DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 25/12/2015 gồm cập nhật về áp lực bán từ quỹ VNM ETF, VIC, CMG, CII, REE, CTD

Lượt xem: 13,581 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

Trên đồ thị, thân nến của VN-Index tiếp tục là một Doji cho thấy cung – cầu vẫn đang trong trạng thái giằng co. Trong đó, chỉ số hồi phục nhưng sự thu hẹp của biên độ dao động và thanh khoản trong phiên hàm ý về việc đà tăng có thể xuất phát từ trạng thái tiết cung trong khi cầu không thực sự được cải thiện. Điều này mặc dù góp phần cải thiện xu hướng sau 04 phiên giảm liên tiếp nhưng đồng thời cũng cho thấy cơ hội kéo dài đà tăng này là không lớn.

Đồ thị VN-Index ngày 24/12/2015.

Đồ thị VN-Index ngày 24/12/2015. Nguồn: Amibroker

 

Về chỉ báo, xu hướng của các chỉ báo Momentum vẫn đang báo hiệu khả năng thay đổi về hướng có thể xuất hiện trong biến động chỉ số. Tuy nhiên, với những tín hiệu xu hướng cho đến thời điểm hiện tại thì xác suất cho chiều biến động tiếp theo vẫn là một ẩn số.

Trong phiên tiếp theo, sự hiện diện của MA 20 phía trên đường giá sẽ là lực cản chính đối với nỗ lực hồi phục của sàn HSX. Ở kịch bản tích cực hơn, nếu xuất hiện thêm phiên tăng điểm đưa chỉ số vượt lên trên đường MA 20 thì rủi ro tiếp tục lùi về vùng giá 560 điểm củaVN-Index sẽ được giảm bớt. Do đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy với khối lượng giao dịch thấp trong những phiên mùa Giáng sinh này. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá mức độ rủi ro ngắn hạn ở mức thấp và chỉ số VN-Index chưa thể xuyên thủng mức hỗ trợ 560 cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm điểm.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của chỉ số ở mức 579.31 điểm. Do đó, trên quan điểm an toàn, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu hiện tại và chờ điểm mua an toàn từ hệ thống. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân lúc này chỉ nên ở mức thấp.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 24/12/2015:

Thị trường tăng nhẹ 0.34% đến từ sự tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí, thanh khoản sụt giảm đáng kể, độ rộng thị trường tiêu cực. Khối ngoại quay bán ròng 8 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -1.23%.

Hai chỉ số tăng nhẹ trở lại, VN-Index tăng 1,9 điểm (+0,34%) lên 566,17 điểm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,22%) lên 78,29 điểm. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trên HOSE đạt 1274,1 tỷ đồng (-14%) tương ứng 71,9 triệu cổ phiếu, còn giá trị giao dịch trên HNX đạt 408,1 tỷ đồng (-1,5%) tương ứng 33,1 triệu cổ phiếu.

Thị trường tiếp tục không có biến động nhiều với thanh khoản giảm sút, các cổ phiếu lớn như VNM, VIC, MSN, BVH, NTP…tăng giá trở lại trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVC…tiếp tục duy trì sắc xanh đã giúp thị trường tăng điểm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu lớn như VCB, STB, BID, SSI, SHS…giảm giá làm thu hẹp mức tăng của thị trường. Số mã cổ phiếu tăng giá chiếm đa số trên cả hai sàn với tỷ lệ 123 mã tăng/92 mã giảm trên HOSE và 85 mã tăng /74 mã giảm trên HNX.

Cùng trong xu thế chung của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh giao dịch cả chiều mua và chiều bán, trên HOSE, họ chỉ mua vào 93,05 tỷ đồng và bán ra 96,92 tỷ đồng, tổng cộng bán ròng 3,87 tỷ đồng. Trong khi đó trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 4,36 tỷ đồng chủ yếu tập trung vào mã với PVS với giá trị bán ròng 7,67 tỷ đồng.

Dòng tiền đã bắt đầu di chuyển sang những cổ phiếu có KQKD quý 4 khả quan. Đáng chú ý trong phiên có VCS tăng kịch trần ngay đầu phiên. Theo như VCS công bố, công ty đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận của cả năm, khi LNST dự kiến đạt 400 tỷ (trong khi LNTT theo kế hoạch đặt ra khoảng 311 tỷ đồng).

Trước thông tin Bộ Công thương sẽ thoái toàn bộ 78,64% vốn, tương đương 122 triệu đơn vị, GẼ đa thu hút sự quan tâm của khá nhiều NĐT, KL lớn cổ phiếu được khớp ngay khi mở cửa và nhanh chóng được đẩy giao dịch giá trần. Hết phiên GD, có khoảng 1,1 triệu cp đã được chuyển nhượng. Giá GD trung bình là 17,400đ/cp, đây cũng là giá mở cửa của phiên ngày mai.

Như vậy, Quy luật số 4 mang lại sắc xanh may mắn cho mùa Giáng sinh. Quy luật giảm liên tục 4 phiên sau đó bật hồi trở lại đã liên tục tái diễn trên VN-Index trong năm nay. Sau khi giảm liên tục 4 phiên, với tổng giá trị giảm đến 2,25%, VN-Index hôm nay đã quay trở lại sắc xanh, với mức tăng nhẹ 0,34%. Dòng cổ phiếu dầu khí và các cổ phiếu sản xuất thực phẩm tiêu dùng (VNM, MSN) đã mang lại sắc xanh tươi mát đến thị trường trong phiên chào mùa Giáng sinh.

Thị trường được giải tỏa dần áp lực bán của khối ngoại, một phần có thể đến từ việc quỹ VNM ETF đã hoàn thành mục tiêu tiền mặt phục vụ nhu cầu chi trả cổ tức. Sau phiên mua ròng hôm qua, khối ngoại hôm nay chỉ bán ròng nhẹ 8,2 tỷ trên cả hai sàn. Lực bán ròng giảm này được đánh giá do quỹ VNM ETF đã dần hoàn thành mục tiêu tiền mặt phục vụ việc chi trả cổ tức. Cụ thể, quỹ VNM ETF sẽ trả cổ tức $0,499/ chứng chỉ quỹ vào ngày 28/12. Với số lượng chứng chỉ quỹ tính đến trước ngày giao dịch không hưởng quyền (21/12/2015) là 25,65 triệu đơn vị thì VNM ETF sẽ sử dụng khoảng 12,83 triệu USD để trả cổ tức trong khi số tiền mặt hiện tại của quỹ chỉ khoảng 303 nghìn USD. Như vậy, ước tính VNM ETF cần thêm 12,5 triệu USD, tương đương khoảng 288 tỷ đồng. Do đó, VNM ETF sẽ bán một phần số cổ phiếu đang nắm giữ để thu về tiền mặt phục vụ cho việc trả cổ tức này. Với đặc thù giao dịch T+3 hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam cộng thêm một khoảng thời gian để chuyển tiền về nước sở tại thì khả năng VNM ETF đã thực hiện việc bán ra trong những ngày vừa qua (khả năng bán vào phiên 21/12/2015). Do đó, áp lực bán từ quỹ VNM ETF không còn là vấn đề gây sức ép lên thị trường trong thời gian còn lại của năm 2015.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

VIC: Tập đoàn Vingroup (HSX: VIC – Vốn hóa: 77.9 nghìn tỷ đồng) tăng diện tích TTTM thêm 127km2. Vingroup vừa mới khai trương thêm 3 trung tâm thương mại (TTTM) gồm Vincom Mega Mall Thảo Điền (90k m2 GFA, Hồ Chí Minh), Vincom Plaza Việt Trì (22k m2 GFA, Phú Thọ) và Vincom Plaza Long Xuyên (15k m2 GFA, An Giang) ngày hôm nay, nâng tổng số TTTM đang hoạt động của tập đoàn lên con số 16. Trong các tháng tới, Vingroup sẽ sớm đưa vào hoạt động khoảng hơn 10 TTTM nữa, nâng tổng diện tích bán lẻ của tập đoàn lên khoảng 1 triệu m2 GFA trên khắp Việt Nam. Theo CBRE, tới cuối 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 900k m2 bán lẻ trong khi con số của Hồ Chí Minh là 600k m2. Cho thuê diện tích bán lẻ là mảng kinh doanh lớn thứ 2 của Vingroup xét về tổng tài sản và là mảng sinh lợi tốt nhất trong năm 2014.

Vingroup hiện sở hữu một nửa diện tích bán lẻ ở Hà Nội nhờ vào Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City trong khi Vincom Mega Mall Thảo Điền là TTTM thứ 4 của tập đoàn ở Hồ Chí Minh sau Vincom Đồng Khởi, Vincom Thủ Đức và Vincom Quang Trung.

Trong 9T2015, doanh thu từ mảng này tăng 8% so với cùng kỳ lên 2,328 tỷ đồng (bao gồm doanh thu nội bộ tập đoàn) dù diện tích bán lẻ tăng lên đáng kể. Biên lợi nhuận cũng thu hẹp còn 32% từ mức 40% của cùng kỳ năm ngoái. Ở mức giá thị trường hiện tại là 42k đồng/cp, VIC đang giao dịch ở mức PE 4 quý gần nhất là 58x và PB là 2.3x, cao so với các công ty phát triển bất động sản trong nước khác. Tuy nhiên, do doanh thu và lợi nhuận của các dự án đang xây dựng bao gồm Vinhomes Central Park, Vinhomes Times City – Park Hill, Vinpearl Premium Villas, v.v sẽ được ghi nhận trong năm 2016 và 2017, các chỉ số so sánh định giá của tập đoàn nhiều khả năng sẽ giảm mạnh.

————————————

CMG: CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG), 6 tháng đầu năm 2015 (từ ngày 1/4 – 30/9, niên độ tài chính kết thúc ngày 31/3 hàng năm), doanh thu hợp nhất đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt công ty mẹ đạt 48,4 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm mảng Tích hợp hệ thống của công ty tăng trưởng 21% về doanh thu so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng hơn, lên tới 81%. Các mảng kinh doanh khác của công ty như Dịch vụ phần mềm, Viễn thông, phân phối và lắp ráp….của CMG đều tăng trưởng khá đồng đều về doanh thu.

Với kết quả này, CMG đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận năm. Tiến độ này đang nhanh so với kế hoạch do đặc thù doanh nghiệp công nghệ thông tin ghi nhận kết quả kinh doanh nhiều vào cuối năm.

Tiềm năng tăng trưởng trong 3 năm tới tích cực với động lực là viễn thông và tích hợp hệ thống. Trong đó, viễn thông sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc hoàn thiện hạ tầng và phát triển thị trường ngách. Tích hợp hệ thống vốn đã có nền tảng tốt từ nhiều năm, sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế đi lên.

CMG đang thay đổi chiến lược cho 2 mảng phần mềm và phân phối. Theo đó, CMG sẽ chú trọng hơn vào thị trường xuất khẩu và thu hẹp mảng phân phối theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và giảm tỷ trọng sản phẩm với tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao.

Dự báo KQKD năm 2015 của CMG là đạt 3.600 tỷ doanh thu, tăng 10,6% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2014. EPS 2015 dự kiến 2.100 đồng/cổ phiếu.

————————————

CII: CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh (mã: CII) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 24/12/2015 về việc thành lập Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm với số vốn điều lệ là 340 tỷ đồng. Mục đích là để triển khai thực hiện Dự án BT Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

————————————

REE: HĐQT của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã: REE) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ việc chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi năm 2012. Cụ thể, Công ty đã chuyển đổi 12,018 trái phiếu thành 546,271 cp mệnh giá 10,000 đồng. Theo đó, vốn điều lệ REE tăng thêm gần 5.5 tỷ đồng chạm mức 2,696 tỷ đồng. Việc chuyển đổi được thực hiện tại ngày 19/12/2015.

————————————

CTD: Tổ chức Mekong Portfolio Investments Limited đã bán 62,700 cp của CTCP Xây Dựng Cotec (mã CTD) giảm số lượng cp nắm giữ xuống còn 159,900 cp (tỷ lệ 0.34%) theo phương thức khớp lệnh. Thời gian thực hiện từ ngày 08/12 – 22/12/2015.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Việt Nam đứng gần chót bảng xếp hạng Chất lượng nhân lực châu Á

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp-cơ hội và thách thức,” do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/12.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt là 4,94 và 5,59. Tính đến quý 2/2015, cơ cấu trình độ nhân lực lao động Việt Nam là 1 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp.

————————————

Tổng cục Thống kê: Chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong năm 2015 chỉ tăng 0,6%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2015 có mức tăng 0,02% so với tháng trước đồng thời tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậ ới năm 2014 chỉ tăng 0,63%. Đây là thông tin được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 24/12.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm tăng giá, trong đó trong đó tăng cao nhất là Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5% và bốn nhóm giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,03%, giao thông giảm 1,57%, văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%, thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%.

Về lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), tháng 12 chỉ số này chỉ tăng 0,11% so với tháng 11, tăng 1,69% so với cùng kỳ và tăng 2,05% so với năm 2014.

————————————

Chính sách tiền tệ 2016: Giảm kỳ vọng găm giữ ngoại tệ

Sáng nay 24/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo tổng kết hoạt động ngành. Trong năm 2015, NHNN duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và USD, tại buổi họp báo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2015 tăng 13,55% so với cuối năm trước. Đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đến ngày 21-12, tín dụng tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014. Dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, như cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng ước đến tháng 12/2015 tăng 11%, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng tháng 10/2015 tăng 45,13%.

Cũng báo cáo trên cho biết, đến 30-11-2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các tổ chức tín dụng ước tính tại thời điểm cuối tháng 9-2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Đến 30-11-2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%.

————————————

OPEC: Giá dầu thế giới vẫn ì ạch trong ít nhất 4 năm tới

Theo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thị trường dầu thế giới có thể cải thiện sau ít nhất bốn năm nữa, với giá dầu thô hồi phục lên trên 70 USD/thùng. Trong Báo cáo triển vọng dầu mỏ toàn cầu công bố ngày 23/12, OPEC dự báo các điều kiện thị trường sẽ dần cải thiện trong bối cảnh nhu cầu đối với dầu thô đi lên và sản lượng khai thác của các nước ngoài nhóm OPEC tăng chậm lại sẽ làm vơi bớt tình trạng dư cung, và tạo ra một thị trường cân bằng hơn. OPEC ước tính giá dầu thô sẽ tăng lên 70,7 USD/ thùng vào năm 2020 và 95 USD/thùng vào năm 2040.

OPEC nhận định nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2020 sẽ tăng lên con số 97,4 triệu thùng/ngày, so với mức 96,9 triệu thùng/ngày dự báo năm 2014, và đến năm 2040 sẽ tăng 18 triệu thùng/ngày lên 109,8 triệu thùng/ngày. Tổ chức này cũng dự đoán thị phần hiện tại của khối trên thị trường dầu mỏ sẽ tăng từ 33% trong năm 2015 lên 37% vào năm 2040.

————————————–

Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt thu mua trái phiếu của Nhật Bản

Theo nhật báo Nikkei số ra mới đây, trong năm 2015, giá trị số trái phiếu Nhật Bản do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng tới 14.000 tỷ yen. Tính từ tháng 12/2012, giá trị số trái phiếu Nhật Bản được các nhà đầu tư nước ngoài mua đã tăng 18.000 tỷ yen (tương đương tăng 22,9%).

Nguyên nhân là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng chính sách lãi suất âm, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm do Đức phát hành đã tụt từ mức khoảng 2% trước đây xuống chỉ còn 0,6% thời gian gần đây. Cùng thời điểm, lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản từ mức 0,7% hạ xuống 0,3%. Chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Nhật Bản và Đức đã thu hẹp từ mức 1,3% xuống còn 0,3% khiến trái phiếu của Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Tính tới thời điểm cuối tháng 9/2015, Quỹ lương hưu của Na Uy đã nắm giữ 3.200 tỷ yen trái phiếu, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014. Các nhà đầu tư từ Mỹ cũng đẩy mạnh mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản. Nợ của Chính phủ Nhật Bản được ước tính đã vượt quá 200%GDP nên Tokyo sẽ phải làm mọi cách để giảm khoản nợ này.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (25/12/2015):

AAM: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 6%.

PDB: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.

TJC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức đợt cuối năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 2%.

————————————

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý