DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 24/11/2015 gồm cập nhật VCB, ACB, VIP, TRC, TSC

Lượt xem: 15,879 - Ngày:
Chia sẻ
Đồ thị VN-Index ngày 23/11/2015

Đồ thị VN-Index ngày 23/11/2015. Nguồn: Amibroker

1. Quan điểm kỹ thuật:

Thị trường chứng khoán đầu tuần chứng kiến một phiên giao dịch khá sôi động với diễn biến tăng giảm trái chiều của hai chỉ số. VN-Index giảm về ngay mức “tâm lý” 600 điểm (-0,74%) trên nền thanh khoản tăng mạnh vượt mức bình quân 20 phiên còn HNX-Index tăng lên mức 81,93 điểm (+0,43%). Việc VN-Index mất điểm hôm nay có “đóng góp” không nhỏ từ biến động của VNM. Chính kết quả giảm mạnh 3,1% của VNM đã tác động “kéo” VN-Index rơi lại đáng kể. Bên cạnh VNM, các trụ cột còn lại đa phần đều giảm, điển hình như: GAS (-0,5%), VCB (-0,6%), CTG (-1,0%), MSN (-1,4%)…

Trong phiên giao dịch ngày mai 24/11, mình cho rằng VN-Index có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các cổ phiếu vốn hóa lớn (đã có một nhịp tăng mạnh trong thời gian qua). Tuy nhiên, mình nhận thấy tín hiệu tích cực từ động thái mua ròng trở lại của khối ngoại tại nhóm các cổ phiếu này, do đó lực mua này có thể đóng vai trò hỗ trợ thị trường trong các phiên tới. Đặc biệt nhiều cổ phiếu ngành dầu khí và ngành thép đang giao dịch trong vùng giá hỗ trợ và Nghị định 118/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành có thể sẽ là điểm tích cực cho thị trường trong phiên giao dịch ngày mai. Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì danh mục hiện tại.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức tăng cho xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index. Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong bối cảnh hiện nay nhưng việc mở thêm các vị thế mua mới nên dần được hạn chế.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 23/11/2015:

Thị trường phân hóa với diễn biến tăng giảm trái chiều của hai chỉ số, VN-Index giảm 4,47 điểm (-0,74%) xuống còn 599,99 điểm còn HNX-Index vẫn tiếp tục tăng 0,35 điểm (0,43%) lên 81,94 điểm. Thanh khoản tiếp tục tăng trên cả hai sàn, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 2265,7 tỷ đồng (+4,2%) tương đương 153,2 triệu cổ phiếu, trong khi giá trị giao dịch trên HNX đạt 808,9 tỷ đồng (+65,5%) tương đương 79 triệu cổ phiếu.

Giao dịch sôi động trên hai sàn vẫn tiếp tục được duy trì, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu đầu cơ và nhóm cổ phiếu chứng khoán điển hình là SSI, HCM… Trái lại các cổ phiếu vốn hóa lớn lại chịu áp lực giảm giá trong phiên này như VNM, MSN, VCB, GAS, BVH…, lực bán mạnh vào cuối phiên khiến đa số các cổ phiếu này giảm giá làm VN-Index đóng cửa giảm điểm. Số lượng mã tăng giá và mã giảm giá tương đối cân bằng trong phiên này với tỷ lệ số mã tăng giá/ giảm giá trên HOSE là 101/121 và trên HNX là 103/90.

Các mã bluechip điều chỉnh, dẫn đầu là VNM và các mã khác trong danh sách 10 doanh nghiệp thoái vốn của SCIC; trong đó đợt tăng mạnh gần đây đã đảo chiều thành điều chỉnh mạnh. Ngưỡng hỗ trợ của VNM đặt tại 124.000đ; nghĩa là không còn xa mặt bằng giá hiện nay. Đã có những ý kiến về khả năng điều chỉnh tỷ lệ margin cho một số mã nói trên nhưng điều này là chưa được xác nhận.

Các mã ngân hàng và BVH giảm. Các mã chứng khoán có phiên giao dịch tốt và mình đã có được những tin đồn chưa rõ ràng về điều này. Các mã ngành tài nguyên cũng giảm. Nói chung thị trường chuyển hướng sang các mã có câu chuyện riêng và các mã có tính đầu cơ.

Chẳng hạn, đồn đoán xung quanh kỳ review của các quỹ ETF đã ảnh hưởng đến giao dịch của một số mã trong phiên hôm nay; trong đó các mã HPG; SSI; HHS đã tăng. Trong khi đó HBC tăng gần trần trước thông tin thắng thầu dự án Estella Heights giai đoạn 1 với tổng giá trị là 917 tỷ đồng. Trong khi đó JVC tăng trần trước đề xuất mua lại cổ phiếu quỹ gần đây. PAN đóng cửa tại tham chiếu mặc dù có thông tin đã nâng tỷ lệ sở hữu tại NSC từ 62% lên 75%. MWG đã có phiên tăng tốt sau khi công bố KQKD 10 tháng tiếp tục tích cực.

Tỷ giá đang tiếp tục có dấu hiệu nóng hơn, giá USD tự do hiện giao dịch ở mức 22.630 đồng, tăng 30 đồng so với phiên cuối tuần, vượt trần tỷ giá là 22.547 đồng. Giá USD đang có dấu hiệu tăng trở lại có thể là do: 1) nhu cầu USD cho các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ thường có xu hướng tăng vào cuối năm; 2) Giá USD trên thị trường ngoại hối quốc tế đang có xu hướng mạnh hơn so với rổ ngoại tệ lớn do lo ngại FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12.

Điểm sáng nhất hôm nay là khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng mạnh mẽ sau khi bán ròng liên tục trong cả tuần trước. Tính riêng khớp lệnh tại HSX khối ngoại đã mua ròng trở lại gần 8,6 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 116 tỷ đồng. Họ quay trở lại mua ròng VNM 34,46 tỷ đồng sau khi bán ra mạnh trong tuần trước. Ngoài ra họ còn mua vào nhiều các mã như OGC (+20,6 tỷ), DLG (+18,2 tỷ), VIC (+13,6 tỷ), tính chung trên HOSE, họ mua ròng 112,88 tỷ đồng. Còn trên HNX, khối ngoại cũng tăng mạnh lượng mua ròng lên 25,35 tỷ đồng với các mã được mua nhiều như TIG (+10,95 tỷ), SCR (8,36 tỷ), CEO (+5,91 tỷ), HUT (+1,23 tỷ).

3. Thông tin Doanh nghiệp:

VCB: Công bố LNTT 9T tăng 11,2%.

KQKD khả quan nhờ tăng trưởng tín đụng đạt cao và tỷ lệ NIM tăng. Việc tập trung vào mảng cho vay lãi suất cao hơn cộng với thương vụ mua trái phiếu chính phủ bằng USD đã giúp bù đắp cho việc lợi suất cho vay giảm. Các nguồn thu nhập khác được giữ vững giúp thu nhập hoạt động phục hồi tốt. Chi phí lương tăng mạnh đã ảnh hưởng một chút đến lợi nhuận; tuy nhiên lợi nhuận trước trích lập dự phòng vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao kỷ lục từ năm 2011. Kế đến, chi phí dự phòng tăng mạnh hơn kỳ vọng. Triển vọng cả năm có lẽ sẽ tương tự như 9T đầu năm và không có đột biến lớn. Triển vọng năm 2016 khả quan hơn, dự báo LNTT năm 2016 sẽ tăng trưởng 21,1%.

VCB (Khả quan) công bố KQKD 9T sát kỳ vọng với LNTT đạt 4.648,6 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và đạt 78,8% kế hoạch cả năm là 5.900 tỷ đồng;

Tỷ lệ NIM tăng cộng với các nguồn thu nhập ngoài lãi tăng cao đã giúp lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng 21,7% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ 2011. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng mạnh giúp LNTT tăng trưởng mặc dù chi phí dự phòng tăng đáng kể 34,1% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng đạt mức vừa phải; tăng trưởng cho vay trung dài hạn tiếp tục cao – Ngân hàng công bố tín dụng tại thời điểm cuối tháng 9 tăng 10,23% so với đầu năm (11,8% nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp). Tổng dư nợ tăng lên 356.398 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là cho vay cá nhân (tăng 25,2% so với đầu năm và đạt 64.882 tỷ đồng), tiếp theo là cho vay DN nhỏ & vừa (tăng 16% so với đầu năm và đạt 56.003 tỷ đồng) và cuối cùng là cho vay doanh nghiệp lớn (tăng 5,5% so với đầu năm và đạt 235.513 tỷ đồng).

Cho vay trung dài hạn tiếp tục là động lực giúp tín dụng chung tăng trưởng – Theo kỳ hạn, cho vay kỳ hạn ngắn chỉ tăng 1,6% so với đầu năm và đạt 210.149 tỷ đồng trong khi cho vay trung dài hạn tăng đáng kể 25,5% so với đầu năm và đạt 146.246 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối tháng 9, cho vay trung dài hạn đóng góp 41,05% vào tổng dư nợ (tại thời điểm cuối 2014 là 36,05%). Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của cho vay trung dài hạn là cho vay mới đối với lĩnh vực logistic và thông tin liên lạc tăng 35,05% so với đầu năm và đạt 20.493 tỷ đồng; xây dựng tăng 12,7% so với đầu năm và đạt 18.490 tỷ đồng; BĐS (cả cho vay chủ đầu tư và người mua nhà) tăng 32% so với đầu năm và đạt 39.320 tỷ đồng.

VCB cho biết vì lý do quản trị thanh khoản, ngân hàng sẽ giữ tỷ trọng cho vay trung dài hạn không vượt quá 45% tổng dư nợ. Trong khi đó tỷ trọng cho vay trung dài hạn bằng nguồn vốn kỳ hạn ngắn đã tăng lên khoảng 35% từ 26% trong 2014 (theo Thông tư 36 thì tỷ lệ tối đa là 60%). Cho vay tiền đồng tăng 14,6% so với đầu năm; đạt 277.723 tỷ đồng và đóng góp 78% tổng dư nợ trong khi cho vay ngoại tệ giảm 2,9%; đạt 78.674 tỷ đồng, đóng góp 22% tổng dư nợ (năm 2014 là 25%).

Tăng trưởng huy động đạt cao hơn tăng trưởng tín dụng với tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao – Tăng trưởng huy động tiếp tục vượt tăng trưởng tín dụng với mức tăng 15,5% so với đầu năm và đạt 487.713 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn tăng 13,2% so với đầu năm và đóng góp 25,3% tổng vốn huy động khách hàng (năm 2014 là 25,8%), và tỷ trọng này cao thứ 2 chỉ sau MBB. Huy động tiền đồng tăng 15,2% so với đầu năm trong khi huy động ngoại tệ tăng 14,7% so với đầu năm.

Tỷ lệ LDR giảm xuống 72,7% – Tại thời điểm cuối tháng 9 từ 76,2% năm 2014. Tỷ lệ LDR ngoại tệ ở mức khá thấp là 76,4%, theo đó VCB có nguồn dự trữ để mua 2 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ vào tháng 4 và tháng 10 năm 2015. Một phần tiền để mua số trái phiếu này là vay từ các đối tác nước ngoài (vay liên USD ngân hàng); được loại ra khi tính tỷ lệ LDR theo Thông tư 36. VCB đã có thực hiện môt vài nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro kì hạn và rủi ro thị trường cho khoản đầu tư trái phiếu kể trên.

Lợi suất tăng giúp tỷ lệ NIM tăng 0,22% mặc dù tỷ lệ LDR giảm – Tỷ lệ NIM tăng 0,22% so với đầu năm và tăng 0,15% so với cùng kỳ; đạt 2,64% tại thời điểm cuối tháng 9. Chi phí huy động giảm 0,7% so với cùng kỳ và giảm 0,56% so với đầu năm; nghĩa là giảm nhiều hơn mức giảm của lợi suất gộp (giảm 0,52% so với cùng kỳ và giảm 0,38% so với đầu năm). Theo đó tỷ lệ NIM tăng.

Về tài sản sinh lãi, trong khi giảm lãi suất cho vay, thì VCB lại tăng tỷ trọng cho vay mảng có lợi suất cao chẳng hạn như cho vay cá nhân và cho vay dài hạn tăng. Và theo đó, lợi suất cho vay chỉ giảm 0,9% so với cùng kỳ, mức giảm thấp nhất của 9T đầu năm kể từ 2012.

Thông qua đầu tư trái phiếu chính phủ bằng USD (lợi suất khoảng 3,5%, cao hơn 1% so với lợi suất trái phiếu chính phủ tiền đồng ước khoảng 2,5%), lợi suất đầu tư trái phiếu chỉ giảm 0,13% so với cùng kỳ trong khi CTG giảm đến 3,6% còn BID giảm 0,72%. Đồng thời lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng trong 2015 cũng giúp lợi suất từ cho vay liên ngân hàng tăng 0,35%.

Về mặt huy động, tổng chi phí huy động giảm 0,7%; một phần nhờ tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng. Hiện chưa có chi tiết sâu hơn về cơ cấu vốn chi phí huy động. Điểm đáng nói đến cuối cùng, sự mất cân đối kỳ hạn như quan sát trên đây là: sử dụng nhiều hơn tiền gửi kỳ hạn ngắn (với lãi suất huy động thấp) để cho vay trung dài hạn (có lợi suất cho vay cao), sẽ mang lại chênh lệch lãi suất cao hơn. Nghĩa là đánh đổi rủi ro kỳ hạn lấy hiệu quả sinh lời.

Tăng trưởng tín dụng đạt khá và tỷ lệ NIM tăng đã giúp thu nhập lãi thuần 9T đầu năm tăng 27,4% so với cùng kỳ lên 11.015 tỷ đồng.

Thu nhập hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ với sự đóng góp của thu nhập ngoài lãi – Lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 18,8% so với cùng kỳ lên 1.393,8 tỷ đồng. Lãi HĐ dịch vụ một phần nhờ thu nhập từ dịch vụ thanh toán thẻ (tăng 25,93% so với cùng kỳ).

Nhờ có lượng ngoại tệ lớn, VCB đã tận dụng được sự biến động trên thị trường ngoại hối 9T đầu năm với lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối đạt 1.528,5 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Tiền thu hồi nợ ngoại bảng tăng mạnh 58,1% so với cùng kỳ lên 1.019,7 tỷ đồng; tuy nhiên hoạt động khác (chẳng hạn thu hồi được nợ đã bán cho VAMC & bán tài sản) lỗ 6,523 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 359,5 tỷ đồng). Lãi từ hoạt động khác do vậy chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ lên 1.013,2 tỷ đồng. Lãi mua bán & đầu tư chứng khoán giảm 18,6% so với cùng kỳ trong khi thu nhập từ cổ tức giảm 20,4% so với cùng kỳ (tuy nhiên tỷ trọng những khoản mục này là nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung).

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động đạt 15.318 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Hệ số CIR có xu hướng tăng do chi phí lương tăng – Chi phí hoạt động 9T đầu năm tăng 27,9% so với cùng kỳ lên 5.952 tỷ đồng với chi phí lương thưởng nhân viên tăng 15,9% so với cùng kỳ do VCB điều chỉnh tăng đơn giá lương và tăng 33,8% chi phí liên quan đến tài sản & chi phí quản lý hành chính do ngân hàng đã chuẩn bị mở 5 chi nhánh mới vào tháng 11 và tổ chức 4-5 cuộc hội thảo lớn.

Lương tại các NHQD dựa trên hệ thống đơn giá lương với tổng lương thưởng được đặt theo tỷ lệ cố định của lợi nhuận trước trích lập dự phòng chưa bao gồm chi phí lương. Vào tháng 8, VCB đã nâng chi phí lương cho 2015 và hiện đã thực hiện toàn bộ lương điều chỉnh trả từ đầu năm vào Q3, theo đó chi phí lương Q3 tăng mạnh 70% so với cùng kỳ. Việc điều chỉnh đơn giá thường chỉ diễn ra 2-3 năm một lần. Theo đó, hệ số CIR đã tăng lên 38,9% từ 37,7% trong 9T đầu năm 2014. Hệ số CIR có thể còn tiếp tục tăng vì VCB dự kiến mở thêm 5 chi nhánh mới trong 2 tháng cuối năm 2015.

Tỷ lệ NPL giảm; LLR vẫn ở mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết – VCB công bố tỷ lệ NPL sau khi xử lý là 2% (tại thời điểm cuối năm 2014 là 2,3%). Nợ xấu tăng 4,32% so với đầu năm lên 7.142,5 tỷ đồng. Trong 9T đầu năm 2015, VCB đã xử lý 3.406,7 tỷ đồng (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ và tương đương 0,94% tổng dư nợ) và bán 2.609 tỷ đồng cho VAMC (giảm 1,1% so với cùng kỳ và bằng 0,72% tổng dư nợ). Hệ số LLR được giữ ở 108%, cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết.

Về chất lượng tài sản – Cho vay doanh nghiệp nhỏ & vừa có rủi ro cao nhất với tỷ lệ NPL ước tính khoảng 6-7%.

Nợ nhóm 5 tăng còn Nợ nhóm 2-4 giảm. Nợ nhóm 5 tăng 40% so với đầu năm chủ yếu là do khoản gian lận cho vay 3.000 tỷ đồng liên quan đến chi nhánh Tây Đô được chuyển từ Nhóm 2 xuống Nhóm 5 và được trích lập dự phòng 100%. Nợ nhóm 2 giảm 49,5% so với đầu năm nhờ (1) một số khoản vay trong nợ Nhóm 2 đủ điều kiện chuyển lên Nhóm 1 trong khi một số khác được chuyển xuống Nhóm 3-5; trong đó nợ được đưa lên Nhóm 1 là nhiều hơn nợ bị đưa xuống Nhóm 3-5; (2) có 1.643 tỷ đồng nợ Nhóm 2 đã được bán cho VAMC trong 9T đầu năm 2015. Trong khi đó nợ Nhóm 2-4 giảm 48,5% so với cùng kỳ.

Lãi dự thu tăng 20,1% so với đầu năm. Lãi dự thu tăng là do (1) nợ Nhóm 1 tăng 14,4% và (2) cơ cấu cho vay thiên hơn về cho vay trung dài hạn với một số các món vay thu lãi 3 tháng một lần thay vì 1 tháng một lần như với nợ kỳ hạn ngắn. Lãi dự thu bằng 1,2% tổng dư nợ của VCB, tỷ lệ thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết và do đó không phải là vấn đề đáng ngại.

Chi phí dự phòng tăng 34,1% so với cùng kỳ – Chi phí dự phòng tăng 34,1% so với cùng kỳ lên 4.717,4 tỷ đồng và bằng 86% kế hoạch trích lập dự phòng cả năm là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng cho vay khách hàng là 4.671,7 tỷ đồng (tăng 19,3% so với cùng kỳ);

Hệ số CAR là 11,3% – Theo chúng tôi được biết, VCB có kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% cổ phần trong 6T đầu năm 2016. Tuy nhiên với hệ số CAR là 11,3% tại thời điểm cuối Q3/2015.

Dự báo LNTT đạt 6.519 tỷ đồng (tăng trưởng 11%). Hiện VCB có P/B dự phóng là 2,6 lần.

ACB: Kết quả kinh doanh quý 3/2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, ACB ghi nhận 1.091 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+1,8% so với cùng kỳ năm trước), hoàn thành 83% kế hoạch năm 2015 là 1.314 tỷ đồng. ACB đạt thu nhậplãi thuần tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2015 (+23,6% so với cùng kỳ năm trước), giúp cân đối chi phí hoạt động (+22,7% so với cùng kỳ năm trước), và chi phí trích lập dự phòng tăng cao (+48,9% so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi đạt tăng trưởng khá 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 971 tỷ đồng tương ứng 18,7% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Thu nhập lãi ròng tăng đáng kể nhờ (i) Hệ số thu nhập lãi thuần cải thiện (3,3% trong 9 tháng đầu năm 2015 so với 2,9% trong 9 tháng đầu năm 2014), và (ii) tín dụng tăng mạnh (12,6% tính từ đầu năm so với 5,6% cùng kỳ năm 2014). Cụ thể, tổng dư nợ của ACB tăng trưởng 12,6% tính từ đầu năm, cao hơn trung bình toàn hệ thống là 12,1% và đạt 131 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2015. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chủ yếu nhờ cho vay khách hàng cá nhân tăng (+19% tính từ đầu năm) nhờ tiêu dùng trong nước cải thiện. Về mảng huy động vốn, trong 9 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng tại ACB chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, đạt 9,5% tính từ đầu năm, và chỉ tăng nhẹ hơn trung bình toàn hệ thống là 9,2% trong bối cảnh lãi suất thấp. Thực tế, ACB duy trì thanh khoản tốt với tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động thuần giảm còn 76,1% vào cuối quý 3/2015 từ mức 77,6% vào cuối quý 2/2015 và ngân hàng đã cắt giảm cho vay liên ngân hàng còn 4.455 tỷ đồng trong quý 3/2015 từ mức 7.856 tỷ đồng trong quý 2/2015 giúp thanh khoản dồi dào. Đến cuối quý 3/2015, nợ xấu của ACB giảm xuống còn 1,5% tổng dư nợ, so với 2,2% vào cuối năm tài chính 2014 nhờ: (i) xóa 389 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 0,3% tổng dư nợ; (ii) bán ~1,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản Việt Nam (~0,9% tổng dư nợ).

Khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại với giá mục tiêu 1 năm là 22.300 đồng/cổ phiếu (12% so với mức giá hiện tại).

VIP: Cập nhật kết quả kinh doanh 9T2015. Doanh thu thuần (DTT) quý 3 đạt 131 tỷ (-31%yoy), LNTT 1.8 tỷ (-91%yoy) do VIP đưa tầu Petrolimex 10 vào sửa chữa định kỳ nên không tạo doanh thu trong kỳ. Lũy kế 9T2015, DTT đạt 429 tỷ (-18% yoy), LNTT đạt 36.5 tỷ (+18.7% yoy). Trong đó:

Cho thuê tàu chở dầu (4 tầu): Đây là mảng kinh doanh quan trọng của VIP, đóng góp đến 74% tổng DTT (321 tỷ đồng) và 96% tổng lợi nhuận gộp (100 tỷ đồng) trong 9T2015. Biên lợi nhuận gộp cao, đạt 31,15%. Tuy nhiên, do hoạt động sửa chữa định kỳ tàu Petrolimex 10 kéo dài 2 tháng, nên DTT giảm mạnh (-8.55% ) trong quý 3.

Bán xăng, dầu nhờn: DTT đạt 109 tỷ đồng (-37% yoy), chiếm 25% tổng DTT, lợi nhuận gộp đạt 5 tỷ, chiếm 5% tổng lợi nhuận gộp của VIP. Biên lợi nhuận gộp thấp (chỉ đạt 5%) do VIP chỉ bán hàng dưới hình thức đại lý phân phối cho tập đoàn.

Hợp đồng xây dựng: DTT đạt 2.4 tỷ đồng. Hai dự án chính của VIP là Anh Dũng 7 và Central Tower (hiện tại, Anh Dũng 7 còn 30,000m2 với giá bán ~5 triệu/m2, Central Tower mới cho thuê được khoảng 60%, kì vọng lấp đầy trong 5 năm tới). Công ty dự kiến sẽ xây dựng tiếp một tòa nhà tại Hải Phòng (bị ngừng thi công từ năm 2014 do thiếu vốn) trong năm 2016.

Triển vọng kinh doanh. Quý 4/2015, doanh thu được kỳ vọng tăng nhờ vận hành tàu Petrolimex 10. Trong dài hạn, KQKD của VIP có thể khả quan với tăng trưởng đến từ mảng cho thuê tàu chở dầu. VIP dự định mua 1 tàu chở dầu mới với công suất 37.000 DWT. Đồng thời, dự án cảng Xanh Vip (30% vốn của VIP) có thể sẽ đóng góp lợi nhuận trong dài hạn cho VIP.

Nghị quyết HĐQT ngày 20/11/2015 vừa qua đã thống nhất việc đẩy nhanh công tác tái cấu trúc công ty. Trong đó, VIP sẽ thực hiện thoái vốn khỏi các dự án:

Toà nhà VIP Tower – 37 Phan Bội Châu, Hải Phòng: gồm 26 tầng, khởi công trong năm 2008 và đã thi công đến tầng 15, do thị trường khó khăn và công ty chưa cân đối được nguồn lực nên dự án tạm dừng thi công từ tháng 3/2013. VIP đã chủ trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng phần thô để tìm kiếm đối tác để chào bán dự án này từ cuối 2014.

Toà nhà Central Tower – 43 Quang Trung, Hải Phòng: đây là toà nhà văn phòng cho thuê hạng B đã hoàn tất xây dựng.

Dự án cảng VIP Greenport (VGP): Trong tháng 10/2014, VIP đã chuyển nhượng cảng container Đình Vũ VIPCO cho VSC theo hình thức thành lập CTCP và bán bớt phần vốn. Theo đó, CTCP Cảng Xanh VIP (VIP Greenport) được thành lập có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó VSC và VIP nắm lần lượt 65% và 30%. VGP được xây dựng trên diện tích đất khoảng 15ha, bao gồm 2 cầu bến dài 477m/cầu, có khả năng tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn (30.000 DWT) và công suất ước tính khoảng 350-400 ngàn teu/năm. Tổng kinh phí đầu tư là 1.300 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp và mua sắm máy móc khoảng 950 tỷ), 80% được tài trợ bằng vốn vay. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động của 2 cầu bến lần lượt là tháng 11/2015 và tháng 5-6/2016.

Mục đích của việc tái cấu trúc này là để tập trung vào việc quy hoạch phát triển đội tàu đảm bảo hiệu quả cao theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016- 2020.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (23/11/2015), VIP dư mua trần hơn 60 ngàn cổ phiếu. Chúng tôi cho rằng tâm lý thị trường đang trở nên tích cực nhờ kỳ vọng các thương vụ thoái vốn sắp tới sẽ đem đến các khoản lợi nhuận đột biến cho VIP. Nhắc lại, VIP đã chuyển nhượng cảng container Nam Hải Đình Vũ cho GMD trong năm 2013 với khoản lợi nhuận 150 tỷ; trong năm 2014, thương vụ chuyển nhượng cảng container Đình Vũ VIPCO cho VSC cũng đem về cho VIP gần 200 tỷ đồng lợi nhuận. Chưa đủ thông tin để đánh giá khả năng 2 dự án bất động sản trên có thể đem về lợi nhuận hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý là chủ trương thoái vốn các dự án bất động sản này đã có từ trước khá lâu và việc tìm kiếm đối tác cũng không mấy dễ dàng. Ngược lại, việc chuyển nhượng 30% phần vốn còn lại tại VGP là quyết định có phần gây bất ngờ. Nhờ vị trí thuận lợi, tiềm năng từ cảng VGP là khá lạc quan. Do vậy, VIP có thể có cơ hội chuyển nhượng với mức giá tốt.

Trong 9T/15, VIP đạt 430,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 18,2% n/n, chủ yếu do giá dầu giảm và tàu Petrolimex 10 đi vào sửa chữa định kỳ trong Q3/15. Tuy nhiên, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, lợi nhuận sau thuế 9T/15 vẫn tăng 24,5% n/n, đạt 30,1 tỷ đồng. So với kế hoạch 672 tỷ đồng doanh thu (-3% n/n) và 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-86% n/n) VIP đặt ra cho cả năm 2015, kết thúc 9T/15, công ty đã hoàn thành được hơn 64% kế hoạch doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nghị quyết HĐQT ngày 27/10/2015 cũng đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2015. Theo đó, kế hoạch doanh thu điều chỉnh giảm 14,2%, xuống còn 576,5 tỷ đồng. Ngược lại, kế hoạch lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng 5,6% n/n, lên 42,6 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng có chủ trương đầu tư thêm 1 tàu chở dầu với trọng tải khoảng 37.000 DWT, độ tuổi dưới 11, và vốn đầu tư dự kiến tối đa là 23 triệu USD từ nguồn vốn tự có và vốn vay. Kế hoạch đầu tư thêm tàu này đã được thông qua từ ĐHCĐ TN 2014. Đội tàu của VIP hiện có 5 tàu với tổng trọng tải 145.000 DWT. Cổ phiếu VIP đang giao dịch ở mức PB 0,7 lần, tương đương bình quân ngành.

TRC: Vừa có văn bản giải trình KQKD Q3/15. Theo đó, LNST hợp nhất Q3/15 giảm 65% so với cùng kỳ chỉ còn 10,4 tỷ đồng chủ yếu do giá cao su bình quân Q3/15 giảm 14,2% so với cùng kỳ chỉ còn 33,1 triệu đồng/tấn. Câu chuyện giá cao su giảm ảnh hưởng lợi nhuận TRC không phải là yếu tố mới. Hơn nữa, không chỉ riêng TRC mà tất cả các doanh nghiệp trong ngành đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự sụt giảm của giá bán.

Lũy kế 9T15, LNST giảm 70% so với cùng kỳ còn 29,1 tỷ đồng. Doanh thu giảm 29% so với cùng kỳ còn 244 tỷ đồng. Trong đó, theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 9T15 thì sản lượng tiêu thụ 9T/15 của công ty giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ còn 7.600 tấn. Giá bán bình quân 9T15 giảm 24% so với cùng kỳ chỉ còn 32,7 triệu đồng/tấn. Giá thành lại chỉ giảm 16,1% so với cùng kỳ (31,3 triệu đồng/tấn) làm biên lợi nhuận gộp 9T15 thu hẹp đáng kể từ 21% 9T14 xuống chỉ còn 18% trong 9T15.

Giá cao su duy trì ở mức thấp. Giá cao su RSS3 hiện giảm 12,8% so với cùng kỳ còn gần 1,4 USD/kg. Giá mủ tiếp tục duy trì ở mức thấp do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung tiếp tục dồi dào. Nhu cầu từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, sụt giảm nghiêm trọng vì tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong khi đó, nguồn cung cao su tự nhiên quá dồi dào, theo ước tính của Nhóm nghiên cứu cao su Quốc tế, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2016 đạt mức 12,75 triệu tấn, trong khi nguồn cung lên đến 12,83 triệu tấn. Giá cao su vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại trong ngắn hạn và do đó, giá cao su nhiều khả năng sẽ còn tác động lên KQKD của TRC trong Q4/15.

TSC: Công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, TSC đạt 805 tỷ doanh thu, tăng 166% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ, tăng 343% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng hoạt động kinh doanh TSC đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 87% kế hoạch lợi nhuận.

TSC đang dần cơ cấu lại chiến lược kinh doanh theo mô hình của một công ty holding với việc nắm giữ các công ty con hoạt động trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao. Với việc huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu ra công chúng, TSC tiếp tục theo đuổi các thương vụ M&A các doanh nghiệp cùng ngành để hoàn thiện chuỗi giá trị các ngành nông nghiệp nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh.

Hai công ty con thuộc hệ thống của TSC là CTCP Nông dược TSC (TPS) và CTCP CBTP Xuất khẩu miền Tây (West Food). TSP sở hữu nhà máy hiện đại và quy mô bậc nhất ở Việt Nam, với diện tích hơn 33.000 m2, có hệ thống sản xuất tiên tiến, diện tích kho chứa hàng lên đến hơn 14.000 m2. Mạng lưới phân phối của TSP trải khắp cả nước với hơn 200 khách hàng và đại lý cấp 1 và hơn 3000 đại lý cấp 2. West Food hiện sở hữu nhà máy hiện đại bậc nhất Việt Nam với 3 dây chuyền IQF và 2 dây chuyền đóng lon thanh trùng theo công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn châu Âu. Các dây chuyền này hiện nay đều chạy tối đa 100% công suất.

Dự phóng TSC sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra vào đầu năm 2015 là 117 tỷ LNST.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

CPI tháng 11 tại Hà Nội tăng nhẹ 0,74% so với cùng kỳ

Tổng Cục thống kế công bố CPI tháng 11 tại Hà Nội tăng nhẹ 0,04% so với tháng liền trước – CPI tại Hà Nội cũng tăng 0,74% so với cùng kỳ. Nhân tố thúc đẩy tăng CPI ở đây là đợt tăng giá nước và nhu cầu đối với quần áo mùa đông tăng theo mùa và đã phần nào bù trừ với hai đợt giảm giá xăng liên tiếp gần đây.

Giá nước tăng bù đắp giá nhiên liệu giảm – Theo đó, giá nước tăng dẫn đến giá của nhóm hàng nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng 0,37% so với tháng liền trước. Trong khi đó giá nhóm hàng quần áo, mũ nón và giày dép cũng tăng 0,11% so với tháng 10. Mặt khác, giá vận tải giảm 0,43% so với tháng liền trước với ảnh hưởng từ hai đợt giảm của giá xăng dầu đã đề cập trước đó vào ngày 19/10 và ngày 3/11 (với tổng cộng hai lần giảm 907đ/l). Đồng thời, cũng có những thay đổi nhỏ trong giá các loại hàng hóa khác.

Nhận định ngắn về đà sụt giảm của chỉ số giá hang hóa (Bloomberg Commodity Price Index) và mối liên hệ giữa một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá hàng hóa tại TTCK Việt Nam.

Chỉ số giá hàng hóa là một chỉ số gia quyền cố định hoặc trung bình (gia quyền) của các giá cả hàng hóa có lựa chọn, có thể được dựa trên giá cả giao ngay hoặc giá cả tương lai. Nó được thiết kế để đại diện cho lớp tài sản hàng hóa rộng hoặc một phân lớp cụ thể của hàng hóa, chẳng hạn như năng lượng hoặc kim loại. Nó là một chỉ số theo dõi một rổ hàng hoá để đo hiệu suất của chúng. Các chỉ số này thường được giao dịch trên sàn giao dịch, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn với các hàng hóa mà không cần phải gia nhập vào thị trường tương lai. Giá trị của các chỉ số này dao động dựa trên hàng hóa cơ bản của chúng, và giá trị này có thể được giao dịch trên một cuộc trao đổi trong cách tương tự như tương lai chỉ số chứng khoán.

Chính phủ: báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, theo báo cáo hợp nhất, năm 2014 tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt 1.572.050 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013. Chính phủ cho biết mức doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở khối tập đoàn. Tuy nhiên, 19 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 24.451 tỷ đồng và 10 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.891tỷ đồng. Ngoài ra, Nợ khó đòi tăng, và nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty cũng tăng đến 8% với 1.567.063 tỷ đồng.

Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM: tháng 11/2015 cơ quan này đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI cung cấp chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên Sở. Theo số liệu thống kê sơ bộ dựa vào dữ liệu VNAllshare tại kỳ 2/2015, ba ngành chiếm tỷ trọng vốn hoá cao nhất trong VNAllshare là ngành tài chính (46,95%), kế đến là ngành tiêu dùng thiết yếu (23,91%) và ngành công nghiệp (8,57%).

 

 

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý