DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Nhận định thị trường ngày 02/03/2016 gồm cập nhật chỉ số PMI tháng 2, VCB, DHC, VIT, BIC, MPC, HSG, KSB

Lượt xem: 13,659 - Ngày:

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tăng nhẹ 2,19 điểm (tương ứng 0,39%) lên 561,56 điểm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 115 triệu cổ phiếu, thấp hơn trung bình khối lượng giao dịch 10 phiên nhưng vẫn đạt trên mức bình quân 20 phiên gần nhất. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang có sự lạc quan đối với xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn, bất chấp áp lực bán chốt lời vẫn đang diễn ra trên diện rộng sau vài tuần tăng điểm trước đó.

Đồ thị VN-Index ngày 01/03/2016

Đồ thị VN-Index ngày 01/03/2016. Nguồn: Amibroker

 

Hai mẫu hình nến Harami liên tục xuất hiện trong bốn phiên giao dịch gần đây, cho thấy lực cầu vẫn đang hiện diện và có sự giằng co với lực bán chốt lời. Đường giá trong phiên vẫn biến động trong thân nến của phiên trước đó cho thấy rõ nỗ lực kéo giá tăng trở lại đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, đường giá cũng đang nằm trên đường MA26 và được hỗ trợ bởi đường này đang đi lên.

Trên cơ sở đó, Nguyễn Văn Nguyên cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 02/03/2016, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và thử thách mức 567 điểm. Đồng thời, Nguyễn Văn Nguyên đánh giá mức độ rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền vẫn chưa có hiện tượng rút ra khỏi thị trường mà dòng tiền có sự dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì vị thế nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 550.65 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên 02/03/2016 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới. Đồng thời, Nguyễn Văn Nguyên đánh giá đây vẫn chưa phải là thời điểm để bán ra.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 01/03/2016:

Cả 3 sàn giao dịch cải thiện trong bối cảnh các thị trường trong khu vực tăng điểm trong phiên hôm nay. Lực bán cuối phiên ở một vài cổ phiếu ngân hàng tác động làm VN-Index thu hẹp đà tăng. Thanh khoản duy trì mức khá, độ rộng thị trường tích cực. Khối ngoại mua ròng 17 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 0.9%, FTSE ETF premium 0.84%.

Các thị trường khởi đầu tháng 3 phục hồi nhẹ trở lại dù tăng khá mạnh vào đầu phiên chiều. Cụ thể, VN-Index tăng 0,4% và lấy lại ngưỡng 560 trong khi HNXIndex tăng ít hơn với 0,3%. Độ rộng thị trường cải thiện đôi chút với 230 mã tăng và 168 mã giảm.

KLGD khá ổn định và duy trì trên trung bình 20 phiên gần nhất. Khối ngoại đã trở lại mua ròng nhẹ. Thị trường trong nước lấy lại một phần số điểm đã mất ngày hôm qua sau khi giá dầu WTI phục hồi vượt ngưỡng 34 USD/thùng và chứng khoán khu vực cũng tăng. Thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh khi nước này tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc như một nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng, lấn át các số liệu kinh tế đáng thất vọng.

Ngoài những yếu tố nói trên, câu chuyện nới room một lần nữa giúp cổ phiếu tăng điểm tích cực và kéo thị trường tăng. Cổ phiếu dầu khí tiếp tục mở rộng đà tăng khi PVD và GAS chạm ngưỡng cao nhất 2 tháng.

Cổ phiếu khoáng sản ghi nhận thêm 1 phiên tăng vọt nhờ giá hàng hóa phục hồi.

Các mã ngân hàng khá phân hóa khi VCB, CTG, STB tiếp tục giảm còn MBB tăng vọt trở lại nhờ khối ngoại đẩy mạnh mua vào; EIB cũng tăng.

BVH tiếp tục đi ngang còn BIC giảm sâu dưới áp lực chốt lời.

Cổ phiếu BĐS chưa tạo nên xu thế rõ ràng với DXG, KDH giảm trong khi KBC và HQC tăng.

Cổ phiếu thép như HPG và HSG đều giảm do lo ngại áp lực nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc.

Trong khi đó, HAG và HNG tăng trở lại sau nhiều phiên lao dốc.

Tâm điểm hôm nay là nhiều mã có room đã đầy đều tăng. VNM đảo chiều lấy lại ngưỡng 130 trong khi FPT, MWG và BMP tăng tích cực. REE bất ngờ tăng vọt sau khi UBCKNN cho phép nới room cho khối ngoại từ 43,7% lên 49%. Tương tự, VSC tăng khá mạnh còn GMD giảm phiên thứ 2. Các mã ngành chứng khoán gần như đi ngang. Ngược lại, DHG và EVE điều chỉnh dưới áp lực chốt lời đẩy mạnh.

Trường hợp hở room ở REE có nguồn gốc từ trái phiếu chuyển đổi. Năm 2012, REE được UBCKNN đồng ý “chốt” tỷ lệ sở hữu NN ở mức 43,7% để phục vụ cho mục đích chuyển đổi các trái phiếu phát hành cho Platinum Victory Pte.Ltd. Căn cứ vào giá chuyển đổi và tổng giá trị phát hành của trái phiếu chuyển đổi thì số cổ phiếu cần phát hành là hơn 25 triệu cổ phiếu trong năm 2014 để chuyển đổi số trái phiếu này. Do đó, số lượng cổ phiếu cần dành riêng cho NĐTNN Platinum Victory.Ltd này chỉ vào khoảng 1% vốn điều lệ hiện tại của REE. Vì thế, REE đã xin nâng sở hữu khối ngoại lên 49%, mức thông thường của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường mà không cần phải giữ lại một phần room cho Platinum Victory.Ltd như trước kia.

Trên HSX, khối ngoại chỉ mua ròng nhẹ hơn 8,45 tỷ đồng. MBB dẫn đầu về khối lượng mua ròng với gần 2,4 triệu đơn vị. BHS, HNG và SSI cũng được mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại, PVD dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 846 nghìn đơn vị. Đáng chú ý, REE sau thông tin được nới room vẫn bị khối ngoại bán ròng 400 nghìn đơn vị.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại với giá trị mua ròng đạt 8,54 tỷ đồng. DBC là mã chủ yếu được mua ròng với khối lượng 450 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, SHB dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 284 nghìn đơn vị. PVS cũng bị bán ròng trên 186 nghìn đơn vị.

Thị trường trong nước đã vận động cùng chiều với thị trường khu vực trong vài phiên gần đây sau những bất ổn của thị trường Trung Quốc. Dù vậy, mối tương quan vào thời điểm hiện tại là không cao trong bối cảnh thị trường trong nước đón nhận những nhân tố hỗ trợ riêng. Chuyên viên vẫn thấy tâm lý thị trường khá tích cực với câu chuyện nới room và giá dầu phục hồi. Dòng tiền tham gia thị trường tiếp tục tích cực trong khi NĐT nhìn chung vẫn đang mua ròng. Theo đó, chuyên viên kì vọng rằng xu thế chính vẫn là tăng dù sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc đi kèm.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

VCB: Chuyên viên giữ khuyến nghị KHẢ QUAN cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá mục tiêu 46.000 đồng.

Ban lãnh đạo VCB đã giữ đúng cam kết đặt ra trong ĐHCĐ thường niên 2015 khi có lượng bán nợ cho VAMC thấp nhất, 0,4% dư nợ so với mức 1,1% của CTG và 2,5% của BID. Con số này đạt được không nhờ việc gia tăng các khoản mục: khoản xóa nợ không liên quan tới nợ bán cho VAMC đối với tài khoản dự phòng cụ thể giữ ở mức 0,9% dư nợ, tương tự năm 2014. VCB cũng là ngân hàng quốc doanh duy nhất gia tăng dự phòng cụ thể đối với các khoản vay.

Gần như hầu hết các thước đo chính trong mô hình định giá mà Chuyên viên sử dụng trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng tháng 12/2015 diễn biến như dự kiến: NIM gia tăng, CIR giảm nhẹ, COF ở mức thấp nhất trong quý 4/2015 (và VCB là một trong số 4 ngân hàng có tỷ lệ này giảm so với quý 3/2015). Nợ xấu chưa dự phòng giảm xuống từ mức 0,8% trong quý 3/2015 còn 0,5% trong quý 4/2015. Chỉ có thu nhập ngoài lãi giảm trong quý 4/2015 do các hoạt động liên ngân hàng giảm.

Chi phí dự phòng sẽ không còn là gánh nặng trong năm 2016: căn cứ trên dư nợ các khoản nợ nhóm 2-4, số dư tài khoản dự phòng cuối kỳ và các yếu tố kinh tế vĩ mô nói chung, Chuyên viên cho rằng chi phí dự phòng sẽ giảm từ mức 1,6% trên tổng dư nợ trong năm 2015 còn 1,4% trong năm 2016, và về giá trị tuyệt đối sẽ tăng 6,7%.

Tỷ lệ NIM và CIR cải thiệm sẽ dẫn dắt cho tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ: NIM dự kiến sẽ gia tăng nhờ vào lợi thế chi phí huy động vốn thấp (có xu hướng tích cực trong thị trường cạnh tranh gay gắt); sự tiếp tục gia tăng nắm giữ trái phiếu Chính phủ với NIM cao và gia tăng cho vay bán lẻ. CIR giảm trong năm 2015 và sẽ tiếp tục đà giảm do hoạt động tích cực của VCB trong các hoạt động liên ngân hàng và thu nhập ngoài lãi.

Tăng trưởng cho vay sẽ cao trong năm nay, phù hợp với mức tăng trưởng GDP cao hơn, nhưng Chuyên viên vẫn dự phóng mức tăng trưởng thấp hơn trong năm 2016: Chuyên viên dự phóng thận trọng và giả định mức tăng trưởng tín dụng 18,7% trong năm 2016, thấp hơn 19,7% năm 2015.

Báo cáo tài chính quý 4 cho thấy KQKD 2015 lành mạnh nhất, thậm chí còn tốt hơn so với cổ phiếu ngân hàng khuyến nghị MUA duy nhất của Chuyên viên là ACB. Các phân tích ngành ngân hàng cần đánh giá tình hình sức khỏe bảng cân đối kế toán theo một số tiêu chuẩn chung và với phương thức này VCB tiếp tục vượt trội trong tất cả các tiêu chí đánh giá. Tài khoản dự phòng cụ thể tăng từ 1,4% dư nợ khách hàng trong quý 3/2015 lên 1,5% trong quý 4/2015 và cao hơn 67% so với ngân hàng cao thứ hai trong danh mục Chuyên viên. Dư nợ bán cho VAMC so với cho vay khách hàng cũng ở mức thấp nhất 0,9% so với ngân hàng thấp thứ hai ACB với 1,6%. Ngoài ra, cũng không có dấu hiệu nào về tái cơ cấu khoản vay. Do đó quan điểm về việc tiếp tục trích dự phòng cao năm 2016 sẽ càng nới rộng khoảng cách của VCB với các ngân hàng khác. Cho đến khi có các dấu hiệu ngược lại, Chuyên viên vẫn giữ dự báo chi phí dự phóng 6.473 tỷ đồng (289 triệu USD) so với 6.068 tỷ đồng (271 triệu USD) năm 2015.

Trong tương lai, các ngân hàng với nợ xấu thấp hơn và tỷ lệ CAR cao (hoặc tiếp cận tốt hơn đến thị trường vốn) sẽ tăng trưởng mạnh khi bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 luôn là phép thử cho khả năng “hấp thụ” tín dụng và dựa trên con số tháng 1/2016 là -0,2% so với -0,5% tháng 1/2015, Chuyên viên cho rằng tăng trưởng năm 2016 sẽ cao hơn 2015. Quá trình tăng vốn thành công trong nửa đầu năm 2016 sẽ mang lại lợi thế lớn cho tăng trưởng trong nhiều năm tới. Suy cho cùng, cuộc chạy đua giữa các ngân hàng luôn là một cuộc đua marathon đường dài.

——————–

DHC: Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh với 640 tỷ đồng DT (+17,5%yoy) và 7711 tỷ đồng LNST (+78,89%yoy) nhờ (1) Hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, (2) Tăng sản lượng nhà máy bao bì lên 10% từ Tháng 10.2015 và tối đa năng suất nhà máy giấy và (3) nhà máy giấy Giao Long đã được miễn thuế năm 2015 và chịu mức thuế 10% trong năm 2016 so với mức 20% như quy định trước đó.

Lợi thế của công ty là (1) Thị trường giấy Testliner đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung và được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 10% trong giai đoạn 2015-2018 ; (2) các dự án mở rộng nhà máy giấy khác trong nước đều không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm testliner của DHC và (3) hiệp định TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu bao bì và giấy công nghiệp sản xuất bao bì lên cao

Tuy nhiên hạn chế của DHC là (1) nhà máy hiện tại đang hoạt động ở công suất cận ngưỡng tối đa nên công ty sẽ phải đầu tư cải tiến máy móc nhằm tăng năng suất khiến giá thành sản xuất tăng và (2) vị trí nhà máy bao bì ở khu vực Tây Nam Bộ không thực sự thuận lợi, chủ yếu phục vụ các khách hàng thủy sản và dược phẩm.

Triển vọng kinh doanh 2016 tích cực với các động lực: (1) Năng suất nhà máy bao bì tăng trưởng khoảng 20%; (2) Sản lượng nhà máy giấy tăng trưởng nhẹ khoảng 5% , (3) Đầu ra sản phẩm vẫn được đảm bảo bới các khách hàng truyền thống (ngoài HVG) và một số nhà máy mới trong KCN Giao Long và (4) Công ty tiếp tục được hưởng lợi từ việc áp dụng thuế suất 10% đối với nhà máy giấy trong năm 2016.

Theo đó, Chuyên viên dự phóng sợ bộ KQKD năm 2016 ước đạt 720 tỷ đồng DT (+12,59%yoy) và 83,7 tỷ đồng LNST (+8,5%yoy). Tại mức giá ngày 01.03.2016 là 31.800 đồng/ cổ phẩn. EPS trailing đạt 4.698 đồng, EPS forward đạt 3.350 đồng (EPS pha loãng sau khi chia cổ phiếu thưởng 10% và 6 triệu cổ phiếu phát hành thêm). Tại mức giá ngày 01.03.2016 là 31.800 đồng/ cổ phẩn, P/E trailing là 6,8 lần, P/E forward ước đạt 6,6 lần (điều chỉnh cho phát hành thêm) – tương đối hấp dẫn đối với một doanh nghiệp bao bì. Do đó Chuyên viên khuyến nghị Nắm Giữ đối với cổ phiếu DHC.

———————

VIT: Công bố kết quả kinh doanh 2015 với DTT đạt 684 tỷ đồng (+0,66% yoy) và LNTT đạt 48 tỷ đồng (+35,21% yoy, hoàn thành kế hoạch năm). Sản lượng tiêu thụ 4,7 triệu m2 gạch granite.

Doanh thu 2015 không thực sự đột biến so với 2014 bởi 2 nhà máy đã chạy hết công suất, trong khi giá bán sản phẩm không thay đổi nhiều. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh mẽ nhờ vào hoạt động giảm giá bán để thanh lý hàng tồn kho lỗi mốt đã kết thúc.

Dự án nhà máy Thái Bình giai đoạn 2 đã đi vào khánh thành vào ngày 19/02/2016, chuyên sản xuất mặt hàng inject mới với công nghệ in men mài trên nền gạch granite độc quyền trên thị trường hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng cho VIT trong năm nay.

Năm 2016, VIT sẽ áp dụng bài phối liệu mới trên toàn hệ thống, lên kế hoạch cải tạo nhà máy Tiên Sơn sang hoạt động bằng khí CNG trong quý 2, tận dụng thuận lợi vị trí địa lý gần khu cung câp khí ga tại Tiền Hải, Thái Bình. Theo đó, công ty sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng máy móc và bảo vệ môi trường.

Chuyên viên đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch DTT 1000 tỷ đồng (+47% yoy) và LNTT 70 tỷ đồng (+45,8% yoy) của công ty trong năm 2016. Tỷ lệ cổ tức dự kiến bằng tiền mặt 12-15%, tương đương với 6-8% thị giá. EPS 2016 ước đạt 3.791 đồng/cp, theo đóVIT đang được giao dịch với P/E 5,27 lần, vẫn khá thấp so với mức trung bình ngành ở mức 6,5. Chuyên viên duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VIT.

——————–

BIC: Kế hoạch lãi trước thuế 230 tỷ đồng

BIC vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2016 với tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng 1.750 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc là 1.570 tỷ đồng. LNTT riêng là 182 tỷ đồng, LNTT hợp nhất là 230 tỷ đồng. Năm 2015, công ty đạt tổng doanh thu 1.067 tỷ đồng, LNTT 157 tỷ đồng.

——————–

MPC: Quý 4 lại lỗ 35 tỷ, vay nợ tăng vọt, tồn kho chất đống

Lũy kế cả năm 2015 MPC đạt doanh thu 12,287 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2014. Lãi gộp lao dốc gần một nửa khi chỉ đạt 1,072 tỷ đồng. Lãi sau thuế được hơn 12 tỷ đồng, giảm đến 99% cùng kỳ và thực hiện chưa đầy 1% chỉ tiêu năm (1,415 tỷ đồng).

——————–

HSG: Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) cũng với 2 công ty cùng do ông làm Chủ tịch đã đăng ký giao dịch cổ phiếu HSG.

Cụ thể, ông Lê Phước Vũ đăng ký bán 3,7 triệu cổ phiếu HSG để giảm số lượng nắm giữ xuống còn 17 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 12,97%. Công ty TNHH MTV Tam Hỷ cũng đăng ký bán 3,2 triệu cổ phiếu HSG để giảm khối lượng nắm giữ xuống 7 triệu đơn vị tương đương tỷ lệ sở hữu 5,34%. Về phía ngược lại, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đăng ký mua 6,9 triệu cổ phiếu HSG nâng khối lượng nắm giữ lên 19,9 triệu đơn vị tương đương tỷ lệ sở hữu 15,21%. Các giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương thức giao dịch thỏa thuận thực hiện từ ngày 04/03/2016 – 02/04/2016.

——————–

KSB: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán toàn bộ 11.711.052 cp KSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương. Giao dịch thực hiện từ 24/2 đến 26/2/2016.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Tồn kho mua hàng giảm mạnh nhất trong 2 năm, PMI tháng 2 vẫn quay đầu giảm

Theo Nikkei, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đối với các lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã giảm từ mức 51,5 điểm trong tháng 1 xuống 50,3 điểm trong tháng 2 nhưng vẫn còn ở trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm. Sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong ba tháng liên tiếp, nhưng vẫn chưa có được sự cải thiện như kỳ vọng.

Cũng theo khảo sát của Nikkei, những doanh nghiệp có đơn đặt hàng tăng lên là do đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Mặc dù một số công ty có tuyển thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản xuất, song với mức tăng không đáng kể của đơn hàng xuất khẩu, cùng một số doanh nghiệp khác lại giảm việc làm, nên tình hình việc làm gần như không thay đổi.

Trước bối cảnh chi phí đầu vào giảm và nhu cầu khách hàng còn yếu, các nhà sản xuất đã hạ giá bán sản phẩm. Mức giảm gần đây nhất là mạnh, nhưng là chậm nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, tồn kho hàng mua giảm với mức độ lớn nhất trong thời gian hai năm rưỡi.

Báo cáo PMI mới nhất một lần nữa nhắc đến quan ngại về áp lực của cầu thế giới chững lại lên ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên viên kỳ vọng xu hướng tăng nhẹ trở lại của chỉ số PMI trong các tháng tới khi mà giải ngân FDI tính từ đầu năm đến nay vẫn khá mạnh (tăng 15% trong 2 tháng đầu 2016 so với cùng kỳ) và đơn đặt hàng mới từ khách hang nội địa sẽ tăng tốc sau kỳ nghỉ Tết dài ngày. Ngoài ra, giá đầu ra vẫn đang trong xu hướng giảm do giá đầu giảm khiến cho giá đầu vào giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 tháng qua.

——————–

Campuchia vượt Việt Nam xuất khẩu dệt may vào EU

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU. Trong tổng số hơn 90 tỉ USD hàng dệt may các nước châu Âu (EU) nhập khẩu năm ngoái, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Campuchia. Cụ thể, trong năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU đạt 3,11 tỉ USD, tăng 5,01% so với cùng kỳ và chiếm tỉ trọng 3,45% trong tổng kim ngạch hàng dệt may các nước xuất vào EU.

Trong khi đó, dù đơn giá xuất khẩu vào EU của Campuchia có giảm so với năm trước và thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam nhưng với mức tăng trưởng xuất khẩu tới 9,95% và tổng kim ngạch hơn 3,27 tỉ USD. Campuchia đã vượt Việt Nam về thị phần xuất khẩu vào thị trường này (thị phần của Campuchia là 3,64%). Hiện Trung Quốc là nước xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU với kim ngạch 33,26 tỉ USD nhưng lại giảm 11,71% so với năm 2014.

——————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Nguyễn Văn Nguyên – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo /

Email: nguyen.nguyenvan@hsc.com.vn

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý