
Đồ thị VN-Index ngày 02/12/2015. Nguồn: Amibroker
1. Nhận định thị trường:
Sau một chuỗi phiên giảm liên tục, việc nhiều cổ phiếu tăng trở lại là điều bình thường. Chẳng hạn, xét nhóm VN30, phần lớn các cổ phiếu được bắt đáy sau nhiều nhịp giảm sâu. Tuy nhiên, biến động giá đóng cửa so với giá thấp nhất tại nhóm này trung bình chỉ 1,2% là không mạnh. Thêm vào đó, điểm nhấn hôm nay không phải là giá tăng hay chỉ số tăng mà là thanh khoản tiếp tục ở mức thấp. Qua những yếu tố vừa nêu trên, dòng tiền vẫn chưa thể mạnh dạn trở vào thị trường và phiên hôm nay chỉ là đảo chiều kỹ thuật. Mặc dù người cầm cổ tạm thời không còn “hạ giá bán” trong phiên hôm nay nhưng khi xu hướng giảm ngắn hạn đã xác lập thì việc giao dịch (trading) vài bước giá được xem là mạo hiểm và không cần thiết.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, mình đánh giá nhiều cổ phiếu đã hình thành mô hình đảo chiều và lực cầu tại các mức hỗ trợ ngắn hạn tỏ ra tích cực cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán tháo hoặc dừng bán khi đã đưa tỷ lệ cổ phiếu về mức an toàn.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và hạ mức kháng cự của hệ thống xuống mức 588.75 điểm. Do đó, mình khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp hồi phục kỹ thuật để đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn 30 – 40% trong danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư không nên bán tháo ở các nhịp giảm điểm để tránh bất lợi về giá.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 02/12/2015:
Thị trường có phiên tăng điểm trở lại đầu tiên sau 4 phiên giảm liên tục trước đó, mức hồi phục xấp xỉ mức điểm bị mất phiên liền trước. Diễn biến trong phiên tương đối trầm lắng, hai chỉ số tăng ngay từ những phút đầu và duy trì điểm số có được một cách bình ổn đến cuối phiên. VN-Index chốt ngày tại 574,4 điểm (+0,7%) còn HNX-Index tăng nhẹ lên mức 80,5 điểm (+0,34%).
Thanh khoản dù vậy vẫn không có sự cải thiện. HSX chỉ có 95,0 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị đạt 1.448 tỷ đồng (-9,2%) còn HNX có 35,3 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công với giá trị 311,8 tỷ đồng (+9,5%). Cả hai mức thanh khoản tại HSX và HNX hiện đều thấp hơn ngưỡng trung bình 50, báo hiệu dòng tiền quay lại trạng thái thu hẹp và đây là điều tiêu cực.
Nhóm vốn hóa cao ghi nhận sự hồi phục tốt hơn đôi chút trong hôm nay, điển hình như: VNM (+0.8%), BID (+2,4%), CTG (+1,6%),….Phần còn lại của thị trường đa số ghi nhận mức tăng nhẹ nhưng ít có cổ phiếu tạo đột biến về giao dịch trong hôm nay.
NĐTNN vẫn đang duy trì trạng thái bán ròng trên thị trường với giá trị bán ròng trên sàn HOSE đạt -130,7 tỷ đồng. Sàn HNX cũng bị bán ròng lên tới -12 tỷ đồng và chấm dứt chuỗi mua ròng liên tiếp của khối ngoại trên sàn nầy. VCB, HHS, VIC, MSN là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất trong phiên, trong đó VCB bị bán ròng lên tới -43,3 tỷ đồng. Các quỹ ETF mà đặc biệt là V.N.M ETF trong những phiên gần đây liên tục bị rút chứng chỉ quỹ (ccq). Trong ngày hôm qua quỹ này đã bị rút 150.000 ccq và rất có thể hôm nay cũng có ETF bị rút vốn. Thông thường khoảng thời gian các ETF liên tục bị rút ròng ccq hay đi cùng với xu hướng đi xuống của thị trường.
Ngoài xu hướng rút ròng của khối ngoại, thị trường cũng đón nhận một tin tức không vui đó là PMI của Việt Nam thu hẹp nhẹ trong tháng 11/2015, đạt 49,4 điểm, ngoài ra, một trong những đầu tàu của kinh tế Thế giới là Trung Quốc cũng có chỉ số PMI đáng thất vọng là 48,6 điểm. Trong bối cảnh thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ, cộng với việc thanh khoản suy giảm và NĐTNN duy trìviệc bán ròng, phiên tăng điểm ngày hôm nay có vẻ như là một phiên hồi phục kỹ thuật hơn là một tín hiệu đảo chiều thực sự.
HAG có lẽ là cổ phiếu gây được chú ý nhiều nhất khi tăng +5% và có giao dịch lên tới 9,85 triệu cổ phiếu. HAGL vừa thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu của công ty con là HAGL Agrico (HNG) để trả cổ tức cổ đông hiện hữu của HAGL, đây được xem là việc chưa có tiền lệ trên TTCK Việt Nam. Cổ phiếu HAG đã liên tục giảm kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, đi cùng với đó là việc thoái vốn của một loạt các cổ đông lớn và NĐTNN của công ty.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
GTN: Tham vọng trở thành công ty tiêu dùng hàng đầu trong vài năm tới với trọng tâm vào các loại đồ uống.
GTN đang có những thay đổi về mặt chiến lược trong kinh doanh và đang dần thoái vốn ra các công ty con hiện tại liên quan đến công nghiệp. Đồng thời sở hữu cổ phần lớn hay cổ phần kiểm soát tại các công ty tiêu dùng liên quan đến nông nghiệp. Các khoản đầu tư vào công ty tiêu dùng đã được thực hiện từ cách đây hai năm và hiện nay tập trung vào các công ty Nhà nước trong các lĩnh vực ít được biết. Chẳng hạn như trà, rượu và chăn nuôi. Hầu hết các khoản đầu tư hiện tại liên quan đến công nghiệp hoặc xây dựng sẽ bị thoái vốn hoặc chưa được đầu tư nhiều vào thời điểm hiện tại. Ban điều hành chủ trương áp dụng phương pháp quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, cho ra đời các sản phẩm mới và phát triển thương hiệu, kênh phân phối. Và từng bước tăng lợi nhuận biên của các doanh nghiệp mới đầu tư này. Dẫn đến tiềm năng tăng trưởng đáng kể sẽ làm thay đổi cục diện cho kết quả hợp nhất trong vài năm tới.
Dự phóng lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 38,8% trong giai đoạn từ 2015 đến 2017. Và thấy nhiều tiềm năng của cổ phiếu nếu kế hoạch được thực hiện thành công. Tất nhiên là sẽ có nhiều rủi ro và thử thách phải vượt qua. Tuy nhiên với khả năng và sự cam kết của ban điều hành, câu chuyện có khả năng thành công khá cao. Đánh giá cổ phiếu Khả quan.
CSM: Công bố kết quả kinh doanh quý 3 2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 841 tỷ VNĐ, tăng nhẹ 4.7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 52 tỷ VNĐ, giảm 33% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của CSM chưa được như kỳ vọng chủ yếu do hoạt động tiêu thụ lốp radial chưa được như dự kiến khiến doanh thu chỉ tăng nhẹ trong khi chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng mạnh do vận hành nhà máy lốp radial. Chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm đạt mức 52.9 tỷ tăng 44.5% so với cùng kỳ; khấu hao tài sản cố định 9 tháng đạt mức 125 tỷ VNĐ, tăng 71% so với cùng kỳ.
Trong năm 2015, CSM đặt mục tiêu tiêu thụ 100 nghìn lốp radial tuy nhiên sản lượng tiêu thụ 6 tháng chỉ đạt khoảng 40 nghìn lốp xe và cách khá xa so với công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 350 nghìn lốp. Với mức tiêu thụ thấp, sản phẩm lốp radial vẫn chưa thể đem lại hiệu quả kinh doanh cho CSM trong năm nay. Về dài hạn, sản phẩm lốp radial của CSM sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (có giá bán rẻ hơn khoảng 10%) và các công ty FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam, Kenda, Kumho, Dunlop… tại thị trường nội địa. Đối với thị trường xuất khẩu, CSM mới dừng ở mức độ chào hàng và thử phản ứng thị trường do đó chưa thể tác động đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Dự phóng LNST của CSM 274 tỷ VNĐ, tương đương mức EPS đạt mức 3,670 VNĐ.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX): vừa cho biết hoạt động đấu giá tháng 11 của HNX đã khép lại với 7 phiên IPO của các doanh nghiệp Nhà nước. Tính đến hết tháng 11, đã có 81 phiên đấu giá được tổ chức tại HNX trong năm 2015. Tổng số cổ phần đã chào bán trong 11 tháng vừa qua đạt xấp xỉ 896,9 triệu cổ phần, tổng số cổ phần trúng giá đạt hơn 311,6 triệu cổ phần, huy động cho Nhà nước gần 4.949 tỷ đồng.
Ngân hàng thế giới (WB): Trong báo cáo mới cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015, WB nhận định, mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn nhưng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam là hết sức ấn tượng. WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam đạt 6,5%; lạm phát 1,5%; thặng dư tài khoản vãng lai chiếm 0,1% GDP; nợ công chiếm 61,3% GDP. Đối với năm 2016, WB dự báo lạc quan hơn khi đưa ra mức tăng trưởng GDP là 6,6%; lạm phát khoảng 3%; thâm hụt tài khoản vãng lai 0,2% GDP; nợ công chiếm 63,2% GDP.
Bộ Tài chính: Công bố bội chi NSNN tháng 11 ước 18,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng bội chi xấp xỉ 155,6 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán năm. Trong đó, tổng thu cân đối NSNN tháng 11 ước đạt 78,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 860,1 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, bằng 92,7% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Chi NSNN tháng 11 ước đạt 97,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 11 tháng đạt 1.015,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,5% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014.
99% hàng rào thuế quan Việt Nam sẽ được xóa bỏ khi vào EU: Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng 8 và dự kiến sẽ ký tuyên bố chung, chính thức hoàn tất đàm phán trong một vài ngày tới tại Brussels, Bỉ. Theo lộ trình, khoảng 99% hàng rào thuế quan hàng hóa của Việt Nam sẽ được xóa bỏ khi vào thị trường các nước EU, góp phần đẩy mạnh trao đổi thương mại hai chiều. Những mặt hàng Việt Nam được đánh giá có lợi thế khi hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ là: Dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ. Còn các nước châu Âu sẽ có lợi thế nhiều hơn trong lĩnh vực đầu tư, bán máy móc thiết bị và cung cấp dịch vụ cho thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Nhờ tác động của Hiệp định này, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng trưởng thêm 10% đến năm 2025.
Nguồn: Tổng hợp bởi – Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.