DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường ngày 11/03/2016 gồm cập nhật việc áp thuế thép nhập khẩu, EVE, VIT, VGG

Lượt xem: 13,614 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index lấy lại sắc xanh sau hai phiên điều chỉnh, chỉ số tăng 4,2 điểm lên lại 575,91 điểm cùng với 118 triệu cổ phiếu được khớp.

Đồ thị VN-Index ngày 10/03/2016

Đồ thị VN-Index ngày 10/03/2016. Nguồn: Amibroker

 

Nến xanh hình thành trên đồ thị giá với mức đóng cửa cao nhất kèm theo khối lượng ở mức bình quân thể hiện lực bán đã chững lại, thay vào đó người mua đã sẵn sàng giải ngân sau khi giá cổ phiếu đã được làm dịu qua hai phiên điều chỉnh trước đó. Các chỉ báo kỹ thuật không có nhiều thay đổi, Stochastic, MACD Histogram vẫn giữ trạng thái phân kỳ với đường giá, do vậy xung lực tăng của chỉ số vẫn chưa được cải thiện.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 11/03/2016, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ test lại ngưỡng kháng cự MA200 tại 580 điểm. Nhật Cường cho rằng ngưỡng MA200 tại 580 điểm vẫn sẽ là ngưỡng cản mạnh thử thách lực cầu của thị trường và chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm dần về cuối phiên 11/02/2016. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn và dòng tiền vẫn có xu hướng giảm dần, nghĩa là hai chỉ số sẽ sớm bước vào nhịp điều chỉnh của xu hướng tăng ngắn hạn trước đó. Do vậy, việc giữ trạng thái danh mục với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và không nên sử dụng margin là cần thiết.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 562.74 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua mới ở giai đoạn hiện nay. Đồng thời, các nhịp tăng mạnh là cơ hội để các nhà đầu tư hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng, nhưng không nên bán hết toàn bộ danh mục.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 10/03/2016:

Cả 3 Thị trường chứng khoán của Việt Nam lần đầu tiên cùng nhau đạt mức tăng trưởng dương kể từ đầu năm. Nhóm chứng khoán có phiên thu hút dòng tiền, độ rộng thị trường tích cực. Thanh khoản gia tăng đến từ một vài giao dịch thỏa thuận. Mức độ tham gia của Nhà đầu tư nước ngoài đạt cao và khối này đã mua ròng 22 tỉ đồng trên cả hai sàn. FTSE ETF premium 0.27%.

Điểm nhấn của phiên hôm nay là hàng loạt cổ phiếu trên hai sàn đã tăng trần, khối ngoại cũng đã mua ròng trở lại sau khi bất ngờ bán ròng ở phiên trước. DXG là cổ phiếu được mua vào nhiều nhất với giá trị mua ròng +141 tỷ đồng, tiếp đến là VHL +33,6 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, KDH là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, -77 tỷ đồng.

Thanh khoản tăng trở lại với GTGD xấp xỉ 3.000 tỷ tính chung cả thị trường, dòng tiền vào rất mạnh các cổ phiếu Midcap. Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất trên hai sàn có thể kể tới như VHG, HNG, HAG, SBT,…

Hai cổ phiếu BĐS là KDH (154 tỷ), DXG (154,7 tỷ) được thỏa thuận với giá trị lớn. Bên cạnh đó, TTF, SAM và VHL cũng thỏa thuận giá trị lớn. Khối ngoại đã mua ròng +33,6 tỷ VHL qua thỏa thuận. Nhiều cổ phiếu cũng tăng kịch trần phải kể đến có C32, SBT, VIP, VNS, TLH,…

Ngoài ra, VHG, HNG cùng cổ phiếu nhóm ngành cao su (TRC, PHR), săm lốp (CSM, DRC, SRC) có phiên giao dịch thăng hoa. Với kỳ vọng giá cao su sẽ tiếp tục tăng khi các nước xuất khẩu lớn nhất có động thái cắt giảm lượng xuất khẩu.

Giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường đang trong xu thế tăng và cổ phiếu của các công ty sản xuất hàng hóa cơ bản như mía đường, cao su, khai khoáng,… đều có diễn biến đặc biệt tích cực trong thời gian gần đây. Ngoài ra, các cổ phiếu sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu đầu vào là các loại hàng hóa cơ bản trên được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi đã tích lũy được nguyên liệu tại mức giá rẻ như CSM, DRC, HPG, AAA.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại hơn 6,5 tỷ đồng. DXG dẫn đầu về khối lượng mua ròng với gần 8,3 triệu đơn vị. MBB, BCG cũng được mua ròng nhẹ lần lượt hơn 738 nghìn và 600 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, KDH bị bán ròng thỏa thuận 3,5 triệu đơn vị. VNS, ITD và PHR cũng bị bán ròng nhẹ.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 15,6 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu không tính giao dịch thỏa thuận 850 nghìn đơn vị VHL trị giá 33,6 tỷ đồng thì khối ngoại vẫn ròng gần 18 tỷ đồng. SCR và PVC được mua ròng lần lượt hơn 653 nghìn và 421 nghin đơn vị. Chiều ngược lại, PVS bị bán ròng trên 1 triệu đơn vị, dẫn dầu về khối lượng bán ròng. HUT, TNG và TTB cùng bị bán ròng nhẹ.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

EVE: CTCP Everpia Việt Nam (HSX)

KHKD 2016: Doanh thu 1.000 tỷ (+11% yoy), LNST 140 tỷ (+22.8% yoy):

Với mảng chăn – ga – gối đệm (chiếm khoảng 65% DT hàng năm): EVE sẽ đẩy mạnh việc bán dòng sản phẩm đệm lò xo Style Master sau khi trở thành nhà sản xuất và phân phối độc quyền của hãng Style Master (1 trong 4 hãng sản xuất đệm lớn nhất thế giới). Việc hợp tác với 1 nhà phát triển lớn là điều cần thiết khi các dòng sản phẩm đệm lò xo trước đây của Everon có tốc độ tiêu thụ tương đối chậm trong khi người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chuyển sang sử dụng đệm lò xo thay vì đệm bông ép.

Với mảng bông tấm (chiếm khoảng 30-35% DT hàng năm): Ngoài Hàn Quốc, năm nay EVE đã nhận được thêm nhiều đơn hàng lớn từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc. Sản phẩm bông tấm của EVE được sử dụng để làm tấm lót trong áo jacket.

Quan điểm đầu tư:

(1) Chiếm giữ thị phần dẫn đầu trong mảng chăn – ga gối – đệm (chiếm 26% thị phần) và mảng bông tấm (chiếm 29% thị phần), lượng khách hàng thường xuyên chiếm khoảng 80-90% DT giúp HĐKD tương đối ổn định;

(2) Sản phẩm tập trung ở phân khúc trung bình, ưu thế so với các nhà sản xuất khác nhờ việc tự thiết kế từ mẫu vải;

(3) Hoạt động kinh doanh có tính mùa vụ cao và bị ảnh hưởng bởi thời tiết: với mảng bông tấm thời gian cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 9 trong khi mảng chăn – ga gối – đệm là từ tháng 9 đến tháng 3. Việc thời tiết có xu hướng nóng lên và mùa đông đến muộn hơn có thể làm giảm doanh số bán hàng trong Q4;

(4) Biên lợi nhuận cải thiện nhờ giá cotton và giá polyester giảm;

(5) Định giá hiện tại tương đối thấp với mức P/E Forward ~7.4.;

(6) Việc nới room lên 100% có thể thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt nhà cung cấp hoặc khách hàng của EVE;

—————–

VIT: CTCP Viglacera Tiên Sơn (HNX)

KHKD 2016: Doanh thu 1.020 tỷ đồng (+49% yoy), LNTT 70,5 tỷ (+46% yoy) , sản lượng dự kiến đạt khoảng 6,2 triệu m2, cổ tức tiền mặt 15%.

KQKD Q1: Doanh thu đạt 185 tỷ (+45% yoy), LNTT 15 tỷ (tăng gấp 3,75 lần cùng kỳ) với động lực tăng trưởng đến từ:

(1) Nhà máy tại Thái Bình hoạt động 100% công suất;

(2) Khí CNG giảm ~ 15% so với cùng kỳ tương đương với mức 3.100 đồng/m3 giúp cải thiện biên lợi nhuận. Dây chuyền số 1 tại Tiên Sơn sẽ hết khấu hao vào năm 2017, giúp VIT tiết giảm được 17 tỷ chi phí khấu hao. Kế hoạch xây dựng nhà mới vào năm 2017: VIT dự kiến sẽ xây thêm 1 nhà máy sản xuất gạch granite với công suất khoảng 4,5 triệu m2/ năm. Tổng vốn đầu tư ~ 350 tỷ đồng, trong đó sẽ huy động một phần từ việc phát hành thêm khoảng 12 triệu cổ phiếu.

Quan điểm đầu tư:

(1) KQKD 2016 dự báo tăng trưởng mạnh nhờ nhà máy Thái Bình đi vào hoạt động cũng như biên lợi nhuận cải thiện từ khi khí CNG giảm. Chuyên viên dự báo DTT 2016 đạt 961 tỷ đồng (+41% yoy), LNST đạt 69.5 tỷ đồng (+86.3% yoy) tương đương EPS 2016 đạt 4,632 VND/cp;

(2) Thị trường vẫn đang trong giai đoạn cầu vượt cung;

(3) Định giá khá hấp dẫn khi VIT đang được giao dịch với mức P/E forward 4.92, thấp hơn mức trung bình ngành 5.28.

Rủi ro:

(1) Nhiều nhà sản xuất lớn về gạch granite đang mở rộng công suất và điều này có thể tạo áp lực giảm giá bán trong thời gian tới;

(2) Thắt chặt tín dụng vào bất động sản có thể ảnh hưởng gián tiếp đến nhu cầu tiêu thụ gạch;

(3) Rủi ro lớn về pha loãng cổ phiếu khi nhà máy mới đi vào hoạt động từ 2018 do đây có thể là thời điểm thị trường gạch granite bão hòa và thị trường bất động sản chững lại.

—————–

VGG: May Việt Tiến hôm nay đã chào sàn và tăng 40% so với giá tham chiếu

May Việt Tiến niêm yết trên Upcom với giá tham chiếu phiên chào sàn là 40.000đ – Tổng CTCP May Việt Tiến (Mã Upcom: VGG) đã niêm yết cổ phiếu vào ngày 10/3 với giá tham chiếu phiên chào sàn là 40.000đ/cp (biên độ biến động là 40% trong ngày chào sàn). Tại giá tham chiếu 40.000đ/cp; thì VGG có vốn hóa là 1,68 nghìn tỷ đồng; là quy mô vốn hóa trung bình. Tại giá đóng cửa, cổ phiếu VGG đã tăng 40% lên 56,000đ. Và tại mức giá này, vốn hóa của VGG sẽ là 2,35 nghìn tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu niêm yết là 28 triệu đơn vị – VGG có vốn điều lệ là 420 tỷ đồng và số lượng cổ phiếu lưu hành là 42 triệu cổ phiếu. VGG mới chuyển đổi trái phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu vào năm 2012 với giá trị 140 tỷ đồng với giá khởi điểm là 10.000đ/cp vào đầu năm nay. Cổ phiếu chuyển đổi chưa niêm yết và sẽ được niêm yết sau.

Theo hồ sơ niêm yết, tại thời điểm tháng 8/2015 Vinatex nắm 47,88% cổ phần VGG. Các đối tác chiến lược khác gồm South Island Garment (Malaysia) nắm 14,16% cổ phần và Tung Shing Sewing Company (HK) nắm 9,94% cổ phần. Chuyên viên nghĩ rằng cơ cấu cổ đông không thay đổi nhiều kể từ thời điểm trên. Theo đó Chuyên viên ước tính số lượng cổ phiếu free float là khoảng 7,8 triệu đơn vị (bằng 28,02% số cổ phiếu niêm yết và 16,68% số cổ phiếu lưu hành). Cũng theo hồ sơ niêm yết, NĐTNN nắm 24,1% cổ phần. Điều này cho thấy room còn mở trước khi niêm yết là 24,9%.

Theo phương pháp P/E thì giá trị hợp lý cổ phiếu VGG là 54.111đ – Chuyên viên dùng phương pháp so sánh P/E với các công ty niêm yết cùng ngành để định giá cổ phiếu VGG. Chuyên viên lựa chọn 5 cổ phiếu niêm yết trong ngành dệt may tại Việt Nam là TCM, TNG, GIL, EVE và GMC; là những cổ phiếu có thể so sánh sát nhất với VGG về mô hình kinh doanh và vốn hóa thị trường. Chuyên viên không sử dụng các công ty trong khu vực để so sánh P/E vì những công ty này có quy mô vốn hóa và định giá cao hơn nhiều. Hệ số P/E bình quân 4 quý gần nhất của các công ty cùng ngành là 8,8 lần. (EPS cho Việt Tiến và các công ty cùng ngành đã được điều chỉnh theo quy định của thông tư 200). Theo đó với EPS là 6.146đ thì giá trị hợp lý theo phương pháp so sánh P/E là 54.111đ/cp; tương đương cao hơn 35,28% so với giá tham chiếu phiên chào sàn. Tuy nhiên, giá trị hợp lý theo phương pháp so sánh P/E này sẽ thấp hơn khoảng 3,37% so với giá đóng cửa hôm nay.

VGG vượt trội các công ty dệt may đang niêm yết trên sàn khác về vốn hóa lẫn lợi nhuận. Vì vậy Chuyên viên cho rằng, VGG xứng đáng nhận được một chỉ số P/E cao hơn cho định giá cổ phiếu của công ty. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, khi mà thông tin về công ty trước niêm yết khá khiêm tốn, Chuyên viên cẩn trọng không áp dụng bất kỳ điều chỉnh nào trong chỉ số P/E dùng để so sánh do sự không chắc chắn của chúng tồi về rủi ro cũng như triển vọng về công ty so với các công ty khác cùng ngành.

Cổ phiếu VGG có vẻ là cổ phiếu hấp dẫn – Chuyên viên lưu ý là những cổ phiếu niêm yết mà không được biết đến nhiều thường khá thú vị. Tỷ suất LNTT hợp nhất 2015 của VGG là 4,7% và tỷ suất LNST là 4,9%; thấp hơn nhiều các doanh nghiệp nhiêm yết hiện nay (lần lượt vào khoảng 9,5% và 6,6%). Điều này cho thấy hoạt động của VGG chưa hiệu quả và còn nhiều dư địa để cải thiện. Trong khi đó ROE và ROA 2015 của VGG lần lượt là là 36,7% và là 10,5%; cao hơn nhiều các doanh nghiệp nhiêm yết hiện nay (lần lượt vào khoảng 19,8% và 7,8%). Có lẽ điều này là cấu trúc của công ty cũng như phân bổ tài sản và đầu tư vào nhiều công ty liên kết.Thêm vào đó, một điểm mấu chốt nữa là việc nâng tỷ trọng hợp đồng ODM với tỷ suất lợi nhuận cao trong cơ cấu doanh thu cũng sẽ lầm tăng lợi nhuận cho công ty.

Doanh thu thuần 2015 tăng trưởng 16,9% còn LNTT tăng trưởng 7,4% – VGG đã công bố doanh thu thuần chưa kiểm toán năm 2015 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 16,9%) và LNTT đạt 410 tỷ đồng (tăng trưởng 7,4%). Riêng trong Q4, doanh thu thuần chỉ đạt 1,67 nghìn tỷ đồng trong khi LNTT đạt 105 tỷ đồng (hiện Chuyên viên không có số liệu cùng kỳ để so sánh). Theo đó công ty đã hoàn thành 112,4% kế hoạch doanh thu và 141,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. VGG đã đặt kế hoach doanh thu thuần cho 2015 là 5,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 4%) và LNTT là 209 tỷ đồng (giảm 24,1%).

Hiện công ty chưa cung cấp thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015 nên chuyên viên chưa thể nhận định về triển vọng của công ty.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Những ngày vừa qua ngành thép nội địa liên tiếp được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đến từ cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Ngày 7/3, giá quặng sắt thế giới tăng hơn 26% do chính phủ Trung Quốc thông báo giữ mức tăng trưởng mục tiêu 6,5-7% và những tin tức về ngành bất động sản của nước này đang phục hồi. Tiếp đó, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp thuế tự vệ tạm thời lên phôi thép và thép cây nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất thép trong nước.

Như vậy, sau gần nửa năm cùng Hiệp hội thép Việt Nam kiến nghị, bốn doanh nghiệp sản xuất phôi thép (HPG, POM, TIS và VIS) đã được bảo vệ tạm thời bằng mức thuế 23,3% lên phôi thép và 14,2% lên thép cây nhập khẩu, hiệu lực từ ngày 22/03/2016 đến ngày 7/10/2016. Như đã đề cập trong Góc chuyên viên trước đây, quyết định dùng biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng trái ngược lên nhóm doanh nghiệp sản xuất phôi và nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phôi. Áp thuế lên cả bán thành phẩm và sản phẩm thép xây dựng, Bộ Công thương đã tỏ ra rất quyết liệt trong việc hạn chế ảnh hưởng của thép Trung Quốc phá giá lên các nhà sản xuất phôi thép nội địa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép và thép xây dựng thành phẩm sẽ phải đối mặt với tăng giá vốn đột biến.

Theo ước tính của Chuyên viên, giá phôi và thép xây dựng nhập khẩu sau khi áp thuế nhiều khả năng tăng đáng kể. Mức tự vệ áp dụng được Bộ Công thương đưa ra dù thấp hơn mức kiến nghị (44% cho phôi thép và 33% cho thép cây thành phẩm), nhưng vẫn có khả năng kéo giá thép nhập khẩu lên, tạm thời duy trì sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất nội địa.

Giá thép xây dựng đã giảm gần 30% trong năm 2015 do tác động của thép Trung Quốc phá giá. Với mục đích đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết lượng hàng tồn kho trong nước, các công ty thép Trung Quốc thậm chí “lách thuế” bằng cách khai báo phôi thép hợp kim, hưởng thuế nhập khẩu 0% (trong khi phôi thép thường chịu thuế 9%). Cộng thêm việc được chính phủ Trung Quốc trợ giá xuất khẩu, lượng phôi thép mà Việt Nam nhập khẩu từ nước này tăng hơn 60% trong giai đoạn 2014-2015.

Như vậy, nhóm các nhà sản xuất thép xây dựng từ thượng nguồn sẽ hưởng lợi từ cải thiện biên gộp, do cạnh tranh về giá bớt gay gắt. Đặc biệt, HPG, với công nghệ sản xuất và giá thành tương đương với các công ty thép Trung Quốc, có cơ hội tăng trưởng thị phần, doanh thu và LNST khả quan nhất. Nhờ khu liên hợp thép mới, sản lượng sản xuất và tiêu thụ cũng như LNST năm 2015 ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với các đối thủ cùng ngành. Giai đoạn III của chuỗi sản xuất thép mới dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016, cộng với việc được bảo hộ ở thị trường nội địa sẽ tiếp đà tăng trưởng cho HPG.

NĐT cần lưu ý quyết định áp thuế tự vệ có ảnh hưởng lên các công ty trong ngành thép xây dựng và không ảnh hưởng trực tiếp lên các công ty tôn mạ, mặc dù cùng ngành Thép. Tôn mạ – một phân khúc khác của ngành công nghiệp thép, cũng đang chịu áp lực từ tôn nhập khẩu phá giá và đang trong quá trình điều tra. Ngày 4/3/2016, Bộ Công thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn mạ nhập khẩu. Áp thuế lên tôn mạ nhập khẩu thành công sẽ tạo cơ hội tăng trưởng cho các nhà sản xuất tôn mạ nội địa.

—————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý