quan về khả năng tăng trưởng của Công ty.
Dự phóng LNST của CVT trong 2016 đạt mức 80 tỷ VNĐ, tương đương mức EPS 4,166 VNĐ.
————
DVP: Năm 2015 dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 70%
Năm 2015, Cảng Đình Vũ đạt sản lượng 620.062 teu, vượt 5,45% kế hoạch năm, tăng 7,9% so với năm 2014; doanh thu cả năm đạt hơn 700,8 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm, tăng gần 21% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 310,55 tỷ đồng, vượt 34,43% kế hoạch năm, tăng 28,15% so với năm 2014. HĐQT CTCP Cảng Đình Vũ (DVP) vừa thông qua nghị quyết HĐQT, thông qua kết quả sản xuất kinh doanh quý IV/2015 đạt sản lượng 149,3 teu, vượt 3% kế hoạch quý, doanh thu đạt gần 173 tỷ đồng, vượt 23,45% kế hoạch quý, lợi nhuận trước thuế đạt 59,486 tỷ đồng, vượt 8,15% kế hoạch.
Lũy kế năm 2015, Cảng Đình Vũ đạt sản lượng 620.062 teu, vượt 5,45% kế hoạch năm, tăng 7,9% so với năm 2014; doanh thu cả năm đạt hơn 700,8 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm, tăng gần 21% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 310,55 tỷ đồng, vượt 34,43% kế hoạch năm, tăng 28,15% so với năm 2014.
Năm 2016, DVP đặt kế hoạch sản lượng đạt 620.000 teu tương đương 8,68 triệu tấn, xấp xỉ thực hiện năm trước, doanh thu đạt 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, cổ tức dự kiến trên 30%. Năm 2016, DVP dự kiến đầu tư 10 đầu kéo container chuyên dụng chở container trong cảng. DVP đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 tỷ lệ 20%, dự kiến sẽ chia cổ tức đợt 2 tỷ lệ 50% (cả năm 70%). HĐQT nhất trí dự kiến ngày tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2016 vào ngày 14/4/2016 tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải Phòng.
————
KLF: Lãi quý 4 thấp nhất 10 quý
Cụ thể, doanh thu thuần quý 4/2015 đạt hơn 823 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ. Lãi ròng 198 triệu đồng, giảm 96% so với cùng kỳ và là quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 3/2013.
————
HAP: Lãi ròng quý 4 giảm 58% cùng kỳ
Doanh thu quý 4 của công ty đạt 111 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng chỉ hơn 1.2 tỷ đồng, giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm trước.
————
SFG: Lãi ròng quý 4 giảm 40% cùng kỳ
Trong quý IV, CTCP Phân bón Miền Nam đạt doanh thu hơn 541 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng lại giảm tới 40% xuống chỉ còn gần 12 tỷ đồng.
————
FCM: Lãi ròng quý 4 chỉ đạt 6.8 tỷ đồng
CTCP Khoáng sản FECON vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2015 với doanh thu thuần giảm mạnh 35%, lợi nhuận ròng trong kỳ chỉ đạt 6.8 tỷ đồng, kém 18.6% so với cùng kỳ.
————
VIP: Lãi ròng 2015 giảm đến 75%
CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco đạt lãi ròng hợp nhất gần 56 tỷ đồng, kết quả này sụt giảm đến 75% so với năm 2014, tuy nhiên vẫn vượt trên 80% kế hoạch năm (31 tỷ đồng).
————
KBC: Lãi hợp nhất 2015 đạt 629 tỷ
Lũy kế 2015, doanh thu đạt 1,458 tỷ đồng, thực hiện được 74% so với kế hoạch 2015. Sau khi trừ đi các khoản phí, lãi ròng hợp nhất đạt 629 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2014, thực hiện được 85% so với kế hoạch năm (739 tỷ đồng).
————
PAN: Lãi 2015 đạt 211 tỷ đồng
Năm 2015, PAN đạt doanh thu thuần hơn 2,647 tỷ đồng, tăng 136% so với 2014. Lãi sau thuế công ty mẹ đạt 211 tỷ đồng, tăng 111% so với 2014. Tuy nhiên, PAN chỉ hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận năm 2015.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Từ đầu năm tỷ giá khá ổn định và xu hướng này có lẽ sẽ còn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm
Từ đầu năm tỷ giá giảm 0,53% – Tỷ giá trung tâm hôm nay là 21.873 (vào ngày giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết nguyên đán là 21.861). Trong khi đó tỷ giá liên ngân hàng là 22.355; tăng 0,28% so với thời điểm trước Tết nguyên đán và giảm 0,53% so với đầu năm. Hiện tỷ giá liên ngân hàng thấp hơn 0,77% so với tỷ giá trần là 22.529. Trong khi đó tỷ giá tự do là 22.350; giảm 0,18% so với thời điểm trước Tết và thấp hơn 0,8% so với tỷ giá trần.
NHTW Trung Quốc đã công bố tỷ giá NDT giảm 1% cho thấy sự ổn định tương đối ở đồng tiền này – NHTW Trung Quốc công bố tỷ giá NDT đối với USD là 6,5118; giảm gần 1% so với ngày 5/2; thời điểm trước khi nghỉ Tết nguyên đán và đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 4/1. Tỷ giá NDT giảm sau phát biểu gần đây của Thống đốc NHTW Trung Quốc ông Chu Tiểu Xuyên đã bác bỏ khả năng phá giá mạnh đồng NDT đồng thời để ngỏ khả năng điều chỉnh dần tỷ giá trong tương lai. Ông cũng cho biết thêm cán cân thanh toán của Trung Quốc đang khỏe mạnh, dòng vốn rút ra ở tốc độ bình thường và tỷ giá ổn định. Việc NHTW Trung Quốc công bố tỷ giá NDT giảm mạnh cộng với những phát biểu hỗ trợ từ Thống đốc Chu Tiểu Xuyên đang phát đi tín hiệu là trước mắt đồng NDT ít có khả năng phá giá.
Tỷ giá VND đang ổn định nhờ nguồn ngoại tệ vào Việt Nam – Tỷ giá VND đang khá ổn định từ đầu năm và trái với sự biến động mạnh của tỷ giá NDT vào đầu tháng 1. Có vẻ điều này là nhờ (1) giao dịch trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng đã suôn sẻ hơn sau khi NHNN áp dụng hợp đồng kỳ hạn; (2) vừa qua là mùa cao điểm kiều hối và (3) nguồn ngoại tệ từ những thương vụ M&A lớn chẳng hạn đợt đầu giản ngân của thương vụ mua cổ phần MSN của Singha Beer trị giá 650 triệu USD (4) bán USD lấy tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng chênh lệch lãi suất do hiện lãi suất gửi USD là 0%. Điều này đã gúp cho tỷ giá VND ổn định trong khi tỷ giá NDT biến động mạnh trong thời gian gần đây (trong khi 2 tỷ giá này biến động cùng chiều trong cuối tháng 8 vừa qua).
Xu hướng trung hạn là khả quan – Với kỳ vọng tăng lãi suất USD của Fed trong năm nay giảm xuống, thì có vẻ cả tỷ giá VND và tỷ giá NDT đã bớt chịu áp lực. Ngoài ra chính quyền Trung Quốc cũng thận trọng hơn khi điều chỉnh tiếp tỷ giá NDT vì những hệ lụy nhãn tiền; và điều này càng làm tăng niềm tin của Chuyên viên là tỷ giá VND sẽ biến động trong biên độ hẹp trong vài tháng tới. Chuyên viên tiếp tục duy trì quan điểm là tỷ giá VND sẽ tăng 5% trong năm nay nhưng lưu ý là hoàn toàn có khả năng tỷ giá năm nay sẽ tăng ít hơn thế.
————
Cập nhật diễn biến tình hình các thị trường thế giới tuần nghỉ Tết Âm lịch 8 – 12/2/2016
Các thị trường chứng khoán toàn cầu có tuần diễn biến nhiều cảm xúc khi có những phiên giảm điểm mạnh vào đầu tuần và phục hồi vào cuối tuần. Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đã có mức giảm hơn 20% kể từ đỉnh và bước vào thị trường con gấu có thể kể đến: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Brazil, Canada.
Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cung cầu về dầu mỏ chưa có dấu hiệu cân bằng, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc làm giảm nhu cầu về nguyên vật liệu thô vốn là động lực tăng trưởng của nhiều nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Nam Phi,… Cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà lao dốc khi các quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Trung Ương châu Âu hay Nhật Bản đã không còn những hiệu ứng tích cực và tác động trực tiếp lên hoạt động các ngân hàng, nhóm cổ phiếu năng lượng tiếp tục giảm là những lí do chính tác động lên diễn biến.
Thị trường chứng khoán những phiên đầu tuần. Phiên cuối tuần, giá dầu bất ngờ phục hồi mạnh gần 12%, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3 tăng 3.23 USD/thùng lên mức 29.44 USD/thùng khi một số thông tin tích cực được công bố. (1) Bộ trưởng năng lượng UAE và Bộ trưởng năng lượng Venezuela đã có những phát biểu về nội bộ OPEC đã có những đồng thuận thu hẹp sản xuất hoạt động năng lượng. (2) Số liệu được công bố bởi công ty năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 1/2010 khi trong tuần đã có 28 giàn khoan ngừng hoạt động, hiện chỉ còn 439 giàn khoan tiếp tục vận hành, con số này cùng thời điểm năm 2015 là 1,056 giàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu cũng đã phục hồi dưới sự dẫn dắt của Deutsche Bank và Commerzbank khi Deutsche Bank cho biết sẽ mua lại hơn 5 tỉ USD tổng nợ dài hạn, làm giảm bớt lo ngại về trái phiếu đã giúp cổ phiếu tăng 11.8% và cổ phiếu Ngân hàng Commerzbank đã tăng 18% trong phiên cuối tuần.
Kết phiên cuối tuần 12/2, chỉ số công nghiệp DowJones của Mỹ đóng cửa tại 15,973.84, giảm 1.43% so với đầu tuần. Chỉ số S&P 500 đóng cửa tại 1,864.78, giảm 0.81% so với đầu tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa tại 5,707.6 điểm, giảm 2.4% so với đầu tuần, chỉ số DAX của Đức đóng cửa tại 8,967.51 điểm, giảm 3.43% so với đầu tuần, chỉ số CAC40 của Pháp đóng cửa tại 3,995.06 điểm, giảm 4.89% so với đầu tuần. Chỉ sô Nikkei của Nhật sau một tuần nhiều biến động (giảm 13.2%) đã có phiên tăng điểm rất mạnh vào hôm nay 15/02/2016, đóng cửa tại 16,023 điểm (tăng 7.16% so với phiên cuối tuần trước), chỉ số Shang hai Index hôm nay đóng cửa tại 2,746.2 điểm, giảm 0.63% so với phiên trước kì nghỉ Tết Âm lịch.
Trong tuần, giá vàng giao ngay trên Thị trường Thế giới đóng cửa tại 1,237.9 USD/ounce, tăng 5.49%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 4 đóng cửa tại 1,238.5 USD/ounce, tăng 6.98%. Giá vàng tại Việt Nam tăng khá mạnh có lúc lên đến 34.5 triệu đồng/lượng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, nguồn cung trong nước giảm so trước Tết do hoạt động nghỉ Tết của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, và nhu cầu vàng thường tăng nhẹ do tâm lí mua vàng cầu may đầu năm. Tuy nhiên, giá vàng quay đầu giảm 800 nghìn đồng/lượng trong phiên hôm nay 15/02 sau phiên tăng mạnh tới gần 1,5 triệu đồng/lượng hôm 13/2, giá vàng trong nước ngày 15/2 quay đầu giảm trên dưới 800 nghìn đồng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 33,65 – 33,95 triệu đồng/lượng.
————
Moody’s: Thông tư 36 sửa đổi có lợi cho ngân hàng Việt Nam
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s nhận định Thông tư 36 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tác động tích cực đến tín dụng của các ngân hàng của Việt Nam, vì nó sẽ cải thiện thanh khoản và hạn chế tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản nhiều rủi ro.
Các quy chế quản lý nợ – tài sản mới của NHNN sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn mà ngân hàng có thể sử dụng cho các khoản vay dài hơn 12 tháng từ 60% xuống 40%. Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ lớn các khoản vay dài hạn sẽ hãm chậm tốc độ tăng trưởng tín dụng hoặc chuyển sang tập trung vào các khoản vay ngắn hạn, điều sẽ có lợi cho thanh khoản, Moody’s chỉ ra.
Ngoài ra, các ngân hàng có thể huy động nguồn vốn dài hạn để trang trải các khoản cho vay dài hạn, nhưng tỷ lệ thành công không cao vì chi phí vốn cao hơn và mức cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tiền gửi, Moody’s nhận xét. Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất giảm hệ số rủi ro với các khoản khó đòi trong lĩnh vực bất động sản từ 250% xuống 150%, cũng khiến các ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này.
————
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net