1. Nhận định thị trường:
VN-Index bùng nổ sau chuỗi ngày giao dịch kém thuyết phục, với mức tăng 20,11 điểm (tương đương 3,85%), đóng cửa tại 542,35. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó, với 141,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Đồ thị VN-Index ngày 25/01/2016. Nguồn: Amibroker
Đồ thị nến ngày là cây nến trắng, dài, không có bóng nến, giúp VN-Index hình thành nến Marubozu đồng thời tạo gap ở vùng 523 – 528 điểm cho thấy lực cầu áp đảo. Điều này cho thấy một sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý của nhà đầu tư, chuyển từ bi quan sang lạc quan và bên mua đã làm chủ hoàn toàn từ đầu đến cuối phiên giao dịch. Phiên tăng điểm mang lại tín hiệu cực kỳ tích cực, giúp VN-Index bật lên mạnh mẽ từ vùng hỗ trợ mạnh (xung quanh 520 điểm). Đà phục hồi dự báo sẽ còn tiếp tục và VN-Index có thể hướng tới vùng 550-555 điểm. Các tín hiệu kỹ thuật có sự phục hồi. Khả quan nhất đến từ đường RSI khi đường này tạo phân kỳ dương với VN-Index. Tín hiệu phân kỳ này càng đáng tin cậy hơn khi xảy ra trong vùng quá bán (RSI dưới ngưỡng 30). Khả năng cao VN-Index đã thoát đáy và đây là lúc để nhà đầu tư gia tăng tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục.
Các chỉ báo nhạy như CCI, Wm%R, ROC đều đã thoát khỏi cảnh báo xu hướng giảm quá đà và hàm ý chỉ số sẽ tự tìm kiếm động lực mới để hồi phục thay vì dựa vào các yếu tố hồi phục kỹ thuật. Dải Bollinger bắt đầu co hẹp đặc biệt là ở cận dưới khi có nhịp giật ngang khá gấp hàm ý khả năng hình thành khu vực hỗ trợ mới tại 513 điểm.
Với các dữ liệu trên, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định mức kháng cự 550 điểm trong phiên giao dịch ngày mai 26/01. Đồng thời, mô hình phân kỳ tăng giá của các chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ báo tâm lý đã xác nhận cho thấy lực cầu sẽ tiếp tục được cải thiện ở các mức giá cao. Nhật Cường cũng cho tằng nền tảng thanh khoản tiếp tục dồi dào và điều này sẽ giúp chỉ số hướng đến mục tiêu gần nhất tại 550 điểm. Đặc biệt, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, nghĩa là áp lực chốt lời chưa thể gia tăng mạnh ở thời điểm hiện tại.
Hệ thống chỉ báo xu hướng nâng mức xu hướng ngắn hạn từ giảm lên tăng và xuất hiện điểm mua ngắn hạn trên chỉ số VN-Index. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể mở vị thế mua mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu đã tham gia giải ngân. Đồng thời, Nhật Cường khuyến nghị nhà đầu tư không nên rơi vào trạng thái hưng phấn mua đuổi mà chỉ nên tận dụng những nhịp điều chỉnh rung lắc của thị trường để tích lũy thêm cổ phiếu.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 25/01/2016:
Thị trường chứng khoán toàn cầu có phiên cuối tuần tăng điểm mạnh mẽ nhất trong 3.5 năm và sự hồi phục từ giá dầu đã hỗ trợ tâm lý cho Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên hôm nay. VN-Index đóng cửa tại 542.35 điểm (tăng 3.85% so với phiên trước), mức tăng cao nhất kể từ đầu năm. Thanh khoản cải thiện, độ rộng thị trường tích cực với 220/290 mã tăng. Khối ngoại bán ròng gần 127 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -0.86% FTSE discount -0.83%.
Các thị trường đã có phiên tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. GTGD tăng mạnh; độ rộng thị trường mở rộng đáng kể; đã có 129 mã tăng trần và 16 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN đạt khá cao và khối này đã bán ròng đáng kể. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra sôi động; trong đó có giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở các mã VNM; FPT và KBC; giao dịch thỏa thuận trung bình diễn ra ở mã FDC.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối cùng đã phản ứng trước đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu từ thứ 5 tuần trước (đà tăng mạnh này khởi phát từ hoạt động mua lại cổ phiếu bán khống trước sự phục hồi mạnh của giá dầu). Và ảnh hưởng từ 2 phiên tăng mạnh của thị trường thế giới đã dồn vào 1 phiên tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với VN-Index tăng rất mạnh và ở ngay dưới ngưỡng kháng cự 535 (VN-Index đóng cửa tăng 4% trong phiên hôm nay). Và với một phiên như hôm nay rõ ràng sẽ có nhiều mã tăng trần và thị trường tăng đồng loạt.
• Hầu hết các mã ngân hàng tăng; dẫn đầu là VCB; BID & CTG. MBB và ACB cũng tăng. EIB giảm.
• Các mã chứng khoán tăng mạnh, dần đầu là SSI & HCM. BVH cũng tăng.
• Các mã dầu khí tăng trần ngay từ đầu phiên, dẫn đầu là PVD & GAS.
• Cả VNM & FPT đều tăng tốt.
• VIC đóng cửa tại tham chiếu. Các mã BĐS khác biến động trái chiều; BCI giảm trong khi NLG tăng.
• HSG bật lại sau khi giảm mạnh gần đây.
• HAG tăng cho dù HNG giảm mạnh.
• PAN giảm trong phiên hôm nay. TMT cũng giảm sàn.
Giá dầu WTI trong phiên ngày 22/1 đã tăng +9% lên mức trên 32$/thùng, trong khi đó giá dầu Brent cũng tăng +10% lên trên 32$/thùng, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Nguyên nhân của đợt tăng giá trên là do thời tiết tại Bắc bán cầu chứng kiến đợt lạnh lịch sử, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ dầu sưởi tăng vọt. Các cổ phiếu dầu khí trong nước đóng cửa phiên hôm nay hầu hết đều tăng trần và trắng bên bán và không có gì phải ngạc nhiên về diễn biến trên. PGD là cổ phiếu hiếm hoi trong nhóm dầu khí không tăng trần mà chỉ đi ngang.
Trong phiên hôm nay, một số cổ phiếu khác cũng đóng cửa gía tham chiếu như AAA, VIC, HT1. Điều đáng nói là cả AAA và VIC đều tăng giá hoặc giữ giá rất tốt ở những phiên thị trường giảm mạnh trước đây. Còn đối với HT1, công ty này vừa mới công bố BCTC quý 4 và cả năm 2015 tích cực. Mặc dù LNST của quý 4/2015 xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên LNST của cả năm 2015 rất tích cực và gấp 2,47 lần LNST của năm 2014.
Điểm tiêu cực duy nhất của phiên hôm nay đó là các NĐTNN vẫn tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE với giá trị bán ròng lên tới -145 tỷ đồng, trong khi đã mua ròng trên sàn HNX với giá trị là +18 tỷ đồng. VIC, HAG, VCB, BID là những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh, đặc biệt là VIC với giá trị bán ròng -74 tỷ đồng.
Về ngắn hạn, thị trường thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của giá dầu (điều này đã diễn ra kể từ đầu năm và sẽ còn tiếp tục diễn ra). Điều khác biệt ở đây là thông tin tiêu cực liên tục từ giá dầu hiện đã được thay thế bằng những thông tin tích cực hơn một chút. Và cổ phiếu bán khống khiến thị trường giảm hơn 10% trong thời gian qua hiện đang được mua lại. Tuy nhiên, giá hợp đồng tương lai của dầu hiện đang giảm trở lại trước thông tin công ty dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia chưa có kế hoạch giảm đầu tư làm tăng lo ngại về khả năng dư cung. Điều này khiến giá dầu thế giới hiện đang diễn biến khá khó lường. Thời điểm này khi Nhật Cường đang viết nhận định, giá dầu đang giao dịch ở mức 31.4$/ thùng (tức là giảm -2,4%).
Rõ ràng là sau khi VN-Index test mạnh mốc 510 và không bị xuyên thủng thì NĐT đã được trấn an hơn nhiều vì một lần nữa mốc hỗ trợ này lại được giữ vững. Thực tế lo ngại về sự chưa rõ ràng về chính trị đã giảm xuống phần nào khi mà Đại hội Đảng đã bước vào tuần làm việc thứ 2.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
DRC: Công bố kết quả kinh doanh 2015 khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 3508 tỷ VNĐ, tăng 4% so với cùng kỳ; LNST đạt mức 414 tỷ VNĐ, tăng 17% so với cùng kỳ.
Mặc dù trong năm 2015, DRC đã có doanh thu từ sản phẩm mới lốp radial khá lớn, tuy nhiên doanh thu tổng chỉ tăng nhẹ do Công ty phải giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Bước đầu sản phẩm lốp radial của DRC chưa đem lại nhiều hiệu quả kinh doanh cho Công ty do sản lượng tiêu thụ mới tiệm cận ngưỡng hòa vốn. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá sản phẩm lốp radial vẫn sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho DRC trong tương lai. Công ty cũng đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2 nhà máy lốp radial tuy nhiên chúng tôi cho rằng thời điểm đầu tư sẽ phụ thuộc vào thời điểm giai đoạn 1 của nhà máy đạt đến mức công suất hiệu quả. Trong kỳ, DRC cũng chính thức ra nghị quyết quyết toán nhà máy lốp Radial giai đoạn 1 với nguồn vốn đầu tư chính thức là 1864 tỷ VNĐ, trong đó vốn vay thương mại là 1152 tỷ VNĐ và vốn tự có là 711 tỷ VNĐ.
Lợi nhuận gộp của DRC trong năm 2015 giảm nhẹ so với cùng kỳ song lợi nhuận ròng tăng trưởng tốt do các chi phí trung gian đã được tiết giảm. Cụ thể chi phí lãi vay chỉ còn 54 tỷ VNĐ, giảm 35% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng đạt 75 tỷ VNĐ, giảm 53% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí quản lý tăng tăng 55% so với cùng kỳ cộng thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 33 tỷ VNĐ, đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Mặc dù, chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các hãng sản xuất lốp xe nước ngoài và lốp nhập khẩu từ Trung Quốc song sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của DRC trong 2015 khiến chúng tôi tiếp tục lạc quan về triển vọng của Công ty. Kỳ vọng, Công ty sẽ đạt mức LNST là 460 tỷ VNĐ trong năm 2016.
———————–
VHC: Tăng lại trước thông tin mua lại cổ phiếu quỹ. Mặc dù Mỹ áp dụng cơ chế kiểm tra mới thì triển vọng của công ty vẫn khả quan
Công ty đã công bố kế hoạch mua lại 1 triệu cổ phiếu quỹ và điều này đã giúp tâm lý NĐT ổn định. Giá đã giảm mạnh cùng với xu hướng chung của thị trường và một một phần là do lo ngại về triển vọng đối với thị trường Mỹ vì đây là thị trường quan trọng đối với VHC do Mỹ sẽ áp dụng cơ chế kiểm tra mới từ năm 2017. Và điểm chính trong cơ chế mới là Việt Nam sẽ phải chứng tỏ là có cơ chế pháp lý đạt tiêu chuẩn để tiếp tục xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ. Đồng thời để chuẩn bị cho việc áp dụng cơ chế kiểm tra mới, sẽ có rất nhiều thủ tục giấy tờ cần gửi cho phía Mỹ để Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu. VHC đang nỗ lực để đảm bảo hoàn thành đủ giấy tờ thủ tục đúng hạn định. Dự báo LNST năm 2016 sẽ tăng trưởng 16,4%.
Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Giá cổ phiếu có định giá hợp lý. Hiện vẫn còn rủi ro nhưng lưu lý là VHC là công ty chế biến thủy sản chất lượng cao với công tác quản lý chất lượng được thực hiện chặt chẽ, theo đó sản phẩm đã vượt qua được nhiều vòng kiểm tra trước đây. Cổ phiếu VHC tăng trần trong phiên hôm nay trước thông tin mua lại cổ phiếu quỹ – VHC, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thủy sản đã tăng mạnh hôm nay trước thông tin công ty sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu quỹ. Trong khi đó tổ chức có liên quan đến cổ đông lớn là Red River Holding cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VHC. Giá cổ phiếu VHC đã giảm 27,7% kể từ đầu tháng 12 do lo ngại về triển vọng thị trường Mỹ sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra quy định về kiểm tra cá da trơn – trong đó có cá tra. Quy định áp dụng cho cả cá da trơn nuôi nội địa và nhập khẩu và được đưa ra nhằm triển khai thực hiện một số điều khoản trong Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2014 (Farm Bill 2014). Quy định này có hiệu lực vào tháng 3/2016 với cơ chế kiểm tra chặt chẽ hơn. Thị trường Mỹ đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của VHC nên giá cổ phiếu đã giảm do NĐT lo ngại khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của VHC từ cuối 2017.
Và vấn đề ở đây chủ yếu là nộp đầy đủ giấy tờ đúng hạn định để tiếp tục được phép xuất khẩu – Đến ngày 1/3/2016 (ngày có hiệu lực của quy định trên), những nước muốn tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ trong giai đoạn chuyển tiếp diễn ra trong 18 tháng bắt đầu từ ngày có hiệu lực của quy định phải gửi (1) danh sách các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Mỹ và (2) đầy đủ tài liệu chứng minh những nước này hiện có luật và quy định pháp lý cho phép cơ quan chức năng kiểm soát việc nuôi trồng chế biến thủy sản phục vụ cho mục đích sử dụng của con người. Đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Việt Nam sẽ phải chứng minh có cơ chế pháp lý theo tiêu chuẩn do Mỹ đặt ra – Trong quá trình chuyển tiếp (từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2017), các nước xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ cần gửi cho Cục Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) các văn bản chi tiết khác về quản lý giám sát cá da trơn. Sau ngày 1/9/2017 (Ngày hoàn toàn có hiệu lực), thì các nước xuất khẩu đã gửi đủ hồ sơ trước hạn định sẽ được phép tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ trong khi FSIS tiếp tục đánh giá hồ sơ nhận được.
VHC đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quản lý chất lượng cao – Đến 1/3/2016, Bộ NH&PTNT sẽ phải nộp xong hồ sơ cần thiết để cá tra của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào Mỹ. Mặc dù có một số rủi ro thì ban lãnh đạo VHC vẫn tin tưởng rằng đây là cơ hội lớn để thể hiện vị thế đứng đầu của công ty trong những doanh nghiệp xuất khẩu có chất lượng vào thị trường Mỹ. Công ty cũng đang tích cực hỗ trợ Bộ NN&PTNT trong việc chuẩn bị giấy tờ để gửi cho FSIS. Theo ban lãnh đạo, công ty luôn cam kết đạt chất lượng cao nhất được yêu cầu và đã đạt được những tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP… Ngoài ra công ty còn chuẩn bị tốt cho việc tăng tỷ trọng đóng góp từ các sản phẩm giá trị gia tăng và từ các thị trường khác ngoài thị trường Mỹ. Công ty kỳ vọng sản phẩm giá trị gia tăng sẽ đóng góp 15% vào tổng doanh thu trong 3 năm tới. Đồng thời công ty cũng tích cực đẩy mạnh doanh thu ở những thị trường mới như Trung Quốc, các nước Mỹ Latinh và các nước châu Á.
Dự báo LNST năm 2016 sẽ tăng trưởng 16,4% – Trong năm 2015, doanh thu xuất khẩu của VHC đạt 239 triệu USD, tăng trưởng 8%. Ước tính doanh thu thuần năm 2015 đạt 6.544 tỷ đồng, tăng trưởng 4% và LNST đạt 330 tỷ đồng, giảm 24,8%. Nếu không tính lợi nhuận từ bán Công ty thức ăn chăn nuôi Vĩnh Hoàn trong 2014 thì lợi nhuận thuần từ HĐSXKD tăng trưởng 11,3%. Cho năm 2016, dự báo doanh thu thuần đạt 7.313 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8% và LNST đạt 384 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4%. VHC hiện đang có P/E dự phóng 2016 khá rẻ là 6,8 lần. Hiện giá cổ phiếu đã phản ánh hết các rủi ro. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan.
———————–
HDA: Công bố báo cáo tài chính quý 4/2015. CTCP Hãng Sơn Đông Á (mã chứng khoán HDA) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2015. Tính riêng quý 4, HDA đạt 52,11 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do các loại chi phí quảng cáo, khuyến mại tăng cao để nâng sức cạnh tranh nên cuối quý lợi nhuận sau thuế đạt 5,43 tỷ đồng, giảm 1,3 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, Hãng Sơn Đông Á đạt 150,4 tỷ đồng doanh thu và 16 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vừa vặn đạt và vượt nhẹ chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (doanh thu 150 tỷ đồng và LNTT 15 tỷ đồng). Trừ các loại thuế phí, cả năm công ty báo lãi sau thuế 12,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 7,3 tỷ đồng cùng kỳ.
———————–
DHA: Lãi ròng năm 2015 gấp 2,9 lần cùng kỳ, vượt 66% kế hoạch
Lũy kế cả năm, CTCP Hóa An thu về 201,51 tỷ đồng doanh thu. DHA thu về 56,4 tỷ đồng lãi ròng gấp 2,9 lần cùng kỳ, vượt 62,53% mục tiêu lợi nhuận.
———————–
HT1: Kinh doanh khởi sắc, HT1 báo lãi gấp 2,63 lần kế hoạch lợi nhuận 2015
Doanh thu bán hàng cả năm 2015 đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận bình quân cả năm đã được cải thiện từ 18,94% lên 21,13%. Lợi nhuận trước thuế HT1 năm 2015 cao gấp 2,47 lần cùng kỳ. EPS đã được cải thiện đáng kể, llen 2.369 đồng/cổ phiếu.
———————–
LAS: Tồn kho gần bằng nửa tổng tài sản, lãi cả năm bằng 93% kế hoạch
Tổng tài sản của LAS tính đến cuối kỳ là 2.702 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 43% giá trị tổng tài sản, ở mức 1.154 tỷ đồng. Tính chung cả năm, doanh thu thuần đạt 4.647,4 tỷ đồng, LNTT 392,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 30% so với năm 2014. EPS cả năm 3.942 đồng.
———————–
NCT: Tăng sản lượng hàng quốc tế, lợi nhuận năm 2015 vượt 13,5% kế hoạch
Lũy kế cả năm, CTCP Dịch Vụ Hàng Hóa Nội Bài thu về 795,75 tỷ đồng doanh thu và 310,47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 17,3% và 13,5% so với năm 2014.
————————
STK: Thị trường may mặc không thuận lợi, Sợi Thế Kỷ lãi cả năm giảm 36%
Tính chung cả năm, công ty đạt doanh thu thuần 1.035 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 86,94 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 36% so với cùng kỳ năm trước.
———————–
SD9 (hợp nhất): Lãi sau thuế năm 2015 hơn 86,6 tỷ đồng, vượt 58,6% kế hoạch
Lũy kế cả năm 2015, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.188,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 86,6 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2014, trong đó, LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 70,3 tỷ đồng. Như vậy, SD9 đã vượt 58,6% kế hoạch lợi nhuận.
———————–
PXT: PVC-PT (PXT): Năm 2015 lãi 30 tỷ đồng, có khả năng thoát án hủy niêm yết
Lũy kế cả năm 2015, doanh thu PXT đạt 316,17 tỷ đồng tăng 71,68% so với cùng kỳ; LNST đạt 30,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 160 tỷ đồng.
———————–
VKC: Cả năm lãi 24,47 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch
Lũy kế cả năm 2015, VKC đạt 1.056,357 tỷ đồng, lãi sau thuế 24,47 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập 1.506 đồng/cổ phiếu.
———————–
PGS: Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam – PVGas South (mã PGS) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và cả năm 2015. Với doanh thu trên nghìn tỷ – đạt 1.489 tỷ đồng (giảm 20,9% so với cùng kỳ), PVGas South lãi gộp 273 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tiếp tục là gánh nặng của PGS với 184 tỷ đồng trong riêng quý 4, công ty lãi sau thuế vỏn vẹn 17,6 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ 2014. Lũy kế cả năm, với đóng góp khiêm tốn của kết quả kinh doanh quý 4, PVGas South lãi sau thuế 165,7 tỷ đồng, giảm 13,4% so với năm 2014. EPS cả năm của PGS đạt 1.505 đồng/cổ phiếu. So với kế hoạch sau điều chỉnh, PVGas South vượt 11% kế hoạch doanh thu và 1,8% kế hoạch lợi nhuận. Công ty cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản lượng trong năm 2015.
———————–
PHP: Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã PHP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2015 của riêng công ty mẹ. Với doanh thu thuần 425 tỷ đồng riêng quý 4/2015, PHP lãi ròng 90 tỷ đồng trong kỳ. Biên lợi nhuận của Cảng Hải Phòng đạt 21,2%. Lũy kế cả năm, công ty mẹ Cảng Hải Phòng đạt 1.678 tỷ đồng doanh thu thuần và 355,8 tỷ đồng LNST – biên lợi nhuận không thay đổi so với riêng quý 4/2015. Doanh thu thuần năm 2015 của Cảng Hải Phòng chủ yếu đến từ hoạt động bốc xếp (1.245 tỷ đồng – 74,2%) và hoạt động lưu kho bãi (335 tỷ đồng – 20%), các hoạt động còn lại đạt doanh thu dưới 50 tỷ đồng. Trong năm công ty cũng ghi nhận 111 tỷ đồng doanh thu tài chính trong đó 71,6 tỷ đồng là cổ tức và lợi nhuận được chia. Cảng Hải Phòng bắt đầu cổ phần hóa vào quý 3/2014. Nửa cuối năm 2014, Công ty mẹ Cảng Hải Phòng lãi sau thuế 162 tỷ đồng.
———————–
FLC: Theo thông tin từ CTCP Xây dựng Faros, CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) đã hoàn tất việc mua 18,3% vốn điều lệ của Công ty trong 2 năm vừa qua. Đặc biệt, trong vòng 1 năm qua, nhà thầu này cũng được biết đến trong vai trò người tạo nên những công trình thi công với tốc độ thần tốc của Tập đoàn FLC, trong đó có đại công trình FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa, hoàn tất thi công các hạng mục trên diện tích hơn 200 héc, tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 9 tháng kể từ khi có đầy đủ mặt bằng.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Lạm phát ổn định trong tháng đầu năm nhờ chi phí nhiên liệu giảm mạnh
Trong tháng 01/2016, chỉ số giá tiêu dùng cả nước giữ nguyên mặc dù có 8/10 nhóm mặt hàng ghi nhận mức tăng giá so với tháng trước. Trong khi đó, lạm phát cơ bản có xu hướng bật tăng mạnh trở lại (tăng 0,32% so với tháng 12/2015) sau nhiều tháng duy trì ổn định. Do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho dịp Tết như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép,…đều ghi nhận mức tăng cao, từ 0,25%-0,44% (so với tháng trước). Ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông và nhóm Bưu điện giảm mạnh trong tháng trở thành đối trọng với xu hướng này. Việc giá xăng dầu điều chỉnh mạnh trong kỳ tính giá CPItháng 01 (giá xăng giảm 4,5% và giá dầu DO giảm 16%) là nguyên nhân khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,82% so với tháng 12/2015. Lạm phát lõi tăng mạnh trở lại là điểm đáng lưu ý trong tháng qua, một phần là do yếu tố mùa vụ nhưng một phần phản ánh nhu cầu chi tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ (lạm phát lõi tháng 01/2015 chỉ khoảng 0%). Trong những ngày vừa qua, giá dầu đảo chiều tăng mạnh lên mức 31$/thùng. Trong kịch bản giá dầu hồi phục từ vùng đáy, giá hàng hóa của nền kinh tế năm 2016 nhiều khả năng cũng có xu hướng tương tự.
———————–
Giới thiệu bộ chỉ số ngành sẽ giúp tạo nhiều sản phẩm mới cho thị trường
Ngày 25/01/2016, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chính thức ra mắt 10 bộ chỉ số theo ngành cho các công ty niêm yết dựa theo chuẩn phân ngành GICS: Tài chính loại trừ BĐS, Nguyên vật liệu, Công nghiệp, Hàng tiêu dùng thiết yếu, Hàng tiêu dùng không thiết yếu, Chăm sóc sức khỏe, Năng lượng, Dịch vụ tiện ích, Bất động sản, và Công nghệ.
Việc đưa các chỉ số mới này có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển các quỹ ETF ở Việt Nam. Theo quy định hiện hành, bất kỳ quỹ ETF nào tại Việt Nam phải dựa trên bộ chỉ số thị trường. Với việc lấy tiêu chuẩn của chỉ số quan trọng và nhận được sự chú ý của thị trường nhiều hơn đã giúp cho ETF (lấy VN30 làm chuẩn) của Vietfund Management có diễn biến khá tốt, trong khi kết quả hoạt động quỹ ETF của SSI (lấy HNX-30 làm chuẩn) lại kém tích cực do chính sự lựa chọn chỉ số chuẩn của mình. Việc giới thiệu 10 chỉ số ngành mới sẽ cho phép tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp hơn.
Tác động đối với các sản phẩm phái sinh (vốn chưa được triển khai) đã dọn đường cho các chỉ số hợp đồng tương lai (futures) theo ngành. Các nhà điều hành có kế hoạch triển khai sản phẩm phái sinh tại Việt Nam vào cuối năm 2016, với chỉ số hợp đồng tương lại có thể sẽ là sản phẩm được triển khai.
Việc phát triển quỹ ETF và thị trường phái sinh sẽ có tác động đến thanh khoản thị trường, khi việc tạo ra và giao dịch các công cụ này cũng tạo ra nhu cầu mua/bán cổ phiếu cơ sở, do đó giúp tăng thanh khoản thị trường. Đối với các cơ quan quản lý và sở giao dịch chứng khoán, đây là cột mốc quan trọng để được MSCI nâng xếp hạng lên thị trường mới nổi từ thị trường cận biên.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (26/01/2016):
TRA: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2015, tỷ lệ 20%.
———————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net