1. Nhận định thị trường:
VN-Index tăng nhẹ thêm 0,21 điểm (tương đương 0,04%) lên mức 570,39 điểm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 121 triệu cổ phiếu. Khối lượng giao dịch giảm hơn 13% so với phiên giao dịch hôm qua. Tuy nhiên, vẫn duy trì được trên mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất, và duy trì được xu hướng tăng trong bốn phiên giao dịch gần đây.

Đồ thị VN-Index ngày 03/03/2016. Nguồn: Amibroker
VN-Index tăng nhẹ nhưng trên đồ thị nến lại hình thành cây nến đỏ ngắn thể hiện áp lực bán gia tăng khi đường giá tiến đến thử thách đường SMA100 lần thứ 2. Tuy nhiên, áp lực cung tiềm ẩn tại vùng cản này một lần nữa gây ra khó khăn cho đà đi lên của đường giá. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở trên mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất trong khi độ rộng thị trường lại nghiêng về số mã đỏ. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn đang giữ thái độ thận trọng, cảnh giác đối với vùng cản được tạo bởi nhóm MA dài hạn.
Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang duy trì xu hướng tích cực khi đường giá đã cắt lên trên trở lại đường PSAR với sự trợ giúp của nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên tại thời điểm đường STO đã giao cắt trên đường tín hiệu và xác lập lại xu hướng tăng. Đường MFI đang vận động trên ngưỡng 80 cho thấy dòng tiền vẫn đang có dấu hiệu chảy vào thị trường. Đường MACD histogram đang đi ngang mặc dù đường MACD vẫn đang đi lên. Cùng với đó là sức mạnh nội tại của đường giá đang ở mức cao, thể hiện qua xu hướng tăng khá bền vững của chỉ báo RSI. Ngoài ra, đường ADX vẫn nằm trên ngưỡng 25 trong sự phân kỳ trở lại của 2 đường DI. Những tín hiệu trên sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 04/03/2016, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đà tăng điểm tiến tới thử thách vùng kháng cự 574-580 điểm. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và chỉ số VN-Index có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc nhẹ tại vùng kháng cự. Ngoài ra, dòng tiền chưa có hiện tượng rút khỏi thị trường. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên duy trì vị thế nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 550.65 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh và rung lắc trong phiên 04/03/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới. Đồng thời, Nhật Cường khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên vội mở trạng thái bán trong thời điểm này.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 03/03/2016:
Hai sàn tăng giảm trái chiều ở biên độ khá thấp khi động thái chốt lời mở rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Thanh khoản có phiên giảm 14% về giá trị so với phiên hôm qua, độ rộng thị trường thu hẹp. Khối ngoại mua ròng hơn 97 tỉ đồng. VNM ETF premium 1.16%, FTSE ETF premium 0.24%.
Các thị trường củng cố hôm nay sau khi biến động trong biên độ hẹp. GTGD cao; độ rộng thị trường trung tính; đã có 29 mã tăng trần và 28 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN vẫn ở mức cao và khối này đã mua ròng. Hoạt động giao dịch thỏa thuận đã chứng kiến giao dịch thảo thuận lớn diễn ra ở các mã MSN; VNM; giao dịch thỏa thuận trung bình diễn ra ở các mã CTI & KSB.
Các thị trường lình xình với GTGD tốt sau khi đã tăng gần đây. Chuyên viên thấy hôm nay không có tin gì đáng chú ý với thị trường Mỹ và thị trường khu vực cũng đang chững lại chờ thông tin việc làm sẽ được công bố vào ngày mai tại Mỹ; và sau đó là cuộc họp của Fed. Khối ngoại hôm nay vẫn mua ròng.
• Các mã ngân hàng biến động trái chiều với CTG & EIB tăng nhẹ. ACB & MBB đóng cửa tại tham chiếu trong khi VCB & STB giảm. Các mã ngân hàng đã củng cố sau khi tăng gần đây.
• BVH giảm sau khi tăng hôm qua. Các mã chứng khoán đã chứng kiến hoạt động chốt lời với cả SSI & HCM giảm.
• VNM giảm trong khi FPT tăng. BMP đóng cửa tại tham chiếu.
• Các mã ngành tài nguyên có sự phân hóa. GAS tăng mạnh trong khi PVD và PVS chỉ tăng nhẹ. GAS đã tăng tốt hơn so với PVD và PVS trong những phiên gần đây.
• Các mã ngành tiện ích diễn biến trái chiều. PPC tăng tốt trong khi NT2 giảm trở lại sau khi tăng hôm qua.
• VIC tăng trong khi BCI và NLG giảm.
• Các mã ngành sản xuất như PAC và DRC tăng hôm nay. Những mã này đã khá trầm trong năm ngoái và có lẽ hiện đã tích được đà tăng. Chuyên viên ưa chuộng cả hai cổ phiếu này.
• HAG và HNG tiếp tục giảm sau khi bật kỹ thuật gần đây. NĐT sẽ theo dõi sát giá 2 cổ phiếu này do khả năng ảnh hưởng đến một số cổ phiếu ngân hàng.
• DHG đã chịu áp lực chốt lời sau khi tăng mạnh trong những tuần gần đây. Hiện có nhiều tin đồn trên thị trường xung quanh cổ phiếu này.
• TTF tiếp tục giảm mạnh với áp lực bán lớn sau khi tin đồn liên quan đến VIC đã được xác nhận.
• CTD tạm dừng sau khi tăng gần đây. HBC giao dịch trầm lắng.
Trên HSX, khối ngoại tiếp tục mua ròng tuy nhiên giá trị mua ròng giảm gần một nửa so với phiên trước, chỉ đạt trên 76 tỷ đồng. MBB vẫn dẫn dầu về khối lượng mua ròng với trên 1,2 triệu đơn vị. MSN, DPM và KBC cũng được mua ròng nhẹ.
Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng trên 20,6 tỷ đồng phiên hôm nay. SCR tiếp tục được mua vào rất tích cực với khối lượng mua ròng dẫn dầu HNX, đạt trên 1,5 triệu đơn vị. Chiều ngược lại, VND dẫn đầu về khối lượng bán ròng với 129 nghìn đơn vị.
Giá dầu hôm nay giảm từ đỉnh gần đây sau khi thông tin cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 10,4 triệu thùng lên mức kỷ lục là 517,98 triệu thùng trong tuần trước. Cho dù vậy tồn kho dầu thô là chỉ báo có độ trễ và không ảnh hưởng đến ý kiến chung cho rằng sản lượng dầu sản xuất tại Mỹ đang giảm dần thể hiện qua số liệu về sản lượng và số lượng mỏ dầu đang khai thác công bố gần đây. Tuy nhiên thị trường chứng khoán liên hệ khá mật thiết với biến động ngắn hạn của giá dầu nên thị trường phố Wall đêm qua và thị trường khu vực Châu Á hôm nay đã ngừng đà tăng. Giá dầu WTI đã hồi phục 32,7% kể từ đáy một tháng trước.
Trong khi đó bình luận mới nhất của Fed về tình hình kinh tế Mỹ cho thấy sự tăng trưởng chung nhưng có sự phân hóa đáng kể giữa các ngành và khu vực địa lý. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào vào 15-16/3 để thảo luận về chính sách. Và với tình hình trên cộng với sự bất ổn của thị trường chứng khoán khoán và nền kinh tế thế giới, thì nhiều người cho rằng Fed sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc gặp lần này. Trên thực tế NHTW Châu Âu ECB dự kiến cũng sẽ sớm họp và nhiều người kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục có biện pháp kích thích nhằm ngăn chặn Châu Âu rơi vào tình trạng giảm phát sâu hơn.
Đà tăng của thị trường đã khựng lại đôi chút khi NĐT đẩy mạnh các hoạt động chốt lời ngắn hạn, dẫn đến cổ phiếu giảm điểm trên diện rộng. Điều này là dễ hiểu khi VN-Index đang ở khá gần với các ngưỡng kháng cự nhạy cảm. Nền tảng thị trường vững chắc hơn trong bối cảnh cả thanh khoản và khối ngoại mua ròng là tích cực. Vào thời điểm hiện tại, sự bất ổn đang dần biến mất và niềm tin đã trở lại nhờ giá hàng hóa phục hồi và sức khỏe kinh tế Mỹ tốt hơn kì vọng. Theo đó, Chuyên viên tiếp tục đánh giá cao về khả năng tăng trưởng của thị trường trong ngắn hạn. Các thị trường sơ khai đã tăng tốt hơn các thị trường mới nổi và các thị trường phát triển trong khoảng một tháng qua. Và có lẽ đây là lý do khối ngoại đã mua ròng trở lại trong khoảng hơn một tuần trở lại đây. Trước mắt, xu thế chung của thị trường vẫn là củng cố và đi lên.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
GAS: Giữ nguyên cổ tức dù tình hình 2015 khó khăn.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) hôm nay cho biết sẽ trả cổ tức đợt cuối cho năm 2015, gồm 2.000VND/cổ phiếu. Như vậy, cổ tức cho năm 2015 tổng cộng là 3.000VND/cổ phiếu. Mức cổ tức này phù hợp với mục tiêu công ty đề ra cũng như dự báo của Chuyên viên. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 18/03 và ngày trả cổ tức là 13/04.
Việc GAS vẫn giữ mức cổ tức trên trong bối cảnh tình hình năm 2015 khó khăn, lợi nhuận cả năm theo báo cáo giảm 40%, dường như đã hỗ trợ niềm tin của nhà đầu tư. Giá cổ phiếu GAS tăng 1,1% lên 45.200VND sau khi có thông tin trên, nhưng chuyên viên cũng xin lưu ý rằng việc giá dầu tăng nhẹ lên 37USD/thùng hôm qua cũng có tác dụng hỗ trợ.
GAS cũng đề ra mục tiêu trả cổ tức 3.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2016, với lợi suất cổ tức 6,7% theo giá cổ phiếu hiện nay, giả định giá dầu trung bình đạt 60USD/thùng. Tuy nhiên, công ty dự kiến sẽ duy trì mức cổ tức này ngay cả khi giá dầu tiếp tục dao động xung quanh mức 40USD/thùng. Giá mục tiêu chuyên viên hiện đưa ra cho GAS là 38.500 đồng/cổ phiếu.
——————
SCR: Hoạt động tái cấu trúc tài chính ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Giai đoạn tái cơ cấu tài chính hoàn thành, tạo nền tảng cho sự phát triển từ 2016. Chịu áp lực từ khi có sự thay đổi sở hữu tại Ngân hàng Sacombank, trong giai đoạn 2012 đến 2014, hoạt động Sacomreal rất khó khăn khi chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản và triển khai các dự án đang kinh doanh. Tuy nhiên sang năm 2015, Công ty có tín hiệu khởi sắc về tình hình tài chính khi được sự hỗ trợ từ Tập đoàn Thành Thành Công, thu được nguồn tiền từ việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Celadon City (Gamuda thanh toán phần tiền phát sinh từ quyền sử dụng đất trong cam kết trước đây về dự án Celadon City) và mở bán các dự án mới. Tính tại 31.12.2015, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn là 556 tỷ, giảm 1.569 tỷ so với đầu năm. Tiền mặt dồi dào khoảng 200 tỷ, tăng 160 tỷ so với 31.12.2014. Kết quả là, cấu trúc vốn của SCR đã trở nên an toàn và lành mạnh hơn với tỷ lệ nợ vay / VCSH là 0,18 so với mức 0,93 (2014) và 0,97 (2013). Bên cạnh đó, Công ty đã tận dụng mua thêm một số dự án. Mặc dù, quy mô các dự án này không lớn (mỗi dự án khoảng 200 – 300 căn ở các khu vực đông dân cư) nhưng có tính thanh khoản cao, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.
Công ty sẽ triển khai kinh doanh nhiều dự án trong năm 2016. Theo danh mục dự án công bố, Công ty phân loại dự án theo từng phân khúc với 3 tên gọi Jamona (dự án phức hợp), Charmington (cao cấp) và Carillon (trung bình khá).
– Chuỗi dự án Carillon hiện có 5 dự án tập trung khu vực Tân Phú, Tân Bình với tổng số căn khoản 1.100 căn và giá bình quân từ 16 – 29tr/m2. Công ty đã bán 321 căn (Carillon 2&3) và 779 căn của Carillon 4,5,6 sẽ kinh doanh trong 2016. Thời điểm ghi nhận từ cuối 2017.
– Chuỗi dữ án Jamona có 3 dự án là Jamona City (10,5ha ở Đào Trí), Jamona Gold Silk (7,6ha ở Nguyễn Văn Ba) và Jamona Home Resort (Arista cũ). Jamona Home Resort có 238 căn đã bán xong. Jamona City đã bán 700/700 NOXH, 100/249 NO thương mại, 201 nền nhà phố. Công ty còn 301 căn NOXH để cho thuê và khu biệt thự Sky Villa chưa mở bán (công ty đang điều chỉnh thiết kế). Đối với dự án Jamona Gold Silk gồm 238 căn nhà phố, biệt thự và 281 căn hộ với tổng mưc đầu tư 700 tỷ đồng. Các căn nhà phố, biệt thự được bán trước và kỳ vọng ghi nhận doanh thu trong 2016. Giá bán chưa công bố.
– Chuỗi dự án Charmington hiện có 1 dự án Charmington La Point ở Cao Thắng, Quận 3 với 508 căn. Đây là dự án phát triển theo hình thức thuê 50 năm và đang được kinh doanh. Công ty đang nghiên cứu phát triển hai dự án Charmington Plaza – Tản Đà, Quận 5 và Charmington Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, hai dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục pháp lý.
Nhiều dự án được mở bán nhưng doanh thu và lợi nhuận chưa được ghi nhận. Mặc dù, công ty chưa chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2016, tuy nhiên với tiến độ triển khai các dự án, Chuyên viên dự đoán doanh thu bất động sản sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận từ cuối 2017 và chủ yếu vào năm 2018. Năm 2016, lợi nhuận của Công ty có thể sẽ tiếp tục được đóng góp từ hoạt động tài chính, khi mà, HĐQT đã thông qua Nghị quyết về giao dịch giữa SCR với 1 loạt công ty liên doanh, liên kết. Do đó, Chuyên viên cho rằng kết quả kinh doanh 2016 chưa có sự tăng trưởng so với 2015.
Nhận định:
Chuyên viên cho rằng Công ty đã có những tín hiệu lạc quan hơn so với đầu năm 2015. Trong đó, hai rủi ro lớn nhất mà công ty luôn phải đối diện trong giai đoạn 2012 -2014 là tính thanh khoản và hàng tồn kho lớn đã phần nào được giải quyết trong 2015. Cụ thể, (1) Tình hình tài chính cải thiện đáng kể với dư nợ vay giảm mạnh, tiền mặt dồi dào (2) Thị trường bất động sản phục hồi giúp công ty mở bán thành công hai dự án có tồn kho lớn là Jamona City và Jamona Home Resort.
Trên cơ sở tình hình tài chính ổn định và rủi ro về nhân sự giảm thiểu, SCR sẽ bắt đầu đẩy mạnh việc kinh doanh trở lại từ năm 2016. Mặc dù, doanh thu và lợi nhuận chưa kịp ghi nhận nhưng đó là tiền đề cho sự tăng trưởng vào năm 2018 – 2019. Dự kiến trong tháng 3, Công ty sẽ tổ chức 1 buổi giới thiệu danh mục dự án đến các nhà đầu tư. Đây là thông tin tích cực trong ngắn hạn của SCR. Giá cổ phiếu SCR tăng 16% trong gần 1 tháng và chỉ số P/B hiện tại là 0,69 lần. Với mức P/B này, Chuyên viên đánh giá cổ phiếu SCR vẫn còn phù hợp để nhà đầu tư xem xét khi mà tài sản vẫn còn định giá thấp. Vùng giá mà Chuyên viên cho rằng nhà đầu tư có thể tích lũy là 8.800 – 9.000 đồng/cp.
——————
TDH: CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (HSX – TDH) – Cần một bước đột phá
Đại diện TDH cho rằng, dự thảo TT36 nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng trước tiên đến phân khúc BĐS cao cấp, nơi chủ yếu tập trung nhu cầu đầu cơ, cho thuê lại hoặc để kinh doanh thay vì nhu cầu ở thực. Là một tên tuổi lớn trong phân khúc nhà ở vừa túi tiền và đất nền khu vực ven TP.HCM, TDH được đánh giá là doanh nghiệp sẽ ít bị tác động bởi việc siết cho vay BĐS trong thời gian tới.
Năm 2015, TDH ghi nhận doanh thu thuần là 882 tỷ đồng tăng trưởng hơn 55% so với năm 2014 dù LNST giảm 7% còn 47,2 tỷ đồng. Khoản chi phí quản lý tăng mạnh trong năm vừa rồi được bù đắp phần lớn bởi các khoản hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận từ việc thanh lý một số khoản đầu tư. Những dự án đem lại nguồn thu chính cho mảng kinh doanh BĐS của TDH trong năm 2015 là dự án chung cư TDH –Phước Long, Phước Long Spring Town và TDH – Trường Thọ. Mở bán cuối tháng 6/2015, thời điểm thanh khoản trên thị trường căn hộ TP.HCM đang đạt đỉnh điểm, dự án TDH – Phước Long đã kinh doanh (bán và nhận đặt chỗ) được hơn 90% số căn hộ đến cuối tháng 01/2016. Thuộc dòng sản phẩm căn hộ vừa túi tiền S-Home, TDH – Phước Long đưa ra thị trường các căn hộ có diện tích 45 – 85m2 và giá bán từ 17,5 triệu/m2. Dự án dự kiến sẽ bàn giao từ cuối quý 2 và cho phép TDH ghi nhận doanh thu từ quý 3 năm nay.
Tận dụng sự sôi động của thị trường căn hộ, TDH dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư dòng sản phẩm S-Home với 2 dự án chung cư TDH – Bình Chiểu lô I và lô H (thuộc dự án Bình Chiểu 4ha) và căn hộ phân khúc trung bình với dự án Centum Wealth (quận 9, Tp.HCM). Cả ba dự án nói trên đều đã có giấy CNQSDĐ và đang triển khai thiết kế, xin giấy phép xây dựng để có thể khởi động cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, các dự án này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.300 căn hộ từ trong giai đoạn 2016-2017.
Đối với đất nền, TDH sẽ tiếp tục tập trung cho các dự án Bình Chiểu GĐ2 (4ha -Thủ Đức, TP.HCM), TDH – Tocontap (1,1ha – quận 9, TP.HCM) và Long Hội City (20ha – Bến Lức, Long An) trong năm 2016. Trong đó, dự án Bình Chiểu và TDH-Tocontap được đánh giá cao về khả năng kinh doanh nhờ vị trí tương đối thuận lợi. Ngược lại, do thị trường đất nền ở Long An chưa có nhiều khởi sắc, khả năng bán hàng của Long Hội City là tương đối thấp. Do đó, có thể TDH sẽ cân nhắc việc bán sỉ toàn bộ dự án cho một nhà đầu tư khác. Song song với các dự án ở vùng ven, TDH đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất tại trung tâm TP.HCM để phát triển các dự án cao ốc văn phòng, TTTM hoặc chung cư cao cấp.
Với các kế hoạch nói trên, nhu cầu vốn đầu tư cho năm 2016 ước tính vào khoảng 300-500 tỷ đồng. TDH dự kiến phát hành thêm gần 21 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 12.500 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục thanh lý các khoản đầu tư tài chính và một số dự không hiệu quả để huy động vốn cho hoạt động đầu tư BĐS. Năm 2015, TDH đã chuyển nhượng cổ phần tại 5 công ty con và công ty liên kết trong năm 2015, qua đó ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng hơn 77 tỷ đồng cùng 26,5 tỷ đồng lợi nhuận thanh lý. Trong đó, cổ phần của TDH tại CTCP Thông Đức (chủ đầu tư dự án La Sapinette – Đà Lạt) và Công ty TNHH Phúc Thịnh Đức (chủ đầu tư Chung cư TDH – Phúc Thịnh Đức 14.680 m2) được chuyển nhượng cho Fideco (HSX – FDC) với tổng giá trị hai giao dịch là 357,1 tỷ đồng. Nhưng đáng chú ý, trong tháng 1 vừa rồi TDH đã thông qua chủ trương mua vào 6.874.000 cổ phiếu FDC qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của Công ty tại đây lên 24,89%. Thời điểm đó, giá cổ phiếu FDC đang giao dịch quanh mức 21.000 đồng/cp.
Nhìn chung, TDH là một doanh nghiệp có tên tuổi và hoạt động kinh doanh ổn định. Quan hệ hợp tác với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đem lại lợi thế lớn TDH trong việc mở rộng quỹ đất sau khi Vinatex cổ phần hóa. Công ty hiện đang sở hữu quỹ đất sạch khoảng 45-50ha tại Tp.HCM, phần lớn được tích lũy từ sớm và hoàn tất về mặt pháp lý. Tuy nhiên, quỹ đất của TDH khá phân tán và tập trung chủ yếu ở khu vực ven thành phố (quận 9, Thủ Đức). Trừ dự án Cantavil GĐ1 và Cantavil Premier, các sản phẩm của TDH hầu hết nằm ở phân khúc trung bình – thấp. Mặt khác, nhu cầu vốn đầu tư lớn cho các năm tới sẽ là áp lực đối với đợt phát hành thêm lần này và đòi hỏi TDH phải nỗ lực hơn để việc tái cơ cấu hoạt động đầu tư đem lại hiệu quả thực chất.
——————
CTD: Thông tin công ty đang đàm phán một dự án xây dựng lớn tại Đà Nẵng. Tuy nhiên hiện hợp đồng chưa được ký.
Thông tin công ty được mời làm tổng thầu cho dự án “Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng” tại Đà Nẵng. Đây là dự án có diện tích 2,2 ha do CTCP PPC An Thịnh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 10 nghìn tỷ đồng bao gồm 3 tòa căn hộ và 1 khách sạn 5 sao. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai từ tháng 3/2016 đến tháng 4/2018. Tuy nhiên theo CTD, công ty đang trong giai đoạn đàm phán và chưa ký hợp đồng.
Chuyên viên cho rằng giá trị hợp đồng sẽ thấp hơn tổng giá trị đầu tư 10 nghìn tỷ đồng của dự án do CTD chỉ phụ trách phần xây dựng. Tuy nhiên hợp đồng này khi được ký vẫn sẽ làm tăng đáng kể tổng giá trị hợp đồng ký được của CTD. Trong năm 2015, chuyên viên ước tính CTD ký mới được 21 nghìn tỷ đồng trị giá hợp đồng (tăng 139%) và phần hợp đồng chuyển sang năm 2016 là khoảng 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 125%). Giả định là phần xây dựng bằng 60% tổng vốn đầu tư dự án trên thì giá trị hợp đồng được ký tương đương 6 nghìn tỷ đồng; giúp cho tổng giá trị hợp đồng của CTD tăng 44,4%.
Cho 2016, Chuyên viên dự báo doanh thu thuần đạt 16.700 tỷ đồng (tăng trưởng 23%) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 856 tỷ đồng (tăng trưởng 29%); EPS dự phóng đạt 17.386đ. Tại thị giá hiện tại, P/E dự phóng 2016 là 9,7 lần và P/B là 2,1 lần; nghĩa là hợp lý nếu so với các doanh nghiệp xây dựng khác. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan.
——————
HAH: Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH – HOSE)
Kết quả kinh doanh 2015: Doanh thu thuần đạt 524 tỷ (+22%yoy), trong đó doanh thu từ hoạt động khai thác cảng đạt 350 tỷ (+21%yoy), hoạt động khai thác tàu đạt 171 tỷ (+25%yoy), LNTT đạt 182 tỷ (+36%yoy). Trong đó đáng lưu ý, ở mảng vận tải biển, năm 2015 HAH vận chuyển được 90.000 TEU tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 – 43.000 TEU.
HAH đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhờ:
(1) Mảng container lạnh lưu kho tạm nhập tái xuất với BLNG cao (~50%) tăng cao, đặc biệt trong quý 4/2015. HAH đã đầu tư 600 ổ điện (gấp đôi so với quý 3/2015) để phục vụ cho việc lưu bãi container lạnh.
(2) Năm 2015 đưa vào hoạt động 1 tầu vận tải container nội địa là Hai An Time với tuổi tàu trung bình 15 tuổi, công suất 1,032 TEU, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 4 triệu USD.
Kế hoạch kinh doanh 2016:
HAH đặt kế hoạch tổng sản lượng khai thác đạt 455,000 TEUs (+3%yoy), DTT đạt 580 tỷ (+7.6%yoy), trong đó mảng bốc xếp tại cảng Hải An đạt 348 tỷ (giảm 6% so với năm 2015), vận tải container đạt (+37%yoy). HAH dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30%.
Trong năm 2016, với lợi thế 3 tầu hoạt động trên tuyến Hải Phòng- T.p Hồ Chí Minh, HAH dự tính mở thêm tuyến Hải Phòng – Cái Mép nhờ dự báo sản lượng tăng trưởng nhanh tại khu vực cảng Cái Mép và tận dụng khoảng thời gian trống (khoảng 12 – 14 tiếng) để làm hàng chuyển tải.
Nhận định:
Mảng bốc xếp tại cầu cảng không còn tiềm năng phát triển do (1) cầu cảng của HAH đã hoạt động vượt công suất dự kiến 25% năm 2015. (2) Vị trí cảng HAH nằm cách chân cầu Bạch Đằng ~1 km, trong vùng an toàn chân cầu nên tàu lớn khó vào làm hàng.
HAH mở rộng phát triển sang mảng vận tải biển nội địa. (1) Tàu Hải An. Time sẽ hoạt động cả năm 2016 thay vì chỉ hoạt động 3 tháng cuối năm như trong năm 2015. (2) Tuyến vận tải mới giúp HAH tận dụng thời gian chạy vòng (round trip) từ T.p Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, giảm tỷ lệ chạy tàu rỗng.
Tuy nhiên rủi ro là (1) cạnh tranh cao trong vận tải container nội địa. (2) Mảng vận tải biển có BLNG thấp so với khai thác cảng biển.
——————
VSC: Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (VSC – HOSE)
Dự án Cảng Xanh VIP:
Cảng Xanh VIP có vị trí ngay cạnh cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) về phía hạ lưu sông Cấm với diện tích bãi khoảng 18 – 20 ha.
Hiện tại, cầu cảng 1 đã đi vào hoạt động với 2 cẩu QC và 3 cẩu quay, tiếp nhận 4 – 5 chuyến/tuần (khoảng 70% công suất thiết kế). Khách hàng chính là Evergreen (80% sản lượng thông qua) và OOCL (20% sản lượng thông qua) với sản lượng khoảng 700 – 800 TEU nhập và khoảng 500 TEU xuất (có khoảng 200, 300 TEU rỗng) trong 1 chuyến.
Cầu cảng 2 dự kiến hoàn thành trước kế hoạch. Hiện tại hệ thống thiết bị đang trên đường về Việt Nam, dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ đưa vào khai thác. Như vậy sau khi cầu 2 đi vào khai thác, Cảng VIP Green sẽ khai thác được tối đa 500.000 TEU/năm, phục vụ được tàu có trọng tải 20.000 DWT.
Theo như tính toán của chuyên viên và có tham khảo ý kiến của anh Đào Mạnh Đăng – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Xanh VIP thì tới năm 2019 VGP mới có lãi.
Về việc VIP thoái vốn:
Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO đang có kế hoạch thoái vốn tại Công ty cổ phần Cảng Xanh VIP. Hiện tại VIPCO đang nắm 24% cổ phần tại Cảng Xanh VIP và VSC đang có kế hoạch mua lại toàn bộ số cổ phần đó, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 51% lên 75%.
——————
SAM: Tổng giám đốc đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu
Theo HSX, ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM vừa đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu SAM bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 8/3 đến 6/4/2016. Hiện tại, ông Đỗ Văn Trắc nắm giữ hơn 7,36 triệu cổ phiếu, tương đương 4,08% vốn điều lệ SAM. Nếu giao dịch thành công, ông Trắc sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu SAM lên 5,47% (9,86 triệu cổ phiếu) và trở thành cổ đông lớn của Công ty. Năm 2015, SAM đạt doanh thu 2.216 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ, hoàn thành vượt 39,6% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 69,68 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 68,5% kế hoạch năm và giảm 28,8% so với cùng kỳ. HĐQT SAM cũng vừa thông qua nghị quyết công bố kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu đạt 2.503 tỷ đồng và lợi nhuận 120 tỷ đồng.
——————-
SD9: Lãi sau thuế 86,8 tỷ đồng, vượt 58,9% kế hoạch năm
TCP Sông Đà 9 (SD9-HNX) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015. Theo đó, năm 2015, SD9 đạt doanh thu thuần hợp nhất 1.188 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ, nhưng vượt 14,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 86,8 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và vượt 58,9% kế hoạch năm; EPS đạt 2.305 đồng. Việc doanh thu giảm nhẹ, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng khá mạnh năm qua một phần do khoản lợi nhận khác của SD9 tăng đột biến, cao gấp 5 lần năm trước, đạt 17,2 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của SD9 gần 1.858 tỷ đồng, giảm 15,58% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng 20,69%, lên 125,57 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 45,96%, xuống còn hơn 250 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm hơn 402 tỷ đồng, tương ứng giảm 27,55% còn 1.057 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn giảm gần 33%, xuống 714 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty đã loại bỏ được hơn 108 tỷ đồng phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng; còn nợ dài hạn cũng giảm 13,16% xuống 343 tỷ đồng. Năm 2016, theo Nghị quyết HĐQT, SD9 đặt kế hoạch đạt tổng giá trị sản xuất kinh doanh 1.120 tỷ đồng, doanh thu hơn 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ đồng. Trong đó, quý I dự kiến đóng góp 201,5 tỷ đồng doanh thu và 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm nay, SD9 dự kiến trả cổ tức tỷ lệ từ 8-10%. Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư 190 tỷ đồng mở rộng sản xuất kinh doanh và 95,4 tỷ đồng để nâng cao năng lực thi công.
——————
Vissan: Lượng cổ phần đặt mua tại IPO Vissan cao gấp 5,6 lần lượng cổ phần chào bán. IPO sẽ diễn ra vào ngày 7/3
Vissan là doanh nghiệp đầu ngành chế biến thịt và là doanh nghiệp quy mô trung bình trên thị trường thịt tươi. Công ty chủ yếu hoạt động tại miền Nam và có chuỗi giá trị từ giết mổ đến bàn ăn. Lượng cổ phần đặt mua tại IPO Vissan cao gấp gần 6 lần lượng cổ phần chào bán và IPO sẽ diễn ra vào ngày 7/3 với giá khởi điểm là 17.000đ/cp. Định giá có vẻ hợp lý cho một doanh nghiệp hàng tiêu dùng với P/E dự phóng 2016 là 11,3 lần; P/B là 1,7 lần và EV/EBITDA là 10,8 lần.
Lượng cổ phần đặt mua cao gấp 5,6 lần lượng cổ phần chào bán – Lượng cổ phần đặt mua trong đợt IPO đang chú ý đầu tiên của năm (Vissan – doan nghiệp chế biến thịt) cao gấp 5,63 lần lượng cổ phần chào bán. Cụ thể lượng cổ phần đặt mua là 63,59 triệu cổ phần trong khi lượng cổ phần chào bán là 11,32 triệu cổ phần. Có 7 NĐT tổ chức nước ngoài đăng ký đấu giá 22,63 triệu cổ phần. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 7/3 với giá khởi điểm là 17.000đ/cp. Có thể nói với lượng cổ phần đăng ký đấu giá cao như vậy thì giá đấu thành công có lẽ sẽ cao hơn khá nhiều so với giá khởi điểm.
Theo kế hoạch cổ phần hóa, công ty có vốn điều lệ là 809 tỷ đồng; tương đương 80.914.300 cổ phần. Trong đó nhà nước nắm giữ cổ phần kiểm soát là 65%. Còn lại 14% tương đương 11.328.020 cổ phần được bán đấu giá lần đầu ra công chúng và 14% tương đương 11.328.020 cổ phần được bán cho NĐT chiến lược; còn lại 7% sẽ được cháo bán cho CBCNV và công đoàn công ty.
Chuyên viên định giá cổ phiếu Vissan là 20.411đ/cp dựa trên phương pháp định giá tổng hợp – bao gồm cả phương pháp P/E và EV/EBITDA.
Các đối tác chiến lược tiềm năng – Theo ban lãnh đạo Vissan, CJ Agri Vina, Proconco và Anco đã đăng ký mua 14% cổ phần phát hành cho đối tác chiến lược. Cả 3 công ty này đều có mặt trong thị trường thức ăn chăn nuôi. Và trên thực tế, cả ba công ty CJ (CJ foods), Proconco (Masan) và Anco (Masan) đều thuộc sở hữu của những doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn hơn. Cả ba đều có khả năng giúp Vissan tăng trưởng nhanh thông qua chuỗi giá trị Thức ăn chăn nuôi – Chăn nuôi – Thực phẩm. Chuyên viên cho rằng Masan nếu trở thành cổ đông chiến lược có thể sẽ đem lại nhiều giá trị nhất. Tuy nhiên quá trình để có thể kiểm soát tại Vissan sẽ mất vài năm do nhà nước vẫn nắm cổ phần kiểm soát là 65%. Cổ phiếu Vissan sẽ được niêm yết sau khoảng 1 năm và theo chuyên viên khi đó cổ phiếu sẽ phù hợp hơn cho NĐT trung dài hạn.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Bội chi ngân sách 25 nghìn tỷ đồng sau 2 tháng
Bộ Tài chính vừa cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện trong tháng 2 ước đạt 66,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 2 tháng đầu năm đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu nội địa đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, bằng 17,8% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô tiếp tục sụt giảm với 5,77 nghìn tỷ đồng sau 2 tháng, bằng 10,6% dự toán và bằng 43,1% cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu đóng góp 31,2 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, giảm 17,6% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 2 ước đạt 81,73 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 2 tháng đầu năm ước đạt 185,59 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khoản chi đầu tư phát triển đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, bằng 12,4% dự toán, tăng 5,8%. Chi trả nợ và viện trợ đạt 28,85 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 4,7%. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 125,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% dự toán, tăng 5,1% so cùng kỳ. Như vậy, bội chi NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 25,47 nghìn tỷ đồng, bằng 10% dự toán năm.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (04/03/2016):
GEX: Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
DBC: Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net