
Đồ thị VN-Index ngày 12/11/2015. Nguồn: Amibroker
1. Quan điểm kỹ thuật:
Có thể nói phiên giao dịch 12/11/2015 đã gây bất ngờ cho đa phần nhà đầu tư khi chỉ số có phiên biến động mạnh và tăng điểm về cuối phiên. Mình cho rằng hai chỉ số có thể sẽ duy trì đà hồi phục trong phiên 13/11/2015 và nhiều khả năng nhịp điều chỉnh của thị trường đã có dấu hiệu kết thúc. Đồng thời, mình cho rằng lực cầu ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong vài phiên tới khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán tại các mức hỗ trợ ngắn hạn. Đặc biệt, dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ sớm trở lại trong vài phiên tới.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức tăng cho xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index với mức cắt lỗ ở mức 600 điểm. Do đó, trong phiên cuối tuần, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì sự thận trọng do các chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục kiểm tra và củng cố lại vùng hỗ trợ dưới. Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư với mức chịu rủi ro cao có thể mở lại vị thế mua để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 12/11/2015:
Thị trường có phiên giao dịch kịch tính nhất trong hơn một tuần trở lại đây. Buổi sáng là khoảng thời gian dành cho bên bán khi áp lực bán ra tiếp tục dâng cao, đưa VN-Index về dưới “ngưỡng tâm lý” 600 điểm, gây lo lắng nhất định cho NĐT. Dù vậy lực cầu bắt đáy mạnh tại FPT, BVH, VNM đã giúp các cp này đảo chiều cuối phiên cùng sự tăng giá tích cực trở lại của nhóm cổ phiếu có KQKD quý 3 khả quan (NCT, CTD, PTB, SKG, CAV, KSB, BMP, VSC, VCS và PNJ) khiến VN-Index nhanh chóng chinh phục lại vùng giá 600 điểm và chỉ số đóng cửa tại vùng cao nhất trong ngày.
VN-Index chính thức có phiên tăng trở lại đầu tiên sau 4 ngày giảm liên tục trước đó. VN-Index dừng phiên tại 605,58 điểm (+0,34%) tăng +2,05 điểm. Đóng góp vào chỉ số (tăng): VNM (+1,238 điểm); CTG (+0,5676 điểm); FPT (+0,512 điểm); BVH (+0,351 điểm). Đóng góp vào chỉ số (giảm): GAS (-0,977 điểm); VIC (-0,381 điểm); STB (-0,256 điểm); VCB (-0,137 điểm).
Thanh khoản tăng mạnh trong hôm nay, HSX có 137,3 triệu đơn vị khớp lệnh thành công với giá trị đạt 2.209 tỷ đồng (+50,3%). Trong đó, OGC khớp cao nhất với 19M cp, FLC đứng thứ 2 với 12,8M cp. Còn HNX có 36,6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị 386 tỷ đồng (+3,8%). Dù điểm số tăng, độ rộng thị trường cho thấy mức độ phân hóa cao khi vẫn có đến 169 cổ phiếu giảm giá (so với 220 mã tăng).
“Nhóm thoái vốn” của SCIC tiếp tục nhận được lực mua mạnh trong hôm nay, dẫn đến kết quả tăng giá ở những cổ phiếu thuộc nhóm này như: BMP (+2,46%) ,NTP (2,61%), VNM (+1,54%) FPT (+4,95%)… Bên cạnh đó nhóm vốn hóa cao cũng ghi nhận mức tăng mạnh hơn bình quân của thị trường, điển hình như: BVH (+1,74%) ,CTG (+1,48%) ,ACB (+2,01%)…
Kênh giao dịch thỏa thuận tiếp tục sôi động với sự góp mặt chủ yếu của VNM, với hơn 202 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Giá dầu vẫn tiếp tục giảm trong những phiên vừa qua và gây áp lực lên nhóm cổ phiếu dầu khí. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/11, giá dầu WTI giảm xuống 42,93 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 27/8. GAS và PVD hôm nay giảm tương đối mạnh, PVS đóng cửa tại giá tham chiếu.
Cổ phiếu CII hôm nay tiếp tục giảm điểm và rớt xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9. Công ty đã có văn bản trả lời NĐT về tin đồn CII đang bị thanh tra, theo đó, Đoàn thanh tra của Chính phủ hiện đang thực hiện thanh tra một số dự án BOT và BT mà công ty tham gia.
Khối ngoại bán ròng mạnh trong hôm nay. Cụ thể khối ngoại bán ròng thông qua khớp lệnh tại HSX gần 4,1 triệu cổ phiếu với giá trị -145,9 tỷ đồng. VIC(-49,1 tỷ đồng), MSN(-37,4 tỷ đồng), HPG(-17,8 tỷ đồng), VCB(-16,2 tỷ đồng), HSG(-8,2 tỷ đồng)…Nếu khối ngoại tiếp tục thực hiện bán ròng, đây sẽ là điểm trừ cho triển vọng hồi phục của thị trường giai đoạn hiện nay.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
HSG: Phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%
HĐQT HSG đã quyết định phát hành 30.237.237 cổ phiếu trả cổ tức. Ngày đăng ký cuối cùng là 30/11/2015. Hiện tại, tổng lượng cổ phiếu lưu hành là 100.790.790 cổ phiếu. Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên 131.028.027 cổ phiếu. Công ty sẽ sử dụng lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm ngày 31/3/2015 làm nguồn phát hành. Vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 1.310 tỷ đồng từ mức hiện tại là 1.008 tỷ đồng.
Công ty cũng công bố nghị quyết HĐQT về việc họp ĐHCĐTN 2015 sẽ diễn ra vào ngày 18/1/2016 và ngày đăng ký cuối cùng tham dự ĐHCĐTN là 25/11/2015. Tại ĐHCĐTN, công ty sẽ xin ý kiến cổ đông về (1) KQKD kiểm toán 2015; (2) kế hoạch phân phối lợi nhuận và trả cổ tức 2015; (3) kế hoạch kinh doanh 2016; (4) cập nhật về tình hình triển khai dự án mở rộng tại Bình Định, Nghệ An; (5) kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn.
Hôm nay, HSG đóng cửa tại 44.000đ/cp; room còn lại là 8.012.130 cổ phiếu; tương đương 7,9% tổng số lượng cổ phiếu lưu hành. Giá cổ phiếu giảm 3,9% so với đầu năm và cao hơn 40,8% so với đáy 52 tuần. Với giá 44.000đ/cp đóng cửa phiên hôm nay, mình khuyến nghị NĐT nên mua vào cổ phiếu này cho target 5x trong ngắn và trung hạn.
VSC: Trong quý 3/2015, doanh thu đạt 224,5 tỷ đồng (+116,2% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 110,4 tỷ đồng (+84% so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng doanh thu nhờ:
(1) phụ phí môi giới (các phí bổ sung thanh toán ci CTCP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ – PSP – khi VSC có 2 khách hàng yêu cầu sử dụng cảng PSP) và (2) container lạnh.
Tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều nhờ 2 yếu tố trên. Khi VSC nhận thanh toán phí từ cảng PSP, phần phí này không có chi phí mà chỉ ghi nhận vào doanh thu. Các container lạnh có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thông thường trong khi đó chi phí chính là điện năng, phí lưu kho là 2 USD/container/giờ, tương đương với doanh thu hàng ngày của container thường. Từ tháng Tư đến tháng Bảy, cảng Green Port lưu trữ trung bình khoảng 600-700 container mỗi ngày. Đến nay, số lượng đã giảm xuống chỉ còn 150 container/ngày. VSC đã hoàn thành cầu cảng VIP Green Port đầu tiên và sẽ khánh thành cảng vào ngày 27/11/2015. VSC sẽ rút 1 tàu Evergreen từ cảng PSP sang cảng mới. VSC chỉ ký hợp đồng với những khách hàng mới tại cảng mới và không cần chuyển khách hàng từ cảng Green Port.
Đến giữa năm 2016, công ty sẽ hoàn thành cầu cảng thứ 2. Vào tháng 11, VSC sẽ nâng vốn điều lệ cảng VIP Green Port lên 575 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ 12,5 triệu cổ phiếu cho Evergreen. Evergreen là khách hàng lớn nhất của VSC, chiếm 30% doanh thu cảng.
VSC sẽ trở thành cảng lớn thứ hai tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất đạt 800.000 TEU vào cuối năm 2016. VSC sở hữu hai kho CFS lớn và hiện đại nhất tại Việt Nam.
VSC hiện đang giao dịch tại PE là 9,1x là tương đối thấp. Với giá đóng cửa ngày hôm nay tại 71.500đ/cp, mình khuyến nghị NĐT nên mua vào VSC ở vùng giá này cho target 9x cho ngắn và trung hạn.
REE: Hạn hán trầm trọng ảnh hưởng tới danh mục đầu tư điện của REE
REE công bố kết quả Q3 kém khả quan, doanh thu giảm 5% còn lợi nhuận giảm 14% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng cõ điện (+31%) và mảng bất động sản (+55%) không đủ bù đắp cho lợi nhuận giảm 31% ở khối doanh nghiệp liên doanh, liên kết. Ngoài ra, lãi vay cũng tăng gấp đôi do REE tăng vay nợ để chuẩn bị cho các dự án mới.
Trong 3Q15A, EBIT mảng BĐS tăng 55% do đóng góp của Công ty Hạ tầng & BĐS Việt Nam mà REE sở hữu 46% cổ phần.
Hạn hán trầm trọng ảnh hưởng xấu tới các công ty thủy điện mà REE sở hữu: doanh thu TBC giảm và thủy điện Sông Ba Hạ thậm chí lỗ. Trong khi đó, đồng Yên tăng cao làm giảm đáng kể lợi nhuận của PPC.
Tóm lại, sau 9 tháng, doanh thu của REE tăng 9% do hợp nhất TBC từ 2H14 còn lợi nhuận giảm 6%. Như vậy, hiện tại REE mới hoàn thành 63% kế hoạch năm.
REE đang giao dịch ở P/E 7.1x trên dự báo của Công ty.
TLG: Chốt ngày giao dịch không hưởng quyền 30/11 cho đợt chi trả cổ tức đầu tiên năm 2015.
Mức cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/cổ phiếu sẽ được thanh toán ngày 07/01/2016. Với mức giá đóng cửa 83.000 đồng hôm nay, lợi suất cổ tức tiền mặt tương ứng là 1,2%.
Cần lưu ý rằng rằng kế hoạch cổ tức năm 2015 của TLG là 20% mệnh giá, trong đó 10% tiền mặt được công bố ở trên trong khi 10% còn lại sẽ bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
TLG cũng xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ cụ thể vẫn chưa được công bố.
BMP: Công bố KQKD của công ty Mẹ và hợp nhất 9T/15. Doanh thu và LNST công ty Mẹ đạt 2.103 tỷ và 356 tỷ. Theo đó, doanh thu và LNST hợp nhất 9T/15 của BMP đạt khoảng 2.144 tỷ và 389 tỷ, lần lượt tăng 18% n/n và 44% n/n. LNST 9T/15 tăng mạnh là nhờ:
(i) sản lượng bán ra tăng giúp doanh thu tăng tốt,
(ii) biên LNG tăng 3 điểm % n/n, lên mức 31% nhờ giá nguyên vật liệu giảm và
(iii) tỷ lệ chi phí BH&QLDN/DT giảm 1 điểm % n/n.
Theo KQ 9T/15 như trên, Công ty đã hoàn thành 82% và vượt 2% kế hoạch DT và LNTT năm. Dự báo DT và LNST 2015 của BMP có khả năng đạt 2.699 tỷ và 485 tỷ, tăng lần lượt 12% và 29% n/n. EPS 2015 đạt 9.697 đồng/cp, PE 2015 giao dịch ở mức 13x.
IJC: CTCP Phát Triển Hạ Tầng Kỹ Thuật (mã IJC) lãi ròng gần 26 tỷ đồng, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ 2014.
Trong quý 3/2015, doanh thu của IJC tăng mạnh 71% so với cùng kỳ 2014, chủ yếu là gia tăng doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản lên gấp 5 lần. Đáng chú ý, hoạt động tài chính trong kỳ có những biến chuyển mạnh khi cả doanh thu và chi phí tài chính đều tăng, trong đó chi phí tài chính tăng đột biến lên 84%, chủ yếu là gia tăng trong chi phí lãi vay và lãi chậm trả cổ tức. Bên cạnh đó, chi phí quản lý trong kỳ tăng mạnh 40% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi chi phí, trong quý 3/2015 IJC lãi ròng gần 26 tỷ đồng, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ 2014.
BID: Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã: BID) được thay đổi niêm yết. Cụ thể, BIDV được thay đổi niêm yết bổ sung thêm 270,59 triệu cổ phiếu nâng tổng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi là 3.418,7 triệu cổ phiếu, tương đương nâng vốn chủ sở hữu lên 34.187 tỷ đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực từ ngày 13/11/2015. Lý do thay đổi niêm yết là do phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng song Cửu Long (MHB).
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Số liệu thống kê công bố vào tháng 10/2015 cho thấy nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng vọt lên mức trên 40% GDP vào năm 2010 và cho đến nay vẫn dao động quanh ngưỡng đó. Tính đến cuối năm 2013, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam là 65,46 tỷ USD, trong đó nợ dài hạn là 54,4 tỷ USD, nợ ngắn hạn là 11,49 tỷ USD, và 485 triệu USD là khoản tín dụng của IMF.
Ngân hàng Nhà nước: báo cáo hoạt động ngân hàng tuần 02 – 06/11/2015, lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ duy trì ổn định và doanh số giao dịch liên ngân hàng giảm khá mạnh so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động. Đặc biệt, theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VNĐ đạt xấp xỉ 92,124 tỷ đồng (bình quân 18,425 tỷ đồng/ngày), giảm 50,309 tỷ đồng so với tuần từ 26 – 30/10/2015; bằng USD quy đổi ra VNĐ đạt 48,460 tỷ đồng (bình quân khoảng 9,692 tỷ đồng/ngày), tăng 4,819 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Fitch: Rủi ro chất lượng tài sản ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức cao:
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra nhận định rủi ro chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức cao, mặc dù một số quy định mới đã điều chỉnh tiêu chuẩn phân loại nợ ngân hàng. Theo tổ chức này, việc triển khai phân loại tài sản dựa trên số liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã thu hẹp chênh lệch về tiêu chuẩn phân loại nợ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Kể từ tháng 5/2015, các ngân hàng được yêu cầu phân loại chất lượng các khoản cho vay theo đánh giá thấp nhất của CIC. Đây là một bước đi tích cực song các vấn đề lâu dài về chất lượng tài sản vẫn chưa được giải quyết triệt để, bằng chứng là tỷ lệ nợ quá hạn cao, trong khi con số này không được phản ánh đúng thực tế thông qua tỷ lệ nợ khó đòi (NPL ratios). Ngoài ra, tỷ lệ xử lý nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản các TCTD (VAMC) còn thấp, dẫn đến các ngân hàng tiếp tục chịu tác động tiêu cực tiềm ẩn từ những khoản nợ khó đòi chưa được xử lý.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục:
Ngày 12/11, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 1,5% trong năm tháng liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới có dấu hiệu phục hồi. Quyết định của BOK không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Theo một khảo sát với 111 chuyên gia do Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc tiến hành, 96,4% người trả lời dự báo BOK sẽ duy trì lãi suất.
Trong năm qua, BOK đã giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm lãi suất. Năm ngoái, lãi suất hạ từ 2,5% xuống 2,25% vào tháng Tám và xuống còn 2% vào tháng 10, sau đó, BOK tiếp tục giảm lãi suất xuống 1,75% vào tháng Ba và hạ xuống 1,5% hồi tháng Sáu năm nay.
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.