DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 27/04/2016 gồm cập nhật CSM, DRC, SVC, SKG, VIP, NLG, FMC, SSI, VGG, CII, FLC

Lượt xem: 13,810 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

Sau một phiên giảm điểm nhẹ thì VN-Index tiếp tục tăng mạnh với mức tăng 6,9 điểm (tương đương 1,17%), đóng cửa tại 589,48 với 133,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh. KLGD tiếp tục duy trì ở mức tích cực khi có mức tăng hơn 2%, đạt hơn 1.1 lần so với mức bình quân 20 phiên.

Đồ thị VN-Index ngày 26/04/2016

Đồ thị VN-Index ngày 26/04/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index bật tăng khá mạnh khi chạm về ngưỡng 590 điểm, hoàn tất quá trình điều chỉnh trở lại vào bên trong Bollinger Bands. Cây nến xanh tích cực với thân khá dài cũng đã xuất hiện, đảo ngược hoàn toàn diễn biến tiêu cực của cây nến đỏ xuất hiện trong phiên giao dịch hôm qua. Dòng tiền tập trung mạnh vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn trong VN30 như BVH, VCB, VIC, KDC, HSG, GMD, KDC…Mặc dù chỉ số tăng mạnh nhưng số lượng các cổ phiếu tăng điểm không áp đảo sô các cổ phiếu giảm điểm (116 tăng, 102 giảm). Diễn biến trên phần nào cho thấy thị trường bị chi phối bởi một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu cũng đang dần trở nên rõ nét hơn. Có thể thấy VN-Index vẫn đang cố gắng chinh phục mốc 600 điểm. Với sự hậu thuẫn của các cổ phiếu vốn hóa lớn thì mục tiêu này có vẻ sẽ không quá khó khăn. Thân nến ngày hôm nay bao trọn thân nến phiên giảm điểm hôm trước, là dấu hiệu tích cực cho thấy dòng tiền bên mua vẫn đang nắm thế chủ động.

Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, các nhóm chỉ báo kỹ thuật vẫn đang có diễn biến tương đối tích cực cho thấy khả năng tăng điểm của chỉ số có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Cụ thể, đường ADX đã vượt lên ngưỡng 25 trong sự phân kỳ mở rộng của 2 đường DI hàm ý cường độ tăng điểm của chỉ số sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đường STO đang tạo khoảng cách trên 20 điểm so với đường tín hiệu, còn các chỉ báo khác MACD, Momentum và MFI vẫn đang đi lên.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 27/04/2016, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng để thử thách mức 600 điểm, đặc biệt là vùng kháng cự gần nhất là 610 điểm của chỉ số VN-Index là vùng tập trung nhiều lực bán mạnh trong ngắn hạn. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng nhịp tăng này chỉ mang tính cục bộ. Thực tế thì độ rộng thị trường đã thu hẹp dần từ phiên thứ 6 tuần rồi, song song đó là các thông tin về KQKD Q1/2016 cũng cạn dần. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang trong xu thế tăng nhưng Nhật Cường cho rằng sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn và cơ hội kiếm lời trong đợt tăng này không thực sự nhiều. Trong phiên giao dịch ngày mai, khi lượng hàng lớn mua vào phiên thứ 6 tuần qua về tài khoản, thị trường nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời, rung lắc trong phiên. Do đó, đối với những nhà đầu tư hiện đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc tận dụng những nhịp tăng để hạ dần tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 580 điểm. Nhật Cường cho rằng với sự hậu thuẫn của các cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số hoàn toàn có thể vượt qua mốc 600 nhưng độ bền cũng như nền tảng tích lũy được đánh giá là yếu và lỏng lẻo, tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh mạnh khi vào khu vực kháng cự quan trọng. Đồng thời, bối cảnh thị trường đang diễn ra sự tập trung mạnh của dòng tiền khi tận dụng tối đa yếu tố “mùa vụ” KQKD và ĐHCĐ. Cho tới thời điểm hiện tại, yếu tố này bắt đầu bị hạn chế khi các doanh nghiệp đã gần như hoàn thành nghĩa vụ công bố trong khi xu thế thị trường đang tiền vào khu vực có kháng cự mạnh và tiềm ẩn những biến động khó lường. Do đó tỷ lệ nằm giữ cổ phiếu cần được linh hoạt và nên đặt ở trạng thái sẵn sàng để có vị thế tốt trong các giao dịch ngắn hạn. Trong các phiên tăng nóng của chỉ số với thanh khoản kém thuyết phục, nhà đầu tư được khuyến nghị nên tận dụng để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu nhằm tạo thế chủ động trước diễn biến sắp tới của thị trường.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 26/04/2016:

Sự tích cực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục dẫn dắt VN-Index tiệm cận ngưỡng 600 điểm. Thanh khoản tăng mạnh đến từ hai giao dịch thỏa thuận của VIC và VSH với tổng giá trị lên đến 957 tỉ đồng. Thị trường phân hóa khá cao giữa các cổ phiếu trong mỗi nhóm ngành, độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá. Khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia với giá trị giao dịch lớn tuy nhiên đóng góp chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận VIC (bán ròng 328 tỉ đồng) và VSH (bán ròng 537 tỉ đồng). Tổng giá trị bán ròng trên cả hai sàn đạt hơn 776 tỉ đồng. VNM ETF premium 0,53%, FTSE ETF premium 0,44%.

• Các mã ngân hàng nói chung hôm nay không tham gia đà tăng. VCB tăng mạnh trong khi CTG; STB và BID giảm. ACB; MBB và EIB đóng cửa tại tham chiếu.

• BVH đóng cửa tăng trần trong khi PVI giảm mạnh. Ngoại trừ SSI tiếp tục tăng, thì các mã chứng khoán khác giảm trong đó MBS giảm mạnh nhất; sau đó là VND rồi đến HCM.

• Các mã lớn hôm nay diễn biến trái chiều với VNM tăng tốt; FPT tiếp tục tăng trong khi BMP giảm. MSN hôm nay tăng. KDC tăng mạnh.

• Mặc dù có lo ngại về một cuộc đua tăng sản lượng giữa Saudi Arabia và Iran trong khi sản lượng của Kuwait cũng hồi phục trở lại sau cuộc đình công diễn ra gần đây, thì các mã dầu khí biến động trái chiều với GAS tăng mạnh trong khi PVD và PVS chững lại.

• Hôm nay là một phiên khởi sắc của các mã BĐS với VIC tăng mạnh cùng với DXG. BCI giảm. NLG tăng. Các mã ngành cơ sở hạ tầng và xây dựng cũng có phiên khởi sắc với CTD tăng mạnh, REE cũng tăng trong khi CII và HBC đóng cửa tại tham chiếu.

• Trong ngành sản xuất, HSG đã tăng hơn 4%. Mã ngành thép HPG đóng cửa tại tham chiếu cùng với các mã ngành sản xuất khác như PAC và DRC. TMT giảm sau 2 phiên tăng mạnh.

• Cả HAG và HNG tăng tốt trước thông tin 10 ngân hàng chủ nợ đã trình NHNN đề xuất tái cấu trúc nợ cho HAG. Trong một thông tin khác, Lào thông báo hỗ trợ các công ty Việt Nam tham gia vào lĩnh vực cao su và nông nghiệp; tuy nhiên thông tin chưa thực sự rõ ràng.

Trên HSX, khối ngoại bán ròng tới hơn 768 tỷ đồng. Tuy nhiên chủ yếu đến từ 2 giao dịch bán thỏa thuận của VSH và VIC với khối lượng lần lượt đạt trên 22,6 triệu và 10 triệu đơn vị. PHR, HPG và NBB bị bán ròng nhẹ. Chiều ngược lại, SSI dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 2,2 triệu đơn vị. PVT cũng bị bán ròng trên 836 nghin đơn vị. Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng trở lại, giá trị bán ròng đạt gần 8 tỷ đồng. VND dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 651 nghìn đơn vị. NDN và PGS cũng bị bán ròng nhẹ. Chiều ngược lại, khối ngoại chủ yếu mua ròng KLS với khối lượng trên 74 nghìn đơn vị.

Trong các phiên gần đây cần phải nhắc đến dòng tiền của khối ngoại khi lực mua vẫn tiếp tục duy trì mức cao ở hầu hết các cổ phiếu trụ cột. Là đầu tầu dẫn dắt dòng tiền và thị trường trong vài phiên gần đây và nó đang được cho rằng xuất phát từ dòng tiền P-Note. Theo thống kê Quý 1/2016, một trong 2 quỹ ETF là quỹ FTSE ETF bị rút vốn ròng là 663.000 chứng chỉ quỹ khoảng 281 tỷ đồng. Thông thường Quý 1 luôn là quý các quỹ này hút được khá nhiều tiền nhưng năm nay là một ngoại lệ do sự biến động từ thế giới.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

CSM: CTCP Casumina (HSX: CSM – Vốn hóa: 2.3 ngàn tỷ đồng) công bố KQKD 1Q2016 thất vọng

Trong quý đầu tiên của năm 2016, doanh thu giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 20% so với quý trước còn 684 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 20% kế hoạch 3.42 ngàn tỷ đồng của năm. Nhờ vào giá NVL đầu vào thấp, biên lợi nhuận gộp cải thiện, giúp LNST tăng 13% so với cùng kỳ còn 62 tỷ đồng. Mặc dù yếu tố mùa vụ (trong đó quý 1 thường có kết quả thấp nhất), kết quả kinh doanh sụt giảm gây thất vọng dù nhà máy lốp radial toàn thép đã đi vào hoạt động gần 2 năm.

Trong năm 2015, nhờ khoản doanh thu 401 tỷ đồng liên quan đến việc chuyển nhượng dự án bất động sản tại 504 Nguyễn Tất Thành và 09 Nguyễn Khoái, doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ lên 3,636 tỷ đồng. Nếu loại bỏ doanh thu bất thường đó, mặc dù sản lượng bán hàng tăng, giá sản phẩm Casumina giảm trung bình 8-9% khiến doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của công ty chỉ nhích 2% lên 3,235 tỷ đồng trong năm ngoái. Ngoài ra, trong khi tốc độ bán hàng của sản phẩm mới lốp radial toàn thép không như kỳ vọng, chi phí khấu hao cao (133 tỷ đồng) của nhà máy mới khiến LNST giảm 13% so với cùng kỳ còn 290 tỷ đồng. Năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp Casumina công bố lợi nhuận sụt giảm mặc dù điều kiện thuận lợi từ kinh tế trong nước và tốc độ phát triển của hệ thống hạ tầng đường bộ.

Ngày hôm qua, ĐHĐCĐ 2016 của Casumina đã thông qua kế hoạch doanh thu 3.42 ngàn tỷ đồng và LNTT 330 tỷ đồng cho năm 2016. LNST có thể vào khoảng 264 tỷ đồng, tương ứng EPS là 3,567 đồng/cp. Tại mức giá thị trường 31.6k đồng/cp, cổ phiếu Casumina đang giao dịch tại mức PE 2016 dự phóng là 8.8x. ĐHĐCĐ 2016 cũng thông qua các thành viên mới của HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2016-2021 và tất cả các tờ trình khác bao gồm 10% cổ tức cho KQKD 2016, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:4, v.v

————————————

DRC: Ghi nhận từ ĐHCĐ – Tăng trưởng doanh số lốp radial ấn tượng không đủ để vực dậy lợi nhuận. ĐHCĐ của DRC hôm nay đã thông qua chính sách cổ tức lớn. Công ty đã xác nhận mức cổ tức tiền mặt 3.000 đồng năm 2015, tương ứng với lợi suất cổ tức 6,6% theo giá đóng cửa hôm nay. DRC cũng xác nhận chi cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10:3 (10 cổ phiếu hiện hành nhận 3 cổ phiếu mới). Tuy nhiên, theo quan điểm của Chuyên viên, mức cổ tức sẽ là luận điểm đầu tư duy nhất trong năm trong năm 2016. Lợi nhuận đã được cải thiện phần nào. DRC duy trì kế hoạch doanh thu 2016 đạt 75 nghìn tỷ đồng (168 triệu USD, +14% so với 2015) trong khi điều chỉnh tăng kế hoạch LNTT từ 502 tỷ đồng lên 535 tỷ đồng (24 triệu USD, +0,6% so với 2015), tương ứng với 97% dự báo của Chuyên viên. Sự thay đổi này đến từ mức tăng trưởng ấn tượng của doanh số lốp radial trong quý 1/2016.

Thực tế, DRC có kế hoạch tăng trưởng số lượng hàng bán 51% lốp radial trong năm 2016, tương ứng với hiệu suất hoạt động 88%. Giai đoạn 2 của nhà máy lốp radial sẽ tiếp tục làm giảm biên LN của mảng lốp radial. Thực tế, khi chi phí khấu hao và hiệu suất hoạt động thấp là các nguyên nhân khiến biên LN gộp mảng radial kém tích cực trong quý 1/2016, việc đưa nhà mới mới vào hoạt động sẽ không giúp cải thiện kết quả này. Tuy nhiên, động thái này là cần thiết khi DRC dự kiến mức tăng trưởng mạnh trong doanh số lốp radial, khi quá trình chuyển đổi từ lớp bias sang radial bắt đầu có kết quả.

Cụ thể, giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 705 tỷ đồng (32 triệu USD), được tài trợ từ 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. DRC cũng cho biết công ty đã giải ngân 386 tỷ đồng (18 triệu USD) trong dự án này vào cuối năm 2015, sẽ còn 319 tỷ đồng (14 triệu USD) cần giải ngân trong năm 2016. Tăng trưởng từ lốp bias dự kiến sẽ chững lại. Cũng cần chú ý rằng DRC có kế hoạch tăng trưởng 4% doanh số bán hàng lốp bias, dù thấp hơn con số 7% năm 2015, con số này vẫn tương ứng với 105% dự báo của Chuyên viên. Chuyên viên duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho DRC với giá mục tiêu 47.200 đồng (tổng mức sinh lời 9,7%). DRC đang giao dịch với PER 2016 10,6 lần dựa theo kế hoạch ban lãnh đạo.

————————————

SVC: Mở rộng sang phân phối xe thương mại. Triển vọng 2016 khả quan. Thị giá hấp dẫn

Kết quả kinh doanh 2015

Đánh dấu một năm tăng trưởng ấn tưởng của toàn ngành ôtô và riêng Savico: Theo thống kê VAMA, tiêu thu ôtô toàn thị trường tăng trưởng 55% trong năm 2015, trong đó ôtô du lịch tăng 44% trong khi ôtô thương mại 74% so với cùng kỳ. Đối với Savico, công ty ghi nhận mức tiêu thụ kỷ lục 18.990 xe, tăng trưởng 42,5%.

Thị phần VAMA của Savico có xu hướng giảm vì một số lý do khách quan: (i) xe thương mại tăng trưởng mạnh 74% trong khi Savico chỉ mới phân phối xe du lịch; (ii) 2015 là một năm tăng trưởng bùng nổ của thương hiệu KiA – vốn chỉ được lắp ráp và phân phối bởi Trường Hải Auto, và các dòng xe nhập khẩu cao cấp khác. Nếu chỉ tính trên tiêu thụ ôtô du lịch, Savico vẫn đang nắm giữ mức thị phần 12,3% – chỉ giảm nhẹ 0,4% so với năm 2014.

Dịch vụ vẫn là một trong những mảng đóng góp chính về lợi nhuận: tổng doanh thu mảng này đạt 575 tỷ đồng (-7,6% yoy) – thấp hơn khoảng 15% so với dự báo trước đây. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ sửa chữa, bảo trì và cung cấp phụ tùng ôtô – xe máy đạt 397 tỷ đồng (-17,3% yoy) mà nguyên nhân chủ yếu Chuyên viên cho rằng do cạnh tranh khi trong năm 2015 Toyota mở thêm 2 đại lý mới ở Bình Dương và Bình Thuận, trong khi Ford cũng mở thêm 1 đại lý ở Bình Dương (một liên doanh của SVC). Doanh thu từ dịch vụ bất động sản đầu tư đạt 178 tỷ đồng (+24,5% yoy). Tính chung, mảng dịch vụ đóng góp hơn 30% vào lợp nhuận gộp toàn công ty.

Ghi nhận các khoản thu bất thường từ chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư: đáng kể nhất trong năm là việc bán lại dự án QL13 thu về 160,7 tỷ đồng (lỗ 67,7 tỷ đồng) và ghi nhận 110 tỷ đồng doanh thu tài chính từ chuyển nhượng cổ phần trong liên doanh Savico – Vinaland (dự án 115-117 Hồ Tùng Mậu). Như vậy trong cả năm 2015, Savico ghi nhận tổng doanh thu thuần 9.890 tỷ đồng (+24,7% yoy) và lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ 104 tỷ đồng (+99,2% yoy). EPS 4.155 đồng/cp và P/E trailing 8,2 lần.

Triển vọng 2016: Yếu tố tăng trưởng mới từ mảng phân phối xe thương mại

VAMA dự báo doanh số ôtô toàn thị trường đạt 260.000 chiếc, tăng trưởng 10% trong năm 2016: Chuyên viên cho rằng con số mà hiệp hội đưa ra là khá thận trọng khi trên thực thế sau 3 tháng đầu năm, tiêu thụ toàn thị trường đã đạt gần 60.000 chiếc, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ mặc dù là mùa thấp điểm. Trong đó, ôtô du lịch tăng trưởng nhẹ 6% trong khi ôtô thương mại vẫn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng 55%.

Chuyên viên dự báo sản lượng ôtô của Savico đạt 22.788 chiếc, tăng trưởng 20% và mảng dịch vụ tăng trưởng 10% trong năm 2016. Tổng doanh thu ước đạt 11.368 tỷ đồng (+15% yoy) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 113 tỷ đồng (+8,7% yoy). Nếu loại trừ các khoản thu nhập bất thường trong năm 2015 thì lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi của Savico dự báo tăng trưởng đến 38%. EPS dự phóng 4.526 đồng/cp và P/E forward 7,5 lần.

Cập nhật kết quả kinh doanh Q1 2016: Doanh thu đạt 2.733 tỷ đồng (+47% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng (+75% yoy). Trong đó doanh số ôtô – xe máy tăng 49% và dịch vụ tăng 10%.

Khuyến nghị đầu tư

Sau khi điều chỉnh mô hình định giá để phản án kết quả kinh doanh 2015 và cũng như triển vọng 2016, Chuyên viên đưa ra mức giá mục tiêu 43.000 đồng/cp và khuyến nghị MUA đối với SVC.

Thị trường ôtô Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường còn non trẻ và còn tiềm năng để tăng trưởng trong tương lai, xét trên những yếu tố như số lượng xe trên đầu người thấp, thu nhập bình quân và số hộ gia đình có khả năng mua ôtô ngày càng tăng. Do đó, với việc đang sở hữu một hệ thống phân phối ôtô rộng khắp cả nước, Savico đang có nhiều cơ hội và thế mạnh để tiếp tục phát triển và duy trì vị thế là một trong những nhà phân phối và cung cấp dịch vụ sửa chữa – bảo trì ôtô hàng đầu thị trường nội địa. Bên cạnh yếu tố tăng trưởng từ ngành ôtô, Savico còn đang sở hữu một danh mục các dự án văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê hoạt động rất ổn định, kèm theo nhiều tài sản đất đai có tiềm năng mang lại lợi nhuận đột biến trong thời gian tới.

————————————

SKG: Điểm sáng về tăng trưởng trên thị trường chứng khoán

Ngày 25/04/2016, CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (HSX- SKG) vừa tổ chức ĐHCĐ năm 2016. Dưới đây là một số ghi nhận chính:

KQKD năm 2015 khả quan nhờ hưởng lợi kép từ giá nhiên liệu thấp và nhu cầu khách du lịch đến Phú Quốc tăng cao. Doanh thu và LNST ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 36,3% và 69,5% so với cùng kỳ, tương ứng 304,97 tỷ đồng và 174,98 tỷ đồng.

Công suất khai thác ở các tuyến chính (Hà Tiên – Phú Quốc, Rạch Giá – Phú Quốc) duy trì ở mức cao ~75-85%.

Tuyến Rạch Giá – Nam Du tuy chỉ mới đưa vào khai thác vào tháng 06/2015 nhưng đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Trong tháng 06/2015 và tháng 10/2015, công ty đã điều chuyển hai tàu Superdong I và Superdong II sang hoạt động ở tuyến này. Công suất khai thác ở tuyến này trong năm 2015 ở mức 70%.

Trong năm 2016, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng hơn 20% đối với hoạt động kinh doanh. Trước diễn biến gần đây của hoạt động du lịch trong nước, đặc biệt là du lịch Phú Quốc, Chuyên viên cho rằng kế hoạch này sẽ đạt được nhờ các yếu tố sau:

-Nhu cầu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa đến Phú Quốc vẫn ở mức cao. Trong Q1/2016, Phú Quốc đón 430 nghìn lượt khách, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, riêng số lượt khách nội địa tăng 20%. Năm 2016 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng khi Phú Quốc là địa phương đăng cai tổ chức năm du lịch Quốc gia Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành du lịch địa phương ước tính hơn 2 triệu lượt khách sẽ đến Phú Quốc trong năm nay, tăng 23% so với năm 2015. Nhờ nền tảng này, chuyên viên kỳ vọng công suất khai thác tàu ở các tuyến của SKG sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong năm nay.

-Giá nhiên liệu tiếp tục ở mức thấp giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của SKG. Trong Q1/2016, giá dầu DO (nhiên liệu chính) ghi nhận mức giảm 36% so với Q1/2015, nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp quý đầu năm của SKG đạt xấp xỉ 70%. Hiện tại, Chuyên viên đánh giá cao xác suất giá dầu bình quân cả năm 2016 ở vùng 40-45USD/thùng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp năm 2016 của SKG ước tính dao động 68-70%.

Trong ĐHCĐ vừa qua, công ty cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức cho KQKD năm 2015 với mức cổ tức gồm 10% tiền mặt và 40% cổ phiếu. Thời điểm để tiến hành việc chia thưởng chưa được công bố, tuy vậy, Chuyên viên cho rằng khả năng cao việc chia thưởng này sẽ tiến hành vào Q2/2016. Ngoài ra, công ty chưa có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong năm nay.

Tựu chung lại, Chuyên viên cho rằng hoạt động kinh doanh của SKG sẽ tiếp tục khả quan nhờ các thuận lợi trong năm 2016. Các đánh giá chi tiết về hoạt động kinh doanh của SKG sẽ được Chuyên viên cập nhật trong vài ngày tới.

————————————

VIP: Cập nhật thông tin ĐHCĐ năm 2015 Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP) – Triển vọng khả quan.

Kết quả kinh doanh trong năm 2015

Doanh thu 2015 giảm đáng kể so với 2014 do năm 2014 có khoản thu từ việc bán tài sản. Cụ thể tình hình năm 2015 từng mảng như sau:

(1) Doanh thu chính của VIP vẫn đến từ hoạt động vận tải, tuy nhiên doanh thu từ hoạt động này giảm hơn 10% so với thực hiện năm 2014 và lợi nhuận giảm gần 15%. Sự sụt giảm doanh thu tương quan với việc giảm sản lượng vận chuyển do tàu Petrolimex 10 phải ngừng hoạt động để thực hiện sửa chữa.

(2) Hoạt động kinh doanh xăng dầu & dầu nhờn dù chiếm tỉ trọng khá lớn trên doanh thu nhưng lợi nhuận thấp vì cạnh tranh lớn trên địa bàn. VIP thực hiện cơ chế đại lý mua đứt bán đoạn nên với số lượng hàng tồn kho lớn thì VIP bị ảnh hưởng lớn từ những đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Mảng BĐS đóng góp không đáng kể vào doanh thu chủ yếu do thị trường trầm lắng.

Kế hoạch kinh doanh 2016

VIP đặt kế hoạch doanh thu đạt khoảng 710 tỷ (+20%yoy), lợi nhuận trước thuế đạt 90 tỷ (+31%yoy), cổ tức 8%. Kế hoạch đáng chú ý của năm 2016:

(1) VIP sẽ hoàn thành dự án mua lại tàu trọng tải khoảng 40,000 DWT với tổng vốn khoảng 23 triệu USD, tài trợ bằng 30% vốn chủ và 70% vay nợ, dự kiến đưa tầu vào hoạt động vào đầu tháng 6/2016 (Đang trong giai đoạn cuối đàm phán giá cuối). Với lợi thế từ công ty mẹ và việc ký hợp đồng hàng năm cố định nên nguồn cầu khi đưa tàu này vào hoạt động gần như chắc chắn được đảm bảo. Việc đưa thêm tàu vào hoạt động có thể giúp VIP tăng thêm 90 tỷ đồng từ mảng vận tải biển.

(2) Nguồn thu từ hoạt động tái cơ cấu: – VIP thoái toàn bộ 13,5 triệu cổ phần tại VIP Green Port với mức giá thỏa thuận khoảng 13.600, ước tính thu về khoảng 182 tỷ (có thể được ghi nhận vào kế quả kinh doanh quý 2/2016) – Thoái vốn tại 2 dự án bất động sản là Central Tower và Anh Dũng 7 để tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo thông tin ban lãnh đạo cung cấp thì việc thoái vốn này nếu thuận lợi có thể giúp doanh thu VIP đạt mức 1000 tỷ đồng.

(3) Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 639 tỷ lên 684 tỷ bằng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:7 từ quỹ đầu tư phát triển. Dự kiến thực hiện cuối quý 2/2016.

Nhận định:

Về ngắn hạn: Trong quý 2, VIP sẽ được ghi nhận khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn ở VIP Green Port; do vậy kết quả kinh doanh quý 2 sẽ khả quan.

Về dài hạn: Việc đưa ra kế hoạch tái cơ cấu hoạt động, thoái vốn ở các mảng kinh doanh không phải thế mạnh sẽ là bước đi đúng đắn của doanh nghiệp. Được bao tiêu bởi Petrolimex 60% sản lượng, VIP đang có thế mạnh rất lớn (tỷ suất lợi nhuận gộp ở mảng vận tải của VIP khoảng 25%, cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành – dao động ở 12,13%), đặc biệt là việc đầu tư tàu mới trong năm 2016.

————————————

NLG: Ghi nhận từ ĐHCĐ thường niên và cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2016

CTCP Đầu tư Nam Long (HSX: NLG) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên vào ngày 23/4/2016. Đối với năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.187 tỷ đồng, tăng 153% so với năm trước; kế hoạch đối với lợi nhuận ròng là 360 tỷ đồng, tăng 75%. EPS năm nay dự tính sẽ đạt 2.480 đồng/cổ phiếu. NLG cũng dự định sẽ bán khoảng 3.190 căn hộ trong năm 2016, tăng 62% với doanh số bán là 4.271 tỷ đồng, tăng 145%. NLG sẽ bàn giao một số dự án lớn trong năm nay như dự án Ehome 4, The Bridgeview, Flora Anh Đào, Cammellia Garden và Ehome 3. Công ty sẽ mở bán các dự án mới như dự án Camellia Garden (giai đoạn 2 và 3), FUJI residence, Nguyên Sơn, Phú Hữu và Hoàng Nam. NLG sẽ chi trả cổ tức năm 2016 bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt là 5% và 10%.

Kết quả kinh doanh quý 1/2016 của NLG: doanh thu thuần đạt 374,7 tỷ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt 41,6 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 21%.

Với tiến độ bán hàng và bàn giao của các dự án hiện tại cũng như các dự án trong tương lai, Chuyên viên tin rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của NLG có thể đạt mức tốt trong vòng ba năm tới. Theo đó, Chuyên viên duy trì khuyến nghị MUA và giá mục tiêu là 26.200 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu NLG, cao hơn 13,9% so với giá đóng cửa ngày 26/4/2016 là 23.000 đồng/cổ phiếu.

Hôm nay, giá cổ phiếu NLG tăng 0,9%, đóng cửa ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E và P/B năm 2015 lần lượt là 15,7 lần và 1,5 lần. Ở mức giá này, P/E năm 2016 ước tính là 9,3 lần.

————————————

FMC: Cập nhật thông tin ĐHCĐ

Tình hình hoạt động kinh doanh năm 2015 và kế hoạch 2016

Tổng doanh thu kiểm toán năm 2015 của CTCP Thực Phẩm Sao Ta (FMC) đạt 2.889 tỷ đồng, tương đương kết quả năm 2014 và chỉ hoàn thành 79,0% so với kế hoạch năm 2015 mà ban lãnh đạo đặt ra trước đó chủ yếu do giá tôm thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, giá mua nguyên liệu cũng biến động nhiều làm biên lợi nhuận gộp tăng từ 7,9% năm 2014 lên 9,5% năm 2015. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FMC năm 2015 đạt 105 tỷ đồng, tăng 33,2% so với kết quả năm 2014 và hoàn thành 104,7% kế hoạch năm 2015. Lợi nhuận sau thuế (LNST) của công ty đạt 97 tỷ đồng, tăng 55,1% so với năm 2014.

Trong năm 2016, FMC đặt chỉ tiêu về doanh thu đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 16,3% so với thực hiện năm 2015, trong khi kế hoạch về LNTT vẫn tiếp tục duy trì ở mức bằng kế hoạch năm ngoái là 100 tỷ đồng, giảm 4,5% so với thực hiện năm 2015. Phương án chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu sẽ do ban quản trị quyết định, duy trì ở mức tối thiểu 20%.

Tổng doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2016 của FMC đạt lần lượt là 545 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, tăng tương ứng 8,1% và 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1, giá bán tôm tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi thời tiết không thuận lợi dẫn đến nguồn tôm nguyên liệu đầu ra bị thiếu hụt. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 7,8%, đạt 15 tỷ đồng.

Bắt đầu từ năm 2016, niên độ tài chính (NĐTC) của FMC sẽ bắt đầu từ 1/10 đến 31/9 năm sau theo yêu cầu của công ty mẹ HVG để giảm chi phí kiểm toán và thuận lợi hơn trong quá trình hợp nhất do niên độ tài chính của CTCP HVG và các công ty con của HVG cũng bắt đầu từ 1/10 đến 31/9 năm sau. Thông tư 24/2015/TT-NHNN về việc ngừng cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng lớn đến FMC do các ngân hàng lớn là đối tác của FMC đã giới thiệu những sản phẩm linh hoạt thay thế như vay VND ở mức lãi suất USD. Điều này sẽ khiến chi phí lãi vay tăng lên nhưng sẽ thấp hơn chi phí lãi vay cho các khoản vay bằng VND.

Hôm nay, giá cổ phiếu FMC đóng cửa ở mức 20.800 đồng, hiện tại giao dịch ở mức P/E là 5,0 lần và P/B là 1,4 lần. tại mức P/E 2015 là 7,2 lần và P/E 2016 là 6,0 lần theo dự phóng của Chuyên viên. Chuyên viên duy trì khuyến nghị MUA với FMC với giá mục tiêu là 25.700 đồng/cổ phiếu.

————————————

SSI: Kế hoạch thấp do dự kiến khó khăn trong năm 2016 – ĐHCĐ. Chuyên viên hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho SSI vì dù lĩnh vực cho vay ký quỹ đạt kết quả tốt nhưng bù lại bằng chi phí hoạt động mạng mảng môi giới cá nhân rất cao. Lĩnh vực đầu tư cũng góp phần kéo chỉ tiêu trong việc định giá xuống. ĐHCĐ dự kiến rằng năm 2016 sẽ không phải một năm dễ dàng cho các công ty chứng khoán, thể hiện bằng kế hoạch tăng trưởng doanh thu chỉ 7%, thấp hơn so với các năm trước. Thông tin về kế hoạch hoạt động 2016 cung cấp tại ĐHCĐ khá vắn tắt và không công bố thêm bất cứ điều gì mới so với trước đây, như mục tiêu tổng doanh thu tăng trưởng 7% nhưng lợi nhuận trước thuế để giảm 11%. Trong phần hỏi đáp về kết quả hoạt động trong qúy 1 năm 2016, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính của SSI, giải thích rằng sự tăng vọt trong chi phí là do chi phí lãi vay tăng, đầu tư trong lĩnh vực CNTT, cải tạo văn phòng và khai trương 2 chi nhánh mới. Tuy nhiên, lý do trên chỉ giải thích về việc tăng chi phí trong hoạt động môi giới, không giải thích được việc chi phí liên quan đến hoạt động đầu tư cũng đã tăng mạnh. Theo quan điểm của Chuyên viên, việc không có bất kỳ khoản hoàn nhập dự phòng nào như đã xảy ra trong năm 2015 giúp giải thích việc chi phí tăng mạnh trong mảng hoạt động này. Câu trả lời tại ĐHCĐ về số dư “tài sản ngắn hạn khác” thể hiện hàm ý đây là giao dịch với HAGL. Số dư liên quan đền hợp đồng này tại cuối quý 1 năm 2016 là 229 tỷ đồng (10.5 triệu USD), nằm trong “Tài sản ngắn hạn khác”. Theo thuyết minh Báo cáo tài chính, người mua sẽ thanh toán cho SSI theo tiến độ thanh toán trong hợp đồng. Điều làm Chuyên viên chú ý là số dư phải thu này đã không thay đổi tại cuối quý 1 năm 2016 so với cuối năm 2015. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, cho biết trong đại hội cổ đông “tất cả các thanh toán liên quan đến HNG với SSI có những lúc chậm nhưng đến giờ phút này là đều được thanh toán đầy đủ, và theo tiến trình, việc thanh toán này sẽ được kết thúc vào tháng 12 năm 2016”. Suy luận của Chuyên viên ngay lập tức sau khi nghe câu trả lời đó là đối tác trong hợp đồng mua bán này có khả năng là HAGL và điều này cũng giải thích tại sao đối tác này đã sẵn sàng mua với giá cao. Chủ tịch cũng nói rằng SSI đã thu lại toàn bộ khoản vốn đầu tư vào HNG từ lâu và đang ghi nhận lợi nhuận. Chủ tịch SSI cũng đã thảo luận về lý do của việc đàm phán sáp nhập với KLS không thành công. Chủ tịch SSI đã nói rằng cả hai Hội đồng quản trị của SSI và chứng khoán Kim Long đã tham gia đàm phán sáp nhập trên cơ sở của một hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2 (2 cổ phiếu KLS đổi 1 cổ phiếu SSI), nhưng do KLS không thể đưa ra quyết định do yêu cầu về mặt thời gian và SSI quyết định từ bỏ thỏa thuận. SSI sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực môi giới khách hàng cá nhân, với việc khai trương thêm hai chi nhánh mới. Báo cáo lần đầu của Chuyên viên đã nhấn mạnh rằng việc tập trung vào lĩnh vực khách hàng cá nhân là một chiến lược đòi hỏi chi phí cao và cần giá trị giao dịch lớn để doanh thu hoa hồng môi giới có thể bù đắp chi phí của các đơn vị môi giới (không tính đến thu nhập cho vay ký quỹ). SSI hy vọng việc đưa các sản phẩm phái sinh trong quý 3 năm 2016 sẽ kích thích thị trường. Các điều kiện thị trường, cùng với gánh nặng chi phí cao thể hiện trong báo cáo tài chính quý 1 của công ty mẹ của SSI theo đó lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đều giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, Chuyên viên cho rằng trong năm 2016 công ty sẽ gặp nhiều thử thách. Tại ĐHCĐ, SSI cũng cho biết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, phù hợp với dự báo của Chuyên viên, tương đương lợi suất cổ tức 4,5%. ĐHCĐ cũng thông qua kế hoạch ESOP đề xuất, với số cổ phiếu phát hành theo kế hoạch này sẽ không quá 10.000.000 cổ phiếu với giá chào bán 10.000VND/cổ phiếu, có nghĩa là giá cổ phiếu sau điều chỉnh ESOP giảm 1,1% Chuyên viên hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho SSI với giá mục tiêu không hưởng cổ tức là 20.900VND/cổ phiếu.

————————————

VGG: Ghi nhận từ ĐHCĐ – Chi phí nhân công gia tăng tạo áp lực lên lợi nhuận năm 2016. Chuyên viên đã tham dự ĐHCĐ của CTCP May Việt Tiến (VGG) ngày 23/04/2016. Công ty đạt KQKD ấn tượng trong năm 2015 khi cả doanh thu và LNST đều vượt kế hoạch. Tuy nhiên, chi phí nhân công gia tăng khi áp dụng luật BHXH mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 sẽ gây áp lực lên lợi nhuận năm 2016 Diễn biến năm 2015: KQKD đạt mục tiêu với doanh số xuất khẩu tăng đã bù đắp cho chi phí cao hơn. Ban lãnh đạo công ty cho biết doanh thu hợp nhất và LNST năm 2015 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng (288 triệu USD, +17% Y-o-Y), và 331 tỷ đồng (14,5 triệu USD, +5,7% Y-o-Y). Kết quả này hoàn thành lần lượt 110% và 104% kế hoạch của công ty, chủ yếu được hỗ trợ từ gia tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Lợi nhuận chỉ tăng nhẹ do năng suất thấp từ hai nhà xưởng mới được mở rộng ViMiKy 1 & 2 (đi vào hoạt động gần 2 năm từ năm 2014) đồng nghĩa với chi phí sản xuất chưa được bù đắp. Ngoài ra, mức tăng chi phí nhân công 20% đã tác động đến lợi nhuận. Kế hoạch công ty năm 2016: Tăng trưởng sẽ chững lại khi chi phí nhân công gia tăng. Trong năm 2016, VGG đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2% cho doanh thu với LNTT gần như đi ngang do chi phí nhân công tăng, cụ thể là phí bảo hiểm xã hội theo kế hoạch mới áp dụng từ tháng 01/2016. Theo ban lãnh đạo, VGG ước tính sẽ tăng 50 tỷ đồng cho chi phí bảo hiểm xã hội của công ty mẹ năm nay. Doanh thu và LNTT năm 2016 của công ty mẹ dự kiến sẽ đạt 6,7 nghìn tỷ đồng (301 triệu USD) và 305 tỷ đồng (13,7 triệu USD). Kế hoạch chia cổ tức VGG sẽ thanh toán cổ tức 30% (theo mệnh giá) cho năm 2015 và ngày thanh toán là 20/05/2016. Theo giá đóng cửa hôm nay 62.000 đồng/CP, lợi suất cổ tức là 4,8%. Trong năm 2016, công ty ước tính sẽ đầu tư 700 tỷ đồng (32 triệu USD), gấp 4 lần con số XDCB thực tế năm 2015 là 176 tỷ đồng (8 triệu USD). Cũng cần chú ý rằng tổng vốn XDCB giải ngân trong năm 2015 chỉ đạt 35,5% kế hoạch. Trong tương lai, VGG ưu tiên hoàn thành việc mở rộng nhà xưởng VimiKy 2 cũng như xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy máy may tại Gò Công.

————————————

CII: Ghi nhận tại ĐHCĐ Kế hoạch năm 2016: Tại ĐHCĐ của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) hôm nay, cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2016 là 3.000 tỷ đồng doanh thu và 847 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Mục tiêu LN tăng trưởng 36% so với kết quả kiểm toán năm 2015 không khác biệt so với thông tin mà ban lãnh đạo đã chia sẻ tại hội thảo nhà đầu tư hồi tháng 3. TGĐ tự tin cho biết rằng khả năng công ty đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2016-2017 là 90%-95%; và công ty có thể hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận năm nay vào cuối Quý 2, 80% vào Quý 3. Chuyên viên lưu ý rằng hơn 50% lợi nhuận năm 2016 sẽ đến từ doanh thu tài chính, bao gồm 430 tỷ đồng thặng dư của trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu CTCP Đầu tư Cầu Đường CII (LGC), được CII phát hành cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC), và 150 tỷ đồng lợi nhuận thông qua việc bán cổ phần tại Trường Thuận Phát (đã hoàn tất chuyển nhượng trong tháng 4). Năm nay công ty tập trung vào thực hiện và hoàn tất các dự án hiện hữu và sẽ không phát triển thêm dự án BOT quy mô nhỏ nào nữa. Đối với kế hoạch bán các lô đất tại Thủ Thiêm, CII đang tìm kiếm các đối tác có thể cam kết khởi công trong hai năm tới thay vì chỉ mua quỹ đất cho việc đầu tư dài hạn. Tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con: Theo Thông tư 202, 430 tỷ đồng thặng dư từ thương vụ phát hành trái phiếu thông thường sẽ được ghi nhận vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trong bảng cân đối kế toán. Do vậy, theo tờ trình được ĐHCĐ thông qua, công ty sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại LGC từ 52,13% (tỷ lệ sau khi MPTC hoàn tất chuyển đổi trái phiếu) xuống 49% năm nay, để CII có thể ghi nhận khoản lợi nhuận trên vào kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Từ năm sau, CII sẽ xem xét tăng tỷ lệ sở hữu trở lại lên mức ít nhất 51%. Việc tỷ lệ này thay đổi nhẹ 3% không ảnh hưởng nhiều đối với lợi nhuận ròng của CII năm nay nhưng sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán hợp nhất (tổng tài sản của LGC vào cuối năm 2015 là 7,38 nghìn tỷ đồng). Kế hoạch ESOP: Công ty dự kiến sẽ phát hành thêm 1 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2017 nếu CII đạt được mục tiêu năm 2016. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Nội dung này không được đưa vào tài liệu tờ trình trước ĐHCĐ như thường lệ. Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2015, CII sẽ phát hành 1 triệu cổ phiếu năm nay, hạn chế chuyển nhượng trong hai năm. Cổ tức bằng tiền mặt: Công ty sẽ trả cổ tức năm 2016 tại mức 20% trên mệnh giá. Chuyên viên điều chỉnh lợi suất cổ tức dự kiến cho cổ phiếu CII từ 6,5% lên 8,1%. Cổ phiếu quỹ: TGĐ cho biết CII sẽ bắt đầu mua đến 40 cổ phiếu quỹ từ ngày 28/07. Giao dịch sẽ được thực hiện trên thị trường và không thông qua phương thức thỏa thuận. Công ty vẫn chưa cho biết kế hoạch cụ thể về mục đích sử dụng các cổ phiếu quỹ này. Các thông tin trên không tác động đáng kể đối với mô hình định giá theo phương pháp tổng giá trị thành phần của Chuyên viên, do đó Chuyên viên giữ khuyến nghị MUA đối với CII và tổng mức sinh lời dự báo là 30% bao gồm lợi suất cổ tức 8%. Chuyên viên sẽ đưa ra các cập nhật chi tiết sau khi báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1 được công bố.

————————————

FLC: Được chấp thuận tăng vốn thêm gần 1.800 tỷ đồng FLC đã được chấp thuận tăng vốn thêm 1.796,174 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên mức trên 7.000 tỷ đồng. Ngày 22/4/2016, UBCK đã có công văn số 15/GNC-UBCK chấp thuận việc thực hiện đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho CTCP Tập đoàn FLC. Theo đó, FLC sẽ được chào bán 1.796,174 tỷ đồng ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ mức 5.298,716 tỷ đồng lên trên 7.000 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 59:20. Thời gian thực hiện chào bán là trong vòng 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận này. Việc tăng vốn lần này thực hiện theo phương án đã được ĐHCĐ thường niên năm 2015 thông qua, với mục tiêu bổ sung vốn đầu tư cho Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng và chung cư cao cấp tại Hà Nội, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Năm 2015, FLC đạt lợi nhuận xấp xỉ 1.160 tỷ đồng, thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phần xấp xỉ 1.800 đồng.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Cuộc họp của FED, tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu với các nội dung đáng chú ý liên quan đến lộ trình nâng lãi suất ở Mỹ sẽ diễn ra vào ngày mai, 27/4/2016. Khả năng FED nâng lãi suất trong cuộc họp lần này được đánh giá ở mức rất thấp, mặc dù không phải là không thể xảy ra, do các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ chưa đủ điều kiện để đương đầu với 1 đợt nâng lãi suất mới. Điểm đáng lưu ý và có thể tác động lớn đến diễn biến TTCK toàn cầu là thông điệp mà FED sẽ đưa ra về khả năng nâng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo diễn ra vào giữa tháng 6. Với các số liệu tích cực về thị trường lao động cũng như điều kiện kinh tế toàn cầu đã bớt tiêu cực, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, Chuyên viên đánh giá khả năng FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 là hoàn toàn khả thi.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (27/04/2016):

27/04/2016 10:00 PTH Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

27/04/2016 10:00 LHG Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,500 đồng/CP

27/04/2016 10:00 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016: VND, BFC, DIG, HBC, BIC, PXS, DRH, GMC

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý