DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 17/05/2016 gồm cập nhật về kim ngạch thương mại tháng 4, NNC, VNM, PLC, REE, HT1, NT2, FMC

Lượt xem: 13,646 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tăng trở lại 4,96 điểm (tương đương 0,81%) lên mức 615,78 điểm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 90 triệu cổ phiếu. Khối lượng giao dịch đã giảm trở lại gần 15%, chỉ đạt gần 80% mức bình quân 20 phiên, chỉ sau một phiên tăng vào cuối tuần trước.

Đồ thị VN-Index ngày 16/05/2016.

Đồ thị VN-Index ngày 16/05/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index hình thành cây nến xanh dài sau 2 cây nến đỏ đặc liên tiếp trước đó. nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi lực cản của vùng 610-618 điểm, vùng đỉnh được xác lập vào 11/2015. Thanh khoản giảm trở lại và cách khá xa mức khối lượng trung bình 20 phiên gần nhất, còn độ rộng thị trường lại nhỉnh hơn về phía các mã giảm điểm. Diễn biến này giúp chỉ số quay lại đà tăng điểm tuy nhiên sự thận trọng, lo ngại của nhà đầu tư về khả năng đường giá có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang hiện hữu, nhất là khi diễn biến của chỉ số đang bị chi phối khá rõ nét từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm cổ phiếu.

Hệ thống cảnh báo rủi ro đối với xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn chưa có sự cải thiện mặc dù phiên 16/05 thị trường đóng cửa với mức tăng khá mạnh. Yếu tố thanh khoản một lần nữa gây hoài nghi về khả năng đi xa hơn của đợt tăng này. Nói cách khác, độ rộng của sóng tăng đang ngày càng thu hẹp với sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu. Các chỉ báo có độ nhạy lớn như CCI, RSI, Wm%R tiếp tục phát đi cảnh báo thị trường đang vào khu vực “quá mua” tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn. Dải Bollinger đang duy trì hiện tượng thu hẹp và đặc biệt là sự hướng xuống của cận trên trong 03 phiên gần đây cho thấy biến động tăng ngày 16/05 không cải thiện được sự chững lại của xu hướng. Nếu các tín hiệu được nhận diện ở trên không thay đổi, xác suất cao thị trường sẽ xác nhận khu vực đỉnh của đợt hồi phục lần này tại mức 620 điểm và có thể kéo theo một nhịp hiệu chỉnh giảm sau đó.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 17/05/2016, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ thử thách mức kháng cự 618 điểm. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá thị trường khó có thể duy trì đà tăng kéo dài khi xu hướng tăng này chỉ phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu Largecaps và tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra bi quan rõ rệt, đặc biệt dòng tiền đang có chiều hướng thu hẹp cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế mua mới.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 598.53 điểm. Do đó, các nhà đầu tư thận trọng nên tiếp tục đứng ngoài thị trường hoặc chỉ nắm giữ tỷ trọng thấp. Nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể tham gia lướt sóng với tỷ trọng thấp ở nhóm cổ phiếu dầu khí và hạn chế mua đuổi ở mức giá cao.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 16/05/2016:

Thị trường tiếp tục tăng với giá trị giao dịch khớp lệnh giảm về mức thấp và độ rộng thị trường thu hẹp. Điểm nhấn chính của phiên hôm nay nằm ở sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn VNM, VIC, GAS, VCB, MSN và nhóm cổ phiếu dầu khí. Mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài ở mức khá và khối này mua ròng gần 50 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF discount -0,88%.

• Các mã ngân hàng diễn biến trái chiều với VCB tăng trong khi CTG và BID giảm. ACB & STB tăng tốt; EIB đóng cửa tại tham chiếu trong khi MBB giảm. VCB vẫn là mã dẫn dắt ngành ngân hàng.

• BVH tăng mạnh trong khi PVI đóng cửa tại tham chiếu. Các mã chứng khoán tăng, dẫn đầu là SSI và HCM. VND cũng tăng. Sau khi trầm lắng hơn so với thị trường một khoảng thời gian khá dài, hôm nay các mã chứng khoán đã tăng. Các mã chứng khoán sẽ phải tăng tiếp nếu muốn bắt kịp đà tăng chung của thị trường.

• MSN tăng trong khi KDC đóng cửa tại tham chiếu còn FPT giảm.

• Các mã ngành dầu khí tăng, dẫn đầu là GAS và PVD. PXS và PVS cũng tăng tốt. Ngoại trừ GAS thì các mã dầu khí còn lại gần như không tăng cho đến thời gian gần đây. Với giá dầu tăng gần đây trước lo ngại về sự suy giảm nguồn cung thì những cổ phiếu nhạy cảm với giá dầu cuối cùng đã bắt đầu tăng trong những ngày gần đây. Khó có thể chắc chắn về mối liên hệ với giá dầu nhưng có lẽ giá cổ phiếu dầu khí sẽ còn tăng vài phiên nữa.

• Cổ phiếu BĐS diễn biến trái chiều với VIC tăng. NLG cũng tăng trong khi BCI đóng cửa tại tham chiếu còn TDH & SJS giảm. KBC cũng giảm trong khi CII đóng cửa tại tham chiếu. CTD và HBC giảm.

• Các mã ngành sản xuất giảm, dẫn đầu là HPG & HSG; PAC cũng giảm. Tuy nhiên BMP và mã ngành ô tô là TMT tăng.

. Diễn biến tích cực tại VNM nhiều khả năng nhờ vào thông tin trên thị trường về vấn đề nới room tại VNM. Có vẻ như các cổ đông lớn tại VNM đã nhất trí phương án nới room lên 100%, do đó, không nhất thiết phải trình vấn đề này ra ĐHCĐ vào ngày 21/05 tới đây. Như vậy, cách thức nới room tại VNM sẽ diễn ra tương tự như SSI đã làm trong tháng 9/2015. Tất cả những gì còn lại được mong đợi sẽ là “thời gian cụ thể để thực hiện việc nới room”. Chuyên viên chắc chắn rằng sẽ có câu hỏi được nêu ra trong ĐHCĐ và hy vọng các cổ đông nhỏ, những nhà đầu tư chờ đợi sự kiện “VNM nới room” sẽ có được câu trả lời rõ ràng.

. Trên sàn HNX, cổ phiếu VBC có sự tăng điểm đáng chú ý với mức tăng +9,6% lên mức giá 69.900 đồng/cổ phiếu. Trong quý 1/2016, VBC công bố đạt 7,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 33% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ngoài ra, công ty vừa công bố cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt lên đến 70% mệnh giá. Hai cổ đông lớn của VBC là Tổng công ty Hợp tác Kinh tế (50,96%) và CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (32,22%). Theo đó, giá cổ phiếu AAA cũng có mức tăng tốt trong phiên hôm nay, tăng +7,8%.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng trên 35,8 tỷ đồng. KSA dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 3,1 triệu đơn vị. STB, PVT và DIG cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 2 cổ phiếu ngành thép là HSG và HPG với khối lượng lần lượt hơn 529 nghìn và 385 nghìn đơn vị. Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 14 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 326 nghìn đơn vị. DGL cũng đc mua ròng 200 nghìn đơn vị. Khối ngoại không tập trung bán ròng mã nào trên HNX.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

NNC: Công ty Cổ phần Đá Núi Nhỏ – Cập nhật Đại hội Cổ đông Thường niên năm 2016

KQKD tăng trưởng tốt nhờ sản lƣợng tiêu thụ tăng và giá nhiên liệu giảm trong năm. Cho năm 2015, NNC đạt 507,9 tỷ đồng doanh thu (tăng 29,5% so với năm trước) và 160,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 20,1% so với năm trước). Nguyên nhân là do (i) sản lượng tiêu thụ tăng 16,1% so với năm 2014, đạt gần 3 triệu m3 nhờ nhu cầu từ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực gia tăng, (ii) tình hình giá nhiên liệu liên tục giảm góp phần giảm chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển, giúp tăng lợi nhuận cho công ty và (iii) mỏ đá Tân Lập bắt đầu mang lại lợi nhuận trong năm 2015.

KQKD quý 1/2016 khả quan. Mặc dù sản lượng đá khai thác và tiêu thụ quý 1/2016 không đạt 25% so với kế hoạch cả năm do quý 1 là quý thấp điểm và có kỳ nghỉ tết dài nhưng NNC lại đạt kết quả kinh doanh rất khả quan. Cụ thể, doanh thu đạt 116,4 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 47,6 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt hoàn thành 27,32% và 32,8% kế hoạch năm.

Trong quý 1/2016, NNC đạt mức tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận nhờ: (i) sản lượng đá tiêu thụ tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 635,4 nghìn m3 đá và (ii) giá bán bình quân trên một m3 đá tiêu thụ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (riêng giá của đá hộc tăng 21,9% và giá đá 1×2 tăng 18,9% so với cùng kỳ). Trong khi đó, chi phí khai thác trên một m3 đá chỉ tăng nhẹ 6,7% so với cùng kỳ năm trước do phải tăng độ sâu khai thác tại mỏ Núi Nhỏ. Có thể thấy kế hoạch kinh doanh mà ban lãnh đạo đặt ra khá thận trọng so với khả năng của công ty.

Cổ tức cổ phiếu 25%. HĐQT của NNC đã ra nghị quyết sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2015, tỷ lệ 25% và dự kiến thực hiện trong quý 2/2016 hoặc đầu quý 3/2016.

Quan điểm đầu tư: Với KQKD quý 1/2016 khả quan, Chuyên viên cho rằng công ty có thể vƣợt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016. Cho đến hết năm 2017, mỏ đá Núi Nhỏ vẫn tiếp tục có đóng góp chính cho doanh thu và lợi nhuận của NNC nhờ vị trí địa lý thuận lợi và biên lợi nhuận cao. Mỏ đá Tân Lập cũng đang trên đà tăng trưởng nhờ nhu cầu đá xây dựng ở tỉnh Bình Phước.

Tại mức giá 66.500 đồng/cổ phiếu, NNC đang đƣợc giao dịch với P/E 8,1 lần theo chúng tôi là khá hợp lý so với các doanh nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu cần lưu ý một số rủi ro sau:

(i) Hoạt động kinh doanh của NNC phụ thuộc phần lớn vào mỏ Núi Nhỏ. Mỏ Núi Nhỏ đóng góp đến 90% tổng sản lượng khai thác đá nhưng chỉ được khai thác đến cuối năm 2017. Mỏ Núi Nhỏ nằm gần hộ dân cư và hoạt động khai thác gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh nên việc gia hạn thêm thời hạn khai thác sẽ gặp nhiều khó khăn. Cho đến hiện tại, NNC vẫn chưa tìm được mỏ đá thay thế.

(ii) Nếu đầu tư vào mỏ đá mới, tổng mức đầu tƣ cần thiết sẽ khoảng 100 tỷ đồng, xấp xỉ bằng tổng giá trị tiền mặt NNC hiện đang có (14,9 tỷ đồng tiền và tương đương tiền và 82 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm). Doanh thu tài chính hàng năm sẽ không còn (trong năm 2015 là 7,3 tỷ đồng) trong khi mỏ mới cần thời gian để tạo ra lợi nhuận.

(iii) Cơ cấu cổ đông cô đặc nên thanh khoản cố phiếu NNC không ổn định. Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương là cổ đông nhà nước nắm giữ đến 37,7% vốn cổ phần, Công ty CP Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình năm giữ 15,8% và cổ đông nước ngoài sở hữu 19,3%, còn lại chỉ 27,2% do cổ đông cá nhân trong nước nắm giữ.

———————————

VNM: Sẽ tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN lên 100%. Cổ đông sẽ không cần biểu quyết đối với vấn đề này tại ĐHĐCĐTN.

HĐQT không gặp phải bất kỳ rào cản pháp lý nào trong quá trình tăng tỷ lệ room lên 100% – Công ty đã gửi thông báo này cho cổ đông trong chiều nay. Theo điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp, không có bất kỳ rào cản nào đối với Vinamilk buộc phải hạn chế tỷ lệ room cho NĐTNN. Hơn nữa, về mặt pháp lý, công ty cho rằng không cần thiết phải xin ý kiến cổ đông về vấn đề này và do đó công ty có thể tiến hành nới room ngay bây giờ.

Vẫn còn những lo ngại liên quan đến hoạt động của công ty nhưng nhiều khả năng sẽ được giải quyết trong năm nay – Thông báo này là tin tức khả quan, tuy nhiên thiếu những thông tin chi tiết và Chuyên viên không chắc chắn liệu thông tin này có nghĩa là Vinamilk đã làm rõ hay loại bỏ những trở ngại trong hoạt động có thể làm chậm tiến trình nới room hay không. Các rủi ro về hoạt động có thể bao gồm việc đầu tư ra nước ngoài (đầu tư trực tiếp thì được phép), thuế và các khoản vay ngân hàng (VNM không có bất kỳ khoản vay lớn nào) và mức độ quan trọng của các vấn đề này là khác nhau ở các doanh nghiệp khác nhau. Theo hiểu biết của Chuyên viên, các rủi ro hoạt động trong trường hợp này là không nghiêm trọng. Và do đó, Chuyên viên cho rằng đến cuối năm nay công ty có thể hoàn tất quá trình nới room.

———————————

PLC: Giới thiệu báo cáo cập nhật KQKD Q12016

Kì vọng vào sự cải thiện KQKD trong Q2/2016

Lợi nhuận Q1/2016 tiêu cực. Trong Q1/2016, doanh thu và LNST của PLC lần lượt đạt 1.171 tỷ đồng (-36% yoy) và 39 tỷ đồng (-34% yoy). Kết quả lợi nhuận tiêu cực là do hai nguyên nhân chính sau: (1) sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu nhựa đường khi PLC gần như chỉ đạt được mức hòa vốn trong Q1; (2) biên lợi nhuận có sự sụt giảm tương đối tiêu cực khi PLC đẩy mạnh sản lượng bằng sản phẩm nhũ tương và giảm giá bán. Hiện tại, giá bán nhựa đường của PLC đã giảm ~30% so với cuối năm trước và nhanh hơn tốc độ giảm của giá đầu vào. Điểm đáng lưu ý, phân khúc hóa chất đang có sự đóng góp tích cực khi biên lợi nhuận liên tục cải thiện từ Q42015 đến nay, đạt 11,5% trong Q12015 và gấp đôi so với cùng kì. Chuyên viên cho rằng nguyên nhân đến từ lợi thế đầu tư kho bãi với trữ lượng lớn nhằm tận dụng nguồn đầu vào giá rẻ.

Quan điểm và Định giá: Trong Q2/2016, KQKD của PLC dự kiến sẽ có sự cải thiện khi giá dầu đang hồi phục cùng với sự vận động trở lại của hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Điểm rơi về lợi nhuận của doanh nghiệp có thể sẽ nằm trong nửa cuối năm, từ đó hỗ trợ đà phục hồi của giá cổ phiếu.

Với việc tiêu thụ nhựa đường trong ngắn hạn tăng trưởng thấp và cạnh tranh tăng lên, Chuyên viên điều chỉnh kết quả dự báo năm 2016 và giảm mức giá mục tiêu đối với PLC so với báo cáo trước, từ 40.500 đồng/cp về 32.300 đồng/cp và khuyến nghị TÍCH LŨY trong TRUNG HẠN.

———————————

REE: Công bố KQKD Q1 kém khả quan. Triển vọng cả năm khiêm tốn. Lặp lại đánh giá NẮM GIỮ.

KQKD Q1 thấp do doanh thu mảng M&E giảm trong khi đó các công ty liên kết ghi nhận lỗ. Tuy nhiên điều đó không đáng lo ngại do có vẻ như KQKD của công ty chịu nhiều tác động bởi các yếu tố ngắn hạn như hạn hán và chu kỳ dự án nhiều hơn là các vấn đề về hoạt động. Do đó, Chuyên viên dự báo LNST cho cổ đông công ty mẹ 2016 sẽ tăng trưởng 4,6% với triển vọng hợp lý đối với mảng M&E và REETECH. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện sẽ là một cản trở trong hiện tại. Tòa nhà văn phòng mới sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu lợi nhuận từ năm tới.

Lặp lại đánh giá NẮM GIỮ. Room cho NĐTNN đã đầy và công ty không có kế hoạch nới room do hoạt động BĐS chủ chốt là ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Triển vọng tăng trưởng khiêm tốn và định giá rất hợp lý với P/B dự phóng là 0,9 lần. Tuy nhiên, Chuyên viên không nhận thấy nhiều yếu tố thúc đẩy tăng giá cổ phiếu ở đây đặc biệt khi mà room cho NĐTNN vẫn đầy.

KQKD Q1 thấp do doanh thu M&E cũng như lợi nhuận từ các công ty liên doanh đều giảm – REE (NẮM GIỮ), một tập đoàn đa ngành với các hoạt động M&E, cho thuê văn phòng đến dịch vụ tiện ích gần đây đã công bố KQKD Q1 kém khả quan với doanh thu thuần là 553 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ) và LNST cho cổ đông công ty mẹ là 98,8 tỷ đổng (giảm 62% so với cùng kỳ). Doanh thu giảm do ghi nhận lỗ từ các công ty liên kết. Với kết quả này, REE đã hoàn thành lần lượt 19% và 11% kế hoạch doanh thu và LNST cả năm.

Doanh thu M&E giảm do trong giai đoạn chuyển đổi của chu kỳ dự án – Theo từng mảng kinh doanh, doanh thu M&E giảm mạnh còn 196 tỷ đồng (giảm 44% so với cùng kỳ) do các dự án hiện tại gần kết thúc chu kỳ xây dựng và ghi nhận doanh thu trong khi đó các dự án mới chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động vẫn tăng 21% so với cùng kỳ đạt 67,9 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận hoạt động tăng từ 15,9% lên 34,6%.

Trong Q1, hoạt động M&E của REE tiếp tục ghi nhận doanh thu từ các dự án chủ chốt như Sài Gòn Center, Vietinbank Tower, nhà ga T2 – Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Mipec Riverside và khu phức hợp Tràng An. Đến cuối Q1/2016, tổng giá trị hợp đồng chưa thực hiện là 4.700 tỷ đồng (tăng 36% so với đầu năm). Gần đây, công ty cũng đã ký thêm một số hợp đồng lớn mới như dự án căn hộ Nassim Thảo Điền (Quận 2), khách sạn Citadines Bayfront Nha Trang và nhà ga mới tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Doanh thu từ Reetech tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm – Doanh thu từ mảng điều hòa nhiệt độ Reetech tăng đáng kể đạt 169 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu tăng lên do (1) thị trường BĐS phục hồi và (2) thời tiết nắng nóng gần ở mức kỷ lục. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm nhẹ từ 5,1% xuống 4,8%, theo đó lợi nhuận hoạt động là 7,7 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ). Chuyên viên nhận thấy thị trường điều hòa ngày càng cạnh tranh và Reetech đã cương quyết giữ thị phần đối với cả phân khúc bình dân và cao cấp. Điều này có thể phản ánh mức tỷ trọng đóng góp doanh thu cao hơn từ các dự án, là kênh tiêu thụ thường cho tỷ suất lợi nhuận thấp hơn một chút.

Doanh thu cho thuê văn phòng tăng khá – tăng 10% so với cùng kỳ đạt 134 tỷ đồng nhờ tỷ lệ thu tiền thực tế từ khách hàng tăng. Trước đây, REE thường áp dụng giá cho thuê hoặc chiết khấu đối với các khách hàng mới trong vài tháng đầu. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động tăng nhẹ, từ 57,4% lên 60,8%. Tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức cao, là khoảng 99% trong khi đó giá cho thuê giữ nguyên, dao động khoảng 16-17 USD/m2 (bao gồm phí dịch vụ và quản lý).

REE hiện tại đang quản lý khoảng hơn 100.000m2 sàn cho thuê ở 10 tòa nhà, chủ yếu ở quận Tân Bình với định hướng vào các công ty trong lĩnh vực công nghệ, là những công ty sẵn sàng thuê văn phòng ở những khu vực xa trung tâm hơn. Hiện tại, REE đang xây dựng 1 tòa nhà văn phòng mới ở quận 4 với tổng vốn đầu tư ở mức 1.200 tỷ đồng và diện tích sàn cho thuê là 34.118m2. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 và do đó sẽ đóng góp lợi nhuận từ 2018.

Thu nhập tài chính thuần tăng mạnh 152% đạt 79 tỷ đồng nhờ cổ tức từ các công ty liên kết tăng. Trong Q1, công ty đã nhận 77,6 tỷ đồng cổ tức từ VIID là công ty mà REE nắm giữ 46,37% cổ phần.

Đến cuối Q1, tổng giá trị danh mục đầu tư của REE dường như không đổi, là 4.741 tỷ đồng (chiếm 51% tổng tài sản). Mảng năng lượng chiếm 71% tổng đầu tư trong khi đó mảng nước chiếm 14%, BĐS chiếm 9% và 4% là đầu tư vào mảng than và phần còn lại 2% là đầu tư vào các mảng kinh doanh khác.

Room cho NĐTNN đã đầy nhưng công ty chưa có kế hoạch nới room trong hiện tại – REE chưa có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN lên 100% so BĐS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, REE sẽ chờ đợi những thay đổi hay cải cách từ phía chính phủ. Nếu cần tăng vốn, khi đó công ty sẽ cân nhắc phương án nới room.

Kế hoạch trả cổ tức phản ánh triển vọng lợi nhuận vừa phải – Cho năm 2015, công ty đã trả cổ tức là 10% mệnh giá, tương đương 1.000đ/cp bằng tiền mặt và 15% mệnh giá bằng cổ phiếu. Công ty cũng có kế hoạch cổ tức 2016 là tối thiểu 12% mệnh giá và chưa có kế hoạch cụ thể về hình thức chi trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Chuyên viên dự báo LNST cho cổ đông công ty mẹ 2016 sẽ là 892 tỷ đồng (tăng trưởng 4,6%), theo đó EPS dự phóng là 2.820đ. Với giá cổ phiếu hiện tại, cổ phiếu REE hiện giao dịch với P/E dự phóng khá hợp lý là 7,3 lần và P/B dự phóng là 0,9 lần.

Quan điểm đầu tư – Lặp lại đánh giá Nắm giữ. Định giá rất hợp lý, tuy nhiên triển vọng lợi nhuận có vẻ hạn chế trong thời điểm hiện tại. Với triển vọng tăng trưởng khiêm tốn từ các mảng kinh doanh chủ chốt. Đầu tư dài hạn của công ty vào mảng tiện ích là yếu tố thú vị, tuy nhiên, đầu tư vào thủy điện hiện vẫn chịu ảnh hưởng của hạn hán đang diễn ra. Trong khi đó, phần lớn các dự án nước vẫn đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu với ít hoặc chưa có lợi nhuận. Để tối đa hóa lợi nhuận của mảng này, Chuyên viên cho rằng REE cần xem xét các nhà máy điện lớn và/hoặc chờ đợi sự ra đời của thị trường bán điện cạnh tranh hoàn toàn, là dự báo dài hạn theo ý kiến của chuyên viên.

———————————

HT1: Việc mở rộng thị phần chưa được phản ánh trong định giá hiện tại

Chuyên viên điều chỉnh tăng 9% giá mục tiêu dành cho CTCP Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) và giữ khuyến nghị MUA để phản ánh quan điểm tích cực của Chuyên viên đối với triển vọng của công ty nhờ thị trường BĐS và các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng trưởng khả quan, thương hiệu mạnh của HT1 và rủi ro thực hiện thấp trong khi định giá còn thấp so với các công ty xi măng khác.

KQLN Quý 1 đầy ấn tượng với sản lượng xi măng bán ra cao hơn so với dự kiến. Trong Quý 1/2016, HT1 ghi nhận mức tăng trưởng LNST cốt lõi (không tính lỗ từ chênh lệch tỷ giá) đầy ấn tượng 149,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sản lượng bán ra tăng mạnh 20,3% dù giai đoạn này thường là mùa thấp điểm xây dựng. Chuyên viên điều chỉnh tăng giả định sản lượng xi măng bán ra sẽ tăng từ 10% lên 25% với kì vọng HT1 sẽ mở rộng được thị phần. Chuyên viên tiếp tục tin rằng HT1 sẽ tiếp tục mở rộng thị phần như trong các năm vừa qua. Giả định tăng trưởng sản lượng 2016 tương đương 7,5 triệu tấn clinker và xi măng tự sản xuất. Nhằm đạt được mức tăng trưởng mạnh này, HT1 dự kiến sẽ tái cấu trúc sang xi măng rời và tăng tỷ lệ xi măng rời từ 25% lên 30% bằng cách tăng cường sản lượng bán cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, tập trung vào xi măng rời sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Theo ước tính, việc HT1 nỗ lực mở rộng thị phần và tái cơ cấu sang xi măng rời sẽ khiến biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 22% xuống 21,8% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 17,2% xuống 15,3% vì xi măng rời có biên lợi nhuận thấp hơn so với xi măng bao cũng như chi phí quản lý và bán hàng sẽ tăng để đẩy mạnh sản lượng bán ra cho các chủ thầu xây dựng. Lỗ từ chênh lệch tỷ giá làm giảm LNST nhưng tác động trong tương lai sẽ giảm bớt. Trong Quý 1/2016, HT1 ghi nhận 37 tỷ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, Chuyên viên vẫn giữ giả định tỷ giá EUR/VND không đổi trong năm 2016 và dự báo tiền đồng Việt Nam chỉ trượt giá 3% so với đồng USD. Chuyên viên cũng xin lưu ý rằng HT1 sẽ trả dần nợ bằng euro trong 5 năm tới (2021), qua đó từng bước giảm tác động của tỷ giá đối với KQLN. Trả cổ tức trở lại với cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:5 cho năm 2015. Năm 2016, HT1 sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:5 bằng lợi nhuận năm 2015, tương đương 63.590.400 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối và ngày trả cổ tức vẫn chưa được ấn định.

Định giá đầy hấp dẫn. HT1 hiện đang giao dịch với tỷ lệ Giá trị doanh nghiệp/EBITDA thấp hơn đáng kể so với các công ty xi măng trong khu vực. Điều này tỏ ra không hợp lý vì công ty có tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. Giá mục tiêu hiện nay do Chuyên viên đưa ra có PER 2016 tương ứng là 15,05 lần với dự báo EPS 2.413VND, tăng 15,4% so với năm 2015.

———————————

NT2: Tăng trưởng sản lượng tăng nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cho biết sản lượng bán ra trong tháng tư đạt 483 triệu kWh, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán ra tính từ đầu tháng năm đến ngày 15/05 đạt 236 triệu kWh, cho thấy tăng trưởng sản lượng trong tháng đến nay đạt khoảng 3% (giả định tốc độ tiêu thụ cả tháng như nhau). Trên cơ sở này, Chuyên viên ước tính sản lượng bán ra 5 tháng đầu năm của NT2 sẽ tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, trong khi tăng trưởng sản lượng tiếp tục thấp thì ít nhất cũng phục hồi sau khi giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái hồi tháng ba.

Tuy nhiên, hiện đã là tháng năm và dự kiến trong 6 tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng sẽ không cải thiện mạnh, Chuyên viên điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng sản lượng bán ra cả năm từ 8% xuống 3%. Xin lưu ý rằng một nguyên nhân khác là Chuyên viên điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP từ 6,7% xuống 6,6%, cũng như mùa mưa bắt đầu sẽ khiến sản lượng thủy điện phục hồi. NT2 cũng cho biết hiện vẫn giữ nguyên cơ chế giá khí đầu vào và không phản ánh vào giá sàn mới áp dụng cho điện trên bao tiêu do GAS áp dụng cũng như phí vận chuyển tăng đối với đường ống Phú Mỹ – Nhơn Trạch (NT2 nhận khí đầu vào thông qua đường ống này). Tuy GAS đã áp dụng việc điều chỉnh giá này trong báo cáo tài chính, NT2 sẽ chỉ làm như vậy khi hồ sơ hợp đồng giá mới với GAS được hoàn tất, sau đó các điều khoản mới về giá sẽ được áp dụng hồi tố từ đầu năm 2016. Xin lưu ý rằng điều này sẽ không gây tác động đối với khả năng sinh lời theo hợp đồng mua bán điện vì NT2 sẽ có thể chuyển 100% phần tăng giá đầu vào cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, biên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh (khoảng 25% tổng sản lượng bán ra) có thể bị ảnh hưởng.

Chuyên viên hiện đang thu thập thêm số liệu về giá trần dành cho NT2 để xem xét tác động đối với lợi nhuận biên trên thị trường phát điện cạnh tranh. Chuyên viên hiện đưa ra giá mục tiêu 33.200 dành cho NT2, tổng mức sinh lời 17,6%, bao gồm lời suất cổ tức 7,3%, nhưng sẽ xem xét lại trong báo cáo cập nhật sắp tới. Giá cổ phiếu NT2 phiên hôm nay tăng 1%, chốt phiên tại mức 30.100VND vì tâm lý được hỗ trợ nhờ sản lượng phục hồi nhẹ tháng trước cũng như khẳng định cơ chế giá khí đầu vào tạm thời sẽ được giữ nguyên.

———————————

FMC: CTCP Thực phẩm Sao Ta (HSX: FMC – Vốn hóa: 587 tỷ đồng) gặp khó đầu 2Q2016

Theo thông báo gần nhất của Sao Ta, công ty gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu tôm đầu vào trong tháng Tư do thời tiết xấu, trái vụ tôm và cạnh tranh với các thương lái Trung Quốc. Kết quả, sản lượng sản xuất giảm 3% so với cùng kỳ còn 868 tấn. Sao Ta ghi nhận doanh thu 9.4 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Trong 1Q2016, Sao Ta bán được 2,344 tấn tôm thành phẩm và 262 tấn hàng nông sản khác, tăng tương ứng 25% và 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá bán giảm khiến doanh thu chỉ tăng 8% đạt 543 tỷ đồng, hoàn thành 16% kế hoạch năm. Thu nhập không thường xuyên giúp LNST tăng 29% so với cùng kỳ đạt 15 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận là 2.8%. Do yếu tố mùa vụ, Sao Ta nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh thuận lợi hơn trong quý 2 và quý 3. Cho cả năm 2016, Sao Ta đặt mục tiêu 3,360 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%, và 100 tỷ đồng LNTT, giảm 4% so với cùng kỳ. Ở mức giá thị trường 19.9k đồng/cp, FMC đang giao dịch tại mức PE dự phóng 2016 là 6.6x, dựa trên ước tính của công ty.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Ước tính thặng dự thương mại tháng 4 đạt 277 triệu USD

Cán cân thương mại tháng 4 giảm nhẹ so với tháng liền trước nhưng tăng so cùng kỳ. Theo đó, từ đầu năm đến hiện tại xuất siêu 1,76 tỷ USD so với mức nhập siêu 2,17 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu đều chỉ đạt tăng trưởng một con số so với cùng kỳ cho thấy các hoạt động thương mại có dấu hiệu chậm lại.

Hải quan công bố sơ bộ tình hình xuất, nhập khẩu tháng 4 với ước tính thặng dư nhẹ 277 triệu USD, so với mức thăng dư khá là 624 triệu USD trong tháng 3. Cụ thể, xuất khẩu đạt 14,35 tỷ USD (giảm 5,1% so với tháng 3 và tăng 6,4% so với cùng kỳ) trong khi đó nhập khẩu là 14 tỷ USD (giảm 2,9% so với tháng 3 và tăng 7,9% so với cùng kỳ).

Thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm đạt 1,76 tỷ USD – Theo đó, từ đầu năm đến hiện tại xuất siêu đạt 1,76 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 2,17 tỷ USD, trong khi 4 tháng đầu năm 2014 xuất siêu 2,12 triệu USD). Sau 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ trong khi đó nhập khẩu là 51,34 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Khu vực FDI tiếp tục xuất siêu thêm 1,89 tỷ USD trong tháng 4, tăng tốc so với mức xuất siêu 1,55 tỷ USD trong tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 4, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất khẩu 9,98 tỷ USD (giảm 6,7% so với tháng liền trước mặc dù tăng 6,8% so với cùng kỳ) và nhập khẩu 8,1 tỷ USD (giảm 7,1% so với tháng liền trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ). Theo đó, lũy kế 4 tháng đầu năm, khu vưc FDI xuất siêu 6,68 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 2,6 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất khẩu tổng cộng 37,23 tỷ USD (tăng 10,3% so với cùng kỳ) trong khi đó xuất khẩu 30,55 tỷ USD (giảm 1,9% so với cùng kỳ).

Về xuất khẩu, Chuyên viên nhận thấy các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt đều tăng đáng kể, cụ thể: điện thoại và linh kiện (tăng 22,4% so với cùng kỳ), may mặc (tăng 6,7% so với cùng kỳ), máy tính và hàng điện tử (tăng 7% so với cùng kỳ), giày dép (tăng 8,2% so với cùng kỳ) và máy móc và thiết bị khác (tăng 16,7% so với cùng kỳ).

Về phía nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng chủ chốt giảm, cụ thể: điện thoại và linh kiện (giảm 5,6% so với cùng kỳ), máy móc và thiết bị khác (giảm 9,4% so với cùng kỳ), thép (giảm 0,1% so với cùng kỳ). Trong khi, nhập khẩu một số hàng hóa khác tăng, bao gồm: máy tính và hàng điện tử (tăng 13,7% so với cùng kỳ), vải các loại (tăng 5,8% so với cùng kỳ).

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (17/05/2016):

17/05/2016 10:00 DHG Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 3,500 đồng/CP

17/05/2016 10:00 HQC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25:2

17/05/2016 10:00 WCS Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 3,000 đồng/CP

17/05/2016 10:00 VXB Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,200 đồng/CP

17/05/2016 10:00 SAF Ngày GDKHQ Thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 27%

 

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Nhật Cường nhận Quản lý Tài khoản, Tư vấn Đầu tư và Ủy thác Đầu tư Chứng khoán.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý