DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 26/11/2015 gồm cập nhật HHS, FPT, MSN, SRC, VIT, PHP

Lượt xem: 13,507 - Ngày:
Chia sẻ
Đồ thị VN-Index ngày 25/11/2015

Đồ thị VN-Index ngày 25/11/2015. Nguồn: Amibroker

1. Quan điểm kỹ thuật:

Phiên hôm nay cho thấy VN-Index đã có phản ứng bật tăng tại vùng hỗ trợ quan trọng – khu vực 585-590 điểm, vùng di chuyển của đường MA 50 ngày. Đóng cửa phiên giao dịch, cây nến ngày 25/11 của VN-Index có dạng Hammer (với bóng dưới dài hơn gấp hai lần độ dài của thân nến) – đây là một mẫu nến đảo chiều khá quan trọng, nó chủ yếu thường xảy ra ở đáy của một chu kỳ giảm giá. Do vậy, mình cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục kỹ thuật trong phiên giao dịch ngày mai 26/11. Đồng thời, mình cũng cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ bước vào giai đoạn biến động mạnh cả về điểm số và thanh khoản theo chiều hướng tích cực trong vài phiên tới. Do đó, nhà đầu tư cần tránh bị tác động tâm lý về mặt điểm số VN-Index làm ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư. Với kịch bản kì vọng như trên, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu tốt trong thời điểm thị trường rung lắc mạnh và thận trọng theo dõi từng cổ phiếu cụ thể trong danh mục cũng như tích cực chọn lọc các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng cao là phương án đáng xem xét trong giai đoạn hiện tại.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, đà phục hồi của VN-Index đang được củng cố. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 25/11/2015:

Tâm điểm chú ý hôm nay của thị trường có lẽ lại là HHS khi cổ phiếu này đột ngột đón nhận lực bán ra rất mạnh và đóng cửa phiên trong trạng thái giảm sàn dù đã khớp lệnh “khủng” hơn 16 triệu cổ phiếu, mức cao nhất kể từ khi niêm yết.

Thị trường chung hồi phục tốt trong hôm nay, trái ngược với phiên “sóng gió” liền trước đó. Việc kiểm tra vùng hỗ trợ quan trọng 590 điểm đã tiếp tục được thực hiện trong hôm nay, “giai đoạn khó khăn nhất” trong phiên VN-Index đã có lúc giảm về dưới mốc này trong một thời gian ngắn.

Dù vậy có thể thấy lực bắt đáy đã mạnh lên rất nhiều sau đó, mau chóng giúp thị trường hồi phục và thậm chí đóng cửa phiên với kết quả xanh nhẹ. VN-Index chốt ngày tại 595,70 điểm, tăng +1,87 điểm (+0,31%). Trong đó, VNM đóng góp tới +1,27 điểm. Còn HNX-Index dừng phiên ở mức 82,06 điểm (+0,51%).

Thanh khoản duy trì gần ngang ngửa phiên hôm qua và đây tiếp tục là mức thể hiện sự sôi động trong giao dịch. Cụ thể HSX có 141 triệu cổ phiếu chuyển nhượng với giá trị đạt 2.230 tỷ đồng (-8,7%) trong khi HNX có 60,5 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị 558 tỷ đồng (+12,9%).

VNM sau một số phiên liên tục điều chỉnh đã tăng trở lại trong hôm nay 1,6%, nếu tính từ mức thấp nhất trong ngày cổ phiếu này đã hồi phục gần 4,2%.

Khối ngoại bán ròng khá mạnh hôm nay nhưng kết quả này bị ảnh hưởng lớn từ giao dịch của HHS. Cụ thể tính riêng khớp lệnh tại HSX, khối ngoại bán ròng 147 tỷ đồng nhưng đến 144 tỷ đồng trong số này là giá trị bán ròng của HHS, nếu loại trừ giao dịch đột biến này có thể xem hôm nay là một ngày giao dịch cân bằng của các nhà đầu tư nước ngoài. MSN, PVD, HAG cũng bị bán ròng mạnh nhưng là không đáng kể nếu so với HHS. Ở chiều ngược lại, HNG, NT2, CII và CTD là những mã được mua tích cực.

Các cổ phiếu đầu cơ là nhóm gây chú ý nhất trong phiên khi có biến động mạnh về giá cũng như KLGD. TIG, PVX, KSA, OGC là những mã đầu cơ tăng trần, một số mã đầu cơ cũng tăng điểm ấn tượng khác có thể kể tới như VIX, KLF, TSC. FLC mặc dù có thanh khoản chỉ đứng sau một cổ phiếu đầu cơ khác là HHS nhưng cuối phiên chỉ đóng cửa ở giá tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu Bluechip ngoài VNM và FPT, một số cổ phiếu như HPG, KDC, CII, SBT cũng có diễn biến đáng chú ý. Cổ phiếu ngành đường như SBT, BHS, LSS tiếp tục tăng nhờ những dự báo lạc quan về giá đường trong năm 2016 khi nhu cầu về đường nhiều khả năng sẽ vượt cung lần đầu tiên sau nhiều năm. HPG, SBT và CII cũng là những cổ phiếu nằm trong nhóm cổ phiếu có tiềm năng gia nhập danh mục của các ETF.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

HHS: KLGD cao nhất kể từ khi niêm yết

Tâm điểm chú ý hôm nay của thị trường có lẽ lại là HHS khi cổ phiếu này đột ngột đón nhận lực bán ra rất mạnh và đóng cửa phiên trong trạng thái giảm sàn dù đã khớp lệnh “khủng” hơn 16 triệu cổ phiếu, mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Thông tin tăng mạnh thuế nhập khẩu với xe tải đã lấn lướt thông tin cho rằng HHS có khả năng được bổ sung vào danh mục của 2 ETF. Trong cơ cấu cổ đông lớn của HHS, chỉ có hai quỹ ngoại lớn là PYN Elite Fund và The Ton Poh Thailand Fund. Tuy nhiên theo thông tin lan truyền trên thị trường nhiều khả năng lượng bán ròng hôm nay đến từ quỹ PYN Elite Fund do gần đây quỹ này có động thái bán thoái vốn rất mạnh tại nhiều cổ phiếu trên sàn. Hiện nay, trong các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, HHS là doanh nghiệp có gần như 100% doanh thu từ phân phối các dòng xe tải nặng nhập khẩu nguyên chiếc từ hai thị trường chính là Trung Quốc (Dongfeng, Howo) và thị trường Mỹ (International và Freightliner). Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu HHS giao dịch với khối lượng lớn (lên đến 16 triệu cổ) tại mức giá sàn và không có dư mua. Tuy nhiên, thực chất doanh nghiệp gần như không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đợt tăng thuế lần này. Cụ thể, 2 dòng xe chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là Dongfeng và Howo vốn có xuất xứ từ Trung Quốc đều chịu mức thuế suất thấp trung bình là ~5%. Mức thuế suất này sẽ được giữ nguyên ở mức 5% trong giai đoạn 2015- 2017 và điều chỉnh về 0% từ năm 2018 theo hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Trung Quốc (ACFTA). Ngoài ra,hai dòng xe có tỷ trọng doanh thu thấp hơn là dòng xe tải đầu kéo Mỹ Freightliner và International đều không nằm trong danh sách điều chỉnh thuế suất nhập khẩu của thông tư 163.

—————————————————————————————————————

FPT: [MUA] – Xuất khẩu phần mềm và viễn thông sẽ giúp EPS tăng mạnh.

Doanh thu tăng 20% và LNST tăng 8% trong 9 tháng đầu năm 2015 so với 9 tháng đầu năm 2014 (xem chi tiết ở bảng 1). Các mảng kinh doanh chính diễn biến tốt như kỳ vọng ngoại trừ mảng Phân phối hàng công nghệ, khi LNTT giảm 3% trong quý 3/2015 so với quý 3/2014 chủ yếu do mất đi doanh số từ việc phân phối iPhone cho CTCP Thế giới Di động (MWG).

FPT Telecom lên kế hoạch quang hóa tại 6 thành phố lớn ngoài Hà Nội và TPHCM trong năm 2016 với lượng vốn đầu tư XDCB vào khoảng 1/3 so với số vốn đầu tư tại Hà Nội và TPHCM (1.066 tỷ đồng). Mặc dù khoản đầu tư này sẽ kìm hãm sự tăng trưởng biên LN gộp trong năm 2016, nó sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng cao của mảng Viễn thông.

Hợp tác để mang dịch vụ trực tuyến tương tự Netflix đến Việt Nam là một trong những yếu tố tăng trưởng tiềm năng khác của FPT Telecom, khi FPT cho biết đang trong quá trình thảo luận với 6 studio lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết các quy định pháp luật mới về các dịch vụ OTT (over-the top) này cần phải được hoàn thành và ban hành trước khi dịch vụ này được cung cấp tại Việt Nam. Cung cấp dịch vụ này sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với dịch vụ băng thông rộng của FPT.

FPT bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc mua lại 50% cổ phần của SCIC tại FPT Telecom, mà nguồn vốn để mua nhiều khả năng sẽ đến từ phát hành trái phiếu dài hạn, theo thông tin từ phía Ban lãnh đạo. Tuy nhiên, việc này vẫn phải phụ thuộc vào kế hoạch thoái vốn của SCIC và các đàm phán sâu hơn, mà hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể. Trong khi đó, FPT tái khẳng định kế hoạch thoái vốn khỏi mảng kinh doanh Phân phối & Bán lẻ trong năm 2016. Sử dụng số vốn thu được từ việc thoái vốn khỏi mang kinh doanh Phân phối & Bán lẻ để tài trợ một phần cho việc thâu tóm cổ phần FPT Telecom của SCIC sẽ là kịch bản lý tưởng nhất cho FPT, mặc dù công ty nhấn mạnh rằng hai thương vụ này sẽ diễn ra độc lập. Nếu thành công, FPT sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư khi sự tăng trưởng của công ty sẽ đến nhiều hơn từ FPT Telecom, với tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn so với mảng kinh doanh Phân phối & Bán lẻ hàng công nghệ.

Giá mục tiêu: 64.000 đồng dựa trên mô hình định giá DCF. PER mục tiêu cho 12 tháng dành cho FPT ở mức 12 lần.

—————————————————————————————————————

MSN: KQKD của MSN khả quan mặc dù mảng kinh doanh chính kém khả quan

Mảng hàng tiêu dùng gần như không tăng trưởng do nhu cầu đối với các sản phẩm chính trong mảng này kém trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng tại khu vực nông thôn kém. Mảng tài nguyên có kết quả không đồng nhất ở các chỉ tiêu với giá bán giảm và nhà máy mới chỉ đi vào chạy thử. Tuy nhiên KQKD của Techcombank đã có sự chuyển biến tích cực nhờ tỷ lệ NIM cải thiện và tăng trưởng tín dụng đạt cao hơn. Bên cạnh đó thu nhập từ thu hồi nợ xấu cũng tăng mạnh. Mảng mới là Nutri Science (thức ăn chăn nuôi) đã có đóng góp quan trọng vào cả doanh thu và lợi nhuận. Triển vọng cả năm vẫn chưa thực sự hoàn toàn khả quan; tuy nhiên chúng tôi cho rằng hiện MSN đang ở đáy của chu kỳ lợi nhuận và sẽ có sự phục hồi mạnh từ năm sau. Bên cạnh đó còn có khả năng MSN sẽ thực hiện những thương vụ M&A hoặc các động thái khác và điều này sẽ đóng góp tích cực vào triển vọng của doanh nghiệp.

MSN công bố KQKD 9T ở mức khá nhờ đóng góp từ mảng kinh doanh mới trong khi mảng hàng tiêu dùng gần như không tăng trưởng – MSN công bố doanh thu thuần hợp nhất 9T đạt 19.128 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ trong đó mảng kinh doanh mới là thức ăn chăn nuôi (Masan Nutri Science) đóng góp 8.557 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu mảng thực phẩm đồ uống (Masan Consumer và Masan Brewery) gần như giữ nguyên ở 8.998 tỷ đồng, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên doanh thu Masan Resource giảm 13,9% so với cùng kỳ còn 1.573 tỷ đồng do giá tungsten giảm. Theo đó MSN đã hoàn thành 86,9% kế hoạch doanh thu cả năm là 22.000 tỷ đồng.

Masan Nutri Science và Masan Resources đã đóng góp vào lợi nhuận nhưng nói chung kết quả vẫn thấp hơn kế hoạch – LNST (pro-forma) tăng mạnh 57,4% so với cùng kỳ và đạt 1.597 tỷ đồng trong khi LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng mạnh 96,7% so với cùng kỳ lên 774 tỷ đồng. Lợi nhuận của tập đoàn tăng là nhờ đóng góp từ Masan Nutri Science (đạt LNST 592 tỷ đồng; đóng góp 37% tổng LNST của MSN). Như thường lệ mảng hàng tiêu dùng đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận với LNST mảng này đạt 1.757 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ (doanh thu không tăng, lợi nhuận tài chính thuần giảm 50,7% mặc dù tỷ suất EBIT tăng). Lợi nhuận của Masan Resource khả quan hơn dự kiến với LNST đạt 72 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 312 tỷ đồng). Cho dù vậy MSN mới chỉ hoàn thành 44,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm là 3.600 tỷ đồng, chủ yếu là do Masan Consumer không đạt lợi nhuận như kỳ vọng.

Doanh thu và lợi nhuận của Masan Consumer giảm

Doanh thu của MSC giảm nhẹ – Doanh thu thuần 9T của Masan Consumer đạt 8.598 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ trong khi LNST (pro-forma) thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.869 tỷ đồng, giảm 11,1% so với cùng kỳ. Các sản phẩm thực phẩm tiện dụng đạt kết quả khả quan nhất với mức tăng trưởng 1 con số trong khi doanh thu mảng sản phẩm gia vị giữ nguyên so với cùng kỳ trong khi doanh thu sản phẩm cà phê & ngũ cốc (VCF) giảm 9,9% so với cùng kỳ. Masan chỉ công bố cơ cấu doanh thu cả năm và bán niên. Công ty đã tung sản phẩm mỳ ăn liền mới có tên “Lovemi” trong Q3. Và đang tập trung vào tái cơ cấu các sản phẩm gia vị. Nói chung, nhu cầu đối với sản phẩm gia vị đã yếu đi trong khi cạnh tranh ở sản phẩm mỳ ăn liền và đồ uống cũng rất gay gắt. Ngoài ra, với phần lớn doanh thu là từ khu vực nông thôn (tương tự VNM), thì MSC đã bị ảnh hưởng do cầu tiêu dùng của khu vực này kém đi do thu nhập của người dân ở khu vực này tiếp tục giảm.

Đóng góp của Masan Nutri Science (MNS) là động lực tăng trưởng chính của doanh thu và lợi nhuận

MNS đóng góp 8.558 tỷ đồng doanh thu thuần (bằng 44,7% tổng doanh thu của MSN), 937 tỷ đồng EBITDA (đóng góp 22,7% vào tổng EBITDA của MSN) và 592 tỷ đồng LNST (trong kỳ từ tháng 5 đến tháng 9). Theo số liệu quy đổi của ban lãnh đạo Masan thì ước tính doanh thu thuần 9T năm 2015 của MSN đạt 14.940 tỷ đồng (tăng 17,5% so với cùng kỳ) trong khi LNST ước tính đạt 1.329 tỷ đồng (tăng 53,4% so với cùng kỳ). Doanh thu tăng nhờ sản lượng thức ăn cho heo tăng 20,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 62,9% so với cùng kỳ lên 2.797 tỷ đồng trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 18,7%; cao hơn nhiều so với cùng kỳ (ở mức 13,5%). Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 2,1% từ 6,8% cùng kỳ năm ngoái lên 8,9% năm nay.

Theo ban lãnh đạo, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng là nhờ có sự kết hợp và phát huy các nền tảng hiện có của mảng hàng tiêu dùng bên cạnh việc đưa sản phẩm mới ra thị trường. Chẳng hạn vào tháng 6/2015, MSN đã đưa dòng sản phẩm “Bio-zeem” ra thị trường (giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thêm 7%). Chúng tôi cho rằng mặc dù các sản phẩm mới đóng vai trò nhất định giúp tỷ suất lợi nhuận tăng thì chi phí đầu vào giảm có đóng góp rất quan trọng.

MNS dự kiến chuyển mảng thức ăn chăn nuôi từ thuần túy là hàng hóa cơ bản thành hàng tiêu dùng. Cụ thể công ty xây dựng các thương hiệu mạnh để tái cơ cấu thị trường thức ăn chăn nuôi đang manh múng, thay đổi cơ cấu hoạt động giống với cơ cấu hoạt động của mảng hàng tiêu dùng nhanh và tận dụng nền tảng logistic, phân phối và mua hàng của Masan. Công ty tin tưởng rằng sự chuyển đổi này sẽ giúp làm tăng tỷ suất lợi nhuận gộp từ 12-20% lên 25-30%.

Mục tiêu trung hạn là đến 2017 trở thành doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho heo trong phân khúc ngoài lớn nhất Việt Nam (với 51% thị phần) và đạt doanh thu và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ hợp nhất lần lượt là 2,5 tỷ USD và 150 triệu USD.

Tỷ suất lợi nhuận của Masan Resources được cải thiện nhờ sản lượng tăng mặc dù giá bán giảm

MSR công bố doanh thu thuần giảm 13,9% so với cùng kỳ và đạt 1.573 tỷ đồng hoàn toàn do giá bán giảm – Tuy nhiên ban lãnh đạo doanh thu thực tế bằng tiền mặt tăng 13,7% so với cùng kỳ lên 2.078 tỷ đồng. Doanh thu ghi nhận thấp hơn doanh thu thực tế bằng tiền mặt do có sự vốn hóa vào doanh thu thuần những chi phí hoạt động trong giai đoạn chạy thử của liên doanh Núi Pháo – H.C. Starck.

Techcombank công bố KQKD tốt

Sau 3 năm giảm, Techcombank đã ghi nhận KQKD 9 tháng đầu năm 2015 tăng với LNTT tăng mạnh (tăng 33,43% so với cùng kỳ đạt 1.551 tỷ đồng) nhờ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ NIM cao hơn và sự tăng vọt của tổng thu nhập ngoài lãi. Theo đó, Ngân hàng đã hoàn thành 77,6% kế hoạch LNTT cả năm.

TCB đã bắt đầu ghi nhận những thành quả từ công cuộc tái cơ cấu tài sản quan trọng – Cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 16,96% so với đầu năm đạt 93.925 tỷ đồng đến hết Q3. Trong khi đó đầu tư trái phiếu giảm còn 43.995 tỷ đồng (giảm 21,29% so với đầu năm). Do đó, tổng tài sản sinh lãi (IEA) gần như không đổi (giảm nhẹ 2,61% so với đầu năm). Việc phân bổ tài sản tốt hơn đã giúp thúc đẩy tăng lợi suất gộp, đặc biệt với mức tỷ trọng cao hơn của cho vay khách hàng cá nhân. Đồng thời, huy động khách hàng của Ngân hàng cũng tăng nhẹ 3,95% so với đầu năm đạt 136.630 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng không đáng kể này của huy động khách hàng, tổng chi phí huy động cũng giảm 0,94% trong khi đó Ngân hàng duy trì hệ số LDR chỉ là 69%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các ngân hàng đã niêm yết, là 85,4% trong Q3/2015. Theo đó, tỷ lệ NIM phục hồi, tăng 0,49% so với đầu năm lên 4,45%.

Hiện tại, có vẻ như đây sẽ là cổ phiếu biến động theo chu kỳ cổ điển với các mảng kinh doanh chính là tiêu dùng, nông sản, tài nguyên và dịch vụ tài chính với 3 trong số 4 mảng kinh doanh chủ chốt này đang ở hoặc gần sát chu kỳ. Và do đó, sự phục hồi của một hay nhiều hơn của các ngành kinh doanh này trong năm tới sẽ tạo sự khác biệt lớn đến lợi nhuận của công ty. Lưu ý rằng khả năng trong trung hạn cổ phiếu MSN sẽ bứt phá tăng dựa trên dự báo các yếu tố cơ bản tốt hơn dự báo. Lặp lại đánh giá NẮM GIỮ.

—————————————————————————————————————

SRC: Nhiều khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận 2015

Chính thức đầu tư khu đất vàng. SRC có phiên tăng thứ tư vào ngày hôm nay chủ yếu là do chính thức công bố về việc đầu tư dự án tại khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội có tổng diện tích 62.438 ha. Dự án “Khu phức hợp Thương mại – Nhà ở Cao su Sao Vàng” bao gồm các tòa nhà chung cư, Trung tâm thương mai, cửa hàng bán lẻ và các tiện nghi có liên quan trên Khu đất để bán và cho thuê. SRC cũng công bố công ty chủ đầu tư dự án là CTCP Cao su Sao Vàng – Hoành Sơn có vốn điều lệ dự kiến là 1.673 tỷ đồng.

LNST Q3/15 tăng 11% n/n. SRC vừa công bố KQKD Q3/15 với doanh thu thuần tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2014, đạt 263,4 tỷ đồng. SRC chưa công bố chi tiết tình hình tiêu thụ lốp tuy nhiên chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng đạt được chủ yếu là do sản lượng tăng. Biên lợi nhuận gộp đạt 22 % trong Q3/15, tăng từ mức 21% trong Q2/14 là do nguyên liệu đầu vào là mủ cao su bình quân giảm khoảng 25% n/n. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt trong khi Chi phí tài chính ròng giảm 62% n/n xuống còn 1,2 tỷ đồng. LNST Q3/15 tăng 11% n/n lên 22,6 tỷ đồng.

Nhiều khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận 2015. Kết thúc 9T15, DTT và LNTT của SRC lần lượt đạt 737 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% và tăng 5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, SRC hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 90% kế hoạch LNTT 2015. Với kết quả kinh doanh 9T15 như trên cộng với giá nguyên liệu cao su duy trì ở mức thấp, khả năng SRC sẽ vượt kế hoạch kinh doanh 2015 đã được ĐHCĐ thông qua.

Định giá hợp lý. SRC đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 9,6 lần, cao hơn so với bình quân ngành là 8,7 lần. SRC là công ty sản xuất săm lốp có vốn hóa nhỏ (xấp xỉ 700 tỷ đồng) trong số các công ty niêm yết, chủ yếu tập trung vào thị trường miền Bắc. Hoạt động của SRC tương đối ổn định trong thời gian qua.

—————————————————————————————————————

VIT: Công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 493 tỷ VNĐ, tăng 5.7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 26 tỷ VNĐ, tăng 44% so với cùng kỳ.

Sản phẩm chính của VIT là gạch lát Granite nhằm vào phân khúc cao cấp có ưu điểm và tính năng vượt trội về độ bền, tính thẩm mỹ so với gạch lát Ceramic truyền thống. Hiện tại, xu hướng tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng gạch Granite thay thế gạch Ceramic., tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của VIT.

Hiện tại, VIT đang có 3 nhà máy sản xuất là nhà máy Tiên Sơn (3 triệu m2 gạch/năm), nhà máy Thái Bình 1 (1.5 triệu m2 gạch/năm) và nhà máy Thái Bình 2 (2 triệu m2 gạch/năm). Hai nhà máy Tiên Sơn và Thái Bình 1 đang chạy hết 100% công suất, nhà máy Thái Bình 2 dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12 2015.

Nhìn chung năng lực sản xuất của VIT thuộc diện trung bình trong ngành. Tuy nhiên, Công ty có lợi thế về kinh nghiệm sản xuất gạch Granite và hệ thống phân phối của cổ đông lớn là Viglacera. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty chủ yếu là thị trường miền Bắc (tiêu thụ trên 50% lượng sản phẩm). Trong năm 2014 và 2015, nhiều doanh nghiệp gạch ốp lát đã gia tăng công suất sản xuất do đó áp lực cạnh tranh trong ngành dự kiến sẽ tăng lên.

Dự phóng LNST của VIT sẽ đạt 35 tỷ trong năm 2015, tương đương mức EPS là 2300 VNĐ.

—————————————————————————————————————

PHP: CTCP Cảng Hải Phòng mới công Nghị quyết phiên họp ngày 23/11/2015 của Hội đồng quản trị. Cụ thể, HĐQT đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2016 của công ty với một số chỉ tiêu cơ bản. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng dự kiến là 26,1 triệu tấn, tổng doanh thu đạt 1.910 tỷ, lợi nhuân đạt 480 tỷ và kế hoạch đầu tư là 330,76 tỷ đồng. Như vậy các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong năm 2016 của PHP cao hơn năm 2015. Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty mẹ Cảng Hải Phòng đạt 1.252 tỷ đồng và lãi ròng 266 tỷ, hoàn thành 87% kế hoạch năm.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Thông tư 163: Tác động gì đến doanh nghiệp nhập khẩu xe thương mại?

Bộ Tài Chính vừa ban hành Thông tư số 163/2015/TT-BTC nhằm điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với (1) xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa và (2) bộ linh kiện phụ tùng ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, buồng lái. Theo thông tư này, mức điều chỉnh chính thức tại một số dòng xe tải đã tăng gần mức thuế trần cam kết với WTO. Cụ thể, thuế nhập khẩu của dòng xe tải thường dưới 5T điều chỉnh lên mức 70%, tăng thêm 2% so với trước đây. Chi tiết hơn, đối với xe tải tự đổ loại 10-20T và 20-24T, thuế suất cũng tăng lần lượt lên 20 % và 30%. Ngoài ra, dòng xe tải chuyên dụng (ở hầu hết các loại tải trọng) đều được điều chỉnh nâng thuế nhập khẩu lên 20% và dòng xe ô tô sat-xi (chassi) cũng có mức thuế nhập khẩu mới là18%. Bên cạnh đó, mức thuế linh kiện phụ tùng rời và đồng bộ cho một số loại xe cũng được điều chỉnh tăng lên 50-70% trong thông tư 163.

Thông tư 163 được xem là không quá bất ngờ khi dự thảo từ thông tư này đã được công bố từ ngày 16/9/2015 và không có nhiều điều chỉnh lớn so với ban đầu. Mặt khác, thông tư này đã được ban hành từ đầu tháng 11 nhưng đến tận hôm nay, thông tin này xuất hiện với tần suất dày đặc trên các mặt báo đã khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại về tác động tiêu cực mà các doanh nghiệp nhập khẩu xe thương mại nguyên chiếc (CBU).

—————————————————————————————————————

Ngân hàng ANZ: vừa công bố báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng 11/2015. Theo đó. trong tháng 11, chỉ số này tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm, lên mức 142,3 điểm, trên mức trung bình 133,3 điểm của năm 2014. Theo đánh giá của ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 11 gia tăng nhờ niềm tin vào tình hình tài chính cá nhân tăng so với năm trước, cũng như mức độ lạc quan của người tiêu dùng trong quyết định mua các vật dụng chính trong gia đình.

 

—————————————————————————————————————

Hiệp hội Xi măng Việt Nam: cho biết, năm 2014 có 104 nước xuất khẩu xi măng và clinker, trong đó, 10 nước hàng đầu xuất khẩu đạt 122 triệu tấn, bằng 60% trổng sản lượng xuất khẩu toàn thế giới. Iran là nước xuất khẩu xi măng đứng đầu với 20 triệu tấn xi măng và clinker. Xếp thứ 2 về sản lượng xuất khẩu là Việt Nam, đạt giá trị gần 1 tỷ USD, sản lượng trên 19 triệu tấn. Trung Quốc ở vị trí thứ 3 với 15 triệu tấn xi măng xuất khẩu năm 2014, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2012, nhưng chỉ chiếm 0,6% tổng lượng sản xuất và còn thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm 35 triệu tấn xuất khẩu năm 2006.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải: vừa cho biết, qua rà soát kết quả áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí đầu tư của 68 dự án, ngành giao thông đã tiết kiệm được hơn 57.200 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả tiết giảm chi phí của Bộ GTVT đạt 690,12 tỷ đồng, vượt 26,3% so với kế hoạch đăng kí năm 2014.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (26/11/2015):

BID: Ngày GD 607.512.690 CP niêm yết bổ sung.

DBT: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:1.

HDC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 5%.

HSG: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:3.

LIG: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt (tỷ lệ 10%), bằng cổ phiếu (tỷ lệ 100:8) và trả cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 100:18).

NSC: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.

SSC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức đợt 2 năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.

 

 

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý