1. Nhận định thị trường:
VN-Index giảm mạnh 7,34 điểm (tương ứng 1,31%), đóng cửa tại 553,03 điểm. Thanh khoản cũng tăng lên mức 128,7 triệu cổ phiếu (+11%).

Đồ thị VN-Index ngày 14/01/2016. Nguồn: Amibroker
VN-Index sụt giảm mạnh ngay từ đầu phiên với sự ngự trị trong suốt phiên giao dịch của sắc đỏ. Phiên giảm điểm hôm nay đã khiến VN-Index phá vỡ đáy cũ (557 điểm) và tiếp tục xu hướng đi xuống trong trung hạn. Cách thức phá vỡ đáy cũ cũng rất thuyết phục khi biên độ giảm điểm mạnh, xuất hiện “gap” – khoảng trống cần bù lấp và cho thấy ngưỡng kháng cự mới trong ngắn hạn được hạ thấp hơn xuống mức 560 điểm. Thanh khoản tiếp tục có dấu hiệu gia tăng – duy trì trên mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất, kèm theo sự lan tỏa mạnh của độ rộng giảm điểm. Diễn biến này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chuyển sang trạng thái bi quan, và có phần hoảng loạn trước xu hướng sụt giảm mạnh của chỉ số trong ngắn hạn.
Trên đồ thị, cây nến đỏ đặc phiên hôm nay với khoảng trống giảm giá “runaway gap” được hình thành dưới sức ép từ nhóm MA ngắn hạn đang hướng xuống khiến cho dải BB bắt đầu mở rộng. Điều này là một tín hiệu khá tiêu cực, có thể khiến chỉ số đối mặt với nguy cơ bước vào nhịp “washout” mạnh trong ngắn hạn. Đường giá hiện đang dao động trong kênh xu hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 11/2015. Cận dưới của kênh giá xuống này (tương ứng với vùng quanh 535-540 điểm) có thể sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số trong thời gian tới. Xét diễn biến của các chỉ báo kỹ thuật, các đường MACD và Momentum đang có dấu hiệu gia tăng độ dốc hướng xuống từ ngưỡng 0 và 100 hàm ý sự biến động giá trong của chỉ số sẽ có xu hướng tăng lên trong ngắn hạn. Đường ADX vẫn đang hướng về ngưỡng 40 trong sự phân kỳ của 2 đường DI, nếu đường này cắt lên trên ngưỡng 40 trong những phiên kế tiếp sẽ hàm ý cường độ xu hướng giảm sẽ còn tăng mạnh. Những tín hiệu trên cũng đang ủng hộ cho khả năng giảm mạnh của chỉ số trong ngắn hạn.
Vùng 550 điểm hiện tại đang ứng với mốc Fibonacci Retracement 61,8%. Nhật Cường cho rằng nếu không thể giữ vững mốc này thì VN-Index sẽ tìm về vùng hỗ trợ thấp hơn xung quanh mức 535 điểm. Vùng 535 điểm là ngưỡng hỗ trợ mạnh và đáng tin cậy khi đây là nơi VN-Index gặp đường xu hướng tăng dài hạn, đồng thời cũng là mốc Fibonacci 78,6%.
Tuy nhiên, chừng nào các chỉ báo kỹ thuật trên chưa tạo đáy mới thấp hơn thì vẫn có thể kỳ vọng kịch bản tích cực sẽ đến với VN-Index. Hiện tại, đường giá đang được hỗ trợ bởi ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8% (tương ứng mốc 550 điển) trong bối cảnh các chỉ báo dao động (STO, CCI, William%R) đã ở vào trạng thái quá bán. Điều này có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho đường giá trong những phiên kế tiếp. Nhà đầu tư lưu ý nên canh các nhịp bulltrap của chỉ số VN-Index để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức thấp. Vùng hỗ trợ gần 535-540 điểm của VN-Index được xem là điểm mua trading gia tăng tỷ trọng trở lại cho phần danh mục ngắn hạn.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 574 điểm. Do đó, trên quan điểm thận trọng, nhà đầu tư được khuyến nghị bán giảm tỷ trọng danh mục ở các nhịp hồi. Đồng thời, nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua vì rõ ràng hành động bắt đáy sớm trong các phiên tới sẽ đồng nghĩa với khả năng chấp nhận rủi ro rất cao. Khi các yếu tố tạo đáy ngắn hạn vẫn chưa được xác lập thì hành động đứng ngoài thị trường được cho là phù hợp và nên được tuân thủ nghiêm túc nhằm tránh các hành động giao dịch bắt đáy theo cảm tính.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 14/01/2016:
Diễn biến tiêu cực của của Thị trường Chứng khoán Thế giới đã tác động khá mạnh lên tâm lý nhà đầu tư trong nước, VN-Index giảm 1.31% phiên hôm nay đóng cửa tại 553 điểm. Thanh khoản tăng đáng kể so với phiên 13/01, độ rộng thị trường tiêu cực. Khối ngoại bán ròng trên 143 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -2.31%, FTSE ETF premium 0.3%.
Thị trường giảm điểm trên cả hai sàn, VN-Index giảm 7,34 điểm (-1,31%) xuống còn 553,03 điểm còn HNXIndex giảm 0,95 điểm (-1,24%) xuống 75,71 điểm. Thanh khoản tăng khá mạnh với giá trị giao dịch trên HOSE đạt 2320,22 tỷ đồng (+28,5%) tương đương 149,69 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch trên HNX đạt 425,25 tỷ đồng (+21,82%) tương đương 45,84 triệu cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh do chứng khoán Mỹ bị bán mạnh phiên hôm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường Việt Nam. Đa số các cổ phiếu giảm giá ngay từ đầu phiên, các cổ phiếu lớn như EIB, BID, BVH, SSI, VCB, PVS, PVC…giảm giá khá mạnh trong khi nhóm cổ phiếu Midcap có nhiều mã giảm sàn như FLC, OGC, HNG…Thị trường có sự hồi phục nhẹ khi VN-Index về mức 550 điểm nhờ các cổ phiếu VIC, MSN, VNM tăng trở lại, tuy nhiên đến cuối phiên chỉ có VIC giữ được giá xanh, không đủ kéo thị trường về lại tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng lượng bán ròng trên cả hai sàn. Trên HOSE, khối ngoại tăng mạnh giao dịch khi mua vào 460,22 tỷ đồng và bán ra 583,42 tỷ đổng, tổng cộng họ bán ròng 123,2 tỷ đồng trong đó bán ra mạnh MSN (-98,26 tỷ), VIC (-70,26 tỷ đồng), HPG (-17,19 tỷ), SSI (-12,82 tỷ), BVH (-10,95 tỷ)PVD (-10,48 tỷ) trong khi mua vào 147,8 tỷ đồng mã EIB qua giao dịch thỏa thuận. Trên HNX, khối ngoại 20,06 tỷ đồng tập trung vào các mã DBC (-15,69 tỷ), PVS (-6,84 tỷ), VNR (-1,85 tỷ).
3. Thông tin Doanh nghiệp:
PAN: Đã công bố một số thông tin doanh nghiệp. KQKD năm 2015 dự kiến sẽ rất ấn tượng
TAEL Two Partners Ltd hiện nắm 19,78% cổ phần PAN đã đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu PAN từ 15/1 đến 22/1 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 20,79%. Đồng thời Phó Chủ tịch của PAN là Michael Louis Rosen cũng đã đăng ký bán 1,9 triệu cổ phiếu PAN từ 13/1 đến 11/2.
Sau 9T 2015, PAN công bố doanh thu thuần hợp nhất là 1.763 tỷ đồng, tăng 156,2% so với cùng kỳ và LNST đạt 156 tỷ đồng, tăng 164,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ sự đóng góp nguyên năm của NSC và hợp nhất lợi nhuận từ các công ty mà PAN mua lại trong kỳ chẳng hạn như SSC và LAF. Trong Q3, PAN đã bán mảng dịch vụ vệ sinh và ghi nhận lãi khoảng 30 tỷ đồng. Theo đó PAN trở thành một công ty thuần túy hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. PAN đã nâng tỷ lệ sở hữu tại NSC và LAF lên lần lượt là 75% và 80%. Ngoài 2 khoản đầu tư này, PAN còn sở hữu 63,26% tại ABT, gián tiếp sở hữu 46% SSC thông qua NSC và 42,25% BBC.
Dự báo doanh thu thuần hợp nhất năm 2015 đạt 2.710 tỷ đồng, tăng trưởng 141,6% và LNST đạt 222 tỷ đồng, tăng trưởng 121,2%. Cho năm 2016, dự báo doanh thu thuần đạt 3.167 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% và LNST đạt 235 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3%. Hiện P/E dự phóng 2016 là 13,9 lần.
—————————————
CII: Dự kiến đạt KQKD cao hơn kế hoạch. Dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 37% trong năm 2016. Nâng mức đánh giá từ Khả quan lên Mua vào.
CII sẽ phát hành 33 triệu cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu phát hành cho GS và HFIC; theo đó số lượng cổ phiếu lưu hành tăng 15%. LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ có khả năng tăng trưởng 59% nhờ lợi nhuận tài chính tăng mạnh sau một số thương vụ chuyển nhượng cổ phần mặc dù công ty có thể lỗ trong Q4 do phải trích lập dự phòng. Trong năm sau chúng tôi dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 37% dựa trên giả định doanh thu chỉ tăng trưởng khiêm tốn với doanh thu từ phí cầu đường tăng chậm lại do việc tăng phí sẽ hoãn đến tháng 7 và một trạm thu phí quan trọng hiện đang ngừng thu phí. Cho dù vậy công ty sẽ đạt lợi nhuận tài chính thuần cao một phần nhờ 9 lô đất được nhận tại Thủ Thiêm đổi lấy việc công ty xây dựng cơ sở hạ tầng; và điều này mở ra cơ hội ghi nhận lợi nhuận. Và một phần nhờ lãi từ giao dịch trái phiếu hoán đổi với đối tác MPTC của Philipin.
Nâng mức đánh giá từ Khả quan lên Mua vào. Định giá có vẻ rẻ với P/E là 7,1 lần dựa trên dự báo EPS đã điều chỉnh pha loãng của chúng tôi cho năm nay. Hiện định giá cổ phiếu là khá hợp lý. Lo ngại cổ phiếu chuyển đổi có thể được bán ra qua phương thức khớp lệnh là không có nhiều căn cứ.
CII sẽ sớm phát hành 33 triệu cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của GS và HFIC như dự kiến – CII gần đây đã công bố Goldman Sachs và HFIC sẽ chuyển đổi lần lượt 25 triệu USD (562 tỷ đồng) và 44,4 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi vào ngày 26/1/2016 với giá chuyển đổi là 18.800đ/cp. Theo đó CII sẽ phát hành khoảng 33 triệu cổ phiếu mới để chuyển đối số trái phiếu nói trên. Theo đó số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng từ 218,25 triệu đơn vị lên 251,25 triệu đơn vị (tăng 15%).
GS sẽ nắm 11,94% cổ phần CII – Trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm được phát hành vào ngày 27/1/2011 và có thể chuyển đổi 1 năm sau khi phát hành. Và với các đợt chuyển đổi diễn ra trước đây, CII đã chuyển đổi 15 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của GS thành 32,96 triệu cổ phiếu với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp, diễn ra vào tháng 1, tháng 7 & tháng 10/2015. Sau khi chuyển đổi, GS sẽ nắm 11,94% cổ phần CII (hiện nay là 0%) do GS đã bán toàn bộ 32,96 triệu cổ phiếu từ đợt chuyển đổi trước đó. Trong khi đó HFIC sẽ nắm 9,57% cổ phần (giảm từ mức hiện tại 9,94%) do tác động pha loãng từ việc CII phát hành cổ phiếu cho GS để chuyển đổi trái phiếu. Và mặc dù HFIC cũng nhận được cổ phiếu từ chuyển đổi trái phiếu thì số cổ phiếu tăng thêm không đủ để bù cho mức độ pha loãng từ cổ phiếu phát hành cho GS nói trên.
LNST năm 2015 có khả năng tăng trưởng 59%, vượt xa kế hoạch của công ty – CII cũng đã ước tính KQKD 2015. Công ty ước tính LNST sẽ đạt khoảng 618 tỷ đồng (tăng trưởng 59%); cao hơn 34% so với kế hoạch của công ty cho cả năm. KQKD nói trên chưa bao gồm 182 tỷ đồng lãi từ bán 30 triệu cổ phiếu LGC được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối trên Bảng cân đối kế toán theo Thông tư 202.
Dự kiến CII lỗ trong Q4 do phải trích lập các khoản dự phòng – Khả năng Công ty sẽ ghi nhận lỗ 85 tỷ đồng trong Q4 do phải trích lập khoảng 110 tỷ đồng gồm (1) 10 tỷ đồng dự phòng lỗ tỷ giá cho 25 triệu USD trái phiếu chuyển đổi phát hành cho GS và (2) 97 tỷ đồng dự phòng phát sinh từ việc thay đổi kế hoạch đầu tư & thu phí một trong những dự án BOT của CII làm ảnh hưởng đến một số cam kết với các đối tác.
Cho 2015, Ứớc tính doanh thu thuần đạt 1.637 tỷ đồng (giảm 37%) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 606 tỷ đồng (tăng trưởng 56%)
Tuy nhiên phương pháp kế toán ghi nhận giao dịch này chưa thực sự rõ ràng – Như vậy CII thực tế đang bán cổ phiếu LGC với giá 18.000đ/cp trong khi đó công ty đồng thời mua vào cổ phiếu LGC với giá 10.000đ/cp. Và sau đó khi MPTC chuyển đổi toàn bộ số trái phiếu hoán đổi đã mua trước đó, CII sẽ ghi nhận khoản lãi khoảng 424 tỷ đồng chênh lệch giữa giá hoán đổi, là 18.000đ/cp và giá chuyển đổi, là 10.000đ/cp. Tuy nhiên, có khả năng khoản lãi như vậy sẽ được ghi nhận trên Bảng cân đối theo Thông tư 202 thay vì trên Báo cáo Kết quả kinh doanh. Dù vậy công ty cũng cho rằng có nhiều phương án khác mà công ty có thể áp dụng nhằm đảm bảo khoản lãi được ghi nhận trên Báo cáo KQKD trong trường hợp kiểm toán yêu cầu phương pháp hạch toán này.
CII có thể ghi nhận lãi từ các lô đất nhận được để phát triển cơ sở hạ tầng cho Dự án ở Quận 2 – Hơn nữa, CII cũng có kế hoạch ghi nhận khoảng 360 tỷ đồng lợi nhuận từ Dự án BT Thủ Thiêm. CII sẽ nhận 9 lô đất với diện tích 9,6 ha tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gần cầu Thủ Thiêm) để thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng tại phân khu 3 và 4 của Khu đô thị mới này. CII sẽ nhận đất dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng. Dự án BT bắt đầu vào tháng 6/2015 và theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành sau 18 tháng.
Công ty sẽ phát triển một khu chung cư cao cấp tại một lô đất nhận được và dự kiến hoàn thành xây dựng trong năm nay, theo đó dự kiến sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung – Theo đó, công ty sẽ tiến hành xây dựng 105 căn chung cư cao cấp trên diện tích 14.000m2 của một trong 9 lô đất nhận được. Khu chung cư 4 tầng với tổng diên tích sàn là 18.000m2 này sẽ được khởi công xây dựng trong Q1 năm nay và dự kiến sẽ bàn giao các căn hộ này vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Giá bán vẫn chưa được công bố, tuy nhiên được biết khách hàng bày tỏ quan tâm đến phần lớn số căn hộ ở đây. Do đó, trong kế hoạch của năm 2016, CII kỳ vọng sẽ ghi nhận 60-70% tổng lợi nhuận từ việc bán các căn hộ này.
Công ty cũng có thể đã bán một lô đất khác – Gần đây, CII thông báo thành lập Công ty TNHH Trường Thuận Phát. Và sau đó ngay lập tức bán công ty này cho một đối tác và ghi nhận LNST 150 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng, thực tế đây là thương vụ bán một lô đất của công ty, tuy nhiên, do thủ tục bán đất trực tiếp cho một NĐT khác phức tạp, CII thay vào đó đã lựa chọn bán cổ phần trong công ty sở hữu lô đất đó. Lô đất này có thể là một trong 9 lô đất tại Thủ Thiêm. Và đối với các lô đất còn lại ở Thủ Thiêm, CII hiện đang tim kiếm đối tác đồng phát triển.
Nâng đánh giá lên Mua vào dựa trên mức định giá rẻ – Theo đó, dự báo EPS 2016 sau phát hành pha loãng sẽ là 3.133đ. Và với giá cổ phiếu hiện tại, cổ phiếu CII hiện giao dịch với P/E 2016 sau pha loãng là 7,1 lần và P/B dự phóng là 1,4 lần, là mức định giá rất rẻ đối với một công ty phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu. Một yếu tố có thể là lo ngại của thị trường đó là việc GS sẽ làm gì đối với cổ phần nắm giữ sau chuyển đổi. Và mặc dù chúng tôi đã bao gồm yếu tố này trong ước tính tổng số cổ phiếu của công ty, lo ngại ở đây là công ty này có thể bán một phần cổ phiếu trên thị trường. Khả năng này là không thể. Và do đó, với vị thế đầu ngành của CII trong các phân khúc phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, định giá P/E hợp lý và triển vọng tăng trưởng ổn định, quyết đinh nâng đánh giá đối với cổ phiếu này từ Khả quan lên Mua vào.
—————————————
HRC: Vượt kế hoạch khai thác mủ cao su cả năm CTCP Cao su Hòa Bình (mã chứng khoán HRC) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 12/2015. Theo đó, tháng 12, công ty khai thác được 190,2 tấn mủ cao su; lũy kế cả năm khai thác được 1.340 tấn, vượt 8,7% kế hoạch cả năm (1.200 tấn). Về công tác thu mua, tính riêng tháng 12 thu mua được 94,3 tấn mủ cao su; lũy kế cả năm mua được 501,7 tấn. Công tác bán hàng, tháng 12, giao bán được 433,4 tấn, đạt doanh thu 11,7 tỷ đồng; lũy kế cả năm bán được 2.817,5 tấn, doanh thu đạt trên 88,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015, Cao su Hòa Bình đạt 58,2 tỷ đồng doanh thu, còn cách khá xa so với chỉ tiêu 166,5 tỷ đồng cả năm. Tuy nhiên, mức LNST đạt gần 29 tỷ đồng, vượt 12% so với chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (25,74 tỷ đồng). Phần lớn khoản lợi nhuận Cao Su Hòa Bình thu về trong năm nay đến từ việc thanh lý chặt bán cây cao su. Đây cũng là kết quả được dự báo trước khi mục tiêu trong năm công ty thu về 31 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý vườn cây cao su. Ngoài ra, nguồn thu khác từ bán giống vườn ươm, bán vật tư, đền bù…cũng mang lại khoản lợi nhuận khác không nhỏ cho công ty.
—————————————
SDN: Năm 2015 EPS đạt 3.720 đồng, lãi vượt 48% kế hoạch CTCP Sơn Đồng Nai (mã CK: SDN) công bố BCTC quý 4/2015 và cả năm 2015. Theo đó, riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 40,35 tỷ đồng tăng 15,25% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần giảm nên lợi nhuận gộp đạt 11,74 tỷ đồng tăng 26,24% so với quý 4/2014. Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng nhưng các khoản chi phí cũng đều tăng cao so với cùng kỳ nên kết quả Sơn Đồng Nai lãi ròng 1,26 tỷ đồng cao gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm 2015, SDN đạt 142,54 tỷ đồng tăng 13,54% so với cùng kỳ, LNST đạt 6,8 tỷ đồng tăng 8,73% so với năm 2014 tương đương EPS đạt 3.720 đồng. Năm 2015, SDN đặt mục tiêu doanh thu 100 tỷ đồng và 6 tỷ đồng LNTT. Theo đó, kết thúc năm 2015 SDN đã chính thức hoàn thành vượt 42,54% kế hoạch doanh thu và 48,3% kế hoạch LNTT.
—————————————
CHP: Lưu lượng nước khá thấp trong tháng 12 khiến sản lượng điện phát trong tháng của CHP chỉ đạt 58,3 triệu kWh, bằng 48% sản lượng của cùng kỳ năm 2014. Tổng sản lượng điện quý 4/2015 theo đó đạt xấp xỉ 273 triệu kWh (-12,5%, yoy) và doanh thu tương ứng đạt hơn 297 tỷ đồng (-7,2%, yoy). Lũy kế cả năm 2015, tổng sản lượng thương phẩm đạt xấp xỉ 652 triệu kWh (+14%, yoy) và doanh thu điện tương ứng đạt hơn 726 tỷ đồng (+16%, yoy).
Có thể nói nhờ đặc điểm “ngược mùa” tự nhiên, lưu lượng nước trung bình năm 2015 ở khu vực sông A Sáp vẫn được duy trì ở mức tương đương các năm trước, trái với diễn biến thủy văn ở nhiều khu vực khác trên cả nước. Nhà máy thủy điện của CHP nhờ vậy không những có thể tăng sản lượng điện mà giá bán điện cũng tăng nhẹ, khoảng 1,8%, so với giá bán trung bình của năm 2014. Tuy nhiên, trước diễn biến thủy văn trong tháng 12/2015 kém khả quan hơn so với tháng 12/2014, NĐT không nên kỳ vọng kỳ tích của quý 1/2015 có thể lặp lại trong quý 1/2016. Mặc dù vậy, thay cho sự sụt giảm về sản lượng, chúng tôi kỳ vọng giá bán điện trong quý 1/2016 có thể tăng lên so với cùng kỳ và bù đắp phần nào cho sự sụt giảm về sản lượng.
Ước tính cả năm 2015, tổng doanh thu có thể đạt 745,6 tỷ đồng (+19%, yoy), LNST dự báo khoảng 324 tỷ đồng (+52%, yoy) và EPS tương ứng là 2.571 đồng. Với giá đóng cửa ngày 13/01 là 20.300 đồng/cp, CHP đang được giao dịch ở mức PE forward là 7,9x.
—————————————
HT1: Diễn biến giá các cổ phiếu ngành xi măng đã có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư trong hai năm trở lại đây. Trong số đó, cổ phiếu của CTCP xi măng Hà Tiên 1 (HT1 – HSX) có lẽ là có sự tăng trưởng giá nhanh nhất, gấp khoảng hơn 6 lần từ cuối năm 2013. Tất nhiên, sự tăng giá nhảy vọt của cổ phiếu HT1 có liên hệ chặt chẽ với sự cải thiện tích cực trong KQKD của Công ty nhờ sự hồi phục của thị trường BĐS và hoạt động xây dựng.
Nhìn chung, cổ phiếu HT1 được khá nhiều CTCK quan tâm và đã có khá nhiều bản “cover” cổ phiếu HT1 trên thị trường. Thông tin mới nhất của Công ty này là việc trạm nghiền Thủ Đức sẽ phải di dời trong năm nay. Bên cạnh đó, dù vẫn đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của HT1 trong các năm 2016 và 2017, giá cổ phiếu đã theo khá sát với sự cải thiện trong các mặt hoạt động của Công ty. Ở mặt bằng giá hiện tại, khuyến nghị TRUNG LẬP trong TRUNG HẠN và xác định giá trị hợp lý của HT1 trong 12 tháng tới là 30.000 đồng/cp.
—————————————
TRC: Công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2015 và kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo đó, trong năm 2015 Công ty ước đạt 415 tỷ doanh thu và 57 tỷ LNTT. Công ty chính thức hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm.
Mặc dù, giá cao su thiên nhiên trong năm 2015 diễn biến giảm mạnh khiến giá bán mủ trung bình của Công ty chỉ đạt 32.78 triệu/tấn song Công ty vẫn hoạt động ổn định và có lãi nhờ năng suất vườn cao su khá tốt và sản lượng tiêu thụ ổn định. Công ty cũng áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí và giảm giá thành khai thác cao su xuống mức 28.36 triệu VNĐ/tấn.
Theo đó, sản lượng khai thác cả năm đạt 10.579 tấn, năng suất bình quân đạt 2,21 tấn/ha/năm; sản lượng tiêu thụ đạt 10.965 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 1.535 tấn, nội tiêu đạt 9.430 tấn, lượng hàng tồn kho 2.072 tấn.
Năm 2016, Cao Su Tây Ninh cũng đặt mục tiêu khai thác 9.100 tấn mủ cao su trong năm và lượng tiêu thụ ước đạt 10.610 tấn, trong đó mục tiêu xuất khẩu 1.744 tấn, cao hơn 200 tấn so với lượng mủ xuất khẩu năm 2015. Lượng hàng nội tiêu giảm xuống còn 8.866 tấn. Công ty đánh giá khả năng thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục trầm lắng và mức giá bán mục tiêu trong năm 2016 chỉ khoảng 26 triệu VNĐ/tấn.
Dòng tiền của TRC vẫn khá tốt do đó trong năm 2015 TRC đặt mục tiêu trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%. TRC đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2016 giảm mạnh so với năm 2015 với mức doanh thu kế hoạch là 338 tỷ VNĐ và LNTT kế hoạch là 37 tỷ VNĐ. Kế hoạch kinh doanh của TRC là phù hợp khi thị giá cao su thiên nhiên chưa có dấu hiệu khởi sắc trong tương lai gần
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Tỷ giá liên ngân hàng giảm nhẹ hôm nay
NHNN công bố tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng xuống còn 21.907; theo đó tỷ giá trần là 22.564. Trong khi đó tỷ giá liên ngân hàng là 22.442; tăng 0,1% so với hôm qua và hiện thấp hơn 0,54% so với tỷ giá trần. Từ đầu năm 2016 tỷ giá đã khá ổn định.
NHTW Trung Quốc đã công bố tỷ giá NDT tham chiếu hôm nay tăng lên 6,5616; trong khi đó tỷ giá NDT thị trường tăng 0,0145 lên 6,5898.
—————————————
Lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại: Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng từ 0,1-0,2% ở nhiều kỳ hạn nhằm hút khách gửi tiền. Cá biệt BIDV mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,5-0,8% ở các kỳ 1-3 tháng. Việc liên tục tăng lãi suất huy động phản ánh nhu cầu vốn cho phát triển gia tăng và đây là một dấu hiệu tích cực. Dự kiến trong thời gian tới lãi suất huy động sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, thậm chí có xu hướng tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng hiện đều đang rất cao.
—————————————
VAMC đã duyệt mua hơn 111 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015: Đây là con số được Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC mới công bố. Những kết quả đạt được trong năm 2015 của VAMC đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Ngân hàng xuống 2,72% vào cuối tháng 11/2015. Trong năm 2016, VAMC sẽ tiếp tục thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và triển khai thực hiện mua, bán nợ xấu theo giá thị trường theo phương án được NHNN chấp thuận;
—————————————
Chứng khoán Trung Quốc phá đáy năm 2015
Chỉ số Shanghai Composite giảm 2,4% xuống 2.878,41 điểm lúc 9h34 theo giờ địa phương. Chỉ số này đã xuống thấp hơn cả mức đáy 2.927,29 điểm vào tháng 8/2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục rúng động, cuốn bay 5.000 tỷ USD khỏi thị trường.
—————————————
Mexico là nền kinh tế được hưởng lợi ít nhất từ hiệp định TPP
Trong bản báo cáo có tiêu đề “Tiềm năng kinh tế vĩ mô ẩn trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vừa công bố, Ngân hàng Thế giới cho rằng Mexico là nền kinh tế được hưởng lợi ít nhất từ TPP trong số 12 nước thành viên.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (15/01/2016):
DGL: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.
HGM: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.
SD4: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức đợt 2 năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 7%.
—————————————
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net