DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 25/02/2016 gồm cập nhật CPI, HBC, KBC, SKG, DMC, QCG, TLG

Lượt xem: 13,746 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

Sau nhịp giảm điểm đầu phiên để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 560 điểm, VN-Index đã bứt phá mạnh với mức tăng 6,76 điểm, chỉ số tiến lên 568,04 điểm cùng với khối lượng duy trì ở mức cao 150,5 triệu cổ phiếu được khớp.

vni2402

Đồ thị VN-Index ngày 24/02/2016.

Đồ thị VN-Index ngày 24/02/2016. Nguồn: Amibroker

 

Mức mở cửa thấp của VN-Index trong phiên hôm nay phản ánh những rung lắc, điều chỉnh từ cuối phiên 23/02 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến diễn biến chỉ số trong nửa đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, dần về cuối phiên, cùng với sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng thì cân băng cung – cầu nghiêng mạnh về phía người mua đã giúp VN-Index có được mức tăng mạnh tại thời điểm đóng cửa. Khối lượng giao dịch cũng giữ ở mức cao trong phiên tăng giá. Theo đó, sự kết hợp của thân nến trong 02 phiên liên tiếp có dạng Bullish Engulfing mang hàm ý củng cố cho xu hướng tăng giá ngắn hạn và VN-Index có thể sớm tiếp cận mục tiêu kế tiếp tại 570 – 580 điểm.

Đồ thị kỹ thuật hình thành một cây nến xanh thân dài cùng khối lượng giao dịch lớn, cho thấy lực cầu vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường. Diễn biến của các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục được củng cố ở trạng thái khá tích cực. Cụ thể, MACD vẫn đang tăng mạnh lên khỏi đường zero và mở rộng phân kỳ dương, đường ADX vượt lên trên mức 25 cho thấy xu hướng tăng điểm trung hạn của thị trường tiếp tục được củng cố. RSI cũng đang tăng dần nhưng chưa vượt qua mốc giá trị 70 nên dự địa tăng về xung lượng cũng ở mức tích cực.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng, trong phiên giao dịch ngày mai 25/02/3016, chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng điểm để thử thách ngưỡng kháng cự MA100 tại 573-575 điểm. Tuy nhiên, việc VN-Index đã trải qua 5 phiên tăng điểm liên tiếp nên cần có sự điều chỉnh trong một xu hướng bền vững. Đường VN-Index đã vượt ra ngoài biên trên của dải Bollinger Bands trong 3 phiên liên tiếp gần đây và tiệm cận vùng kháng cự 570 – 580 điểm, là vùng có sự hiện diện của đường MA100, đồng thời cũng tiệm cận ngưỡng Fibonacci 61.8% và mây Kumo trong hệ thống Ichimoku Kinko Hyo. Do đó, diễn biến rung lắc được dự báo vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện ở vùng này. Vì vậy nhà đầu tư không nên mua đuổi giá và chỉ gia tăng tích lũy ở các nhịp điều chỉnh và nhà đầu tư nên chú ý vào xu hướng dịch chuyển của dòng tiền để lựa chọn nhóm cổ phiếu thích hợp.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 548.38 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên 25/02/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên mua đuổi giá và chỉ gia tăng tích lũy ở các nhịp điều chỉnh trong phiên. Đồng thời, Nhật Cường đánh giá đây vẫn chưa phải là thời điểm chốt lời.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 24/02/2016:

Ngược chiều thị trường chứng khoán châu Á, VN-Index đã có phiên tăng điểm mạnh lên 568 điểm dưới sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đà tăng lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu tài chính khác, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao, độ rộng thị trường tích cực. Khối ngoại mua ròng phiên thứ năm liên tiếp với giá trị gần 25 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 0.45%, FTSE ETF premium 0.09%.

Các thị trường đã có phiên tăng tốt dù giảm nhẹ ở đầu phiên do chịu tác động bởi chứng khoán toàn cầu. Theo đó, VN-Index chốt phiên tăng 1,2% lên 568 điểm trong khi HNX-Index cũng tăng 0,9% lên 78,9 điểm. Độ rộng thị trường đã cải thiện hơn nhưng cổ phiếu phân hóa với trung bình cứ 1 mã tăng thì có 1 mã giảm. KLGD duy trì ổn định ở mức cao trên các thị trường.

Tâm lý nhà đầu tư nội bị tác động đôi chút ở đầu phiên khi thị trường khu vực tiếp tục giảm trên mối lo ngại mới về Trung Quốc và giá dầu giảm liên tiếp trong 2 ngày vừa qua. Trong một diễn biến mới nhất, Saudi Arabia và Iran cho thấy thiếu quyết tâm trong việc cắt giảm sản lượng vì cho rằng nhiều nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu khác sẽ không tham gia vào nỗ lực tương tự để cứu giá dầu. Và con đường phục hồi của giá dầu vẫn còn gặp nhiều trở ngại dù rằng Hiệp định đóng băng sản lượng sẽ được kí kết vào đầu tháng 3 trước.

Kết quả là cổ phiếu dầu khí như PVD và GAS đã đồng loạt giảm hôm nay dưới áp lực chốt lời sau giai đoạn bức phá. Chuyên viên vẫn tiếp tục tin rằng giá dầu đã chạm đáy và cổ phiếu dầu khí sẽ khó lặp lại tình trạng lao dốc trong thời gian tới.

Dù vậy, đà tăng của thị trường vẫn được duy trì nhờ cổ phiếu ngân hàng. Các mã NHQD như BID và CTG tăng kịch trần trong khi VCB cũng tăng vọt, qua đó ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong nhiều tháng. Đây là điều hiếm gặp sau nhiều phiên xập xình trước thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể nâng tỷ lệ LDR (cho vay/tổng tiền gởi) từ 80% lên 90%. Điều này được kì vọng sẽ thúc đẩy hoạt động tín dụng của các nhà băng này trong thời gian tới. Trong khi đó, các mã ngân hàng khác như STB, EIB và ACB cũng tăng tích cực.

Trong khi đó, các mã chứng khoán tiếp tục tăng khi HCM tiệm cận lên mức giá trần và SSI cũng mở rộng biên độ tăng. BVH kéo dài chuỗi 5 phiên tăng còn BIC tiếp tục tăng trần. KDC tăng vọt phiên thứ 2 và VNM cũng tăng trở lại; ngược lại, MSN tiếp tục giảm. Riêng FPT đi ngang còn BMP giảm.

HNG giảm sàn sau khi tăng mạnh gần đây trước thông tin phát hành 59 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược và thu về 1,65 nghìn tỷ đồng. HAG tăng. Các mã BĐS nhìn chung là tăng như DXG, KBC, FLC và REE dù VIC điều chỉnh nhẹ.

Tương tự như phiên trước, các mã ngành thủy sản, dệt may và xăm lốp tiếp tục giảm trong khi cổ phiếu ngành xây dựng, cảng và logistics quay đầu giảm.

Diễn biến giao dịch khối ngoại trái ngược trên 2 sàn khi mua ròng trên 35,8 tỷ đồng trên HSX nhưng lại bán ròng 11,11 tỷ đồng trên HNX. Trên HSX, MBB tiếp tục được khối ngoại tích cực mua vào, dần đầu về khối lượng mua ròng, đạt trên 4,1 triệu đơn vị. KBC cũng được mua ròng trên 1,3 triệu đơn vị. Chiều ngược lại, DLG dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 1,1 triệu đơn vị. BID cũng bị bán ròng trên 621 nghìn đơn vị trong phiên tăng trần của mã này.

Trên HNX, BVS dẫn đầu về khối lượng mua ròng với 115 nghìn đơn vị. Hai mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và ACB và SHB cũng được mua ròng nhẹ lần lượt hơn 106 nghìn và 73 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng trở lại PVS với khối lượng đạt 298 nghìn đơn vị. VND, HUT và DBC cũng bị bán ròng nhẹ.

Phiên tăng hôm nay của thị trường tập trung vào các mã ngân hàng và sau đó là các mã chứng khoán trong khi các mã dẫn dắt thị trường gần đây tăng giảm nhẹ. Điều này có vẻ là do các mã ngân hàng đang tăng đuổi theo xu hướng chung vì hiện chuyên viên chưa thấy có thông tin cụ thể nào giải thích cho điều này. Tuy vậy khả năng nâng hệ số LDR tối đa (cho vay/tổng tiền gởi) từ 80% lên 90%. Điều này được kì vọng sẽ thúc đẩy hoạt động tín dụng của các nhà băng này trong thời gian tới cho một số ngân hàng chủ chốt cộng với khả năng lãi suất cho vay tăng có lẽ là những nhân tố hỗ trợ. Và quan trọng là thị trường đang cho thấy sự luân phiên tăng với cổ phiếu các ngành dẫn dắt thị trường hiện tại tạm nghỉ và cổ phiếu ngành quan trọng là ngành ngân hàng vốn trầm lắng gần đây đã giữ vai trò dẫn dắt. Động thái hôm nay của thị trường có phần hơi bất ngờ và xác nhận sự bứt phá đi lên gần đây sau khi điều chỉnh nhẹ. Và với (1) câu chuyện nới room (2) lực mua được luân phiên (3) khối ngoại mua ròng (4) GTGD tốt, thì hiện xu hướng nghiêng về tăng.

Các yếu tố hỗ trợ nội tại trong nước như nới room vẫn đang lấn át các yếu tố bất ổn bên ngoài và tạm thời tách thị trường trong nước khỏi xu hướng của chứng khoán khu vực. Đặc biệt, hôm nay giá dầu và các thị trường chứng khoán khác trên thế giới đều giảm điểm nhưng VN-Index vẫn tiếp tục tăng. Điều này một phần cho thấy hiệu ứng nới room và các câu chuyện riêng của thị trường Việt Nam đang khiến nhà đầu tư phớt lờ sự tập trung vào các quan ngại về các yếu tố toàn cầu.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

HBC: Lợi nhuận sau thuế 2015 tăng 31%, chỉ đạt 50% kế hoạch.

CTCP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC – HSX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2015. Trong Q4/2015, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.563 tỷ đồng, tăng 47,4% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán (GVHB) tăng mạnh 64% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận gộp giảm 36% so với cùng kỳ còn 101,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,8% trong Q4/2014 còn 6,4% trong Q4/2015. Chi phí tài chính giảm 53% theo năm xuống 14 tỷ đồng nhờ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh là 18,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất giảm 40,5% so với cùng kỳ, đạt 35 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2015, doanh thu thuần hợp nhất tăng 45% đạt 5.085 tỷ đồng, hoàn thành 95,9% kế hoạch năm. Tuy nhiên, GVHB tăng gần 54% khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,5% xuống 5,3% trong năm 2015. Nguyên nhân là do khoản lỗ từ 3 dự án SSG Tower, Vietinbank Tower và Estella. Công ty đã phải ghi hận lỗ từ dự án SSG Tower do chi phí thực tế phát sinh cao hơn dự toán, trong khi đó chi phí tăng cao ở 2 dự án còn lại do thay đổi phương pháp thi công. Thu nhập tài chính đạt 87 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi đó chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 45% theo năm nhờ khoản hoàn nhập dự phòng nợ khó đòi 64 tỷ đồng (năm 2014 HBC phải trích lập 82 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi). Thu nhập từ công ty liên doanh, liên kết đạt gần 8 tỷ đồng, so với khoản lỗ 2,4 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2014. Nhờ đó, LNST hợp nhất đạt 90 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, tuy nhiên chỉ đạt 50% so với kế hoạch năm.

Tại thời điểm 31/12/2015, khoản tiền và tương đương tiền đạt 149 tỷ đồng, giảm từ mức 351 tỷ đồng đầu năm. Hàng tồn kho đạt 953 tỷ đồng, so với 561 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Tổng nợ vay đạt 2.047 tỷ đồng, tăng so với mức 1.917 tỷ đồng đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 1.072 tỷ đồng, tăng so với mức 997 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. HBC hôm nay đóng cửa tại 20.500 đồng/cổ phiếu, giảm 2,4%. HBC hiện đang giao dịch tại mức P/E 2015 là 17,0 lần và P/B 2015 là 1,5 lần.

——————

KBC: Công bố KQKD hợp nhất với LNST tăng trưởng 99%.

Doanh thu 2015 của KBC tăng trưởng 36%, chủ yếu từ bán đất tại các KCN Tràng Duệ, Tân Phú Trung, và Quế Võ. Trong khi đó LNST cũng tăng trưởng ở mức 99%. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn. KBC đã thoái vốn 2 khoản đầu tư ngoài ngành gồm một khoản đầu tư vào nhà máy thủy điện SGI – Lào và Công ty Năng lượng Sài Gòn Bình Định; theo đó ghi nhận 290 tỷ đồng doanh thu HĐ tài chính. LNST dự báo tăng trưởng 14,2% trong năm nay nhờ bán đất KCN Tràng Duệ và đất KDC. Chuyên viên dự báo trên quan điểm thận trọng đối với nhiều thương vụ tiềm năng do thiếu thông tin chi tiết về tiến triển ở những thương vụ này. KQKD có khả năng đạt cao hơn nhiều so với dự báo của Chuyên viên.

Duy trì đánh giá Mua vào. Thị giá thấp hơn 34% so với RNAV và cũng thấp hơn giá trị sổ sách; theo đó định giá vẫn còn rất rẻ. Giá cổ phiếu KBC đã dần hồi phục sau khi giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh và có một số tin đồn. Chuyên viên thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh trong vài năm tới do KBC là một trong những cổ phiếu chủ chốt hưởng lợi từ TPP. LNST năm 2015 của KBC tăng trưởng 99% – KBC công bố KQKD hợp nhất chưa kiểm toán với doanh thu đạt 1,46 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 36%) và LNST đạt 622 tỷ đồng; tăng trưởng 99% từ mức thấp của năm 2014. KQKD đạt được thấp hơn kế hoạch do công ty chậm ghi nhận từ một số thương vụ. Riêng Q4, doanh thu chỉ đạt 281,11 tỷ đồng (giảm 42% so với cùng kỳ) còn LNST đạt 263,94 tỷ đồng (giảm 68% so với cùng kỳ). The đó KBC đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận. KBC đã đặt kế hoạch doanh thu cho năm 2015 ở mức 1,98 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 85%) và LNST là 739 tỷ đồng (tăng trưởng 136%). Trong khi đó Chuyên viên dự báo doanh thu đạt 2,02 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 38,8%) và LNST đạt 709,8 tỷ đồng (tăng trưởng 14,2%).

Giá cổ phiếu đang khá rẻ – Giá cổ phiếu đã phục hồi phần nào sau đợt giảm mạnh vào đầu năm nay do sự điều chỉnh chung của thị trường và một số tin đồn trên thị trường. Giá cổ phiếu đang thấp hơn 1,56% so với đầu năm và chỉ cao hơn 16,67% so với mức thấp nhất trong 12 tháng trở lại đây. Thêm vào đó, cổ phiếu KBC hiện đang giao dịch với giá thấp hơn 34% so với RNAV, là 19.200đ/cp. RNAV đã được điều chỉnh tăng nhẹ để phản ánh mức giá cho thuê cao hơn tại các KCN cũng như cơ cấu tài sản tích cực hơn của công ty. Room cho NĐTNN còn lại là 98.040.553 cổ phiếu, chiếm 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Do room vẫn còn, KBC hiện chưa có kế hoạch nới room trong ngắn hạn. Với đặc thù là doanh nghiệp với hoạt động mang tính chu kỳ, việc ghi nhận môt hoặc hai hợp đồng lớn có thể tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận. Công ty cũng dễ dàng mở rộng quỹ đất (cũng như RNAV) qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết. KBC hiện đã sở hữu các KCN tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam và hoàn toàn có thể đón đầu nguồn vốn FDI. Theo đó hiệp định TPP và EU FTA vẫn hứa hẹn tăng trưởng dài hạn cho cổ phiếu này. Lặp lại khuyến nghị Mua vào.

——————

SKG: CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang Giá mục tiêu 125.000VND.

Lượng du khách đến Phú Quốc dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 35%-40% trong ba năm tới. 88%-90% du khách đến Phú Quốc là khách trong nước, là khách hàng chính của SKG. 10%-12% còn lại là khách quốc tế, là hành khách chính của các tuyến bay đến Phú Quốc. Lượng du khách trong nước đến Phú Quốc từ 2006 đến 2014 đạt tăng trưởng kép hàng năm 30% và Chuyên viên cho rằng tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì nhờ các dự án du lịch lớn hiện đang được thi công tại hòn đảo này.

Chỉ có ba công ty vận chuyển hành khách bằng đường thủy giữa Phú Quốc và đất liền, trong khi SKG lại là công ty lớn nhất nên có thể hưởng lợi nhiều từ tốc độ tăng trưởng này. SKG có 10 tàu cao tốc trong khi toàn thị trường khu vực này chỉ có 12 tàu cao tốc và 4 phà tốc độ cao, và có thị phần trên 75%. Công ty có thể giữ vững vị thế này trong trung hạn do các doanh nghiệp mới tham gia thị trường cần rất nhiều thời gian chuẩn bị, bên cạnh đó rủi ro bị các phương tiện giao thông khác thay thế (cụ thể là hàng không) tương đối thấp.

Để nắm bắt cơ hội khi lượng khách đến Phú Quốc ngày càng tăng, SKG dự kiến từ 2016 đến 2020 sẽ đầu tư thêm 1-2 tàu cao tốc mỗi năm. Như vậy, công suất vận tải hành khách của SKG đến năm 2020 sẽ tăng 61% trong khi lượt khách đến Phú Quốc trong giai đoạn này theo ước tính sẽ tăng 150%-200% (giả định mức tăng trưởng hàng năm là 20%-30%).

Lợi nhuận 2016 sẽ tăng 21% nhờ hiệu suất sử dụng tăng và có thêm hai tàu cao tốc mới được đưa vào hoạt động. Hiệu suất sử dụng 8 tàu cao tốc hiện nay của SKG năm 2016 dự kiến sẽ lên đến 80%-85%. Điều này, cùng với hai phà mới theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động kể từ đầu tháng 02/2016, sẽ kích thích doanh thu và lợi nhuận.

Biên lợi nhuận gộp 2016 theo ước tính sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn tiếp tục ở mức cao vì các lý do sau: (1) Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50% giá vốn hàng bán của SKG và sẽ tiếp tục thấp trong năm 2016 dù có thể sẽ tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm; (2) Hiệu suất sử dụng tàu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay dù có hai tàu mới đi vào hoạt động. Ngay cả nếu chi phí nhiên liệu tăng từ năm 2017 trở đi, SKG sẽ có thể duy trì biên lợi nhuận ở mức cao nhờ hiệu suất sử dụng tàu ngày càng tăng.

——————

DMC: CTCP Xuất nhập khẩu Thiết bị Y tế Domesco Chính sách tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm mang lại hiệu quả tốt. Lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng (+8% yoy) chủ yếu nhờ biên lợi nhuận được cải thiện.

Doanh thu: Năm 2015, doanh thu thuần đạt 1.234 tỷ đồng (-17% yoy). Điều này là do trong thời gian vừa qua công ty đã tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm, theo hướng giảm mạnh hàng phân phối, dịch vụ và tập trung phát triển các dòng sản phẩm tự sản xuất. Doanh thu hàng phân phối giảm 37% yoy, còn 218 tỷ đồng. Năm 2015, mặc dù sản lượng sản xuất hầu như không đổi, nhưng do giá bán đầu ra giảm, đặc biệt giá bán dược phẩm theo kênh phân phối ETC giảm nên doanh thu hàng tự sản xuất giảm 11% còn 1.016 tỷ đồng. Tỷ trọng phân phối OTC & ETC tương đối ổn định so với năm 2014, đạt lần lượt khoảng 70% và 30%.

Biên lợi nhuận được cải thiện, hiệu quả sinh lời tăng: Do đẩy mạnh phân phối hàng tự sản xuất, tập trung vào dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao, biên lợi nhuận gộp năm 2015 của DMC đạt 33%, tăng từ mức 29% năm 2014. Tài chính lành mạnh. 80% tổng tài sản của DMC được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, công ty không có dư nợ vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Dòng tiền cao và ổn định (đạt 169 tỷ đồng vào năm 2015) nhờ quản trị tốt các khoản phải thu. Khả năng thanh toán cao, đạt 2,29x đối với hệ số thanh toán nhanh và đạt 3,74x đối với hệ số thanh toán ngắn hạn.

Đầu tư nhà máy sản xuất thuốc Nonbetalactam: Nhà máy Nonbetalactam hiện tại với công suất 1,1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm đã đạt 95-96% công suất thiết kế. DMC dự kiến triển khai xây dựng nhà máy Non-betalactam với 5 dây chuyền sản xuất thuốc trong đó 1 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP và 4 dây chuyền đạt chuẩn PIC/s với tư vấn là cổ đông lớn Abbott. Tổng vốn đầu tư ước tính là 250-300 tỷ đồng, công suất 3 tỷ đơn vị (gấp 3 lần công suất nhà máy Non-betalactam hiện tại). Nhà máy dự kiến hoàn thành sau 24 tháng xây dựng. Nhà máy mới được cấp tiêu chuẩn EU-GMP và PIC/s là cơ sở để DMC tăng tỷ trọng kênh ETC với giá bán cao hơn do được tham gia vào cùng gói thầu với các doanh sản xuất thuốc chất lượng cao của nước ngoài.

Ngày 24/02/2016 cổ phiếu DMC được giao dịch tại mức giá 53.000 đồng/cp, tương đương với P/E là 11,7x và P/B là 1,82x, tương đương với mức trung bình của nhóm cổ phiếu dược. DMC là doanh nghiệp tân dược có quy mô lớn thứ 2, sau DHG trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lợi nhuận tăng trưởng tốt, tài chính lành mạnh. Chuyên viên lưu ý, việc các nhà máy hiện tại đã gần lấp đầy công suất và sức ép cạnh tranh có xu hướng tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của DMC trong 2 năm tới. Triển vọng dài hạn của DMC phụ thuộc vào nhà máy sản xuất thuốc Nonbetalactam (kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018) và sự hỗ trợ của Abbott.

——————

QCG: Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HOSE) QCG công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Theo đó, Công ty đạt doanh thu 391 tỷ VNĐ, giảm 25% so với cùng kỳ; LNST đạt 23.3 tỷ VNĐ, giảm 27.8% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn đem lại doanh thu chính cho QCG với mức doanh thu đạt 245 tỷ VNĐ, trong khi doanh thu bán điện đạt 46 tỷ VNĐ và doanh thu bán hàng hóa đạt 93 tỷ VNĐ.

Trong năm 2015, hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ lệ lớn vào khoảng 68% tổng tài sản của QCG, trị giá 5,444 tỷ VNĐ. Cơ cấu hàng tồn kho phần lớn là chi phí đầu tư đang triển khai tại các dự án khu dân cư. Trong đó, khoản lớn nhất tại khu dân cư Phước Kiển trị giá 3,798 tỷ VNĐ. Theo quy hoạch, Khu dân cư Phước Kiển có tổng diện tích 90.6 ha. Hiện tại, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thương lượng, đền bù khoảng 70,7ha (chiếm 78% tổng diện tích dự án 90,65ha).

Về hoạt động đầu tư thủy điện, QCG hiện vẫn đang đầu tư dự án thủy điện Iagrai 2 có tổng công suất là 7.5MW với chi phí đầu tư dở dang là 25.6 tỷ VNĐ. Bên cạnh đó, nông trường cao su của Công ty cũng đang được đầu tư với chi phí đầu tư là 259 tỷ VNĐ.

Áp lực tài chính đối với QCG vẫn đứng ở mức cao với khoản vay ngắn hạn đứng ở mức 589 tỷ VNĐ, trong đó vay dài hạn đến hạn trả là 498 tỷ VNĐ và vay dài hạn đứng ở mức 1360 tỷ. Chi phí lãi vay hạch toán trong năm 2015 là 12.1 tỷ và chi phí lãi vay vốn hóa vào giá trị các dự án bất động sản là 178 tỷ.

Chuyên viên đánh giá, nếu quá trình triển khai các dự án khu dẫn cư của QCG không được đẩy nhanh, giá vốn của các dự án sẽ gia tăng do chi phí lãi vay vốn hóa cao dẫn tới giảm hiệu quả kinh doanh của các dự án và tác động tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của Công ty.

——————

TLG: Cập nhật CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) Văn phòng phẩm

Giá cổ phiếu tăng mạnh, vượt giá trị định giá cơ bản vì các lý do sau:

Chiến lược tiếp thị hiệu quả và nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu giúp kích thích tăng trưởng doanh thu. Với việc giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường bút viết, TLG tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực tiếp thị các dòng sản phẩm khác và mang về kết quả ấn tượng. Cùng với mức tăng 9% của mảng Bút viết, các mảng Văn phòng phẩm, Dụng cụ học tập, và Dụng cụ mỹ thuật đều tăng trên 20%. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu tăng mạnh 38% so với năm 2014, nâng mức đóng góp vào tổng doanh thu năm 2015 lên 13% từ mức 11% năm 2014. Chuyên viên cho rằng thành công trong xuất khẩu của TLG đến từ yếu tố chi phí cạnh tranh qua đó đảm bảo các hợp đồng gia công (OEM) với các đối tác tại những thị trường phát triển như Nhật Bản và Mỹ; trong khi đó các mặt hàng mang thương hiệu Thiên Long tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khác. Vì vậy, Chuyên viên điều chỉnh tăng dự báo dành cho các mặt hàng khác bút viết thêm 21%-37% trên cơ sở kết quả năm 2015.

Giá nhựa giảm mạnh tương ứng với giá dầu thô, giúp lợi nhuận tăng mạnh. Giá nhựa, vốn chiếm 20% giá vốn hàng bán của TLG, năm 2015 giảm 24% so với năm 2014. Điều này giúp biên lợi nhuận gộp tăng 163 điểm cơ bản trong năm 2015 so với năm 2014. Sau khi giảm 24% năm 2015, giá nhựa tiếp tục giảm 17% kể từ đầu năm 2016 đến này. Vì vậy, Chuyên viên điều chỉnh tăng dự báo biên lợi nhuận gộp từ 37,8% lên mức 39,1%.

Thuế suất 2016 sẽ giảm. TLG chịu mức thuế 25% trong năm 2015 do các khoản thuế thu nhập hoãn lại. Mức thuế này sẽ giảm xuống mức thông thường 20% trong năm 2016, hỗ trợ biên lợi nhuận ròng. Cùng với doanh thu và biên lợi nhuận gộp cải thiện như đã đề cập ở trên, việc này sẽ mang lại tăng trưởng LNST theo dự báo là 29% so với năm 2015.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu tỏ ra quá cao khi Chuyên viên áp dụng phương pháp PER (hệ số 20%) vào mô hình định giá. Giá mục tiêu tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tăng nhờ dự báo LNST tăng nhưng bù lại, Chuyên viên điều chỉnh tăng phần bù rủi ro thị trường them 100 điểm cơ bản. Trong khi đó, so sánh với các công ty văn phòng phẩm khác trong khu vực, giá cổ phiếu TLG tương đối cao. Xin lưu ý rằng Chuyên viên vẫn áp dụng tỷ lệ chiết khấu 20% dành cho giá trị hợp lý của TLG để phản ánh thanh khoản thấp trong quá trình tính giá mục tiêu.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

CPI tháng 2 tăng cao nhất kể từ tháng 2/2014, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh cho dịp Tết Nguyên đán.

CPI tháng 2 tăng 0,42% so với tháng 1, vượt dự báo tăng 0,2% trước đó của chúng tôi khi nhóm lượng thực và thực phẩm (chiếm khoảng 36% giỏ CPI) tăng cao hơn dự dự báo của Chuyên viên, và dễ dàng bù đắp tác động của giá dầu thô giảm lên mặt bằng giá cả. Tuy nhiên, qua xem xét Chuyên viên thấy đây không phải là dấu hiệu khởi đầu của việc lạm phát sẽ tăng cao trở lại mà lại là một tín hiệu vui khi thị trường đã cho thấy một sự khớp nhau giữa niềm tin tiêu dùng và mức tiêu dùng (theo số liệu thống kê mới nhất của ANZ, niềm tin tiêu dùng tăng đều kể từ tháng 8/2015 và đạt mức 144,8 điểm tại tháng 12/2015, mức cao nhất kể từ đầu năm 2014).

Cụ thể, mức gia tăng giá cả của các mặt hàng tiêu dùng là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 2 tăng mạnh, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài kích thích tiêu dùng trong nước. Thực phẩm và hàng ăn dẫn đầu đà tăng này, tăng gần 2% trong khi các mặt hàng khác tăng từ 0,2-1,5%. Trong khi đó, giá nhóm hàng giao thông vận tải có mức giảm mạnh khoảng 4% khi giá xăng đã giảm tổng cộng 8% trong kỳ tính CPI tháng 2.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (25/02/2016):

RCL: Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền, 800 đồng/CP

EMC: Ngày GDKHQ Thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 10000:4211, giá 10,417 đồng/CP

DGW: Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền, 1,500 đồng/CP

HTP: Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền, 750 đồng/CP

VIC: Giao dịch bổ sung – 14,629,999 CP

CII: Niêm yết cổ phiếu bổ sung – 32,090,369 CP

VNI: Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản

——————

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý