1. Nhận định thị trường:
Trên đồ thị, thân nến tăng của phiên hôm nay tiếp tục xuất hiện bóng trên và nằm thấp hơn so với thân nến giảm liền trước cho thấy cung – cầu vẫn đang giằng co trong vùng giá hiện tại. Đồng thời, thanh khoản sụt giảm khi đường giá hình thành nến xanh có biên độ dao động hẹp cho thấy bên bán đã chững lại và bên mua chưa mấy hào hứng tham gia. Tuy nhiên, đây là diễn biến thường thấy sau nhịp điều chỉnh mạnh do tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái thận trọng, chờ đợi tín hiệu tin cậy hơn của xu hướng tiếp theo. Do đó, phiên tăng hôm nay mặc dù đi kèm với thanh khoản thấp nhưng vẫn mang ý nghĩa giúp ổn định tâm lý bởi ngưỡng 560 điểm đang duy trì vai trò hỗ trợ cứng với xu hướng ngắn hạn. Tín hiệu phân kỳ tiếp tục hiện diện trên cả Stochastic, MACD Histogram , DI- thể hiện đà giảm đang dần được cân bằng và cảnh báo cho nhịp hồi phục có thể xuất hiện. Do đó, Nhật Cường cho rằng khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy theo chiều hướng tăng nhẹ trên mức hỗ trợ 560 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần tới. Đồng thời, rủi ro hiện tại đang ở mức thấp và khả năng cao VN-Index đang hình thành đáy ngắn hạn quanh vùng giá hiện tại.

Đồ thị VN-Index ngày 11/12/2015. Nguồn: Amibroker
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và hạ mức kháng cự của hệ thống xuống mức 580 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng bán ở vùng giá hiện tại và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn. Đồng thời, nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể cân nhắc mua giải ngân tích lũy dần trong các nhịp giảm của thị trường ở các cổ phiếu cơ bản tốt và có thông tin hỗ trợ trong các phiên giao dịch đầu tuần tới.
Với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì nên kiên định, hạn chế bán tháo khi có nhịp giảm mạnh trong phiên. Trong giai đoạn thị trường hồi phục từ đáy, nhóm cổ phiếu vốn hoán lớn trụ cột như: VNM, VIC, VCB, BVH, FPT,… thường sẽ hồi phục mạnh nhất.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 11/12/2015:
Các chỉ số tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 2,39 điểm (+0,43%) lên 563,43 điểm, HNX-Index cũng tăng 0,32 điểm (0,41%) lên 79,22 điểm. Thanh khoản giảm với giá trị giao dịch trên HOSE đạt 1522,1 tỷ đồng (-21,4%) tương đương 99,44 triệu cổ phiếu, còn giá trị giao dịch trên HNX đạt 369,5 tỷ đồng (- 16,4%) tương đương 35,96 triệu cổ phiếu.
Lượng cung giá thấp giảm hẳn so với các phiên trước giúp đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá trở lại như VCB, VIC, BVH, DPM, NTP, ACB…, ngoài ra diễn biến tăng trần của STB, EIB cũng là điểm tích cực tác động tới tâm lý nhà đầu tư khiến các chỉ số tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Mặc dù vậy áp lực bán tăng dần vào cuối phiên đã phần nào khiến mức độ tăng điểm của các chỉ số bị thu hẹp. Số mã tăng giá chiếm đa số với tỷ lệ mã tăng giá so với mã giảm giá trên HOSE và HNX lần lượt là 141/74 và 119/73.
Khối ngoại đã giảm lượng bán ròng trên HOSE trong phiên hôm nay, họ chỉ còn bán ròng 47,89 tỷ đồng tập trung vào HPG (-13,2 tỷ), VCB (-13,2 tỷ), VIC (-11,6 tỷ), SSI (-6,8 tỷ). Trong khi đó họ tiếp tục mua ròng nhẹ trên HNX, họ mua ròng 2,27 tỷ đồng với các mã được mua vào nhiều có PVC (+2,27 tỷ), SHB (+2,08 tỷ), CHP (+1,67) và bán ra các mã PVS (-4,94 tỷ), HUT (-1,32 tỷ), PVX (-1,26 tỷ).
——————————–
Nhận định về giao dịch của 2 quỹ ETFs tại Việt Nam
Các quỹ ETF hoạt động tại Việt Nam vẫn đang chứng tỏ tầm ảnh hưởng đến nhà đầu tư nội, đặc biệt trong khoảng thời gian tái cơ cấu danh mục. Nhà đầu tư nội khá quan tâm đến danh mục sau kỳ xét lại vào cuối mỗi quý của FTSE Vietnam Index ETF và Vietnam Market Vectors ETF nhằm tìm kiếm lợi nhuận bất thường (abnormal return) từ các cổ phiếu thêm vào/ loại ra khỏi danh mục. Tuy nhiên, sau những bất ngờ thời gian gần đây, chẳng hạn việc “mua hớ” BID hay HHS, mã chứng khoán mà tất cả các CTCK đều cho rằng đủ điều kiện thêm vào danh mục FTSE ETF lại tiếp tục bị quỹ này “bỏ rơi” đã cho thấy việc đầu tư dựa trên 2 quỹ này không còn dễ dàng như thời gian trước đây.
Tuy nhiên, từ giai đoạn 2013 – 2015, một điểm thú vị là hầu như việc mua và nắm giữ cổ phiếu vào rổ ETF thì tỷ suất sinh lợi khá thấp trong khi việc mua và nắm giữ cổ phiếu loại khỏi rổ lại tương đối cao! Vẫn chưa có lý giải gì cho việc này. Gợi ý từ kết quả này có thể là hoạt dộng mua bán của ETF đã diễn ra “khéo léo” hơn. Do đó, có thể nhận xét rằng việc loại khỏi danh mục không phải là 1 thông tin xấu với cổ phiếu như suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
TFC: Công ty cổ phần TRANG – (Mới chào sàn HNX ngày 03/12/2015)
Doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản đông lạnh Việt Nam về doanh số xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Đông Á… và tiềm năng còn tiếp tục mở rộng thị trường trong các năm tới khi đang đầu tư lớn mở rộng nhà máy.
9 tháng đầu năm TFC đạt lợi nhuận sau thuế hơn 40 tỷ đồng, dự kiến cả năm có thể đạt LNST 53 tỷ đồng, tương ứng EPS hơn 4.800 đ/cp. Với vốn điều lệ 110 tỷ đồng hiện này thì giá trị sổ sách của TFC đang ở mức gần 20.000 đ/cp, dự kiến book cuối năm có thể đạt 24.800 đ/cp.
Và với tiềm năng tăng trưởng dự kiến khoảng 15%-20% trong các năm tiếp theo thì TFC xứng đáng ở mức P/E khoảng 10 lần (mức này vẫn thấp hơn trung bình ngành 13.8 và mức trung bình của thị trường 12.6 hiên này), tương ứng giá trị hợp lý ở mức 45.000 – 48.000 đ/cp.
Và với vùng giá sau khi lên sàn hiện nay là quanh 33.500 đ/cp thì TFC có thể là cơ hội đầu tư giá trị tốt trong bối cảnh thị trường hiện nay, với kỳ vọng tăng trưởng về giá khoảng 35%.
——————————–
TCM: CTCP Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã TCM) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng 11/2015. Theo đó, trong tháng 11, TCM ghi nhận doanh thu thuần khoảng 11,832 triệu USD, tương đương 266 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với kết quả đạt được trong tháng trước đó. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của TCM (trước doanh thu và chi phí tài chính) đạt khoảng 6%, tương đương 0,7 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2015, TCM đạt doanh thu thuần 2.145 tỷ đồng, LNST 132 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, TCM đạt doanh thu thuần 2.590 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm đặt ra trong năm 2015.
——————————–
PHR: CTCP Cao Su Phước Hòa (mã PHR) vừa thông báo kết quả kinh doanh 11 tháng và phương hướng sản xuất, kinh doanh tháng cuối năm. Cụ thể, trong tháng 11, sản lượng cao su khai thác từ vườn cây của Công ty đạt 2.170 tấn mủ quy khô, thu mua 1.451 tấn; tiêu thụ 2.392 tấn mủ thành phẩm các loại với giá bình quân 28,99 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt 69,35 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2015, Công ty khai thác được 15.986 tấn, đạt hơn 90% kế hoạch của cả năm; tiêu thụ 21.971 tấn mủ, giá bán bình quân đạt 32,67 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt 717,85 tỷ đồng. Tổng doanh thu 11 tháng đạt hơn 723 tỷ đồng.
——————————–
HVG: CTCP Hùng Vương (mã HVG) mới công bố Nghị quyết HĐQT nhằm triển khai việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và niêm yết bổ sung. Cụ thể, HĐQT của công ty thống nhất việc phát hành thêm 37,84 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được hưởng 01 quyền, cứ 10 quyền thì nhận được 02 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện được lấy 100% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý II năm 2015 theo BCTC hợp nhất bán niên năm 2015 của công ty. Với việc phát hành thêm 37,84 triệu cổ phiếu để trả cổ tức lần này, HVG sẽ nâng vốn điều lệ của mình từ 1.892 tỷ lên 2.270 tỷ đồng.
——————————–
DPM: Công bố tạm ứng cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2015
HĐQT của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) vừa quyết định tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 2.500 đồng/cổ phiếu, lợi suất cổ tức 7,9%. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày trả cổ tức vẫn chưa được công bố.
KQLN 9 tháng đầu năm 2015 đầy tích cực với LNST tăng 26% và doanh thu tăng 4% nhờ biên lợi nhuận gộp tăng khi chi phí khí đầu vào ở mức thấp.
Sau khi tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt tổng cộng 950 tỷ đồng, DPM vẫn còn số dư tiền mặt lên đến 5.487 tỷ đồng (khoảng 14.439 đồng/cổ phiếu). Khả năng công ty có thể đưa tổng cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015 lên tối thiểu bằng năm ngoái là 3.000 đồng/cổ phiếu tại ĐHCĐ sắp tới.
DPM hiện đang giao dịch tại mức PER 8,2 lần EPS dự phóng 2016 theo giá đóng cửa phiên hôm nay, và tổng mức sinh lời là 34,4% (bao gồm lợi suật cổ tức 7,9%).
——————————–
TLG: HĐQT của CTCP Tập Đoàn Thiên Long (mã: TLG) xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành thêm 8,841,439 cp (tương đương tỷ lệ 30%) từ nguồn lãi sau thuế chưa phân phối, cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:3. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 1/2016. Nếu như được thông qua, TLG sẽ có thể nâng số lượng niêm yết lên mức 38,312,903 cp tương đương số vốn hơn 383 tỷ đồng (tăng 88 tỷ đồng so với hiện tại).
Kế hoạch cổ tức của TLG cho năm 2015 là 20%, trong đó 10% đã được trả bằng tiền mặt, 10% còn lại sẽ được trả bằng tiền mặt hoặc cổ tức. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2015 (nếu có) sẽ không bao gồm đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30% nói trên.
——————————–
GDT: CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã: GDT) thông báo 18/12 là ngày GDKHQ nhằm tạm ứng cổ tức 2015 đợt 2 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (tương ứng 1,500 đồng/cp). Thời gian chi trả là ngày 30/12/2015. Bên cạnh đó, từ ngày 11/12/2015, số lượng chứng khoán niêm yết của GDT sẽ nâng lên gần 13 triệu cp do phát hành thêm 518,618 cp theo chương trình lựa chọn người lao động trong công ty (ESOP).
——————————–
PTC: Nhà đầu tư Đinh Văn Thuận trong thời gian gần đây đã liên tục gom mua cp PTC, tính đến ngày 09/12/2015 tỷ lệ sở hữu của ông Thuận tại CTCP Đầu tư & Xây dựng Bưu Điện (mã: PTC) là 11.38%. Cụ thể, ngày 08/12/2015, ông Đinh Văn Thuận đã mua 426,870 cp nhằm tăng tỷ trọng danh mục đầu tư. Ngày kế tiếp ông lại mua thêm 501,390 cp, qua đó nâng sở hữu lên 2,050,488 cp PTC (tỷ lệ 11.38% vốn PTC). Ngược lại, ngày 03/12/2015, ông Trần Đức Minh đã bán 58,030 cp của PTC, sau giao dịch ông Minh không còn nắm giữ cp nào của PTC. Cùng thời điểm đó ông Trần Đức Uân là cha ông Minh cũng bán 220,700 nhằm giảm tỷ lệ sở hữu và sang ngày kế tiếp thì ông Uân đã bán hết số cp nắm giữ còn lại là 661,300 cp.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Bộ Tài chính có vẻ sắp thay đổi nhiều loại thuế đánh vào hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp
Độc giả có thể thấy trong vài tháng qua đã có nhiều Nghị định và Luật mới được đề xuất trong đó thuế đánh vào nhiều loại hàng hóa được nâng lên; từ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu của ngành sữa; thuế xuất khẩu quặng và hiện tại là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng đồ uống sản xuất trong nước và nhập khẩu. Ngoài ra còn có đề xuất tăng thuế đối với một số sản phẩm thép.
Những đề xuất tăng thuế này là nhằm tăng thu ngân sách từ thuế – Trước đây Bộ Tài chính đã liên tục có những đề xuất điều chỉnh thuế vì nhiều lý do và thường vừa được hiểu là động thái chính sách dành cho một ngành nào đó (một số trường hợp là giúp cho ngành phát triển trong khi hạn chế nhập khẩu…) và vừa nhằm mục đích tăng thu ngân sách. Và điểm khác biệt lần này là (1) có nhiều đề xuất tăng thuế ở nhiều ngành và (2) động cơ ở đây có vẻ chủ yếu là nhằm tăng thu ngân sách. Đây là điều dễ hiểu vì hiện tình hình tài khóa đang căng thẳng. Thời điểm tăng thuế là về cuối năm và nhiều loại thuế được tăng sẽ có hiệu lực từ năm sau. Và nhiều doanh nghiệp đã có đề nghị giảm mức tăng hoặc giãn thời gian tăng thuế.
——————————–
11 tháng, doanh thu TKV đạt gần 86% kế hoạch
Theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), doanh thu toàn Tập đoàn trong 11 tháng qua ước đạt 97.681 tỉ đồng, đạt 85,7% kế hoạch và bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, doanh thu 5 ngành nghề kinh doanh chính (than, khoáng sản, hóa chất, điện, cơ khí) đạt 70.480 tỉ đồng, đạt 83,6% kế hoạch đầu năm, bằng 91,4% kế hoạch điều chỉnh và bằng 97,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, doanh thu than đạt 47.312 tỉ đồng, đạt 82,7% kế hoạch đầu năm; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 5.559 tỉ đồng, đạt 67 % kế hoạch đầu năm; sản xuất, bán điện là 11.061 tỉ đồng, đạt 97% kế hoạch; sản xuất cơ khí thực hiện 2.575 tỉ đồng, bằng 89,5% kế hoạch; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp là 3.973 tỉ đồng, đạt 88,6% kế hoạch; doanh thu kinh doanh dịch vụ đạt 27.201 tỉ đồng, đạt 91,5% kế hoạch. Than tiêu thụ trong 11 tháng qua là 32,4 triệu tấn (bằng 85,5% kế hoạch). Trong đó, lượng than dành cho xuất khẩu chiếm 1,171 triệu tấn (đạt 39% kế hoạch), lượng than tiêu thụ trong nước đạt 31,3 triệu tấn (chiếm 89,5% kế hoạch). Cũng trong 11 tháng qua, TKV đã nhập khẩu 318.000 tấn than. Tình hình sản xuất điện trong 11 tháng là 8.004 triệu kWh, đạt 93,1% kế hoạch điều chỉnh và bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2014.
——————————–
Hơn 91% doanh nghiệp, 119.000 tỉ đồng, giảm 10 giờ/năm
Số liệu thống kê của ngành thuế đến cuối tháng 11 cho thấy đã có 91,16% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, hơn 119.000 tỉ đồng được nộp vào ngân sách thông qua dịch vụ này, đồng thời giảm khoảng 10 giờ nộp thuế mỗi năm cho doanh nghiệp. 43 ngân hàng thương mại phối hợp triển khai thu thuế điện tử. Để tạo thói quen và sự tiện lợi cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này, các ngân hàng thương mại đã có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cũng như ưu đãi cho doanh nghiệp khi nộp thuế bằng phương thức điện tử. Trước đó, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã nêu rõ cần rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, tỉ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95% và tỉ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%.
——————————–
Thanh tra HSX, HNX, VCB, Vinatex, ACV trong năm 2016
Ngày 9/12, Thanh tra Chính phủ đưa ra thông báo về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 thay thế Quyết định ngày 10/11/2015 trước đó. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong tổ chức quản lý và điều hành thị trường giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch TP Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Tập đoàn Dệt may Việt Nam (vinatex) và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng sẽ bị thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Tổng cục Hải quan… cũng nằm trong danh mục các cơ quan bị thanh tra.
——————————–
Sản lượng dầu OPEC cao nhất 3 năm
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục khai thác mạnh dầu trong tháng 11, thêm một dấu hiệu cho thấy nhóm các nước này không muốn giảm sản lượng, theo tin từ CNBC. Cụ thể, trong báo cáo tháng mới công bố ngày hôm qua, 12 nước thuộc OPEC cho biết sản lượng dầu của nhóm này tăng 230.100 thùng/ngày trong tháng 11, lên mức 31,695 triệu thùng/ngày. Sản lượng trung bình của OPEC trong tháng 11 như vậy cao hơn khoảng 900 nghìn thùng/ngày so với mức nhu cầu của thị trường. OPEC hiện cung cấp khoảng 30% tổng lượng dầu trên toàn thế giới. Lần gần nhất sản lượng của OPEC ở mức cao như vậy là tháng 4/2012, khi đó sản lượng của OPEC là 31,7 triệu thùng/ngày.
——————————–
Tỷ giá Nhân dân tệ tiếp tục xuống thấp nhất 4.5 năm
Theo đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã rớt xuống mức 6.4550 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2011. Vào sáng ngày thứ Sáu, PBoC đã thiết lập tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ ở mức 6.4358 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 4.5 năm và giảm 0.2% so với tỷ giá cố định hôm thứ Năm. Được biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho phép tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay dao động trong biên độ tối đa +/-2% so với tỷ giá tham chiếu.
Nguồn: Tổng hợp bởi – Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.