1. Nhận định thị trường:
VN-Index đã điều chỉnh trở lại khá mạnh khi chạm đến vùng 563-565 điểm với áp lực bán tăng dần về cuối phiên, kèm theo thanh khoản tăng lên trên mức trung bình cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở lại trạng thái thận trọng, đẩy bán chốt lời do những lo ngại về khả năng thị trường tạo “bulltrap”.

Đồ thị VN-Index ngày 13/01/2016. Nguồn: Amibroker
Mô hình nến ngày 13/1 có thân đặc với mức đóng cửa khá xấu khi trùng với mức thấp của phiên tại 560 điểm. Mẫu hình nến cho khả năng đảo chiều giảm Dark Cloud Cover cũng đã được hình thành. Nhóm MA ngắn hạn đang tạo xung lực hướng xuống để gây áp lực cho đà hồi phục của đường giá trong ngắn hạn. Về mặt chỉ báo kỹ thuật, đường MACD và Momentum vẫn đang dao động dưới ngưỡng 0 và 100, nếu các chỉ báo này tiếp suy giảm và rời xa 2 ngưỡng trên trong những phiên tới có thể sẽ là một sự báo hiệu cho khả năng tiếp tục suy giảm của chỉ số trong ngắn hạn. Đường giá cũng đang dao động ở sát cận dưới của dải BB, do đó chỉ cần 1 phiên giảm mạnh có thể khiến dải BB mở rộng. Trong bối cảnh áp lực chốt lời tại các vùng kháng cự mạnh được tạo bởi nhóm MA ngắn và trung hạn ở phía trên sẽ gia tăng nếu đường giá vẫn cứ dao động với xung lực yếu như hiện tại, thì tín hiệu bung nén của dải BB có thể là sự khởi đầu cho một nhịp giảm điểm mạnh của chỉ số trong thời gian tới.
Tuy vậy, vẫn có một số điểm tích cực đang chú ý đến từ diễn biến khả quan của một vài chỉ báo kỹ thuật khác. Cụ thể, đường STO vẫn giữ được mức tăng ở trên vùng quá ban sau khi cắt lên trên đường tín hiệu trong phiên trước đó, còn đường MFI tiếp tục có xu hướng tăng điểm cho thấy dòng tiền đang dần được cải thiện. Những tín hiệu trên được xem là những yếu tố hỗ trợ cho chỉ số trong một vài phiên kế tiếp.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ quay lại xu hướng giảm ngắn hạn và vẫn được hỗ trợ tại vùng 550 – 555 điểm. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật và mức độ rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bắt đáy cũng như mua đuổi và đặc biệt không nên bán tháo khi hai chỉ số giảm về gần các vùng hỗ trợ này.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 574 điểm. Do đó, trên quan điểm thận trọng, nhà đầu tư được khuyến nghị bán giảm tỷ trọng danh mục tổng về mức thấp nếu chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 568-572 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Đồng thời, nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua và ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong nhịp hồi phục ở các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 13/01/2016:
Thị trường Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm 2.4% chạm ngưỡng thấp nhất đợt khủng hoảng tháng 8 năm 2015 đã tiếp tục tác động lên VN-Index trong phiên hôm nay, kết phiên VN Index giảm 0.69% đóng cửa tại 560.37 điểm, thanh khoản có cải thiện, độ rộng thị trường không tích cực. Khối ngoại bán ròng 83 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -0.71%, FTSE ETF discount -1.63%.
Hai chỉ số tăng giảm trái chiều, VN-Index điều chỉnh giảm 3,89 điểm (-0,69%) xuống còn 560,37 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,01 điểm (0,01%) lên 76,66 điểm. Thanh khoản tăng trên HOSE và giảm trên HNX, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 1805,76 tỷ đồng (+14,1%) tương đương 134,3 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch trên HNX đạt 349,06 tỷ đồng (-22%) tương đương 34,95 triệu cổ phiếu.
Biến động tiêu cực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tác động mạnh đến tâm lý thị trường, các cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng khá mạnh trong phiên trước điều chỉnh giảm trong phiên hôm nay. Nhiều cổ phiếu lớn như VNM, VIC, VCB, MSN, BID, BVH, AAA, VCG…cũng giảm giá kéo thị trường giảm điểm. Ở chiều ngược lại, nhờ tin giá dầu thế giới phục hồi tăng trở lại giúp nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC, PXS…tăng giá khá tốt, đây là điểm sáng giúp thị trường không giảm điểm quá sâu.
FLC đã có lúc dư bán sàn trong phiên chiều với lượng khớp đột biến gần 30 triệu đơn vị, chiếm tới 26% so với lượng khớp lệnh của sàn HSX, sau thông tin có 60 triệu cổ phiếu được phép giao dịch khi đã hết hạn khống chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trong phiên này. Họ bán ròng 82,47 tỷ đồng trên HOSE chủ yếu tập trung vào mã VIC (-48,79 tỷ), PVD (-18,35 tỷ), CTD (-12,99 tỷ). Trên HNX, khối ngoại giao dịch khá cân bằng khi bán ra 17 tỷ đồng và mua vào 16,38 tỷ đồng, tổng cộng họ bán ròng nhẹ 615 triệu đồng.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
PVD: 3 giàn khoan tự nâng tạm dừng hoạt động, chờ đợi thương thảo giá thuê ngày.
Hiện tại, chỉ có một giàn khoan tự nâng (PVD I) đang hoạt động. Cả PVD II, PVD III và PVD VI đang tạm thời dừng hoạt động cho đến khi việc thương thảo giá thuê ngày với các khách hàng hoàn tất. Tuy nhiên, giàn tiếp trợ khoan (TAD) vẫn duy trì giá thuê 190.000 USD với Biển Đông POC cho đến giữa năm 2016. PVD đang làm việc với hai khách hàng khác để đảm bảo hoạt động của giàn khoan này trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới.
PVD đã bắt đầu kế hoạch cắt giảm chi phí với đợt cắt giảm lương vào tháng 9/2015, và đợt giảm lương thứ hai vào tháng 1/2016.
Lợi nhuận ròng sau thuế (LNST) quý 4/2015 ước đạt 69 tỷ đồng (xấp xỉ 3 triệu USD), chỉ bằng 1/5 của những quý trước, do dự phòng cho năm 2016.
Hiệu suất hoạt động của PVD phụ thuộc lớn vào việc liệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể duy trì sản lượng sản xuất trong năm 2015, hoặc giảm sản xuất do dầu thô giá thấp. Vừa qua, PVN đã công bố chi phí sản xuất năm 2015 là 24,4 USD/thùng, giảm 34% so với kế hoạch đầu năm 2015. Trong năm 2016, PVN hướng tới mục tiêu chi phí sản xuất 27,4 USD/thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng vừa điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent 28% còn 40 USD/thùng.
——————————————-
HBC: (Vốn hóa thị trường: 1,518 tỷ đồng) ký 2 hợp đồng lớn Hòa Bình vừa công bố trúng thầu 2 dự án với tổng giá trị 1,018 tỷ đồng.
Đây là 2 dự án thuộc 2 tổ hợp phân khúc khác nhau: E-town Central – 472 tỷ (TTTM, văn phòng) và Imperia Garden – 546 tỷ (Nhà ở, văn phòng). Ước tính giá trị các gói thầu mà Hòa Bình đã ký và sẽ thực hiện trong thời gian tới là hơn 9,000 tỷ đồng, đảm bảo cho công ty duy trì đà tăng trưởng doanh thu cho các năm tiếp theo.
Kết thúc năm 2015, dự báo doanh thu và lợi nhuận của HBC lần lượt đạt 5,068 tỷ đồng và 86 tỷ đồng, tăng 44% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn 2016 -2017, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trung bình 11% và 29% nhờ vào sự kỳ vọng hồi phục của thị trường bất động sản. Dù doanh thu có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn có rủi ro từ xử lý các khoản phải thu. Với mức giá 20,100 VND/cp, HBC đang được giao dịch ở mức P/E for ard 2016 là 12x.
——————————————-
CII: Lãi 150 tỷ đồng từ chuyển nhượng cổ phần. Theo công văn công bố thông tin ngày 12/01/2016, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (HSX:CII), nhà phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất thành phố, dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận 150 tỷ đồng (6,67 triệu USD) từ việc chuyển nhượng 99,9% cổ phần Công ty TNHH Trường Thuận Phát cho một đối tác (đối tác này liên doanh với một nhà đầu tư nước ngoài), tuy nhiên công ty không công bố cụ thế bên mua. Bằng cách làm này, CII đã đơn giản hóa được thương vụ chuyển nhượng tài sản của mình một cách nhanh chóng.
Cách đây hai ngày, CII cũng công bố kế hoạch phát hành 33 triệu cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu đã bán cho Goldman Sachs Asset Management (GS) và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC). Từ ngày 01/01/2015 đến ngày chuyển đổi 26/01/2016, GS và HFIC vẫn được hưởng lãi đối với phần gốc nắm giữ, lần lượt là 25 triệu USD và 2 triệu USD. Tổng cộng, sẽ có khoảng 27 triệu USD trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu với mức giá 18.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 16,1% so với giá thị trường hiện nay. Nhờ vậy, việc phát hành sẽ giúp CII giảm áp lực thanh toán nợ.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, CII ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất khá ấn tượng với lợi nhuận ròng đạt 691 tỷ đồng (tăng 182,5% so với cùng kỳ 2014) mặc dù doanh thu thuần chỉ đạt 1.327 tỷ đồng (giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái), và EPS 9 tháng là 3.508 đồng.
Giá cổ phiếu CII phiên hôm nay chốt phiên đạt 22.400 đồng/cổ phiếu, giảm 0,9%.
——————————————-
TCM: Công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2015.
Theo đó, Công ty đạt mức doanh thu 2773 tỷ VNĐ; LNST đạt mức 144 tỷ VNĐ. EPS đạt 2,880 đồng. Kết thúc năm 2015, TCM đã không đạt kế hoạch kinh doanh đặt ra từ đầu năm với mức LNST kế hoạch là 170 tỷ. Nguyên nhân chính là do biến động tỷ giá VND/USD trong năm 2015 ngoài dự kiến khiến Công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn. Cụ thể, tính đến hết quý 3 2015, TCM phải chịu mức lỗ chênh lệch tỷ giá là 45.5 tỷ VNĐ. Thêm vào đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Công ty cũng gia tăng đáng kể tác động tiêu cực đến lợi nhuận năm 2015.
Trong năm 2015, TCM đã đưa nhà máy may Vĩnh Long giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ giữa tháng 9 2015. Tuy nhiên, do nhà máy chưa đạt được mức công suất cao nên doanh thu chưa bù đắp được các chi phí cố định và chi phí nhân công đang gia tăng do đó nhà máy chưa đóng góp được nhiều vào kết quả kinh doanh của Công ty.
Nhà máy may tại Vĩnh Long giai đoạn 1 đã lắp đặt 16 chuyền may và dự kiến sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 9 chuyền may nữa trong năm 2016 nếu tình hình tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Với 25 chuyền may tại nhà máy này, TCM sẽ nâng công suất lên 24 triệu sản phẩm/năm.
HĐQT Công ty đề xuất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, phấn đấu doanh thu đạt mức 3.264 tỷ đồng và LNST đạt mức 160 tỷ đồng. Với xu hướng tăng trưởng của ngành dệt may nói chung và vị thế vững chắc trong ngành của TCM nói riêng, khả năng Công ty nhiều khả năng sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm 2016.
——————————————-
DIG: Có khả năng sẽ công bố KQKD 2015 sát với dự báo thận trọng
Sự phục hồi của thị trường nhà ở tại TP HCM vẫn chưa lan rộng ra ở các tỉnh lân cận. Và do đó LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ của DIG có khả năng chỉ tăng trưởng 14%. Hiện Thủy Tiên là dự án duy nhất mà có thể đem lại doanh thu lợi nhuận trong khi các dự án khác không mang lại lợi nhuận vì nhiều lý do; chủ yếu là do tiến độ bán hàng và thu tiền kém. Những mảng khác có kết quả không đồng đều với mảng xây dựng đóng góp phần lớn doanh thu. Dự báo ghi nhận từ mảng BĐS sẽ phục hồi mạnh nhờ các dự án hiện tại sẽ có tiến triển trong việc triển khai. Tuy nhiên cho đến nay tiến độ bán hàng tại dự án mở bán gần đây là dự án căn hộ Phoenix tại Vũng Tàu không mấy ấn tượng. Dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ sẽ tăng trưởng 74% trong năm 2016.
Tiếp tục duy trì đánh giá Nắm giữ. Trái với hầu hết các cổ phiếu BĐS khác, giá cổ phiếu DIG đã giảm trong năm ngoái. Thị trường BĐS ngoài 2 thành phố lớn vẫn không mấy khởi sắc và NĐT vẫn đang chờ dấu hiệu của sự phục hồi trước khi mua vào cổ phiếu này. RNAV của cổ phiếu DIG có vẻ vẫn hợp lý ở mức giá hiện tại. Công ty đã công bố ước tính KQKD 2015 với LNST ước tính đạt khoảng 50 tỷ đồng (tăng trưởng 14% và hoàn thành 70% kế hoạch cả năm là 71,2 tỷ đồng). . Trong 9T đầu năm, công ty công bố doanh thu thuần đạt 478 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ và hoàn thành 52% kế hoạch) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 30,2 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ và hoàn thành 42% kế hoạch).
Đóng góp từ mảng BĐS không đạt kế hoạch do có sự chậm trễ trong việc ghi nhận doanh thu từ các dự án – cho cả năm 2015, chúng tôi ước tính mảng BĐS đóng góp 109 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 14%), bằng 21,6% tổng doanh thu, chủ yếu lừ từ dự án căn hộ Thủy Tiên. Công ty đã bán được 98% trong tổng số 194 căn với giá bình quân là 16-17 triệu đồng/m2. Dự án này đã hoàn thành và bắt đầu giao nhà từ Q3/2014.
Về các dự án khác, tiến độ đạt được là không đồng đều với doanh thu ghi nhận thấp hơn kế hoạch trong đó doanh thu thực tế ghi nhận chậm so với dự kiến do (1) các vấn đề về thủ tục giấy tờ chẳng hạn như dự án Nam Vĩnh Yên (2) chậm hoàn thiện cơ sở hạ tầng chẳng hạn như dự án Đại Phước và (3) chậm giao nhà chẳng hạn như dự án Thủy Tiên (4) gặp vấn đề thu tiền trong đó người mua chậm trả tiền chẳng hạn như dự án biệt thự An Sơn.
Dự báo LNST cho cổ đông công ty mẹ sẽ tăng vọt 74% – Với những giả định trên đây, dự báo doanh thu thuần 2016 sẽ đạt 756 tỷ đồng (tăng trưởng 9%):
(1) Giả định 229 tỷ đồng (tăng trưởng 110%) từ mảng BĐS;
(2) Và giả định 111 tỷ đồng (giảm 25% so với năm 2015) từ các hoạt động xây dựng và 416 tỷ đồng (tăng trưởng 5%) từ hàng hóa và dịch vụ;
(3) Dự báo lợi nhuận gộp 200 tỷ đồng (tăng trưởng 27%), theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 26,4%;
(4) Và ước tính lợi nhuận tài chính thuần là 14 tỷ đồng (giảm 38% so với năm 2015) và chi phí quản lý và bán hàng là 124 tỷ đồng (tăng 4%);
Do đó, dự báo LNST cho cổ đông công ty mẹ sẽ là 82 tỷ đồng (tăng trưởng 74%), theo đó EPS dự phóng 352đ. Tuy nhiên, thậm chí với giá cổ phiếu hiện tại, cổ phiếu DIG hiện giao dịch với P/E dự phóng rất cao, là 25 lần.
Giá cổ phiếu hiện thấp hơn 19% so với NAV – Về định giá NAV, ước tính RNAV cổ phiếu là 10.750đ, như vậy giá cổ phiếu hiện thấp hơn 19% so với RNAV. Sở hữu quỹ đất lớn với chi phí thấp nhưng tiến độ bán hàng chậm của các dự án mới vẫn là vấn đề lo ngại. Với sự phục hồi chậm của thị trường BĐS tại các thành phố cấp hai như Vũng Tàu, Đồng Nai và Vĩnh Phúc. Lượng tiền mặt mới từ phát hành cổ phiếu đã giúp DIG khởi động lại dự án chung cư Phoenix tại Vũng Tàu tuy nhiên chúng tôi vẫn chờ những cải thiện trong quá trình bán hàng thực tế của năm nay trước khi xem xét lại đánh giá với cổ phiếu DIG. Lặp lại đánh giá Nắm giữ.
——————————————-
DPR: Lợi nhuận năm 2015 đạt 176,6 tỷ đồng, giảm 26,4% Theo kết quả kinh doanh tháng 12/2015 mà CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) vừa công bố, Công ty giao bán được gần 3.893 tấn mủ cao su, với giá bình quân 26,7 triệu đồng/tấn, ước đạt hơn 110,4 tỷ đồng doanh thu, gần 15,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lũy kế năm 2015, DPR ước đạt gần 757 tỷ đồng doanh thu, gần 176,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tương đương 78,4% và 73,6% so với năm 2014. Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của DPR trong năm 2015 sụt giảm là do giá bán cao su giảm khá mạnh. Giá bán cao su bình quân trong năm 2015 chỉ đạt 31,1 triệu đồng/tấn, trong khi năm 2014 đạt 38,3 triệu đồng/tấn.
——————————————-
QBS: Ngày 29/1vchốt danh sách tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2015, tỷ lệ 5% Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 28/1/2016. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 29/1. Dự kiến, cổ tức được thanh toán vào ngày 4/3. CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã QBS – HOSE) vừa thông báo thời gian chốt danh sách tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 5%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 4/3. Ước tính, với gần 64 triệu cổ phiếu, QBS dự kiến sẽ chi trả 32 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho các cổ đông. Mới đây, QBS đã mua thêm 14,71% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất (Vinachimex), qua đó tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của QBS lên 51%.
——————————————-
Vietnam Airlines sẽ bán 8,8% cổ phần cho ANA Tổng Giám đốc công bố về thương vụ này qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại – Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines (VNA) gần đây đã thông báo All Nippon Airways Co., Ltd. (ANA), tập đoàn sở hữu hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản xét về doanh thu, đã đạt được thỏa thuận cơ bản với VNA để mua 8,8% cổ phần của VNA với giá khoảng 13 tỷ Yên Nhật (tương đương 109 triệu USD). Hiện tại, sở hữu Nhà nước tại VNA là 94,4%. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong Q2.
Mức cổ phần bán ra thấp hơn chúng tôi dự báo – Theo kế hoạch ban đầu, VNA sẽ bán 20% cổ phần sau phát hành cho một đối tác chiến lược. Vì vậy quy mô của thương vụ này là nhỏ hơn so với kỳ vọng. Mặc dù có khả năng đây là đợt mua đầu tiên trong toàn bộ kế hoạch mua với quy mô lớn hơn nhiều của đối tác Nhật Bản này. VNA là thành viên của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam trong khi đó ANA một thành viên của Star Alliance, một Liên minh hàng không toàn cầu lớn khác, do vậy chúng tôi dự đoán sẽ có sự qua lại sau hợp tác này.
VNA sẽ dễ dàng vượt kế hoạch LNTT hợp nhất với dự kiến giảm 15,2% so với năm 2014 – Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần cả năm sẽ là 70,2 nghìn tỷ, tăng nhẹ 1,7%), theo đó LNTT hợp nhất là 613,5 tỷ đồng (giảm 15,2% so với năm 2014). Và mục tiêu doanh thu của công ty mẹ là 55 nghìn tỷ đồng (giảm 0,5%) và LNTT là 180 tỷ đồng (tăng trưởng 11%). Các giả định làm cơ sở dự báo của công ty bao gồm lượng hành khách tăng lên 16,7 triệu khách (tăng 6,2%), tỷ lệ lấp đầy là 78,5%, và thi phần trong nước là 45,9%. Rõ ràng công ty sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận nhờ chi phí đầu vào giảm mạnh. Và có vẻ như VNA hiện vẫn chưa chia sẻ lợi ích này sang hành khách. Thực tế, gần đây đã có những khuyến nghị giảm giá vé máy bay theo sát xu hướng giảm của chi phí. Tuy nhiên, đến hiện tại, chưa thấy dấu hiệu của điều này.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng
Kể từ tuần cuối tháng 12 đến nay, thị trường bắt đầu ghi nhận đợt điều chỉnh lãi suất huy động tại một số ngân hàng. Đáng chú ý, đợt tăng lãi suất này không xuất phát từ các ngân hàng nhỏ như thường thấy mà có sự tham gia của các ngân hàng thuộc tốp đầu của khối cổ phần và quốc doanh, điển hình như Vietinbank, BIDV, Sacombank, MB… Ở một diễn biến khác, sự căng thằng của lãi suất liên ngân hàng trong hai tháng qua cũng là điểm đáng lưu ý. Lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện đều đã ở mức trên 5%/năm- mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hiện tại cho thấy tín hiệu căng thẳng cục bộ về thanh khoản trong hệ thống. Vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường có tâm lý thận trọng và gia tăng dự trữ nhằm đảm bảo nhu cầu thanh khoản tăng cao. Mặc dù vậy, đối với diễn biến tăng của lãi suất huy động hiện nay, khả năng các ngân hàng lớn đang đi chủ động “đi trước một bước” nhằm chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho năm 2016 khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN định hướng lên tới 20%. Chi phí vốn huy động tăng lên chắc chắn sẽ gây áp lực trở lại đối với lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2016 sẽ có xu hướng tăng nhẹ từ 0,5-1%.
——————————————–
Sẽ có cơ chế mới về quản lý giá xăng dầu bán lẻ
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hôm qua cho biết Bộ Tài chính sắp tới có thể triển khai cơ chế quản lý giá xăng dầu mới trong thời gian tới. Theo đó, cơ chế mới được cho là sẽ có một số thay đổi đáng kể như giá xăng dầu bán lẻ sẽ được điều chỉnh hàng ngày, thay thế cho chu kì điều chỉnh 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, Bộ Tài chính có thể cân nhắc bỏ sử dụng quỹ bình ổn trong trường hợp giá tăng quá mạnh. Như vậy, cơ chế mới mới được xem là khá linh động và đưa giá xăng dầu bán lẻ theo sát hơn với diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Dù vậy, Nhật Cường cho rằng sẽ mất khá nhiều thời gian cho đến khi cơ chế mới được áp dụng.
——————————————-
Hiệp định TPP dự kiến được ký kết vào 4/2/2016
Thông tin này được Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương công bố. Theo kế hoạch, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand, đoàn đàm phán Chính phủ đang chuẩn bị các tài liệu để ký kết. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, đều là các thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam, sẽ giúp chúng ta mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế.
——————————————-
Tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm
Hôm nay NHNN đã công bố tỷ giá trung tâm giảm 4 đồng xuống còn 21.909. Trong khi đó tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,02% xuống 22.419 và vẫn thấp hơn tỷ giá trần 0,65%.
Trong khi đó, NHTW Trung Quốc đã công bố tỷ giá giữa đồng NDT với USD là 6,5630; là ngày thứ hai liên tiếp công bố tỷ giá NDT giảm. Và tỷ giá này cũng thấp hơn tỷ giá tự do là 6,5750. Với lãi suất qua đêm tại Hongkong tăng lên khoảng 67% và nhờ sự can thiệp liên tục, thì chính phủ Trung Quốc có vẻ trước mắt đã chặn được đà giảm giá của đồng NDT. Tuy nhiên trong khi hiện có vẻ đã dịu xuống thì lo ngại nguy cơ khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (14/01/2016):
FMC: (HSX) Thực hiện quyền mua cp, tỷ lệ 2:1, 10.000đồng/cp
GTA: (HSX) Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016
SCJ: (HNX) Đại hội đồng Cổ đông bất thường
——————————————-
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net