DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 18/02/2016 gồm cập nhật FPT, CMG, ELC, BMP, BID, SCR, PNJ, VHG, GTN, FIT, DIC, HUT

Lượt xem: 13,925 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

Diễn biến rung lắc đã xuất hiện, mặc dù VN-Index chỉ gần chạm đến vùng kháng cự 553-555 điểm. VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được mức 548.5 điểm, là mức đỉnh cũ xác lập vào ngày 01/02/2016. Chốt phiên VN-Index giảm nhẹ 1 điểm (tương đương 0,18%), đóng cửa tại 547,05. Thanh khoản tăng nhẹ 8% so với phiên trước đó, với 108 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, vượt lên trên mức bình quân 20 phiên gần nhất.

Đồ thị VN-Index ngày 17/02/2016

Đồ thị VN-Index ngày 17/02/2016. Nguồn: Amibroker

 

VN-Index giao dịch tích cực trong hầu hết phiên giao dịch nhưng bị bán mạnh vào cuối phiên, hình thành một cây nến đỏ dài và hầu như không có bóng nến. Điều này thể hiện lực bán chốt ngắn hạn khi VN-Index tiệm cận đường trung bình 26 ngày. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn ở trạng thái tích cực. Cả đường MACD và RSI đều nằm trong xu hướng tăng nhẹ.

Với những tín hiệu tạo đáy khá đáng tin cậy đã hình thành ở vùng 520 điểm cũng như xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được bảo toàn. Thanh khoản cũng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực. Do đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 18/02/2016, VN-Index sẽ tiếp tục test lại vùng kháng cự 553-555 điểm, là vùng có sự hiện diện của đường xu hướng giảm ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2015 và ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% của nhịp giảm này. Đồng thời, diễn biến rung lắc có thể tiếp tục xuất hiện khi VN-Index test trở lại vùng này. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và khả năng đảo chiều giảm xu hướng ngắn hạn là chưa xảy ra cho nên các nhà đầu tư vẫn nên chú ý vào sự dịch chuyển của dòng tiền để tối ưu lợi nhuận. Ngoài ra, dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu quay trở lại sau giai đoạn giao dịch kém kéo dài trước kỳ nghỉ lễ, đây là động lực chính giúp dòng tiền ngắn hạn sẽ tiếp tục gia tăng.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 529.37 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên 18/02/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 17/02/2016:

Thị trường khởi động tích cực với sự hỗ trợ từ cổ phiếu VNM, tuy nhiên áp lực từ nhóm cổ phiếu dầu khí và large-cap đã đưa VN-Indexđóng cửa giảm 0.18% trong phiên hôm nay. Thanh khoản cải thiện và trở lại mức trung bình 20 phiên, độ rộng thị trường ở mức cân bằng. Khối ngoại bán ròng mạnh với hơn 180 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 0.24%, FTSE ETF discount -0.26%.

Các thị trường giảm hôm nay với GTGD đạt khá cao. Độ rộng thị trường thu hẹp; đã có 30 mã tăng trần và 23 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN đạt khá cao và khối này đã bán ròng trên cả 2 sàn. Chúng tôi thấy có giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở các mã VNM; PDR; KSB và PAN và giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở các mã NSC và HQC.

Thị trường giảm hôm nay trước xu hướng giảm của thị trường khu vực và giá dầu. Bên cạnh đó khối ngoại hôm nay cũng vẫn bán ròng; theo đó Vnindex đã khó tăng và hiện ở sát ngưỡng kháng cự. Cho dù vậy hôm nay VNindex chỉ giảm nhẹ (Hnindex giảm mạnh hơn sau khi tăng nhiều hơn vào vài phiên vừa qua).

• Các mã ngân hàng nói chung giảm do NĐT bắt đầu phản ánh KQKD hợp nhất vào giá. VCB; BID; STB; EIB và ACB giảm. CTG đóng cửa tại tham chiếu.

• BVH giảm nhẹ trong khi các mã chứng khoán diễn biến trái chiều với SSI tăng còn HCM đóng cửa tại tham chiếu.

• VNM tiếp tục tăng với thông tin một số lãnh đạo chủ chốt đăng ký mua cổ phiếu. FPT cũng tiếp tục đà tăng gần đây. BMP cũng tăng trước câu chuyện room. Ngoài ra KQKD của BMP công bố rất khả quan.

• Các mã dầu khí giảm. Và giá dầu là nguyên nhân ở đây với cả GAS và PVD giảm; các mã liên quan khác cũng giảm.

• VIC giảm. Các mã BĐS khác như BCI hay NLG cũng giảm hoặc đóng cửa tại tham chiếu.

• HNG chưa có dấu hiệu ngừng giảm. Trong khi đó HAG vẫn giữ vững được giá.

• HHS giảm do triển vọng lợi nhuận 2016 kém khả quan. Các mã có tính đầu cơ như FLC; DLG và OGC tiếp tục tăng.

VNM trở thành tâm điểm giao dịch hôm nay với tổng KLGD đạt hơn 2 triệu cổ phiếu, mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Sau khi VNM công bố thông tin xin ý kiến cổ đông về việc rút bớt 7 mã ngành kinh doanh và điều chỉnh nội dung chi tiết của ngành nghề của 2 mã ngành, vốn được dự đoán là phục vụ cho quá trình nới “room” của doanh nghiệp, thì thông tin 12 lãnh đạo của doanh nghiệp này đăng ký mua vào công bố hôm nay đã góp phần mang lại hiệu ứng giao dịch tích cực cho cổ phiếu VNM. Với các thông tin tích cực được công bố liên tiếp, đà tăng của VNM có thể được giữ trong ngắn hạn.

Giao dịch khối ngoại tiếp tục theo chiều hướng tiêu cực, khi tiếp tục bán ròng hơn 160 tỷ đồng trên HSX và chuyển sang bán ròng gần 20 tỷ đồng trên HNX.

Trên HSX, HHS dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 2,5 triệu đơn vị. STB và KSB cũng bị bán ròng trên 1 triệu đơn vị mỗi mã. FLC và SSI bị bán ròng lần lượt hơn 837 nghìn và 773 nghìn đơn vị. Khối ngoại không mua ròng quá mạnh mã nào trên HSX.

Trên HNX, PVS và PXS bị bán ròng lần lượt hơn 376 nghìn và 368 nghìn đơn vị. HUT và VCG cũng bị bán ròng hơn 308 nghìn và 269 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 68 nghìn đơn vị CEO.

Về giá dầu, thông tin từ Bloomberg cho biết, hai quốc gia lớn nhất thế giới về sản xuất dầu thô là Ả-rập Xê-út và Nga đã đồng ý thỏa thuận “đóng băng” sản lượng sản xuất dầu mỏ ở mức tương đương tháng 01/2016, sau cuộc gặp tại Qatar. Giá dầu đã thu hẹp đà tăng sau khi quyết định này được công bố. Theo nhận định của chuyên gia, quyết định ‘đóng băng’ sản lượng sẽ không ngay lập tức giúp giá dầu đảo ngược tình thế, nhưng nó tạo ra nền tảng tốt cho sự phục hồi của giá trong nửa cuối năm 2016.

Trong khi đó đã có thêm BCTC hợp nhất chưa kiểm toán của các công ty bluechip chẳng hạn REE; GMD; BMP; BHS; BBC và KDH được công bố. Và chúng tôi cho rằng sẽ không có nhiều bất ngờ. HSG công bố KQKD 6 tháng khả quan. Hiện tại thị trường quan tâm nhiều hơn tới triển vọng KQKD 2016

3. Thông tin Doanh nghiệp:

FPT: CTCP FPT (HSX: FPT – Vốn hóa: 19 nghìn tỷ đồng) vươn ra Quốc tế Trong năm 2015, doanh thu hợp nhất đạt 38 nghìn tỷ đồng, tăng 16%, trong khi LNTT đạt kế hoạch năm 2,850 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 4,800 đồng. Cụ thể, ngành viễn thông (viễn thông và nội dung số) đóng góp 5,484 tỷ đồng doanh thu, tăng 16%. Nếu không tính mảng game online, doanh thu từ nội dung số giảm 2/3 trong năm 2015 nhưng biên LNTT tăng đến 45%. Ngược lại, doanh thu viễn thông tăng mạnh 32%, đạt 5.1 nghìn tỷ đồng trong khi biên LNTT giảm nhẹ còn 17% từ mức 21% trong năm 2014 và 26% trong năm 2013 do sự chuyển dịch sang cáp quang và sản phẩm IPTV. Mảng công nghệ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất cả về doanh thu và LNTT, tăng 20%, lần lượt đạt 8,605 tỷ đồng và 926 tỷ đồng. Trong khi đó, dịch vụ gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài tăng hơn 50% đạt 4,397 tỷ đồng, tích hợp hệ thống giảm 13% cho dù nền kinh tế trong nước tăng trưởng. Mảng phân phối và bán lẻ tăng mạnh với doanh thu đạt 25,212 tỷ đồng, tăng 11% và LNTT đạt 729 tỷ đồng, tăng 24%. Đáng kể là mảng bán lẻ khi doanh thu tăng 51%, đạt 7,891 tỷ đồng, LNTT tăng gấp 4 lần, đạt 178 tỷ đồng nhờ hệ thống 250 cửa hàng toàn quốc. Sự cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh lớn nhất (xét về doanh thu) đã phần nào cải thiện biên lợi nhuận toàn công ty. Trong năm 2016, Chuyên viên dự phóng doanh thu và LNST đạt 44 nghìn tỷ đồng và 2.7 nghìn tỷ đồng. Với giá thị trường hiện tại là 47,000 đồng/cp, FPT đang giao dịch ở mức PE dự phóng 2016 là 8.7x, rẻ. Do đó Chuyên viên khuyến nghị “MUA”.

—————-

CMG: CTCP TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ CMC (HSX:CMG -Vốn hóa: 1 nghìn tỷ đồng) trên đà tăng trưởng Trong 3 quý đầu niên độ tài chính 2015-2016, các mảng kinh doanh của CMC đều đạt mức tăng trưởng 2 con số. cụ thể, tích hợp hệ thống tăng trưởng 30%, giải pháp phần mềm tăng 36%, mảng viễn thông tăng 36%, sản xuất phần cứng và thương mại tăng 10% cho dù mảng này được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm nay. Doanh thu tăng 17%, đạt 2,723 tỷ đồng, tuy biên lợi nhuận giảm nhẹ nhưng LNST vẫn tăng 31%, đạt 114 tỷ đồng. Lợi ích cổ đông thiểu số tăng mạnh do CMG giảm tỷ lệ sở hữu của CMC Telecom. Vì vậy, lợi nhuận còn lại cho công ty mẹ chỉ tăng 14% đạt 92 tỷ, tương đương với EPS là 1,400 đồng/cp. Trong năm tài chính 2016-2017, Chuyên viên dự phóng doanh thu tăng 11%, đạt 4,225 tỷ đồng. LNST đạt 211 tỷ đồng, tăng 30% nhờ tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, nâng cao biên lợi nhuận. Với mức giá 15,600 đồng/cp, CMG đang được giao dịch ở mức P/E là 6.4x, khá rẻ. Hơn nữa, CMG không có lỗ lũy kế, điều này cho phép công ty có thể trả cổ tức bằng tiền mặt. Do đó, Chuyên viên khuyến nghị MUA.

—————-

ELC: CTCP Elcom (HSX: ELC – Vốn hóa: 974 tỷ đồng) vừa vặn đạt kế hoạch. Cả doanh thu và LNST vừa vặn đạt kế hoạch, tương ứng 723 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và dịch vụ tăng gấp 3 lần, đạt 539 tỷ đồng, chiếm 75% tổng doanh thu. Trong khi đó, doanh thu từ phát triển phần mềm đạt 95 tỷ, tăng trưởng thấp hơn năm ngoái, chỉ đạt 23%. Sự tăng lên của mảng kinh doanh có biên lợi nhuận thấp trong tổng doanh thu đã làm giảm biên lợi nhuận gộp chung còn 35%. Cần lưu ý, doanh thu từ kinh doanh nguyên vật liệu giảm còn 25 tỷ đồng và ghi nhận một khoản lỗ trong năm 2015. Để có thể tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu, công ty nên từ bỏ mảng kinh doanh này. Ngoài ra, với khoản lỗ 17 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, LNST chỉ tăng 24%, đạt 77 tỷ đồng, tương ứng với mỗi cổ phiếu ELC đạt 1,874 đồng/cp. Trong năm 2016, Chuyên viên dự phóng doanh thu tăng 5%, đạt 758 tỷ đồng và LNST tăng 8%, đạt 83 tỷ đồng. ELC đang được giao dịch với mức giá 24,000 đồng/cp, tương ứng với P/E là 12x.

—————-

BMP: Công bố KQKD hợp nhất 2015 khả quan như ước tính trước đó

GHI NHẬN CHÍNH – sản lượng tiêu thụ tăng bên cạnh giá bán bình quân cũng tăng nhẹ. Giá đầu vào giảm mạnh đã giúp tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức kỷ lục. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu giảm do không còn chi phí bất thường như năm 2014. Trong năm nay công suất tăng 12,5% và tỷ lệ toàn dụng công suất tăng sẽ giúp doanh thu tăng trưởng. Tuy nhiên Chuyên viên cho rằng tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm kể từ 6 tháng cuối năm trở đi do giá hạt nhựa bắt đầu tăng trở lại. Chi phí bán hàng & quản lý tăng sẽ khiến cho lợi nhuận tăng trưởng chậm lại. Cho dù vậy Chuyên viên dự báo LNST vẫn tăng trưởng vào khoảng 7.1% trong năm 2016.

HÀNH ĐỘNG – Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. BMP được coi là cổ phiếu chủ chốt trong câu chuyện nới room trước khả năng thoái vốn của SCIC và NĐTNN muốn mua lại số cổ phần này. Do vậy đây vẫn là động lực giúp giá cổ phiếu BMP có thể tăng giá. Ngoài ra định giá hiện vẫn hợp lý và câu chuyện tăng trưởng vẫn còn nguyên giá trị.

BMP đã công bố KQKD sát kỳ vọng – BMP (Khả quan) đã công bố KQKD hợp nhất chưa kiểm toán cho 2015 với doanh thu thuần đạt 2.791,7 tỷ đồng (tăng trưởng 15,57%) và LNST đạt 500,1 tỷ đồng (tăng trưởng 32,27%). Chuyên viên ước tính doanh thu thuần năm 2015 đạt 2.790,9 tỷ đồng và LNST đạt 502,8 tỷ đồng. Công ty đã vượt kế hoạch doanh thu thuần 7,4% và vượt kế hoạch LNTT 38,02%. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng tăng trong khi lợi nhuận tăng trưởng còn nhờ cả tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện.

Cổ phiếu BMP có định giá hợp lý và câu chuyện tăng trưởng vẫn là điểm hấp dẫn – Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu BMP hiện giao dịch với P/E dự phóng là 11,7 lần. Dự kiến công suất sẽ tăng khoảng 12,5% đồng thời khả năng tỷ lệ tận dụng công suất của nhà máy phía Bắc sẽ cao hơn, theo đó dự báo công ty sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số trong năm nay. Đồng thời giả định sự tác động của tỷ suất lợi nhuận gộp có thể sẽ dẫn đến việc lợi nhuận có thể sẽ tang trưởng với tốc độ chậm hơn doanh thu. Đối với cổ phiếu, những diễn biến trong chủ đề nới room cho NĐTNN, với vị thế của cổ phiếu là một trong 10 mã đầu tư của SCIC sẽ tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng giá cổ phiếu chính. Lặp lại đánh giá Khả quan.

—————-

BID: (HOSE – Kém khả quan) thông báo kết quả kinh doanh trước kiểm toán cho năm 2015 tương đối tích cực. Tuy nhiên, triển vọng của năm 2016 không mấy khả quan.

GHI NHẬN CHÍNH – Lợi nhuận trước thuế tăng 26,16% so với năm trước. Cho vay khách hàng tăng mạnh mặc dù tỷ lệ NIM sụt giảm đã phần nào ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận. Thu nhập lãi thuần tăng 15% so với năm trước trong khi tổng các nguồn thu ngoài lãi lại giảm. Tổng thu nhập hoạt động thuần tăng trong khi chi phí dự phòng giảm 16,93% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế và sau lợi ích của cổ đông thiểu số chỉ đạt 5.841 tỷ đồng (tăng 18,07% so với năm trước) sau khi khấu trừ 552,59 tỷ đồng lỗ lũy kế từ ngân hàng MHB sau khi sáp nhập. Tỷ lệ CAR vẫn duy trì ở mức trên 9% và tỷ LDR thuần vẫn rất cao ở mức 106%. Chuyên viên dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2016 sẽ giảm 4,76% so với năm 2015 do tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và chi phí dự phòng tăng vọt.

HÀNH ĐỘNG – Lặp lại đánh giá Kém Khả Quan. BID sẽ cần tăng Vốn cấp 1 sớm nếu Ngân hàng muốn tiếp tục gia tăng tín dụng. Trong khi tỷ lệ LDR thuần rất cao, và số dư lãi và phí phải thu cũng cao hơn đa số bình quân của các ngân hàng khác cho thấy Ngân hàng hiện vẫn còn một số vấn đề phải xử lý. Hiện chưa có động lực rõ ràng đối với giá cổ phiếu, mặc dù định giá hiện tại đã giảm tương đối mạnh về mức giá hợp lý hơn so với giai đoạn trước. P/B dự phóng hiện là 1.20 lần.

BID (HOSE – Kém khả quan) đã thông báo kết quả kinh doanh năm 2015 trước kiểm toán cho thấy LNTT đạt 7.944 tỷ đồng (tăng 26,16% so với năm trước) và vượt 5,9% so với kế hoạch đầu năm của Ngân hàng đặt ra. Động lực chính là do sự tăng trưởng mạnh ở cả huy động và cho vay khách hàng, cùng với sự giảm mạnh của chi phí dự phòng (giảm 16,93% so với năm trước).

Hiện cổ phiếu đã rẻ hơn nhiều so với trước nhưng tại ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và hiện có ít động lực hỗ trợ giá cổ phiếu – P/B dự phóng của cổ phiếu BID là 1,2 lần; thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm ngoái. Tuy nhiên hiện BID đang có hệ số LDR cao, hệ số CAR thấp, tỷ lệ lãi dự thu cao và trái phiếu VAMC tăng nhanh. Theo đó chi phí dự phòng trích lập của Ngân hàng sẽ tăng nhanh trong vài năm tới trong khi thu nhập lãi thuần sẽ bị ảnh hưởng do tỷ lệ NIM thấp. Giá cổ phiếu có thể tăng nếu BID tìm được đối tác chiến lược. Ngoài ra Chuyên viên không thấy có nhiều động lực hỗ trợ giá cổ phiếu với tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm sẽ kém. Và hiện dư nợ tại HAG cũng là một vấn đề nữa đang được nhiều người quan tâm. Theo đó Chuyên viên tiếp tục duy trì đánh giá Kém khả quan đối với cổ phiếu BID.

—————-

SCR: Lãi ròng 2015 hơn 176 tỷ đồng

Năm 2015, doanh thu của công ty chỉ đạt gần 159 tỷ đồng, giảm tới 77% so với năm trước, tuy nhiên, nhờ khoản thanh toán quyền sử dụng đất hơn 294 tỷ đã giúp lãi ròng cả năm đạt 176 tỷ đồng.

—————-

PNJ: Lãi trước thuế chỉ còn 198 tỷ đồng

Theo đó, doanh thu cả năm của công ty đạt 7,694 tỷ đồng, giảm gần 17% và tương đương với 93% kế hoạch; lãi trước thuế giảm tới gần 41% chỉ còn 198 tỷ đồng và hoàn thành 40% chỉ tiêu đề ra.

—————-

VHG: Lãi ròng quý 4 giảm 56% cùng kỳ

Doanh thu tăng trên 75% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng quý 4/2015 của VHG sụt giảm đến 56%. Nguyên nhân chính là do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn 78% cùng kỳ.

—————-

GTN: Lãi ròng chỉ đạt 41% kế hoạch 2015

Lũy kế năm 2015, doanh thu GTN đạt 2,108 tỷ đồng, tăng 232% so với 2014. Lãi ròng cả năm giảm 36% khi chỉ ghi nhận 55.5 tỷ đồng, hoàn thành chưa đến phân nửa chỉ tiêu (41%).

—————-

FIT: Năm 2015 doanh thu cao gấp 7 lần

Cả năm, doanh thu FIT tăng trưởng mạnh mẽ lên gần 1,707 tỷ đồng, gấp gần 7 lần năm trước, đạt 74% kế hoạch 2015. Lãi ròng đạt hơn 245 tỷ đồng, tăng 86% so với thực hiện năm trước.

—————-

DIC: Chỉ hoàn thành 53% chỉ tiêu lợi nhuận

Năm 2015, doanh thu của công ty đạt 2,993 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2014 nhưng chỉ tương đương 51% kế hoạch cả năm. Lãi trước thuế ghi nhận 24.7 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm trước và hoàn thành 53% chỉ tiêu đề ra.

—————-

HUT: Lãi ròng hợp nhất quý 4 giảm 48%

Cụ thể, trong quý 4, doanh thu thuần HUT đạt 1,619 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng hơn 122 tỷ đồng, giảm gần 50% so với quý 4/2014.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn toàn hệ thống là 31%

Trong đó, tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là 33.36%, tại NHTM cổ phần 36.9%, công ty tài chính/cho thuê tài chính 73.14%, ngân hàng hợp tác xã 77.93%.

—————-

Trên thị trường dầu thô, ngay sau thông tin Nga và Ả Rập Xê út đạt được thỏa thuận giữ nguyên sản lượng như trong tháng Giêng – thỏa thuận đầu tiên sau 15 năm giữa 1 thành viên của OPEC với 1 thành viên ngoài OPEC, giá dầu thô đã tăng vọt. Tuy nhiên, sau khi trấn tĩnh lại, nhà đầu tư cho rằng, thỏa thuận này không như kỳ vọng là cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, thỏa thuận này có giữ được hay không còn phụ thuộc vào Iran, nước vừa tham gia thị trường xuất khẩu dầu mỏ sau thời gian dài bị cấm vận. Iran là một thành viên lớn của OPEC và cũng là một nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (18/02/2016):

COM: ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2015

IMP: ĐHĐCĐ thường niên năm 2015

TCM: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016; Tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, 500đồng/cp

TS4: ĐHĐCĐ năm 2016; Tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, 600đồng/cp

TMC: ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2015

VCM: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016

—————-

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý