DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 11/05/2016 gồm cập nhật ngành dầu khí, KBC, SBT, DIG, DIC, DAG

Lượt xem: 14,034 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tăng nhẹ 1,2 điểm (tương đương 1,2%) lên mức 605,05 điểm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 107 triệu cổ phiếu.

Đồ thị VN-Index ngày 10/05/2016.

Đồ thị VN-Index ngày 10/05/2016. Nguồn: Amibroker

 

Sau một phiên tạo cây nến đỏ dài trước đó, tâm lý bán tiếp tục thể hiện trong trong phiên tiếp theo khi mở cửa thị trường VNIndex đã giảm hơn 3 điểm và giảm mạnh hơn xuống dưới 598 điểm. Tuy nhiên, thị trường lại lần nữa xuất hiện dòng tiền mạnh nhắm đến nhóm cổ phiếu Ngân hàng như BID, VCB, CTG… kéo chỉ số này hồi phục và tăng nhẹ. Thị trường hiện tại đang được dẫn dắt bởi những dòng tiền bí ẩn và nhóm cổ phiếu LargeCap. Tuy nhiên phiên tăng điểm nhẹ ngày hôm nay không có nhiều ý nghĩa bởi dường như bên mua đang ngày càng lo ngại rủi ro hơn. Bằng chứng về thanh khoản cho thấy rõ điều này khi liên tiếp những phiên gần đây thanh khoản đang giảm dần đều. Dòng vốn ngày hôm nay được cho là thiếu tích cực mặc dù sự quyết liệt thoát khỏi thị trường không quá lớn tuy nhiên lực cầu tại thời điểm chỉ số hồi phục cho thấy sự thận trọng rất cao. Hiện tượng này có thể kéo theo tâm lý đứng ngoài thị trường nếu như các biến động của chỉ số không có đột biến.

Ngoài ra, mô hình nến ngày 10/05 là một nến xanh rỗng tăng điểm nhưng đỉnh cao nhất không vượt được qua mức ½ thân nến của phiên liền trước. Đồng thời, điểm thấp nhất đạt được của phiên có dấu hiệu vi phạm vào khu vực hỗ trợ mạnh khi xuyên dưới mức 600 điểm. Mặc dù với kết thúc tăng nhẹ nhưng rõ ràng chỉ số đang tái khẳng đỉnh phiên 09/05 vẫn là đỉnh cao nhất và tín hiệu giảm từ phiên 09/05 chưa có sự cải thiện.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 11/05/2016, chỉ số VN-Index có thể sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn và hướng về mức hỗ trợ 590 điểm. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng dòng tiền tiếp tục không lan tỏa rộng trên toàn thị trường mà chủ yếu chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu trụ. Do đó, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và thị trường chưa có động lực để tiếp tục duy trì đà tăng. Nhật Cường đánh giá cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận/rủi ro ở giai đoạn hiện tại là rất thấp. Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên đến việc bảo toàn vốn hơn là tìm kiếm lợi nhuận ở thời điểm này.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 591.72 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạ tỷ trọng ở các cổ phiếu đã tăng mạnh hoặc vi phạm các mức cắt lỗ trong các nhịp tăng.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 10/05/2016:

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là điểm nhấn khi đưa VN-Index thoát khỏi phiên giảm điểm sau lực bán khá lớn trên diện rộng vào phiên sáng. Giá trị giao dịch giảm nhẹ, độ rộng thị trường thu hẹp. Mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao và khối này mua ròng 77 tỉ đồng trên cả hai sàn. VNM ETF discount -1,38%, FTSE ETF premium 0,36%.

• Các mã ngân hàng có một phiên khởi sắc dưới sự dẫn dắt của các mã VCB; CTG và BID. EIB tăng tốt. STB tăng. ACB & MBB đóng cửa tại tham chiếu.

• BVH hồi phục và PVI cũng tăng. Các mã chứng khoán giảm, dẫn đầu là SSI & HCM. VND đóng cửa tại tham chiếu.

• VNM giảm, MSN đóng cửa tại tham chiếu trong khi KDC giảm. KQKD khả quan đã giúp VNM tăng hôm qua nhưng hôm nay lực mua đã không được duy trì trước lo ngại tốc độ nới room diễn ra chậm. Thị trường hiện đã nắm rõ nội dung về định hướng tương lai trong tài liệu họp ĐHCĐTN của VNM.

• Các mã dầu khí diễn biến trái chiều với GAS đóng cửa tại tham chiếu trong khi PVD; PVS và PXS giảm. Giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai gần đây biến động trong biên độ hẹp và hiện ngành đang không có nhiều thông tin. Có thể nói KQKD Q1 là đáy trong chu kỳ hiện tại và NĐT sẽ chờ KQKD trong ngành có sự cải thiện trên thực tế trước khi mua vào trở lại cổ phiếu ngành này.

• Các mã BĐS có một ngày giao dịch không mấy nổi bật với VIC & BCI đóng cửa tại tham chiếu trong khi NLG và DXG giảm. KBC và CII tăng. CII công bố KQKD Q1 không có gì nổi bật.

• Các mã ngành sản xuất giảm, dẫn đầu là HPG. PAC cũng giảm trong khi HSG đóng cửa tại tham chiếu. Các mã ngành ô tô không tăng giảm nhiều mặc dù doanh số của ngành trong tháng 4 tăng 38,1% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn một chút so với tháng trước. TTF và SHI giảm mạnh.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng hơn 70,5 tỷ đồng. PVT dẫn đần về khối lượng mua ròng với trên 1,1 triệu đơn vị. CII và GAS được mua ròng lần lượt 502 nghìn 496 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, FLC dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 2 triệu đơn vị. KSA, DXG và BVH bị bán ròng nhẹ. Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ gần 6,4 tỷ đồng. VND và KHB được mua ròng lần lượt 218 nghìn và 146 nghìn đơn vị. Khối ngoại không tập trung bán ròng mã nào trên HNX.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên HSX và HNX. Nếu loại trừ giá trị giao dịch thỏa thuận tại VIC trong phiên hôm qua thì khối ngoại đã mua ròng 8 phiên liên tục trên cả 2 sàn. Trong bối cảnh 2 quỹ ETFs “án binh bất động 5 tuần liên tục”, dòng vốn ngoại thời gian gần đây được đánh giá hoạt động rất tích cực. Mặc dù luôn mua ròng, duy trì tỷ lệ tham gia 8% – 9% trong vòng 1 tuần qua nhưng dòng vốn ngoại có xu hướng khá tập trung vào các mã ngân hàng, cụ thể VCB, BID và BVH và không tạo được sự lan tỏa cũng như lôi kéo dòng vốn nội thuần tham gia. Rõ ràng, nguyên nhân thanh khoản toàn thị trường có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây là sự sụt giảm của vốn nội thuần. Kể từ ngày 5/5 vừa qua, vốn nội thuần đã chính thức tụt khỏi mốc 2.000 tỷ đồng. Từ giai đoạn cuối năm 2015 đến nay, chỉ có thời gian gần đây vốn nội thuần mới hoạt động kém như vậy.

Đợt tăng ngày hôm nay lại cho thấy mức độ rủi ro cao hơn.

(1) Thị trường hiện tại đang là “sân chơi” riêng của các trụ. Các trụ phối hợp tốt thì các mốc kháng cự không mang nhiều ý nghĩa nhưng nếu chỉ cần thiếu sự đồng thuận tại 1 vài mã thì xung lực thị trường yếu đi một cách thấy rõ. Mức độ tập trung vốn cao nhưng không hiệu quả đễ dẫn đến tình trạng chán nản và dẫn đến tình trạng dòng tiền rút đi trong thời gian gần đây.

(2) Vốn ngoại đang hoạt động mạnh nhưng như trong những bản tin trước, dòng vốn này nhiều khả năng là dòng tiền P-notes, mang tính chất tập trung và ngắn hạn. Hơn nữa, vốn ngoại tích cực nhưng lại không thu hút được nhà đầu tư nội tham gia.

Thị trường hiện tại có thể gây bất ngờ với những “cú nẩy”. Nhưng quan trọng sẽ đi xa đến đâu với lượng tiền ít ỏi như hiện tại cộng với độ tập trung vốn cao như vậy. Diễn biến thị trường hiện tại chỉ phù hợp với những nhà đầu tư nhanh, nhạy. Chọn lọc cổ phiếu sai hoặc tham gia sai thời điểm đều có thể dẫn đến đánh mất chi phí cơ hội trong giai đoạn này khá nhiều.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

Cổ phiếu ngành Dầu khí: KQKD Q1 tiếp tục tiêu cực

Trong Q12016, trung bình giá dầu thô Brent và WTI lần lượt đạt 35,2 USD/thùng và 33,6 USD/thùng. Mức giá trên lần lượt tương ứng với mức giảm -21,2% và -20,4% so với mức bình quân Q42015. Tuy nhiên, nếu nhìn theo biến động giá trên thị trường, giá dầu trong quý đầu năm bị ảnh hưởng nhiều nhất do chạm đáy 28 USD/thùng vào giữa tháng 1. Hiện tại, giá dầu thô thế giới tạm thời ổn định với biến động nhẹ trong vùng giá 43 – 46USD/thùng. Theo đánh giá từ Chuyên viên, vùng giá trên có thể được duy trì đến thời điểm cuộc họp hàng kì của OPEC vào đầu tháng 6. Dù giá dầu có hồi phục nhưng vẫn ở vùng khá thấp, do đó, doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam đã và đang hứng chịu tác động đáng kể đến KQKD.

Có thể thấy, PVD chỉ đạt mức tăng trưởng LNST dương duy nhất khi so sánh với Q42015. Tuy nhiên mức tăng trưởng này do Q42015 là quý có LNST thấp kỉ lục trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp. Khối lượng công việc giảm mạnh khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục kém đi dù biên gộp tương đối ổn định. Với nhu cầu khoan và khai thác dầu khí đang ở mức rất thấp, hoạt động của PVD và PVC được dự báo sẽ tiếp tục tiêu cực trong Q2.

Ảnh hưởng của giá dầu thấp lên các doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc xây lắp lại có những hình ảnh tương đối trái chiều. KQKD của PVB tiêu cực khi công việc cho hoạt động bọc ống gần như không có trong suốt 3 tháng đầu năm. Điều này dẫn đến việc PVB tiếp tục ghi nhận lỗ quý thứ 2 liên tiếp với 18,3 tỷ đồng (Q42015 lỗ 17,2 tỷ đồng). Dù vậy, Chuyên viên kỳ vọng trong thời gian tới với kế hoạch hoạt động xây lắp cho nhà máy GPP Cà Mau được thực hiện, PVB có thể sẽ có công việc để thực hiện sau Q22016. Ngược lại với PVB, PXS có một Q12016 thuận lợi với nguồn thu ổn định từ dự án giàn cho Bộ Quốc Phòng, trong khi đó, PVS tiếp tục duy trì mức hoạt động và lợi nhuận ổn định với ~53% nguồn doanh thu đến từ mảng Cơ khí xây lắp.

Theo thông tin mới công bố, PXI hiện đã kí kết hợp đồng xây lắp cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với giá trị hợp đồng 825 tỷ đồng. Với kế hoạch doanh thu chỉ vỏn vẹn ~700 tỷ đồng và chưa bao gồm dự án trên, chuyên viên ngành nhận định PXI có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tương đối cao so với 2015. Như vậy, công việc của nhóm xây lắp khả quan hơn, Chuyên viên kỳ vọng với các đầu việc vẫn còn trải dài đến cuối năm 2016, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp là những doanh nghiệp tránh được “bão giá dầu”.

Doanh nghiệp phân phối khí

Kém tiêu cực hơn phân khúc dịch vụ kỹ thuật dầu khí, các doanh nghiệp thuộc phân khúc phân phối khí tiếp tục duy trì lợi nhuận tương đối ổn định so với Q42015 dù doanh thu giảm mạnh do áp lực của giá dầu thấp (Hình 2).

Về phía GAS, do đã được chấp thuận về cơ chế giá khí mới (đã được đề cập trong NKCV ngày 19/04/2016), KQKD đã có sự cải thiện trở lại sau Q42015 tương đối tiêu cực. Các doanh nghiệp khác như PGS, CNG hay PVG vẫn được duy trì mức giá khí đầu vào thả nổi nhưng do sự sụt giảm trong giá bán, lợi nhuận đã không được như kì vọng. Hai doanh nghiệp là CNG và PVG ghi nhận tăng trưởng sản lượng nhờ vào mỏ khí mới Tiền Hải – Thái Bình ở phía Bắc hoạt động vào cuối Q32015. Tuy nhiên, giá đầu vào tại mỏ tương đối cao khiến cho doanh nghiệp phải chịu bán bằng giá vốn, thậm chí bù lỗ trong thời gian qua. Theo chia sẻ từ CNG, giá khí cải thiện vào cuối Q1 đã giúp hoạt động phân phối tại miền Bắc lấy lại cân bằng và sẽ có được một phần nhỏ lợi nhuận trong thời gian tới.

Nhìn chung các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp khí vẫn duy trì ổn định. Biên lợi nhuận từ GAS có phần sụt giảm do vẫn chưa hạch toán cơ chế giá khi mới vào KQKD quý 1. Các doanh nghiệp hạ nguồn còn lại như PGS, PVG hay CNG vẫn duy trì chỉ số lợi nhuận ổn định và tích cực, đặc biệt khi so sánh với cùng kì.

Tựu chung lại, Chuyên viên đánh giá doanh nghiệp trong phân khúc dịch vụ kỹ thuật dầu khí nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục trải qua một Q2 tiêu cực. Các doanh nghiệp phân phối khí sẽ duy trì lợi nhuận ở mức thấp và doanh nghiệp xây lắp sẽ tiếp tục đạt được mức cải thiện KQKD tích cực khi đầu việc cho các dự án on-shore và năng lượng vẫn được duy trì.

——————————

KBC: KQKD Q1 của KBC không vượt ngoài dự báo. Triển vọng tăng trưởng ổn định với kỳ vọng tăng trưởng mạnh với doanh thu từ BĐS. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan.

KQKD Q1 khiêm tốn và không vượt ngoài dự báo trước đó. Chuyên viên cho rằng triển vọng sẽ được cải thiện từ Q2 trở đi nhờ ghi nhận từ cho thuê đất KCN cùng với doanh thu bán nhà xưởng (có tỷ suất lợi nhuận cao). Cho 2016, Chuyên viên dự báo LNST tăng trưởng 2,3% do thời gian thai nghén thời gian đàm phán của một số hợp đồng cho thuê đất lớn kéo dài. Tuy nhiên việc tái khởi động một số dự án BĐS có thể đẩy mạnh ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới, qua đó giúp lợi nhuận ổn định hơn so với hiện nay.

Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Định giá rất hấp dẫn với thị giá hiện thấp hơn 28% so với RNAV. Việc thông qua TPP của Quốc hội Mỹ có thể hoãn đến cuối năm sẽ khiến cổ phiếu KBC mất đi động lực ngắn hạn. Trong khi đó sẽ cần có thời gian trước khi BĐS có đóng góp đáng kể vào doanh thu lợi nhuận cho công ty.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã công bố KQKD Q1/2016 kém khả quan – LNST giảm 34,3% xuống còn 107,5 tỷ đồng trong khi doanh thu giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 446,3 tỷ đồng. KQKD quý của công ty thường biến động nhiều và Q1 thường không phải là quý đóng góp nhiều cho cả năm. KBC đặt kế hoạch dựa trên 2 kịch bản khác nhau cho TPP.

• Trong kịch bản đầu tiên, công ty giả định doanh thu 2016 có thể đạt 2.900 tỷ đồng và LNST có thể đạt 850 tỷ đồng.

• Trong kịch bản thứ hai, công ty giả định doanh thu 2016 có thể đạt 1.900 tỷ đồng và LNST có thể đạt 630 tỷ đồng.

KQKD Q1 hoàn thành 15,4% kế hoạch doanh thu và 12,6% kế hoạch lợi nhuận theo kịch bản thứ nhất; đồng thời hoàn thành 23,5% kế hoạch doanh thu và 17,1% kế hoạch lợi nhuận theo kịch bản thứ hai.

 

Doanh thu Q1 chủ yếu nhờ đóng góp của doanh thu từ cho thuê đất KCN – 95% doanh thu Q1 là từ doanh thu cho thuê đất KCN (423 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ). Cụ thể, KBC đã ghi nhận hợp đồng cho thuê 1,5ha đất tại KCN Quế Võ; 6,39ha tại KCN Tân Phú Trung và 19,86ha tại KCN Tràng Duệ. KBC không có doanh thu từ cho thuê nhà xưởng tại tất cả các KCN và đây là lý do khiến doanh thu không đồng đều ở các mảng kinh doanh . Doanh thu từ dịch vụ khác (điện, nước, xử lý chất thải…) tăng 39,1% so với cùng kỳ và đạt 21 tỷ đồng. Do doanh thu dịch vụ gắn liền với hoạt đất cho thuê đất KCN nên đã tăng nhẹ từ 15 tỷ đồng/quý lên 21 tỷ đông/quý trong thời gian gần đây.

Hợp đồng cho thuê 40ha với LG Display tại KCN Tràng Duệ sẽ thu hút thêm hợp đồng từ các công ty vệ tinh và kỳ vọng những hợp đồng như vậy sẽ đóng góp vào KQKD 6 tháng cuối năm nay.

Tỷ suất lợi nhuận gộp từ cho thuê đất KCN giảm trong khi các mảng khác biến động trái chiều – lợi nhuận gộp đạt 184 tỷ đồng (giảm 29,1% so với cùng kỳ). Lợi nhuận gộp từ cho thuê đất KCN đạt 173 tỷ đồng (giảm 17,8% so với cùng kỳ); từ cho thuê nhà kho đạt 1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 369 triệu đồng) và dịch vụ đi kèm khác (điện nước….) là 9,9 tỷ đồng (tăng 92,7% so với cùng kỳ).

Tỷ suất lợi nhuận gộp chung giảm từ 47,7% năm ngoái xuống 41,2% năm nay do tỷ suất lợi nhuận các mảng giảm trong khi cơ cấu doanh thu cũng kém hiệu quả hơn. Theo từng mảng, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng cho thuê đất KCN giảm xòn 40,9% (năm 2015 là 46,2%); mảng cho thuê nhà kho là 51% (năm ngoái lỗ). Tỷ suất lợi nhuận gộp dịch vụ khác là 47,2% (năm 2015 là 40,3%).

Tỷ suất lợi nhuận gộp chung giảm có thể giải thích là do tỷ suất lợi nhuận gộp mảng cho thuê đất KCN giảm (mảng này đóng góp 95% trong doanh thu). Ngoài ra, công ty không có doanh thu từ mảng cho thuê nhà xưởng, vốn có tỷ suất lợi nhuận cao. Và mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp từ cho thuê nhà xưởng và dịch vụ khác được cải thiện, thì các mảng này chỉ đóng góp tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng doanh thu của Công ty.

Lỗ tài chính thuần giảm nhờ chi phí tài chính giảm – Lỗ tài chính thuần giảm 64% so với cùng kỳ xuống còn 13 tỷ đồng nhờ chi phí tài chính giảm do vay nợ giảm. Trong khi đó, tuy không còn khoản thu nhập bất thường từ thoái vốn, doanh thu HĐ tài chính vẫn tăng 297% so với cùng kỳ lên 9,89 tỷ đồng. Trong 2015, KBC đã ghi nhận doanh thu tài chính bất thường từ thoái vốn khỏi CTCP Năng lượng Sài Gòn – Bình Định và nhà máy thủy điện SGI – Lào.

Chuyên viên cho rằng KBC sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi CTCP Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (khoản đầu tư này chiếm 75% giá trị các đầu tư tài chính dài hạn). Tuy nhiên, quá trình thoái vốn sẽ cần có thời gian. 8 khoản đầu tư còn lại có quy mô không lớn; trong đó 5 khoản đầu tư liên quan đến lĩnh vực KCN nên Chuyên viên cho rằng KBC sẽ không bán các khoản đầu tư này.

Chi phí tài chính giảm 40% so với cùng kỳ xuống còn 22,9 tỷ đồng nhờ chi phí lãi vay giảm nhờ công ty đã tích cực trả nợ.

LNST Q1/2016 đạt 107,5 tỷ đồng (giảm 34,3% so với cùng kỳ); EPS đạt 202đ (giảm 42,6% so với cùng kỳ).

Các kế hoạch phát hành mới sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu thêm 45% – công ty có nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu mới;

• Phát hành 94 triệu cổ phiếu (bằng 19,7% số lượng cổ phiếu lưu hành) để trả cổ tức với tổng giá trị là 940 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2015;

• Phát hành riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu (bằng 25% số lượng cổ phiếu lưu hành); tương đương giá trị 1.200 tỷ đồng cho dưới 100 NĐT với giá phát hành không dưới 15.000đ/cp.

• Dự kiến phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP; giả định là là giá phát hành bằng mệnh giá với tổng giá trị 30 tỷ đồng.

Theo đó số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng 45% lên 687 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ tăng lên 6.867 tỷ đồng

• Phát hành 1.000-2.000 ty đồng trái phiếu, có thể dưới hình thức trái phiếu thường hoặc trái phiếu chuyển đổi. Chuyên viên ước tính đợt phát hành đầu tiên sẽ hoàn tất vào Q2 với giá trị 300 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và lãi suất hiện vẫn chưa được ấn định.

Việc khởi động lại dự án BĐS cho thấy công ty đang nỗ lực cải thiện lợi nhuận – Chủ tịch KBC gần đây cho biết sẽ thay đổi chiến lược, qua đó công ty sẽ quyết định chỉ tập trung vào phát triển KCN như trước đây hoặc tái khởi động một vài dự án BĐS bị trì hoãn trong các năm trước đây.. Chuyên viên cho rằng định hướng thay đổi chiến lược này là nhằm:

(1) cải thiện và thậm chí là để làm giảm mức độ biến động doanh thu của công ty bằng việc gia tăng tỷ trọng doanh thu thường xuyên

(2) tận dụng tốt hơn quỹ đất và tích lũy kinh nghiệm phát triển dự án BĐS

(3) KBC sẽ ghi nhận cả doanh thu từ bán đất nền và từ xây dựng cơ sở hạ tầng.

KBC không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS nên sẽ cần hợp tác với một chủ đầu tư có kinh nghiệm hơn để cùng triển khai các dự án. Những dự án đầu tiên đang bị “đắp chiếu” và quyết định tái khởi động các dự án có lẽ là do thị trường BĐS tại miền Bắc đang hồi phục. Cộng với áp lực từ cổ đông muốn công ty cải thiện hệ số ROE.

KBC hiện có 3 dự án bất động sản nhà ở tiềm năng – bao gồm dự án Phúc Ninh, dự án khách sạn Hoa Sen, dự án Tràng Cát. Việc lập kế hoạch mở bán đối với các dự án này vẫn đang ở giai đoạn đầu nên ngoài dự án ở Phúc Ninh, Chuyên viên không kỳ vọng 2 dự án còn lại sẽ mang lại doanh thu trong vài năm tới.

• Khu đô thị Phúc Ninh có vị trí tại tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích 136ha, trong đó 56ha thuộc Giai đoạn 1 và 80ha thuộc Giai đoạn 2. KBC đã được chấp thuận bởi Bộ Xây Dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh để phân lô bán nền với diện tích 6ha. Doanh thu và lợi nhuận gộp dự kiến từ 6ha này tương ứng là khoảng 600 tỷ và 300 tỷ đồng. Chuyên viên ước tính tổng diện tích đất thương phẩm ở cả 2 giai đoạn có thể mang lại cho KBC hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu trong các năm sắp tới. Như đã đề cập, 6ha đất nền đã đủ điều kiện và sẵn sàng để bán ngay khi được ban lãnh đạo KBC thông qua.

• Dự án khách sạn Hoa Sen là dự án khách sạn 5 sao nằm gần với Trung tâm Hội nghị Quốc Gia . Vào năm 2011, KBC đã lên kế hoạch xây dựng tòa tháp cao nhất Việt Nam với diện tích sàn lên đến 640.000 m2. Tuy nhiên, do khó khăn tài chính, KBC đã không thể bắt đầu dự án này . Đến cuối Q1 FY2016 , dự án vẫn nằm trong khoản mục Xây dựng dở dang với giá trị được ghi nhận là 119 tỷ đồng đã trả cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Chuyên viên không đưa ra ước tính với giá trị của dự án này do thiếu các thông tin chi tiết. Tuy nhiên với vị trí đắc địa , dự án hoàn toàn có thể được chuyển đổi công năng từ khách sạn thành nhà ở thương mại. Hiện tại giá nhà ở khu vực này giao động ở mức VND32-35 triệu m2 . Tuy nhiên đây chỉ là giả thiết của Chuyên viên do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như các thủ tục đi kèm sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Và Chuyên viên cho rằng có thể mất tới vài năm để dự án bắt đầu.

• Khu đô thị Tràng Cát có diện tích 582 ha và nằm ở thành phố Hải Phòng. KBC dự định phát triển một khu phức hợp gồm một khu công nghệ cao (206 ha ), khu đô thị và cảnh quan (376 ha) . Trong nửa đầu năm 2015, KBC đã đầu tư 76 tỷ đồng vào dự án này bao gồm xây dựng một đường nối từ trung tâm thành phố Hải Phòng tới khu đô thị Tràng Cát (gần đường cao tốc Hà Nội – .Hải Phòng đang hoạt động hiện nay). Tuy nhiên , do thiếu vốn nên tiến độ vẫn diễn ra rất chậm, giá trị hàng tồn kho của dự án này lên đến VND3.37 nghìn tỷ vào cuối Quý 1/2016. KBC đã đề xuất hợp tác với các đối tác tài chính để cùng phát triển dự án này cho các từ khóa giá . Chuyên viên cho rằng KBC vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một đối tác phù hợp cho dự án này.

Chuyên viên dự báo tăng trưởng LNST 2016 là 2,3% do không còn các lợi nhuận bất thường – Chuyên viên dự báo doanh thu thuần cả năm của KBC đạt 2.024 tỷ đồng (tăng trưởng 41%) và LNST đạt 616 tỷ đồng (tăng trưởng 2,3%). Theo đó EPS sẽ là 1.311đ (giảm 0,4%) và EPS pha loãng là 897đ (giảm 32%), P/E dự phóng tương ứng lần lượt là 9,84 lần và 14,39 lần.

Kịch bản thứ 2 của Công ty sát với dự báo của Chuyên viên hơn do Chuyên viên giả định rằng trong khi Quốc Hội Việt Nam sẽ thông qua TPP vào mùa hè này thì phải chờ đến tháng 11-12 năm nay để Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp định này, cụ thể là sau kỳ bầu cử và trước khi Tổng thống và Quốc hội mới nhận chức. Sau khi cuộc bầu cử tại Mỹ kết thúc, Quốc hội nhiều quốc gia khác sẽ đưa ra quyết định chính thức của mình. Và lộ trình này là chậm hơn tiến độ dự kiến ban đầu.

Chuyên viên ước tính RNAV là khoảng 19.200 đồng/cp dựa trên quỹ đất khu CN hiện nay của công ty. NAV có khả năng tăng một khi KCN Tràng Duệ hoàn tất mở rộng thêm hơn 600 ha. Cũng lưu ý rằng KCN Tràng Duệ hiện có diện tích là 400 ha. Như vậy, cổ phiếu KBC hiện giao dịch với giá thấp hơn khá nhiều, là 28% so với NAV.

Quan điểm đầu tư – Lặp lại đánh giá KHẢ QUAN. Định giá cổ phiếu rẻ tuy nhiên Chuyên viên cũng lo ngại về ảnh hưởng pha loãng của đợt phát hành. Chuyên viên vẫn ưa thích câu chuyện với cổ phiếu KBC và đánh giá về kết quả hoạt động, công ty vẫn sẽ đạt tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận trong một vài năm tới. KBC là một trong những lựa chọn tốt nhất để tham gia câu chuyện TPP do công ty được hưởng lợi trực tiếp từ Hiệp định này. Công ty hiện vẫn đang quản lý tốt và và quá trình tái cấu trúc nợ đang diễn ra khá thành công. Đồng thời, kế hoạch khôi phục một số dự án BĐS cũng hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu mới từ năm nay trở đi. Tuy nhiên, quy mô tăng vốn lớn trong thời gian tới dẫn đến một số lo ngại về rủi ro pha loãng. Giá cổ phiếu hiện đã phục hồi phần nào sau những đợt sụt giảm vào đầu năm; giá cổ phiếu KBC đã tăng 7,8% so với đầu năm và hiện cao hơn 27,8% so với mức thấp nhất của 12 tháng.

——————————

SBT: Công bố KQKD Q3 không đồng nhất. Kết quả khả quan từ đầu năm đã phản ánh hết vào giá. Tiếp tục duy trì đánh giá Kém khả quan.

SBT công bố KQKD Q3 niên độ 2015/2016 với doanh thu thuần tăng trong khi lợi nhuận suy giảm do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm và chi phí tài chính tăng mạnh do vay nợ tăng.

Duy trì đánh giá Kém khả quan. Định giá hiện đã ở mức rất cao với P/E dự phóng là 19.9 lần. SBT đang tập trung thị phần ngành về tay mình và nâng cao lợi thế kinh tế theo quy mô; và nhân tố tích cực này đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu giảm có thể là cơ hội để NĐT dài hạn mua vào.

Trong Q3 doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận giảm – SBT công bố KQKD hợp nhất Q3 niên độ 2015/2016 với doanh thu thuần tăng mạnh 121,3% so với cùng kỳ lên 1.240,5 tỷ đồng và LNTT tăng ít hơn, tăng 23,4% so với cùng kỳ lên 53,7 tỷ đồng. Mảng mía đường đóng góp 86,1% tổng doanh thu, đạt 1.069 tỷ đồng (tăng 131% so với cùng kỳ); doanh thu mật đường đóng góp 7,5% doanh thu, đạt 93,5 tỷ đồng (tăng 59,9% so với cùng kỳ). Doanh thu từ phát điện đóng góp 4,3%; đạt 53,9 tỷ đồng (tăng 146,9% so với cùng kỳ). Cuối cùng doanh thu phân bón và doanh thu sản phẩm khác đóng góp 2%; đạt 24,8 tỷ đồng.

Sản lượng thu hoạch cao hơn một chút so với năm ngoái – SBT đã thu hoạch 920.000 tấn mía đường (tăng 4% so với cùng kỳ); trong đó có khoảng 30.000 tấn mua từ các hộ nông dân tại Long An; tương đương năng suất là 66 tấn/ha (năm ngoái là 62 tấn/ha). Chữ đường là 9,1; thấp hơn mức bình quân. Thành Thành Công Gia Lai thu hoạch được 560.000 tấn mía đường (tăng 3,3% so với cùng kỳ); tương đương năng suất 51 tấn/ha (năm ngoái là 49 tấn/ha) với chữ đường là 10. Công ty cũng sử dụng 120.000 tấn đường thô (tăng 89,3% so với cùng kỳ) sản xuất ra khoảng 114.000 tấn đường RE (tăng 89,3% so với cùng kỳ). Trong Q3, công ty đã tiêu thụ khoảng 47.000 tấn đường RE (tăng 36,7% so với cùng kỳ) và 25.600 tấn đường RS (tăng 2% so với cùng kỳ). Trước khi sáp nhập với SEC, SBT chỉ chế biến đường RE nên mức tăng 2% của đường RS là so sánh với sản lượng tiêu thụ của SEC trong Q3 năm ngoái.

Lợi nhuận gộp đạt 147,8 tỷ đồng, tăng 101,7% so với cùng kỳ – Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 11,9% từ 13,1% trong Q3 niên độ 2014/15. Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường giảm từ 14,6% trong Q3 năm ngoái xuống còn 13,9% trong năm nay. LNTT đạt 53,7 tỷ đồng còn LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 46,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 21,6% so với cùng kỳ. Tỷ suất LNST chỉ đạt 3,7% (cùng kỳ là 6,8%); và nếu so với tỷ suất LNST trong 6 tháng đầu năm là 9,6% thì kết quả đạt được trong Q3 năm nay là không khả quan.

Lỗ tài chính thuần tăng mạnh do chi phí lãi vay tăng – Tăng từ 7,2 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng; tăng gần 4 lần so với cùng kỳ. Doanh thu HĐ tài chính giảm 36,7% so với cùng kỳ xuống còn 12,1 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 84,4% so với cùng kỳ lên 48,1 tỷ đồng; trong đó chi phí lãi tăng tăng 139,5% so với cùng kỳ lên 43,5 tỷ đồng do vay nợ tăng.

Trái lại tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu giảm xuống còn 5,5% – từ mức 6,3% Q1 năm ngoái và 6,6% trong 6 tháng đầu năm 2015/16.

Theo đó, LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ 9T tăng 94,2% so với cùng kỳ – Doanh thu thuần đạt 3.007 tỷ đồng (tăng 94,8% so với cùng kỳ); lợi nhuận gộp đạt 435,4 tỷ đồng (tăng 154,8% so với cùng kỳ) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 215,4 tỷ đồng (tăng 94,2% so với cùng kỳ); theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 14,5% (cùng kỳ là 11,3%) và tỷ suất LNST là 7,2% (cùng kỳ là 7,3%). Chi phí tài chính tăng dã khiến tỷ suất LNST giảm. Trong 9T đầu năm ngoái, công ty đạt lợi nhuận tài chính thuần là 9 tỷ đồng trong khi năm nay công ty lỗ tài chính thuần là 36,3 tỷ đồng.

Phát hành cổ phiếu ESOP – Công ty sẽ phát hành 9.118.675 cổ phiếu (tương đương 5% số lượng cổ phiếu lưu hành) cho CBCNV với giá phát hành là 10.000đ/cp vào Q2/2016 (Q4 niên độ 2015/16); trong đó 50% số cổ phiếu ESOP này sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm; phần còn lại hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

Dự án BĐS có thể sẽ sớm đem lại doanh thu lợi nhuận cho công ty – Về dự án phức hợp Espace Bourbon Tây Ninh (EBTN), SBT đã ký hợp đồng với khách hàng mới để cho thuê tòa EBTN. Tuy nhiên công ty không tiết lộ thông tin chi tiết về nguồn thu trong tương lai từ dự án này. EBTN là dự án BĐS tại Tây Ninh gồm một tòa nhà văn phòng và một tòa trung tâm thương mại.

– Tổng vốn đầu tư là khoảng 143 tỷ đồng;

– Diện tích đất là 14,68 ha;

– SBT đã bán quyền sử dụng đất cho Sacombank với giá trị 61,6 tỷ đồng và đơn vị này đã triển khai tòa văn phòng. Hiện tòa văn phòng này đã được đưa vào sử dụng;

– Về tòa trung tâm thương mại, công ty cho biết đã ký hợp đồng cho thuê với khách hàng mới.

Vốn đầu tư xây dựng nhà kho mới – SBT đã hoàn tất việc xây dựng một nhà kho với công suất chứa 12.000 tấn đường. Công ty đã công bố sẽ xây dựng thêm một nhà kho tại Tân Kim – Long An trên diện tích 9ha để chứa đường và cho thuê.

Chuyên viên ước tính SBT và các công ty con, công ty liên kết đang chiếm xấp xỉ 30% thị trường đường tại Việt Nam – SBT có cổ phần tại nhiều công ty đường và các công ty này hiện kiểm soát 50.000 ha diện tích mía đường với công suất ép 29.000 TMN; đóng góp khoảng 30% thị phần trên thị trường đường nội địa. SBT hiện nắm 100% cổ phần TTCGL (trước đây là SEC), 16,75% cổ phần BHS và 23,95% cổ phần Đường Nước Trong tại Tây Ninh và 39,23% cổ phần Đường Tây Ninh. Trong tương lai, Chuyên viên cho rằng trong chiến lược của mình, SBT sẽ còn tiếp tục (a) mở rộng công suất và (b) nâng cổ phần sở hữu tại các công ty mía đường để chiếm lĩnh thị trường.

Giá đường vẫn đang trong xu hướng tăng – Brazil tăng xuất khẩu đường gần dây đã bù đắp một phần sự giảm nguồn cung từ Ấn Độ; tuy nhiên diện tích trồng giảm và tác động của El Nino đã ảnh hưởng đến nguồn cung. Cho dù vậy theo Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo năm nay thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung và khiến giá tăng.

Theo Sở Giao dịch Quyền chọn và Kỳ hạn Tài chính Quốc tế London (LIFFE), đường tinh luyện đang giao dịch ở mức 19,96 cent/pound, tăng 20,2% so với cùng kỳ và tăng 4,8% so với đầu năm. Giá đường thô là 15 cent/pound, tăng 16% so với cùng kỳ và tăng 5% so với đầu năm (theo New York Board of Trade). Tại Việt Nam vào tháng 4/2016, sản lượng mía đường toàn quốc cho vụ ép hiện tại là 11,9 triệu tấn (giảm 8,1% so với cùng kỳ) và sản lượng đường là 1.126.000 tấn (giảm 10,4% so với cùng kỳ). Năng suất và chữ đường bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài và tình trạng dư cung sau nhiều năm. Hiện giá bán buôn đường RS là 14.000-14.500đ/kg trong khi giá bán buôn đường RE là 15.800-17.000đ/kg.

Chuyên viên dự báo LNST năm 2016 sẽ tăng trưởng 45,8% – Cho 2016, Chuyên viên điều chỉnh tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận; trong đó dự báo doanh thu thuần đạt 3961,7 tỷ đồng (tăng trưởng 97,1%); cao hơn 8,1% so với dự báo trước đây.

Quan điểm đầu tư – Tiếp tục duy trì đánh giá Kém khả quan. Sau khi giá tăng mạnh từ 9.500đ từ tháng 5 năm ngoái, hiện giá cổ phiếu đã trở nên đắt. Tuy vậy, Chuyên viên cho rằng vẫn có một số động lực tích cực trong tương lai như: ngành tiếp tục tái cơ cấu với SBT trở thành doanh nghiệp đầu ngành; giá đường tăng trong trung hạn và doanh thu từ BĐS. Cho dù vậy định giá hiện đã rất đắt với P/E dự phóng là 19.9 lần và P/B là 2,1 lần. Tuy nhiên NĐT dài hạn có thể theo dõi câu chuyện này và chờ cho giá điều chỉnh để mua vào.

——————————

DIG: Lãi ròng quý 1 đạt 10 tỷ đồng Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2016 với khoản lãi ròng đột biến 9.6 tỷ, hơn xa con số 491 triệu đồng cùng kỳ 2015.

——————————

DIC: Lãi ròng quý 1 sụt giảm 66% CTCP Đầu tư &Thương mại DIC công bố BCTC hợp nhất quý 1/2016 với doanh thu sụt giảm 34% so với cùng kỳ 2015, chỉ đạt 506 tỷ đồng; lãi ròng cũng giảm mạnh 66%, đạt 1.3 tỷ đồng.

——————————

DAG: Lãi ròng quý 1 đạt 11 tỷ Cụ thể, doanh thu thuần quý 1 của DAG đạt 294.4 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2015, và lãi ròng 11 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Chi ngân sách vượt thu hơn 53.000 tỷ đồng. Cụ thể, lũy kế thu và chi 4 tháng đầu năm lần lượt ước đạt 317 và 370 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bội chi NSNN 4 tháng ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán năm.

——————————

Giá vàng SJC giảm mạnh. Sáng nay, giá mua vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn sáng nay niêm yết ở mức 33,72-33,82 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra, giảm 160.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày hôm qua.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (11/05/2016):

11/05/2016 10:00 NCT Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 NDC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 SAV Giao dịch bổ sung – 573,943 CP

11/05/2016 10:00 PHP Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 500 đồng/CP

11/05/2016 10:00 MAS Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 3/2015 bằng tiền, 4,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 HHS Giao dịch bổ sung – 11,653,635 CP

11/05/2016 10:00 TVM Trả cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền, 800 đồng/CP

11/05/2016 10:00 TMC Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 3/2015 bằng tiền, 700 đồng/CP

11/05/2016 10:00 VTH Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 FCM Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 500 đồng/CP

11/05/2016 10:00 VPK Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 CLW Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 800 đồng/CP

11/05/2016 10:00 DNL Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 NNG Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

11/05/2016 10:00 TDS Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,400 đồng/CP

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý