DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Tranh chấp thương mại không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Việt Nam

Lượt xem: 5,157 - Ngày:

Nhận định vĩ mô – Tranh chấp thương mại không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên ảnh hưởng gián tiếp theo thời gian có thể sẽ lớn hơn nhiều. Mọi đánh giá về ảnh hưởng của sự leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và nhiều nước khác chẳng hạn như Trung Quốc chỉ mang tính suy đoán. Vì trước tiên đây là vấn đề mới. Thứ hai là có quá nhiều biến số ảnh hưởng. Và thứ ba là kết quả đánh giá phụ thuộc nhiều vào thời gian tranh chấp thương mại kéo dài cho đến khi tìm được một giải pháp. Với bản chất của vấn đề như nêu trên, những nhận định dưới đây mang tính suy đoán và kết luận rút ra không có nhiều giá trị dự báo. Ngoài ra những kết luận này có vẻ cũng đã khá rõ ràng.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung

Tranh chấp thương mại không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của Việt Nam. Nguồn: HSC

Kết luận nhanh – Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ sự leo thang căng thảng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì xuất khẩu của hàng hóa trung gian của Việt Nam sang Trung Quốc (để sản xuất và xuất sang Mỹ) là không lớn, chỉ khoảng 1,2 tỷ USD. Những rủi ro lớn đối với Việt Nam là rủi ro gián tiếp, đặc biệt là nếu tranh chấp thương mại leo thang và kéo dài trên 6-9 tháng. Những rủi ro gián tiếp đối với nền kinh tế Việt nam xuất phát từ (1) nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể (chúng tôi cho rằng điều này ít có khả năng xảy ra); (2) Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ đóng góp hàng hóa trung gian nhập từ Trung Quốc cao (chúng tôi cho rằng rủi ro này là lớn nhất); (3) xuất khẩu sang các nền kinh tế trong khu vực chịu tổn thương từ tranh chấp thương mại chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan kém đi (rủi ro này ở mức vừa phải) và (4) rủi ro tỷ giá tăng nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên còn đồng CNY tiếp tục yếu đi (rủi ro này trên mức vừa phải). Ngoài ra còn những rủi ro đối với FDI, FII và lạm phát.

Trái lại, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi nếu một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài vì những nhà sản xuất khu vực Bắc Á sẽ giảm hơn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và chuyển nhiều hơn sang Việt Nam. Nhằm tránh rủi ro trực tiếp từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên lợi thế này có lẽ phải cần nhiều năm mới thể hiện được ảnh hưởng trên các số liệu kinh tế vĩ mô.

Trước mắt ảnh hưởng của tranh chấp thương mại đối với Việt Nam là không lớn – Có 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn là – hàng hóa cơ bản, hàng hóa trung gian và thành phẩm. Ảnh hưởng trực tiếp chính đối với các nền kinh tế trong khu vực (ngoài trừ Trung Quốc) là hoạt động xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất thành phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Đây là lý do các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã thể hiện sự lo ngại lớn đối với việc Mỹ muốn tiếp tục đánh thuế 10% vào 200 tỷ hàng hóa của Trung Quốc. Trong khi đó tác động này đối với Việt Nam nhẹ hơn nhiều vì:

  • Xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm dưới 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
  • Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa cơ bản sang Trung Quốc chẳng hạn như hoa quả, rau và gạo; và hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này chịu nhiều ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa của Trung Quốc.

Đồng thời lợi thế trong tương lai gần của Việt Nam từ chiến tranh thương mại cũng không lớn vì:

  • Cách tốt nhất để tận dụng lợi thế từ một cuộc chiến tranh thương mại là chuyển các nhà máy sản xuất hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng để thực hiện điều này cần phải mất vài năm.
  • Theo thời gian, xuất khẩu hàng hóa trung gian của Việt Nam sang Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng lên khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển.

HSC ước tính Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ – Trong 35,4 tỷ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017, HSC ước tính có khoảng 1,23 tỷ USD (bằng 0,57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 2,5% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc) là hàng hóa trung gian được sử dụng để chế biến hoặc lắp ráp sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó các mặt hàng chẳng hạn như thiết bị điện và quang học, dệt may, da, giày dép chiếm tỷ trọng lớn.

Nếu nhìn vào danh mục 1.102 sản phẩm nằm trong 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25% lần đầu và 6.000 sản phẩm nằm trong 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tiếp theo bị Mỹ áp thuế 10%, chúng tôi thấy:

Trong 50 tỷ USD hàng hóa bị đánh thuế đầu tiên, những mặt hàng sau có tỷ trọng lớn:

  • Thiết bị điện và quang học; máy móc thiết bị
  • Thiết bị vận chuyển
  • Hóa chất và khoáng sản phi kim

Trong 200 tỷ USD bị đề xuất áp thuế đợt 2, bao gồm thêm những mặt hàng sau:

  • Dệt, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu giả định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 30%, HSC ước tính xuất khẩu hàng hóa trung gian của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm tương ứng khoảng 1/3, là 400 triệu USD (bằng 0,8% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và bằng 0,19% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Trong kịch bản khả dĩ nhất, nếu giả định xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (505 tỷ USD) giảm khoảng 10% (tương đương giảm 50,5 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc), HSC ước tính xuất khẩu hàng hóa trung gian (linh phụ kiện) của Việt Nam sang Trung Quốc (để sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ) có thể giảm tương ứng khoảng 123,6 triệu USD (bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và bằng 0,06% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền nhất – Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là 3 nước xuất khẩu hàng trung gian lớn nhất sang Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất sang Mỹ với giá trị lần lượt là 29,7 tỷ USD; 16,7 tỷ USD và 13,2 tỷ USD. Tương ứng với lần lượt 5,9%; 3,3% và 2,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Đồng thời xuất khẩu hàng trung gian sang Trung Quốc để sản xuất hàng hóa xuất sang Mỹ của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước này sang Trung Quốc, lần lượt là 17,9%; 9,4% và 8,5%. Do vậy chúng tôi ước tính nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 0,43%; Hàn Quốc giảm 0,29% và Đài Loan giảm 0,42%. Điều này là do sự phát triển cao hơn của các nền kinh tế trên so với nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh hưởng gián tiếp đến Việt với mức độ lớn hơn nếu tranh chấp thương mại trở nên căng thẳng và kéo dài – IMF ước tính cuộc chiến thương mại hiện tại có thể tác động giảm 0,5% tăng trưởng kinh tế thế giới, tương đương 430 tỷ đồng đến năm 2020. Nói cách khác;

  • Tổ chức này cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2018 và 2019.
  • Tuy nhiên tỏ ra lo ngại về mức độ ảnh hưởng nếu tranh chấp kéo dài sang năm sau. Hoặc trở nên căng thẳng hơn.

HSC tin rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp với mức độ lớn hơn nhiều nếu tranh chấp kéo dài. Tác động này thể hiện qua:

  • Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể chậm lại nếu nền kinh tế của nước này cũng tăng trưởng chậm lại.
  • Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ với giá trị thành phần từ Trung Quốc lớn có thể bị áp thuế trong tương lai.
  • Kéo theo ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc do xuất khẩu của các nước này sang Trung Quốc và thậm chí là sang Mỹ gặp khó khăn.
  • Ảnh hưởng gián tiếp do thương mại thế giới suy giảm.
  • Nhiều tác động vĩ mô khác;
    • Áp lực lên tỷ giá do các đồng tiền trên thế giới trở nên biến động hơn do ảnh hưởng từ thương mại, chênh lệch lãi suất và thu hẹp QE.
    • Áp lực lên lạm phát do nhiều hàng hóa trở nên đắt đỏ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Và cũng do hàng hóa chịu gánh nặng thuế, cả trực tiếp và gián tiếp.

Sau đây là phân tích cụ thể từng ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế Việt Nam;

Trung Quốc sẽ hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam nếu nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng chậm lại – Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu giảm, nhu cầu nội tại của nước này cũng suy yếu và theo đó hướng đến tiêu thụ sản lượng tạo ra và giảm nhập khẩu từ các nước khác, bao gồm cả từ Việt Nam. Rủi ro này là rất rõ ràng đặc biệt khi Việt Nam và Trung Quốc có cơ cấu xuất khẩu giống nhau với tỷ trọng lớn là điện thoại, điện thoại di động và linh kiện, dệt may, máy tính, hàng điện tử, phụ tùng và linh kiện. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017 là 35 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

So sánh với năm 2008 và 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lần lượt tăng 33% và 11% mặc dù năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính. Do đó, dù so sánh với kim ngạch xuất khẩu lớn hơn trong cùng kỳ, chúng tôi ước tính ảnh hưởng (nếu có) đến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không đáng kể ở mức độ vĩ mô. Do chúng tôi giả định trong kịch bản xấu nhất, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng chậm lại một chút.

Một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể bị áp thuế nếu có giá trị hàng hóa trung gian từ Trung Quốc lớn – Với lo ngại hàng hóa Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các nước khác để tránh mức thuế cao, Mỹ có thể lựa chọn áp thuế cao hơn đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của OECD và ước tính của HSC, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ với giá trị hàng hóa trung gian từ Trung Quốc lớn gồm;

  • Dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 15,28% hàng dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
  • Thiết bị điện tử và điện quang: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 18,82% thiết bị điện tử và điện quang xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
  • Sản phẩm hóa chất và khoáng sản phi kim loại – thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 12,05%.
  • Máy móc và thiết bị: thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 17,85%.
  • Gỗ, giấy, sản phẩm từ giấy, in ấn và xuất bản: thành phần xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 8,81%.

Trên thực tế, các sản phẩm thép gồm thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam cũng đã chịu áp thuế vì nguyên nhân trên. Mỹ đã đánh thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với các sản phẩm thép của Việt Nam bị nghi ngờ có giá trị thành phần từ Trung Quốc lớn trong tháng 5 năm nay. Nếu chính sách này được áp dụng với nhiều hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam, mức độ ảnh hưởng có thể lên tới 70% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ do đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2017.

Chúng tôi cho rằng đây là rủi ro ảnh hưởng gián tiếp lớn nhất đến Việt Nam từ cuộc chiến thương mại toàn cầu kéo dài.

Hoạt động thương mại bị ảnh hưởng và suy giảm cũng có thể tác động đến xuất khẩu của Việt Nam – Xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt chiếm 7,8%; 6,9% và 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Và xuất khẩu sang 3 nước này cũng lần lượt tăng trưởng 14,9%; 29,9% và 13,3% trong năm 2017. Nếu tăng trưởng kinh tế của 3 nước này chậm lại, chúng tôi ước tính xuất khẩu của Việt Nam sang ba thị trường này cũng tăng chậm lại với mức tăng trưởng dự báo là 5-10% trong giai đoạn 2019-2020.

Với dòng vốn FDI lớn từ những nước này đổ vào Việt Nam và rất nhiều nhà máy mới đã được xây dựng, chúng tôi cho rằng khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang 3 nước này giảm là rất ít. Xu hướng di dời nhà máy sang Việt Nam xuất phát từ lợi thế chi phí thấp và ổn định chính trị của Việt Nam và mặc dù xu hướng này có thể chững lại trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới nhưng khả năng lớn vẫn được duy trì. Trên thực tế có quan điểm cho rằng xu hướng này thậm chí có thể tăng tốc do các công ty trong khu vực mong muốn giảm quy mô sản xuất tại Trung Quốc.

Tiền đồng giảm giá nhưng hiện vẫn trong mức cho phép – Tính đến hôm nay, tiền đồng đã giảm 2,36% so với đồng USD trên thị trường OTC và giảm 1,51% trên thị trường liên ngân hàng. Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và liên ngân hàng giảm về 0,85% từ mức đỉnh điểm là 0,90% trong vài tuần trước đó. NHNN theo dõi thận trọng thị trường ngoại hối, tuy nhiên ngoài việc đưa ra một số quan điểm vẫn tránh thực hiện những tác động lớn.

Mấu chốt ở đây là xem xét tỷ giá CNY/USD và chỉ số USD tính theo tỷ trọng thương mai ICE (mã DXY). Nếu tỷ giá CNY/USD giảm xuống dưới 6,7 và/hoặc DXY giảm dưới 97 sẽ kéo theo những tác động dây chuyền. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại ước tính là 63 tỷ USD, tương đương 14 tuần nhập khẩu. Mức dự trữ đã được cải thiện so với những năm trước tuy nhiên với thực tế xuất khẩu tăng mạnh thì sự gia tăng ở đây là không đáng kể. Trong khi đó NHNN có vẻ sẵn sàng sử dụng dự trữ để bình ổn tỷ giá trong ngắn hạn.

Giả định chỉ số ICE dao động trong khoảng 94-97 trong năm nay, HSC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 2-2,5%, cao hơn mức dự báo ban đầu của chúng tôi là tăng 2% tuy nhiên vẫn nằm trong biên độ cho phép trong hiện tại.

Nguồn: Research HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý