1. Nhận định thị trường:
VN-Index tăng điểm trở lại với sắc xanh được duy trì trong suốt phiên giao dịch, kèm theo sự lan tỏa rộng của số mã tăng điểm. Điều này cho thấy lực cầu đã sẵn sàng giải ngân trở lại với kỳ vọng một nhịp tăng sau kỳ nghĩ lễ dài ngày. Tuy vậy, sự thận trọng và tâm lý nghỉ tết dường như vẫn chiếm thế chủ đạo qua việc sụt giảm phiên thứ 10 liên tiếp của thanh khoản.

Đồ thị VN-Index ngày 04/02/2016. Nguồn: Amibroker
Tiếp nối hiệu ứng tích cực của mẫu hình nến Bullish Engulfing trước đó, cây nến nhỏ phiên hôm nay có khoảng trống so với cây nến xanh dài liền trước được hình thành giúp đường giá đóng của trên đường giữa của dải BB. VN-Index đã tạo gap và vượt qua ngưỡng 540.5 điểm, là cận trên của khoản gap xác lập vào ngày 02/02/2016 và ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% của nhịp giảm từ tháng 12/2015 đến 01/2016. Đồng thời chỉ báo STO hồi phục trở lại và phát đi tín hiệu có thể giao cắt lên trên đường tín hiệu trong một vài phiên kế tiếp. Diễn biến này tiếp tục mở ra cơ hội tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự quanh đường SMA50 của chỉ số trong ngắn hạn.
Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có khả năng sẽ biến động trong biên độ hẹp với khối lượng giao dịch ở mức thấp trong phiên giao dịch ngày mai 05/02/2016. Đồng thời trạng thái trầm lắng có thể vẫn sẽ tái diễn trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Ất Mùi. Tuy nhiên, Nhật Cường đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở vùng giá hiện tại.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 525.5 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên 05/02/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 04/02/2016:
VN-Index diễn biến tăng nhẹ trong phiên hôm nay, đóng cửa tại 542.15 điểm, tăng 0.57% so với phiên hôm qua. Nhà đầu tư nghỉ ngơi, dòng tiền tham gia thị trường ở mức độ rất thấp, khối lượng giao dịch đạt 67.9 triệu đơn vị (thấp nhất kể từ đầu năm), độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 24 tỉ đồng trên cả hai sàn sau 10 phiên bán ròng liên tiếp, VNM ETF discount -0.71%, FTSE ETF discount -0.33%.
Ảnh hưởng tích cực từ thông tin hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính thức ký kết bởi bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước, trong đó có Việt Nam, vào rạng sáng ngày 04/02/2016 (giờ Việt Nam); và sự phục hồi của giá dầu đêm qua đã giúp thị trường tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch.
Thị trường cũng đón nhận thêm thông tin tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, khi Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc The Economist (Anh) đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, với dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể đạt mức 6,8% trong năm 2016, cao hơn so với dự báo 6,7% được Chính phủ đưa ra trước đó. EIU đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là do tỷ lệ lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý, hoạt động đầu tư sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do việc đàm phán thành công các hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và FTA với Hàn Quốc, EU. Tuy nhiên, tâm lý “nghỉ ngơi” trước kỳ nghỉ lễ kéo dài của đại đa số nhà đầu tư đã không thể giúp thị trường duy trì sự hưng phấn đến cuối phiên giao dịch.
VN-Index đã có sự suy giảm khá đáng kể từ mức tăng cao nhất trong phiên hơn 1.1%, kết phiên chỉ số này chỉ tăng 0.57%. Tâm lý nghỉ ngơi sớm cũng đã khiến cho khối lượng giao dịch tiếp tục có phiên suy giảm thứ chín liên tiếp trên HSX và giảm phiên thứ năm liên tiếp trên HNX.
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã đóng vai trò tích cực đối với diễn biến của các chỉ số trong phiên giao dịch hôm nay. Ngoại trừ BID (-1.2%) và GAS (-0.5%), các mã vốn hóa lớn khác như: VNM (+0.8%), VCB (+1.0%), CTG (+1.2%), MSN (+2.1%) đều đã đóng góp tích cực cho VN-Index. Trên sàn HNX, PVS (+2.2%), SHB (+3.1%), NTP (+3.6%) cũng đã góp phần tích cực vào mức tăng vùng chắc của HNX-Index. Sự hồi phục của giá dầu đã có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu Dầu khí, với khá nhiều mã đã có mức tăng tốt trong phiên hôm nay như: PVC (+3.9%), PVD (+2.3%), PVS (+2.2%), PVB (+1.9%).
Tuy nhiên, các cổ phiếu được cho là sẽ chịu ảnh hưởng tích cực từ hiệp định TPP như: TCM, TNG, HVG, VHC, FMC,… đã không thể duy trì đà tăng tích cực và “hạ nhiệt” khá đáng kể vào cuối phiên. Các mã cổ phiếu bất động sản nhìn chung vẫn không có phản ứng tiêu cực nào, khi đa số các mã thuộc nhóm này đều duy trì mức tăng nhẹ hoặc giữ mốc tham chiếu.
Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng nhẹ, trên HSX, khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại hơn 26,6 tỷ đồng. EVE bất ngờ dẫn đầu khối lượng mua ròng với trên 1,2 triệu đơn vị. FLC, HBC, và BHS cũng được khối ngoại mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, SSI và VIC bị bán ròng lần lượt hơn 458 nghìn và 237 nghìn đơn vị.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 2,7 tỷ đồng. DBC và LAS bị bán ròng lần lượt hơn 100 nghìn và 91 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại chủ yếu mua ròng KLF và VND với khối lượng lần lượt hơm 103 nghìn và 62 nghìn đơn vị.
Động thái chấm dứt chuỗi phiên bán ròng liên tục của khối ngoại có thể là thông tin tích cực, cùng với các tín hiệu lạc quan về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, có thể giúp cho thị trường tiếp tục có diễn biến tích cực trong phiên giao dịch sắp tới. Tuy nhiên, trạng thái trầm lắng có thể vẫn sẽ tái diễn trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Ất Mùi, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
BMP: Nhựa Bình Minh (HSX: BMP – Vốn hóa: 5,411 tỷ đồng). Thực hiện tiếp giai đoạn 2 của nhà máy Long An.
Kết thúc 2015, doanh thu của nhựa Bình Minh ước đạt 3,000 tỷ đồng, LNTT đạt 665 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu cao nhờ sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản giúp Bình Minh tăng trưởng doanh thu. Sản lượng tiêu thụ trong năm 2015 đạt 66,000 tấn, tăng 13.8% so với năm 2014 (58,000 tấn).
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào giảm cùng với giá bán ổn định là những nhân tố giúp công ty nâng cao biên lợi nhuận gộp của mình, qua đó tăng LNST lên 518 tỷ đồng, cao hơn 17% so với 2014. EPS năm 2015 là 11,511 đồng/cổ phiếu và BMP kỳ vọng có thể chia cổ tức cao hơn so với kế hoạch đã đề ra, dự kiến tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt ít nhất là 40% cho năm 2015 và công ty đã chi trước 20%. Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu 3,377 tỷ đồng, LNTT 600 tỷ, tiêu thụ 72,000 tấn sản phẩm.
Dù doanh thu theo kế hoạch sẽ tăng trưởng 12% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 9.8%. Theo chúng tôi, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp do lo ngại giá nguyên liệu đầu vào có khả năng tăng trở lại sau một thời gian dài giảm mạnh theo giá dầu, gây ảnh hưởng xấu đến biên lợi nhuận gộp. Với nhu cầu từ thị trường vẫn còn cao và xu hướng dịch chuyển giá dầu trong thời gian gần đây, chuyên viên cho rằng kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2016 là hợp lý.
Để đảm bảo cho sự tăng trưởng doanh thu cho các năm tiếp theo, Bình Minh dự kiến tiếp tục giai đoạn 2 cho dự án nhà máy tại Long An. Giai đoạn 1 của nhà máy đã đi vào hoạt động cuối tháng 11/2015 với công suất là 5,000 tấn, và giai đoạn 2 dự kiến được đầu tư trong năm 2016-2017. Chi phí vốn cho giai đoạn 2 là 620 tỷ đồng, không sử dụng vốn vay. Tổng công suất khi 2 giai đoạn hoàn thành là 150,000 tấn. Với LNTT dự kiến là 600 tỷ đồng, BMP đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2016 là 11.4x.
—————————-
TLG: Đạt mức tăng trưởng LNSt 27% năm 2015, phù hợp với dự báo của Chuyên viên. CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) công bố mức doanh thu 2015 tăng 17% so với năm 2014 đạt 1.884 tỷ đồng (84 triệu USD), trong khi LNST gia tăng 27% đạt 187 tỷ đồng (8 triệu USD), hoàn thành lần lượt 103% và 100% dự báo tương ứng của Chuyên viên.
TLG có mức tăng trưởng mạnh đối với hầu hết danh mục sản phẩm. Mảng bút viết (50% tổng doanh số) tăng 9% trong khi văn phòng phẩm (30% tổng doanh số), dụng cụ trường học (10% tổng doanh số) và dụng cụ mỹ thuật (10% tổng doanh số) đều có mức tăng trưởng trên 20%. Trong khi TLG vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong phân khúc bút viết, chiến dịch marketing hiệu quả cùng với xuất khẩu mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của các sản phẩm còn lại. Doanh số xuất khẩu tăng mạnh 38%, chiếm 13% tổng doanh thu năm 2015 so với con số 11% năm 2014. Chuyên viên ghi nhận điều này là do chi phí cạnh tranh của TLG nhằm duy trì các hợp đồng OEM với các đối tác ở các nước phát triển, như Mỹ và Nhật Bản, cũng sự thâm nhập sâu hơn của các sản phẩm mang thương hiệu Thiên Long tại các thị trường khác.
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận được tiếp tục củng cố với mức tăng 1,85 điểm % của biên LN gộp, đạt 38,5% năm 2015, cao nhất trong 4 năm. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc giá nhựa đầu vào thấp, khi giảm tương ứng với giá dầu thô trong năm 2015.
Trong năm 2016, dự báo doanh thu và LNST đều sẽ tăng 11%, con số mà Chuyên viên cho rằng khá thận trọng với triển vọng vững chắc của ngành, dư địa lớn cho tăng trưởng xuất khấu và giá dầu thô tiếp tục diễn biến tiêu cực tương ứng với sự gia tăng biên LN.
Khuyến nghị Phù hợp thị trường đối với cổ phiếu TLG, với giá mục tiêu 86.000 đồng/CP, so với giá đóng cửa 91.000 đồng phiên hôm nay.
—————————-
IJC: Chỉ hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2015
CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần của IJC trong quý 4/2015 đã sụt giảm mạnh tới 70% so với cùng kỳ 2014, chỉ còn 233,23 tỷ đồng. Trong kỳ, IJC ghi nhận 117 tỷ đồng doanh thu từ xây dựng và thi công CSHT, tuy nhiên doanh thu bất động sản giảm mạnh từ mức 700 tỷ đồng trong quý 4/2014 xuống còn 32 tỷ đồng là nguyên nhân khiến doanh thu thuần của IJC “lao dốc”. Chi phí tài chính quý này của IJC tăng gấp đôi lên 23,42 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay; chi phí quản lý tăng nhẹ 18%. Sau khi trừ hết các chi phí phát sinh trong kỳ, IJC ghi nhận 41,58 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh 77% so với quý 4/2014. Lũy kế cả năm 2015, doanh thu thuần IJC đạt 689,33 tỷ đồng, LNST đạt 126,45 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 45% so với năm trước đó. EPS năm 2015 tương ứng 447 đồng. Năm 2015, IJC đặt kế hoạch lãi ròng 253 tỷ đồng. Với kết quả đã thực hiện được, công ty mới chỉ hoàn thành 50% kế hoạch đã đặt ra. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản IJC đạt 7.330 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu khách hàng của công ty lên tới 1.235 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho công ty là 4.391 tỷ đồng, tương đương 60% tổng tài sản. Trong đó, công trình khu đô thị IJC có số dư cuối năm 2015 là 2.148 tỷ đồng. Công trình này đang trong quá trình xây dựng, phần lớn phản ánh chi phí chuyển quyền sử dụng đất.
—————————-
PTB: LNST năm 2015 tăng 51% so với cùng kỳ, EPS đạt 10.101 đồng
CTCP Phú Tài (mã chứng khoán PTB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2015. Cả năm 2015, doanh thu thuần của Phú Tài đạt 3.045 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014 trong khi giá vốn hàng bán tăng 22%, do vậy lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 451 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu cả năm của công ty chủ yếu đến từ bán xe ô tô Toyota. Mặt hàng này đóng góp đến 43% tỷ trọng doanh thu cả năm. Tổng doanh thu từ bán các sản phẩm đá và gỗ cũng chiếm 53% doanh thu cả năm. Phần còn lại chủ yếu là doanh thu dịch vụ và căc mặt hàng khác. Tuy nhiên, lợi nhuận chính của công ty lại đến từ các mặt hàng đá và gỗ. Lũy kế cả năm Phú Tài đạt 3.045 tỷ đồng doanh thu, bằng 90% kế hoạch cả năm, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đạt 235,18 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2014 và chính thức vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm (230 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 183,16 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2014, trong đó lợi nhuận ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 173 tỷ đồng. EPS đạt 10.101 đồng. Tổng cộng tài sản công ty đến cuối năm 2015 đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Lượng hàng tồn kho tăng nhẹ 40 tỷ đồng. Riêng quý 4, công ty đạt 881 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn tăng nhẹ hơn 9% và các loại chi phí giảm nên cuối quý, Phú Tài ghi nhận 62,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2014.
—————————-
SD7: Hồi tố trích lập dự phòng thêm 18,7 tỷ vào Đồ gỗ Yên Sơn theo ý kiến của kiểm toán
CTCP Sông Đà 7 (mã chứng khoán SD7) vừa công bố thông tin về ý kiến ngoại trừ của Kiểm soát viên về báo cáo tài chính riêng năm 2014, 2013 và 2012. Theo đó, Kiểm toán viên cho rằng các năm trên công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng khoản đầu tư vào công ty TNHH Đồ Gỗ Yên Sơn. Do vậy, công ty đã trích lập dự phòng vào khoản đầu tư này trên báo cáo tài chính năm 2015 và thực hiện điều chỉnh hồi tố do trích lập dự phòng. Cụ thể, – năm 2012 điều chỉnh hồi tố trích lập dự phòng giảm giá đầu tư vào Đồ gỗ Yên Sơn 10,57 tỷ đồng. Năm 2013 điều chỉnh hồi tố trích lập dự phòng giảm giá đầu tư vào Đồ gỗ Yên Sơn 3,78 tỷ đồng. Năm 2014 điều chỉnh hồi tố trích lập dự phòng giảm giá đầu tư vào Đồ gỗ Yên Sơn 4,32 tỷ đồng. Tổng cộng 3 năm điều chỉnh lũy kế trích lập dự phòng vào khoản đầu tư này lên 18,86 tỷ đồng. Các khoản điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu liên quan trong từng năm. Trên báo cáo tài chính riêng công ty mẹ Sông Đà 7 năm 2014 đã kiểm toán, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm là 26,26 tỷ đồng; tổng giá trị trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn gần 31,1 tỷ đồng. Quý 4 năm 2015, SD7 lãi sau thuế 1,76 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 8,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 nhờ tiết giảm được chi phí và có thêm thu nhập khác.
—————————-
TH1: Tiếp tục lỗ nặng trong quý 4 hơn 133 tỷ đồng
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2015 của CTCP XNK Tổng hợp 1 Việt Nam, doanh thu của công ty sụt giảm gần 56% cùng kỳ, thêm vào đó phải chịu các chi phí khiến công ty lỗ ròng hơn 133 tỷ đồng, lỗ nặng nhất từ khi niêm yết.
—————————-
LAS: Lãi ròng năm 2015 đạt 307 tỷ đồng
Mặc dù thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt, nhưng với những nỗ lực nhằm ổn định thị phần và cắt giảm chi phí quản lý, trong năm 2015 CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ghi nhận lãi ròng gần 307 tỷ đồng.
—————————-
HSG: Lãi quý 1 đạt 187 tỷ
CTCP Tập đoàn Hoa Sen công bố BCTC hợp nhất quý 1 niên độ 2015-2016. Trong đó, doanh thu giảm 11% nhưng vẫn ghi nhận 187 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng tăng gần 50% so với cùng kỳ.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
NHNN công bố dự thảo thông tư sửa đổi TT36. NHNN vừa đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn và tỷ lệ an toàn tại các ngân hàng. Mục đích của thông tư mới là bổ sung và sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 36 để áp dụng dễ dàng hơn và tháo gỡ một số khó khăn của các ngân hàng trong việc thực hiện quy định. Vì vậy, phần lớn sửa đổi đều nhằm làm rõ câu chữ và tránh hiểu sai luật. Tuy dự thảo không đưa ra khung thời gian thực hiện, Chuyên viên cho rằng nhiều khả năng sẽ có hiệu lực trong năm 2016.
Một số nội dung chính bao gồm:
4.1. Giải thích thuật ngữ “ngân hàng thương mại thuộc Nhà nước” là ngân hàng thương mại do nhà nước sở hữu 100%.
4.2. Cho vay và chiết khấu giấy tờ có để khách hàng ủy thác cho tổ chức/cá nhân đầu tư, kinh doanh cổ phiếu: Loại hình tín dụng này phải được tính vào các khoản cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này của các ngân hàng.
4.3. Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn sẽ giảm với ngày hiệu lực dự kiến là ngày 01/01/2017. Điều này sẽ làm giảm tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản và giảm cho vay tập trung vào bất động sản, vì tín dụng bất động sản thường là trung và dài hạn.
– Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng hợp tác xã: trước đây được phép sử dụng tối đa 60% vốn ngắn hạn cho tín dụng trung và dài hạn. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống 40% và cao hơn mức 30% áp dụng trước khi TT36 có hiệu lực. Có thể, sau khi TT36 có hiệu lực, NHNN đã nhận thấy tăng tỷ lệ này lên 60% là khá lớn.
-Tỷ lệ tối đa đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng sẽ giảm từ 200% xuống 80%.
4.4. Mức tối đa đầu tư trái phiếu chính phủ so với vốn ngắn hạn đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được tăng lên nhằm thu hút thêm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
– Mức trần đầu tư trái phiếu chính phủ đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước đây là 15% vốn ngắn hạn, nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên 35%.
– Các ngân hàng hợp tác xã trước đây mức trần là 40%, nhưng con số này sẽ giảm còn 35%.
4.5. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi tối đa dành cho các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước trên 50% (như VCB, CTG, và BID) sẽ tăng.
– Theo Thông tư 36, có thể cho vay tối đa 80% tổng tiền gửi. Theo dự thảo thông tư, tỷ lệ này tăng lên 90%.
– Điều chỉnh này nhằm hỗ trợ ba ngân hàng trên trong việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng này đã duy trì tỷ lệ cho vay/tiền gửi gần mức 90%, do đó quy định mới sẽ không có nhiều ảnh hưởng với các ngân hàng này.
4.6. Có một số điều chỉnh đối với tỷ trọng rủi ro:
– Các khoản phải thu từ Chính phủ Việt Nam và các khoản phải thu do Chính phủ bảo lãnh sẽ có hệ số rủi ro 0%.
– Dự thảo tăng hệ số rủi ro đối với cho vay BĐS kinh doanh mà không có tài sản đảm bảo từ 150% lên 250%, là hệ số trước khi Thông tư 36 có hiệu lực. Điều chỉnh này cho thấy NHNN muốn kiểm soát tín dụng BĐS chặt chẽ hơn. Điều chỉnh này chỉ ảnh hưởng đến các công ty đầu tư vào BĐS với mục đích thương mại. Các cá nhân mua nhà để ở không bị ảnh hưởng.
Chuyên viên nhận thấy hai tác động lớn của điều chỉnh. Thứ nhất, điều này sẽ tăng nhu cầu trái phiếu Chính phủ và làm giảm lợi suất. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% giá trị giao dịch hàng này, nên thay đổi có thể không đáng kể. Thứ hai, dự thảo thông tư cho thấy NHNN lo ngại về lượng cung BĐS mới trên thị trường và do đó tìm cách hạn chế tín dụng đối với BĐS kinh doanh. Chuyên viên cho rằng đây là một động thái tích cực đối với ngành BĐS vì sẽ khuyến khích các ngân hàng tập trung cho vay đối với các chủ đầu tư chất lượng cao, có thành tích hoạt động tốt.
—————————-
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net