DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 25/03/2016 gồm cập nhật CPI tháng 3, Thông tư 07/2016/TT-BTC, Savina, PGI, FCN, Vissan

Lượt xem: 13,747 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index giảm điểm trở lại xuống mức 570,66 điểm, giảm 4,05 điểm (tương đương 0.7%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 140 triệu cổ phiếu. KLGD vẫn tích cực khi có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, với mức tăng hơn 7%.

Đồ thị VN-Index ngày 24/03/2016

Đồ thị VN-Index ngày 24/03/2016. Nguồn: Amibroker

 

VN-Index giảm trở lại xuống dưới đường MA100 nhưng vẫn chưa giảm dưới ngưỡng 570 điểm. Kết phiên VN-Index hình thành cây nến đỏ ngắn với bóng trên dài thể hiện áp lực bán tăng mạnh, bên cạnh đó khối lượng giao dịch cũng tăng lên củng cố thêm tâm lý bán ra mạnh hơn. Ngưỡng 570 điểm tương đương với đường MA26 sẽ tiếp tục thử thách trong phiên mai, nếu giảm dưới mức này thì tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật được xác nhận rõ hơn.

Các chỉ báo kỹ thuật biến động tiêu cực, đường RSI(14) đi xuống gần ngưỡng 50, đã hình thành xu hướng giảm, trong khi đường MACD histogram cũng mọc dài hơn dưới ngưỡng 0. Mặc dù vậy, các chỉ báo dao động (W%R, STO) đang ở trong vùng quá bán. Trong trạng thái đi ngang của chỉ số như hiện tại thì những tín hiệu của các chỉ báo này tại các vùng quá mua hoặc quá bán sẽ tương đối có ý nghĩa. Điều này cơ hội hồi phục cho chỉ số trong những phiên sắp tới. Trong kịch bản này, đường giá có thể sẽ quay lại thử thách đường SMA200 một lần nữa.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 565 – 570 điểm trong phiên giao dịch ngày mai 25/03/2016. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng rủi ro ngắn hạn vẫn có chiều hướng suy giảm khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn ở các mức hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ trên thì rủi ro ngắn hạn sẽ gia tăng khi ngưỡng hỗ trợ mạnh kế tiếp của VN-Index sẽ ở 557-560 điểm, vùng có ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% của nhịp tăng từ tháng 01/2016 và các mức đỉnh, đáy cũ.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 566.81 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể quan sát diễn biến thị trường và đứng ngoài trong phiên giao dịch ngày mai – 25/03/2016 và chỉ nên bán ra ở các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ như trong danh mục Top 30 cổ phiếu cần quan tâm của Nhật Cường. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 24/03/2016:

Giá dầu có phiên giảm hơn 4% đêm qua cùng với áp lực bán vẫn lớn tại ngưỡng kháng cự 575-580 điểm, VN-Index giảm hơn 4 điểm với thanh khoản tăng cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Độ rộng thị trường thu hẹp. Upcom Index tiếp tục có mức tăng ấn tượng và giá trị giao dịch ở mức trên 500 tỉ. Khối ngoại bán ròng gần 12 tỉ đồng trên hai sàn chứng khoán lớn, VNM ETF discount -1.17%, FTSE ETF discount -0.36%.

Các thị trường giảm với áp lực chốt lời gia tăng về cuối thời gian giao dịch buổi chiều. Hy vọng tăng điểm trong thời gian giao dịch buổi sáng đã tắt lịm và Vnindex đã giảm theo xu hướng khu vực trong phiên hôm nay. Cả giá dầu và tỷ giá đều diễn biến bất lợi và trong khi mức độ giảm là không lớn thì có vẻ xu hướng thị trường đã có sự thay đổi trong đó khả năng chấp nhận rủi ro của NĐT đã giảm xuống.

• Các mã ngân hàng đã có phiên kém khởi sắc với hầu hết các mã giảm, dẫn đầu là VCB; CTG; BID; STB và ACB. EIB đóng cửa tại tham chiếu. Giá hầu hết các mã ngân hàng ngoại trừ VCB đều đang ở dưới đường MA 50 ngày và đây thậm chí đã trở thành ngưỡng kháng cự đẩy giá cổ phiếu đi xuống tiếp. Thông tin hiện là khá tiêu cực với lo ngại về tăng trưởng tín dụng thấp; lãi suất huy động tăng; quy định chặt hơn về trọng số rủi ro; rủi ro thanh khoản và cả việc áp dụng Basel 2. Và cổ phiếu ngân hàng không tăng cũng là nguyên nhân chính khiến Vnindex gặp khó khăn khi cố gắng vượt mốc 580 trong thời gian gần đây.

• BVH giảm. Các mã chứng khoán biến động trái chiều. HCM giảm trong khi SSI tăng.

• VNM tăng. FPT giảm trong khi BMP tăng mạnh (có lẽ là do giá dầu giảm cộng với tin đồn về khả năng chia thưởng cổ phiếu). MSN hôm nay có thông tin tốt là công ty con đã trở thành đối tác chiến lược của Vissan sau buổi đấu giá diễn ra hôm nay.

• Cổ phiếu dầu khí có một phiên không khởi sắc do giá dầu giảm với GAS; PVD và PVS giảm. Đồ thị các mã này cũng đã bắt đầu “xấu”.

• Các mã BĐS cũng không mấy khởi sắc với VIC; BCI và NLG giảm. Một ghi nhận tích cực là giá cổ phiếu DXG có lẽ đã chạm đáy sau khi giảm mạnh gần đây. Khả năng gia hạn gói 30 nghìn tỷ đồng là tích cực nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các mã BĐS thuộc phân khúc thu nhập trung bình và cao cấp.

• Các mã ngành sản xuất bị bán mạnh, dẫn đầu là HSG & HPG. PAC đóng cửa tại tham chiếu. DRC tăng nhẹ.

• Hôm nay cả HAG & HNG giảm.

Trên HSX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 27 tỷ đồng. DLG dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 938 nghìn đơn vị. PVD và SHI cũng bị bán ròng lần lượt hơn 618 nghìn và 415 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, DXG dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 364 nghìn đơn vị. STB, CII và NT2 cũng được mua ròng nhẹ. Trên HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 15 tỷ đồng. PVS tiếp tục dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 651 nghìn đơn vị. TIG và SHB cũng được mua ròng lần lượt 410 nghìn và 150 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, AAA dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 171 nghìn đơn vị. KHL, PVC và SDT cũng bị bán ròng nhẹ.

Tương tự như các ngày gần đây, các cổ phiếu Upcom lại tiếp tục nổi sóng, với hơn ½ số cổ phiếu tăng điểm đóng cửa tại giá trần (34/67 cổ phiếu tăng trần). Trong đó, một số cổ phiếu vừa đột biến thanh khoản và giá hôm nay như: SWC, PTK, PFL, TOP, VTX, SAS. Tuy nhiên, cả hai sàn HOSE và HNX đều giảm điểm trên diện rộng, với VN-Index giảm 4,05 điểm và HNX-Index giảm 0,34 điểm.

Sở GDCK Hà Nội đã thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina). VIC đã trở thành cổ đông chiến lược của Savina sau khi Savina bán hơn 44 triệu cp (tương đương 65% VĐL) tại mức giá là 10,500 đồng/cp. Với 16,7 triệu cổ phần được chào bán trước công chúng với giá khởi điểm 10.500 đồng/cp, đã có 2 nhà đầu tư tổ chức và 72 nhà đầu tư cá nhân trúng giá. Kết quả, giá đấu thành công cao nhất là 26.700 đồng/cp, giá đấu thành công thấp nhất là 12.800 đồng/cp. Giá đấu thành công bình quân là 13.072 đồng/cổ phần. Như vậy, Savina đã thu về gần 219 tỷ đồng từ đấu giá cổ phần.

Thông tư 07/2016/TT-BTC về sử đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2012 hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán đã có hiệu lực từ 15/3/2016. Nội dung quy định của Thông tư này đang khiến nhiều NĐT lo ngại sẽ tác động mạnh đến vốn vay margin. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Chuyên viên, các công ty chứng khoán đã có sự chuẩn bị về nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay của khách hàng và đồng thời cũng đã có giải pháp hỗ trợ khách hàng từ thời điểm có Thông tư 36. Tâm lý lo ngại có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường trong các phiên giao dịch tiếp theo, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu có tỷ trọng cho vay margin cao.

Thị trường chứng khoán khu vực giảm sau khi giá dầu giảm mạnh hôm qua do thông tin tiêu cực về giá trị tồn kho dầu tại Mỹ. Bên cạnh đó giá USD cũng mạnh lên trước phát biểu của một quan chức cao cấp của Fed về khả năng nâng lãi suất vào tháng 4. Và đây là những thông tin tiêu cực cho thị trường hàng hóa cơ bản và thị trường chứng khoán.

Có vẻ số liệu GDP Q1 sẽ được công bố vào ngày mai. Chuyên viên cho rằng tăng trưởng GDP Q1 sẽ gây thất vọng. Chuyên viên cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP thấp hơn quan điểm phổ biến là 6,3%. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm cũng kém khả quan.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

Cập nhật PGI – Hoạt động kinh doanh không nhiều chuyển biến

Về kết quả kinh doanh 2015, đây là năm thứ hai liên tiếp PGI kinh doanh có lãi nghiệp vụ bảo hiểm (tăng 9,7% so cùng kỳ) và lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính cũng tương đối ổn định khi tăng nhẹ 5,7% so với năm 2014. Tính chung cả năm 2015, PGI ghi nhận 93,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí gốc thấp khiến thị phần bảo hiểm phi nhân thọ liên tục suy giảm. Sự cạnh tranh gay gắt từ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ như BIC và MIC trong các năm gần đây khiến thị phần bảo hiểm của 4/5 doanh nghiệp đầu ngành (gồm PVI, BVH, BMI, PGI ngoại trừ PTI) sụt giảm. Đối với PGI, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 – 2015 đạt 4,1%, thấp hơn mức bình quân 9,35 của ngành. Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ của PGI theo đó giảm từ 7,35% vào cuối 2014 xuống 6,55% vào cuối năm 2015.

Lợi nhuận thuần kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng 10% nhờ kiểm soát tốt tỷ lệ bồi thường. Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 9,7% nhưng tỷ lệ bồi thường được kiểm soát tốt, giảm từ 47,54% năm 2014 còn 46,53% năm 2015 trong khi tỷ lệ chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng nhẹ 51,37% lên 51,99% nên tỷ lệ kết hợp tính chung giảm nhẹ 0,4%.

Mảng đầu tư tài chính đóng vai trò quan trọng khi luôn đóng góp 85% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Tổng số tiền đầu tư tài chính của PGI tăng thêm khoảng 305 tỷ đồng trong năm 2015. Cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm khác, hoạt động đầu tư của PGI khá thận trọng khi 88% danh mục đầu tư là tiền gửi, trong đó tỷ lệ tiền gửi có kỳ hạn (dưới 1 năm) và tiền gửi kỳ không kỳ hạn lần lượt là 97% và 3%. Việc phân bổ danh mục đầu tư như vậy khá phù hợp với doanh nghiệp bảo hiểm có mức dự phòng bồi thường cao như PGI (tỷ lệ dự phòng bồi thường/phí giữ lại đang khoảng 60%) nhưng hiệu quả đầu tư thì không cao khi tỷ suất sinh lợi của danh mục đầu tư chỉ khoảng 5,7%.

Kế hoạch tăng vốn tiếp tục được thực hiện. Cũng như các doanh nghiệp trong ngành khác, PGI đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2018 với mục đích nâng cao khả năng tài chính qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể tại đại hội cổ đông 2015, PGI thông qua phương án phát hành 20% cho cổ đông chiến lược nâng mức vốn điều lệ lên 887 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2015. Tuy nhiên năm vừa rồi PGI vẫn chưa tăng vốn thành công. Theo doanh nghiệp thông tin, hiện tại doanh nghiệp đã chốt được 2 nhà đầu tư chiến lược và đang tiếp tục đàm phán các điều khoản liên quan đến vấn đề phát hành tăng vốn này. PGI dự kiến việc tăng vốn thành công có thể hoàn thành trong Q3/2016. Theo dự kiến của doanh nghiệp với khoản tiền thu về từ việc tăng vốn, PGI dự kiến sẽ đầu tư xây dựng thêm cơ sở tại Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Được biết doanh thu từ khu vực thành phố Hồ Chí Minh đóng góp bình quân khoảng 22% tổng doanh thu của PGI trong các năm qua.

Nhìn chung, PGI là một doanh nghiệp khá ổn định trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ và đang trong quá trình tái cơ cấu để bắt kịp sự tăng trưởng mạnh của ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian gần đây. Nếu việc tăng vốn thành công, kết hợp với nỗ lực tái cơ cấu của doanh nghiệp, Chuyên viên cho rằng PGI cũng là một cổ phiếu đáng chú ý trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại. Lưu ý rằng trước đây PTI cũng khá tương đồng với PGI khi doanh nghiệp này cũng bắt đầu tái cơ cấu từ năm 2013 và thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm qua với đối tác chiến lược Dongbu Insurance, và thực tế đã thể hiện khi PTI thực sự đã vươn lên mạnh mẽ trong năm 2015 vừa qua với nhiều kết quả ấn tượng.

——————-

FCN HOSE Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (mã FCN) đã trúng thầu gói cung cấp và thi công 38,590m cọc khoan nhồi cho dự án Nhà máy bột giấy Quảng Ngãi với trị giá 97 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn thuộc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi do liên doanh giữa Tập đoàn JK (Ấn Độ), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7,900 tỷ đồng.

——————-

Vissan: Định giá cao khi công ty con mảng thức ăn chăn nuôi của Masan trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Hôm nay đã diễn ra phiên đấu giá 14% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Vissan, công ty chế biến thịt hàng đầu Việt Nam. Anco, công ty con được sở hữu 70% bởi CTCP Tập đoàn MaSan (HSX:MSN), đã thắng thầu khi mua lại được toàn bộ 11,33 triệu cổ phiếu với giá 126.000VND/cổ phiếu, tổng cộng 1.427 tỷ đồng.

Giá đấu thành công nêu trên tương ứng với định giá PER trượt là 94 lần cho Vissan. Chuyên viên cho rằng MSN sẵn sàng trả mức giá cao như vậy vì: (1) Khoản đầu tư này có thể là nền tảng để MSN thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặc biệt nếu nó giúp MSN có được lợi thế khi tham gia vào các đợt thoái vốn của nhà nước trong tương lai; (2) Việc hợp tác với Vissan có thể giúp mảng thức ăn chăn nuôi của MSN tiếp cận dễ dàng hơn một lượng lớn khách hàng lớn (nông dân); và (3) MSN có thể đã nhận thấy Vissan có tiềm năng tạo ra giá trị lớn vì thương hiệu uy tín nhưng lại chưa được tận dụng tốt và mạng lưới phân phối toàn quốc lên đến 130.000 điểm bán lẻ.

Đối với Vissan, quá trình cổ phần hóa đã nhận được kết quả tốt hơn cả mong đợi khi nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhất là từ nhà đầu tư tổ chức, và mức giá thắng thầu cao hơn so với giá khởi điểm gấp nhiều lần.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Cập nhật chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và GDP khu vực Hà Nội và Hồ chí Minh trong quý 1/2016

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 1,69% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, bảo hiểm của các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc từ 01/03/2016 dẫn đến mức tăng mạnh của nhóm dịch vụ y tế (+32,9% so với tháng trước). Ngược lại, hầu hết các nhóm hàng khác đều giảm so với tháng trước, trong đó nổi bật là nhóm giao thông đã giảm 8 tháng liên tiếp do ảnh hưởng của giá dầu thế giới. Nếu loại trừ đi ảnh hưởng của nhóm dịch vụ y tế, Chuyên viên ước tính CPI của tháng 3 đã giảm khoảng 0,11% so với tháng trước.

Trong tháng tới, Chuyên viên cho rằng việc giá dầu phục hồi trở lại và diễn biến giá lương thực đang có xu hướng tăng sẽ khiến chỉ số lạm phát tiếp tục tăng. Giá dầu thế giới bình quân tháng 3 đã tăng khoảng 17% so với tháng trước, trong khi đó, giá xăng dầu trong nước chỉ mới được điều chỉnh tăng 5%. Bên cạnh đó, giá gạo Việt Nam gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng do Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo cùng với lo ngại hạn hán và tình trạng ngập mặn tại khu vực ĐBSCL làm giảm sản lượng gạo. Lạm phát tháng 4/2016 ước tăng trên 0,5% so với tháng Ba.

Hôm nay, Tổng cục thống kê Hà Nội và TP.HCM cũng đưa ra thông tin về tăng trưởng GDP quý 1/2016. Cụ thể, hai tỉnh thành này ghi nhận mức tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP cả nước sẽ được công bố vào đầu tuần sau với ước tính khoảng 6% trong quý đầu năm.

——————–

Vốn FDI tại Việt Nam có khởi đầu ấn tượng trong năm 2016. Lượng giải ngân vốn FDI đã đạt 3,5 tỷ USD trong quý 1/2016, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015, phù hợp với dự báo cả năm 16 tỷ USD của Chuyên viên. Kết quả này là vô cùng tích cực khi thường quý 1 được xem là quý thấp điểm của giải ngân FDI do dịp Tết Nguyên đán. Vốn FDI đăng ký cũng ghi nhận kết quả ấn tượng khi có 4 tỷ USD được cấp phép trong quý 1, gấp đôi con số cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất tiếp tục là yếu tố dẫn dắt chính của tăng trưởng FDI khi chiếm tổng cộng 72%. Hàn Quốc vẫn tiếp tục là nước dẫn đầu FDI đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị đầu tư 889 triệu USD tính từ đầu năm. Lượng vốn FDI lớn đổ vào ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục củng cố cho quan điểm của Chuyên viên về việc ngành này sẽ là trụ cột cho tăng trưởng GDP năm 2016.

——————-

NHNN ủng hộ đề xuất gia hạn gói 30 nghìn tỷ đồng cho đến khi giải ngân 100%

Với sự hậu thuẫn của NHNN và sự ủng hộ từ phía Bộ Xây dựng, có khả năng Thủ tướng Chính phủ sẽ chấp thuận đề xuất gia hạn gói 30 nghìn tỷ đến khoảng cuối năm nay. Điều này giúp giải ngân nốt phần vốn còn chưa giải ngân (hiện tỷ lệ giải ngân mới chỉ khoảng 71%). Sau khi giải ngân chậm trong thời gian đầu, thì hiện gói 30 nghìn tỷ đã trở nên phổ biến với nhu cầu vay lớn kể từ 2015 (tốc độ giải ngân đã tăng lên trong 9 tháng qua).

Đây là thông tin tích cực một chút cho ngành BĐS. Tuy nhiên thông tin này chỉ tích cực cho phân khúc nhà ở thu nhập thấp. Và những mã Chuyên viên ưa chuộng như VIC; NLG; BCI và DXG lại thuộc phân khúc nhà ở thu nhập trung bình và nhà ở cao cấp. Do vậy những công ty này sẽ ít nhận được ảnh hưởng tích cực từ thông tin trên xét về phương diện phân tích căn bản. Tuy nhiên đây là thông tin tích cực đối với tâm lý chung của NĐT đối với toàn ngành BĐS vốn đã phải chịu các tác động tiêu cực từ đầu năm liên quan đến siết tín dụng cho vay ngành theo dự thảo quy định trong đó đưa ra những tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (25/03/2016):

25/03/2016 VIT Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 SRF Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 SVI Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 SGD Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 ND2 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 PNJ Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 APC Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 PGT Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 SMT Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

25/03/2016 NT2 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

——————-

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý