DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 30/03/2016 gồm cập nhật NT2, SBT, VSC, IJC, NTP, ACB, LGL, LAS, VTV, CTD

Lượt xem: 13,730 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index bất ngờ giảm mạnh 7,44 điểm (tương đương 1,29%) xuống mức 568,28 điểm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 132 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ so với hai phiên thị trường tăng trước đó.

Đồ thị VN-Index ngày 29/03/2016.

Đồ thị VN-Index ngày 29/03/2016. Nguồn: Amibroker

 

Trên đồ thị nến, VN-Index hình thành cây nến đỏ đặc dài không có bóng nến, với giá mở cửa ở mức cao nhất và giá đóng cửa ở mức thấp nhất phiên cho thấp áp lực bán trải đều trong suốt phiên giao dịch. Phiên giảm điểm hôm nay đã phá vỡ cả gap hình thành trong phiên hôm qua (ở vùng 572-573) và đường MA100 (ở vùng 569-570). Đây là lần thứ 3 VN-Index phá vỡ đường MA100 trong sáu phiên giao dịch gần đây. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục biến động tiêu cực, đường RSI(14) đi xuống mức thấp hơn ở dưới ngưỡng 50, trong khi đường MACD histogram cũng mọc dài hơn ở dưới ngưỡng 0, thể hiên tín hiệu tiêu cực biến động mạnh hơn. Tuy vậy, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo 560-565 điểm, tương ứng mốc 38.2% của Fibonacci Retracement 514 – 642, là mốc hỗ trợ mạnh, và nếu VN-Index tiếp tục phá vỡ ngưỡng này thì nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh sâu hơn.

Thanh khoản phiên 29/03 cũng tăng mạnh trở lại đạt mức bình quân 20 phiên gần nhất do đó củng cố cho tín hiệu giảm đang xuất hiện. Cần chú ý rằng mô hình nến hôm nay đã chạm vào cận dưới của dải bollinger do đó khả năng sẽ tạo ra nhịp hồi trong phiên 30/03 dựa trên tín hiệu kỹ thuật là chính. Điều này cũng được củng cố bởi tín hiệu cảnh báo từ CCI và Wm%R cho rằng chỉ số đang rơi vào trạng thái Bán quá đà. Như vậy, kịch bản giảm trong phiên tới có xác suất xảy ra là khá cao với 02 diễn biến chính đó là kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 565 điểm và nếu sự hồi phục xuất hiện thì động lực tăng có giúp chỉ số quay trở lại khu vực đi ngang 570- 580 điểm trước đó hay không. Do tín hiệu “breakout” – đột phá đang xuất hiện theo chiều hướng giảm do đó mức cắt lỗ và dừng giao dịch mới được tập trung vào khu vực hỗ trợ 560-565 điểm. Sự xuất hiện của mẫu hình nến cho khả năng đảo chiều giảm Bearish Engulfing với sự xác nhận của khối lượng giao dịch gia tăng đã củng cố cho khả năng trên của VN-Index.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 30/03/2016, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ lùi về thử thách mức hỗ trợ 565 điểm. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá dòng tiền tăng mạnh trong phiên 29/03 vẫn cho thấy sự tích cực của các hoạt động giao dịch và chưa đủ lập luận để khẳng định phiên hôm nay là phiên phân phối. Nhà đầu tư thực tế đã từng được trải nghiệm sự sụt giảm mạnh của chỉ số xuất phát từ hiện tượng “đè trụ” trong phiên 25/03. Do đó phiên 30/03 sẽ là phiên giao dịch hết sức quan trọng nhằm kiểm chứng lực cầu của thị trường. Nếu thanh khoản trong phiên 30/03 tiếp tục gia tăng mạnh theo chiều giảm của chỉ số và vi phạm khu vực cắt lỗ, nhà đầu tư được khuyến nghị hạ bớt tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu về mức dưới 50% tổng tài sản. Tuy nhiên, Nhật Cường nhận thấy dòng tiền có sự phân hóa và không xảy ra hiệu ứng tiêu cực hàng loạt.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 566.81 điểm. Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng 50% như hiện tại và chỉ bán ra các cổ phiếu đã vị phạm mức cắt lỗ trong danh mục Top 30 cổ phiếu cần quan tâm hàng ngày mà Nhật Cường khuyến nghị.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 29/03/2016:

Thị trường giằng co đầu phiên nhưng dưới áp lực bán từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm khá mạnh (1.29%) trong phiên hôm nay. Thanh khoản tăng mạnh về khối lượng lẫn giá trị giao dịch, độ rộng thị trường thu hẹp. Upcom Index tiếp tục tăng và đã có mức tăng 23.4% kể từ đầu năm. Khối ngoại bán ròng 57.4 tỉ đồng trên hai sàn chứng khoán lớn.

Không có thông tin hỗ trợ, thị trường giao dịch chậm rồi lực bán dứt khoát đã khiến hai sàn cùng đóng cửa tại mức điểm số thấp nhất ngày. VN-Index đóng cửa giảm -7,44 điểm (-1,29%), trong khi HNX-Index mất mốc 80 điểm, giảm – 0,8%.

Thanh khoản tăng mạnh do có nhiều thỏa thuận lớn. KLGD trên sàn HOSE đã tăng +30% với 165 triệu đv cổ phiếu trong khi KLGD tại HNX chỉ tăng nhẹ 6% lên 54 triệu cổ phiếu. Giao dịch thỏa thuận đáng chú ý: MBB (140 tỷ), VSH (99,7 tỷ), và EVE (131,5 tỷ).

Các cổ phiếu tăng tốt trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục thiết lập mặt bằng giá cao hơn. Các cổ phiếu trong nhóm này gồm: cổ phiếu Upcom (MSR, TOP, GEX, SWC, GGG, VGC,…), cổ phiếu ngành ô tô (SVC, HAX, TMT), cổ phiếu dược (DCL, DHG, DMC), các cổ phiếu thị giá thấp (KSS, TLH, ATA, NDF, LCM,…).

Đồng thời, một số nhóm ngành tăng tốt gần đây bắt đầu phân hóa giữa các cổ phiếu trong ngày hôm nay. Nhóm khoáng sản xuất hiện một số mã giảm điểm như: KSA, BGM. Riêng nhóm ngành công nghệ chứng kiến đại đa số các mã đều giảm, ngoại trừ ELC. Cổ phiếu ELC được chuyên viên đánh giá rất tích cực, với mức giá mục tiêu năm 2016 khoảng 32.000 đồng. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy trong giai đoạn thị trường không được thuận lợi như hiện tại nhằm hạn chế rủi ro.

NĐTNN bất ngờ bán ròng -56,4 tỷ đồng sau 2 phiên mua ròng mạnh tại HOSE. Tuy nhiên, giá trị bán ròng lớn tập trung vào EVE (-100,2 tỷ). Một số cổ phiếu được mua mạnh có: SSI (+12,7 tỷ), HPG (+8,1 tỷ), KBC (+7,1 tỷ), DXG (+6,9 tỷ), MSN (+5,5 tỷ). Ở chiều ngược lại, ngoại trừ EVE, PPC, CTD, VHC, DPM là những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất. Tại sàn HNX, khối ngoại bất ngờ bán ròng nhẹ -1,06 tỷ đồng sau 8 phiên mua ròng liên tiếp. BCC dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 150 nghìn đơn vị. DBC, TTC và VCG cũng bị bán ròng nhẹ. Chiều ngược lại, IVS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với 99 nghìn đơn vị. PGS, SHB và SHS cũng được mua ròng nhẹ.

Cổ phiếu ngành Dược đi ngược thị trường khi DCL, DHG, TRA, DMC vẫn giữ được đà tăng tốt đến hết phiên. Bên cạnh đó, SWC, MSR, VEF, GEX tại Upcom tiếp tục thu hút dòng tiền mặc dù đã tăng khá mạnh so với thời điểm cuối tháng 02.

Năm 2015 sản lượng thủy điện của Việt Nam giảm 6% do El Nino, và năm 2016 tiếp tục là năm khó khăn của thủy điện. Vì vậy các công ty nhiệt điện sẽ gián tiếp được hưởng lợi, sản lượng nhiệt điện cần tăng để bù đắp lượng điện thiếu hụt từ thủy điện. Do đó, cổ phiếu nhiệt điện đã được phản ánh trong nhiều phiên giao dịch gần đây. BTP đã có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, với lượng dư mua trần cao hơn nhiều với KLGD cả phiên. NT2 đã tăng 6 phiên liên tiếp, tăng xấp xỉ 17% từ mức giá 29.700đ của ngày 22/03. Một cổ phiếu nhiệt điện khác tăng khá tốt trong phiên, nhưng lực bán chốt lời cuối phiên đã khiến PPC giảm -2%, thanh khoản tăng mạnh.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

NT2: Tóm tắt Báo cáo NT2: Có thể hoạt động với 90% công suất. Chuyên viên đã tham dự ĐHCĐ thường niên của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) vào Thứ Sáu tuần qua. Chúng tôi đã điều chỉnh tăng 5% giá mục tiêu trên cơ sở một số nội dung chính tại đại hội, nhưng giảm khuyến nghị từ MUA xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG vì giá cổ phiếu NT2 đã tăng 31% kể từ khi Chuyên viên đưa ra báo cáo gần đây nhất.

Chuyên viên tăng dự báo hiệu suất hoạt động từ 84% lên 90% vì kết quả hai tháng đầu năm đạt mức cao. Lượng điện tiêu thụ trên cả nước tiếp tục tăng tưởng ở mức cao với 12,2% trong hai tháng đầu năm. Tiêu thụ từ nông nghiệp và các lĩnh vực gia dụng tăng mạnh bất ngờ, lần lượt 50,6% và 13,6%, trong khi công nghiệp và xây dựng chỉ tăng nhẹ 9,1%. Chuyên viên cho rằng tính chung cả năm 2016, sản lượng điện bán ra của NT2 sẽ tăng 8% vì mực nước tại các bể chứa thủy điện có thể xuống đến mức đáy trong Quý 1 năm nay thay vì Quý 2 như thường lệ.

Hiệu suất sử dụng tăng sẽ hỗ trợ lợi nhuận ròng, nên Chuyên viên điều chỉnh dự báo tăng trưởng EPS từ 10% lên 26%. Tại ĐHCĐ, NT2 cho biết công ty ước tính lợi nhuận từ hoạt động Quý 1 sẽ tăng 45%, so với mục tiêu trước đây là 30%. Ước tính này được đưa ra trên cơ sở: (1) Hạn hán kéo dài và nhu cầu liên tục tăng mạnh; (2) Giá khí đầu vào giảm khoảng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên viên điều chỉnh tăng 14% dự báo lợi nhuận từ lĩnh vực cốt lõi lên 1.516 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2015. Dự báo lợi nhuận Chuyên viên đưa ra có phản ánh giá sàn mới do GAS đưa ra.

Dự báo của Chuyên viên có phản ánh mức giá sàn mà GAS công bố trong thời gian qua dù NT2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và GAS vẫn chưa hoàn tất hồ sơ. Mức sàn dành cho giá khí đầu vào là 3,96USD/MMBtu theo ước tính tương ứng với giá dầu 58USD/thùng, vẫn thấp hơn 10% so với giá khí đầu vào trung bình năm 2015.

Đề xuất mới về việc chuyển lỗ/lãi từ chênh lệch tỷ giá có thể khiến lợi nhuận tăng cao hơn nữa. Tại ĐHCĐ, Chuyên viên được biết NT2 đang cùng Bộ Công Thương xem xét cơ chế giá mới nhằm chuyển 100% lỗ ghi nhận từ chênh lệch tỷ giá, tương đương khoảng 3% dự báo LNST cả năm do Chuyên viên hiện đưa ra. Khung giá này có thể được áp dụng hồi tố từ đầu năm 2016.

Định giá NT2 hiện hợp lý dù giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua. Trong báo cáo trước, chúng tôi cho rằng NT2 có định giá đầy hấp dẫn trên cơ sở P/E thấp. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu NT2 đã tăng 31% và hiện đang giao dịch với P/E 8,1 lần, xấp xỉ các công ty trong ngành.

——————

SBT: KQKD 6T đầu năm của SBT khả quan. Hiện định giá đã cao.

Sản lượng đường chế biến tăng mạnh môt phần nhờ sáp nhập SEC hoàn tất vào tháng 11. Chuyên viên thấy giá bán bình quân tăng 10% nhờ thị trường đường thế giới đang đạt đến điểm cân bằng sau 5 năm dư cung. Công ty đã đưa sản phẩm mới ra thị trường và diều này cho thấy dấu hiệu của việc đa dạng hóa sản phẩm mặc dù dự án ethanol vẫn đang bế tắc do giá dầu giảm thấp. Chuyên viên dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ vụ ép 2015/2016 tăng trưởng 34,4% dựa trên sản lượng và giá bán tăng. Việc sáp nhập của SBT với SEC là dấu hiệu mới nhất cho thấy quá trình tái cơ cấu ngành đang kiễn ra với SBT là doanh nghiệp đầu ngành.

Giảm đánh giá từ Nắm giữ xuống Kém khả quan. Câu chuyện sáp nhập và ảnh hưởng của chạm đáy của giá đường có vẻ đã phản ánh hết vào giá sau khi tăng hơn 3 lần từ đáy 12 tháng với P/E dự phóng hiện đã là 19,6 lần; nghĩa là đã khá đắt. Cho dù vậy chu kỳ lợi nhuận đã khởi sắc trở lại và Chuyên viên thấy vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trung hạn. Và nếu giá điều chỉnh trong khoảng quý tới thì đây sẽ là cơ hội mua vào cổ phiếu này.

SBT đã công bố KQKD 6T đầu năm tài chính 2015/2016 với doanh thu thuần đạt 1.766 tỷ đồng (tăng trưởng 85%; hoàn thành 53,5% kế hoạch cả năm) và LNTT đạt 182,396 tỷ đồng (tăng trưởng 119,3%; hoàn thành 83% kế hoạch cả năm). Điều này là nhờ SBT hợp nhất KQKD của SEC sau khi sáp nhập vào ngày 13/11 năm ngoái. KQKD của SEC hiện đã được hợp nhất vào SBT kể từ tháng 11/2015.

Theo từng mảng, doanh thu mảng đường đạt 1.697 nghìn tỷ đồng (tăng 90,4% so với cùng kỳ); đóng góp 96,1% vào tổng doanh thu thuần (cùng kỳ là 93,1%). Doanh thu mật đường đóng góp 1,6% tổng doanh thu, đạt 27,6 tỷ đồng (giảm 31,4% so với cùng kỳ). Doanh thu từ sản xuất điện đóng góp 1,1%; tương đương 19,9 tỷ đồng (tăng 46,3% so với cùng kỳ). Phân bón và sản phẩm khác đóng góp phần còn lại.

Năm tài chính của SBT bắt đầu từ ngày 1/7 đến này 30/6; do vậy 6T đầu năm tài chính 2015/2016 bắt đầu từ ngày 1/7/2015 đến 31/12/2015. Công ty không công bố doanh thu của riêng công ty mẹ SBT trong kỳ. Tuy nhiên Chuyên viên thấy trong 6T đầu năm 2014/15, doanh thu thuần của SBT đạt 955 tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ) trong khi doanh thu thuần của SEC là 175,7 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ).

Quan điểm đầu tư – SBT có câu chuyện hay nhưng hiện định giá đã cao. SBT đang trong quá trình tái cơ cấu ngành trong vài năm qua và hiện đã nắm 100% cổ phần của SEC; 27,95% cổ phần đường Nước Trong (Tây Ninh) và 17% cổ phần BHS. Theo đó SBT hiện chiếm khoảng 15% thị phần đường trên thị trường Việt Nam. Đồng thời khi cung cầu thế giới gặp nhau thì giá bán kỳ vọng sẽ còn tăng tiếp. SBT hiện quản lý diện tích trồng là 13.000-14.000 ha tại Tây Ninh; 11.000 ha tại Gia Lai (thuộc SEC). Và hiện công ty đang tích cực tăng cung nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường của mình thông qua mua từ bên thứ ba (hiện chiếm 2% tổng lượng mía chế biến trong vụ này). Công ty cũng đã đầu tư thêm về công nghệ tưới nước và thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả. Công ty đã xây kênh nước tưới trên nông trường Bến Cầu và áp dụng hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời để nâng cao năng suất thêm 10-20 tấn/ha. Ngoài ra, sau khi hợp nhất SEC, SBT có thể nâng được vị thế tại khu vực phía Nam khi có thêm khách hàng có nhu cầu đường RS. Sản phẩm chính của SEC là đường RS trong khi công ty mẹ chủ yếu sản xuất đường RE.

Tóm lại, hiện Chuyên viên nhìn thấy nhiều động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong tương lai gồm (1) giá đường tăng do cung cầu cuối cùng đang tiến đến gần nhau; (2) lợi nhuận từ dự án EBTN cộng với nước tinh khiết đóng chai hương mía và (3) xu hướng tăng đầu tư cho công nghệ giúp tăng đáng kể năng suất thu hoạch mía và (4) câu chuyện tái cơ cấu ngành và SBT hiện đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành. Tuy nhiên hiện tất cả những điều này đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Hiện giá cổ phiếu đã tăng 3 lần kể từ đáy 12 tháng. Chuyên viên khuyến nghị nên chốt lời cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại. Giảm mức đánh giá từ Nắm giữ xuống Kém khả quan trên phân tích định giá.

——————

VSC: Cập nhật thông tin Đại hội cổ đông 2016 – Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (VSC – HOSE)

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015:

Nhìn vào tình hình kinh doanh và báo cáo về sản lượng năm 2015 so với năm 2014 có thể thấy, doanh thu hợp nhất của VSC chỉ tăng nhẹ (tăng 4,1%), trong khi lợi nhuận trước thuế và sau thuế có mức tăng tốt hơn trong khi sản lượng có mức tăng khá tốt. Nguyên nhân là do: (1) Sản lượng tăng mạnh nhưng do sức ép về giá khiến cho doanh thu không cải thiện đáng kể. Thực tế trong năm 2015, khách hàng của VSC không mất đi song lượng hàng hóa của mỗi chuyến hàng bị giảm do tình hình chung kém khả quan của các hãng tàu. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc cước đường bộ tăng mạnh nên dù vận tải ô tô có mức tăng 25,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận từ mảng này cũng không đóng góp đáng kể. (2) Lợi nhuận trước thuế tăng do được lợi từ hàng contaier lạnh trong tháng 4/2015 và tháng 7/2015 (3) Dự án Cảng Xanh VIP đi vào hoạt động từ tháng 11, thực tế chưa đóng góp được vào tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2015.

Ngoài ra, như đã cập nhật kết quả kinh doanh năm quý 4/2015, lợi nhuận gộp của VSC giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính từ hoạt động container lạnh, năm 2015 tổng doanh thu từ mảng container lạnh là 168 tỷ đồng; tính sơ bộ 9 tháng, doanh thu từ mảng này đã ở mức 150 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, doanh thu container lạnh quý 4/2015 chỉ ở mức xấp xỉ 20 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này rất lớn – vào khoảng hơn 70%.

Kế hoạch năm 2016:

VSC đưa ra kế hoạch kinh doanh 2016 khá cẩn trọng do xem xét tình hình kinh doanh khó khăn trong năm tới ở cả công ty mẹ lẫn các công ty con. Nếu như năm 2015 được coi là năm có nhiều đột biến và mang lại kết quả tốt thì năm 2016 hứa hẹn nhiều thách thức đối với VSC.

(1) Xem xét sơ bộ kết quả kinh doanh quý 1/2016: – Doanh thu quý 1/2016: 245 tỷ, tăng ~8% so với cùng kỳ 2015 – Lợi nhuận trước thuế quý 1/2016: 58 tỷ, giảm ~44% so với cùng kỳ – Tại các công ty con, tình hình kinh doanh không mấy khả quan: Trong quý 1/2016, Công ty TNHH Vận tải biển Ngôi sao xanh lãi 24 triệu; Công ty TNHH MTV Viconship Hồ Chí Minh lỗ 700 triệu.

(2) Dự án Cảng Xanh VIP Cuối tháng 4, thiết bị sẽ cho cầu cảng 2 sẽ về Việt Nam; sau 2 tháng hoàn thiện, dự kiến đầu tháng 7/2016 cầu tàu 2 sẽ đi vào hoạt động. VGP sẽ có khả năng hoạt động full công suất. Theo kế hoạch, năm 2016, Cảng Xanh VIP sẽ lỗ khoảng 50 tỷ đồng.

(3) Về đầu tư Trong năm 2016, VSC có kế hoạch mua thêm đất, mở rộng kho bãi tại Viconship Hồ Chí Minh (chưa có chi tiết) và đầy tư bãi mới (khoảng 10ha) tại Green Depot với dự định mua lại đất Đình Vũ. Tổng mức đầu tư 2016 khoảng 364 tỷ đồng.

(4) Cổ phần hóa các công ty thành viên từ quý 2/2016 (Green Star Line, Green Depot) đến năm 2017 (Green Logistics, Green Port)

(5) Nới room: Nới tối đa theo quyết định của Bộ công thương.

Đánh giá 2016 năm khó khăn đối với VSC do:

(1) Áp lực giảm cước phí đến từ các hãng tàu.

(2) Mảng đem lại lợi nhuận cao – container lạnh lại phải bị động trước chính sách biên mậu của Trung Quốc.

(3) Dự án Cầu Bạch Đằng ảnh hưởng đáng kể tới tàu ra vào tại cảng Green Port.

Tuy nhiên, nếu xem xét về dài hạn, VSC vẫn là một doanh nghiệp ngành cảng có triển vọng với Cảng Xanh VIP. Lượng khách hàng dịch chuyển từ Cảng Xanh xuống Cảng Xanh VIP dự kiến sẽ lấp đầy công suất trong năm 2017. Và để bù đắp lại cho Cảng Xanh thì VSC đã có chính sách lôi kéo, tìm kiếm khách hàng về cho cảng cũ; trong tháng 4/2016 tới, Cảng Xanh sẽ có thêm 2 khách hàng mới với mức sản lượng dự kiến khoảng 20% công suất toàn cảng.

——————

IJC: CTCP PT Hạ tầng Becamex (HSX: IJC – Vốn hóa: 2.3 nghìn tỷ đồng) chào mua công khai, giảm vốn điều lệ Theo phương án trình ĐHĐCĐ sắp tới, Becamex IJC dự tính sẽ bán tài sản công ty, nhiều khả năng là 1 trong các dự án bất động sản của công ty, để tài trợ cho việc chào mua công khai. Theo đó, mỗi cổ đông IJC sẽ có thể bán được 50% số cổ phiếu đang nẵm giữ cho công ty với giá tối đa là 10k đồng/cp. Tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 1,391 tỷ đồng cho 139 triệu cổ phiếu, một nửa số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Việc bán tài sản, chưa được công bố chính thức, có thể đã hoàn thành một cách chưa chính thức và có thể sẽ tạo ra khoản lợi nhuận sau thuế là 40 tỷ cho công ty. Nếu việc chào mua công khai thành công, Becamex IJC ước tính EPS 2016 vào khoảng 1.4k đồng (193 tỷ đồng LNST trên 135 triệu cổ phiếu)

——————

NTP: CTCP Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP – Vốn hóa: 4.2 nghìn tỷ đồng) tăng chi trả cổ tức 2016 ĐHĐCĐ 2016 đã thông qua việc trả thêm 20% cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2016. Tổng cộng, Tiền Phong dự tính sẽ trả 25% cổ tức bằng tiền (bao gồm cả 15% đã trả đầu năm) và 20% cổ tức bằng cổ phiếu, vấn đề được trình ngay trong ĐHĐCĐ 2016 bởi SCIC, tổ chức đang nắm 37% cổ phần và vẫn chưa có quyết định nào về khả việc vốn khỏi Tiền Phong. Tiền Phong ghi nhận doanh thu 3.6 nghìn tỷ đồng và LNST 366 tỷ đồng trong năm 2015, tương ứng biên lợi nhuận 10%, thấp hơn một chút so với 2014. Tương tự hầu hết doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam, Tiền Phong hưởng lợi từ việc giá NVL đầu vào giảm trong năm, giúp tăng biên LN gộp. Tuy nhiên, chi phí BH&QL tăng mạnh làm giảm khả năng sinh lợi của công ty. Trong năm 2016, Tiền Phong đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.9 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng bán hàng là 78k tấn và LNTT khoảng 415 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm ngoái. Ở mức giá thị trường hiện tại là 67.7k đồng/cp, NTP đang giao dịch ở mức PE dự phóng 2016 là 11.3x.

——————

ACB: Đại diện của Standard Chartered nộp đơn từ chức khỏi HĐQT, báo hiệu sự rút lui của Standard Chartered. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố ông Julian Fong Loong Choon, thành viên HĐQT, đã nộp đơn từ chức sau 7 năm làm việc tại ngân hàng. Ông Julian Fong Loong Choon là đại diện của ngân hàng Standard Chartered (SCB), hiện đang nắm giữ 15% cổ phần của ngân hàng. Sự kiện này diễn ra một thời gian ngắn sau khi một đại diện khác của SCB là ông Vijay Maheshwari từ nhiệm khỏi vị trí Giám đốc tài chính vào tháng 1/2016. Ngân hàng Standard Chartered, với phần lớn lợi nhuận đến từ Châu Á, đang chịu áp lực cắt giảm chi phí và củng cố vốn, đang rút lui khỏi nhiều mảng kinh doanh trong thời gian qua, sau khi bất ngờ ghi nhận mức lỗ lớn trong năm 2015 do các hoạt động tại các thị trường mới nổi và nợ xấu cao. Chuyên viên tiếo tục cho rằng nếu lượng cổ phần do SCB nắm giữ được bán cho các nhà đầu tư tổ chức là một yếu tố tích cực đối với ACB.

——————

LGL: sẽ đầu tư hơn 2.665 tỷ đồng vào 2 dự án tại TP. HCM và Hà Nội ĐHCĐ bất thường năm 2016 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (LGL – sàn HOSE) vừa thông qua chủ trương phê duyệt tổng mức đầu tư 2 dự án lớn tại TP. HCM và Hà Nội với con số lên đến hơn 2.665 tỷ đồng. Cụ thể, dự án Khu chung cư Thành Thái, phường 11, quận 10, TP HCM có diện tích xây dựng 4.172 m2, tổng diện tích sàn 74.175 m2, với tổng số căn hộ 708 căn. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 1.337 tỷ đồng. Dự án tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở 69 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội có tổng diện tích toàn khu đất 11.234,5 m2, diện tích sàn xây dựng công trình 77.425 m2, với 666 căn hộ. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến gần 1.328 tỷ đồng. Đại hội cũng thống nhất giao cho HĐQT quyết định về nguồn vốn đầu tư, hình thức quản lý, thời gian thực hiện và các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện đầu tư 2 dự án trên. Đồng thời, trong trường hợp có thay đổi, điều chỉnh tăng dưới 15% tổng mức đầu tư dự án, HĐQT cũng sẽ thay mặt ĐHCĐ để phê duyệt mức điều chỉnh thay đổi cho phù hợp. Được biết, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, LGL đạt 183,89 tỷ đồng doanh thu, giảm 26,12% so với năm trước và hoàn thành 76,62% kế hoạch năm (240 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế 35,95 tỷ đồng, tăng 24,83% so với năm trước và vượt gần 50% kế hoạch năm (24 tỷ đồng). Đóng cửa phiên 29/3, LGL ghi nhận phiên thứ 10 liên tiếp đứng giá tham chiếu 7.200 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 9.010 đơn vị.

——————

LAS: Đầu tư dây chuyển sản xuất mới trị giá 258 tỷ đồng HĐQT CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS – HNX) thông qua phương án đầu tư xây mới dây chuyển sản xuất phân đạm NPK 4 có công suất 150.000 tấn/năm. Dự kiến, dây chuyền sản xuất mới được xây dựng trên diện tích 14.292m2 với tổng suất đầu tư 258 tỷ đồng. Trong đó, LAS sẽ vay vốn hơn 180 tỷ đồng để thực hiện, tương đương 70% giá trị vay, thời gian hoàn thành trong khoảng 465 ngày. LAS cho biết, với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm, dây chuyển mới sẽ gia tăng số lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường và giảm tải cho các dây chuyền hiện có của Công ty. Ngoài ra, HĐQT LAS cũng ra nghị quyết thành lập Tổ thẩm định hồ sơ mời thầu dự án đầu tư xây dựng dây chuyển Axit Sunfuric 300.000 tấn/năm kết hợp với phát điện. Trong báo cáo kiểm toán năm 2015, LAS ghi nhận doanh thu đạt 4.651 tỷ đồng, giảm 6,7% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 306,3 tỷ đồng, giảm 30,19% cùng kỳ. Ngày 11/3 vừa qua, LAS đã chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016, theo đó Đại hội dự kiến tổ chức vào sáng ngày 29/4/2016, địa điểm họp tại Hội trường Khu công nhân Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

——————

VTV: lên kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE HĐQT CTCP VICEM Vật tư Vận tải Xi măng (VTV – sàn HNX) đã thông qua các nội dung để trình ĐHCĐ thường niên 2016 tới đây. Cụ thể, trong kế hoạch kinh doanh năm 2016, VTV phấn đấu tổng sản lượng hàng hóa đạt hơn 2,26 triệu tấn, tổng doanh thu 3.215,52 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt 59,24 tỷ đồng và 47,39 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10-12%, mức thu nhập bình quân dự kiến 11,6 triệu đồng/người/tháng. HĐQT Công ty cũng thông qua kết quả kinh doanh năm 2015 với chỉ tiêu doanh thu 3.151,85 tỷ đồng, hoàn thành 92,8% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 53,28 tỷ đồng, vượt 9,8% kế hoạch năm và tỷ lệ chia cổ tức 10%. Trong năm, Công ty cũng đã thực hiện 2 đợt phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn điều lệ từ 156 tỷ đồng lên gần 312 tỷ đồng. Đáng chú ý, để nâng cao tính thanh khoản cùng một số lợi ích khác, Công ty sẽ trình xin ý kiến Đại hội để chuyển niêm yết từ sàn HNX sang niêm yết trên HOSE. Thủ tục và thời gian cụ thể sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định. Sau 7 phiên tăng liên tiếp, sáng nay (ngày 29/3), VTV đã đỏ điểm với mức giảm 100 đồng (-0,6%) xuống 15.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 100 đơn vị.

——————

CTD: Kế hoạch lợi nhuận 2016 đạt 800 tỷ đồng

CTD đặt ra chỉ tiêu doanh thu kế hoạch là 16,500 tỷ đồng và lợi nhuận là 800 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, dự kiến mảng Thiết kế và Thi công chiếm tỷ trọng tới 50% tổng doanh số.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

NHNN yêu cầu dừng cho vay mới gói 30.000 tỷ từ ngày 31/3/2016. Trong một văn bản hỏa tốc gửi đến các ngân hàng thương mại ngày 28/03, NHNN cho biết: qua xem xét, số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (Nghị quyết 02/NQ-CP) đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. Do đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, thông tin được nhiều người mua nhà ở xã hội đang quan tâm nhất hiện nay là đối với các hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đã được các NHTM cam kết cho vay và đã giải ngân được một phần thì những khoản vay được giải ngân sau ngày 1/6/2016 sắp tới có được tiếp tục hưởng lãi suất ưu đãi hay không thì vẫn chưa được NHNN đề cập trong văn bản này và vẫn phải chờ quyết định cuối cùng từ Chính phủ. Chuyên viên vẫn thiên về khả năng Chính phủ sẽ vẫn gia hạn thời điểm được hưởng lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng do phân khúc nhà ở xã hội không phải là lĩnh vực tạo ra bong bóng đầu cơ nên không cần thiết phải siết chặt tín dụng. Tuy vậy, Chuyên viên cũng nhận thấy đã có sự bị động và lúng túng nhất định của cơ quan điều hành trong việc điều tiết gói tín dụng này, gây hoang mang không đáng có cho không ít người mua nhà đã ký hợp đồng tín dụng vay gói hỗ trợ trên.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (30/03/2016):

30/03/2016 10:00 TTC Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

30/03/2016 10:00 CAV Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 3,000 đồng/CP

30/03/2016 10:00 RDP Giao dịch bổ sung – 2,241,421 CP

30/03/2016 10:00 SDP Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

——————

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý