DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 19/11/2015 gồm cập nhật HSG, NTP, CAV, PVC, MSN, NLG, NBB, CTG, BID

Lượt xem: 13,382 - Ngày:
Chia sẻ

 

Đồ thị VN-Index ngày 18/11/2015.

Đồ thị VN-Index ngày 18/11/2015. Nguồn: Amibroker

1. Quan điểm kỹ thuật:

Cây nến ngày 18/11 có dạng Doji biểu thị cho sự do dự hay giằng co của nhà đầu tư. Điểm mở cửa và đóng cửa của nến Doji hôm nay lại nằm dưới thân nến đỏ ngày hôm qua 17/11, điều đó cũng có ý nghĩa là xu hướng đảo chiều tăng giá sẽ xuất hiện vào phiên ngày mai. Do đó, mình cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ quay lại nhịp tăng điểm của xu hướng tăng ngắn hạn và kiểm định các vùng kháng cự ngắn hạn 610 – 615 điểm. Đồng thời, mình tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp và thị trường chủ yếu chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh nhẹ hoặc rung lắc trong phiên. Có thể thấy dòng tiền đang tập trung ở các cổ phiếu có ảnh hưởng từ kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETF trong Q4/2015.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức tăng cho xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index với mức cắt lỗ ở mức 600 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 18/11/2015:

Thị trường có giao dịch cân bằng hơn trong hôm nay. Phần lớn thời gian trong phiên cả hai chỉ số vẫn nằm trong sắc đỏ nhưng không còn xuất hiện những đợt chốt lời mạnh như phiên liền trước. Đóng cửa ngày, VN-Index vẫn suy giảm nhẹ về 603,34 điểm (-0,28%) trong khi HNX-Index tăng nhẹ lên 81,36 điểm (+0,28%).

Thanh khoản giảm lại so với phiên liền trước, HSX ghi nhận 110,7 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị 1.875 tỷ đồng (-28,8%) còn HNX có 37,9 triệu cổ phiếu được giao dịch với giá trị 388 tỷ đồng (-30%). Dù suy giảm khá nhiều, mức thanh khoản hiện vẫn cao hơn ngưỡng trung bình 50 ngày và cho thấy dòng tiền vẫn hoạt động với cường độ khá mạnh.

Không có nhiều diễn biến nổi bật trên thị trường phiên hôm nay. DQC bắt đầu có giao dịch mạnh trở lại sau hai phiên liên tiếp gần như không có lệnh mua khi thông báo kết quả kinh doanh quý 3 gây thất vọng lớn cho thị trường, cổ phiếu này dù vậy vẫn đóng cửa tại mức giá sàn. “Nhóm thoái vốn” từ SCIC có sự phân hóa hôm nay khi BMP (+3,0%) tăng mạnh , FPT tham chiếu và VNM (-1,5%) vẫn điều chỉnh nhẹ.

Khối ngoại vẫn bán ròng trong hôm nay nhưng lực bán đã giảm rất đáng kể. Cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thông qua khớp lệnh tại HSX hơn 1 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 22 tỷ đồng, chỉ bằng 25% giá trị bán ròng phiên liền trước trong đó riêng MSN đã ghi nhận 24 tỷ đồng bán ròng.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

HSG: Lãi ròng NĐTC 2014-2015 tăng 58,7% n/n

HSG công bố kết quả kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2014-2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước tăng lần lượt 16,4% n/n và 58,7% n/n, đạt 17.447 và 651 tỷ đồng, sát với số ước tính trước đó là 17.700 và 650 tỷ đồng.

Sản lượng bán hàng trong kỳ đạt 1.039.140 tấn, tăng 28,3% n/n và vượt 15,5% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm gần 41% tổng sản lượng, tăng 25% n/n và vượt 26,5% kế hoạch cả năm. Sản lượng bán hàng nội địa tăng 16,3% n/n, đạt hơn 614 ngàn tấn.

So với kế hoạch 2015, HSG đã vượt 5,7% và 44,7% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Cổ phiếu HSG đang giao dịch ở mức PE tương đối thấp, khoảng 6,9 lần. Nghị quyết HĐQT ngày 10/11/2015 vừa qua của công ty đã thông qua thời gian dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên cho NĐTC 2015-2016 là 18/01/2016, ngày đăng ký cuối cùng là 25/11/2015.

Ngày 26/11/2015 tới cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu đợt 2/NĐTC 2013-2014, tỷ lệ 30%. Sau phát hành, vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 1.310 tỷ đồng.

NTP: CTCP Nhựa Tiền Phong vừa báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu bán hàng trong 9 tháng đầu năm 2015 của NTP đạt 2.548,82 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 79,4% kế hoạch năm (3.210 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 294,31 tỷ đồng, tăng 9,79% so với cùng kỳ và hoàn thành 76,44% kế hoạch năm (385 tỷ đồng). Tính riêng quý III, NTP đạt hơn 910 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 93,85 tỷ đồng, lần lượt tăng 25,4% và 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

CAV: 9T15 hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm Doanh thu thuần tăng nhẹ. Doanh thu thuần CAV tăng nhẹ 0,32% n/n đạt 4.499 tỷ đồng. Trong đó, măc dù doanh thu từ bán phế liệu, chiếm 8% tổng doanh thu giảm 45% so với cùng kỳ, doanh thu từ mảng bán thành phẩm dây cáp điện, chiếm 92% tổng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ giúp DTT duy trì tăng nhẹ.

LNST tăng 25,9% n/n, đạt 117,3 tỷ đồng. Chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào, chiếm xấp xỉ 80-90% giá vốn hàng bán, giảm đáng kể theo đà giảm của các loại hàng hóa trên thế giới. Cụ thể đồng và nhôm giảm lần lượt 29,9% n/n và 23,4% n/n nhưng giá bán thành phẩm của CAV chỉ giảm nhẹ khiến cho biên lãi gộp 9T15 tăng lên 7,5% từ mức 6,8% của 9T14. Các chi phí khác dao động không đáng kể.

Khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2015 cao. Lũy kế 9T15, CAV đã hoàn thành 83,32% và 92,43% kế hoạch doanh thu và LNTT năm 2015.

Lợi thế thương hiệu tốt, thị phần cao. CAV hiện nay là doanh nghiệp sản xuất các loại dây và cáp điện hàng đầu tại Việt Nam phục vụ rộng rãi cho các ngành kinh tế, dân dụng và cho xuất khẩu dưới thương hiệu được người tiêu dùng biết đến là Cadivi. Đối với mảng dây và cáp điện dân dụng, CAV chiếm 90% thị phần miền Nam, 30% thị phần miền trung và 20% thị phần miền Bắc.

Trung hạn hưởng lợi từ đề án “Ngầm hóa lưới điện TP HCM đến năm 2020”. Với đối tượng khách hàng chủ yếu của CAV là các Công ty Điện lực, các nhà thầu xây lắp điện dân dụng, công nghiệp, CAV hưởng lợi từ đề án Ngầm hóa lưới điện TP HCM. Dự kiến, gần 5.000 km lưới điện sẽ được đưa xuống lòng đất với tổng kinh phí dự kiến lên tới 14.000 tỷ đồng. Khả năng sinh lợi cao. Tỷ suất sinh lợi ROE và ROA của CAV lần lượt đứng ở mức 23,3% và 7,4%, hấp dẫn so với trung bình ngành là 11,6% và 6,1%.

CAV đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 11,2 lần, so với trung bình ngành là 12,4 lần.

PVC: KQLN 9 tháng đầu năm 2015 chịu tác động của giá dầu thấp. KQLN 9 tháng đầu năm 2015 của Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC) phản ánh tác động bất lợi của tình trạng giá dầu thấp đối với các hoạt động thăm dò và khai thác.

Doanh thu Quý 3/2015 đạt 1.073 tỷ đồng (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng LNST chỉ đạt 9,6 tỷ đồng (giảm 77,5% so với cùng kỳ).

Trong Quý 3/2015, số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động tại Việt Nam chỉ còn 7 giàn so với số lượng 14 giàn khoan trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động cung cấp dung dịch khoan của PVC giảm 29,8%. Doanh thu từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hóa chất tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp từ mảng hóa chất chỉ khoảng 4% trong khi lĩnh vực dung dịch khoan có biên lợi nhuận cao ở mức 20%-30%. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp hỗn hợp giảm từ 17,6% trong Quý 3/2014 xuống 9,7% trong Quý 3/2015. Do vậy, lợi nhuận gộp Quý 3/2015 giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí quản lý và bán hàng cũng giảm nhưng chậm hơn (đặc biệt chi phí quản lý chỉ giảm 5%). Lợi nhuận từ hoạt động giảm 61%.

Doanh thu 9 tháng đầu năm giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi LNST giảm mạnh 42%.

PVC hiện đang giao dịch tại mức PER dự phóng 2015 là 7,2 lần, và PER dự phóng 2016 và 15,2 lần.

MSN: Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015. Trong quý 3/2015, MSN đã đạt 8.715 tỷ đồng doanh thu thuần (+118% so với cùng kỳ năm trước) và 493 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+112% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2015, MSN ghi nhận 19.129 tỷ đồng doanh thu (+81,6% so với cùng kỳ năm trước) và 1.166 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 6,17 lần so với lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2014. EPS 2015 sẽ đạt 1.520 đồng, tương đương với P/E 2015 là 48,3x. Chúng tôi giữ ý kiến trung lập cho cổ phiếu MSN trong thời gian này.

NLG: Bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. CTCP Đầu tư Nam Long đã công bố doanh thu 236 tỷ đồng trong quý 3, cao hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong quý 3, công ty ghi nhận mức LNST trừ lợi ích CĐTS 15 tỷ đồng, gấp 62 lần con số 2014. Trong 9 tháng 2015, công ty có có mức doanh thu 649 tỷ đồng (tăng 77% so với năm trước) và LNST trừ lợi ích CĐTS 75 tỷ đồng so với mức lỗ 17 tỷ đồng trong 9 tháng 2014.

Biên LN gộp tính từ đầu năm tương ứng với con số 2014 khi đạt 30%. Tuy nhiên, nhờ vào mức chi phí bán hàng, quản lý và hành chính giảm tính theo % doanh thu và lợi nhuận bất thường 32 tỷ đồng do thâu tóm các dự án với giá thấp hơn giá trị sổ sách, công ty đã đạt biên LN ròng 12% trong năm nay. Nếu không tính đến khoản thu nhập bất thường, biên LN ròng trong giai đoạn này sẽ đạt 7,8% so với khoản lỗ trong năm ngoái.

Trong cả năm 2015, NLG đặt mục tiêu bàn giao 1.400 căn hộ, tương ứng mức doanh thu 1.500 tỷ đồng và LNST trừ lợi ích CĐTS 181 tỷ đồng.

NLG cũng đặt ra kế hoạch sơ bộ về tình hình tài chính 2016 với doanh thu 3.100 đồng (+107% so với năm ngoái) và LN ròng 435 tỷ đồng (+140% so với năm ngoái). NLG sẽ mở bán dự án Camellia Garden vào tháng 12/2015 và dự án Ehome mới tháng 1/2016, qua đó thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2016-2018. Tại dự án Water Point, công ty đang điều chỉnh quy hoạch tổng thể và lên kế hoạch xây dựng căn hộ giá phải chăng thay vì căn hộ cao cấp, nhằm tận dụng nhu cầu thực trong phân khúc này – vốn ổn định hơn.

Với mức giá đóng cửa 21.500 đồng, NLG đang giao dịch 17,2 lần EPS 1.251 tỷ đồng dự báo 2015.

NBB: KQLN Quý 3 kém, không còn được lợi nhuận từ thoái vốn hỗ trợ. CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cho biết doanh thu Quý 3/2015 chỉ đạt 14 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST sau lợi ích CĐTS giảm xuống 2 tỷ đồng so với 10 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu đạt 87 tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng LNST sau lợi ích CĐTS vẫn tăng 24% lên 43 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập bất thường từ các hoạt động thoái vốn.

Doanh thu trong năm nay chủ yếu từ bán đất nền tại dự án Sơn Tịnh Residential Area. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2015 bằng cùng kỳ năm ngoái, xấp xỉ 30%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng tăng mạnh từ 23% năm 2014 lên 49% trong năm 2015 vì công ty đã ghi nhận 47 tỷ đồng thu nhập tài chính từ việc bán lại mỏ NBQ và 16 tỷ đồng thu nhập khác từ việc thanh lý tài sản. Năm 2015, công ty dự kiến sẽ thu về khoảng 95 tỷ đồng doanh thu và 45 tỷ đồng LNST sau lợi ích CĐTS.

Dưới đây là tóm tắt tình hình về các dự án hiện tại của công ty:

Sơn Tịnh: Công ty dự kiến sẽ bán 10% đất nền năm 2015 và 30%/năm từ 2016 đến 2018. Dự kiến đây dự án này sẽ là nguồn doanh thu từ BĐS duy nhất của NBB trong năm 2016.

City Gate Towers: Công ty đã bán 95% căn hộ và hiện đang xây dựng lầu hai. Doanh thu sẽ được ghi nhận từ Quý 1 hoặc Quý 2/2017.

NBB1: Mở bán trong Quý 1/2016 và ghi nhận doanh thu năm 2018.

NBB2 và NBB4: Công ty đã xin được giấy phép phát triển hai dự án này nhưng đến năm 2019 mới khởi công.

NBB3: Mở bán trong Quý 1 và Quý 2/2017, ghi nhận doanh thu trong năm 2019 và 2020.

Theo mức giá đóng cửa phiên hôm nay là 21.600 đồng/cổ phiếu, NBB hiện đang giao dịch tại mức 22,1 lần EPS dự phóng 2015.

CTG: LNTT 9 tháng đầu năm của CTG tăng 4,3% so với cùng kỳ – Ngân hàng báo cáo LNTT phục hồi mạnh đạt 1.896,90 tỷ đồng (tăng 14,3%) trong Q3, sau khi gần như không tăng trong 6 tháng đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT 9 tháng đầu năm đạt 5.725,5 tỷ đồng (tăng 4,3% so với cùng kỳ và theo đó hoàn thành 78% kế hoạch LNTT cả năm của Ngân hàng, là 7.300 tỷ đồng).

BID: Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM thông báo về việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu thay đổi niêm yết của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID).Số lượng chứng khoán thay đổi niêm yết : 607.512.690 cổ phiếu. Lý do thay đổi niêm yết: 336.921.100 cổ phiếu phát hành cổ phiếu để nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long. 270.591.590 cổ phiếu phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu theo thông báo số 812/TB-SGDHCM ngày 06/08/2015. Tổng số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết: 3.418.715.334 cổ phiếu. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực: 13/11/2015. Ngày chính thức giao dịch: 26/11/2015.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Bộ Công thương quyết định kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu thép Trung Quốc và đề xuất áp dụng mức thuế 10% đối với các sản phẩm thép hợp kim nhập khẩu có chứa nguyên tố Boron

Bộ Công thương vừa ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố Boron, Crom của một số doanh nghiệp từ ngày 19 – 23/11/2015. Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn gửi các Bộ ban ngành phản ánh về việc nhập khẩu phôi thép hợp kim từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 8 và 9-2015, sau khi giả thành thép hợp kim, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết nhà nước đã thất thu trên 1,89 triệu USD. Liên quan đến vấn đề này, Bộ tài chính ngày 20/10/2015 vừa qua đã có công văn đề xuất áp thuế 10% đối với các sản phẩm thép hợp kim nhập khẩu có chưa nguyên tố Boron nhằm chống thất thu thuế, hạn chết nhập khẩu phôi thép chứa Boron, Crom để sản xuất thép xây dựng thông thường.

Giá xăng giảm 1% vào chiều nay

Bộ Công thương đã gửi công văn số 11858/BCT-TTTN điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu từ 3h chiều nay. Theo đó giá xăng giảm 1%, tương đương 178đ/lít; giá dầu KO tăng 1%, tương đương 124đ/lít. Giá các sản phẩm xăng dầu khác giữ nguyên. Từ đầu năm giá xăng đã giảm 10 lần và tăng 6 lần; theo đó hiện giá xăng thấp hơn 4,6% so với đầu năm. Trong khi đó Bộ Công thương cũng quyết định giảm mức trích quỹ bình ổn đối với dầu DO từ 300đ/lít xuống 208đ/lít trong khi giữ nguyên mức trích quỹ bình ổn đối với các sản phẩm xăng dầu khác.

Trong chương trình của Quốc hội vào ngày làm việc cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế xã hội trong năm 2015 đã có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, dư nợ tín dụng tăng 14,5 – 15%, cả năm tăng trên 17%. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định, xuất khẩu 11 tháng đạt 149 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh, tăng 9,6%; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,5%. Nông nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,4%; khách quốc tế đạt 7 triệu lượt; khoảng 18,5 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 33,7%. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo việc làm tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn không ít khó khăn hạn chế, nhưng với những kết quả nêu trên có cơ sở để đạt được mục tiêu nhiệm vụ. Theo đó, Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo đạt mức cao nhất mà Quốc hội đề ra, trong đó GDP đạt trên 6,5%. Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ triển khai nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp và cơ chế chính sách, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất ổn định, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập. Phát triển đồng bộ các loại thị trường hàng hóa, bất động sản, tài chính… chú trọng thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh. Chủ động mở cửa thị trường phù hợp cam kết quốc tế, gắn với nâng cao năng suất, đa dạng hóa nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, phân bổ nguồn lực trong sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng trả lời câu hỏi của các Đại biểu về vấn đề thực hiện các nhiệm vụ thiên nhiên kỷ của Liên Hiệp Quốc khi khẳng định Việt Nam là điểm sáng thực hiện giảm nghèo, trong khi đây là mục tiêu còn thách thức lớn của toàn cầu.

 

 

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý