1. Nhận định thị trường:
VN-Index phục hồi phiên thứ 3 liên tiếp, đóng cửa tại 577,98 (+0,72 điểm, tương đương 0,12%). Thanh khoản giảm nhẹ với 122,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh (-8,9%).

Đồ thị VN-Index ngày 14/03/2016. Nguồn: Amibroker
VN-Index tăng điểm nhưng không quá tích cực khi đóng cửa thấp hơn giá mở cửa. Hiện tại chỉ số vẫn đang gặp khó khăn tại ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm và có dấu hiệu thoái lui.
Các chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu trung tính. Đường MACD có xu hướng tiến về gần đường tín hiệu tuy nhiên vẫn nằm trên đường tín hiệu. Đường RSI đang gặp khó khăn tại vùng 65. Chỉ báo ADX phát triển rất chậm cho thấy đà tăng của VN-Index đang đối mặt với thử thách không hề nhỏ.
Trên cơ sở đó, Nguyễn Văn Nguyên cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 15/03/2016, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tại 563-568 điểm. Đồng thời, Nguyễn Văn Nguyên đánh giá rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng do đó các nhà đầu tư nên thận trọng, ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu ở các nhịp tăng mạnh và tiết chế việc mua đuổi ở các nhịp tăng trong phiên.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 562.74 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua mới ở giai đoạn hiện nay. Đồng thời, các nhịp tăng mạnh trong phiên 15/03/2016 là cơ hội để nhà đầu tư hạ tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục. Việc giữ trạng thái danh mục với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và không nên sử dụng margin là cần thiết ở giai đoạn hiện tại.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 14/03/2016:
VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm và vận động dưới ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm, thanh khoản thị trường gia tăng mạnh đến từ giao dịch thỏa thuận 45 triệu cổ phiếu MSN, độ rộng thị trường tích cực. Khối ngoại mua ròng gần 41 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 0.22%, FTSE ETF premium 0.75%.
Các thị trường biến động trong biên độ hẹp trong phiên hôm nay với Vnindex tăng nhẹ còn Hnindex giảm nhẹ. GTGD đạt rất cao, xuất phát từ một giao dịch thỏa thuận rất lớn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN đạt rất cao và khối này đã mua ròng. Hoạt động giao dịch thỏa thuận đã chứng kiến giao dịch thỏa thuận rất lớn diễn ra ở mã MSN; giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở các mã VNM và VSC.
Vnindex biến động trong biên độ hẹp với GTGD đạt rất cao xuất phát từ giao dịch thỏa thuận cực kỳ lớn ở mã MSN. Nếu không tính giao dịch thỏa thuận thì GTGD hôm nay vẫn cao hơn bình quân. Khối ngoại hôm nay mua ròng (gần đây khối này cũng đã thường xuyên mua ròng). Cho dù vậy, hôm nay không có cổ phiếu nào có mức tăng giảm đáng chú ý và Vnindex vẫn gặp khó khăn trong việc vượt qua mốc 580. Điều này một phần là do nhiều mã có tỷ trọng lớn trong Vnindex chẳng hạn như các mã ngân hàng gần đây đã không biến động nhiều.
• Các mã ngân hàng biến động trái chiều với VCB & EIB tăng nhẹ trong khi MBB & ACB giảm. CTG; STB & BID đóng cửa tại tham chiếu.
• BVH giảm. Các mã chứng khoán như SSI & HCM cũng giảm sau khi không thể duy trì những gì đạt được đầu phiên.
• Các mã dầu khí tăng nhẹ, dẫn đầu là PVD; GAS và PVS; tuy nhiên những mã này đã đóng cửa bên dưới mức cao trong ngày.
• VNM giảm sau khi tăng mạnh phiên hôm thứ 6. FPT và BMP tăng.
• Các mã ngành thép tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi phương tiện truyền thông đưa tin giá thép thành phẩm có khả năng sớm phục hồi sau 2 năm giảm.
• Các mã BĐS diễn biến trái chiều với VIC đóng cửa tại tham chiếu trong khi BCI; NLG và DXG giảm. Lo ngại về việc siết cho vay BĐS tiếp tục ảnh hưởng đến ngành. KBC hôm nay cũng tiếp tục giảm. Tuy nhiên mã ngành cơ sở hạ tầng là CII tăng sau khi công ty tổ chức hội nghị nhà đầu tư và đưa ra kế hoạch kinh doanh lạc quan.
• SBT tăng mạnh nhờ được đưa vào giỏ ETF. Các mã ngành thủy sản là HVG và VHC hôm nay cũng tiếp tục tăng.
. UPCOM-Index tăng mạnh nhờ VGG.
Trên HSX, khối ngoại mua ròng 2,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng hơn 32,4 tỷ đồng. SBT dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 1 triệu đơn vị. HNG, SSI, HHS và PVD cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, CII dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 524 nghìn đơn vị. CTG, BCI, GAS và BVH bị bán ròng nhẹ. Đáng chú ý, khối ngoại giao dịch thỏa thuận nội khối trên 44,77 triệu đơn vị MSN.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng trên 261 nghìn đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng hơn 8 tỷ đồng. PVS dẫ đầu về khối lượng mua ròng với trên 305 nghìn đơn vị. PVC và SHB cũng được mua ròng nhẹ lần lượt hơn 176 nghìn và 134 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, BAM dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 329 nghìn đơn vị. VND cũng bị bán ròng trên 204 nghìn đơn vị.
Điểm nhấn trong phiên giao dịch hôm nay là giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn ở MSN. Cụ thể, khối lượng giao dịch thỏa thuận ở mã này đạt 45 triệu cổ phiếu, ở mức giá 69.200 đồng/cổ phiếu, tương đương với 3.100 tỷ đồng, thấp hơn gần 8% so với mức giá đóng cửa phiên hôm này là 75.000 đồng/ cổ phiếu. Đáng chú ý là số cổ phiếu trên tương đương với 6% cổ phần ở MSN, tương đương với khối lượng mà quỹ đầu tư Singapore Orchid Capital Invesments nắm giữ. Như vậy, nhiều khả năng giao dịch này là hoạt động thoái vốn của quỹ Orchid Capital Invesment khỏi MSN. Trước đó, quỹ đầu tư của Hong Kong Credit Suisse cũng đã có động thái thoái vốn khỏi MSN bằng việc bán ra 8,9 triệu cổ phiếu ở mức giá 74.500 đồng/cổ phiếu, tương đương 660 tỷ đồng. Hoạt động thoái vốn của các quỹ ngoại ở doanh nghiệp Việt Nam là tín hiệu tiêu cực đối với triển vọng cổ phiếu do động thái trên của các quỹ cho thấy các quỹ này đánh giá doanh nghiệp không còn triển vọng tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp này của MSN, Chuyên viên thiên về khả năng đây thuần túy là hoạt động cơ cấu danh mục cổ phiếu của các quỹ sau thời gian nắm giữ khá dài.
Trong tuần này, thị trường khả năng vẫn chưa thể vượt ngưỡng 580 do 2 quỹ ETFs tiến hành cơ cấu danh mục với các mã blue chips bị bán ra như VCB, VIC… Mặc dù sức ép lên chỉ số không lớn nhưng với sự yếu thế cũng như thiếu đồng thuận của các mã vốn hóa lớn trong thời gian gần đây thì việc bán ra này rõ ràng đang tạo sức cản lớn cho khả năng VNIndex vượt ngưỡng 580. Ở một khía cạnh khác, cuộc họp của FED vào 2 ngày 15,16/03 có thể lại trở thành thông tin hỗ trợ cho thị trường bởi nhiều dự đoán cho rằng xác suất FED tiếp tục nâng lãi suất là khá thấp. Bỏ qua những thông tin “liên quan đến yếu tố nước ngoài” này, chuyên viên cho rằng những thông tin “nội địa” như (1) nới room và (2) mùa đại hội cổ đông cùng KQKD 2015 sẽ là tâm điểm của thị trường trong thời gian sắp tới.
Chuyên viên vẫn giữ nguyên khuyến nghị không mở trạng thái mua mới khi thị trường đang gặp ngưỡng cản mạnh 580 mà chỉ tranh thủ hạ thêm một phần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
KDH: Tóm tắt báo cáo cập nhật CTCP Phát triển nhà Khang Điền (HSX-KDH)
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang đứng trước khả năng bị siết chặt nguồn vốn tín dụng, các cổ phiếu BĐS cũng không được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư thời gian gần đây. Theo đánh giá của Chuyên viên, tác động của việc sửa đổi Thông tư 36, nếu có, đến khả năng kinh doanh của từng doanh nghiệp BĐS sẽ có sự khác biệt. Trong đó, hoạt động đầu cơ và kinh doanh những sản phẩm BĐS cao cấp, đặc biệt là các dự án hình thành trong tương lai nhưng không có pháp lý đầy đủ (chưa đóng tiền SDĐ và/hoặc chưa có GCNQSDĐ) sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Về điểm này, CTCP Phát triển nhà Khang Điền (HSX-KDH) có lợi thế so với các doanh nghiệp khác. Chuyên viên tin rằng, bên cạnh lợi thế về vị trí, việc kinh doanh các sản phẩm hoàn thiện về pháp lý và xây dựng sẽ giúp KDH duy trì được tốc độ bán hàng tích cực trong năm 2016. Đáng chú ý, trong khoảng 1 tuần qua, cổ phiếu của KDH bất ngờ tăng mạnh gần 7%. Cuối tuần vừa rồi, KDH cũng giao dịch thỏa thuận gần 7 triệu cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại bán ròng đến 3,5 triệu cổ phiếu. Trước đó, 3 nhà đầu tư tổ chức là VOF Investment Limited và Asia Value Investment Limited và Vietnam Investment Holdings Limited, đã đăng ký bán ra đúng số cổ phiếu này từ ngày 10/3 đến 08/04.
Năm 2015, KDH ghi nhận doanh thu thuần tăng 72% và LNST tăng 4,4 lần so với 2015. Doanh thu năm 2015 chủ yếu đến từ 2 dự án Mega Ruby giai đoạn 2 và Mega Village. Mega Village có diện tích 5,7ha với 323 căn nhà liên kế vườn được mở bán từ tháng 4/2014. Đến thời điểm hiện tại, dự án này đã bán được hơn 300 căn; khoảng 2/3 trong số đó đã được ghi nhận doanh thu trong năm 2015. Chuyên viên ước tính tổng doanh thu còn lại của dự án vào khoảng 300 tỷ đồng, tương ứng với LNG khoảng 115 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, KDH vừa mở bán 2 dự án mới là Melosa Garden và Lucasta. Trong khi phần lớn sản phẩm của Melosa Garden và Mega Village đều thuộc phân khúc trung bình (2,5-3 tỷ/căn nhà phố) thì Lucasta là dự án biệt thự cao cấp với diện tích lớn (200 – 400m2/căn song lập và 350 -1.000m2/căn đơn lập) và giá bán dao động từ 8,8 đến 20 tỷ/căn. Sau gần 3 tháng mở bán, dự án Melosa Garden đã tiêu thụ được hơn 100 căn và Lucasta khoảng 20 căn. KDH dự kiến sẽ tiếp tục tiến sâu vào phân khúc cao cấp với việc mở bán dự án Quốc Tế với 43 căn biệt thự trên tổng diện tích đất 3,1 ha trong đầu năm 2016. Cũng như các dự án trước đây của KDH, các dự án khi mở bán đều đã hoàn thiện về hạ tầng và xây dựng nhà thô (hoàn thiện bên ngoài). Riêng 43 căn biệt thự tại của dự án Quốc Tế hiện cũng đã xây dựng hoàn chỉnh. Cùng với Mega Village, đây là các dự án có đóng góp chính vào KQKD của KDH năm 2016.
Đồng thời, năm nay KDH sẽ triển khai thiết kế và chuẩn bị hạ tầng cho 2 dự án để mở bán trong 2017 là (1) chung cư Phú Hữu (1,6ha gồm khoảng 960 căn) và (2) KDC Nhà Phố (4,4ha). Tổng mức đầu tư cho 2 dự án khoảng 1.500 tỷ đồng. Về chiến lược dài hạn sau khi quỹ đất tại phía Đông thành phố dần thu hẹp, KDH sẽ chuyển hướng về phía Bình Chánh để phát triển các dự án BĐS. Dù vậy, theo đánh giá của Chuyên viên, KDH sẽ tiếp tục trung thành với phân khúc nhà phố dạng compound như dòng sản phẩm Mega đã thành công trong 2 năm qua.
Nhìn chung, triển vọng kinh doanh của KDH trong năm 2016 vẫn khá tích cực. Dù tốc độ bán hàng có thể chậm lại sau giai đoạn bùng nổ của thị trường, việc hợp nhất KQKD với BCI (KDH sở hữu 57,3%) có thể giúp LNST của KDH có sự cải thiện đáng kể. Đặc biệt, chi tiết về việc hợp tác giữa 2 doanh nghiệp để phát huy lợi thế quỹ đất của BCI và kinh nghiệm phát triển phát triển dự án của KDH sẽ là câu chuyện đáng quan tâm trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên tới đây.
—————–
DXG: Giá cổ phiếu DXG đã giảm trong những ngày vừa qua sau khi có một số bài báo nói về mâu thuẫn của chủ tịch DXG với một nhà thầu
Có vẻ sự mâu thuẫn là một câu chuyện đầy màu sắc và hiện ít nhiều đã chấm dứt. Và điều đáng quan tâm hơn chính là đề xuất tăng gấp đôi vốn điều lệ tại ĐHCĐTN, và điều này sẽ tạo ra nguy cơ pha loãng cao. Chuyên viên cũng đã giảm dự báo cho năm nay vì lo ngại về khả năng mảng môi giới BĐS khó có thể tiếp tục tăng trưởng sau một năm tăng trưởng mạnh. Chuyên viên dự báo LNST sẽ tăng trưởng 36% trong năm nay.
Chuyên viên Giảm đánh giá từ Mua vào xuống Khả quan. Định giá là khá rẻ với thị giá thấp hơn 26% so với RNAV. Tuy nhiên ngành BĐS đang lo ngại khả năng siết chặt tín dụng cho vay BĐS theo quy định mới của nhà nước. Chuyên viên cho rằng quy định mới sẽ có ảnh hưởng tuy nhiên những doanh nghiệp BĐS uy tín sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Do vậy những NĐT dài hạn có thể theo dõi để tìm cơ hội mua vào cổ phiếu này.
Giá cổ phiếu DXG đã giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày hôm nay sau khi có một bài báo đăng tải hôm thứ 6 viết về mâu thuẫn giữa chủ tịch của DXG và TGĐ của một nhà thầu dự án Sunview Town trong liên quan đến gói thầu xây dựng dự án. Theo công ty, mâu thuẫn diễn ra vào tháng 8 năm 2015 khi DXG không quyết toán một số khoản cho một nhà thầu do không đáp ứng yêu cầu ở một số hạng mục công trình xây dựng. Tuy nhiên sau đó DXG đã thanh toán đầy đủ tiền cho nhà thầu và trên thực tế cũng đã bàn giao nhà tại dự án cho người mua.
ĐHCĐTN của DXG đã diễn ra gần đây – DXG gần đây đã tổ chức ĐHCĐTN và có kế hoạch phát hành 135.786.405 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.173 tỷ đồng lên 2.530 tỷ đồng (tăng 116%) thông qua phát hành quyền mua, trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ESOP. Cho 2016, DXG đặt kế hoạch doanh thu là 2.200 tỷ đồng (tăng trưởng 57%) và LNST là 506 tỷ đồng (tăng trưởng 51%) dựa trên những giả định sau;
(1) Giả định mảng môi giới BĐS & đầu tư thứ cấp đạt doanh thu 810 tỷ đồng và đóng góp 37% vào tổng doanh thu,
(2) Giả định mảng phát triển BĐS tăng trưởng 148% và đạt 1.210 tỷ đồng doanh thu (đóng góp 55% vào tổng doanh thu)
(3) Giả định doanh thu từ xây lắp tăng trưởng 17% lên 180 tỷ đồng (đóng góp 8% tổng doanh thu).
Kế hoạch đặt ra cho mảng phát triển BĐS là khá hợp lý nhưng cho mảng môi giới BĐS là hơi cao – Chuyên viên cho rằng công ty có thể đạt kế hoạch doanh thu đề ra cho mảng phát triển BĐS nhờ phần doanh thu phần lớn được ghi nhận từ các căn hộ đã bán tại các dự án hiện tại chẳng hạn như Sunview Town, Gold Hill và Luxcity. Tuy nhiên về mảng môi giới BĐS & đầu tư thứ cấp, Chuyên viên cho rằng kế hoạch đề ra là hơi cao do năm ngoái mảng này đã tăng trưởng 140%. Chuyên viên cho rằng DXG có thể bị ảnh hưởng từ quy định mới liên quan đến cho vay BĐS bao gồm dự thảo sửa đổi thông tư 36 cộng với thông tư 26/2015/TT-NHNN và nghị định 99/2015/NĐ-CP; hướng dẫn thực hiện luật nhà ở mới, bao gồm thủ tục xin vay mua nhà hình thành trong tương lai (chẳng hạn như căn hộ chưa hoàn thiện).
Theo đó, Chuyên viên quyết định giảm dự báo doanh thu thuần từ 2.462 tỷ đồng (tăng trưởng 76%) xuống còn 2.224 tỷ đồng (tăng trưởng 59%) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ từ 532 tỷ đồng (tăng trưởng 58%) xuống còn 459 tỷ đồng (tăng trưởng 36%).
(1) Chuyên viên giả định doanh thu từ mảng môi giới BĐS & đầu tư thứ cấp sẽ giảm 5% xuống còn 715 tỷ đồng (trước đây Chuyên viên dự báo là 833 tỷ đồng, tăng trưởng 11%).
(2) Chuyên viên giả định doanh thu từ phát triển BĐS tăng trưởng 173% lên 1.332 tỷ đồng với doanh thu ghi nhận từ các dự án Sunview Town (1.006 tỷ đồng, tăng 130%), Gold Hill (115 tỷ đồng, tăng 130%) và Luxcity (211 tỷ đồng). Trước đó Chuyên viên dự báo doanh thu từ mảng này đạt 1.453 tỷ đồng (tăng trưởng 198%) vì cho rằng doanh thu ghi nhận từ dự án Luxcity sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đây do tốc độ bán hàng sẽ chậm hơn trong năm nay.
(3) Giả định doanh thu từ xây lắp sẽ đạt 176 tỷ đồng (tăng trưởng 15%); giữ nguyên so với dự báo trước đây.
Định giá rẻ nhưng hiện tâm lý của NĐT đối với ngành BĐS đang không lạc quan – dựa trên giả định trên đây, Chuyên viên dự báo EPS pha loãng là 1.930đ; theo đó P/E dự phóng là 6,5 lần. Về NAV, Chuyên viên ước tính RNAV là 23.259đ; nghĩa là đang cao hơn thị giá 26%. Cổ phiếu này vẫn rẻ trong khi công ty khá thành công trong lĩnh vực môi giới BĐS và hiện đang có một danh mục các dự án phát triển BĐS. Tuy nhiên Chuyên viên lo ngại về mức độ pha loãng và những ảnh hưởng có khả năng không tích cực của các quy định mới tới nhu cầu trên thị trường nhà ở. Và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Theo đó Chuyên viên giảm mức đánh giá cổ phiếu DXG từ Mua vào xuống Khả quan.
—————–
DRC: Tóm tắt Báo cáo Cập nhật DRC:
Thiếu yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu năm 2016 Chuyên viên hạ khuyến nghị dành cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG và điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 47.200VND/cổ phiếu. KQLN 2015 nhìn chung phù hợp với dự báo của Chuyên viên. Doanh thu và LNST 2015 đạt lần lượt 99% và 105% dự báo của Chuyên viên. LNST vượt dự báo chủ yếu nhờ chi phí ngoài hoạt động thấp hơn so với dự báo.
Lốp radial kích thích tăng trưởng doanh thu 2015. Sản lượng của DRC tăng 10% trong khi giá bán trung bình giảm 7%. Doanh thu từ lốp radial tăng mạnh 52% so với mức thấp năm 2014, khiến hiệu suất hoạt động nhà máy lốp radial lên đến 58%. Trong khi đó, sản lượng lốp radial chỉ tăng 7% trong năm 2015 so với năm 2014, vì DRC không tăng công suất cho các nhà máy lốp bias trong bối cảnh dòng sản phẩm này dần bị lốp radial thay thế.
Lợi nhuận ròng tăng chủ yếu nhờ chi phí quản lý và bán hàng chuẩn hóa. Tuy doanh thu tăng nhưng biên lợi nhuận gộp của lốp radial chỉ đạt 0,1% do hiệu suất hoạt động thấp trong khi giai đoạn khấu hao giảm từ 15 năm xuống 7 năm kể từ Quý 2/2015. Chi phí bán hàng giảm, nếu chuẩn hóa bằng cách loại trừ các khoản mục bất thường năm 2014, là nguyên nhân chính giúp LNST tăng trong năm 2015.
Triển vọng lợi nhuận năm 2016 thấp do áp lực biên lợi nhuận từ cạnh tranh. Chuyên viên điều chỉnh giảm 3% doanh thu và 5% LNST 2016 chủ yếu do Chuyên viên dự báo giá bán trung bình giảm so với dự báo trước đây. Cạnh tranh từ săm lốp Trung Quốc khiến DRC không thể hưởng lợi hoàn toàn từ việc chi phí cao su đầu vào giảm, và tình hình này nhiều khả năng sẽ xấu đi hơn là cải thiện. Trong khi đó, Chuyên viên cho rằng việc tăng cường hoạt động nhà máy lốp radial sẽ là tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng, nhưng giá bán trung bình giảm và khấu hao tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp, mà Chuyên viên cho rằng sẽ đạt 4,2% trong năm 2016.
Giá cổ phiếu DRC tỏ ra cao so với các cổ phiếu săm lốp khác. Trong khi giá mục tiêu tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (hệ số 70%) giảm 6% chủ yếu do điều chỉnh dự báo và việc Chuyên viên điều chỉnh phần bù rủi ro (150 điểm cơ bản), lý do chính khiến Chuyên viên giảm giá mục tiêu là việc kết hợp phương pháp PER. DRC hiện đang giao dịch với PER trượt là 10,9 lần so với của các công ty săm lốp khác là 8,1 lần. Giá cao su khó có khả năng giảm tiếp, khiến giá cổ phiếu không còn yếu tố nào hỗ trợ. Chuyên viên cho rằng giá cao su hiện đang gần như chạm đáy vì cao su tồn kho trên thế giới đang giảm, dù là với tốc độ chậm. Điều này là một tín hiệu đáng lo ngại cho các nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
—————–
CII: Ghi nhận tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư
Tại hội nghị với các nhà đầu tư hôm nay, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) đã công bố kế hoạch của HĐQT cho năm 2016 với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 35% so với năm trước lên 848 tỷ đồng. Trong buổi họp, TGĐ Lê Quốc Bình tự tin công ty có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay. Chuyên viên nhận thấy hơn 50% lợi nhuận này sẽ đến từ doanh thu tài chính, bao gồm 430 tỷ đồng thặng dư của trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu CTCP Đầu tư Cầu Đường CII (LGC), được CII phát hành cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC), và 150 tỷ đồng lợi nhuận thông qua việc bán cổ phần tại Trường Thuận Phát. Chuyên viên lưu ý rằng doanh thu tài chính nhờ thặng dư từ thương vụ phát hành trái phiếu này thông thường sẽ được ghi nhận vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trong bảng cân đối kế toán, thay vì ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh, theo Thông tư 202.
Công ty cũng giới thiệu trái phiếu đảm bảo thanh khoản – sản phẩm tài chính mới nhằm huy động vốn. CII (hoặc CII B&R) có kế hoạch phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu với thời hạn 2-7 năm. Lãi suất coupon tương ứng với lãi suất tiền gửi ngân hàng 12 tháng + 1%; kỳ hạn trả lãi sẽ được thực hiện mỗi 3 tháng. Công ty đang làm việc với các ngân hàng thương mại và dự kiến triển khai sản phẩm tài chính này trong quý 2/2016. Trong khi sản phẩm này vẫn còn khá mới đối với thị trường, Chuyên viên cho rằng sản phẩm có thể giúp công ty có thêm kênh huy động vốn mới với chi phí thấp hơn, để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai.
CII vẫn duy trì kế hoạch mua 50 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá hợp lý đến ngày 31/12/2016. Công ty đã mua 9,81 triệu cổ phiếu và sẽ xem xét mua thêm phần còn lại sau ngày 27/7/2016, do luật quy định việc mua cổ phiếu quỹ chỉ được thực hiện sau đợt phát hành cổ phiếu 6 tháng. Quá trình nâng trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) lên 100% dự kiến sẽ tiếp tục, sau khi CII hoàn tất đàm phán dự án hạ tầng nhằm đổi lấy quỹ đất. Theo CII, do FOL bị giới hạn bởi mảng kinh doanh BĐS, công ty sẽ chuyển nhượng mảng này cho Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm.
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá cổ phiếu đã tăng 1,3%, đóng cửa ở mức 24.100 đồng/cổ phiếu, giao dịch với P/E là 9,5 lần và P/B là 1,3 lần.
—————–
FPT: Trả cổ tức bằng tiền mặt đợi hai và cổ phiếu thưởng cho năm 2015.
Giữ KN MUA Theo Nghị quyết HĐQT gần đây nhất của Công ty Cổ phần FPT (FPT), công ty đề xuất trả cổ tức đợt hai và cũng là đợt cuối cho năm 2015 bằng tiền mặt tại mức 1.000VND/cổ phiếu. Công ty sẽ thực hiện việc thanh toán vào Quý 2/2016, trong khi cổ tức bằng tiền mặt đợt một cho năm 2015 là 1.000VND/cổ phiếu đã được trả trong tháng 08/2015. Cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015 tổng cộng 2.000VND/cổ phiếu, với tỷ lệ trả cổ tức là 41%, phù hợp với dự báo của Chuyên viên. FPT cũng đề xuất phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20:3 (nắm giữ 20 cổ phiếu sẽ được 3 cổ phiếu mới). Các cổ phiếu mới sẽ được phát hành cùng thời điểm với cổ tức tiền mặt nêu trên. Đồng thời, HĐQT cũng đề ra mục tiêu trả cổ tức 2016 tại mức 2.000VND/cổ phiếu, sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng nói trên. Như vậy, lợi suất cổ tức sẽ là 4,7% theo giá hiện tại. Công ty sẽ xin ý kiến cổ đông về các đề xuất trên tại ĐHCĐ sắp tới, tổ chức ngày 31/03/2016.
Chuyên viên giữ khuyến nghị MUA dành cho FPT với giá mục tiêu 65.000VND (tổng mức sinh lời là 37%, bao gồm cổ tức). Theo giá đóng cửa phiên hôm nay, FPT hiện giao dịch tại mức PER 2016 là 8,8 lần trên cơ sở dự báo của Chuyên viên.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Fed và NHTW Nhật Bản sẽ có những định hướng quan trọng về chính sách lãi suất trong tuần này
Tháng 3 là tháng mà nhiều NHTW trên thế giới có những quyết sách của mình. NHTW châu Âu ECB vừa qua đã đưa ra quyết sách như vậy. Tiếp theo sẽ là Fed và NHTW Nhật Bản BOJ. Ý kiến phổ biến trên thị trường cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất sau tháng 6 (là thời điểm khả dĩ sớm nhất) và nếu có bất kỳ dấu hiệu nào Fed có thể nâng lãi suất sớm hơn thì đây có lẽ sẽ là thông tin không tích cực đối với thị trường chứng khoán. Nói chung các NHTW lớn trên thế giới phối hợp chính sách thông qua các cuộc họp của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS; tuy nhiên do chu kỳ kinh tế tại mỗi nền kinh tế lớn không giống nhau nên đây thường chỉ cho thấy trước một chút về những thay đổi chính sách lớn.
Các NHTW khác có lẽ đã biết trước động thái của ECB – động thái tuần trước của ECB có lẽ đã được phát tín hiệu trước trong nhóm BIS. Và điều này có thể khiến Fed giảm bớt lo ngại về triển vọng nền kinh tế thế giới trong trung hạn với những lo ngại hồi tháng 1 hiện đã không còn nữa. Theo đó thị trường sẽ quay trở lại quan điểm phổ biến trước đây là Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Nói cách khác, Fed lại có thể tập trung nhiều hơn vào tình hình nền kinh tế Mỹ vốn đang phục hồi để ra quyết sách mà không phải lo ngại quá nhiều về khả năng suy yếu của nền kinh tế thế giới. Gần đây số liệu kinh tế Mỹ ủng hộ cho quan điểm này với triển vọng lạm phát sẽ tăng trong tương lai.
Có những dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ có thể tăng trở lại – chẳng hạn mặc dù giá nhập khẩu của Mỹ vẫn giảm trong tháng 2, là tháng thứ 8 liên tiếp với giá các sản phẩm dầu khí và hàng hóa khác giảm; thì tốc độ giảm đã thấp đi nhanh chóng. Cho thấy thời kỳ lạm phát công bố và lạm phát cốt lõi ở mức thấp sẽ qua đi. Những số liệu khác công bố gần đây của Mỹ ch othaasy nền kinh tế đang quay trở lại đà tăng trưởng sau khi yếu đi vào Q4. Và sẽ có thêm nhiều dữ liệu sẽ công bố vào đầu tuần này bao gồm doanh thu bán lẻ; CPI và số lượng nhà xây mới.
Thị trường sẽ chờ tín hiệu về thời điểm nâng lãi suất tiếp theo của Fed – và nếu lạm phát tăng về mức mục tiêu của Fed thì điều này sẽ củng cố cơ sở cho việc nâng lãi suất của cơ quan này. Tuy nhiên công cụ được theo dõi nhiều là FedWatch của CME Group cho thấy xác suất tăng lãi suất vào tháng 4 là 22%; tháng 6 là 47% và tháng 9 là hơn 60%. Mức 60% là rất quan trọng vì Fed thường ra các quyết định đã được thị trường kỳ vọng từ trước. Do vậy kết quả công bố sau cuộc họp của Fed sẽ được phân tích kỹ càng để thấy được dấu hiệu tăng lãi suất trong những tháng tới. Vào ngày thứ 3 tuần này, BOJ cũng sẽ công bố chính sách lãi suất và các nhà quan sát sẽ theo dõi để xem liệu cơ quan này có khẳng định quan điểm gây nhiều tranh cãi đối với chính sách lãi suất âm hay không.
Gần đây tỷ giá NDT đã được hỗ trợ tốt – Chuyên viên thấy đồng NDT đã tăng giá gần đây so với USD nhờ những động thái từ phía chính quyền Trung Quốc (chẳng hạn như sẵn sàng tăng mức thâm hụt tài khóa…). Trong khi đó động thái của ECB đã không gây tác động lớn đến đồng Euro (trên thực tế những động thái này cũng không liên quan đến đồng tiền này).
Trong khi đó tiền đã lại chảy vào các thị trường sơ khai và mới nổi – với tâm lý trở nên ổn định hơn thì mức độ chấp nhận rủi ro của NĐT đã tăng trở lại, theo đó dòng vốn đầu tư đã lại chảy vào các thị trường sơ khai và mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam.
—————–
Cổ phiếu ngành thép tăng do truyền thông đăng tải khả năng giá thép chạm đáy
Tin tức truyền thông cho biết hàng dãy dài xếp hàng bên ngoài các nhà máy thép với mong muốn mua dự trữ trước khi giá thép tăng. Lo ngại này là xuất hiện do chỉ thị mới tăng thuế nhập khẩu thôi phép sẽ sớm có hiệu lực. Trong khi đó một yếu tố khác là sự tăng vọt của giá quặng thép thời gian gần đây. Hiện tại bán bình quân các sản phẩm thép thành phẩm vẫn đang dao động gần mức thấp của 3 năm gần đây. Với xu hướng trong thời gian tới chỉ có thể tăng.
Chuyên viên khuyến nghị MUA VÀO HSG & HPG. Định giá rẻ và triển vọng tăng trưởng tốt hơn nhiều nếu giả định giá thép tăng.
Cổ phiếu ngành thép duy trì đợt tăng gần đây – do một số bài báo cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm thép sản xuất trong nước gần đây đã tăng lên sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862 ngày 7/3/2016 áp dụng thuế suất đặc biệt, 23,3% đối với phôi thép nhập khẩu và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu (mức thuế nhập khẩu hiện tại là 10% với phôi thép và 0-5% với thép dài). Như Chuyên viên đã nhận định trước đó, mức thuế tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong vòng tối đa 200 ngày kể từ ngày ban hành là 22/3/2016. Mục đích là nhằm giảm sự cạnh tranh về giá của các loại phôi thép Trung Quốc giá rẻ.
Người mua xếp hàng dài bên ngoài các nhà máy thép – Câu chuyện truyền thông cũng xoay quanh việc xe tải xếp hàng dài bên ngoài các nhà máy của các doanh nghiệp thép trong nước, đặc biệt là ở phía Nam như Pomina (POM), Vinakyoei và Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Và một số lái xe phải chờ 1 -2 ngày để có thể thu mua thép do họ dự báo giá bán bình quân một số sản phẩm thép sẽ bắt đầu tăng. Bài báo trích lời một đại diện của POM, cho biết doanh số bán hàng đang tăng gấp đôi con số thông thường.
Nguyên nhân là do giá nguyên liệu và thuế nhập khẩu tăng –sự tăng vọt của nhu cầu tiêu thụ này, nếu tiếp tục trong những ngày tới chỉ có thể là nhờ sự phục hồi của giá quặng sắt kể từ tháng 12 năm ngoái, với đỉnh điểm là tăng tới 19% gần đây chỉ trong một phiên giao dịch. Trong khi đó, Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời nhiều ban hành gần đây cũng có thể là một yếu tố tác động khác và hỗ trợ nguyên nhân trên. Trong bất kỳ trường hợp nào, giá thép vẫn gắn chặt với giá nguyên liệu đầu vào và nếu khả năng giá quặng thép chạm đáy được xác nhận (như Chuyên viên dự báo), khi đó giá thép sẽ phải tăng từ từ bây giờ để bắt kịp sự gia tăng của đầu vào.
Sự sụt giảm kéo dài của giá thép trong gần ba năm có thể chấm dứt – Trong 3 năm qua, giá thép trong nước đã giảm 39% từ mức đỉnh điểm chu kỳ là 14,4 triệu/tấn vào tháng 4/2013 xuống còn 8,8 triệu đồng/tấn vào tháng 2 năm nay. Hiện tại, giá thép chỉ tăng nhẹ lên khoảng 8,9 -9 triệu đồng/tấn. Thậm chí nếu giá quặng thép đã tăng 33% từ mức thấp nhất. Dự báo khả năng giá thép thành phẩm tăng theo là không khó (với sự hỗ trợ của yếu tố thuế nhập khẩu tăng). Không ngạc nhiên là các đơn vị bán buôn và nhà thầu xếp hàng dài bên ngoài các nhà máy thép.
Định giá cổ phiếu các công ty ngành thép rất hợp lý – Trong khi đó giá cổ phiếu của cả HPG và HSG đều đã tăng những ngày gần đây với dự báo giá thép tăng đồng thời nhu cầu tiêu thụ phục hồi. Định giá vẫn khá rẻ và cổ phiếu HPG hiện giao dịch với P/E dự phóng là 6,7 lần từ EPS theo dự báo của Chuyên viên là 4.456đ trong năm nay. Trong khi đó cổ phiếu HSG hiện giao dịch với P/E dự phóng là 7,4 lần với EPS dự báo là 4.775đ trong năm nay. Cả hai công ty đều có khả năng chuyển sự gia tăng của giá nguyên liệu sang người sử dụng cuối cùng thông qua tăng giá đầu ra, do đó Chuyên viên nhìn nhận thông tin gần đây là yếu tố tích cực với cả hai công ty này. Theo đó, giữ mức đánh giá tích cực với hai cổ phiếu này.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (15/03/2016):
15/03/2016 SFN Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
15/03/2016 VC2 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
15/03/2016 GTT Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
15/03/2016 PPP Giao dịch bổ sung – 1,500,000 CP
15/03/2016 CAV Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
15/03/2016 PDN Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
15/03/2016 ALT Giao dịch bổ sung – 324,459 CP
—————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Nguyễn Văn Nguyên – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo /
Email: nguyen.nguyenvan@hsc.com.vn
Website: dautucophieu.net