DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 15/04/2016 gồm cập nhật kim ngạch thương mại Q1, KBC, KDH, PLC, DPM, DHG, SSI, TLH, VIS

Lượt xem: 13,638 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index lấy lại sắc xanh sau phiên điều chỉnh, chỉ số tăng nhẹ 1,47 điểm lên mức 579,49 điểm cùng với 116,83 triệu cổ phiếu được khớp. Khối lượng giao dịch giảm phiên thứ hai, với mức giảm hơn 11.5%, rơi xuống dưới mức bình quân 20 phiên.

Đồ thị VN-Index ngày 14/04/2016

Đồ thị VN-Index ngày 14/04/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index đã bật tăng mạnh trở lại ngay khi chạm về vùng quanh ngưỡng 575 điểm. Tuy nhiên, chỉ số vẫn chưa thể chinh phục được ngưỡng cản 583.5 điểm, mức đỉnh cũ xác lập vào 17/03/2016. Mẫu hình nến đảo chiều tăng Piercing hình thành, nhưng do khối lượng giao dịch thấp và mẫu hình nến đảo chiều giảm Evening Star trước đó vẫn chưa bị đảo ngược, nên độ tin cậy của tín hiệu đảo chiều này chưa thật cao.

Một lần nữa mốc kháng cự 580 điểm tương ứng với đường MA200 ngày bị lỗi hẹn khi VN-Index cố vượt lên trên mức này, đây cũng là điểm chuyển trend trung hạn kể từ tháng 8/2015, với nổ lực bất thành này lực cung bán ra sẽ mạnh hơn ở phiên giao dịch tới. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index trong nhịp điều chỉnh này là xung quanh 572 – 575 điểm.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 15/04/2016, chỉ số VN-Index có thể sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Đồng thời, Nhật Cường nhận thấy xu hướng tâm lý nhà đầu tư vẫn suy yếu và chưa có dấu hiệu cải thiện tích cực cho nên chỉ số có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp “Bulltraps”. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế hưng phấn trong phiên.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 567.23 điểm. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục rung lắc và điều chỉnh khi các tin tức hỗ trợ cho thị trường đang dần ít đi. Nhà đầu tư tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp tăng mạnh của thị trường, đặc biệt là giảm tỷ trọng ở các cổ phiếu không có trong danh sách Top 50 cổ phiếu cần quan tâm hàng ngày của Nhật Cường. Đồng thời, nhà đầu tư cũng không nên mua đuổi giá cao trong giai đoạn này.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 14/04/2016:

VN-Index có phiên giao dịch tích cực trên ngưỡng 580 điểm trong hầu hết thời gian của phiên giao dịch, tuy nhiên ngưỡng tâm lí này vẫn chưa chinh phục được khi lực bán luôn chầu chực vào thời điểm cuối phiên. Thanh khoản giảm về dưới mức trung bình 20 ngày – mức thấp nhất trong tuần, độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá. Mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài ở mức khá và khối này mua ròng gần 130 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF premium 1,22%, FTSE ETF premium 0,39%.

• Các mã ngân hàng biến động trái chiều với VCB; BID và MBB tăng. STB đóng cửa tại tham chiếu. CTG; EIB và ACB giảm. UBCKNN đã chấp thuận cho STB gia hạn nộp BCTC kiểm toán 2015 cho đến khi NHNN phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu liên quan đến sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Có lẽ thời gian gia hạn sẽ dài. VCB tăng với ĐHCĐTN sẽ diễn ra vào ngày mai. Thị trường kỳ vọng KQKD Q1 sẽ khả quan và lưu ý là VCB đã đề xuất nâng vốn điều lệ thêm 13 nghìn tỷ đồng; từ 26,650 nghìn tỷ đồng lên 39,575 nghìn tỷ đồng.

• BVH đóng cửa tại tham chiếu. Các mã chứng khoán diễn biến trái chiều với SSI & VND đóng cửa tại tham chiếu trong khi HCM giảm nhẹ. PVI tăng. SSI đã công bố tài liệu họp ĐHCĐTN; trong đó đặt kế hoạch doanh thu là 1.430 tỷ đồng (tăng trưởng 7%) và LNTT là 950 tỷ đồng (giảm 11%). Kế hoạch này sát với dự báo của HSC (HSC dự báo LNTT đạt 920 tỷ đồng (giảm 13%)).

• VNM đóng cửa tại tham chiếu sau khi tăng nhẹ trước đó. FPT và BMP giảm.

• Các mã BĐS vẫn được NĐT quan tâm với VIC tiếp tục tăng tốt. BCI & TDH cũng tăng. KBC tăng mạnh và đã từng tăng trần trong hầu hết thời gian giao dịch. Hôm nay KBC đã tổ chức ĐHCĐTN và trong khi LNTT Q1 giảm 35% so với cùng kỳ còn 106 tỷ đồng thì công ty cũng đã công bố kế hoạch LG display sẽ thuê thêm 50ha đất. CII giảm trở lại. CTD tiếp tục đợt điều chỉnh gần đây.

• Các mã ngành tài nguyên giảm, dẫn đầu là GAS và PVD. Các mã này mở cửa khởi sắc sau khi giá dầu tăng đêm qua nhưng sau đó đồng USD đã mạnh lên và giá dầu giảm trong ngày.

• Nhóm cổ phiếu ngành Thép tiếp tục tăng điểm sau quyết định áp thuế tự vệ phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công Thương. Tâm lý đầu cơ, gom hàng tích trữ khi giá nguyên liệu sản xuất thép trên thị trường thế giới liên tục tăng từ sau Tết Nguyên Đán khiến sản lượng tiêu thụ thép trong tháng 3 tăng cao. HPG tiếp tục tăng trong khi HSG lình xình (hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền của HSG). PAC tăng trong khi DRC đóng cửa tại tham chiếu. TTF tăng. Mã EVE tiếp tục đà tăng. Công ty đã đặt kế hoạch lợi nhuận là 150 tỷ đồng (tăng trưởng 32%) và sẽ trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%.

• HAG/HNG hồi phục sau khi giảm gần đây. Các NĐT đang chờ thông tin tái cơ cấu nợ cho công ty và điều này có lẽ sẽ cần thời gian.

. Riêng nhóm cổ phiếu cảng (VIP và HAH), HAH được hỗ trợ bởi lực cầu mạnh tại vùng P/E thấp (chỉ khoảng 6x) và mức cổ tức tiền mặt khá hấp dẫn (30%), tương ứng với tỷ suất cổ tức gần 7%. Ngoài ra, VIP nhiều khả năng lại nổi sóng từ tin đồn bán tài sản (Cảng Xanh Vipco).

. Chiều nay Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH: HOSE) đã tổ chức ĐHCĐ, thông qua đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tƣ nƣớc ngoài lên mức 60%. TDH đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2016, doanh thu chỉ tăng nhẹ 2,01%, đạt 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng cho cổ đông công ty mẹ tăng mạnh 74,5%, đạt 80,2 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu TDH tăng 400 đồng (+2,9%), đạt mức giá 14.300 đồng/cổ phiếu.

Trên HSX, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên 112 tỷ đồng. SSI dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 1,8 triệu đơn vị. HPG, GAS và STB được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, HAG dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 529 nghìn đơn vị. HSG và DIG cũng bị bán ròng nhẹ.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng trên 16 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 627 nghìn đơn vị. SHS, VND và BVS cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, KLS dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 216 nghìn đơn vị. DBC và NDN cũng bị bán ròng nhẹ.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

KBC: Tổ chức ĐHĐCĐTN 2016, công bố thương vụ cho thuê đất lớn với LG Display và các phương án tăng vốn. Hạ đánh giá từ Mua vào xuống Khả quan.

KBC đã tổ chức ĐHĐCĐTN hôm nay. Sau đây là những ghi nhận chính.

KQKD Q1 không ấn tượng – Công ty đã gửi công bố qua email đến Bloomberg KQKD Q1 sơ bộ với LNST giảm 35% so với cùng kỳ là 106 tỷ đồng, trong khi doanh thu giảm 18% so với cùng kỳ là 445 tỷ đồng. Với tình hình kinh doanh có nhiều biến động và thông thường ghi nhận ít khả quan hơn vào Q1. Đây mới là những ước tính sơ bộ và Chuyên viên cũng chưa có con số cụ thể.

Thương vụ cho thuê 40-50ha đất với LG Display tại KCN Tràng Duệ – Công ty cũng cho biết LG Display sẽ xây dựng một nhà máy mới với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD trên khu đất rộng 40-50ha tại KCN Tràng Duệ. Giả định giá cho thuê là 63 USD/m2, theo đó ước tính giá trị thương vụ này sẽ là 600 tỷ đồng. Chuyên viên đánh giá triển vọng của KBC khá sáng sủa vì tương tự như với LG Electronics, thương vụ với LG Display nhiều khả năng sẽ thu hút hàng loạt vệ tinh trong chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp này. Chuyên viên cũng lưu ý rằng, năm 2014, LG Electronics đã đầu tư 1,5 tỷ đô vào KCN Tràng Duệ và cho đến hiện tại, các doanh nghiệp vệ tinh cũng đã đầu tư khoảng 2 tỷ đô vào KCN này.

Phát hành cổ phiếu mới sẽ tăng tổng số cổ phiếu thêm 45% – công ty hiện có nhiều phương án phát hành cổ phiếu mới:

• Phương án phát hành 94 triệu cổ phiếu bằng cổ phiếu trả cổ tức trị giá 940 tỷ đồng với nguồn vốn tài trợ là lợi nhuận chưa phân phối của năm 2015;

• Phương án chào bán riêng lẻ 120 triệu cp (1.200 tỷ đồng) cho dưới 100 nhà đầu tư chiến lược với giá bán không thấp hơn 15.000 đ/cp;

• Phương án phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP bằng mệnh giá với giá trị tổng cộng là 30 tỷ đồng.

Với các phương án chào bán cổ phiếu này, tổng số cổ phiếu đang lưu hành sẽ tăng 45% lên 692 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ cũng sẽ tăng lên 6.927 tỷ đồng.

• Phát hành 1.000 – 2.000 tỷ đồng trái phiếu, có thể là trái phiếu thường hoặc trái phiếu chuyển đổi.

Công ty trình hai kế hoạch kinh doanh dựa trên tiến triển của hiệp định TPP – Kế hoạch kinh doanh cho năm 2016 khá khả quan với 2 kịch bản đưa ra dựa trên tiến triển của việc ký kết hiệp định TPP:

• Kịch bản 1: Quốc Hội tất cả các nước đều sớm thông qua hiệp định TPP và các NĐT sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, ước tính doanh thu 2016 có thể đạt 2.900 tỷ đồng và 850 tỷ đồng LNST.

• Kịch bản 2: TPP sẽ chậm thông qua hơn dự kiến. Các NĐT trì hoãn các quyết định đầu tư. Và theo đó kế hoạch doanh thu 2016 là 1.900 tỷ đồng theo đó LNST là 630 tỷ đồng.

Chuyên viên nhận thấy rằng Quốc Hôiị Việt Nam sẽ sớm thông qua TPP trong mùa hè này, đồng thời nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ phê duyệt vào tháng 11 hoặc tháng 12/2016. Đây là thời điểm dự kiến diễn ra sau kỳ bầu cử và trước khi Tổng thống và Quốc hội mới nhận chức. Sau khi cuộc bầu cử tại Mỹ kết thúc, Quốc hội nhiều quốc gia khác mới đưa ra quyết định chính thức của mình Do đó, thời gian hoàn tất nhiều khả năng sẽ chậm hơn tiến độ ban đầu.

Chuyên viên dự báo LNST tăng trưởng 18% – Dự báo của Chuyên viên sát với kịch bản thứ 2 của công ty hơn, cụ thể Chuyên viên ước tính doanh thu và LNST lần lượt là 2.000 tỷ đồng (tăng trưởng 40%) và 700 tỷ đồng (tăng trưởng 18%). Tính đến tác động pha loãng do phát hành cổ phiếu mới, EPS dự phóng là 1.033đ/cp và P/E dự phóng là 12 lần.

Chuyên viên ước tính RNAV vào khoảng 19.200đ/cp dựa trên diện tích KCN sở hữu. Giá trị NAV sẽ tăng lên khi dự án mở rộng KCN Tràng Duệ thêm hơn 600 ha được hoàn tất. Lưu ý rằng KCN Tràng Duệ hiện có diện tích 400 ha. Với ước tính RNAV như vậy, cổ phiếu KBC hiện đang giao dịch với giá thấp hơn 31,25% so với NAV.

Quan điểm đầu tư – Hạ đánh giá từ MUA VÀO xuống KHẢ QUAN do những quan ngại về tác động pha loãng đối với lượng cổ phiếu mới được phát hành. Chuyên viên vẫn ưa thích câu chuyện với cổ phiếu KBC và đánh giá về kết quả hoạt động, công ty vẫn sẽ đạt tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận trong một vài năm tới. KBC là một trong những lựa chọn tốt nhất để tham gia câu chuyện TPP với do được hưởng lợi trực tiếp từ Nghị định này. Công ty hiện vẫn đang quản lý tốt và và quá trình tái cấu trúc nợ đang diễn ra khá thành công. Tuy nhiên, quy mô tăng vốn trong thời gian tới dẫn đến một số lo ngại về rủi ro pha loãng. Giá cổ phiếu hiện đã phục hồi phần nào sau những đợt sụt giảm vào đầu năm.

—————————

KDH: Nhà Khang Điền (HOSE: KDH, Vốn hóa: 4,338 tỷ đồng) KQKD tăng trưởng nhờ hợp nhất báo cáo tài chính với BCI trong năm 2015. Với việc trở thành công ty mẹ của BCI, doanh thu và lợi nhuận sau thế của KDH tăng trưởng mạnh trong năm 2015. Cụ thể, doanh thu KDH đạt 1,051 tỷ đồng (+66%) và LNST công ty mẹ đạt 260 tỷ đồng (+155%). Trong năm 2015, KDH đã mở rộng quỹ đất của mình lên 800 ha bằng (1) mua lại 57.3% cổ phần của công ty BCI – công ty có quỹ đất 600 ha (2) mua lại các công ty BĐS Không Gian Xanh, Kim Phát và Bình Trưng, qua đó sở hữu các quỹ đất thuộc sự quản lý của những công ty này. Trong năm 2016, KDH đặt kế hoạch tiêu thụ khoảng 400 căn trong tổng số 700 căn hộ sẵn sàng để bán. LNST hợp nhất 2016 là 400 tỷ đồng, trong đó có 70 tỷ đồng đến từ BCI. Trong những năm tới, KDH vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm truyền thống như nhà phố, biệt thự. Đối với các quỹ đất lớn của BCI, ban lãnh đạo của KDH có kế hoạch triển khai đền bù và kinh doanh từ cuối năm 2017, đầu năm 2018. Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%, đồng thời cổ tức 7% bằng tiền mặt trong tổng số 15% sẽ được chi trả trong thời gian tới. Hiện tại, KDH đang được giao dịch ở mức P/E là 14 lần.

————————

PLC: Ghi nhận từ ĐHCĐ – Kế hoạch năm 2016 phù hợp với dự báo; cổ tức vẫn khá hấp dẫn. Chuyên viên đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Tổng CT Hóa chất Dầu khí (HNX: PLC). Quan điểm của Chuyên viên vể triển vọng trung hạn của PLC vẫn là tích cực nhờ vào gia tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng trong những năm tới, dù tỷ lệ này đang chững lại trong ngắn hạn. Do đó, giá mục tiêu của của Chuyên viên dành cho PLC vẫn giữ nguyên ở mức 34.300 đồng/CP. Tuy nhiên, Chuyên viên điều chỉnh giảm khuyến nghị của PLC từ MUA xuống KHẢ QUAN do giá cổ phiếu đã tăng từ báo cáo cập nhật gần nhất của Chuyên viên. Kế hoạch năm 2016 là khá thận trọng…Ban lãnh đạo có kế hoạch đạt LNST 311 tỷ đồng (14 triệu USD) và doanh thu 6.000 tỷ đồng (267 triệu USD) cho năm 2016, thấp hơn lần lượt 5,2% và 13,4% KQKD năm 2015. Những luận điểm chính để đưa ra kế hoạch này là: (1) PLC sẽ duy trì 35% thị phần nhựa đường trong nước nhưng tổng nhu cầu nhựa đường sẽ thấp hơn 30% trong năm này, do trì hoãn giải ngân vào cơ sở hạ tầng trong nửa đầu năm 2016, (2) thị trường dầu nhờn đang bị cạnh tranh gay gắt, do đó PLC chỉ giả định mức tăng trưởng 6% của doanh số dầu nhờn bán ra. Tuy nhiên, doanh thu và LNST kế hoạch vẫn tương ứng với với mức tăng biên LN ròng 0,5 điểm %, vẫn phản ánh tác động tích cực từ giá dầu thô thấp hơn trong năm nay. ….nhưng vẫn phù hợp với dự báo của Chuyên viên. Doanh thu và LNST kế hoạch đạt lần lượt 93% và 92% dự báo tương ứng của Chuyên viên, phù hợp với dự báo của Chuyên viên về việc ban lãnh đạo công ty thường có xu hướng thận trọng, với lợi nhuận thực tế thường cao hơn 10-20% so với kế hoạch. Chấp thuận mức cổ tức 3.000 đồng/CP cho năm 2015, tương ứng với lợi suất cổ tức 9,6%. Mức cổ tức này đã được chi trả trước vào tháng 12/2015. Chấp thuận mức cố tức tiền mặt tối thiểu 2.000 đồng/CP trong năm 2016, cao hơn con số kế hoạch ban đầu của năm 2015 là 1.500 đồng/CP (sau đó nâng lên thành 3.000 đồng), tương ứng với lợi suất cổ tức 6,4%. Sau khi thanh toán trước cổ tức năm 2015 trị giá 242 tỷ đồng (11 triệu USD), PLC vẫn có số dư tiền mặt lớn 1.336 tỷ đồng (59 triệu USD) vào cuối năm 2015, củng cố cho quan điểm rằng PLC có thể sẽ tiếp tục duy trì mức cổ tức ít nhất là 3.000 đồng/CP tương tự năm 2015 cho năm 2016 và các năm sau đó. LNTT sơ bộ quý 1/2016 là khá kém tích cực, khi chỉ đạt ước tính 43 tỷ USD (1,9 triệu USD), giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 11% kế hoạch của ban lãnh đạo và 10% dự báo của Chuyên viên. Theo ban lãnh đạo, kết quả này được dẫn dắt chủ yếu từ mức tăng trưởng thấp của mảng dầu nhờn, khi gần như không có sự đóng góp nào từ nhựa đường trong bối cảnh giải ngân vào cơ sở hạ tầng đang tam thời gián đoạn. Như đã đề cập trong báo cáo cập nhật gần nhất của Chuyên viên, một vài dự án đường cao tốc và nâng cấp sân bay có nhu cầu nhựa đường cao đã hoàn tất trong năm 2015, và các dự án mới đang bị trì hoãn so với kế hoạch. Chuyên viên cho rằng nhu cầu nhựa đường sẽ tăng trở lại từ quý 2 trở đi, khi các hoạt động ở các dự án trở lại. Do đó, Chuyên viên sẽ không sử dụng kết quả quý 1 để tính toán diễn biến cả năm và tiếp tục giữ nguyên dự báo. Định giá vốn đã hấp dẫn và có thể sẽ trở nên hấp dẫn hơn. PLC đang giao dịch với PE dự phóng 7,9 lần, tỏ ra khá hấp dẫn với triển vọng trung hạn và lợi suất cổ tức cao 9,6% dự kiến trong năm 2016. Chuyên viên cho rằng giá trị định giá sẽ còn trở nên hấp dẫn hơn khi KQKD quý 1 được công bố và đây có thể là điểm mua vào thích hợp cho các NĐT.

——————————–

DPM: Trong năm 2015, TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HSX – DPM) là một trong số ít các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn PVN ghi nhận KQKD khả quan. Nguyên nhân là xu hướng giảm của giá dầu kéo dài từ nửa cuối năm 2014 giúp hoạt động kinh doanh của DPM thuận lợi hơn dù yếu tố cung-cầu và chính sách của ngành phân bón có những điểm bất lợi đáng kể. Với triển vọng của giá dầu thế giới thấp như hiện nay, Chuyên viên kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của DPM trong năm 2016 kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan. Dù vậy, đối lập với việc được hưởng lợi từ giá dầu thấp, Chuyên viên cho rằng DPM sẽ đối mặt với nhiều thách thức: (1) Điều kiện thời tiết bất lợi có thể ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng và giá bán ure; (2) cạnh tranh gia tăng đến từ nguồn cung dồi dào trong nước và nhập khẩu và (3) do có liên quan đến việc bảo lãnh khoản nợ vay của PVTex, DPM có thể gánh chịu chi phí tiềm tàng trong trường hợp PVtex mất khả năng thanh toán. Về dài hạn, Chuyên viên đánh giá cao vị thế và năng lực kinh doanh của DPM, bởi lẽ, rất ít các doanh nghiệp trong ngành phân bón đang chủ động mở rộng từ mảng hoạt động truyền thống sang các mảng khác như hóa chất, NPK,… Dựa trên những phân tích để đưa ra kịch bản cơ sở, Chuyên viên dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty ước đạt lần lượt 8.895 tỷ đồng và 1.664 tỷ đồng, tương đương với EPS là 3.614 đồng/cp. Bên cạnh đó, DPM cũng thuộc nhóm các DN có tỷ lệ chi trả cổ tức cao và ổn định trên thị trường chứng khoán. Vào cuối năm 2015, doanh nghiệp đã tạm ứng 25% cổ tức tiền mặt và phần cổ tức còn lại cho năm 2015 sẽ được thông qua tại ĐHCĐ tổ chức vào ngày 28/04/2016 tới đây.

——————————

DHG: Mức chi cổ tức tiền mặt năm 2015 cao hơn dự kiến. Tại ĐHCĐ thường niên sắp tới ngày 28/04/2016, DHG sẽ trình cổ đông thông qua mức cổ tức tiền mặt 3.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 3,9% theo giá đóng cửa hôm nay) cho năm 2015 so với đề xuất ban đầu 2.500 đồng/CP. Mức này cũng cao hơn dự kiến 3.000 đồng/CP của Chuyên viên, cũng là mức được duy trì từ năm 2012. Kết hoạch năm 2016 vẫn giữ nguyên theo những thông tin công bố tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 12/2015, trong đó kế hoạch doanh thu thuần tăng trưởng 3,5% so với năm 2015, trong khi LNST sẽ tăng trưởng 15% so với năm 2015. Kế hoạch này là phù hợp với dự báo của Chuyên viên, trong đó Chuyên viên kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ đến từ mức cơ sở thấp năm 2015, cải thiện doanh số từ các khách hàng nhỏ nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và mức thuế giảm nhờ nhà máy mới. Công ty cũng vừa công bố KQLN sơ bộ quý 1/2016 với lợi nhuận trước thuế 171 tỷ đồng (+26,5% so với cùng kỳ), tương đương với 22% dự phóng của Chuyên viên. Chuyên viên hiện đang có mức giá mục tiêu 71.500 đồng cho DHG (tương ứng với tổng mức sinh lời -16,7%). Chuyên viên sẽ có báo cáo cập nhật sau KQKD quý 1 và ĐHCĐ sắp tới.

—————————–

SSI: Kế hoạch lợi nhuận 2016 giảm 11%, song song với kế hoạch phát hành thêm 2.1% cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Công ty CP CK Sài Gòn (SSI) công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên 2016, trong đó, kế hoạch doanh thu tăng 7% nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 11%. Theo Chuyên viên, việc sụt giảm trong kế hoạch LNTT chủ yếu liên quan đến hoạt động đầu tư, do trong năm 2015, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 300 tỷ đồng từ việc hoàn nhập dự phòng. Khoản lợi nhuận bất thường này, khả năng cao sẽ không lập lại trong tương lai. SSI cũng đề xuất kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP năm 2016 dành cho các thành viên HĐQT, Ban Kiểm Soát, các nhân sự chủ chốt và các công ty con, với tổng số cổ phiếu phát hành mới không quá 10 triệu cổ phiếu, tương đương 2,1% lượng cổ phiếu đang niêm yết. Giá thực hiện dành cho các cổ phiếu ESOP này dự kiến sẽ bằng mệnh giá (10.000VND/cổ phiếu) và trên cơ sở giá đóng cửa phiên hôm nay 21.700VND/cổ phiếu, Chuyên viên tính toán tỷ lệ pha loãng sẽ là 1,1%. HĐQT cũng xin ý kiến cổ đông về việc triển khai nghiệp vụ và sản phẩm mới bao gồm kinh doanh chứng khoán phái sinh và chứng quyền có đảm bảo khi pháp luật cho phép. Chuyên viên hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho SSI với giá mục tiêu 20.900VND/cổ phiếu.

—————————

TLH: Quý 1 lãi ròng 106 tỷ đồng cao gấp 32 lần cùng kỳ CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã CK: TLH) công bố KQKD quý 1/2016 với kết quả hết sức ấn tượng. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.008,46 tỷ đồng tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng giá vốn hàng bán giảm giúp TLH lãi gộp gần 130 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần cùng kỳ 2015. Theo phân tích trước đó của Chuyên viên, Thép Tiến Lên đã tích trữ được nhiều hàng tồn kho giá rẻ trong năm 2015 trong khi giá bán thép thành phẩm quý 1/2016 tăng mạnh. Đây là lý do giúp công ty đạt lãi gộp cao. Trong kỳ mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính giảm gần 2 tỷ đồng nhưng chi phí của hoạt động này lại giảm tới hơn 7 tỷ đồng trong đó chủ yếu là nhờ cắt giảm chi phí lãi vay. Đáng chú ý công ty có tới 5,13 tỷ đồng lãi từ hoạt động liên doanh, liên kết trong khi quý 1/2015 chỉ thu được gần 320 triệu đồng từ hoạt động này. Sau khi trừ các khoản chi phí, Thép Tiến Lên báo lãi ròng 105,7 tỷ đồng trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là 103,88 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 3,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 1.227 đồng. Được biết trong tài liệu họp ĐHCĐ tổ chức thời gian tới đây, Thép Tiến Lên nhận định sự hồi phục kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là cơ sở quan trọng để đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016. Ngành nghề dự báo sẽ tăng trưởng mạnh 2016 là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng nông-lâm sản. Ngành thép dự báo tăng trưởng 8-10% so với 2015. Theo đó, Thép Tiến lên đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2016. Cũng trong bộ tài liệu này, TLH còn lên kế hoạch thành lập chi nhánh tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD tương đương 66 tỷ đồng đồng thời cũng trình phương án thành lập Trung tâm thương mại và kinh doanh vật liệu xây dựng với 17 hạng mục, tổng khái toán toàn bộ khoảng 120 tỷ đồng. Như vậy nếu kế hoạch kinh doanh 2016 được cổ đông thông qua thì kết thúc quý 1/2016 TLH đã hoàn thành được 43,3% kế hoạch LNST cả năm 2016.

—————————

VIS: Hưởng lợi từ biện pháp tự vệ, báo lãi quý 1 gần 22 tỷ đồng CTCP Thép Việt Ý (mã CK: VIS) đã công bố BCTC quý 1/2016 với kết quả kinh doanh khả quan hơn hẳn so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ mặc dù giảm 9% so với cùng kỳ đạt gần 670 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán giảm đến 15% đã giúp biên lãi gộp VIS cải thiện mạnh, lợi nhuận gộp trong quý 1/2016 đạt 50,76 tỷ đồng cao gấp 4,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh trong khi nhờ chi phí lãi vay được cắt giảm đã giúp chi phí tài chính trong kỳ chỉ còn bằng gần 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng và chi phí QLDN cũng lần lượt giảm thêm 62% và 7,3% so với cùng kỳ nên kết quả VIS lãi ròng quý 1/2016 đạt 21,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 40 tỷ đồng – Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất của thép Việt Ý trong suốt 18 quý qua. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận quý 1 tăng trưởng mạnh do sau một thời gian dài giảm sút, thị trường nguyên liệu thép thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại. Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép liên tục tăng trong quý 1/2016 do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất là do ảnh hưởng từ Trung Quốc. Thị trường thép trong nước tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt nhờ sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Diễn biến đáng chú ý nhất ảnh hưởng tới thị trường thép đó là quyết định số 82/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài, theo Thép Việt Ý chính sách này đã giúp giá thép xây dựng ở thị trường trong nước trở về đúng giá trị thực của nó. Được biết tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông của thép Việt Ý đã thông qua kế hoạch 2016 với doanh thu 2.480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 36 tỷ đồng.Như vậy với kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng, ngay trong quý đầu tiên của năm 2016, VIS đã hoàn thành tới 61% kế hoạch LNTT cả năm 2016. Diễn biến giá cổ phiếu VIS trong 3 tháng qua, so với các cổ phiếu thép khác hiện VIS là cổ phiếu có mức độ sinh lời thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Q1 Việt Nam xuất siêu 1,36 tỷ USD

Cục Hải quan đã công bố số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu Q1 với tổng mức xuất siêu là 1,36 tỷ USD (Q1 năm ngoái nhập siêu 2,6 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu Q1 đạt 38,77 tỷ USD; tăng 6,6% so với cùng kỳ trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 37,4 tỷ USD; giảm 4%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt là ĐTDĐ & linh kiện; quần áo và máy tính & điện tử tăng mạnh hơn so với mức tăng chung.

Q1 năm nay trở mình xuất siêu có lẽ là nhờ vào nhiều nhân tố (1) kim ngạch nhập khẩu giảm do nhu cầu nhập hàng hóa trung gian của các doanh nghiệp FDI giảm, có lẽ là do các doanh nghiệp giải phóng bớt hàng tồn kho vì dự báo cầu năm nay sẽ kém và (2) giá hàng hóa cơ bản tăng trở lại giúp giá trị xuất khẩu những mặt hàng này tăng. Theo tình hình hiện nay, có vẻ năm nay Việt Nam sẽ xuất siêu hoặc nhập siêu nhẹ; và đây sẽ là nhân tố tích cực cho tỷ giá và tài khoản vãng lai.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (15/04/2016):

15/04/2016 10:00 KVC Ngày GDKHQ Thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 1:2, giá 10,000 đồng/CP

15/04/2016 10:00 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016: EVE, VFG, VEF, GAS, VCB, BCC, TTF, VPK

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý