
Đồ thị VN-Index ngày 07/12/2015. Nguồn: Amibroker
1. Nhận định thị trường:
VN-Index giảm mạnh 8 điểm (tương đương 1,4%), đóng cửa tại 563,62 điểm. Thanh khoản cũng giảm mạnh về mức 73 triệu cổ phiếu (giảm 12,6%).
Diễn biến giá tiếp tục cho thấy trạng thái tiêu cực của VN-Index trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Nhịp phục hồi nhẹ từ 570 điểm lên 577 điểm đã nhanh chóng kết thúc và VN-Index đã phá vỡ đáy cũ 570 một cách dễ dàng. Biên độ giảm điểm mạnh và khối lượng thấp cho thấy bên mua đang rất hững hờ và hầu như chưa có hành động giải ngân bắt đáy đáng kể. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm mạnh cũng cho thấy áp lực bán đã giảm đáng kể. Vì vậy, rủi ro ngắn hạn được đánh giá là ở mức thấp. Do đó, khả năng hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện cú “wash out” tại các vùng hỗ trợ 560 của chỉ số VN-Index và 79.0 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch ngày mai 08/12/2015. Đồng thời, chỉ số VN30 có khả năng sẽ xuất hiện mô hình phân kỳ tăng giá nếu đồ thị giá của chỉ số này hồi phục trong phiên 08/12/2015.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và hạ mức kháng cự của hệ thống xuống mức 585.23 điểm . Do đó, các nhà đầu tư nên dừng bán ở thời điểm hiện tại và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn 30 – 40% để quan sát diễn biến thị trường trong 1 – 2 phiên tới đây. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể giải ngân dần với tỷ trọng thấp ở vùng giá hiện tại.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 07/12/2015:
Các cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh khiến thị trường giảm sâu kèm với đó là thanh khoản tiếp tục suy yếu. Áp lực bán chủ yếu đến từ các NĐTNN mà ở đây nhiều khả năng là hai ETF lớn khi các mã bị bán mạnh phần lớn đều nằm trong danh mục của các ETF, trong đó có VCB, STB, MSN, KDC là những mã bị bán mạnh nhất. Giá trị bán ròng của NĐTNN trên sàn HOSE là -109,9 tỷ và sàn HNX là -14,8 tỷ. VCB hôm nay bị khối ngoại bán ròng lên tới -32,2 tỷ đồng, tiếp đến là MSN (-17,3 tỷ đồng).
Ngoài áp lực từ các cổ phiếu trên, thị trường cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. Giá dầu WTI trong phiên đầu tuần đã giảm xuống dưới mốc 40$/thùng và gần chạm mức đáy của năm nay sau khi các nước thuộc OPEC đã không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng sản xuất trong cuộc họp hôm 4/12. Các cổ phiếu đầu ngành của nhóm dầu khí như GAS, PVD, PVS đều đồng loạt giảm.
Sau khi FTSE Vietnam ETF công bố danh mục mới cho kỳ review sắp tới, các cổ phiếu được thêm vào như BHS, SBT đều có diễn biến tích cực, ngoại trừ NT2. Việc DB ETF thêm vào BHS khiến thị trường tương đối bất ngờ nên việc BHS tăng mạnh +5,9% trong phiên cũng khá dễ hiểu, trong khi đó việc thêm vào NT2 và SBT đã được dự đoán trước nên hai cổ phiếu này không có biến động mạnh. Trong khi đó, những mã được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng được thêm vào như HHS, HQC bị bán mạnh.
Các cổ phiếu cảng biển và logistics cũng có diễn biến tƣơng đối tích cực. GMD, VSC, MHC tăng khá mạnh lúc đầu phiên sau khi truyền thông đồng loạt đưa tin về việc khánh thành tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến đường này khi đưa vào hoạt động sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương từ 2,5 tiếng xuống còn 1 tiếng và tạo động lực phát triển kinh tế cho 4 địa phương Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng, trong đó Hải Phòng là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
MBB sát nhập SDF: NHNN đã chấp thuận nguyên tắc MBB (Khả quan) sáp nhập với Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC)
Như kỳ vọng, NHNN đã chấp thuận để SDFC sáp nhập vào MBB, theo đó MBB sẽ có công ty tài chính tiêu dùng. Đồng thời MBB sẽ phải gánh thêm nợ xấu. Cho dù vậy tác động khi sáp nhập SDFC sẽ không lớn do thương vụ sáp nhập có quy mô nhỏ. Có thể sẽ có áp lực bán từ cổ đông SDFC sau khi hoán đổi lấy cổ phiếu MBB nhưng áp lực này có lẽ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Giá cổ phiếu MBB giảm ít hơn hầu hết các ngân hàng khác do có định giá khá hợp lý. Tác động từ việc sáp nhập SDFC là không lớn và mặc dù một số cổ đông của SDFC có thể bán ra cổ phiếu MBB sau khi hoán đổi thì MBB vẫn là ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng và chất lượng tài sản tốt. Định giá rẻ với P/B dự phóng là 1,05 lần. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan.
NHNN đã chấp thuận nguyên tắc MBB (Khả quan) sáp nhập với Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) – NHNN gần đây đã công bố thông tin về việc chấp thuận nguyên tắc để MBB (Khả quan) sáp nhập với SDFC. Theo đó, MBB sẽ tiến hành kế hoạch sáp nhập như đã thông qua tại ĐHCĐBT diễn ra vào tháng 11 và sẽ hoàn tất sáp nhập dự kiến trong vòng tháng 12 như đã đề cập trước đây.
NHNN cũng chấp nhận nguyên tắc việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng của MBB – Do SDFC được sáp nhập vào MBB nên sẽ không còn tồn tại và thấy phép sẽ bị rút. Thay vào đó MBB được phép thành lập một công ty tài chính tiêu dùng hoàn toàn mới với vốn điều lệ đăng ký là 500 tỷ đồng. Việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng là cần thiết vì theo dự thảo quy định mới các sản phẩm cho vay tiêu dùng sẽ phải tách riêng sang các công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt. Và đây là động cơ để MBB sáp nhập với SDFC. MBB cũng dự kiến bán 49% cổ phần của công ty tài chính tiêu dùng cho một đối tác nước ngoài trong năm thứ 2 đi vào hoạt động.
SDFC đối mặt với nhiều vấn đề nợ xấu – SDFC có tổng tài sản là 999 tỷ đồng, vốn điều lệ 686 tỷ đồng và tổng cho vay 158,7 tỷ đồng. Sau khi SDFC bán khoảng 540 tỷ đồng tài sản có vấn đề cho VAMC hoán đổi lấy 431 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt trong 9 tháng đầu năm nay, chúng tôi ước tính tổng nợ xấu còn khoảng 224 tỷ đồng (tương đương 22,4% tổng tài sản). Những tài sản này được phân loại là nợ Nhóm 5 dựa trên ngày quá hạn. Tuy nhiên, SDFC vẫn phân loại số nợ xấu này là nợ Nhóm 3 và tiến hành trích lập dự phòng một phần, không kể đến chưa trích lập bất kỳ dự phòng nào đối với trái phiếu đặc biệt VAMC tính đến hiện tại. MBB đã yêu cầu SDFC hoàn thành kế hoạch dự phòng trước sáp nhập, do đó chắc chắn sẽ làm giảm vốn của SDFC. Và cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận Q4 của MBB.
May mắn là quy mô của thương vụ sáp nhập không lớn – Tuy nhiên, điểm may mắn là quy mô của sáp nhập này khá nhỏ với vốn chủ sở hữu và tài sản của SDFC chỉ lần lượt bằng 4% và 5% vốn chủ sở hữu và tài sản của MBB. Thực tế, sau sáp nhập này, MBB đã không thay đổi kế hoạch LNTT cả năm 2015 ban đầu, là 3.250 tỷ đồng.
MBB đã yêu cầu giảm thuế và hiện đang chờ phản hồi của cơ quan chức năng – Tại ĐHĐCĐTN, MBB cho biết Ngân hàng đã yêu cầu giảm thuế nhằm bù đắp tác động từ sáp nhập, tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa có phản hồi từ Bộ Tài chính về vấn đề này. Thực tế, một đại diện từ Bô Tài chính đã có lưu ý với truyền thông rằng nhìn chung Bộ cho rằng các đề xuất giảm thuế liên quan đến các trường hợp sáp nhập là không phù hợp với thực tiễn và quy định hiện tại.
Có thể có áp lực bán ra ngắn hạn sau sáp nhập – Sáp nhập sẽ được tiến hành với tỷ lệ hoán đổi là 2,2:1, tương đương phát hành 31.181.818 cổ phiếu MBB đổi lấy tổng cộng 68.600.000 cổ phiếu đang lưu hành của SDFC. SDFC hiện được giao dịch với giá dao động từ 5.700đ – 6.000đ/cp trên thị trường OTC trong vài tháng qua. Và với giá cổ phiếu MBB hiện tại là 14.100đ/cp, tỷ lệ hoán đổi này có thể có lợi hơn với cổ đông của SDFC. Và nhóm cổ đông này có thể bán ra hiện thực hóa lợi nhuận.
Giá cổ phiếu MBB giảm nhẹ hơn so với cổ phiếu các ngân hàng khác trong những tuần gần đây. Diễn biến này phản ánh rõ ràng chất lượng vượt trội và định giá hấp dẫn của cổ phiếu MBB thậm chí sau kế hoạch tăng vốn. Định giá hiện tại của cổ phiếu là 1,05 lần, là mức thấp đối với một ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng và chất lượng tài sản tốt. Đánh giá khả quan.
—————————————————————————————————————
HDA: Thị trường bất động sản đang ấm dần trong năm 2015.
Hoạt động sản xuất và phân phối Sơn các loại luôn gắn liền với hoạt động xây dựng công trình bất động sản. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực Sơn cũng được hưởng lợi từ ngành Bất động sản. HDA với doanh thu liên tục tăng từ 92,5 tỷ đồng năm 2011 lên 125,4 tỷ đồng năm 2014. Dòng tiền cũng được cải thiện đáng kể, LNST tăng từ 5,6 tỷ đồng năm 2011 lên hơn 7 tỷ đồng năm 2014. HDA có tỷ lệ cổ tức hàng năm cao trên 10%, đặc biệt năm 2011 tỷ lệ chia cổ tức lên đến 20%. HDA đã phát triển được mạng lưới khắp các tỉnh thành phố với gần 600 đại lý cấp 1.
Trong năm 2015, HDA có kế hoạch đón đối tác Nhật Bản sang thăm nhà máy và bàn kế hoạch liên doanh, hợp tác sản xuất và phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, đối tác sẽ hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho HDA trong thời gian tới.
HDA chú trọng nâng cao sản lượng sơn mang nhãn hiệu BEHR để gia tăng thị phần và phục vụ nhu cầu sơn cho các công trình đòi hỏi chất lượng cao. Sản phẩm của HDA đã có mặt ở nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Khu ngoại giao đoàn, Khu đô thị Dream Town, Học viện Chính trị Bộ Quốc phong,….
Doanh thu quý 3 đạt hơn 38 tỷ đồng tăng 11% và lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 tỷ đồng tăng 39,2% so với cùng kỳ. Việc đầu tư mạnh mẽ vào tài sản cũng như áp dụng các chính sách bán hàng một cách linh động qua đó tiết giảm chi phí đang mang lại hiệu quả tích cực cho công ty. Lũy kế 9 tháng doanh thu đạt 98,3 tỷ đồng tăng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt 7,07 tỷ đồng tăng 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Do đặc tính kinh doanh mùa vụ nên kết quả kinh doanh thường tập trung vào Quý IV. Kỳ vọng HDA sẽ vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2015. Nếu quý 4 này duy trì mức lợi nhuận như quý 4 năm ngoái thì LNST dự kiến khoảng 16 tỷ tương đương với EPS 1.400 đồng/CP. Hiện tại HDA đang giao dịch với mức P/E là 5,75 lần, trong khi P/E trung bình các doanh nghiệp cùng ngành là 9 lần. Dự phóng mức P/E mục tiêu là 9 lần, định giá theo phương pháp so sánh, giá hợp lý vào khoảng 12.500 đồng/cp cao hơn 25% so với giá hiện tại 10.000 đồng/cp ngày 07/12/2015.
—————————————————————————————————————
BBC: Công ty cổ phần Bibica công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2015
Tình hình kinh doanh của BBC không biến động nhiều qua thời gian. Quý 3/2015, công ty đạt 281 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ cùng kỳ 2014. Riêng quý 3, LNST của cổ đông công ty mẹ Bibica đạt 14 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với quý 3/2014. Lũy kế 9 tháng, Bibica báo lãi gần 30 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. EPS 9 tháng đầu năm của công ty đạt 2.896 đồng/cổ phiếu. Dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Bibica đạt 284 tỷ đồng, vượt quá doanh thu thuần riêng quý 3 của công ty – trong đó 56 tỷ đồng là tiền mặt. Tổng nợ phải trả cuối quý 3 của Bibica chỉ ở mức 241 tỷ đồng trên tổng số 904 tỷ đồng tài sản, trong đó không có khoản nợ vay ngắn/dài hạn. Với vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, không tăng trong nhiều năm, thặng dư vốn cổ phần của BBC lên tới hơn 302 tỷ đồng.
—————————————————————————————————————
ACV: Số lượng cổ phần đăng ký đấu giá IPO ACV vượt 46,5% số cổ phần đấu giá
Số lượng đăng ký đấu giá IPO ACV vượt số cổ phần đấu giá – Hôm nay HSX đã công bố số lượng đăng ký đấu giá IPO ACV và số lượng này vượt số cổ phần đấu giá IPO. Ngày 2/12 là ngày cuối cùng đăng ký tham gia đấu giá ACV (là đơn vị độc quyền khai thác tất cả các sân bay tại Việt Nam). Vào ngày mai, 8/12 là ngày cuối cùng bỏ phiếu đấu giá. Và ngày đấu giá IPO của ACV sẽ diễn ra vào 10/12. Tỷ lệ tham gia đấu giá ACV (đợt đấu giá IPO lớn nhất từ đầu năm) cao, đặc biệt là từ các tổ chức.
Các tổ chức nước ngoài chiếm 74,3% tổng số cổ phần đăng ký – HSX công bố tổng số lượng đăng ký đấu giá là 114 triệu cổ phiếu, cao hơn 46,5% so với tổng số cổ phần sẽ đấu giá IPO là 77,8 triệu cổ phiếu.Trong đó NĐT tổ chức nước ngoài đăng ký 84,7 triệu cổ phiếu (bằng 74,3% tổng số cổ phần đăng ký) và NĐT tổ chức trong nước đăng ký mua 16,2 triệu cổ phiếu (chiếm 14,2%). Tổng cộng có 28 NĐT tổ chức (11 tổ chức trong nước và 17 tổ chức nước ngoài) và 278 NĐT cá nhân (266 cá nhân trong nước và 12 cá nhân nước ngoài) đã đăng ký tham gia đấu giá.
Số lượng cổ phần bán thông qua đấu giá IPO là 3,47% vốn điều lệ – ACV sẽ bán 3,47% vốn cổ phần trong đợt IPO này; tương đương 77,8 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm là 11.800đ. Tại giá khởi điểm, ACV có giá trị vốn hóa là 26,5 nghìn tỷ đồng (1,17 tỷ USD) (số lượng cổ phiếu lưu hành là 2.243,1 triệu cổ phiếu). ACV sẽ chào bán riêng lẻ 20% vốn điều lệ cho NĐT chiến lược (tương đương 448,6 triệu cổ phiếu) trong vài tháng tới. Ngoài ra, CBCNV và công đoàn công ty được mua 34,3 triệu cổ phiếu; tương đương 1,53% vốn điều lệ. Nhà nước sẽ nắm 75% vốn điều lệ còn lại; tương đương 1.682,3 triệu cổ phiếu. Sau khi cổ phần hóa, ACV có vốn điều lệ là 22,4 nghìn tỷ đồng; tương đương 0,99 tỷ USD.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Bloomberg: Việt Nam dự báo FDI giải ngân có thể đạt kỷ lục $14 tỷ năm nay
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong năm nay sẽ đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ so với năm ngoái – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong một cuộc phỏng vấn bên lề một hội nghị diễn ra tại Hà Nội vào thứ 7 (05/12) vừa qua. Vốn FDI cam kết cũng được dự báo sẽ vượt qua con số 21,9 tỷ USD của năm 2014.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Bloomberg, Bộ trưởng Vinh cho biết: Môi trường đầu tư được cải thiện cùng với các chuyển biến trên thị trường thế giới bao gồm cả các hiệp định thương mại đang giúp thu hút các công ty dịch chuyển nhiều hơn từ Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực sang Việt Nam. Sự gia tăng luồng vốn FDI vào Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào một số quốc gia láng giềng như Philippines đang sụt giảm, cho thấy Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại.
—————————————————————————————————————
Tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể đạt mức 17%
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước , 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt 14,5 – 15% và dự báo cả năm có khả năng tăng trên 17%. Như vậy, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng gần như đã hoàn thành. Dòng vốn tín dụng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của cả nước lên mức 6,5%. Thời kỳ 2006 – 2010, tín dụng liên tục tăng với mức 30% nhưng tăng trưởng GDP thời kỳ này chỉ đạt quanh mức 7%. Như vậy, có thể thấy, hiện tốc độ bơm vốn ngân hàng ra nền kinh tế đã giảm 1/2 so với thời kỳ trước nhưng đổi lại, mức tăng trưởng GDP vẫn được duy trì.
—————————————————————————————————————
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm mạnh
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam(VASEP), tính riêng từng tháng trong năm nay, nhập khẩu tôm vào Nhật Bản tăng đều từ tháng 5 đến tháng 10. Nhập khẩu tôm trong tháng 10 đạt cao nhất kể từ đầu năm. Nước này có xu hướng tăng nhập khầu tôm các tháng cuối năm do thời điểm này diễn ra nhiều lễ hội ở Nhật Bản. Trong số 4 nguồn cung tôm chính cho Nhật Bản 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm từ Việt Nam giảm mạnh nhất với 18,3% trong khi nhập khẩu từ Indonesia và Ấn Độ giảm ít hơn lần lượt là 10,7% và 18,1%. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang có xu hướng tìm tới nguồn cung tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Indonesia. Theo nhận định của VASEP, kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình hồi phục cộng với nhu cầu nhập khẩu tôm sú vào Nhật Bản thường tăng dịp cuối năm, đây có thể là cơ hội cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.
—————————————————————————————————————
Nông nghiệp vẫn kém thu hút FDI
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản ở Việt Nam luôn khá thấp trong nhiều năm qua. Tính đến tháng 10/2015, chỉ còn 547 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Tính riêng trong 10 tháng năm 2015, chỉ có 18 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thủy sản với tổng vốn cấp mới 176 triệu USD, một con số tương đối nhỏ so với tổng vốn cấp mới trong 10 tháng qua (12,4 tỷ USD); và 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 127 triệu USD (so với tổng vốn tăng thêm của cả nước là 19,3 tỷ USD). Kết quả này hoàn toàn trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển ngành này của nước ta – là quốc gia luôn nằm trong top 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su… nhiều nhất thế giới.
—————————————————————————————————————
Hồ tiêu xuất khẩu đạt giá kỷ lục 9.500 USD/tấn
Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), hồ tiêu xuất khẩu cả nước năm 2015 ước đạt 1,24 tỷ USD với giá gần 9.500 USD/tấn. Tuy sản lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm hơn 20% so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 tăng nhờ tăng giá bán. Trong 5 năm qua, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam liên tiếp đứng đầu thế giới. Năm 2014, hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
—————————————————————————————————————
Hiệp định FTA Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực năm 2018
Tại buổi gặp gỡ báo chí của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Eu vừa đang diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Bruno Angelet đã thông báo những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, bao gồm cả việc hai bên chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do. Theo đó, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc và về xuất khẩu EU là thị trường lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. EU chiếm tới 20% lượng hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam trong đó các sản phảm nổi bật là điện tử, điện thoại chiếm tỷ trọng lớn tới 30% sang EU. Cũng theo Đại sứ, sau khi hoàn tất việc đàm phán Hiệp định, Việt Nam và EU sẽ có thời gian 2 năm để chuẩn bị và dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực chính thức vào năm 2018.
Nguồn: Tổng hợp bởi – Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.