1. Nhận định thị trường:
Chuỗi 03 phiên giảm của VN-Index đã tạm thời bị ngắt nhịp bởi diễn biến hồi phục của phiên giao dịch ngày 06/01. Chốt phiên, VN-Index tăng 4.63 điểm lên đứng ở mức 574.57 điểm. Như vậy, chỉ số sàn HOSE vẫn đang duy trì dao động tích cực dọc theo đường xu thế tăng đi qua vùng đáy của tháng 8 và tháng 12/2015.

Đồ thị VN-Index ngày 06/01/2016. Nguồn: Amibroker
Cây nến trắng dài được hình thành không những tránh cho đường giá xuyên thủng đường PSAR, mà còn giúp chỉ số vượt lên trên trở lại nhóm MA ngắn hạn. Điều này khiến cho rủi ro phá vỡ vùng hỗ trợ đã đề cập ở trên bị giảm thiểu đáng kể, đồng thời có thể làm gia tăng động lực tăng điểm của chỉ số trong một vài phiên kế tiếp khi mà một số các chỉ báo kỹ thuật (MACD, MFI và RSI) đang có diễn biến tăng điểm tương đối tích cực.
Như trong nhận định hôm qua của Nhật Cường, phiên giao dịch hôm nay VN-Index đã trụ vững trên vùng hỗ trợ 565-570 điểm. Mẫu hình nến Inverted Hammer hình thành quanh ngưỡng hỗ trợ 570 điểm trong phiên giao dịch hôm qua cũng đã được xác nhận bởi phiên tăng điểm hôm nay. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch đã có sự suy giảm khá đáng kể, giảm gần 16% so với phiên giao dịch hôm qua và rơi xuống dưới mức bình quân 20 phiên. Với tín hiệu tích cực từ việc mẫu hình nến được xác nhận, Nhật Cường cho rằng VN-Index có thể tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày mai 07/01 và kết thúc nhịp điều chỉnh. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn vẫn có chiều hướng gia tăng và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đang lạc quan với xu hướng hiện tại, đặc biệt rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp tại vùng giá hiện tại. Ngoài ra, áp lực bán chốt lời đã có chiều hướng suy giảm so với các phiên giao dịch trước cho nên các nhà đầu tư không nên bán ra ở vùng giá hiện tại và nên quan sát vào diễn biến dòng tiền để lựa chọn cổ phiếu thích hợp.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 565.41 điểm. Do đó, các nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 06/01/2016:
Áp lực từ sự sụt giảm của chứng khoán Thế giới và Trung Quốc có phần tạm lắng, VN-Index hồi phục ở mức khá trong phiên 06/01/2016, đóng cửa tại 574.5 điểm, tăng 0.81% so với phiên hôm qua. Thanh khoản giảm nhẹ về số lượng tuy nhiên tăng về giá trị, độ rộng thị trường cải thiện. Khối ngoại bán ròng 19 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 4.1%, FTSE ETF premium 1.37%.
Cả hai chỉ số bật tăng trở lại, VN-Index tăng 4,63 điểm (+0,81%) lên mức 574,57 điểm còn HNX-Index cũng tăng 0,25 điểm (0,32%) lên mức 78,67 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn duy trì ở mức gần 2000 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch trên HOSE đạt 1604,4 tỷ đồng (+3,77%) tương đương 95,9 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch trên HNX đạt 371,46 tỷ đồng (-19,5%) tương đương 37,28 triệu cổ phiếu.
Thị trường đã có dấu hiệu ổn định trở lại sau khi chịu ảnh hưởng bởi biến động chứng khoán toàn cầu và cơ chế tỷ giá mới của Ngân hàng nhà nước, tuy nhiên thanh khoản vẫn ở mức hạn chế, chưa có sự tham gia của dòng tiền lớn. VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên nhờ các cổ phiếu lớn như BVH, STB, PLC, MSN, BID, VNM, VCB, GAS… được mua mạnh về cuối phiên và tăng giá trở lại. Các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tăng giá trở lại giúp số lượng mã cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế trở lại với 240 mã tăng so với 165 mã giảm trên cả hai sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trên HOSE nhưng giá trị đã giảm xuống ở mức 26,12 tỷ. Họ bán ra mạnh các mã như VIC (-66,46 tỷ), HHS (-10,2 tỷ), VCB (-7,56 tỷ), PAC (-6,57 tỷ) trong khi mua vào nhiều các mã như C32 (+20,1 tỷ), CAV (+9,86 tỷ), STB (+6,33 tỷ). Trên HNX, khối ngoại duy trì mua ròng 7,13 tỷ đồng với các mã được mua nhiều là PLC (+3,82 tỷ), IVS (+2,76 tỷ), PVC (+2,08 tỷ).
Hiện nay, tỷ lệ Premium của các quỹ ETF đều tăng mạnh cho thấy khả năng các quỹ ETF sẽ huy động được chứng chỉ quỹ và mua ròng trở lại, đây là yếu tố tích cực hỗ trợ cho xu hướng ngắn hạn hiện tại.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
HAR: CTCP An Dương Thảo Điền ước tính quý IV/2015 HAR bị lỗ, cả năm đạt khoảng 12,5 tỷ đồng LNST, hoàn thành 40% kế hoạch, EPS đạt 130 đồng.
—————————————-
BCI: (vốn hóa thị trường: 2,055 tỷ đồng) cần một lượng vốn lớn để đẩy mạnh các dự án kể từ năm 2016.
Kết thúc năm 2015, BCI dự kiến LNST công ty đạt 230 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoàn nhập chi phí liên quan đến dự án Phong Phú 4 và chuyển nhượng đất tại đại lộ Đông Tây.
Trong năm 2016, doanh thu chủ yếu đến từ Phong Phú 4 và dự án tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. Công ty ước tính LNST 2016 vào khoảng 250 tỷ đồng, tương đương EPS 2,800 VND.
Trong năm 2017, doanh thu chủ yếu đến từ dự án An Lạc Plaza (estern Dragon), đã được mở bán cuối tháng 12/2015, sẽ được bàn giao vào quý 4/2017. Trong các năm tới, BCI dự kiến đẩy mạnh tiến độ đền bù các dự án trọng tâm như KCN Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú 2 và TTDC Tân Tạo – Khu A với tổng mức đền bù vào khoảng 3,400 tỷ, gần bằng với tổng tài sản tính đến cuối Q3/2015 của BCI. Đây là các dự án lớn và là nguồn mang lại doanh thu chủ lực cho BCI trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên để có thể xoay sở được một nguồn tiền lớn cho các dự án này, ngoài dòng tiền thu được từ việc thoái vốn các dự án không trọng điểm thu về 450 tỷ và kinh doanh các dự án Phong Phú 4 (thu về khoảng 1,200 tỷ), An Lạc Plaza (thu về 555 tỷ), BCI cần phải vay thêm nợ dài hạn hoặc có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Với mức giá giao dịch hiện tại là 23,700 đồng/cổ phiếu. EPS dự phóng năm 2016 là 2,800 VND/cp. Do đó, P/E dự phóng của BCI cho năm 2016 ở khoảng 8.46x.
—————————————-
VNM: Bộ Tài chính kiến nghị không truy thu thuế các công ty sữa.
Kiến nghị của Bộ Tài chính nhiều khả năng sẽ giúp chấm dứt vấn đề này – Hôm nay truyền thông đưa tin Bộ Tài chính đã gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không truy thu thuế đối với 8 công ty sữa trong đó có VNM. Đầu tháng 12/2015, Tổng cục Hải Quan đã yêu cầu truy thu thuế các công ty sản xuất và nhập khẩu sữa cho giai đoạn 2010-2015 đối với nguyên liệu nhập khẩu có tên “chất béo khan từ sữa” hay Anhydrous Milkfat do Tập đoàn Fonterra của New Zealand sản xuất. Có vẻ như Hải quan đã thay đổi mã nhập khẩu (quy định trong tất cả các tài liệu pháp lý) của mặt hàng này từ 0405.90.10 chịu thuế suất nhập khẩu là 5% từ năm 2010 – 2015 sang mã nhập khẩu mới 0405.90.90 chịu thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn là 15% cho năm 2010 và 2011, 10% cho năm 2012 và 2013 và sau đó là 7% cho hai năm 2014 và 2015. Các công ty sữa sau đó đã gửi thư phản đối đề xuất này.
VNM nhiều khả năng sẽ tránh phải trả thêm thuế – Trong báo cáo trước, ước tính VNM có thể sẽ phải chịu mức truy thu thuế lên tới 280 tỷ đồng nếu có thay đổi mã nhập khẩu như đề xuất của Hải quan. Hiện tại, với khuyến nghị của Bộ Tài chính, nhiều khả năng VNM sẽ không phải chịu thêm bất kỳ khoản thuế nào. Rõ ràng đây là tin tốt đối với tất cả các công ty sữa.
Ước tính KQKD 2015 của VNM với LNST tăng vọt 30,7% so với năm 2014 – ước tính trong năm 2015, VNM đạt doanh thu thuần 39.896 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và LNST đạt 7.932 tỷ đồng, tăng trưởng 30,7%. Cho năm 2016, giữ nguyên dự báo trước đó với doanh thu thuần đạt 44.088 tỷ đồng, tăng trưởng 10,6% và LNST đạt 9.293 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%. Cổ phiếu VNM hiện giao dịch với P/E 2016 là 18,2 lần. Lặp lại khuyến nghị MUA.
—————————————–
CTG: Công bố LNTT đạt 7.360 tỷ đồng với mức tăng trưởng tín dụng cao.
Kết quả tương đối khả quan, ngân hàng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho năm 2015 – Viettinbank (CTG – Nắm giữ) công bố một vài con số sơ bộ với LNTT đạt 7.360 tỷ đồng (tăng 0,8% so với 2014), đạt kế hoạch đề ra trước đó của ngân hàng (7.300 tỷ đồng).
Tổng tín dụng tăng trưởng 24,2% y/y. Từ thông báo chính thức của ngân hàng, chúng tôi thấy rằng tổng tín dụng (bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp, bảo lãnh và bao thanh toán) đạt mức tăng trưởng cao 24.2%. Trong đó, riêng cho vay khách hàng đạt 573.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, tương đương mức tăng 22,1%, cao hơn nhiều mức tăng 16,9% đạt được của năm 2014. Mức tăng trưởng cao có sự đóng góp của hầu khắp các phân khúc khách hàng, với cho vay doanh nghiệp tăng 15,3% và cho vay bán lẻ tăng 51% so với năm 2014.
Hệ số LDR thuần ở mức rất cao – Kết quả khả quan một phần được tạo nên từ việc ngân hàng tiếp tục để hệ số LDR tăng cao. Chúng tôi ước tính LDR thuần đạt 106% vào cuối 2015 so với mức 102% của năm 2014. CTG từ lâu đã duy trì hệ số LDR ở mức cao và đây có thể là một chiến lược không thực sự bền vững. Số ước của chúng tôi dựa trên mức tăng trưởng huy động (có bao gồm giấy tờ có giá) được cho là tăng 18,3% so với 2014, lên 508.940 tỷ đồng. Tỷ lệ LDR tính theo thông tư 36 với nhiều thay đổi trong cấu phần tính toán dĩ nhiên sẽ ở mức thấp hơn nhiều, nhưng như đã nói từ trước, chúng tôi vẫn dùng tỷ lệ LDR thuần trong phân tích của mình vì nó phổ biến và dễ so sánh hơn. Một tỷ lệ LDR cao (trên 100%) sẽ nâng đỡ khả năng sinh lời, nhưng có thể phải đánh đổi bằng gia tăng rủi ro thanh khoản.
Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, được công bố đạt 0,85% – Ngân hàng tiếp tục truyền thống giữ tỷ lệ nợ xấu công bố ở mức rất thấp. Tuy nhiên, do các chi tiết về số dự phòng hay nhóm nợ không được tiết lộ, chúng tôi chưa thể bình luận nhiều về ý nghĩa của con số nợ xấu. Chỉ nhắc lại rằng, thường đi kèm với tỷ lệ nợ xấu thấp, CTG lại có số dư lãi phải thu ở mức cao. Điều này có thể bắt nguồn từ việc ngân hàng báo cáo nợ nhóm 2-5 và nợ xấu ở mức thấp hơn con số đáng lẽ ra phải có. Nếu ghi nhận theo con số công bố là 0,85%, chúng tôi tạm ước tính chi phí dự phòng cho năm 2015 có thể ở mức 5.012 tỷ đồng (tăng 28,5% so với năm 2014).
Hệ số CAR giảm về mức 10% khi tổng tài sản gia tăng nhanh 17,8% – Với CAR chỉ quanh mức 10% vào cuối năm 2015, CTG đang chịu áp lực lớn phải gia tăng nguồn vốn sớm, trong bối cảnh Basel II có thể được áp dụng ngay trong năm 2016. Và theo chuẩn mới này, hệ số CAR của các ngân hàng có thể giảm thêm 10-20%. Theo đó, CTG có thể sẽ tiếp tục phát hành thêm trái phiếu tăng vốn để nâng mức vốn cấp 2.
Thương vụ sáp nhập với PG Bank sẽ được lùi tới Quý 1/2016, theo như trả lời của Tổng Giám đốc ngân hàng – Và có thể cả kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng để chuyển toàn bộ thặng dư thành vốn điều lệ cũng sẽ được trì hoãn. Do một số vấn đề về thủ tục hành chính, thương vụ sáp nhập không thể hoàn thành trong năm 2015 như dự kiến ban đầu mà phải đợi tới quý 1/2016. Các ảnh hưởng của thương vụ theo đó sẽ được phản ánh trong kết quả 2016.
Cho năm 2016, dự báo LNTT đạt 7.440 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng chỉ 1,08% y/y. Xuất phát từ quan điểm tỷ lệ LDR thuần nên được hạ xuống vì rủi ro thanh khoản, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng 16% và tăng trưởng huy động 18%. Dự báo này có thể thấp hơn mục tiêu của ngân hàng về mở rộng cho vay. Và chúng tôi cũng cho rằng NIM sẽ tiếp tục giảm. Chi phí dự phòng dự báo sẽ tiếp tục tăng 38,4% lên 6.937 tỷ đồng với 1.960 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu VAMC. CTG có vẻ đã đi sau các ngân hàng quốc doanh khác trong việc trích dự phòng, và do đó ngân hàng sẽ phải trích quyết liệt hơn trong các năm tới đây. Lặp lại đánh giá NẮM GIỮ.
—————————————-
MSN: Singha đầu tư 1,1 tỷ USD vào Masan Consumer có thể là dấu hiệu cho một số hoạt động M&A trong năm nay. Nâng đánh giá từ Nắm giữ lên Khả quan.
Với việc Singha sẽ đầu tư 1,1 tỷ USD vào Masan sẽ giúp Masan có tiền thực hiện hoạt động M&A nếu muốn – Tuyên bố gần đây của MSN về việc hợp tác với Singha Asia Holding Pte Ltd gợi ý cho khả năng MSN sẽ tích cực thực hiện M&A trong năm nay. Với việc Masan Resources hiện đang hoạt động gần hết công suất và Techcombank bắt đầu đạt KQKD khả quan hơn thì có vẻ MSN sẽ tập trung trở lại vào mảng cốt lõi là hàng tiêu dùng vốn đã tăng trưởng kém đi kể từ 2014.
Singha rõ ràng quan tâm đến thị trường bia của Việt Nam – Singha là doanh nghiệp đầu ngành bia tại Thái Lan với 72% thị phần trong khi đó thị phần bia của Masan Consumer hiện còn rất thấp. Mặc dù Masan Consumer vừa khánh thành nhà máy bia mới làm tăng công suất thêm 200% lên 150 triệu lít; thì công suất của họ cũng chỉ bằng 4% tổng sản lượng của toàn ngành. Doanh thu từ bia của Masan trong 2015 chỉ là 750 tỷ đồng; tương đương khoảng 5,4% doanh thu mảng hàng tiêu dùng.
Thương vụ với Singha gợi ý về khả năng MSN sẽ đầu tư vào một công ty bia lớn trong nước – Không giống như các tập đoàn khác của Thái Lan, Singha không thực sự là một tập đoàn đa ngành (mặc dù công ty có sản phẩm snacks và một số sản phẩm thực phẩm đồ uống khác) mà về cơ bản là một công ty bia. Và đây là lần đầu tiên Singha đầu tư vào Việt Nam nên ít có khả năng công ty này quan tâm đến mảng mỳ ăn liền hay nước chấm cũng như mảng café của Masan Consumer. Trong khi đó mảng bia hiện có quy mô còn quá nhỏ để Singha đầu tư ngay cả khi có hoạt động hợp tác về marketing giữa 2 bên. Singha có lẽ đang đầu tư vào một chiến lược sẽ được thực hiện trong tương lai của Masan Consumer trong đó Masan Consumer có thể thực hiện M&A hay đầu tư chiến lược vào một công ty F&B lớn tại Việt Nam. Lựa chọn ở đây có thể là một công ty bia, hoặc Vinamilk hoặc có thể là một công ty đồ uống tư nhân. Khi đó, rõ ràng Masan cũng sẽ sử dụng một phần số tiền đầu tư này để mở rộng thị trường sang khu vực nội địa ASEAN (Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanma) với các sản phẩm hiện tại và tận dụng mạng lưới phân phối của Singha.
Tóm lại – Singha sẽ mua 25% cổ phần Masan Consumer Holdings (MCH) với giá 1,05 tỷ USD và 33,3% cổ phần Masan Brewery với giá 50 triệu USD. Hiện MSN nắm 100% cổ phần Masan Consumer Holdings (Masan Consumer Holdings nắm 78,4% cổ phần Masan Consumer (MSC) và 99,9% cổ phần Masan Brewery). Singha sẽ mua cổ phần phát hành thêm của 2 công ty và dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 1. Sau khi có tiền mới huy động, tỷ lệ sở hữu của MSN tại Masan Consumer Holding sẽ giảm xuống còn 75% và vẫn nắm 78,4% cổ phần Masan Consumer và 66,7% Masan Brewery. Trên thực tế, MSN sẽ gián tiếp nắm 58,8% cổ phần Masan Consumer và 50% cổ phần Masan Brewery.
Singha rõ ràng sẵn sàng trả một khoản tiền lớn để mua cổ phần Masan Consumer – Chúng tôi dự báo trong năm 2015, Masan Consumer Holdings sẽ đạt LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 2.200 tỷ đồng. Với việc Singha chi 1,05 tỷ USD mua 25% cổ phần MCH, thì toàn bộ MCH được định giá là 4,2 tỷ USD. Dựa trên dự báo của chúng tôi, thì tại giá mua của Singha, P/E dự phóng 2015 là rất cao ở mức 43 lần. Theo ban lãnh đạo MSN, thông qua hợp tác thương vụ hợp tác lần này, Masan và Singha sẽ ngay lập tức mở rộng thị phần vì nền tảng của 2 công ty trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống kết hợp lại sẽ làm tăng năng lực cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong khu vực với trọng tâm là các quốc gia ASEAN. Cụ thể, Masan sẽ xuất khẩu sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện dụng và café sang Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào trong khi Singha có thể tiêu thụ sản phẩm thực phẩm đồ uống tại Việt Nam.
Về kế hoạch sử dụng 1,1 tỷ USD huy động được từ Singha (dự kiến hoàn tất trong tháng 1), ban lãnh đạo MSN khẳng định ưu tiên hàng đầu là đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng hiện tại (mở rộng mạng lưới phân phối, tung sản phẩm mới ra thị trường, mở rộng năng lực sản xuất…). Tiếp theo có thể công ty sẽ thực hiện một số thương vụ M&A. Và ưu tiên thứ 3 sẽ là giảm nợ của MCH (tại thời điểm 30/9/2015 nợ của MCH là khoảng 14.774 tỷ đồng). Ưu tiên thứ 4 là trả cổ tức.
Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu tăng thêm là 30.170đ/cp. Giả định MSN nhận thêm 1,1 tỷ USD vào tháng 1 như dự kiến; thì số dư tiền mặt, đầu tư ngắn hạn và phải thu từ cho vay sẽ tăng lên 39.133 tỷ đồng và giá trị hợp lý mỗi cổ phiếu là 98.188đ. Theo đó, nâng đánh giá cho cổ phiếu MSN từ Nắm giữ lên Khả quan.
—————————————-
IMP: Ước đạt 130 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành kế hoạch năm Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cho biết, năm 2015, IMP ước đạt 980 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành khoảng 93% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế ước đạt 130 tỷ đồng, bằng đúng chỉ tiêu mà ĐHCĐ đã thông qua và cổ tức 20%. Theo ông Định, nguyên nhân Công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu là do việc hạch toán mới theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và một phần do biến động tỷ giá nên nguồn nguyên liệu nhập vào tăng giá. Hiện IMP đã cơ bản hoàn tất quá trình nâng cấp hai nhà máy lên tiêu chuẩn GMP-EU và dự án này vẫn đang thực hiện theo đúng tiến độ. Tiêu chuẩn GMPEU của nhà máy sẽ giúp sản phẩm của IMP tham gia vào các gói thầu cao hơn khi bán hàng vào hệ thống bệnh viện. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng sẽ giúp IMP giành được các hợp đồng nhượng quyền mới từ những công ty dược phẩm đa quốc gia.
—————————————-
NT2: Cổ tức chuẩn bị tăng nhờ vào kế hoạch tích cực năm 2016.
NT2 đã công bố doanh số bán điện năm 2015 5.499 tỷ kWh. Doanh thu năm 2015 đạt 6.763 tỷ đồng (300 triệu USD). Trong khi kết quả lợi nhuận ròng sau thuế (LNST) sẽ được công bố vào giữa tháng 1, công ty đã chính thức công bố sẽ nâng cổ tức chi trả. Khả năng NT2 sẽ nâng cổ tức của mỗi cổ phiếu ít nhất là 33%, từ mức 1.500 đồng lên 2.000 đồng (lợi suất 7,4%). Ngoài ra, NT2 cũng cho biết KQKD năm 2016 (bao gồm doanh thu, LNST và cổ tức) sẽ cao kế hoạch năm 2015 khi công ty kỳ vọng mức tăng trưởng tiêu thụ điện cao trong nước, trong khi nguồn cung mới có thể không đáp ứng được nhu cầu do hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy thủy điện; biên LN cũng sẽ gia tăng do kỳ vọng giá dầu thô thấp trong năm 2016. Mặt khác, NT2 đang thực hiện giai đoạn cuối cùng của việc hoàn tất xin giấy phép đầu tư cho nhà máy điện thứ hai, sẽ tăng gấp đôi công suất của NT2 vào năm 2020.
Cuối cùng. NT2 đang nghiên cứu tính khả thi trong dự án cải thiện hiệu quả hoạt động “Sản xuất CO2 hóa lỏng từ khí thải của nhà máy điện” và “Mở rộng công suất thêm 40MW (+5%)”, giúp cải thiển lợi nhuận của nhà máy điện hiện hữu. NT2 đang giao dịch với PER 5,9 lần dựa theo dự báo EPS 2016, với tổng mức sinh lời 35%.
—————————————-
TSC: HĐQT FIT vừa thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tại TSC. Cụ thể, FIT dự định sẽ bán 11,5 triệu cp TSC, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 8/1 đến ngày 5/2.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Tỷ giá trung tâm không đổi hôm nay dù Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá NDT
NHNN đã giữ nguyên tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ hôm nay sau khi đã tăng hai ngày liên tiếp. Mặc dù NHTW Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu đồng NDT 0,22% lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Tỷ giá tham chiếu của Trung Quốc hiện đã tăng 7 ngày liên tiếp.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giảm nhẹ đóng cửa ở mức 22.477đ và thấp hơn 0,39% so với với trần giao dịch được xác định ở mức 22.564đ. Trong khi đó, theo các báo cáo truyền thông, việc xuất hiện các giao dịch giao sau đã dẫn đến sự tăng mạnh của các hoạt động giao dịch ngoại tệ trên thị trường này trong vài ngày qua.
Chính phủ rõ ràng đã lưu ý những thay đổi gần đây của đồng NDT, tuy nhiên quỹ đạo của hai đồng tiền là khác nhau. Ví dụ, kể từ cuối tháng 11 đến hiện tại, tỷ giá giao ngay của đồng NDT so với đồng USD đã giảm 1,02% trong khi đó tỷ giá giao ngay của tiền đồng so với USD thực tế lại không đổi trong cùng giai đoạn này. Nguyên nhân của sự khác biệt này nhiều khả năng là do chính sách, dường như Trung Quốc đang nỗ lực giảm giá NDT trong khi đó NHNN Việt Nam lại mong muốn bình ổn tỷ giá.
—————————————-
Theo báo cáo mới đây của HSBC, khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng này đánh giá Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Cụ thể, GDP quý IV năm 2015 của Việt Nam đã tăng 7,1% đưa mức tăng trưởng cả năm đạt 6,7%, là mức tăng mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây, vượt mục tiêu do Chính phủ đề ra là 6,26,5%. Sự phục hồi của nhu cầu nội địa, hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng của ngành dịch vụ là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng này. Xét về tiêu dùng, mức tiêu thụ cả năm đã tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,5% trong năm 2014. Trái ngược với đà tăng tốc của tăng trưởng, lạm phát của Việt Nam đã tăng chậm lại, ở mức 0,6% trong năm 2015. Nguyên nhân chính là do giá năng lượng giảm nhưng giá lương thực và giá mặt hàng cơ bản cũng đã có mức giảm đáng chú ý.
Theo đó, HSBC duy trì mức dự báo tăng trưởng trong năm 2016 của Việt Nam đạt 6,7% khi nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Bên cạnh đó, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa sau của năm 2016, tuy nhiên dự báo trên chưa thực sự chắc chắn do diễn biến khó dự đoán của giá dầu thế giới. Cùng với những hiệu ứng cơ bản từ việc ổn định giá dầu và lạm phát giá thực phẩm có thể quay lại, tổ chức này đưa ra dự đoán lạm phát toàn phần của Việt Nam sẽ tăng 3% vào nửa đầu năm 2016 và tăng 5,1% vào nửa cuối năm 2016. Nhìn chung, không chỉ HSBC mà rất nhiều các tổ chính tài chính khác trên thế giới đánh giá cao tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 và kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2016. Với việc nền kinh tế đang bước đầu đi vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp trên sàn có triển vọng cao về hoạt động sản xuất kinh doanh do nhu cầu gia tăng, là tiền đề vững chắc cho đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong dài hạn.
—————————————-
EIU: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh thứ 9 thế giới
Theo danh sách các quốc gia tăng trưởng và suy giảm mạnh nhất năm 2016 vừa được EIU dự báo, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng gần 7% trong năm nay, đứng thứ chín trong số các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
—————————————–
EVN dự kiến tăng giá điện bán lẻ
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề ra giá bán trung bình là 1.651VND/kWh cho năm 2016. Mức giá này chỉ cao hơn 1,3% so với năm 2015.
Tuy nhiên, EVN cũng cho biết thêm là mức giá này chưa phản ánh tác động của việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD năm 2015, việc tăng giá than năm 2016, tăng giá khí cho sản lượng trong bao tiêu và tăng phí tài nguyên và môi trường rừng.
Khả năng mức tăng thực sự sẽ cao hơn so với mức kế hoạch trên đây. EVN cũng đề ra mục tiêu sản lượng tiêu thụ năm 2016 tăng 11%-12%.
—————————————-
Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu đồng NDT
Ngày 6/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ấn định tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ (NDT) là 6,5314 NDT đổi 1 USD, mức giá thấp nhất kể từ tháng 4/2011.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (07/01/2016):
G20: Ngày GD không hưởng quyền phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lê 2:1
KSB: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%.
NAV: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 9%.
ONE: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10:1) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lê 10:6).
—————————————-
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net