1. Nhận định thị trường:
VN-Index hôm nay tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 4.11 điểm (tương đương 0.76%) lùi xuống còn 536.45 điểm. Giao dịch trầm lắng do tâm lý nghỉ Tết sớm. Điều này cũng phần nào được thể hiện qua việc thanh khoản vẫn theo xu hướng giảm dần và rơi xuống mức thấp dưới mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 93,183,702 đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.397,41 tỷ đồng.

Đồ thị VN-Index ngày 02/02/2016. Nguồn: Amibroker
Chỉ số đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ hình thành kênh xu hướng đi ngang tích lũy quanh đường SMA20 trong ngắn hạn, bởi đường giá có thể phải cần thêm thời gian chờ đợi nhóm MA ngắn hạn chuyển dịch sang trạng thái đi ngang để giảm bớt sức ép phải chịu từ đường middle của dải BB và đường SMA50 đang hướng xuống. Đường STO đã rơi khỏi vùng quá mua để xác lập xu thế giảm điểm. Còn đường ADX tuy đang trong xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá xa mới về đến ngưỡng 25, trong khi khoảng cách giữa 2 đường DI vẫn còn khá rộng. Tuy nhiên các tín hiệu này đều đang bị nhiễu bởi tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trước tết Nguyên Đán thường không phản ánh rõ xu hướng sắp tới của thị trường. Đồng thời các các chỉ báo kỹ thuật khác vẫn đang tương đối khả quan, cũng như diễn biến tích cực của chỉ số trên khung thời gian tuần như đã đề cập trong các nhận định trước.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường vẫn đánh giá cao khả năng VN-Index sẽ sớm kết thúc nhịp điều chỉnh và tiếp tục tăng điểm để hướng đến thử thách đường SMA50 trong phiên giao dịch ngày mai 03/02/2016 (ngày kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng). Đồng thời, áp lực bán có thể sớm giảm dần và lực cầu giá thấp có thể sẽ gia tăng trở lại khi nhiều cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn. Ngoài ra, Nhật Cường đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp cho nên đây vẫn là cơ hội lựa chọn cổ phiếu theo xu hướng của dòng tiền.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 525.5 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên 03/02/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 02/02/2016:
Giá dầu thế giới giảm mạnh, tâm lí thận trọng khi Tết âm lịch đến gần đã tác động lên thị trường ngày hôm nay. VN-Index đóng cửa tại 536.45 điểm, giảm 0.76% so với phiên hôm qua. Thanh khoản sụt giảm đáng kể về dưới mức 100 triệu đơn vị/phiên, độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá. Khối ngoại bán ròng gần 146 tỉ đồng trên cả hai sàn và khối này tiếp tục bán ròng VIC với hơn 3 triệu đơn vị, VNM ETF discount -1.38%, FTSE ETF premium 0.41%.
Các thị trường điều chỉnh hôm nay với GTGD thấp. Độ rộng thị trường thu hẹp; đã có 26 mã tăng trần và 22 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN tăng và khối này bán ròng. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra sôi động với giao dịch thỏa thuận lớn đã diễn ra ở mã VIC và giao dịch thỏa thuận trung bình diễn ra ở các mã MSN & VNM.
Các thị trường giảm trở lại hôm nay trong bối cảnh thị trường phố Wall giảm điểm đêm qua cộng với các thị trường khu vực cũng giảm hôm nay. Giá dầu thô đã giảm trở lại trong 2 ngày qua do số liệu kinh tế không khả quan từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc; và điều này đã gây ra tâm lý bất an trên các thị trường.
Trong khi đó tâm lý muốn bán cổ phiếu còn vì sắp tới sẽ là kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài 10 ngày. Với thị trường thế giới đang biến động mạnh thì nhiều NĐT không muốn chấp nhận rủi ro để cổ phiếu qua 10 ngày nghỉ Tết nguyên đán. Ngoài ra nếu cổ phiếu được mua bằng margin thì NĐT sẽ phải chịu lãi margin trong 10 ngày nghỉ. Trong khi đó NĐTNN vẫn tích cực bán ra trong phiên hôm nay và GTGD giảm cho thấy tâm lý trước kỳ nghỉ lễ dài của NĐT.
• Các mã ngân hàng biến động trái chiều. Một số mã giảm, dẫn đầu là VCB; BID và STB. EIB và ACB tăng trong khi CTG đóng cửa tại tham chiếu.
• Các mã chứng khoán biến động trái chiều. SSI đóng cửa tại tham chiếu trong khi HCM giảm. BVH cũng giảm.
• VNM tiếp tục đóng cửa tại tham chiếu trong khi FPT giảm mặc dù công bố KQKD 2015 khả quan với LNST tăng trưởng 18% lên 1,93 nghìn tỷ đồng.
• Các mã dầu khí điều chỉnh, dẫn đầu là GAS & PVD do giá dầu thô giảm sau khi tăng mạnh gần đây.
• HAG và HNG giảm với HNG đã lập đáy mới.
• Giống như thị trường chung, các mã BĐS cũng biến động trái chiều. VIC đóng cửa tại tham chiếu; NLG tăng trong khi BCI giảm.
• Các mã ngành đường giảm nhẹ, dẫn đầu là SBT & BHS trước nhiều tin đồn trên thị trường.
• Các mã có tính đầu cơ khác cũng giảm, dẫn đầu là FLC & OGC.
Về giao dịch của khối ngoại, trên HSX, khối ngoại bán ròng trên 2,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị bán ròng đạt hơn 156 tỷ đồng, tăng mạnh so với phiên trước. VIC tiếp tục đẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 3 triệu đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại chủ yếu mua ròng nhẹ NT2 với khối lượng trên 268 nghìn đơn vị.
Trên HNX, diễn biến giao dịch khối ngoại có phần tích cực hơn khi mua ròng hơn 1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng đạt trên 11,3 tỷ đồng. Khối ngoại tập trung mua ròng VND với khối lượng 1 triệu đơn vị. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng nhẹ trên 93 nghìn đơn vị PVS.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
NTL: KQKD công ty mẹ 2015 khả quan nhờ ghi nhận lợi nhuận bất thường. Tuy nhiên, triển vọng trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng.
NTL đạt doanh thu cao năm 2015 từ ghi nhận tòa căn hộ N04-B1 qua đó giúp cải thiện lợi nhuận gộp. Tuy nhiên NTL chỉ còn lại 7,5 ha quỹ đất sạch và chỉ có một dự án ở X3 Mỹ Đình dự kiến khởi động trong năm 2016; do đó, NTL không có nhiều dự án triển vọng trong ngắn hạn. Trong năm 2016, công ty kỳ vọng sẽ bán thêm đất nền tại dự án Trạm Trôi mặc dù công ty đã gần như không bán bất kỳ lô đất nền nào tại dự án này từ năm 2011. Công ty cũng có những dự án tiềm năng nhưng sẽ chưa thể khởi công trong khoảng 2 năm tới. Do vậy, Chuyên viên dự báo LNST năm 2015 sẽ giảm 30%.
Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE-NTL), doanh nghiệp BĐS tầm trung tại Hà Nội đã công bố ước tính KQKD công ty mẹ cho 2015 khả quan với doanh thu đạt 397,37 tỷ đồng (tăng trưởng 121%); LNTT đạt 121,13 tỷ đồng (tăng trưởng 160%) và LNST đạt 97,4 tỷ đồng (tăng trưởng 160,78%). Theo đó NTL hoàn thành 134,29% kế hoạch doanh thu và 100,94% kế hoạch LNTT cả năm. NTL đặt kế hoạch doanh thu năm 215 là 350 tỷ đồng (tăng trưởng 94,44%) và LNTT là 120 tỷ đồng (tăng trưởng 157,51%).
Định giá không quá đắt nhưng không có nhiều động lực tăng giá cổ phiếu tại thời điểm hiện tại – cổ phiếu NTL hiện giao dịch với giá thấp hơn 21,5% so với NAV ước tính của Chuyên viên là 15.000đ/cp, là mức không đắt tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do định hướng phát triển trong vài năm tới của công ty chưa đủ quyết liệt và rõ ràng, Chuyên viên khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu này. Chưa có các yếu tố thúc đẩy tăng giá cổ phiếu trong năm 2016 và Chuyên viên cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng sẽ có đà tăng ngắn hạn tác động lên cổ phiếu từ hoạt động kinh doanh của công ty.
————————————————————–
HCM: Công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Theo đó, Doanh thu đạt mức 591 tỷ VNĐ, giảm 29% so với cùng kỳ; LNST đạt mức 376 tỷ VNĐ, giảm 43% so với cùng kỳ.
Trong năm qua, khối lượng giao dịch trên TTCK giảm so với năm ngoái cộng thêm áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ trong ngành khiến doanh thu hoạt động môi giới của HCM giảm 12% so với cùng kỳ, đạt mức 262 tỷ VNĐ.
TTCK diễn biến khó lường với nhiều rủi ro, do đó HCM đã chủ động thu hẹp hoạt động tự doanh. Doanh thu tự doanh năm 2015 chỉ đạt 35 tỷ VNĐ, giảm mạnh 82% so với cùng kỳ. Hoạt động tự doanh suy giảm cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của HCM giảm mạnh trong năm nay.
Tính chung cả năm 2015, HSC duy trì vị thế của một công ty chứng khoán hàng đầu với thị phần sàn HSX đạt mức 11.97% và thị phần sản HNX đạt mức 4.61%. Sự vươn lên mạnh mẽ của một đối thủ mạnh mới là Công ty CK KIS khiến thị phần sàn HNX của nhiều công ty chứng khoán hàng đầu trong đó có HCM bị giảm.
Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản HCM đạt 3.597 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã đầu tư chứng khoán ngắn hạn 190 tỷ đồng và trích lập dự phòng 58 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này. Các khoản trích lập dự phòng lớn thuộc về các cổ phiếu chưa niêm yết như Ngân hàng TMCP Đông Á (11,4 tỷ đồng), CTCP Thủy sản Cà Mau (10,4 tỷ đồng).
Năm 2015, HSC đặt kế hoạch doanh thu 779,17 tỷ đồng, LNST 324,21 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện được, HSC mới chỉ hoàn thành 75,9% kế hoạch doanh thu và 65,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
————————————————————–
MSN: KQKD MSN năm 2015 – Masan Nutri-Science và Techcombank giúp LNST tăng 37%. Đóng góp từ Masan Nutri-Science, KQKD tốt của Techcombank và việc không phải ghi nhận chi phí phân bổ lợi thế thương mại liên quan đến khoản đầu tư vào Techcombank đã bù lại đóng góp ít hơn từ Masan Consumer do thu nhập tài chính giảm, đã giúp LNST của MSN tăng trưởng 37% trong năm 2015 so với năm 2014.
Mảng thực phẩm và đồ uống: doanh thu tăng trưởng 5% nhờ doanh thu tăng mạnh tại Masan Brewery, đồng thời công ty con này được hợp nhất cả năm trong năm 2015 so với chỉ bốn tháng trong năm 2014. Masan Brewery đóng góp 706 tỷ đồng doanh thu trong năm 2015 so với 164 tỷ đồng trong năm 2014. Mặt khác, doanh thu của Masan Consumer đi ngang so với năm 2014 do tăng trưởng chung của nhóm thực phẩm chững lại (bao gồm gia vị và mì gói) và hiệu ứng cơ sở cao của nhóm cà phê trong năm 2014. Mặc dù biên EBIT tăng 240 điểm cơ bản trong năm 2015 nhờ quản lý nguyên liệu đầu vào hiệu quả và chi phí vận chuyển giảm, đóng góp của Masan Consumer vào LN của MSN giảm trong năm 2015, do thu nhập tài chính giảm khi Masan Consumer đã trả tổng cộng 5,546 tỷ đồng cổ tức trong năm 2014 và 2015.
Mảng đạm động vật: Masan Nutri-Science được hợp nhất trong tám tháng trong năm 2015. Trên cơ sở hoạt động cả năm, Masan Nutri-Science đã đạt được mức tăng trưởng LN ấn tượng nhờ tung ra sản phẩm mới và biên LN tăng mạnh. Doanh thu tăng 11% trong năm 2015 so với cùng kỳ khi Masan Nutri-Science đã tung ra dòng sản phẩm Bio-zeem (tập trung vào sự hiệu quả về chi phí chăn nuôi của sản phẩm này), đồng thời đẩy mạnh hoạt động tiếp thị thông qua quảng cáo trên truyền hình và các buổi hội thảo. LNST tăng mạnh 46% khi biên LNST tăng 221 điểm cơ bản nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm và việc MSN đẩy mạnh bán thức ăn cho heo vốn có biên LN cao.
Trong khi đó, MSN cũng thông báo đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Proconco từ 52% lên 75.2% trong tháng 1 năm 2016 qua việc mua lại cổ phần từ một cổ đông nhà nước. Động thái này nằm trong kế hoạch của MSN nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con của mình, bao gồm Proconco, Anco, Vinacafe Biên Hòa và Vĩnh Hảo.
Mảng khai khoáng: mặc dù doanh số bán hàng đang tăng, Masan Resources vẫn bị lỗ trên cơ sở hợp nhất của tập đoàn Masan do giá kim loại giảm mạnh. Trên cơ sở báo cáo tài chính riêng của Masan Resources, công ty này báo cáo khoản LN 152 tỷ đồng năm 2015 (so với 46 tỷ đồng năm 2014) dựa trên mức doanh thu 2,658 tỷ đồng (giảm 6% so với 2014). Mặt khác, doanh số bán hàng thực của Masan Resources tăng 12%, trong khi doanh thu trên BCTC giảm 6%, do doanh số từ công ty liên doanh chế biến các sản phẩm giá trị cao của Masan Resources đã được vốn hóa trong giai đoạn vận hành thử. Khi liên doanh này bắt đầu hoạt động thương mai trong quý 4 2015, Masan Resources đã ghi nhận doanh thu 1,085 tỷ đồng trong quý 4, so với 2,078 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng đầu năm 2015, cho thấy trong năm 2016 Masan Resources sẽ có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu.
Techcombank: LNST tăng 44% năm 2015 so với năm 2014, nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng vững vàng và tăng trưởng tín dụng cao trong phân khúc khách hàng thu nhập khá. Thu nhập lãi thuần tăng 23% trong năm 2015 so với cùng kỳ. Theo MSN, Techcombank đang theo tiến độ để trở thành một trong các ngân hàng đầu tiên của Việt Nam hoàn thành chu kỳ trích lập dự phòng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Techcombank báo cáo tỷ lệ nợ xấu 1.67% và tỷ lệ CAR 14.7% vào cuối năm 2015 so với tỷ lệ CAR tối thiểu 9% được quy định bởi Ngân hàng nhà nước. Bên cạnh LN tăng mạnh, lưu ý rằng đóng góp của Techcombank vào LN của MSN tăng mạnh một phần là do thông tư 200 không còn yêu cầu ghi nhận chi phí phân bổ lợi thế thương mại liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty liên kết.
————————————————————–
FPT: LNST sơ bộ 2015 vượt dự báo 10% chủ yếu nhờ giải pháp phần mềm. CTCP FPT (FPT) công bố doanh thu sơ bộ 2015 đạt 40.002 tỷ đồng (1,8 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2014) và lợi nhuận trước thuế đạt 2.851 tỷ đồng (132 triệu USD, tăng 16%). Như vậy, lợi nhuận trước thuế đã vượt dự báo của Chuyên viên 7%.
Kết quả này có được là nhờ mảng giải pháp phần mềm đạt kết quả cao hơn so với dự kiến, với lợi nhuận trước thuế tháng 12/2015 lên đến 90 tỷ đồng (4 triệu USD), trong khi 11 tháng đầu năm chỉ đạt 8 tỷ đồng (0,4 triệu USD) vì nhà nước thường thanh toán vào cuối năm. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của lĩnh vực này tăng lên 98 tỷ đồng, so với năm 2014 chỉ đạt 1 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của lĩnh vực phân phối và bán lẻ vượt dự báo của Chuyên viên 11% vì hoạt động bán lẻ có biên lợi nhuận trước thuế 2,3%, so với dự báo của Chuyên viên là 1,9%.
LNST sơ bộ tăng 18% trong năm 2015 so với năm 2014, tương đương 110% dự báo của Chuyên viên nhờ lĩnh vực giải pháp phần mềm nói trên, được hưởng mức thuế chỉ khoảng 10%.
FPT cũng đặt ra mục tiêu LNTT không thay đổi cho mảng Viễn thông trong năm 2016 so với 2015, khi công ty tiếp tục triển khai quang hóa tại một vài thành phố cấp 2, đầu tư và cơ sở hạ tầng nói chúng cũng như trích lập dự phòng mới tương ứng 1,5% doanh thu mảng Viễn thông cho Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam (VTF). Tuy nhiên, Chuyên viên tin rằng mục tiêu LNTT này là khá thận trọng khi vốn XDCB cho việc triển khai quang hóa trong năm 2016 ước tính xấp xỉ 1/3 con số đã đầu tư tại TPHCM và Hà Nội trong năm 2014 và 2015.
Khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 64.000 đồng/CP.
————————————————————–
LHC: Năm 2015 vượt 37% kế hoạch lợi nhuận cả năm CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (LHC) công bố Nghị quyết HĐQT phiên ngày 31/01/2016. Theo đó, HĐQT thống nhất phê duyệt Báo cáo quyết toán tài chính năm 2015 với tổng doanh thu thuần đạt 128 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20,5 tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2015: 8.516, đồng.
————————————————————–
L44: Năm 2016 phấn đấu đạt 1 tỷ đồng lợi nhuận CTCP Lilama 45.4 (L44) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch 2016. Theo đó, HĐQT L44 thông qua kết quả thực hiện kế hoạch SXKD năm 2015 với doanh thu đạt 145,8 tỷ đồng và lợi nhuận 0,49 tỷ đồng. Năm 2016, L44 đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu 210 tỷ đồng và lợi nhuận phấn đấu đạt 1 tỷ đồng.
————————————————————–
PVV: Lợi nhuận quý IV cứu cả năm 2015 CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC(PVV-HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015, với mức lợi nhuận sau thuế 24,7 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận cả năm của PVV đat mức 3,39 tỷ đồng. Theo đó, quý IV/2015, PVV có doanh thu hợp nhất đạt 196,16 tỷ đồng, giảm 28,5%; lợi nhuận sau thuế 24,7 tỷ đồng, giảm 20,8% so với cùng kỳ 2014. Lũy kế cả năm 2015, PVV đạt 423,4 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 15,5% và hoàn thành 97,2% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 11,27 tỷ đồng, tăng 37,4%, hoàn thành vượt kế hoạch 40,8%. Lợi nhuận sau thuế cả năm của Công ty đạt 3,39 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ 2014. Cơ cấu doanh thu thuần của PVV năm 2015 gồm 106,2 tỷ đồng doanh thu từ hợp đồng xây dựng, 230,16 tỷ đồng doanh thu kinh doanh bất động sản và hơn 87 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Doanh thu hoạt động tài chính của Công ty không biến động mạnh so với cùng kỳ, đạt 7,3 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí tài chính trong năm của PVV tăng hơn 79% lên mức 33,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (26,9 tỷ đồng).
————————————————————–
CII: Lãi ròng hợp nhất năm 2015 đạt 628 tỷ
Lũy kế cả năm 2015, Công ty đạt 1,748 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 33% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 627.5 tỷ đồng, tăng trưởng 62%. So với kế hoạch lãi sau thuế 670 tỷ đồng, CII đã thực hiện 94% kế hoạch năm.
————————————————————–
AAA: Quý 4 lãi gần 42 tỷ đồng
Sau biến động giá dầu vào cuối năm 2014, AAA đánh dấu sự phục hồi với việc nhận được nhiều đơn hàng và doanh thu cải thiện đáng kể. Đặc biệt là lãi ròng quý 4/2015 đạt gần 42 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ trên 3 tỷ đồng.
————————————————————–
LBM: Kế hoạch lãi trước thuế 2016 trên 30 tỷ đồng
Cụ thể, kết thúc năm 2015, LBM ghi nhận doanh thu hợp nhất 287.7 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch năm. Lãi trước thuế trên 33.8 tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt 17,3%. Tín dụng tháng 1/2016 giảm 0,2% so với tháng liền trước. Trích báo cáo của Vụ tín dụng NHNN, truyền thông đưa tin tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt 17,3% – do tín dụng tháng 12 năm 2015 tăng kém hơn tháng 12 mọi năm. Con số này thấp hơn kỳ vọng chung trong những tháng gần đây cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể đạt 18%. Trong khi đó tín dụng tháng 1 giảm 0,2% so với tháng 12/2015; và đây là điều thường thấy ở một tháng đầu năm. Chẳng hạn tín dụng tháng 1 năm 2015 cũng giảm 0,5% so với tháng liền trước.
Xu hướng thực sự sẽ bắt đầu từ tháng 2 trở đi – Chẳng hạn vào tháng 2/2015 tín dụng tăng khoảng 1,2% so với tháng liền trước và cho thấy xu hướng chung của Q1. Trong khi đó tín dụng vào tháng 2/2014 giảm 0,65% so với tháng liền trước. Chuyên viên không cho rằng tín dụng tháng 2 năm nay sẽ tăng mạnh. Trên thực tế trong Phần 1 của Báo cáo chiến lược của mình, Chuyên viên đã đề cập là tăng trưởng tín dụng sẽ giảm tốc trong năm nay. Chuyên viên dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay là 15% dựa trên giả định là đầu năm tín dụng sẽ tăng trưởng kém do cho vay cơ sở hạ tầng sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (cho vay cơ sở hạ tầng Q1 năm ngoái đã tăng mạnh).
Việc tín dụng tháng 1 giảm so với tháng liền trước là điều thường thấy – nghĩa là hiệu ứng “cuối năm” không còn nữa do một số khoản vay vào cuối năm được trả vào đầu năm sau. Theo đó tăng trưởng tín dụng tháng 1 so với tháng liền trước thường âm. Trong khi đó Chuyên viên cho rằng tín dụng tháng 2 & tháng 3 năm nay cũng sẽ kém do (1) tín dụng cùng kỳ đạt cao (2) tình hình ngành sản xuất chưa rõ ràng do gần đây số liệu công bố là trái chiều (chẳng hạn chỉ số PMI và số liệu sản xuất công nghiệp) và (3) cho vay lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ khó đạt cao được như năm 2015 và (4) 90% gói cho vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30 nghìn tỷ đồng đã giải ngân xong nên có thể cho vay mua nhà sẽ tăng chậm lại trong vài tháng.
Trên thực tế Chuyên viên cho rằng tín dụng sẽ lại tăng tốc về cuối năm – Tuy nhiên nhiều khả năng trong vài tháng tới tình hình tăng trưởng tín dụng sẽ không được tốt như cùng kỳ năm ngoái. Và trên thực tế diều này sẽ làm giảm sức tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng và tỷ lệ NPL có khả năng tăng trở lại từ mức thấp của cuối năm ngoái do dư nợ cho vay tăng chậm lại (tỷ lệ NPL có mẫu số là dư nợ cho vay).
————————————————————–
Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 4/2 tới. Theo thông tin mới nhất, một phái đoàn của Bộ Công Thương đã lên đường sang Newzeland để chuẩn bị cho việc chính thức ký kết hiếp định TPP vào ngày 4/2 tới. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau phiên họp của các Bộ trưởng vào ngày 5/10/2015 tại Atlanta (Hoa Kỳ), các bên thống nhất với nhau trong vòng 90 ngày sẽ rà soát các nội dung của Hiệp định để tiến hành ký kết chính thức Hiệp định. Trong 90 ngày vừa qua, các nước đã hoàn tất việc rà soát thủ tục, công bố rộng rãi cho công chúng, giúp cho mốc ký kết vào ngày 4/2/2016 được giữ. Tuy nhiên, vẫn cần một khoảng thời gian dài để Quốc hội các nước thành viên tiến hành phê chuẩn hiệp định (dự kiến có thể lên tới 2 năm). Do vậy, chuyên viên duy trì quan điểm để Hiệp định TPP chính thức có những tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam nói chung và KQKD của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK nói riêng, nhà đầu tư cần tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi trong một vài năm tới. Tuy nhiên, những hiệu ứng đi trước mang tính đón đầu có thể sẽ giúp thị trường có phản ứng hứng khởi tại một số thời điểm trong năm 2016.
————————————————————–
Lãi suất liên ngân hàng tăng ở cả ba kỳ hạn, đều giữ mức trên 5,2%/năm. Lãi suất liên ngân hàng tuần qua tăng trở lại sau hai tuần giảm liên tiếp, và hiện giữ ở mức cao đối với cả ba kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần đều đồng loạt tăng 0,18%, lần lượt lên mức 5,22% và 5,24%/năm, trong khi kỳ hạn 2 tuần tăng 0,01% lên mức 5,24%/năm. Đây là dấu hiệu cho thấy khó khăn thanh khoản trước dịp Tết âm lịch của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chuyên viên cho rằng đây là hiện tượng bình thường và thanh khoản hệ thống sẽ sớm ổn định trở lại sau Tết.
————————————————————–
Thêm 1,3 tỷ USD đăng ký rót vào Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hết tháng 1/2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký rót vào Việt Nam là 1,33 tỷ USD (tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015).
————————————————————–
Giá vàng tiếp tục tăng. Ngày 02/02, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở ngưỡng 32.88 – 32.94 triệu đồng/lượng, cao so với giá đóng cửa cuối phiên ngày trước 40 ngàn đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán.
————————————————————–
Goldman Sachs: ‘Quá muộn để cứu giá dầu’. Hãng này cho rằng việc giá dầu bật lên trên 34 USD cuối tháng 1 chỉ là sức tăng giả tạo, và dầu có thể xuống đáy mới là dưới 26 USD. “Có lẽ đã quá muộn để các nước OPEC ngăn chặn đợt giảm sâu mới của giá dầu”, các nhà phân tích của Goldman cho biết trong một báo cáo công bố mới đây. Goldman cho biết họ sẽ mất rất lâu để thực hiện việc giảm sản xuất, và dự trữ dầu mỏ trên khắp thế giới cũng đang tăng. Sự ngờ vực của Goldman và các nhà quan sát khác đã khiến giá dầu thô WTI hôm qua mất tới 6%, xuống quanh 31.75 USD một thùng
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (03/02/2016):
GTT: Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016
CNG: Thanh toán cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền, 1.500đồng/cp
ACM: Đại hội Cổ đông thường niên năm 2016
THT: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016
V12: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016
————————————————————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net