DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 29/04/2016 gồm cập nhật MBB, HSG, NKG, PVS, FPT, HBC, LIX, VSC, VND, VCS

Lượt xem: 13,670 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

Tiếp tục đóng cửa với sắc đỏ, VN-Index có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp, chỉ số mất 2,29 điểm về mức 591,67 điểm cùng với 94 triệu cổ phiếu được khớp. Thanh khoản giảm mạnh xuống dưới mức khối lượng trung bình 20 phiên gần nhất, còn độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang có xu hướng chốt lời để bảo toàn danh mục trước kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Đồ thị VN-Index ngày 28/04/2016.

Đồ thị VN-Index ngày 28/04/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index tiếp tục giảm điểm sau tín hiệu đảo chiều xuất hiện trong phiên giao dịch hôm qua. Với 2 cây nến giảm điểm liên tiếp khá dài, kéo mất của chỉ số VN-Index từ mức đỉnh 601 là 10 điểm. Trong khi đó KLGD lại sụt giảm là điều không thực sự lạc quan và khiến cho tâm lý bán ra sẽ mạnh hơn trong phiên ngày mai. Nhiều khả năng mốc 590 điểm sẽ bị thử thách và khó giữ cho đến cuối phiên. Trong khi đó, quan sát ở một số mã cổ phiếu như HAG, FLC, GAS, BVH… đều có dấu hiệu điều chỉnh giảm. Vì thế động lực để thị trường tăng điểm có lẽ lại dồn vào khối ngoại và một số cổ phiếu lớn khác. Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, đường ADX đã vượt lên ngưỡng 25 trong sự phân kỳ mở rộng của 2 đường DI. Các chỉ báo khác (MACD, Momentum và MFI) vẫn duy trì được đà đi lên. Mặc dù vậy, việc chỉ báo STO đang có nguy cơ tạo phân kỳ âm với đường giá tiếp tục là mối đe dọa cho khả năng điều chỉnh của chỉ số trong những phiên tới.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 29/04/2016, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và hướng về mức hỗ trợ ngắn hạn 580 điểm. Đồng thời, Nhật Cướng đánh giá mối lo ngại về sự rút đi của dòng tiền đã xuất hiện trong phiên hôm nay, khi khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn 33%, rơi xuống dưới mức chỉ đạt gần 80% mức bình quân 20 phiên. Việc sụt giảm thanh khoản ngày hôm nay có thể do NĐT e ngại kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, do thiếu vắng động lực, nhiều khả năng VN-Index tiếp tục quay về củng cố quanh vùng hỗ trợ 580-585 điểm trong thời gian tới. Thị trường cũng chuẩn bị bước vào Tháng 5, tháng mà nhiều NĐT cũng sẽ cẩn trọng hơn khi nó gắn với câu nói “Sell in May”. Do đó, áp lực bán ra có thể sẽ gia tăng vì vậy việc mua mới sẽ có rủi ro rất cao.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 580 điểm. Thông thường với TTCK Việt Nam khi những ngày lễ kéo dài bắt đầu thường khiến NĐT trở nên e dè hơn. KLGD phiên hôm nay đã phản ánh điều đó khi sụt giảm mạnh bất ngờ, có lẽ một phần do NĐT nghỉ lễ sớm hơn. Do đó, Nhật Cường tiếp tục bảo lưu quan điểm các nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp (từ 20 – 30% danh mục). Đồng thời, đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao thì có thể cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 28/04/2016:

Hôm nay cả VN-Index và HNX-Index giao dịch giằng co trong bối cảnh thị trường thế giới diễn biến trái chiều, giá dầu tiếp tục tăng và đồng USD suy yếu sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất vào đêm qua. GTGD giảm đáng kể trên sàn HSX trong khi GTGD sàn HNX giảm nhẹ.

Độ rộng thị trường thu hẹp; đã có 17 mã tăng trần và 25 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN trên HSX vẫn thấp và khối này vẫn mua ròng. Khối ngoại cũng mua ròng trên HNX nhưng khối này chỉ đóng góp chưa đến 0,2% tổng giá trị mua bán. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra sôi động hơn so với hôm qua nhưng vẫn trầm lắng; trong đó chỉ có giao dịch thỏa thuận diễn ra ở mã FPT và LAS là đáng nhắc đến.

• Các mã ngân hàng diễn biến trái chiều và giảm. VCB; MBB; SHB và STB tăng nhẹ trong khi CTG và BID giảm mạnh. EIB là mã duy nhất đóng cửa tại tham chiếu.

• BVH đóng cửa tại tham chiếu trong khi PVI tăng mạnh. Các mã chứng khoán biến động trái chiều với SSI và HCM giảm trong khi MBS và VND tăng.

• Các mã có tỷ trọng lớn trong VN-Index là VNM và BMP hôm nay đóng cửa tại tham chiếu; FPT tăng tốt với việc niêm yết cổ phiếu ESOP đã mở ra room cho khối ngoại. MSN giảm trong khi KDC đóng cửa tại tham chiếu.

• Các mã dầu khí biến động trái chiều với GAS tăng tốt, PVS đóng cửa tại tham chiếu còn PVD giảm mặc dù NĐT vẫn lạc quan về triển vọng trong ngắn và trung hạn của giá dầu.

• Các mã BĐS, xây dựng và cơ sở hạ tầng hôm nay có một khiên khó khăn với VIC và DXG giảm. BCI đóng cửa tại tham chiếu trong khi NLG tiếp tục tăng. CTD và HBC giảm, trong đó HBC giảm 3%. REE cũng giảm. CII giảm trong khi KBC tăng.

• Trong ngành sản xuất, mã ngành thép HSG và ngành ô tô TMT đóng cửa tại tham chiếu trong khi HPG và PAC giảm. DRC tăng nhẹ.

• HNG tiếp tục tăng trong khi HAG giảm.

Hôm nay là phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam Vilico –VLC. Toàn bộ gần 23,72 triệu cổ phiếu VLC đƣa ra đấu gia đƣợc đặt mua hết. Có 118 nhà đầu tư tham gia đấu giá trong đó có 11 tổ chức và 107 cá nhân đã đăng ký mua tổng cộng 57,5 triệu đơn vị (gấp 2,4 lần lượng cổ phần mang ra chào bán). Kết thúc phiên đấu giá, giá trúng thầu bình quân 16.636 đồng. Tổng số tiền công ty thu về khoảng 394,6 tỷ đồng.

Trên HSX, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ trên 45 tỷ đồng. FPT dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 970 nghìn đơn vị. PVT, MBB và STB cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, NBB dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 325 nghìn đơn vị. CTG, DXG và VIC cũng bị bán ròng nhẹ. Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 450 triệu đồng. SCR dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 320 nghìn đơn vị. SHB và TTB cũng đc mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, NDN dẫn đầu về khối lượng bán ròng với 462 nghìn đơn vị. HUT và KLS cùng bị bán ròng 110 nghìn đơn vị mỗi mã.

Đồng USD yếu đi so với hầu hết các đông tiền chủ chốt khác sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5% trong cuộc họp diễn ra hôm qua. Fed cho biết sẽ theo dõi tình hình kinh tế thế giới và trong nước mà không đề cập nhiều đến thời điểm khả dĩ sẽ tăng lãi suất. Trong khi đó việc NHTW Nhật Bản BOJ chưa có thêm biện pháp kích thích mới đã khiến đồng Yên tăng giá mạnh, tăng hơn 2% so với đồng USD vào ngày hôm nay. Nhiều người trước đó đã kỳ vọng BOJ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm giá đồng Yên trong tương lai nhưng có vẻ cơ quan này sẽ chưa có thêm động thái mới ít nhất là trong một tháng nữa.

Giá dầu trên hợp đồng tương lai đã giảm lại từ đỉnh của 2016 thiết lập vào đầu ngày thứ 5 sau khi Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất. Tuy nhiên NĐT đã chốt lời sau khi giá dầu tăng gần đây khiến cho cả giá dầu WTI và Brent giảm khoảng 0,26USD từ mức đỉnh. Tuy nhiên giá dầu vẫn cao hơn khoảng 70% so với đáy thiết lập vào tháng 1 và tháng 2. Ngoài ra các chuyên gia phân tích tỏ ra lạc quan và cho rằng sản lượng tại Mỹ giảm cộng với nhu cầu đầu tư cao sẽ là những nhân tố giúp giá dầu sẽ sớm tăng trở lại.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

MBB: NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2016

ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) hôm nay cho thấy ngân hàng có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tín dụng mạnh trong năm 2016. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến ngân hàng. Với dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ khiêm tốn, Chuyên viên giữ giá mục tiêu 15.500VND. Do giá cổ phiếu tăng, Chuyên viên điều chỉnh khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG và tổng mức sinh lời theo tính toán đạt 8,1%.

Ban lãnh đạo nhấn mạnh các thành công trong việc giải quyết một số vấn đề tồn đọng nhưng tăng trưởng lợi nhuận cao vẫn là một thách thức. Ban lãnh đạo tự hào cho biết các thành tựu đạt được trong năm qua:nợ xấu giảm mạnh, tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay cao, mạng lưới mở rộng nhanh chóng, ROE và ROA cao, và tăng vốn thành công lên 16.311 tỷ đồng. Với khoản vốn này, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng từ 10,1% năm 2014 lên 12,8% năm 2015, mà theo ngân hàng thỏa mãn yêu cầu của Basel 2. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết vẫn khó có thể đạt được lợi nhuận cao do dự phòng bắt buộc liên quan đến nợ bán cho VAMC. Mục tiêu 2016 cao hơn so với năm 2015 cho thấy ban lãnh đạo tự tin tình hình năm nay sẽ tích cực hơn và chất lượng tài sản cải thiện. Ngân hàng đề ra mục tiêu tiền gửi tăng 10% và tổng tài sản tăng 12%, so với mục tiêu ĐHCĐ năm ngoái đề ra lần lượt là 5% và 10%.

Tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt lần lượt 20% và 12%, đều cao hơn so với mục tiêu 2015 là 15% và 2,4%. Trong số các ngân hàng Chuyên viên theo dõi đã công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng, MBB đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất. Với tỷ lệ cho vay/tiền gửi đạt 67% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 12,8%, MBB có điều kiện để tăng trưởng tín dụng cao hơn so với phần lớn các ngân hàng khác.

Tại ĐHCĐ, Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết NHNN ghi nhận khả năng của MBB trong việc tích cực đẩy mạnh tín dụng. Thông thường, NHNN thường đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa phải cho các ngân hàng vào đầu năm, và từ đó đến cuối năm tăng hạn mức dành cho từng ngân hàng khi nhu cầu tăng. Tuy nhiên, vào đầu năm 2016, MBB là một trong những ngân hàng được NHNN ấn định hạn mức tăng trưởng tín dụng cao vì ngân hàng có đầy đủ tiền gửi và điều kiện thuận lợi để đạt tăng trưởng cao.

Trả lời chất vấn về dự phòng 2016, ban lãnh đạo cho biết chi phí dự phòng năm nay sẽ xấp xỉ năm 2015. KQLN Quý 1/2016 có sự cải thiện so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn so với các ngân hàng khác. Tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%, cao hơn so với mức âm trong Quý 1/2015. Lợi nhuận trước thuế đạt 862 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau Quý 1/2016, MBB hoàn tất 24% dự báo lợi nhuận trước thuế. Tuy KQLN Quý 1 phù hợp với mục tiêu nhưng tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của MBB vẫn thấp hơn so với của các ngân hàng khác (VCB và CTG đạt tăng trưởng tín dụng lần lượt 6,3% và 3%, và cả hai đều hoàn tất 30% mục tiêu lợi nhuận trước thuế). Nhận định của ban lãnh đạo về KQLN Quý 1 cho thấy cạnh tranh đang gia tăng và cùng với các nhận định về mục tiêu dự phòng, cho thấy vẫn chưa chắc chắn MBB sẽ đạt dự báo lợi nhuận trước thuế.

Trả cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu làm cổ đông hài lòng cũng như giúp ngân hàng tăng thêm vốn. Cổ đông thông qua việc trả cổ tức tỷ lệ 10% cho năm 2015, trong đó bao gồm 5% tiền mặt đã được tạm ứng trong năm 2015. 5% còn lại sẽ được thanh toán bằng cổ phiếu. Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thì vốn điều lệ sẽ tăng từ 16.311 tỷ đồng lên 17.127 tỷ đồng. Tuy cổ tức bằng tiền mặt bị giảm nhưng cổ đông hiễu rõ nhu cầu tăng vốn và tỏ ra ủng hộ chính sách cổ tức mới. Ngân hàng dự kiến sẽ trả cổ tức tại mức 10% cho năm 2016 nhưng không cho biết sẽ bằng tiền mặt hay cổ phiếu. Ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới nhanh chóng trong năm 2016. Có hệ thống mạng lưới nhỏ nhất trong số 6 ngân hàng Chuyên viên theo dõi, MBB đã tích cực mở rộng mạng lưới trong năm 2015 nhằm hỗ trợ tăng trưởng cho vay bán lẻ. Cuối năm 2015, MBB có 253 chi nhánh và văn phòng giao dịch, trong đó 29 chi nhánh và văn phòng giao dịch mới được mở trong năm 2015. Mạng lưới của ngân hàng được mở rộng 13% về tương đối và con số này cao nhất, với BID đứng thứ hai với 6%. Ban lãnh đạo nhấn mạnh sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2016: với 948 tỷ đồng vốn đầu tư XDCB, trong đó ngân hàng sẽ đầu tư 831 tỷ đồng, hay 88% vào mở rộng mạng lưới và cơ sở hạ tầng, và 117 tỷ đồng, hay 12%, vào CNTT và trang thiết bị khác.

—————————————-

HSG, NKG: Cập nhật KQKD HSG, NKG – Tăng trưởng đặc sắc Giá thép cán nóng (HRC) tạo đáy vào cuối năm 2015 và phục hồi trong những tháng đầu năm đã mang lại lợi ích ngắn hạn về giá vốn cho các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam. H

ưởng lợi khi có nguồn hàng tồn kho giá rẻ, trong khi giá bán tăng trở lại theo xu hướng giá quặng quốc tế, hai doanh nghiệp tôn mạ niêm yết- Tôn Hoa Sen (HSX-HSG) và Tôn Nam Kim (HSX- NKG) đã có một quý sản xuất-kinh doanh đặc sắc. Theo quan sát của Chuyên viên, giá nguyên vật liệu tạo đáy ngay giữa mùa xây dựng (mùa khô từ tháng 10 tới tháng 5 năm sau), giúp hai doanh nghiệp này có nguồn nguyên vật liệu giá thấp. Vì vậy, biên gộp của HSG và NKG ước tính tăng khoảng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Kết thúc Q2- NĐTC 2015-2016, HSG ghi nhận DT 4.116 tỷ đồng, -6% yoy, đặc biệt, LNST đột biến 418 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 260% cùng kỳ. Như vậy kết thúc bán niên của NĐTC này, Hoa Sen đáp ứng tiến độ hoàn thành chỉ tiêu sản lượng và doanh thu, trong khi gần như hoàn thành chỉ tiêu LNST của năm (mục tiêu LNST cả năm là 660 tỷ đồng). Trong nửa niên độ của NĐTC, mặc dù giá bán trung bình giảm mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên HSG đã đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ để bù đắp cho phần sụt giảm doanh thu.

Doanh nghiệp có thị phần thứ hai trong ngành tôn mạ là Tôn Nam Kim cũng đạt LNST Q1/2016 gấp hơn 3 lần cùng kỳ, tương đương 33% kế hoạch năm. Sản lượng tăng vượt trội nhờ nhà máy mới đi vào hoạt động không những đủ bù đắp phần giảm doanh thu do giá bán giảm mà còn mang lại tăng trưởng 53% doanh thu cùng kỳ. Tương tự như HSG, NKG đang theo sát kế hoạch năm về sản lượng và doanh thu, nhưng tốc độ hoàn thành KH LNST nhanh hơn dự kiến. Với xu hướng tích trữ nguyên vật liệu khoảng 2 tháng và giá HRC ở quanh mức 300 USD cho tới đầu tháng 3, HSG và NKG có thể đã nhập được nguyên liệu sản xuất giá tốt cho quý tiếp theo. Cộng thêm việc giá tôn mạ nội địa đang tăng dần do nhu cầu xây dựng trong nước cũng như xu hướng giá quốc tế, HSG và NKG đang tận dụng tốt điều kiện thị trường để phát huy thế mạnh của mình.

Sản lượng tăng, giá bán tăng, giá nguyên liệu thấp, cộng thêm khả năng thành công của vụ kiện áp thuế tự vệ lên tôn mạ (mở điều tra từ đầu tháng 3), Chuyên viên dự báo tháng 4, 5, 6/2016 tiếp tục là giai đoạn lợi nhuận đột biến cho HSG và NKG.

—————————————-

PVS: Ghi nhận từ ĐHCĐ – Triển vọng 2016 không thấp như dự kiến

Chuyên viên tham dự ĐHCĐ của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), giữ nguyên giá tiêu 17.400 đồng khi công ty tỏ ra tự tin về KQKD năm 2016, cũng như KQKD quý 1 khá tích cực. Tuy nhiên, Chuyên viên điều chỉnh giảm khuyến nghị của PVS từ MUA thành PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG khi cổ phiếu đã tăng 12% kể từ báo cáo gần nhất của Chuyên viên.

Cổ đông tỏ ra hài lòng với cổ tức và lợi nhuận năm 2015. Dù giá dầu thô trung bình đã giảm 46% trong năm 2015, doanh thu và LNST của PVS chỉ giảm lần lượt 26% và 23%. Do đó, ban lãnh đạo quyết định chi trả cổ tức tiền mặt 1.200 đồng/CP (lợi suất cổ tức 6,9%), phù hợp với kế hoạch ban đầu. Tổng Giám đốc công ty tự tin về triển vọng 2016. PVS có kế hoạch doanh thu 222 nghìn tỷ đồng (900 triệu USD, -7,3% YoY) và LNST 960 tỷ đồng (43 triệu USD, -36% YoY) cho năm 2016 theo giả định giá dầu thô trung bình 60 USD/thùng. Tuy nhiên, TGĐ PVS cho rằng lợi nhuận vẫn có thể duy trì ở mức dầu thô 30-40 USD/thùng. TGĐ công ty cho biết sự tự tin này đến từ việc đẩy mạnh cắt giảm chi phí để giữ vị thế cạnh tranh trong môi trường khắc nghiệt. Do đó, PVS đặt có kế hoạch trả cổ tức 1.000 đồng (lợi suất 5,8%) trong năm 2016. KQKD đáng khích lệ trong quý 1. PVS ước tính LNTT hợp nhất quý 1 đạt 315 tỷ dồng (14 triệu USD), tương ứng với LNST 252 tỷ đồng (11 triệu USD). Con số này hoàn thành 26% kế hoạch cả năm của PVS và 28% theo dự báo lợi nhuận của Chuyên viên cho năm 2016. Con số này tương ứng với mức giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, nhưng công ty vẫn đi đúng hướng trên đà đạt dự báo cả năm của Chuyên viên.

Lo ngại của NĐT về FPSO Lam Sơn được giải tỏa. Ban lãnh đạo cho biết FPSO Lam Sơn (yếu tố đóng góp lợi nhuận chính của PVS) sẽ tiếp tục hoạt động khi chỉ có mức rủi ro hạn chế về việc dừng sản xuất dầu thô tại Lam Sơn JOC. Tuy nhiên, PVS cho biết có thể sẽ phải điều chỉnh giá thuê ngày ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, họ có thể kéo dài kế hoạch thanh toán, vốn sẽ làm tác động đến dòng tiền. Triển vọng mảng khảo sát địa chấn đang dần tích cực hơn. Trước đây, hai tàu khảo sát địa chấn dự kiến sẽ không có công việc trong năm nay. Tuy nhiên, hiện tàu Bình Minh 2D đang làm việc với Rosneft và tàu còn lại (Amadeus 3D) đang làm việc với Phillipines. PVS ước tính hiệu suất hoạt động của hai tàu nay sẽ đạt lần lượt 30% và 60%. Chuyên viên đánh giá cao nỗ lực của ban lãnh đạo khi giành được các hợp đồng này từ nước ngoài trong bối cảnh thị trường khó khăn. Công ty dự kiến phân khúc này sẽ đạt hòa vốn trong năm nay sau khi ghi nhận lỗ trong năm 2015.

Lô B sẽ cần nhiều thời gian hơn dự kiến để đóng góp vào kểt quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tiến độ hiện tại của Lô B, PVS dự kiến có thể sẽ có hợp đồng trong năm 2017, tương ứng với đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận từ năm 2018 trở đi, không phải từ 2017 như dự kiến. Tuy nhiên, Chuyên viên không ghi nhận đóng góp từ Lô B vào dự báo của Chuyên viên, do đó điều này không có tác động đến giá mục tiêu. Đa dạng hóa kinh doanh của PVS vào việc cung cấp dịch vụ cơ khí dầu khí cho các dự án trên đất liền cũng như tìm kiếm các hợp đồng ở nước ngoài sẽ giúp bù đắp cho tác động từ giá dầu thô thấp. PVS hiện đang sẵn sàng cạnh tranh với các nhà thầu khác với các dự án trên đất liền. Ngoài ra, công ty cũng tìm kiếm các hợp đồng Cơ khí dầu khí (M&C) từ Trung Đông và Châu Âu. Trong vòng 5 năm tới, đơn hàng M&C sẽ được thúc đẩy từ các hợp đồng xây dựng cho việc mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, Long Sơn cũng như nhà máy điện Sông Hậu (không được tính trong danh sác các hợp đồng đang thực hiện trị giá 1.037 triệu USD).

—————————————-

FPT: Trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng cho năm 2015. Lặp lại KN MUA CTCP FPT (FPT) cho biết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt đợt hai là 1.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015 tổng cộng là 2.000VND/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 4,1%). Công ty cũng sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20:3 (3 cổ phiếu mới cho mỗi 20 cổ phiếu hiện tại). Ngày chốt danh sách cổ đông cho cả hai đợt trên là 30/05/2015 và ngày trả cổ tức bằng tiền mặt là 10/06/2016. Chuyên viên lưu ý rằng FPT cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt 2.000VND/cổ phiếu sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng nói trên cho năm 2016, tương ứng với lợi suất cổ tức là 4,8%. Chuyên viên giữ nguyên khuyến nghị MUA dành cho FPT với giá mục tiêu 65.000 đồng (tổng mức sinh lời 39%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,8%). Theo mức giá hiện tại, FPT đang giao dịch với PER 2016 hấp dẫn là 8,7 lần trên cơ sở dự báo của Chuyên viên.

—————————————-

HBC: CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HSX: HBC, Vốn hóa: 1,511 tỷ đồng) Đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh 2016.

Đại hội cổ đông HBC đồng ý thông qua kế hoạch kinh doanh 2016, cụ thể doanh thu năm 2016 đạt 7,200 tỷ đồng (+44%), LNST tăng gấp 3 lần, đạt 252 tỷ đồng. Trong đó, mảng xây dựng sẽ đóng góp khoảng 6,100 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ lợi nhuận, phần còn lại sẽ được đóng góp từ các công ty con trong lĩnh vực bất động sản và khu công nghiệp. Tính đến cuối Q1/2016, doanh thu và LNST lần lượt đạt 1,600 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Với 15,200 tỷ đồng giá trị hợp đồng chuyển tiếp từ cuối năm 2015, cộng với 3,700 tỷ đồng hợp đồng mới được ký kết từ đầu năm 2016, Chuyên viên tin rằng HBC sẽ hoàn thành được kế hoạch doanh thu trong năm 2016.

Tuy nhiên, việc ghi nhận lỗ những hợp đồng như Vietin bank tower hay Sai Gon South Office sẽ ảnh hưởng không tốt đến lợi nhuận của HBC trong năm 2016. Chuyên viên vẫn kỳ vọng công ty tăng trưởng tốc độ 11% trong giai đoạn 2016-2018. Trong giai đoạn 2017-2018, lợi nhuận từ bất động sản sẽ tăng mạnh nhờ sự đóng góp của các công ty con vốn hoạt động không hiệu quả trong những năm trước. Ngoài ra, đại hội cổ đông còn thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và thưởng cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% cho năm 2015. Đối với năm 2016, HBC có kế hoạch trả cổ tức 15% tiền mặt đồng thời lên kế hoạch phát hành 20tr cổ phiếu với giá trị không thấp hơn 1.2 lần giá trị sổ sách. Với giá trị sổ sách tính đến cuối năm 2015, số tiền thu được từ đợt phát hành là 340 tỷ đồng. Chuyên viên vẫn khuyến nghị “Trung lập” với cổ phiếu HBC nhưng giá mục tiêu được điều chỉnh tăng lên 22,900 đồng/cp.

—————————————-

LIX: Công ty Cổ phần bột giặt LIX (HOSE: LIX, Vốn hóa: 1,728 tỷ đồng) trả cổ tức bằng cổ phiếu 5,000 VND và phát hành thêm cổ phiếu

Đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, thực hiện trong tháng 5/2016. 10.8 triệu cổ phiếu sẽ điều chỉnh kỹ thuật giá cổ phiếu của LIX từ mức hiện tại 80.5k/ cổ phiếu xuống còn 57k/cổ phiếu và tăng tính thanh khoản của cổ phiếu LIX, từ đó thu hút thêm nhà đầu tư. Đại hội cũng thông qua việc tăng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên 50% đối với phần lợi nhuận năm 2015 từ mức 25% đã được phê duyệt trước đó, bao gồm 15% vào ngày 04/12/2015.

Năm 2016, LIX đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế là 1,850 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, tương ứng tăng 5% và giảm 11% (đã loại bỏ phần lợi nhuận bất thường 53 tỷ đồng năm 2015). Theo Chuyên viên, với điều kiện kinh doanh hiện tại, LIX sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra. Theo báo cáo tài chính Q1/2016, doanh thu tăng 13.6%, tổng chi phí tăng 12%, trong đó chủ yếu là chi phí bán hàng khi công ty tăng cường hoạt động khuyến mãi nên lợi nhuận tăng 12% so với cùng kỳ, tương đương với mức EPS đạt 1,722 VND/cổ phiếu. Với mức giá hiện tại là 80.5k/cổ phiếu, P/E dự phóng năm 2016 là 12.2 ở mức tương đối cao.

—————————————-

VSC: Lợi nhuận quý 1 giảm 25% Quý 1/2016 doanh thu của VSC giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 225 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VSC giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43 tỷ đồng.

—————————————-

VND: Lãi ròng quý 1 giảm 29% Mặc dù doanh thu hoạt động tăng mạnh nhưng do các chi phí hoạt động tăng lên với tỷ lệ cao hơn đã khiến lãi ròng của VND sụt giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 28 tỷ đồng.

—————————————-

VCS: Lợi nhuận quý I/2016 gấp đôi cùng kỳ Theo đó, doanh thu thuần đạt hơn 713,9 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 143 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp ngày 27/4, đồng thời để ngỏ khả năng thực hiện điều này trong tháng 6. Cụ thể, bất chấp các tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, qua đó FED tỏ ra không nôn nóng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và giữ nguyên mức lãi suất là 0,25%-0,5%. Các biến động của thị trường tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như diễn biến lạm phát sẽ tiếp tục là các yếu tố quan trọng FED theo dõi để đưa ra các quyết định. Theo CME’s FedWatch group, nhà đầu tư đánh giá khả năng FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 với tỷ lệ là 23%, tăng nhẹ từ mức 21% trong cuộc khảo sát trước đó. TTCK Mỹ biến động nhẹ sau thông tin trên do các tuyên bố của FED phù hợp với kỳ vọng của giới đầu tư. Ở một diễn biến khác, BOJ đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, không nâng quy mô gói nới lỏng hay tiếp tục cắt giảm lãi suất. Đây được coi là động thái nhằm “để dành” dư địa nới lỏng của BOJ trong kịch bản nền kinh tế có chiều hướng xấu hơn. Quyết định trên phần nào gây sốc cho các nhà đầu tư, khiến chỉ số Nikkei,Topix của Nhật đảo chiều giảm điểm mạnh phiên ngày hôm nay.

—————————————-

Samsung công bố KQKD cao trong khi Việt Nam đạt thặng dư thương mại cho ĐTDĐ. Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc cho biết lợi nhuận ròng tăng mạnh 14% trong ba tháng đầu năm 2016 và dự kiến tình hình sẽ tiếp tục khả quan trong quý 2. Có được kết quả này là nhờ dòng điện thoại Galaxy S7 cũng như khả năng sinh lời của các sản phẩm từ thấp đến trung cấp được cải thiện. Điện thoại di động là lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Samsung, trong đó biên lợi nhuận từ hoạt động của mảng này tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một số nguồn tin, hiện 50% điện thoại di động của Samsung hiện được sản xuất tại Việt Nam. Tuy Chuyên viên không biết chính xác Việt Nam chiếm bao nhiêu trong phần sản lượng tăng thêm, nhưng rất có thể kết quả này đã đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2016, ước tính Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại 8,26 tỷ USD về điện thoại di động và linh kiện.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (29/04/2016):

29/04/2016 10:00 PCE Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 1,400 đồng/CP

29/04/2016 10:00 SPD Giao dịch bổ sung – 2,000,000 CP

29/04/2016 10:00 QCC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 900 đồng/CP

29/04/2016 10:00 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016: OGC, OCH, SHN, S99, NNC, QBS, LHC, EIB, SCR, CTS, PVD, ITA, TAG, BMI

 

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý