DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 05/04/2016 gồm cập nhật PLC, VNM, HBC, PVS, CII, BCG, EIB, SCR, DPM, C32

Lượt xem: 13,590 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tiếp tục giảm điểm, đóng cửa tại 555,82 (giảm 2,61 điểm tương đương 0,47%). Thanh khoản tiếp tục giảm với chỉ 109 triệu cổ phiếu khớp lệnh (giảm 6%).

Đồ thị VN-Index ngày 04/04/2016

Đồ thị VN-Index ngày 04/04/2016. Nguồn: Amibroker

Hiện tượng hồi phục trong phiên 04/04 có xuất hiện nhưng rất yếu. Cụ thể cảnh báo bán quá đà của thị trường đang xuất hiện tại nhóm chỉ báo nhanh là CCI và Wm%R. Hiện tượng này có thể sẽ tiếp diễn trong các phiên tới dưới trạng thái của các nhịp hồi phục kỹ thuật. Phiên hôm nay, VN-Index đã không trụ được ở vùng 557-560 điểm. Chỉ số đã có ba phiên liên tiếp rơi ra khỏi biên dưới của Bollinger Bands, cho thấy đà giảm đang khá mạnh. Tuy nhiên, diễn biến trên cũng cho thấy khả năng sẽ sớm có sự điều chỉnh trở lại vào bên trong Bollinger Bands của VN-Index. Nhất là khi chỉ số cũng sắp chạm trở lại về vùng hỗ trợ 540-550 điểm, vùng trùng với ngưỡng Fibonacci Retracement 50% (của nhịp tăng từ tháng 01/2016) và mây Kumo của Ichimoku Kinko Hyo. Dù sao vẫn cần thận trọng do khối lượng giao dịch vẫn chưa quay trở lại.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong phiên giao dịch ngày mai 05/04/2016. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần. Ngoài ra, dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển vào mạnh nhóm cổ phiếu Largecaps khi nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã về vùng giá hỗ trợ ngắn hạn.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giảm mức kháng cự của hệ thống xuống 573 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo trong các nhịp giảm. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng vào đối với các cổ phiếu chưa vi phạm mức cắt lỗ như trong bảng top 30 cổ phiếu cần quan tâm hàng ngày của Nhật Cường. Đối với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể cân nhắc mua thăm dò tỷ trọng thấp ở những cổ phiếu tiềm năng nằm trong danh sách trên.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 04/04/2016:

Bên bán tiếp tục áp đảo, VN-Index có phiên giảm thứ ba liên tiếp về mức 555.82 điểm. Thanh khoản giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch, độ rộng thị trường thu hẹp. Mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài ở mức trung bình và khối này mua ròng hơn 58 tỉ đồng trên cả hai sàn. FTSE ETF premium 0.36%, VNM ETF premium/discount ở mức 0%.

Dòng tiền tiếp tục có dấu hiệu cho thấy đang bị rút ra khỏi thị trường và tạo áp lực lên các chỉ số. Thanh khoản sụt giảm mạnh trên sàn HOSE, KLGD của sàn này chỉ đạt 118,8 triệu đơn vị, giảm -9,5% so với phiên cuối tuần trước.

Các mã ngân hàng diến biến trái chiều. EIB; BID. VCB; MBB; STB và ACB đóng cửa tại tham chiếu. CTG tăng. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của 5 ngân hàng lớn với triển vọng ổn định. Ba ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank giữ nguyên ở mức B+ trong khi ACB và MBB ở mức B.

BVH tăng. Các mã chứng khoán diễn biến trái chiều với SSI & VND tăng trong khi HCM giảm. Hội thảo của UBCK đã diễn ra vào thứ 6 để thảo luận những vấn đề liên quan đến nội dung cải cách thị trường trong Thông tư 203 & 07. Hiện vẫn còn những vấn đề về hệ thống hoạt động của công ty chứng khoán trước khi quy định về giao dịch trong cùng phiên được thực hiện. Trong khi đó giới hạn về cho vay margin bên thứ 3 có thể sẽ khiến có những điều chỉnh ngắn hạn trên thị trường. Và quy định này cuối cùng sẽ có lợi cho các công ty chứng khoán lớn.

VNM và FPT đóng cửa tại tham chiếu. BMP giảm. Thị trường vẫn chờ những diễn biến từ VNM với kỳ vọng lớn vào câu chuyện nới room ở mã này.

Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm đồng loạt do ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu, các cổ phiếu quan trọng của ngành này như GAS, PVD, PGS, PVC đều giảm mạnh, đặc biệt là PVD (-5,1%), ngoại lệ có PVB và PVS đi ngược chiều. Giá dầu đang chịu áp lực giảm trước hàng loạt thông tin bất lợi, đầu tiên là phát biểu của Phó hoàng thái tử Arab Saudi về việc nước này sẽ tham gia đóng băng sản lượng nếu Iran và các nước khác cũng có hành động tương tự, trong khi Iran là quốc gia chưa bao giờ tỏ ý muốn hợp tác trong việc đóng băng giảm sản lượng. Ngoài ra, một quốc gia có thể được coi là đi đầu trong việc kêu gọi đóng băng sản lượng dầu thô đó là Nga lại công bố số liệu sản lượng dầu thô của trong tháng 3/2016 đạt 46,149 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, dấy lên lo ngại về những tuyên bố trước đây của các lãnh đạo ngành dầu khí nước này.

Cổ phiếu PVB gây chú ý khi tăng tới +8,7%, trong khi PVS đóng cửa ở giá tham chiếu, thông tin về việc khởi động chuỗi dự án Khí Lô B-Ô Môn đã giúp PVB và PVS ngược dòng thị trường. Chuỗi dự án có hai phần gồm dự án phát triển mỏ Lô B, 48/95, 52/97 và đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, trong đó, hạng mục đường ống có chiều dài lên tới 431 km. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng công việc ổn định cho các doanh nghiệp như PVS hay PVB trong nhiều năm tới. Tuy nhiên thì trong tài liệu họp ĐHCĐTN 2016 của PVB, công ty này lại đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch rất khiêm tốn, cụ thể doanh thu và LNST kế hoạch của năm 2016 lần lượt là 245,9 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng, giảm tương ứng giảm – 75,5% và -96,3% so với mức thực hiện của năm 2015.

Các mã đầu cơ đồng loạt giảm mạnh trong phiên. Một số mã giảm mạnh có thể kể tới đó là OGC, HHS, TSC, BGM, TTF,…, tuy vậy, cổ phiếu giảm sàn gây chú ý nhiều nhất trên thị trường đó là MSR (Upcom) và lượng giao dịch ở mã này lên tới gần 2,3 triệu đơn vị. Trong khi đó cũng có không ít các cổ phiếu đi ngược thị trường và tăng trần trong phiên như LHG, TLH, KMR, VHC.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng nhẹ trên 38,5 tỷ đồng. SSI dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 618 nghìn đơn vị. FIT, DIG và DXG cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, HVG dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 797 nghìn đơn vị. HSG, DPM và PPC cũng bị bán ròng nhẹ.

Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng nhẹ hơn 19,8 tỷ đồng. SCR dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 777 nghìn đơn vị. PVS, SHS và KLF cũng được mua ròng nhẹ. Khối ngoại ko tập trung bán ròng mã nào trên HNX

3. Thông tin Doanh nghiệp:

PLC: Tăng trưởng lợi nhuận chững lại khi yếu tố chi phí đầu vào thấp giảm dần – Cập nhật

Chuyên viên điều chỉnh giảm giá mục tiêu khoảng 18% cho PLC nhưng vẫn duy trì khuyến nghị MUA

Giá dầu thô ở mức thấp, tác động đến giá nguyên liệu làm gia tăng biên LN gộp…Giá dầu thô đã lao dốc 46% năm 2015, dẫn đến việc tăng trưởng biên LN gộp của mảng nhựa đường và dầu nhờn lần lượt thêm 4 điểm % và 5 điểm %. Biên LN chung do đó cải thiện 3,8 điểm % đạt 18,4%.

…dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ dù chi phí tài chính tăng mạnh trong quý 4/2015. PLC ghi nhận khoản lỗ tỷ giá cao hơn dự kiến 97 tỷ đồng (4,3 triệu USD), do 90% nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu, và chi phí lãi vay 50 tỷ đồng (2,2 triệu USD) phát sinh từ khoản vay ngắn hạn mới trong quý 4/2015 ảnh hưởng đến lợi nhuận. Khoản vay ngắn hạn này được sử dụng để thanh toán khoản phải trả 734 tỷ đồng (33 triệu USD) cho Petrolimex Singapore, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào của nhựa đường. Doanh thu và LNST tăng lần lượt 1,6% và 23,1% trong năm 2015. Lợi nhuận tăng mạnh hơn doanh thu do cải thiện biên LN.

Nhu cầu nhựa đường polymer tạm thời chững lại và áp lực giảm giá sẽ tác động đến biên LN năm 2016… Giá bán nhựa đường sẽ giảm nhẹ trong năm 2016 khi PLC buộc phải chuyển khoản chi phí đầu vào thấp sang cho người mua. Ngoài ta, một vài dự án nâng cấp sân bay và đường cao tốc lớn cần nhựa đường polymer, vốn có biên LN cao (biên LN 20-30% so với 7-10% của nhựa đường thông thường) đã được hoàn thành trong năm 2015. Do đó, đóng góp của nhựa đường polymer sẽ giảm, và biên LN chung cho mảng nhựa đường sẽ giảm 0,5 điểm % còn 18,2% trong năm nay. Theo đó, LNST năm 2016 dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ kém tích cực 2,8%.

…Nhưng giai đoạn khó khăn này sẽ nhanh chóng trôi qua khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng tốc trong năm 2017. Bộ GT-VT có kế hoạch xây thêm 1.754 km đường cao tốc mới, tương đương 70% tổng kế hoạch đường cao tốc đến năm 2020. Đồng thời, bộ GT-VT có kế hoạch giải ngân 651 nghìn tỷ đồng (28,9 tỷ USD) vào GT-VT trong giai đoạn 2016-2020, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 5 năm trước. Điều này sẽ giúp duy trì nhu cầu cao cho nhựa đường polyemer và thông thường trong tương lai gần. Mối quan hệ lâu dài của PLC trong ngành, công suất nhà kho và hệ thống phân phối rộng khắp sẽ tạo ra lợi thế giành được các hợp đồng này so với các đối thủ.

Giá cổ phiếu PLC khá rẻ sau những đợt giảm giá gần đây, nhưng cần chờ đợi trước khi mở vị thế. PLC đang giao dịch với P/E trượt 8,0 lần và P/E dự phóng 7,7 lần, khá rẻ với triển vọng trung hạn tích cực và lợi suất cổ tức hấp dẫn 9,8%. Tuy nhiên, xu hướng kỹ thuật trung hạn vẫn tỏ ra kém tích cực, do đó chúng tôi khuyến nghị các NĐT vẫn cần chờ đợi trước khi mở vị thế.

————–

VNM: Điều lệ doanh nghiệp được sửa đổi thành công, việc gỡ bỏ trần sở hữu nước ngoài (FOL) sắp hoàn tất

Sau khi thị trường đóng cửa hôm nay, VNM đã công bố việc sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, trong đó rút khỏi bảy ngành nghề kinh doanh, đã được chấp thuận của các cổ đông với tỷ lệ 88,22% trên tổng số quyền biểu quyết (trong số 88,22% nộp phiếu biểu quyết). Đây là một mốc quan trọng đối với VNM trong quá trình nâng FOL lên 100%.

Các bước tiếp theo sẽ là đưa điều lệ sửa đổi đăng lên cổng thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó xin chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) về việc gỡ bỏ FOL.

Đây là một bước ngoặt cho VNM, hỗ trợ cho kỳ vọng của Chuyên viên về định giá cao hơn cho cổ phiếu nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Chuyên viên nhận thấy vẫn có tiềm năng tăng ở mức PER dự phóng 2016 của Chuyên viên là 20 lần.

Chuyên viên hiện đang có giá mục tiêu 145.000 cho VNM (tổng lợi nhuận 12% bao gồm 3,7% lợi suất cổ tức). Tại mức giá đóng cửa hôm nay, VNM đang giao dịch ở mức PER năm 2016 là 18.4 lần dựa trên dự báo của Chuyên viên.

————–

HBC: Chuyên viên vừa có buổi gặp mặt với ban lãnh đạo CTCP Xây dựng Hòa Bình (HBC – HSX) để cập nhật tình hình doanh nghiệp.

Năm 2015, doanh thu thuần hợp nhất tăng 45% đạt 5.085 tỷ đồng, hoàn thành 95,9% kế hoạch năm. LNST hợp nhất đạt 90 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, tuy nhiên chỉ đạt 50% so với kế hoạch năm. Trong năm 2015, HBC phải đối mặt với vấn đề phát sinh chi phí ngoài ý muốn tại một số công trình lớn như Vietinbank Tower, Estella, German House, SSG Tower do nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật thi công. Điều này đã khiến biên lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh từ 11,5% trong năm 2014 xuống chỉ còn 5,8% trong năm 2015.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu vẫn tiếp tục tăng nhanh, tăng 30% so với cùng kỳ, một phần do doanh thu tăng, các chủ đầu tư vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn và chính sách mềm mỏng của ban lãnh đạo đối với khách hàng nhằm giữ khách hàng. Năm 2015, HBC đã hoàn nhập khoảng 65 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi, phần lớn từ nhà thầu Phú Khang. Theo đó, khoản phải thu 160 tỷ từ nhà thầu này đã thu được gần hết tính đến thời điểm hiện tại. Trong số các khoản phải thu có hai khoản lớn nhất của Hải Quân (100 tỷ đồng) và FLC Sầm Sơn (100 tỷ đồng), trong đó khoản phải thu từ Hải Quân hầu như không có khả năng thu hồi, còn khoản phải thu FLC Sầm Sơn dự kiến thu hồi trong 2016.

Về kế hoạch cổ tức của năm 2015, công ty dự định sẽ chi trả 10% – 15% bằng tiền mặt. Thời điểm chi trả có thể được công bố trong ĐHCĐ của công ty (dự kiến tổ chức vào ngày 27/4/2016). Mặc dù trong vài năm gần đây, HBC đều không hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng kế hoạch 2016 vẫn được đề ra khá tham vọng. Kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 8.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. LNTT dự kiến đạt 180 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, trong đó khoảng 1/3 được đóng góp bởi dự án The Ascent (ghi nhận doanh thu bán 100 căn).

Biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng sẽ cải thiện lên mức 9% trong năm 2016. Tổng giá trị các dự án đã ký kết và đang triển khai đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra công ty sẽ tham gia đấu thầu các dự án với tổng giá trị từ 2.000 đến 3.000 tỷ đồng, chủ yếu là các công trình dân dụng và văn phòng. Công ty nhận định rằng rủi ro phát sinh chi phí đội như trong năm 2015 sẽ giảm bớt do các công trình đã thi công đến phần thân với độ phức tạp ít hơn so với phần hầm. Ngoài ra, HBC sẽ tập trung thi công các dự án lớn thay vì trải rộng ra nhiều dự án nhỏ để quản lý chi phí trong quá trình xây dựng. HBC hôm nay đóng cửa tại 18.500 đồng/cổ phiếu, không thay đổi so với phiên trước . HBC hiện đang giao dịch tại mức P/E 2015 là 13,1 lần và P/B 2015 là 1,3 lần.

————–

PVS: Nội lực vững vàng – Tiềm năng lâu dài

Với xu hướng giá dầu thô thế giới tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp, PVS vẫn sẽ phải chịu những tác động không tốt đến KQKD, đặc biệt với các mảng như tàu dịch vụ, FSO/FPSO và dịch vụ khảo sát. Điều này đã được thể hiện khá rõ lên kết quả của doanh nghiệp trong năm 2015 và nhiều khả năng còn tiếp diễn trong năm 2016. Chuyên viên kỳ vọng phân khúc cảng biển và cơ khí sẽ là hoạt động trụ cột đem về lợi nhuận cũng như dòng tiền cho doanh nghiệp với công việc từ các dự án xây lắp trên bờ và tăng trưởng trong hoạt động giao thương tại cảng. Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ước đạt lần lượt 19.705 tỷ đồng (-15,7% yoy) và 1.110 tỷ đồng (-25,6% yoy). Dù rủi ro hệ thống còn ở mức cao, một điểm cộng tích cực đối với PVS là tình hình tài chính của doanh nghiệp khá an toàn và ổn định cùng với tỷ lệ nợ vay ở mức rất thấp. Yếu tố này sẽ là tấm đệm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, cổ tức đều đặn cũng là một điểm đáng chú ý khi PVS vẫn duy trì chia cổ tức tiền mặt hàng năm (~12% mệnh giá). Sử dụng phương pháp định giá so sánh P/E và P/B, mức giá hợp lý cho cổ phiếu PVS được xác định ở mức 18.000 đồng/cp, cao hơn giá hiện tại +16,9% (vào ngày 4/4/2016) với khuyến nghị TÍCH LŨY trong TRUNG HẠN.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng giá cổ phiếu ngành dầu khí đang được giao dịch tương quan khá lớn với thị trường và giá dầu thô thế giới. Do đó, việc cổ phiếu PVS có những biến động mạnh là điều hoàn toàn có thể hiểu được khi triển vọng giá dầu vẫn còn đang được bỏ ngỏ, ít nhất trong ngắn hạn. Ngoài ra, quan sát trong một thời gian dài, Chuyên viên nhận thấy cổ phiếu PVS có mức P/E và P/B thấp hơn những doanh nghiệp cùng ngành. Vì vậy, Chuyên viên sử dụng mức chiết khấu ~30% cho cả 2 chỉ số trên cho năm 2016.

————–

CII: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Hồ Chí Minh (mã: CII) đã công bố BCTC quý 1/2016 của công ty mẹ với lợi nhuận sau thuế 285 tỷ đồng – giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần của CII mẹ hoàn toàn từ hoạt động thu phí dự án BOT, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 93 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận gộp chỉ có 29 tỷ – giảm mạnh so với con số 85,3 tỷ của cùng kỳ năm trước. Phần lớn doanh thu cũng như lợi nhuận của CII mẹ đến từ hoạt động tài chính với doanh thu tài chính 352 tỷ đồng. Trong đó, cổ tức, lợi nhuận được chia là 103,3 tỷ đồng và doanh thu tài chính khác gần 228 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính là 269,5 tỷ đồng – giảm hơn 100 tỷ so với quý 1/2015 Bên cạnh đó, chi phí bán hàng giảm tới 95% còn gần 3 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp được hoàn nhập 36,6 tỷ.

————–

BCG: Theo Hội đồng quản trị công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG), căn cứ tình hình thực tế và nhận thấy việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BCG là cơ hội tốt để cổ phiếu BCG tăng tính thanh khoản trong giao dịch, cải thiện khả năng huy động vốn. Chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital lên mức tối đa là 100%. Đồng thời, chấp thuận cho cổ đông nước ngoài sở hữu chi phối đến 50% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bamboo Capital mà không phải làm thủ tục chào mua công khai.

————–

EIB: Cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 8/4 Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành quyết định số 139/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào diện cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu EIB sẽ được đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 08/04/2016, theo quy định tại Điểm c Khoản 1.1 Điều 15 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ-SGDHCM ngày 13/01/2014. Quyết định này được lý giải bởi việc lợi nhuận chưa phân phối của EIB đã bị điều chỉnh hồi tố, giảm lợi nhuận của các năm tài chính mà những khoản lãi liên quan đến thương vụ Eximland được ghi nhân (giai đoạn 2010-2013).

————–

SCR: Lãi ròng sau kiểm toán tăng hơn 22 tỷ đồng Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 đã được kiểm toán của SCR đạt hơn 198 tỷ đồng, tăng hơn 22.5 tỷ đồng (12.8%) so với BCTC hợp nhất quý 4/2015 do công ty tự lập.

————–

DPM: Giá dầu giảm mạnh, lãi ròng 2015 tăng 36% Năm 2015 giá dầu giảm mạnh nên Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí ghi nhận lãi ròng 1,488 tỷ đồng, tăng gần 36% so năm 2014. EPS tương ứng đạt 3,295 đồng.

————–

C32: Kế hoạch lãi 2016 giảm 22% Theo đó, C32 đặt kế hoạch doanh thu 550 tỷ đồng, giảm 1% so với kết quả thực hiện năm 2015, và lãi ròng giảm 22% so với kết quả thực hiện năm 2015.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 60 tỷ USD

Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2016 thặng dư 264 triệu USD, tính chung cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 3/2015 thặng dư 932 triệu USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2016 đạt 7,06 tỷ USD, tăng 7% (tương ứng tăng 462 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 2/2016. Tính đến hết ngày 15/3/2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 30,74 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 1,65 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu vẫn là nhóm hàng điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu đạt 6,427 tỷ USD, tăng 982 triệu USD so với cùng kỳ 2015, tương đương 18%. Sự hồi phục của các nhóm hàng chủ lực đã kéo theo tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước quay đầu tăng trưởng với mức 5,7% so với cùng kỳ năm 2015, đạt gần 30,74 tỷ USD. Bên cạnh đó, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2016 đạt gần 6,8 tỷ USD, tăng 2,2% (tương ứng tăng 145 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 2. Tính đến hết ngày 15/3/2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, giảm 3,8% (tương ứng giảm 1,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (05/04/2016):

05/04/2016 10:00 HHV Giao dịch bổ sung – 1,777,500 CP

05/04/2016 10:00 ADP Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 4/2015 bằng tiền, 500 đồng/CP

05/04/2016 10:00 GMX Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 500 đồng/CP

05/04/2016 10:00 BCG Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

05/04/2016 10:00 PTH Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý