
Đồ thị VN-Index ngày 10/11/2015. Nguồn: Amibroker
1. Quan điểm kỹ thuật:
Mình cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách mức 600 điểm trong phiên giao dịch ngày 11/11/2015. Hiện tại, VN-Index và nhiều cổ phiếu đã về gần mức cắt lỗ của hệ thống. Mình cũng quan sát thấy dòng tiền vẫn đang rút ra khỏi thị trường và chưa có dấu hiệu quay trở lại (chỉ riêng FLC phiên hôm nay đã chiếm hơn 21% KLGD khớp lệnh toàn sàn HSX). Thị trường ảm đạm, thanh khoản sụt giảm và giao dịch theo chiều hướng lịm dần về cuối phiên. Khi mà chỉ số đang dao động ở vùng giá cao nhưng động lực tăng giá không rõ ràng thì tâm lý của các nhà đầu tư sẽ dễ dàng chuyển sang trạng thái bi quan và áp lực bán tháo sẽ tăng dần. Tuy nhiên, mình cho rằng lực cầu sẽ gia tăng tại vùng hỗ trợ 600 điểm của VN-Index khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán trong ngắn hạn. Do đó, các nhà đầu tư cần hạn chế việc bán tháo trong các nhịp điều chỉnh.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của mình vẫn duy trì mức tăng cho xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 600 điểm. Do đó, các NĐT ngắn hạn nên dừng bán và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp như hiện tại. Việc chuyển trạng thái tài khoản ra toàn bộ tiền mặt chỉ nên thực hiện khi chỉ số vi phạm mức cắt lỗ.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 10/11/2015:
Có vẻ thị trường đang lo ngại về việc tỷ giá tăng (trên thực tế đồng USD đang tăng giá) và khả năng phản ứng của NHTW Trung Quốc. Lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN mới đây nhất vào tháng 8 vẫn còn y nguyên trong tâm trí nhiều người và hiện sự bất ổn tỷ giá không có lợi cho thị trường chứng khoán. Ngoài ra mức độ margin trên thị trường đã sát mức cao của năm và mỗi lần như vậy thị trường lại giảm. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là dự kiến tăng lãi suất tại Mỹ mặc dù không nhiều nhưng đã ảnh hưởng không tích cực tới các thị trường mới nổi/sơ khai trong những ngày vừa qua.
Hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm giá khi đóng cửa. Về cuối phiên giao dịch lực bán tăng mạnh khiến hai chỉ số đóng cửa gần mức thấp nhất trong ngày. Cụ thể, chỉ số VN-Index chốt ngày giảm 5,39 điểm xuống còn 605,27 điểm (-0,88%). Đóng góp vào chỉ số (tăng): VNM (+0,619 điểm). Đóng góp vào chỉ số (giảm): VCB (-1,1 điểm), GAS (-0,8 điểm), CTG (-0,768 điểm), BVH (-0,7 điểm), VIC (-0,57 điểm), BID (-0,43 điểm).
Thị trường ảm đạm, thanh khoản sụt giảm, phản ánh sự thận trọng trong hoạt động của nhà đầu tư. HSX ghi nhận 108 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị đạt 1.601 tỷ đồng (-11,8%) còn HNX có 36 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị 332,1 tỷ đồng (-11,7%). FLC có KLGD lớn nhất đạt hơn 23 triệu đơn vị; và trong phiên mã này đã có lúc tăng trần và đóng cửa tăng 3% (200đ). CII có KLGD đạt 4,6 triệu đơn vị và đóng cửa tại 21.000đ; là ngưỡng hỗ trợ sau đợt điều chỉnh diễn ra vào tháng 8.
Thị trường hôm nay chứng kiến sự điều chỉnh khá mạnh của nhiều cổ phiếu Bluechips như GAS, BID, VCB, FPT, MSN… duy nhất VNM trụ vững ở sắc xanh. Nhóm cp dầu khí hôm nay chịu tác động tiêu cực từ giảm phiên thứ 4 của giá dầu thế giới cộng thêm tâm lý bất ổn của nhà đầu tư trong nước đã khiến các mã như GAS, PVD, PVS… giảm điểm mạnh. Điểm sáng của TT trong phiên giao dịch hôm nay là nhóm cổ phiếu ô tô. Nhóm cp này vẫn duy trì được đà tăng khá tốt. Kết phiên HTL, TMT đạt mức giá trần, SVC tăng 6,4%.
Một điểm cộng cho TT trong phiên hôm nay là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng với giá trị mua ròng thông qua khớp lệnh đạt 8,7 tỷ đồng. Những cổ phiếu được mua vào mạnh nhất là: VCB (+7,9 tỷ đồng), PVD (+4,9 tỷ đồng), SKG (+4,5 tỷ đồng), HBC(+4,1 tỷ đồng)…. Trong khi đó khối ngoại bán ra mạnh nhất: MSN (-12 tỷ đồng), SBT (-8,9 tỷ đồng), KDC (+8,2 tỷ đồng), GAS (+6,8 tỷ đồng).
3. Thông tin Doanh nghiệp:
CMG: Công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 6T2015 (từ 1/4/2015 đến 31/9/2015) với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.641,9 tỷ, tăng 10,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 49,3 tỷ, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Trong 6T2015, CMG ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở tất cả các lĩnh vực hoạt động gồm tích hợp tăng 21%, phần mềm tăng 13%, viễn thông tăng 19% và phân phối lắp ráp tăng 12% so với cùng kỳ. Cùng với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của công ty cũng tăng trưởng tốt nhờ kiểm soát chi phí hoạt động và giảm bớt chi phí lãi vay. LNTT tăng 39,8% so với cùng kỳ, đạt 64,6 tỷ và LNST của cổ đông công ty mẹ tăng 22,1% so với cùng kỳ, đạt 49,3 tỷ.
Thời gian gần đây, CMG đã đạt được những chuyển biến rõ rệt và vững chắc so với giai đoạn 2011-2013 nhiều khó khăn. Năm tài chính 2015, CMG đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu hợp nhất 3.092,9 tỷ, giảm 5% và LNST của cổ đông công ty mẹ 110 tỷ, tăng nhẹ 0,9% so với năm trước. Với KQKD đạt được trong 6T2015, chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng được duy trì trong hai quý còn lại và công ty có thể hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra.
Tình hình tài chính được cải thiện với tỷ lệ nợ vay ròng/VCSH giảm đáng kể chỉ còn 9%. Công ty cũng đã hết lỗ luỹ kế và cổ phiếu có thể được đưa ra khỏi diện cảnh báo sau khi có báo cáo soát xét.
Về định giá, cổ phiếu CMG giao dịch với P/E bốn quý gần nhất 8,8x, thấp hơn so với P/E bốn quý gần nhất của các công ty cùng ngành như FPT (11,2x) và ELC (15,1x).
DXG: Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2015, trong quý 3, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã DXG) đạt được 525 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 93 tỷ đồng, tăng mạnh so với quý 3/2014.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 909 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 246 tỷ đồng, EPS cơ bản 2.360 đồng/cổ phiếu.
So với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu hợp nhất của DXG đã tăng trưởng 240%, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 360%. Việc tăng trưởng trong hiệu quả hoạt động của DXG trong 9 tháng qua chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của 3 mảng hoạt động kinh doanh là hoạt động dịch vụ tăng 215%, hoạt động đầu tư tăng 142%, hoạt động xây dựng tăng 1222% so với cùng kỳ cũng như hiệu quả mang về từ công ty liên kết.
STB: Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank – mã STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015. Theo đó, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 213.077 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt 145.773 tỷ đồng, tăng trưởng 13,8%. Tiền gửi khách hàng đạt 183.924 tỷ đồng, tăng 12,8%. Ngoại trừ thua lỗ từ các hoạt động kinh doanh chứng khoán, các hoạt động còn lại đều đem lại khoản lãi cho ngân hàng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động là 1.372 tỷ đồng, tăng 29,3% so với quý III/2014. Chi phí dự phòng rủi ro là 305 tỷ đồng, giảm 34,5%. Tổng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2015 của Sacombank đạt 615 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 2.140 tỷ đồng và 1.667 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Về nợ xấu, Sacombank có tổng cộng 2.345 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,6% tổng dư nợ, trong khi tại thời điểm đầu năm tỷ lệ này ở mức 1,18%. Trong nợ xấu, nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm 1.794 tỷ đồng, tương đương 3/4 tổng số nợ xấu.
TTF: Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2015.
Trong riêng quý 3/2015, Gỗ Trường Thành đạt doanh thu thuần 410 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2014. Biên lợi nhuận cải thiện, TTF lãi gộp gần 131 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số đạt 76,5 tỷ đồng. Cũng như nửa đầu năm, quý 3/2015 Gỗ Trường Thành tiếp tục được xóa một phần lãi vay và ghi âm chi phí.
Chi phí tài chính trong kỳ của TTF chỉ còn 2,5 tỷ đồng so với 23 tỷ đồng cùng kỳ 2014. Gỗ Trường Thành lãi sau thuế 101 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 3/2014. Phần lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 88 tỷ đồng, cũng vượt trội so với 32 tỷ đồng cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng TTF lãi ròng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) 217,8 tỷ đồng, bằng 4,5 lần lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014. Như vậy sau 9 tháng Gỗ Trường Thành đã hoàn thành vượt mức 42% kế hoạch lợi nhuận được giao cho cả năm 2015.
NTL: Trong Q3/2015, NTL ghi nhận 100.2 tỉ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và 30.5 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, NTL đạt doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 203.4 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 58.6 tỉ đồng, lần lượt tăng 54.17% và 107.3% so với 9 tháng đầu năm 2014.
Như vậy, NTL đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 350 tỉ đồng) và 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (kế hoạch 120 tỉ đồng). Tăng trưởng doanh thu của NTL chủ yếu đến từ việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, trong đó có tiến độ bàn giao biệt thự ở dự án Bắc 32, N04-B1 Dịch Vọng và X2 Mỹ Đình.
TLG: EPS quý 3 tăng mạnh 35%, KQKD tính từ đầu năm vượt dự báo cả năm của công ty. TLG đã có một mùa tựu trường thành công khi công ty công bố KQKD hợp nhất quý 3 với doanh thu và lợi nhuận ròng trước thuế (LNST) tăng lần lượt 16% và 35% đạt 573 tỷ đồng và 78 tỷ đồng.
Với mức giá đóng cửa 85.000 đông hôm nay, TLG đang giao dịch với PER 15,8 lần năm 2015 và 13,8 lần năm 2016.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Quốc hội: đã thông qua các chỉ tiêu về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2016; đồng thời cũng đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu này. Nghị quyết vừa được thông qua 14 chỉ tiêu, cụ thể, đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3 – 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng hiện nay có văn bản chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 21%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 24,5 giường; (9) Tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): đã hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, phản ánh tăng trưởng thương mại không mấy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Theo báo cáo của OECD, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm tới, giảm so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh các thị trường mới nổi ngày càng suy yếu. Tuy nhiên, OECD tăng mức dự báo lên 3,6% trong năm 2017.
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
LH: 0912.842.224 để được tư vấn tận tình và chuyên sâu nhất.