1. Nhận định thị trường:
VN-Index tăng liên tiếp phiên thứ ba lên lại mức 571,6 điểm, tăng thêm 3,81 điểm (tương đương 0,67%), với khối lượng giao dịch đạt hơn 117 triệu cổ phiếu tăng nhẹ so với hai phiên tăng trước.

Đồ thị VN-Index ngày 07/04/2016. Nguồn: Amibroker
VN-Index tăng trở lại trên ngưỡng 570 điểm, kèm theo khối lượng giao dịch có sự cải thiện nhẹ, đánh dấu sự tích cực hơn trong tâm lý của thị trường. Sau khi kiểm nghiệm lại ngưỡng 567 điểm của đường MA100 trong phiên, chỉ số VN-Index đã đóng cửa phía trên đường MA20 tại 570 điểm và qua đó lấy lại tín hiệu tăng trong ngắn hạn. Một điểm tích cực là tâm lý các nhà đầu tư dường như đã được cải thiện sau phiên tăng điểm ngày hôm qua và hoạt động giải ngân đã tỏ ra mạnh dạn hơn giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, ngưỡng 580 của đường MA200 vẫn là 1 kháng cự mạnh đối với chỉ số.
Các chỉ báo tiếp tục có sự cải thiện với sự đi lên của các chỉ báo ngắn hạn như RSI(14) và MACD histogram hỗ trợ cho sự hồi phục của đường giá. Chỉ số chớm vượt lên đường middle của dải BB, đồng thời cắt lên đường PSAR. Trong khi các chỉ báo kỹ thuật khác cũng đang có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Điều này là một yếu tố hỗ trợ cho diễn biến của chỉ số. Như vậy, sau ba phiên tăng liên tiếp, VN-Index đang tiếp tục tiếp cận ngưỡng kháng cự quanh 580 điểm trong phiên ngày mai.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 08/04/2016, chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc nhẹ trong phiên. Đồng thời, lực cầu ngắn hạn vẫn tiếp tục gia tăng ở tùy từng mã cổ phiếu và tùy từng thông tin của nó mà nhiều cổ phiếu vẫn bứt phá tích cực và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên các nhà đầu tư không nên bán ra ở thời điểm hiện tại vì Nhật Cường cho rằng xu hướng tăng vẫn tiếp tục duy trì trong vài phiên tới.
Hệ thống chỉ báo xu hướng nâng mức xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index từ giảm lên tăng. Vì vậy, Nhật Cường đánh giá dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào nhóm cổ phiếu Largecaps. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày mai 08/04/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới vào các cổ phiếu có trong Top 30 cổ phiếu cần quan tâm hàng ngày của Nhật Cường. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên mạo hiểm mua đuổi hay sử dụng đòn bẩy quá lớn.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 07/04/2016:
Các thị trường tăng hôm nay với GTGD ở mức hợp lý. Độ rộng thị trường tiếp tục rộng; đã có 39 mã tăng trần và 13 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN giảm và khối này đã mua ròng. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra trầm lắng hơn; đã có giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở mã DVP; giao dịch thỏa thuận trung bình diễn ra ở các mã SHB và SSI.
VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh Tân Thủ tướng đã được bầu như dự kiến; giá dầu thô tăng và đồng USD giảm giá đã giúp cải thiện tâm lý NĐT. Trong thời gian giao dịch buổi sáng giao dịch trên thị trường diễn ra giằng co; tuy nhiên thị trường đã khởi sắc trong thời gian giao dịch buổi chiều. VNM dẫn đầu đà tăng và đã lập đỉnh mới với KLGD tốt. Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội đề cập đến nhiều vấn đề.
. Ngày trở lại của cổ phiếu bị giảm sàn liên tiếp. Hôm nay, thị trường chứng kiến nhiều mã cổ phiếu giảm sàn trong nhiều ngày qua trở lại mạnh mẽ với mức giá trần, tiêu biểu như: TMS, BCG, TTF, CCL. Trong đó, BCG có thể đã được thị trường đón nhận tốt hơn nhờ cam kết hiếm có trên thị trường chứng khoán từ hội đồng quản trị, cam kết điều kiện để HĐQT được thưởng 20% trên phần vượt kế hoạch LNST2016 là giá cổ phiếu phải trên 15.000 đồng vào cuối năm. Riêng TMS, khi về vùng giá hấp dẫn, P/E quanh vùng 6x, lực cầu mạnh mẽ đã suất hiện để hấp thụ khối lượng treo bán sàn ròng rã hơn 2 tuần nay.
• Các mã ngân hàng diễn biến trái chiều sau khi tăng tốt vào hôm qua. VCB giảm; CTG; BID và MBB đóng cửa tại tham chiếu trong khi EIB và ACB tăng. VCB khẳng định khả năng bán 10% cổ phần cho NĐTNN (nhiều khả năng là 1 NĐT chiến lược) với thông tin cụ thể chưa được tiết lộ. NHNN đã công bố cho phép ACB phát hành 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm nay. Hiện ACB chưa có thông báo nào về vấn đề này nhưng Chuyên viên cho rằng động thái này là nhằm nâng vốn cấp 2 của ngân hàng. Bloomberg đưa tin BIDV sẽ huy động ít nhất 100 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 5 năm qua một khoản vay hợp vốn từ 16 ngân hàng (có thể là các ngân hàng trong khu vực). Điều này sẽ ít nhất giúp cải thiện hệ số LDR ngoại tệ của ngân hàng.
• BVH tăng. Các mã chứng khoán như SSI & HCM tăng khiêm tốn. VND đóng cửa tại tham chiếu.
• VNM tăng tốt với câu chuyện nới room ở mã này đang ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý hơn. FPT & BMP tăng.
. VNM là tâm điểm giao dịch hôm nay, với lượng giao dịch khớp lệnh hơn 2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 300 tỷ đồng. Có vẻ như NĐT đang nhìn vào giao dịch của VNM để tiên đoán về tâm lý của thị trường. Với nhiều thông tin đang chờ đón tại VNM, nhiều nhà đầu tư đang kì vọng vào một đợt tăng mạnh của cổ phiếu này và lan tỏa sự tích cực đến phần cổ phiếu còn lại. Hiện tại, VNM đang giao dịch với mức P/E trượt khoảng 24x. So sánh với các Doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, nếu trong các năm tiếp theo, VNM có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn (tức ROE cải thiện đáng kể) thì nhiều khả năng thị trường sẽ chấp nhận mức P/E cao hơn, tầm 40-60. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì hiệu suất như hiện tại thì chuyên viên đánh giá mức P/E tích cực nhất đối với VNM chỉ vào khoảng 27-30x, tương đương với mức trung bình khu vực (chưa chiết khấu rủi ro quốc gia).
• GAS tiếp tục tăng trong khi PVD & PVS cũng tăng phiên hôm nay nhờ giá dầu tăng. Trong khi đó GAS còn có thêm tin đồn trên thị trường về thỏa thuận với PVN/chính phủ về giá sàn bán khí tự nhiên quy theo giá dầu. Trong đó hiện thị trường đang kỳ vọng là thỏa thuận này có lợi cho GAS. Hiện chưa có thông tin chính thức cuối cùng nhưng thỏa thuận này có lẽ sẽ được thống nhất vào cuối tháng.
• Các mã ngành sản xuất biến động trái chiều với HSG tăng với KQKD 6 tháng đầu năm ấn tượng nhờ giá bán bình quân tăng trong những tháng gần đây. HPG giảm. PAC tăng mạnh nhờ thông tin cổ tức. TTF tăng trần sau khi giảm gần đây. Trong khi đó TMT giảm.
• Các mã BĐS diễn biến trái chiều với VIC & NLG giảm trong khi BCI tăng. CII tăng tốt. Trong khi đó KBC giảm nhẹ.
Trên HSX, khối ngoại tiếp tục giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 109 tỷ đồng. SSI dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 1,3 triệu đơn vị. CII, HPG và CTG cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, FIT dẫn dẫn về khối lượng bán ròng với 353 nghìn đơn vị. NT2, HSG và VCB cũng bị bán ròng nhẹ.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng phiên thứ 7 liên tiếp với giá trị mua ròng đạt trên 4 tỷ đồng. SCR dẫn đầu về khối lượng mua ròng ới trên 602 nghìn đơn vị. PVS, SHB và VND cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, khối ngoại tiếp tục tập trung bán ròng NET với khối lượng trên 342 nghìn đơn vị.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
GMD: Chuyên viên khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 1 năm là 45,755 đồng/ cổ phiếu, upside 18.23% so với mức giá giao dịch tại ngày 06/04/2016 ở mức 38,700 đồng/ cổ phiếu dựa trên phương pháp bội số giá. Năm 2016, GMD ước đạt EPS là 3,910 đồng/ cổ phiếu, P/E fw đạt 9.89x . GMD là một trong số ít công ty sở hữu khối tài sản lớn trong hầu hết các khâu trong chuỗi logistics, bao gồm cảng và kho bãi có vị trí thuận lợi, kết quả kinh doanh tăng trưởng nhanh và thanh khoản tốt.
Kết quả kinh doanh 2016 dự báo tăng trưởng nhanh nhờ: (1) Ngành logistics và cảng biển hưởng lợi từ các hiệp định FTAs, TPP đã ký kết. (2) Cảng Nam Hải Đình Vũ tiếp tục tăng trưởng sản lượng khai thác nhờ nằm tại vị trí thuận lợi và tăng trưởng nhanh lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực Hải Phòng. (3) Các kho DC vừa đưa vào hoạt động năm 2015 và kho lạnh quý 3/2016 kỳ vọng tăng tỷ lệ lấp đầy trong năm 2016 nhờ tăng trưởng nhu cầu kho bãi của nền kinh tế và các khách hàng chính. (4) Thoái vốn các dự án bất động sản tạo dòng tiền tập trung cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn. (1) Cảng Gemalink nằm tại vị trí thuận lợi trong khu vực Cái Mép, lưu lượng qua khu vực kỳ vọng tăng nhanh nhờ nâng cấp hệ thống đường bộ phụ trợ và chính sách của thành phố Hồ Chí Minh. (2) Bắt đầu thu hoạch rừng cao su từ năm 2017.
Rủi ro đầu tư: Rủi ro pha loãng cổ phiếu từ trái phiếu chuyển đổi với Vietnam Investment Fund II VIG.
—————
HSG: Ước tính KQKD 6T – Rất tích cực và bất ngờ. Chuyên viên kỳ vọng LNST 6T tăng 137% so với cùng kỳ nhờ giá bán bình quân chạm đáy.
Chuyên viên ước tính HSG (Mua vào) có thể đạt LNST 6T là khoảng 580 tỷ đồng (tăng 137% so với cùng kỳ) nhờ (1) sản lượng tiêu thụ đạt cao cộng với (2) tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện mạnh. Điều này chủ yếu là nhờ giá bán bình quân phồi phục trong Q2 (Q2 của HSG rơi vào từ tháng 1 – tháng 3) trong khi công ty có hàng tồn kho giá vốn thấp để phục vụ cho 2-3 tháng sản xuất. Riêng trong Q2, Chuyên viên ước tính công ty có thể đạt mức LNST kỷ lục là 393 tỷ đồng (tăng 240% so với cùng kỳ). Nhờ vậy, HSG đã hoàn thành được 87,9% kế hoạch cả năm là 660 tỷ đồng LNST.
Cho 2016, Chuyên viên đang chờ công bố KQKD 6T chính thức từ HSG trước khi điều chỉnh tăng dự báo của mình. Hiện tại Chuyên viên dự báo doanh thu năm 2016 đạt 16.730 tỷ đồng (giảm 4,1%) và LNST đạt 805,4 tỷ đồng (tăng trưởng 23,4%). EPS dự phóng 2016 là khoảng 5.717đ; P/E dự phóng là 6,5 lần.
Dựa trên dự báo mới nhất của Chuyên viên (kết quả thực chắc chắn sẽ vượt xa dự báo này), HSG hiện đang có P/E 4 quý gần nhất là 5.5 lần. Nghĩa là rất hấp dẫn. Chuyên viên cũng thấy trên thị trường có tin đồn là HSG có khả năng được đưa vào giỏ ETF vì thanh khoản của cổ phiếu đã được cải thiện. Chuyên viên tiếp tục duy trì đánh giá Mua vào.
—————
CVT: Công suất đã sẵn sàng cho tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Kết quả kinh doanh năm 2015 tăng trưởng khá tốt, đạt vượt 12% kế hoạch lợi nhuận. Doanh thu thuần đạt 680 tỷ đồng (+12% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 63 tỷ đồng (+23.6% yoy). Kết quả này chủ yếu là do CMC có mức tăng trưởng sản lượng tốt (+15.5% yoy) nhờ gia tăng công suất và đóng góp của dây chuyền mới đưa vào sử dụng trong năm.
Đẩy mạnh chiết khấu, mở rộng hệ thống phân phối cho mục tiêu gia tăng thị phần. Tính đến Q1/16, CMC có hơn 110 đại lý khắp cả nước, tức đã tăng trưởng hơn 10% so với thời điểm cuối năm ngoái. Với phương thức gia tăng mạnh tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý trong năm 2015 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chiến lược này trong năm nay, CMC đang cho thấy rõ quyết tâm mở rộng thị trường tiêu thụ tương ứng với công suất sản xuất mục tiêu là 20 triệu m2 đến năm 2017.
Sẽ tái khởi động kế hoạch tăng vốn điều lệ tài trợ cho dự án mới. CMC đã xây dựng kế hoạch phát hành vốn tài trợ cho dự án mới từ năm 2015 nhưng bị trì hoãn chưa thực hiện. Cụ thể, CMC dự kiến sẽ phát hành 19.2 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 15.000 đồng hoặc khoảng 70% giá thị trường tại thời điểm phát hành. Kế hoạch tăng vốn này nhằm tài trợ cho dự án mở rộng nhà máy CMC2 với tổng số vốn đầu tư là 481.4 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ dự kiến tăng thêm là 192 tỷ, phần còn lại sẽ dùng từ nguồn thặng dư và vốn vay. Dự án mới, với công suất tăng thêm là 4.2-5 triệu m2 gạch granite sẽ nâng tổng công suất sản xuất của CMC từ 15 triệu m2 hiện tại lên đến 20 triệu m2 trong năm 2017.
Chuyên viên ước tính CMC có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu 26.8% trong năm nay do sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 44%. Tuy nhiên, tỷ lệ chiết khấu cao hơn sẽ khiến biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm, đồng thời chi phí lãi vay sẽ tăng cao hơn năm trước cũng tác động đến tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Chuyên viên không đưa kế hoạch phát hành và dự án mới vào mô hình dự phóng.
EPS năm 2016 ước đạt 3.522 đồng/cp, tương ứng tăng 18.6% so với năm trước. Tại mức giá đóng cửa ngày 06/4/2016, cổ phiếu CVT đang giao dịch tại mức P/E là 6.5 lần và P/B là 1.2 lần. Mức P/E này khá tương đồng với mức bình quân ngành hiện tại là 6.6 lần. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý tác động pha loãng EPS trong trường hợp CMC thực hiện kế hoạch tăng vốn.
—————
NKG: Cập nhật KQKD Q1/2016 – Tăng trưởng tốt: Tổng doanh thu Q1/2016 của NKG đạt khoảng 1.600 tỷ đồng (+36%yoy), LNST Q1/2016 đạt khoảng 50 tỷ đồng (gấp 2,44 lần LNST Q1/2015). Kết quả kinh doanh cải thiện tích cực do sự tăng trưởng của hoạt động xây dựng trong nước cùng với thị trường XK được mở rộng, tổng sản lượng tiêu thụ Q1/2016 của NKG đạt gần 121 nghìn tấn (+77%yoy), trong đó tiêu thụ tôn mạ đạt 89 nghìn tấn (+70%yoy) và mặt hàng thép đạt khoảng 32 nghìn tấn (gấp 2 lần cùng kỳ 2015). Sản lượng mục tiêu của NKG trong năm 2016 là 500 – 550 nghìn tấn thép tôn mạ các loại.
Thị trường xuất khẩu được mở rộng: Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của NKG hiện là 50% tổng sản lượng tiêu thụ; trong đó Malaysia và Thái Lan đang chiếm khoảng 20%, Indonesia (50 – 60%) còn lại là các thị trường khác. Đáng chú ý, với thị trường Malaysia, NKG được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn lại chịu mức thuế trên 13%. Bên cạnh đó, NKG cũng đã phát triển thị trường tại Mỹ, Mexico và một số nước châu Phi, tỷ trọng xuất khẩu vào nhóm nước này chiếm khoảng 23% tổng sản lượng xuất khẩu hằng tháng. Do biên lợi nhuận xuất khẩu sang châu Mỹ tốt hơn xuất khẩu vào nhóm nước châu Á, nên NKG sẽ tăng tỷ trọng khi nhà máy Nam Kim 3 đi vào hoạt động.
Tăng sản lượng tiêu thụ khi Nhà máy Nam Kim 3 – Giai đoạn 1 đi vào hoạt động trong năm 2016. Dự án gồm 1 dây chuyền mạ kẽm / mạ lạnh công suất 300.000 tấn/năm (đi vào hoạt động T8 – T9/2016) và 1 dây chuyền mạ kẽm công suất 120.000 tấn/năm (đi vào hoạt động T11 – T12/2016). Dự kiến biên lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện khi dây chuyền tôn mạ lạnh đi vào hoạt động do là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhất, hiện tại NKG đang có 2 dây chuyền mạ lạnh, tổng công suất 250.000 tấn/năm.
Chuyên viên vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 16.200 đồng/cp. Ước tính LNST 2016 đạt khoảng 180 – 220 tỷ đồng, EPS 2016 = 3.598 đồng/cp (khả năng NKG sẽ không phát hành tăng vốn). Ngày 07/04/2016, cổ phiếu NKG được giao dịch với giá 13.300 đồng, tương đương PE FW = 3,5x.
—————
DMC: Công ty dược đầu tiên đề xuất bỏ room KN. Ngày hôm qua, CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) đã công bố nghị quyết HĐQT. Theo đó, tại ĐHCĐ sắp tới công ty sẽ xin ý kiến cổ đông về hai vấn đề chính là (1) Điều chỉnh lại điều lệ doanh nghiệp; và (2) Bỏ tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đây được cho là lý do khiến giá cổ phiếu tăng mạnh hơn 80% từ đầu năm đến nay. Đây cũng là một việc chưa có tiền lệ trong lĩnh vực dược phẩm vì theo quy định của Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài không được phép phân phối các sản phẩm dược. Để các điều chỉnh này được thông qua, DMC phải được 75% số quyền biểu quyết có mặt tại ĐHCĐ chấp thuận.
DMC là công ty dược phẩm lớn thứ ba Việt Nam với giá trị vốn hóa 90 triệu USD. Cơ cấu cổ đông khá tập trung, trong đó CFR (Abbott) sở hữu 45,9% và SCIC 34,7%, còn Deutsche Bank và Viet Capital AM mỗi bên nắm giữ trên 4%. Thế mạnh của DMC là các sản phẩm thuốc gốc đặc trị (tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa) với giá thấp hơn 30%-40% so với thuốc có bản quyền. Vì vậy, kênh bệnh viên chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của công ty (30% năm 2014).
Tại mức giá đóng cửa phiên hôm nay, DMC hiện đang giao dịch với PER trượt 12 tháng 14,2 lần, so với 13,6 lần của DHG và 16,3 lần của TRA.
—————
BCC: Ước tính KQKD Q1/2016: Sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 920.000 tấn xi măng (tăng 12 – 15%yoy) và hơn 100.000 tấn clinker. Tình hình tiêu thụ tích cực hơn so với năm trước. Do giá bán xi măng có giảm 30.000 đồng/tấn (ở một số loại mặt hàng) nên DT đạt khoảng 990 – 1000 tỷ đồng (+10%yoy), LNTT core (chưa tính chênh lệch tỷ giá) đạt 58 – 59 tỷ đồng (+6%yoy).
Đánh giá lỗ chênh lệch tỷ giá EUR trong Q1/2016: hiện dư nợ dài hạn của BCC còn khoảng 28,61 triệu EUR, nếu tạm tính theo tỷ giá bán VND/EUR của VCB, thì lỗ tỷ giá trong Q1 ước khoảng 20 tỷ đồng. Năm 2015, BCC đã trả nợ EUR 3 kỳ thay vì 2 kỳ như thường lệ (mỗi kỳ trả 9 triệu EUR), do đó, BCC không phải trả nợ kỳ tháng 3/2016, giúp giảm áp lực tỷ giá trong ngắn hạn.
Kế hoạch đầu tư dây chuyền nghiền xi măng đến đóng bao: dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ, trong đó 75% là vốn vay và 25% là vốn tự có. Hiện tại doanh nghiệp đã giải tỏa xong mặt bằng để thi công dự án, và chưa đưa ra kế hoạch vốn vay cụ thể.
Cổ tức 2015 – 2016: BCC đang trình Vicem kế hoạch trả cổ tức cho năm 2015 và 2016. Dự kiến cổ tức 2015 là 15% bằng cổ phiếu và cổ tức 2016 là 10% có thể bằng tiền mặt.
Chuyên viên vẫn duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn cổ phiếu BCC với giá 17.323 đồng/cp. Ngày 07/04/2016, cổ phiếu BCC được giao dịch với giá 15.600 đồng, tương đương PE FW = 7,77x (EPS 2016 core = 2.038 sau khi đã tạm trừ 20% LNST cho quỹ khen thưởng phúc lợi).
—————
TLH: Thép Tiến Lên ước lãi 100 tỷ đồng quý 1 Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) vừa trả lời trên báo Đầu tư Chứng khoán là công ty ước lãi 100 tỷ đồng trong quý 1 năm 2016. Mức lợi nhuận này của Thép Tiến Lên bứt phá so với con số lỗ 169 tỷ đồng cả năm 2015. Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý 1 có sự đột biến là do giá thép thế giới tăng nên Thép Tiến Lên được hưởng lợi rất nhiều do công ty có nhiều hàng tồn kho giá rẻ và đã trích lập dự phòng từ cuối năm 2015. Trong tài liệu họp ĐHCĐ tổ chức thời gian tới đây, Thép Tiến Lên nhận định sự hồi phục kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là cơ sở quan trọng để đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016. Ngành nghề dự báo sẽ tăng trưởng mạnh 2016 là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng nông-lâm sản. Ngành thép dự báo tăng trưởng 8-10% so với 2015. Thép Tiến lên đặt mục tiêu 4.000 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2016.
—————
FMC: Quý 1 doanh số tăng nhẹ 5% CTCP Thực phẩm Sao Ta vừa công bố hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2016 với doanh số tiêu thụ chung 24.8 triệu USD, tăng nhẹ 5% so cùng kỳ.
—————
CII: Tân Tam Mã tiếp tục đăng kí mua thêm 1 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Tam Mã vừa thông báo tiếp tục đăng ký mua thêm 1 triệu cp với mục đích đầu tư. Nếu giao dịch thành công, công ty này sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ lên 4,79%
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Trong báo cáo mới nhất được công bố, ANZ tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh tế Việt Nam khi cho rằng Việt Nam có thể không đạt được mức tăng trưởng GDP 6,9% cho năm 2016 và 6,5% cho năm 2017 như dự báo đưa ra trước đó do chịu ảnh hưởng xấu từ hiện tượng El nino kéo dài khiến lĩnh vực nông nghiệp chịu thiệt hại nặng. Mặc dù vậy, ANZ vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực khi là nền kinh tế duy nhất tại Châu Á đi ngược xu hướng suy giảm thương mại (so với cùng kỳ, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 4,1% trong quý I). Bên cạnh đó, ANZ cũng đưa ra 1 số dự báo đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vài tháng tới như: Sản xuất nông nghiệp sẽ chịu áp lực do ảnh hưởng kéo dài của El Niño; xây dựng và bất động sản sẽ tiếp tục duy trì đà đi lên; hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh; lạm phát sẽ tiếp tục tăng chậm với dự báo lạm phát tổng quát sẽ đạt mức trung bình 1,7% trong năm 2016 và 2,5% vào năm 2017; nhập khẩu có thể sẽ giảm nhẹ; xuất khẩu sẽ vẫn tăng trưởng mạnh khi Việt Nam giành thị phần từ tay các nước trong khu vực; cán cân thương mại được hỗ trợ bởi cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ ổn định trở lại, cho phép Ngân hàng Nhà nước xây dựng lại dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, mặc dù tương lai của TPP là mờ nhạt nhưng việc phê chuẩn FTA Việt Nam – EU sẽ mở ra một thị trường hoàn toàn mới cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng giày dép và may mặc. Cùng quan điểm với ANZ, Chuyên viên đánh giá các yếu tố rủi ro như tác động từ hiện tượng Elnino, hụt thu ngân sách do giá dầu, nợ công tăng cao và áp lực tăng lãi suất trong nước… có thể sẽ cản trở Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% như đã đề ra từ đầu năm.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (08/04/2016):
08/04/2016 10:00 SGR Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2014 bằng tiền, 1,400 đồng/CP
08/04/2016 10:00 ADC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,500 đồng/CP
08/04/2016 10:00 TCM Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
08/04/2016 10:00 TH1 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
08/04/2016 10:00 BCI Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
08/04/2016 10:00 IJC Họp ĐHCĐ thường niên 2016
08/04/2016 10:00 TCM Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
08/04/2016 10:00 PET Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
08/04/2016 10:00 TCS Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
—————
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net