DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 24/05/2016 gồm cập nhật MWG, VNM, DQC, PVS, FPT, SCR

Lượt xem: 14,049 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tiếp tục điều chỉnh phiên thứ tư liên tiếp, đóng cửa tại 611,03 điểm (giảm 3,78 điểm tương đương 0,61%). Thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh về mức rất thấp với chỉ 76 triệu cổ phiếu khớp lệnh, giảm hơn 15% so với phiên trước đó và chỉ đạt gần 70% mức bình quân 20 phiên.

Đồ thị VN-Index ngày 23/05/2016.

Đồ thị VN-Index ngày 23/05/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index điều chỉnh khi chạm biên trên của kênh tăng giá trung hạn và đang có xu hướng kiểm nghiệm lại đường trung bình 26 ngày (tương ứng mốc 605 điểm). Khối lương giao dịch liên tiếp sụt giảm mạnh báo hiệu sẽ sớm có những phiên phục hồi. Nếu thanh khoản trong những phiên phục hồi ở mức cao thì VN-Index có cơ hội đảo chiều đi lên, ngược lại, nếu thanh khoản thấp thì khả năng đợt điều chỉnh này vẫn chưa kết thúc.

Hiện tượng hiệu chỉnh của phiên hôm nay là đến từ nhóm chỉ báo nhanh gồm CCI, Wm%R, RSI. Sau 04 phiên giảm vừa qua, nhóm chỉ báo này đã trở lại trạng thái trung lập, hàm ý cảnh báo điều chỉnh kỹ thuật đã xong và chỉ số sẽ phải tìm lại động lực tăng mới để không làm mất đi đà tăng hiện có. Đáng chú ý là chiều hướng thanh khoản thị trường đang ngày càng suy giảm. Cụ thể đây là phiên giao dịch có mức thanh khoản thấp nhất kể từ Tháng 3/2016 đến nay. Trong khi chỉ số cần có thêm động lực tăng mới với dòng tiền dồi dào thì thực trạng hiện nay sẽ gây khó khăn lớn đến khả năng quay lại với xu thế tăng. Đường MACD vừa cắt xuống dưới đường tín hiệu, ADX quay đầu đi xuống cho thấy xu hướng tăng trung hạn trước đó đang bị suy yếu.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 24/05/2016, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về gần đường trung bình MA26 ngày (tương ứng mốc 605 điểm) và dần hồi phục trở lại về cuối phiên. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng lực cầu ngắn hạn sẽ gia tăng trong vài phiên tới và VN-Index chưa thể đảo chiều giảm xu hướng ngắn hạn. Ngoài ra, dòng tiền đang có sự dịch chuyển qua các cổ phiếu chưa tăng mạnh trong nhịp tăng điểm trước đó.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 608.79 điểm. Do đó, trên quan điểm rủi ro, các nhà đầu tư lướt sóng có thể tham gia giải ngân ở nhịp điều chỉnh. Đồng thời, trên quan điểm an toàn, các nhà đầu tư có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chờ thêm động thái của dòng tiền.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 23/05/2016:

Thị trường giảm điểm trong ngày đầu tiên Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam dưới lực bán của các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Giá trị giao dịch giảm, độ rộng ở mức cân bằng. Khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia với mức độ yếu hơn các phiên trước và khối này mua ròng hơn 62 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF premium 0,34%, FTSE ETF discount -0,68%.

• Các mã ngân hàng điều chỉnh mạnh, dẫn dầu là VCB; CTG và BID. ACB, STB và MBB cũng giảm. EIB là mã duy nhất tăng trong số các mã ngân hàng niêm yết lớn. Hôm nay phương tiện truyền thông đưa tin tín dụng tại thời điểm giữa tháng 5 tăng khoảng 3,8% so với đầu năm (tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận một cách chính thức). Thông tin trên nói chung phù hợp với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng cả năm 18-20% (lưu ý là Q4 luôn là quý có tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong năm). Ở một số thông tin khác, Vietinbank có thể sẽ giảm tỷ trọng nắm giữ tại NH Sài Gòn từ 10,39% hiện nay xuống dưới 5% sau khi bán 17 triệu cổ phiếu trong thời gian tới. Hiện thông tin này cũng chưa được xác nhận chính thức.

Nói chung câu chuyện lớn ở đây là mã dẫn dắt ngành ngân hàng là VCB hiện rõ ràng đã bước vào thời kỳ điều chỉnh; từ đó khiến VN-Index giảm theo.

• Mã dẫn dắt ngành bảo hiểm là BVH đóng cửa tại tham chiếu trong khi PVI tăng nhẹ. Cổ phiếu chứng khoán diễn biến trái chiều với SSI tăng trong khi HCM giảm. VND đóng cửa tại tham chiếu.

• Các mã dầu khí tiếp tục giảm hôm nay, dẫn đầu là GAS và PVD. PVV và PXS cũng giảm. Giá dầu trên hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng giảm trong bối cảnh NĐT không đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp của OPEC tại Doha sẽ đem lại một thỏa thuận hạn chế sản lượng. Và điều này đã khiến cổ phiếu dầu khí giảm hôm nay. Hiện sắp tới là thời kỳ thấp điểm của nhu cầu đối với dầu trong khi những nguồn cung bị gián đoạn trong những tuần gần đây sẽ sớm được khơi thông trở lại. Trong khi đó theo dữ liệu hàng tuần của Commitment of Trade, hiện vị thế mua vào trên thị trường dầu đang ở mức cao của nhiều tháng trong khi vị thế bán khống đang ở mức thấp của nhiều tháng.

• Các mã ngành hàng tiêu dùng diễn biến trái chiều với VNM và MSN đóng cửa tại tham chiếu còn KDC giảm. FPT cũng giảm trong khi MWG tiếp tục tăng sau khi công bố KQKD 4 tháng đầu năm khả quan; cho thấy công ty có thể vượt kế hoạch kinh doanh năm nay. ĐHCĐTN của VNM diễn ra vào hôm thứ 7 nói chung đúng như kế hoạch với room sẽ được nới lên 100% và HĐQT sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch nới room này.

• Các mã BĐS tăng, dẫn đầu là VIC & NLG. BCI đóng cửa tại tham chiếu. TDH tăng trong khi SJS & DXG điều chỉnh. KBC & CTD tăng trong khi CII giảm. HBC đóng cửa tại tham chiếu.

• Các mã ngành sản xuất cũng diễn biến trái chiều với HPG tăng trong khi HSG giảm. PAC giảm sau khi tăng gần đây trước tin đồn Vinachem thoái vốn. TTF tăng trần với VIC tiếp tục nâng tỷ lệ nắm giữ. DQC đóng cửa tại tham chiếu trong khi mã ngành ô tô TMT giảm mạnh mặc dù HHS tăng.

• Trong số các mã ngành nông nghiệp, HAG và HNG tăng. GTN tăng tốt sau khi biến động trong biên độ hẹp trong thời gian qua với thông tin nới room lên 100%. Công ty có khả năng sẽ đạt KQKD khả quan trong năm nay, chủ yếu nhờ hoạt động sáp nhập. VHC giảm sau khi tổ chức ĐHCĐTN vào ngày hôm nay. Mã đầu ngành phân bón DPM giảm mạnh.

• Hôm nay, một trong những cổ phiếu ưa thích của Nhật Cường là MWG đã ghi nhận mức tăng hơn 3,9% và thanh khoản cao đột biến hơn 800 nghìn cổ phiếu khớp lệnh. Trong cuối tuần qua, MWG định kỳ công bố KQKD tháng 4. Theo báo cáo này, trong 4 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu 12.794 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Trong đó chuỗi bán lẻ thegioididong chiếm 72,6% và DienmayXanh chiếm 27,4%. Nổi bật, chuỗi DienmayXanh ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 200% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng vượt bật này do MWG đẩy nhanh việc mở mới cửa hàng DienmayXanh. Số lượng cửa hàng của chuỗi này hiện tại khoảng 94 cửa hàng, tăng gần gấp 4 lần số lượng cửa hàng cùng kỳ. Mặt khác, MWG cũng đã ghi nhận LNST trong 4 tháng đầu năm khoảng 555 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Hiện tại, Nhật Cường vẫn duy trì mức giá mục tiêu 100.000 đồng, tức giá cổ phiếu MWG vẫn còn thấp hơn giá mục tiêu 20%.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng trên 62,25 tỷ đồng. MBB dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 796 nghìn đơn vị. Trong khi đó, PVD là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất về giá trị đạt 15,51 tỷ đồng, tương ứng 541 nghìn đơn vị. Ở chiều ngược lại, VIC là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, hơn 522 nghìn đơn vị. Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng 0,71 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 205 nghìn đơn vị. Ngược lại, VND bị bán ròng khá mạnh, đạt 190 nghìn đơn vị.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

VNM: ĐHCĐTN của VNM không có nhiều bất ngờ. Có thêm tiến triển trong vấn đề nới room. Kế hoạch kinh doanh thận trọng. Tỷ lệ trả cổ tức cao nhất từ trước đến nay. Tiếp tục duy trì đánh giá Mua vào

Những ghi nhận chính tại ĐHCĐTN của VNM diễn ra vào thứ 7 tuần trước:

1. Room sẽ được nới lên 100% và sẽ do HĐQT chịu trách nhiệm thực hiện – Cổ đông đã nhất trí với ý kiến của HĐQT trong việc nới room mà không thông qua biểu quyết. Theo đó HĐQT sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục cần thiết theo luật định để nới room. Sau ĐHCĐTN, HĐQT sẽ nộp hồ sơ lên UBCKNN để xin nới room lên 100%.

2. Công ty đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng cho 2016 – Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2016 với doanh thu thuần là 44.560 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và LNST là 8.266 tỷ đồng, tăng trưởng 6%. Theo Chuyên viên, kế hoạch kinh doanh đề ra là thận trọng vì KQKD Q1 đã rất khả quan với doanh thu thuần tăng 18,6% còn LNST tăng 38,6%. Chuyên viên cũng thấy công ty đã giành thêm được thị phần và đây cũng là nhân tố rất đáng chú ý.

3. Tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức sẽ ở mức rất cao, là 92,6% với cổ tức tiền mặt là 6.000đ/cp – Mức cổ tức tiền mặt 6.000đ/cp là mức cao nhất từ trước đến nay của VNM. Trong đó, công ty đã chi trả 4.000đ vào năm ngoái và sẽ sớm trả nốt 2.000đ còn lại. Theo đó, tỷ lệ cổ tức/giá ở mức khá, là 4,2% và tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức sẽ ở mức cao nhất từ trước đến nay, là 92,6%. Hiện chu kỳ đầu tư xây dựng cơ bản đã hoàn thành và VNM trước mắt chưa có kế hoạch chi lớn cho đầu tư hay sáp nhập nào.

4. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt trả cho 2016 sẽ ít nhất bằng 50% LNST – Trong đó 4.000đ/cp sẽ được tạm ứng vào tháng 8-tháng 9. Theo đó, sẽ không có gì là bất ngờ nếu mức chi trả cổ tức tiền mặt cho 2016 được giữ nguyên ở mức 6.000đ/cp như trong 2015. Và nếu như vậy, tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức cũng sẽ ở mức rất cao là 80,1%. Về dòng tiền, Chuyên viên dự báo dòng tiền mặt tự do năm 2016 là 8.099 tỷ đồng; đảm bảo đủ để chi 7.200 tỷ đồng cổ tức trong năm nay. Đồng nghĩa với việc đến cuối năm nay các khoản tương đương tiền (dưới dạng đầu tư tài chính ngắn hạn) vẫn có khả năng duy trì ở mức rất cao là trên 9.000 tỷ đông; giống như hồi cuối Q1.

5. Công ty sẽ phát hành 9,5 triệu cổ phiếu ESOP – Cổ đông nhất trí phát hành 9.437.795 cổ phiếu ESOP cho CBCNV với giá bằng 2 lần giá trị sổ sách (khoảng 36.000đ/cp). Tổng giá trị thị trường của số cổ phiếu ESOP này là 1.378 tỷ đồng; tương đương 17,7% LNST năm 2015.

6. Phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5:1 trong 2016 hoặc 2017 – Công ty đề xuất phát hành không quá 241.915.440 cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1 cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thực hiện là trong 2016.

Chuyên viên dự báo LNST của VNM năm 2016 sẽ tăng trương 17,4% – Chuyên viên dự báo doanh thu thuần năm 2016 đạt 44.833 tỷ đồng, tăng trưởng 11,9%. Trong đó, Chuyên viên giả định doanh thu nội địa sẽ tăng trưởng 13,1% và doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 10%. Chuyên viên dự báo doanh thu từ Driftwood Dairy sẽ giữ nguyên. Theo đó, Chuyên viên dự báo LNST đạt 9.117 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% với giả định là tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu lần lượt là 42,1% và 19%. Dựa trên dự báo trên, P/E dự phóng 2016 là 20,9 lần.

Quan điểm đầu tư – Tiếp tục duy trì đánh giá Mua vào. Giá cổ phiếu hiện không còn rẻ nhưng với câu chuyện nới room có thêm tiến triển cộng với tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức cao kỷ lục có thể còn tiếp tục được duy trì trong một vài quý tới, thì Chuyên viên cho rằng giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục tăng. Sản lượng tăng mạnh cộng với thị phần tăng ở những phân khúc sản phẩm chính một phần là nhờ công ty đã tích cực chi cho hoạt động marketing; tuy nhiên điều này cũng cho thấy mô hình hoạt động của VNM có lẽ đã đạt đến hiệu quả tối đa. Và với việc VNM chưa có thêm nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, công ty đã quyết định chi cổ tức cho cổ đông; tạo ra mức cổ tức/giá hấp dẫn. Mặc dù một số NĐT có lẽ sẽ chốt lời khi giá cổ phiếu VNM tăng, thì trở ngại chính của nhiều nhà đầu tư là họ rất khó để tìm ra một cổ phiếu nào khác trên thị trường VN để thay thế VNM trong danh mục.

————————-

DQC: CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) – Khuyến nghị KHẢ QUAN và giá mục tiêu là 81.000VND. Chuyên viên cho rằng DQC sẽ hưởng lợi rất nhiều từ xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ thiết bị chiếu sang truyền thống sang thiết bị chiếu sáng LED. Trên cơ sở đó, Chuyên viên dự phóng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sẽ đạt mức hai con số trong các năm tiếp theo. Thị trường thế giới hiện đồng loạt chuyển sang sử dụng bóng đèn LED thay cho bóng đèn truyền thống.

BCG dự báo thị trường đèn LED thế giới sẽ tăng trưởng 13%/năm, trong đó phân khúc chiếu sáng phổ thông sẽ tăng trưởng 20%/năm trong 5 năm tới, so với tốc độ 3%/năm của thị trường chiếu sáng nói chung. Kết quả này có được phần lớn nhờ các sản phẩm LED có giá thành phải chăng hơn, sau khi giảm 50% trong vòng 3 năm qua nhờ các tiến bộ về công nghệ chip LED cũng như quy mô sản xuất lớn hơn. Thị trường đèn LED của Việt Nam chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mạnh khi đang bắt kịp xu hướng thế giới. Chuyên viên cho rằng giá thành các sản phẩm LED đã giảm đến mức có thể kích thích thị trường Việt Nam nhanh chóng chuyển từ sản phẩm truyền thống sang sử dụng sản phẩm LED.

Với tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm LED nhìn chung đạt khoảng 10% so với mức trung bình của thế giới 35%, thị trường đèn LED tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Nếu thị trường Việt Nam diễn biến tương tự thế giới và các sản phẩm LED đạt tỷ lệ thâm nhập 41% vào năm 2020, Chuyên viên ước tính thị trường đèn LED của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ trên 30%/năm trong 5 năm tới. Với vị thế dẫn đầu thị trường, DQC có thể đạt tăng trưởng kép hàng năm về doanh thu và lợi nhuận từ HĐKD là 13% đến năm 2018.

Sau khi có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường bóng đèn truyền thống, DQC dự kiến sẽ hợp nhất thị trường đèn LED của Việt Nam, hiện đang bị phân tán. Các chiến lược chính bao gồm: 1) Tích cực tiếp thị để đẩy mạnh tốc độ chuyển sang dùng đèn LED tại Việt Nam, đồng thời đưa DQC trở thành thương hiệu phổ biến nhất; 2) Thành lập mạng lưới phòng trưng bày để giới thiệu đến người tiêu dùng hàng trăm sản phẩm LED mới mỗi năm; và 3) Đưa nhà máy LED mới vào hoạt động trong Quý 1/2017, qua đó tăng gấp đôi công suất bóng đèn LED.

Giá cổ phiếu hiện tại chưa phản ánh tiềm năng tăng trưởng. Gần đây, DQC luôn giao dịch tại mức P/E điều chỉnh tương tự các công ty chiếu sáng khác trong khu vực. Tuy nhiên, Chuyên viên cho rằng điều này không phản ánh việc thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn do hiện chỉ đang ở giai đoạn sơ khai. Mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (tỷ trọng 70%) phản ánh tiềm năng tăng trưởng và cho kết quả định giá lên đến 85.000VND và tăng giá mục tiêu của Chuyên viên.

————————-

PVS: Báo cáo cập nhật: Hợp đồng Khảo sát địa chấn mới giúp bù đắp rủi ro giảm giá thuê ngày FPSO

KQLN Quý 1/2016 của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cao hơn so với kỳ vọng, cùng với giá dầu phục hồi mạnh hơn so với dự kiến, khiến Chuyên viên tin rằng KQLN 2016 có thể cao hơn so với dự báo trước đây.

Chuyên viên điều chỉnh tăng 14,4% giá mục tiêu dành cho PVS lên 19.900VND và nâng khuyến nghị lên KHẢ QUAN dù giá cổ phiếu đã tăng trong thời gian qua và vượt giá mục tiêu cũ của Chuyên viên. Điều chỉnh tăng giả định giá dầu trong kịch bản cơ sở khiến định giá tăng đáng kể. Do giá dầu thế giới đã tăng kể từ tháng một, Chuyên viên điều chỉnh tăng giả định giá dầu 2016 trong kịch bản cơ sở từ 40USD/thùng lên 45USD/thùng và tăng 5USD/thùng đối với dự báo giá dầu trước đây của Chuyên viên cho từng năm đến 2018.

Theo giả định giá dầu trước của Chuyên viên, thì tổng mức sinh lời là 10%, tương đương khuyến nghị Phù hợp Thị trường. KQLN Quý 1/2016 đáng khích lệ nhờ thu nhập từ các liên doanh FPSO/FSO tăng. Doanh thu và LNST Quý 1/2016 giảm lần lượt 10,8% và 13,8% xuống 4.440 tỷ đồng và 283 tỷ đồng. Sáu lĩnh vực hoạt động chính của PVS nhìn chung đạt kết quả phù hợp với dự báo của Chuyên viên. Tuy nhiên, thu nhập từ liên doanh FPSO/FSO tăng mạnh 18,9% vì năm ngoái mảng này có phát sinh chi phí bất thường từ việc mua trang thiết bị và linh kiện để phục vụ cho việc sửa chữa một trong các FPSO. Tiền thuê ngày kho nổi FPSO Lam Sơn dự báo sẽ giảm nhẹ.

Các hoạt động thăm dò giảm mạnh do giá dầu giảm vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016 vẫn đang ảnh hưởng đến các nhà thầu dầu khí, và cũng gây áp lực buộc PVS giảm tiền thuê ngày FPSO/FSO. Vì vậy, công ty có thể sẽ phải giảm nhẹ giá thuê ngày và gia hạn thanh toán cho các khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền trong các quý tiếp theo. Vì vậy, Chuyên viên giữ nguyên dự báo thu nhập từ liên doanh sẽ giảm 8,8% so với năm 2015, dù mảng này tăng trưởng mạnh trong Quý 1. Chuyên viên điều chỉnh tăng 9,5% dự báo KQLN 2016 nhờ triển vọng tích cực của lĩnh vực Khảo sát địa chấn và giả định giá dầu 2016 mới.

Trước đây, Chuyên viên cho rằng các tàu 2D và 3D, cũng như robot, sẽ không hoạt động gần như cả năm. Tuy nhiên, vì tàu 2D Bình Minh đã bắt đầu hoạt động tại nước ngoài vào giữa tháng Ba và tàu 3D Amadeus hoạt động cho Rosneft từ tháng 04/2016, Chuyên viên cho rằng khảo sát địa chấn sẽ không lỗ nhiều như dự báo trước đây. Điều này cùng với giả định giá dầu mới 45USD/thùng, chúng tôi hiện dự báo doanh thu và LNST sẽ giảm lần lượt 20% và 34,4%.

Khuyến nghị KHẢ QUAN vì triển vọng dài hạn tích cực, dù giá cổ phiếu đã tăng nhiều trong thời gian qua. Giá cổ phiếu PVS đã tăng 19% kể từ khi Chuyên viên đưa ra báo cáo trước, và đã vượt giá mục tiêu trước đây của Chuyên viên, và cổ phiếu hiện đang giao dịch tại mức P/E dự phóng 1 năm là 9,2 lần. Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh cải thiện nhờ giá dầu phục hồi, tiềm năng tăng từ Lô B chưa được phản ánh, và lợi suất cổ tức cao củng cố cho khuyến nghị KHẢ QUAN của Chuyên viên.

————————-

FPT: Tóm tắt báo cáo Cập nhật.

Chuyên viên giữ khuyến nghị MUA đối với CTCP Tập đoàn FPT. Dù KQKQ quý 1/2016 khá thất vọng do mảng Phân phối giảm mạnh, tăng trưởng sẽ trở lại trong các quý còn lại khi ghi nhận them doanh thu từ các dự án IT, cũng như mảng Viễn thông sẽ không còn ghi nhận chi phí đầu cuối liên quan đến dự án quang hóa tại TPHCM và Hà Nội bắt đầu từ nửa cuối năm 2016. Việc bán mảng Phân phối & Bán lẻ vẫn là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu, thương vụ có khả năng hoàn tất trong quý 4/2016, theo kỳ vọng của Chuyên viên. Mất đi khách hàng của mảng phân phối là nguyên nhân chính cho KQKD kém tích cực trong quý 1. LNTT mảng phân phối giảm 48% so với quý 1/2015, thấp hơn dự kiến của Chuyên viên, khiến Chuyên viên điều chỉnh giảm 24% LNTT của mảng này so với dự báo trước đây, và dẫn đến mức giảm 4% dự báo tổng LNST năm 2016.

Mức sụt giảm này là vì MWG (Thegioididong) và FPT Retail bắt đầu nhập khẩu trực tiếp từ Apple kể từ tháng 09/2015, không còn thông qua FPT Trading. Tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm (SO) vẫn ở mức cao. Doanh thu tăng 42% trong khi LNTT tăng 18% so với quý 1/2015. LNTT tăng chậm hơn khi chi phí hoa hồng bán hàng được ghi nhận trong quý 1/2016, trong khi trong năm 2015 chi phí này được ghi nhận trong quý 2. Do đó, Chuyên viên kỳ vọng biên LN sẽ dần cải thiện trong các quý kế tiếp khi các kế hoạch cải thiện hiệu quả công việc được đưa ra vào cuối năm 2015 (được đề cập trong báo cáo cập nhật gần nhất của Chuyên viên) sẽ dần thu được kết quả từ nửa cuối năm 2015, và chi nhánh Slovakia sẽ ghi nhận biên LN cao hơn sau khi tái cơ cấu trong năm 2015.

LN mảng dịch vụ viễn thông sẽ tăng trong nửa cuối năm 2016, khi ghi nhận hết chi phí đầu cuối của dự án quang hóa tại TPHCM và Hà Nội. Trong quý 1/2016, doanh thu Dịch vụ Viễn thông tăng mạnh 28% so với quý 1/2015, trong đó doanh thu Băng thông rộng tăng 21%, chủ yếu là do tăng trưởng số lượng thuê bao. Tuy nhiên, LNTT của mảng này đã giảm 11% so với quý 1/2015 do 1) Chi phí liên quan đến giai đoạn dự án quang hóa tại TPHCM và Hà Nội vẫn được ghi nhận, 2) dự án quang hóa mới tại thành phố khác và 3) dự phòng tương ứng 1,5% doanh thu vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng lợi nhuận mảng Viễn thông sẽ trở lại mức tăng sau khi chi phí ghi nhận tại TPHCM và Hà Nội hoàn tất trong nửa cuối năm 2016.

Viễn thông và Xuất khẩu phần mềm có vị thế tốt để tiếp tục tăng trưởng mạnh. Chuyên viên dự báo hai mảng này sẽ đóng góp tổng cộng 78% LNTT của tập đoàn vào năm 2020. Giá cả cạnh tranh, tốc độ quang hóa nhanh chóng và đầu tư vào nhân sự nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ tiếp tục củng cố thương hiệu Viễn thông FPT. Ngoài ra, việc mảng Xuất khẩu phần mềm xuất hiện trong ấn phẩm “Cool vendor in emerging market in 2016” (tạm dịch là ‘Các công ty ấn tượng từ các thị trường mới nổi trong 2016’) của Gartner cho thấy FPT đang được biết đến rộng rãi hơn trên toàn cầu, củng cố tăng trưởng mạnh và giúp đa dạng hóa danh mục khách hàng.

————————-

SCR: Hồi sinh sau một thời gian dài tái cơ cấu

Chuyên viên vừa có chuyến thăm CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) và nhận thấy chuyển biến đáng kể về cấu trúc tài chính và danh mục sản phẩm của công ty sau khi tái cơ cấu. Tiến độ bán hàng 2015 nhanh chóng cho phép SCR giải quyết lượng BĐS tồn kho đã lâu và củng cố dòng tiền trong khi triển vọng bán hàng tại các dự án hiện tại tỏ ra đầy khả quan. SCR là một ví dụ điển hình về thua lỗ trong cuộc khủng hoảng 2011-2012 với đòn bẩy lớn và sản phẩm không phù hợp. SCR từng là công ty con của Sacombank (mã STB) và phụ thuộc vào công ty mẹ về nguồn vốn.

Tuy nhiên, do STB bị sáp nhập và thị trường BĐS gặp khó khăn, SCR đã trải qua quá trình tái cơ cấu từ 2012 đến 2014 và hiện đang là công ty con của Thành Thành Công, một trong các tập đoàn đa ngành nghề tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn này, hoạt động của SCR không có chuyển biến nào đáng kể. Trở lại mạnh mẽ trong năm 2015. Công ty đã giảm đòn bẩy mạnh và bắt đầu đưa ra sản phẩm ra thị trường năm 2015.

Công ty đã trở lại đầy ấn tượng với số giao dịch thành công trong năm 2015 tăng ba lần (1.400 căn) và dự kiến sẽ bán được 2.000 căn trong năm 2016, tăng 43% so với 2015. Công ty cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, thiết kế, bán lẻ và phát triển BĐS nhằm thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm. Kết quả tái cơ cấu được phản ánh thông qua việc doanh thu tăng trưởng mạnh. SCR dự kiến sẽ thu về 1.450 tỷ đồng doanh thu năm 2016, tăng 811% so với năm 2015, chủ yếu nhờ tiến độ bán hàng mạnh năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế sẽ chỉ tăng 6% do đã đạt mức cao năm 2015 nhờ 637 tỷ đồng thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng dự án.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Ngày đầu bận rộn của ông Obama tại Việt Nam

Tổng thống Mỹ gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, và khép lại ngày công du đầu tiên với món bún chả Hà Nội…

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (24/05/2016):

24/05/2016 10:00 VTO Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 500 đồng/CP

24/05/2016 10:00 LAS Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 1,500 đồng/CP

24/05/2016 10:00 BLF Ngày GDKHQ Trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:1

24/05/2016 10:00 BSC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1,200 đồng/CP

24/05/2016 10:00 TDN Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 600 đồng/CP

24/05/2016 10:00 PTG Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 1/2016 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

24/05/2016 10:00 UIC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,500 đồng/CP

————————-

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý