1. Nhận định thị trường:
Sắc xanh tiếp tục được duy trì trên HSX, VN-Index tăng 8,62 điểm lên 570,18 điểm cùng với 140,3 triệu cổ phiếu được khớp. Khối lượng giao dịch đã tăng hơn 21%, gấp gần 1.3 lần mức bình quân 20 phiên và trên mức trung bình 10 phiên gần nhất. Diễn biến này cho thấy tâm lý lạc quan, hưng phấn của nhà đầu tư về đối với xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index ngày 02/03/2016. Nguồn: Amibroker
Chỉ số tăng mạnh, hình thành cây nến xanh thân dài, xác nhận cho mẫu hình nến Harami xuất hiện trong phiên giao dịch hôm qua. Đường giá đã quay lại áp sát đường PSAR sau khi xuyên thủng chỉ báo này trong phiên đầu tuần. Nếu tiếp tục tăng điểm trong phiên kế tiếp sẽ giúp đường giá giao cắt lên trên chỉ báo này, đồng nghĩa với việc chỉ số sớm kết thúc nhịp điều chỉnh tích lũy để quay lại xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn.
Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, đường MFI đang vận động trên ngưỡng 80 cho thấy dòng tiền vẫn đang có dấu hiệu chảy vào thị trường. Cùng với đó là sức mạnh nội tại của đường giá đang ở mức cao, thể hiện qua xu hướng tăng khá bền vững của chỉ báo RSI. Ngoài ra, đường ADX vẫn nằm trên ngưỡng 25 trong sự phân kỳ trở lại của 2 đường DI. Stochastic Oscillators quay trở lại tiến vào vùng overboughti và duy trì ở trên mức 70 cho thấy xung lực tăng đang khá mạnh. Đường giá sau khi test lại mây Ichimoku Kinko Hyo đã bật tăng mạnh mẽ trở lại. Nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên sẽ là bệ đỡ cho đà hồi phục này của đường giá. Những tín hiệu này sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 03/03/2016, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và vượt hoàn toàn vùng kháng cự 573.63 điểm – vùng có sự hiện diện của đường MA100, MA200 và ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% của nhịp giảm từ tháng 11/2015 đến tháng 01/2016. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và chỉ số VN-Index có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc nhẹ tại mức kháng cự 580 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì vị thế nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 550.65 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên 03/03/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá đây vẫn chưa phải là thời điểm để chốt lời.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 02/03/2016:
Tâm lý trên toàn châu Á ổn định hơn, các thị trường tăng mạnh phiên hôm nay dưới sự góp sức của nhiều cổ phiếu lớn. Giao dịch diễn ra sôi động và lan tỏa đến nhiều nhóm cổ phiếu, độ rộng thị trường tích cực. Khối ngoại quay lại mua ròng lên đến 150 tỉ đồng trên cả hai sàn sau thời gian dài trầm lắng. VNM ETF premium 1.28%, FTSE ETF premium 1.44%.
Các thị trường có phiên tăng ấn tượng và đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên. VN-Index mở rộng đáng kể biên độ tăng với mức tăng hơn 1,5% lên 570 điểm trong khi HNX-Index một lần nữa tăng ít hơn với 0,4%. Độ rộng thị trường khá tích cực với gần 2 mã tăng cho mỗi mã giảm. Dòng tiền chạy mạnh vào thị trường trong phiên chiều, giúp KLGD tăng mạnh. Khối ngoại có một ngày giao dịch sôi động với giá trị mua ròng tăng vọt lên mức cao nhất 8 phiên. VN-Index tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng.
Nhìn chung, các thị trường trong nước tiếp tục diễn biến cùng chiều với thị trường thế giới. Đáng chú ý, chứng khoán Mỹ và Châu Á đồng loạt tăng vọt sau khi giá dầu chạm mức cao nhất 2 tháng và các dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, cùng với các cải pháp pháp kích thích kinh tế mới đây của Trung Quốc.
Theo đó, phiên tăng hôm nay gần như xóa đi mức giảm trong tháng 2 vừa qua cũng như chặn đà giảm liên tục trong 3 tháng trước đó.
Các mã ngân hàng như VCB, CTG và BID đảo chiều tăng mạnh, đóng góp vào mức tăng chung trong khi MBB và EIB điều chỉnh nhẹ.
Các mã bảo hiểm BVH và BIC ghi nhận phiên tăng vọt sau khi điều chỉnh gần đây. SSI tăng lên mức cao nhất 3 tháng còn HCM tăng ít hơn.
Nhiều cổ phiếu đóng cửa vẫn giữ được mức giá tăng trần trước đó như BVH, CAV, HAX, LCG,… Riêng CAV thu hút dòng tiền của nhà đầu tư khá mạnh ngay khi mở cửa, nhờ đó cổ phiếu CAV nhanh chóng tăng trần. Sự giao dịch tích cực lan tỏa sang cổ phiếu của công ty mẹ là GEX với tỷ lệ sở hữu trên 65% CAV.
Các mã tiêu dùng tăng tốt, dẫn đầu là VNM và MSN. Các mã có room đầu như FPT, BMP, MWG và VSC tiếp tục tăng; EVE cũng đang kéo dài đà tăng gần đây.
CTD vượt VCF trở thành mã chứng khoán có thị giá cao nhất trên thị trường. CTD đã có 1 năm tăng trưởng ấn tượng, EPS đạt trên 15.500đ. Sau phiên tăng trần hôm qua, thị giá CTD tiếp tục tăng lên mức 169.000đ/cp. Bên cạnh đó, cổ phiếu xây dựng khác LCG cũng tăng trần sau khi chính thức công bố kết quả đấu thầu dự án BT Đường Bình Tiên tại Quận 8.
Các mã thủy sản như HVG và VHC đảo chiều tăng nhẹ.
Cổ phiếu dầu khí khá phân hóa khi GAS tiếp tục tăng còn PVD điều chỉnh nhẹ và chúng tôi thấy áp lực chốt lời duy trì ở mức cao.
Dòng tiền đầu cơ vẫn tập trung mạnh vào nhóm khoáng sản và nhiều mã tiếp tục tăng nóng.
VIC tăng mạnh nhờ KQKD quý IV/2015 là tích cực và DXG cũng phục hồi trở lại sau khi lao dốc trước đó; ngược lại REE điều chỉnh sau khi tăng mạnh hôm qua. Nhiều mã BĐS khác gần như đi ngang. HAG và HNG ổn định phiên thứ 2.
Ở các mã đầu cơ, VHG, OGC tăng còn TSC, BGM giảm.
Trên HSX, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, giá trị mua ròng đạt trên 137 tỷ đồng. MBB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 2,5 triệu đơn vị. SSI cũng được mua ròng trên 1,9 triệu đơn vị. OGC, HNG và DPM được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, khối ngoại chủ yếu bán ròng HHS với khối lượng trên 2,2 triệu đơn vị.
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng trên 12,3 tỷ đồng. SCR dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 1 triệu đơn vị. Nằm trong top 5 về khối lượng mua ròng còn có 2 mã cũng thuộc nhóm bất động sản là NDN và CEO với khối lượng mua ròng đạt trên 276 nghìn và 183 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại chủ yếu bán ròng VND và PVS với khối lượng lần lượt hơn 312 nghìn và 157 nghìn đơn vị.
Trong bối cảnh hiện tại, Chuyên viên nhận thấy thị trường đang đón nhận khá nhiều thông tin tích cực kể cả trong lẫn ngoài nước. Đối với thế giới, đó là:
(1) những dữ liệu vĩ mô tương đối tích cực cho nền kinh tế Mỹ (gần đây là dữ liệu chi xây dựng của Mỹ ghi nhận mức tăng 1.5% lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007)
(2) chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc (giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng 0,5 điểm phần trăm về mức 17%)
(3) khả năng ECB sẽ mở rộng chương trình QE hoặc giảm tiếp lãi suất trong cuộc họp tháng tới. Thị trường đang kì vọng các giải pháp nới lỏng tiền tệ của các nền kinh tế khác để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại. Điều này rõ ràng sẽ làm hạ nhiệt dòng vốn đang tháo chạy khỏi thị trường các nước mới nổi..
(4) Giá dầu đang xu thế phục hồi theo sau các nỗ lực gần đây trong việc kiểm soát nguồn cung. Nga vừa cho biết nước này và OPEC đã gần đạt thỏa thuận về hạn chế sản lượng khai thác để cứu giá dầu.
Những nhân tố nói trên có thể sẽ củng cố thêm niềm tin NĐT trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, đó vẫn là câu chuyện nới room đang tạo được sự lan tỏa cho dòng tiền.
Với những yếu tố trên, thị trường đang duy trì xu hướng tăng khá tốt. Hôm nay chứng kiến dòng tiền tăng mạnh cùng với NĐTNN tăng mua ròng, phản ánh tâm lý tốt hơn của thị trường. VN-Index vẫn đang duy trì xu thế tăng ngắn hạn. Với những nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu ưng ý, chuyên viên khuyến nghị tiếp tục nắm giữ. Bên cạnh đó, chuyên viên vẫn giữ quan điểm những nhịp giảm điểm là cơ hội để mua thêm hoặc mua mới cổ phiếu.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
HPG: Lợi nhuận vượt trội dù chưa đạt kỳ vọng
Q4/2015 CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG-HSX) ghi nhận DT và LNST lần lượt 7.122 và 565,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,2% và 14,2% so với cùng kỳ năm 2014. DT và LNST cả năm của HPG lần lượt là 27.452,7 tỷ đồng và 3.485,4 tỷ đồng. Trong khi DT thực tế khá sát với dự phóng, LNST thực tế thấp hơn kỳ vọng của Chuyên viên khoảng 10,4%. Đáng lưu ý, dù doanh thu quý 4 đóng góp hơn 1/4 doanh thu hợp nhất cả năm nhưng LNST quý cuối cùng chỉ chiếm 16,1% lợi nhuận ròng năm 2015 của tập đoàn. Cộng với việc tỷ suất LNG Q4/2015 chỉ đạt 18,3%, thấp hơn so với trung bình cả năm khoảng 20,3%, khoản Chiết khấu thương mại tăng 25% so với cùng kỳ trong Q4 cho thấy Hoà Phát thực tế đang phải chi ra nhiều hơn để duy trì tăng trưởng trên con số doanh thu tỷ đô.
Báo cáo KQKD cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể của nhiều loại chi phí. Chi phí lãi vay Q4/2015 chỉ tăng 11,6% so với cùng kỳ nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đến 102%. Dù CPQLDN của HPG thường tăng mạnh vào quý cuối năm, con số CPQLDN 420 tỷ đồng trong quý vừa rồi là điều khá bất ngờ. Ngược lại, việc giá nguyên vật liệu và giá thép thành phẩm không còn biến động nhiều như năm 2014 giúp HPG tiết kiệm được 156 tỷ đồng chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với Q4/2014.
Nhìn vào KQKD của từng ngành, mảng sản xuất và kinh doanh thép ghi nhận LNST giảm 12% so với năm 2014 còn 2.702 tỷ đồng mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng 11%. Theo tính toán của Chuyên viên, giá bán thép Q4/2015 của Hoà Phát rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tấn thép xây dựng và 15-24 triệu đồng/tấn thép ống tuỳ loại. Đây là mức giảm đáng kể (trên 20%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, Hoà Phát đã tận dụng vị thế của chính doanh nghiệp và sức tiêu thụ của thị trường nội địa để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ, bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu do giá bán giảm mạnh.
Sau hơn 2 quý khởi động, mảng sản xuất và phân phối thức ăn chăn nuôi đã mang lại hơn 1.300 tỷ đồng DT và khoản lỗ 45,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ này không ảnh hưởng nhiều lên sức khoẻ tài chính của HPG đồng thời gợi ý rằng doanh nghiệp đang tập trung đầu tư cho chuỗi sản xuất và hệ thống phân phối sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Có kế hoạch xây dựng và đưa các trang trại nuôi heo vào hoạt động trong năm 2016, mảng này rất có thể sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ. Tuy nhiên, do là ngành kinh doanh mới hoàn toàn đối với HPG và có đặc thù lợi thế kinh tế dựa trên quy mô, sẽ cần thêm thời gian để mảng kinh doanh này đạt quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả.
Năm 2015, số liệu Hải quan cho thấy Việt Nam nhập khẩu 15,7 triệu tấn sắt thép các loại, tăng hơn 33% so với năm 2014. Gần 7,5 tỷ USD dùng để nhập khẩu sắt thép, trong đó hơn một nửa là cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Đáng chú ý, giá trị lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 9,4% về giá trị nhưng tăng tới 53% về lượng, trong đó sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là phôi thép. Phôi thép Trung Quốc né thuế và phá giá có ảnh hưởng lớn tới ngành thép xây dựng Việt Nam. Sử dụng công nghệ lạc hậu và có quy mô sản xuất nhỏ hơn rất nhiều so với các nhà sản xuất Trung Quốc, các công ty thép nội địa đã ngừng nhập thép phế liệu để luyện phôi, chuyển sang nhập khẩu phôi về để cán ra thép xây dựng khi phôi thép liên tục giảm giá trong năm 2015. Đối với các doanh nghiệp này, giá phôi thép giảm mạnh là cơ hội gia tăng lợi nhuận do giá thép thành phẩm trong nước giảm chậm hơn.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh để xây dựng chuỗi sản xuất như HPG, VNS (bao gồm POM và TIS) và VIS đều đang gặp khó khăn. POM, VIS đều đang lỗ luỹ kế, TIS sau hai năm liên tiếp lỗ hiện đang chật vật với 37 tỷ đồng LNST sau 9T2015 mặc dù doanh thu 9T2015 xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Dễ thấy biến động mạnh về giá và quyết định của nhà chức trách dẫn tới nhiều thay đổi, sẽ có người thắng kẻ thua. Chuyên viên nghiêng về khả năng có lợi cho các doanh nghiệp “thượng nguồn”, các nhà quản lý sẽ áp thuế lên phôi thép nhập khẩu để tập trung vào mục tiêu dài hạn, tức phát triển ngành sản xuất nội địa thay vì chỉ nhập bán thành phẩm và phải phụ thuộc vào thép Trung Quốc.
Nhìn chung, cổ phiếu ngành thép trên TTCK thời gian qua không được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chuyên viên HPG vẫn là một điểm sáng trong ngành. Vị thế doanh nghiệp đầu ngành, năng lực sản xuất lớn được đầu tư bài bản vào quy trình sản xuất khép kín là những vũ khí cạnh tranh của HPG trước thép Trung Quốc. KQKD Q4 cũng như cả năm 2015 của HPG có thể chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, trong mảng kinh doanh cốt lõi của mình, HPG vẫn cho thấy sự tăng trưởng ổn định và vượt trội của so với các doanh nghiệp cùng ngành. Với KQKD Q4 và cả năm 2015 vừa công bố, P/E trailing đang ở mức 5,77x và P/E forward ở mức 4,65x, Chuyên viên đánh giá HPG là cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng khả quan trong năm 2016.
———————–
PVS: Báo cáo cập nhật dành cho PVS
Lĩnh vực kinh doanh đa dạng hỗ trợ kết quả kinh doanh. Chuyên viên tăng nhẹ giá mục tiêu dành cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và giữ khuyến nghị MUA vì các lý do sau:
Giá dầu thấp, ảnh hưởng đến nhu cầu khảo sát địa chấn: Lĩnh vực khảo sát địa chấn và ROV có kết quả hoạt động đáng thất vọng khi lỗ trong Quý 4/2015. Nguyên nhân là do không có hợp đồng nào trong giai đoạn này do nhiều hoạt động thăm dò bị tạm ngưng trong bối cảnh giá dầu thấp.
…nhưng lĩnh vực dịch vụ Tàu kỹ thuật dầu khí (OSV), Dịch vụ căn cứ cảng, Vận hành và bảo dưỡng (O&M) đạt biên lợi nhuận cao hơn so với dự báo, cụ thể là cao hơn 200-600 điểm cơ bản so với dự báo của Chuyên viên, lần lượt tại mức 12,4%, 21,9%, và 17% vì việc biên lợi nhuận giảm bởi tác động của giá dầu diễn ra chậm hơn so với dự báo do đó vẫn chưa được phản ảnh hoàn toàn trong những lĩnh vực này.
Việc hoàn tất các dự án ngoài khơi đã thúc đẩy biên lợi nhuận của lĩnh vực Cơ khí dầu khí: Biên lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm 2015, hỗ trợ lợi nhuận cả năm và giúp bù đắp phần nào cho những lĩnh vực kinh doanh khác. Doanh thu lĩnh vực này chỉ đạt 84% dự báo của Chuyên viên nhưng biên lợi nhuận tăng hơn gấp hai lần nhờ việc hoàn tất nhiều dự án ngoài khơi. Tính chung cả năm 2015, doanh thu và LNST đạt lần lượt 94% và 99% dự báo của chuyên viên.
Chuyên viên điều chỉnh giảm 12,6% dự báo KQLN 2016 vì việc điều chỉnh tăng nhẹ biên lợi nhuận gộp cho các lĩnh vực tàu kỹ thuật dầu khí, cảng dịch vụ dầu khí, vận hành và bảo dưỡng không bù đắp được phần điều chỉnh giảm lĩnh vực khảo sát địa chấn và ROV và cơ khí dầu. Luận điểm chính cho những giả định này (đã được đề cập trong báo cáo hồi tháng 01/2016) là KQLN 2016 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh của việc giá dầu giảm mạnh cuối năm 2015 và đầu tháng 01/2016.
Tuy nhiên, PVS có thể đạt tăng trưởng trở lại sau năm 2016 nếu giá dầu phục hồi. Chuyên viên điều chỉnh giả định giá dầu trong kịch bản cơ sở, với giá dầu trung bình đạt 40USD/thùng trong năm 2016 và sau đó mỗi năm tăng 10USD lên 60USD/thùng năm 2018 và duy trì tại mức này cho những năm sau (thay vì giữ nguyên mức 40USD/thùng trong suốt giai đoạn dự báo như giả định trước đây). Vì vậy, năm 2016 sẽ là năm cuối cùng PVS có sự sụt giảm mạnh trong lợi nhuận.
Dự án Lô B mang lại tiềm năng tăng trưởng chưa được phản ánh trong định giá. PVS sẽ là một trong những nhà cung cấp dịch vụ dầu khí đầu tiên hưởng lợi từ dự án này. Chuyên viên ước tính tổng vốn đầu tư cho dự án Lô B là 1,8 tỷ USD (xây dựng 1 giàn trung tâm và 35 giàn nhẹ), trong đó gần như tất cả đều hỗ trợ lĩnh vực cơ khí dầu khí của PVS. Tuy đến năm 2017 dự án này mới bắt đầu mang lại doanh thu và lợi nhuận cho PVS, Chuyên viên cho rằng tin tức công bố hợp đồng được ký kết sẽ giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.
Định giá hấp dẫn. Tuy giá cổ phiếu hiện đang giao dịch với mức P/E dự phóng 1 năm khá hợp lý là 8,3 lần, Chuyên viên nhận thấy vẫn còn tiềm năng tăng vì: (1) Lợi nhuận của PVS có thể phục hồi theo giá dầu từ năm 2017 trở đi; (2) Tiềm năng tăng nhờ dự án Lô B vẫn chưa được phản ánh; và (3) Lợi suất cổ tức hấp dẫn, lên đến 7,8%. Tuy nhiên, do xung lực kỹ thuật còn bất lợi, Chuyên viên cho rằng nhà đầu tư nên chờ đợi trước khi mở vị thế mua.
———————–
GTN: Công ty hàng tiêu dùng/nông nghiệp với chiến lược kinh doanh thuyết phục. CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (HSX:GTN), tập đoàn đa ngành nghề với mục tiêu trở thành một công ty hang tiêu dùng. Chuyên viên đánh giá cao chất lượng quản lý của GTN và chiến lược xây dựng hệ thống tập trung vào hàng tiêu dùng bằng cách tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Theo đó, GTN sẽ tiếp tục trải qua giai đoạn chuyển dịch, đòi hỏi tiếp tục huy động vốn, M&A, tái cơ cấu sau M&A, và thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài cốt lõi. Vì vậy, nhà đầu tư cần xem xét không chỉ KQLN mà còn cả tài sản của công ty trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Chiến lược của GTN bao gồm mua lại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng có (1) Quỹ đất lớn để trồng trọt nguyên liệu hoặc chăn nuôi; (2) Sản phẩm tốt nhưng thương hiệu vẫn còn chưa được phát triển tốt; và (3) Quản lý điều hành kém hiệu quả. Không chỉ giúp công ty linh hoạt trong việc mở rộng công suất trong tương lai và nâng cao quy mô, việc sở hữu quỹ đất lớn còn giảm rủi ro đầu tư cho GTN vì đất có thể bị định giá thấp hơn so với thực tế trong quy trình cổ phần hóa. Sau khi mua lại, để phát triển các sản phẩm và hoàn thành chuỗi giá trị, GTN sẽ thực hiện một số biện pháp tái cơ cấu bao gồm quản lý tập trung, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và nghiên cứu và phát triển, cũng như tổ chức lại và mở rộng hệ thống phân phối.
GTN bắt đầu thâm nhập lĩnh vực hàng tiêu dùng năm 2013, khi công ty mua lại 25% cổ phần (hiện đã tăng lên 35%) tại Ladofoods. Ladofoods, trước đây là một doanh nghiệp nhà nước, sở hữu 100% Vang Đà Lạt, là thương hiệu rượu hàng đầu tại Việt Nam. Các nỗ lực tái cơ cấu bắt đầu mang lại kết quả khi doanh thu của Ladofoods tăng trưởng 23%/năm trong hai năm qua.
GTN cũng sở hữu 95% cổ phần tại Vinatea, công ty trà lớn nhất Việt Nam, đồng thời mua lại 12% Vilico, là đơn vị sở hữu 51% Sữa Mộc Châu. GTN dự kiến sẽ tăng sở hữu tại Vilico trong thời gian tới. Vì phần lớn quỹ đất của cả Vinatea và Vilico đều nằm tại huyện Mộc Châu (miền Bắc), GTN dự kiến sẽ kết hợp các vùng trồng của Vinatea với trang trại bò sữa của Vilico, nghĩa là sử dụng chất thải từ trang trại cho vùng trồng trà hoặc sử dụng đất trống của Vinatea để chăn nuôi bò sữa.
Trong quá trình tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp/hàng tiêu dùng, GTN cũng sẽ thoái vốn khỏi tất cả các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi. Năm 2015, GTN đã thoái vốn khỏi các công ty titanium và đá granite.
GTN vừa mới hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ, qua đó tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, TAEL Two Partners Ltd trở thành nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ sở hữu 20%. Ông Michael Louis Rosen, gần đây chuyển sang công tác tại GTN từ CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN), một doanh nghiệp nông nghiệp/thực phẩm đang phát triển khác, cũng tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ và hiện sở hữu cổ phần 4% tại GTN.
———————–
PAC: CTCP Pin Ắc quy miền Nam (HSX: PAC – Vốn hóa: 1 ngàn tỷ đồng) đặt kế hoạch khiêm tốn 2016
Trong năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 2,440 tỷ đồng, tăng 8%, và LNTT tăng 7% đạt 130 tỷ đồng. Chuyên viên kỳ vọng Pinaco sẽ vượt mục tiêu khiếm tốn nhờ vào đà tăng trưởng tiêu thụ ô tô trong nước (tiêu thụ ô tô năm 2015 tăng 45% đạt mức kỷ lục 245k chiếc) và biên lợi nhuận cải thiện (nhờ vào giá NVL giảm).
Tuy nhiên, đồng nội tệ mất giá so với USD, Chuyên viên kỳ vọng vào khoảng 3%, sẽ làm giảm mức tăng trưởng của lợi nhuận của Pinaco. Chuyên viên ước tính doanh thu và LNST 2016 tương ứng đạt 2.6 ngàn tỷ đồng và 129 tỷ đồng.
Ở mức giá thị trường là 34.7k đồng/cp, PAC đang giao dịch ở mức PE dự phóng 2016 là 8.3. Khuyến nghị MUA.
———————–
TNG: Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX)
Kế hoạch 2016:
DTT dự kiến đạt 2,485 tỷ (+27.7%), trong đó 2285 tỷ từ XK, chiếm 92% DTT do (1) đi vào hoạt động nhà máy Đại Từ trong 2015 với công suất thiết kế (CSTK) 35 chuyền may giúp tổng CSTK tăng 19% so với đầu năm 2015 và (2) TNG tăng công suất hoạt động thực tế so với mức 80% trong 2015. LNST = 120 tỷ (+59.3% yoy), trong đó từ XK là 110 tỷ, chiếm 91.7%.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ sắp tới, TNG dự kiến trình kế hoạch nới room lên 100% cho khối ngoại. Trong 2016, TNG dự kiến không phát hành CP riêng lẻ nữa. Theo kế hoạch của TNG đến 2020, mỗi năm sẽ trả cổ tức bằng CP tỷ lệ 5:1 hoặc 6:1, ESOP 5%, đến 2020 VĐL sẽ ~ 1,000 tỷ đồng.
Các dự án trong 2016:
Khai trương Trung tâm thời trang chuyên nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm trong tháng 3. Công ty liên kết Thời trang TNG cũng sẽ được sáp nhập về công ty mẹ trong năm nay nhằm tập trung khai thác thị trường nội địa. Trong 2 tháng đầu 2016, tiêu thụ nội địa tăng 40% so với cùng kì.
Đầu tư 1 nhà máy chỉ và thêm 1 nhà máy bao bì phục vụ đóng gói sản phẩm, tổng đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng. (Mỗi năm, TNG chi khoảng 4 tỷ đồng mua chỉ)
Xây dựng cụm công nghiệp Sơn Cẩm, có thể sẽ hợp tác với Pháp xây dựng nhà máy Dệt tại đây.
Xây dựng nhà ở xã hội để bán.
Quan điểm đầu tư: Chuyên viên tiếp tục khuyến nghị MUA với mã cổ phiếu TNG với giá mục tiêu 28,264 VND/cp (+42.7% so với giá đóng cửa ngày 2/3/2016). TNG hiện sở hữu 10 chi nhánh may với tổng công suất thiết kế 216 chuyền may và 4 chi nhánh sản phẩm phụ trợ, Rủi ro khi đầu tư vào TNG là nợ vay lớn, các chỉ số thanh toán đều ở mức thấp (dưới 1). Ngày 02/03/2016, với số lượng CP 29,62 triệu CP, EPS 2016 = 4,051 VND/cp, tương đương P/E fw = 4.9x (tính theo giá đóng cửa ngày 2/3 là 19,800 VND/cp)
———————–
AAA: Lãi trước thuế 50,6 tỷ đồng, vượt 68,8% kế hoạch
Năm 2015, AAA đạt doanh thu thuần 1.614 tỷ đồng, tăng 3,46% so với cùng kỳ và vượt 15,28% kế hoạch năm (1.400 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 50,6 tỷ đồng, giảm 11,5% và hoàn thành vượt 68,6% kế hoạch năm (30 tỷ đồng).
———————–
PVI: HDI Global SE đã mua thêm gần 9,2 triệu cổ phiếu Từ 18/2 đến 29/2/2016, HDI Global SE đã mua gần 9,2 triệu cổ phiếu của CTCP PVI như đã đăng ký trước đó, nâng tỷ lệ sở hữu tại PVI từ 33,5% lên thành 37,63%.
———————–
GEX: UPCOM Ngày 4/03/2016 tới đây Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, tại Bắc Ninh.
Năm 2015, GEX đạt 1.350 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 249,7 tỷ đồng, vượt 6,2% kế hoạch cả năm. Dự kiến chia cổ tức năm 2015 là 10%. Năm 2016, GEX dự trình kế hoạch doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, cổ tức 10%.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Nga: Thế giới sắp đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Theo phía Nga, các nước OPEC và Nga đã gần đạt thỏa thuận về hạn chế sản xuất dầu. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại một cuộc họp trong tháng này.
———————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net