1. Nhận định thị trường:
Sắc xanh không được duy trì ở phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 4,69 điểm xuống mức 540,56 điểm cùng với 91,52 triệu cổ phiếu được khớp. Khối lượng khớp lệnh tiếp tục sụt giảm cho thấy sự e ngại của bên mua khi chỉ số tiếp cận lên vùng kháng cự 550-555 điểm.

Đồ thị VN-Index ngày 01/02/2016. Nguồn: Amibroker
Các chỉ báo kỹ thuật không có nhiều biến đổi, đa phần vẫn đang trọng trạng thái hồi phục và chưa có tín hiệu kết thúc. Tín hiệu suy yếu phát đi sau phiên hôm nay không quá tiêu cực do điểm thấp nhất của phiên chưa vượt xuống dưới thân nến của phiên liền trước đồng thời thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Đây là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Âm lịch do đó dòng tiền yếu dần do bị rút khỏi thị trường là điều dễ hiểu. Hiện tượng này sẽ là điểm hạn chế lớn nhất đối với chỉ số khi đối diện các ngưỡng kháng cự mạnh điển hình như mức 550 điểm.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong các phiên giao dịch tới chỉ số VN-Index có thể sẽ thiên về kịch bản tích lũy để kiểm tra lực cung tại ngưỡng hỗ trợ 537 điểm (là cận dưới của khoảng gap xác lập trong phiên 27/01/2016) trước khi tiến lên thử thách mức kháng cự tương ứng với các đường MA20 và EMA26 ngày. Ngoài ra, tâm lý bán trước kỳ nghỉ Tết kéo dài sẽ tiếp diễn trong phiên 02/02/2016 để tránh áp lực trả lãi vay. Do đó, các nhà đầu tư không nên mua đuổi bằng mọi giá.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 522.2 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc nhẹ trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ và mở vị thế mua mới.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 01/02/2016:
VN-Index bắt đầu tuần cuối cùng trước Tết Âm lịch giảm đáng kể về cuối phiên dù tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch trước đó. Nhóm blue-chips và ngân hàng suy yếu phiên chiều đẩy VN-Index giảm 0.86% đóng cửa tại 540.56 điểm phiên hôm nay. Tâm lí thận trọng khi kì nghỉ Tết âm lịch đến gần và hoạt động mua bị chững lại do tâm lí e ngại trả lãi margin trong kì nghỉ dài ngày, thanh khoản sụt giảm, độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá nhưng không quá tiêu cực với 240 mã giảm và 173 mã tăng. Khối ngoại bán ròng gần 36 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 0.22%, FTSE discount -0.06%.
Chứng khoán TQ giảm đáng kể sau dữ liệu PMI thất vọng trong tháng 1. Tuy nhiên, thị trường Mỹ và các thị trường trong khu vực đều tăng điểm tích cực sau các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng của Nhật Bản trong khi giá dầu vẫn trên xu thế phục hồi vào tuần trước. Trong khi đó, NĐT trong nước đẩy mạnh chốt lời ngắn hạn nhằm bảo toàn lợi nhuận đạt được giữa lúc kì nghỉ Tết đã đến gần.
Sau nhiều phiên phục hồi, giá dầu đã điều chỉnh do đang trong vùng kháng cự mạnh, cổ phiếu dầu khí cũng điều chỉnh dưới áp lực chốt lời mạnh mẽ. GAS và PVS lao dốc trong khi PVD cũng gần như đánh mất gần như toàn số điểm tăng đầu phiên.
Cổ phiếu ngân hàng nhìn chung là giảm, dẫn dầu là nhóm NHQD như BID và VCB. Các mã tài chính BVH và SSI cũng giảm. Các mã ngành vật liệu xây dựng như HPG, HSG và BMP giảm. Tương tự, cổ phiếu BĐS giảm khá toàn diện khi VIC giảm phiên thứ 2 còn DXG, NLG, KHD, KBC và FLC cũng điều chỉnh. Đà lao dốc của cổ phiếu ôtô vẫn chưa hạ nhiệt. Ở các mã đầu cơ, HQC, OGC, HAR tăng còn VHG và DLG giảm. Các mã ngành thủy sản như VHC và HVG duy trì đà phục hồi tích cực gần đây trong khi TCM điều chỉnh nhẹ sau 6 phiên tăng.
Tâm điểm hôm nay là VNM tăng khá mạnh sau chuỗi phiên đáng thất vọng và giúp thị trường tránh được phiên giảm sâu. Thông tin cổ phiếu Everpia (mã EVE) nhận được sự đồng ý của UBCKNN nới room lên 100% đã khuyến khích NĐT mua vào những mã hết room. Ngược lại, MSN và KDC tiếp tục giảm. FPT tăng nhẹ còn MWG đi ngang.
CII tăng nhẹ với thông tin một NĐT tổ chức là Master Fund Holdings mua tổng cộng 29,73 triệu cổ phiếu, tương đương 11,87% cổ phần.
Nhiều cổ phiếu đầu ngành cũng bị giảm sàn khá chóng vánh, tiêu biểu như: VSC, HBC, SBT,…. Trong đó, SBT có khuynh hướng là cổ phiếu phụ thuộc lớn vào cung cầu của các người chơi (thường hay được gọi là cổ phiếu đầu cơ), riêng VSC có thể đến từ KQKD quý 4 lạc nhịp so với đà tăng trưởng của Công ty. Trong 9 tháng đầu năm DN này báo lãi sau thuế tăng hơn 39% so với cùng kỳ nhưng Q4 này LNST bị giảm 42,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân từ (1) trong quý 4/2014 VSC có khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư vào PSP (7,2 tỷ đồng), (2) doanh thu từ hoạt động cốt lõi bị suy giảm do yếu tố thị trường (giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng, doanh thu đại lý tàu và sản lượng hàng hóa nội địa suy yếu do gia tăng cạnh tranh), (3) tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang từ Công ty Cảng xanh VIP. Trên góc độ quan sát thị trường, chuyên viên đánh giá các diễn biến tại VSC là cơ hội để hoán đổi cổ phiếu giữa các NĐT quan tâm cổ phiếu này: các nhà đầu tư nắm giữ từ trước dễ dàng chốt lời do giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong khi NĐT quan tâm VSC vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn của doanh nghiệp sẽ mạnh dạn tích lũy cổ phiếu. Riêng HBC, tuy chưa có thông tin chính thức, nhưng nhiều khả năng cũng đến từ việc kỳ vọng về KQKD Q4 không như mong đợi.
Về Giao dịch của Khối ngoại, trên HSX, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 1,5 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng đạt hơn 36,3 tỷ đồng, giảm khoảng 66% về giá trị và 55% về khối lượng so với phiên giao dịch trước. BHS là mã được mua ròng mạnh nhất với hơn 857 nghìn đơn vị, tương ứng với gần 16 tỷ đồng về giá trị. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VIC tiếp tục bị bán ròng mạnh với khối lượng gần 410 nghìn đơn vị, giá trị tương ứng đạt 19,3 tỷ đồng. Đây đã là phiên bán ròng thứ 23 liên tiếp của khối ngoại đối với mã VIC.
Trên HNX, sau các phiên bán ròng khá mạnh, khối ngoại quay trở lại mua ròng nhẹ hơn 646 nghìn đơn vị, tương ứng với 1 tỷ đồng giá trị trong phiên hôm nay. KLF là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 1,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DBC là mã bị bán ròng mạnh nhất về giá trị, với gần 4 tỷ đồng bán ròng.
Về vĩ mô, chỉ số PMI tháng 1 tiếp tục cải thiện cho thấy lĩnh vực sản xuất đang lấy lại đà tăng trưởng khá vững chắc. Dù vậy, tâm lý nghỉ lễ có vẻ như đang áp đảo những các thông tin vĩ mô tích cực. Ngược lại, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang thể hiện rõ sau số liệu PMI vừa được công bố thấp nhất trong 3 năm. Điều này càng làm tăng thêm lo ngại về tăng trưởng chậm lại của quốc gia này. Theo đó, rủi ro bên ngoài như tăng trưởng toàn cầu và bất ổn Trung Quốc vẫn còn tồn tại mặc dù các yếu tố nội tại bên trong đã khả quan hơn.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
BMP: CTCP Nhựa Bình Minh (HSX – BMP)
Để thu hút FDI, cơ sở hạ tầng mà một trong những quan trọng mà Việt Nam cần tập trung đầu tư. Với nhu cầu đầu tư hạ tầng đến năm 2020 theo quy hoạch của Bô GTVT lên đến 1 triệu tỷ đồng, gấp 2,7 so với giai đoạn 2011-2015, chuyên viên đánh giá ngành Xây dựng và XLVD sẽ là một trong những nhóm ngành triển vọng KQKD tích cực. Cuối tuần trước, chuyên viên ngành đã có tham dư buổi gặp gỡ nhà đầu tư định kỳ của CTCP Nhựa Bình Minh (HSX – BMP). Tại cuộc họp, Công ty đã chia sẻ những thông tin khá tích cực về hoạt động SX-KD của BMP trong năm 2015 cũng như các kế hoạch đầu tư của BMP trong thời gian tới, đặc biệt là dự án nhà máy 4 Long An.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ cả năm đạt khoảng 66.000 tấn sản phẩm, tăng 13,8% so với năm 2014. Doanh thu ước đạt 3.070 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước và LNTT khoảng 665 tỷ đồng, nhảy vọt 38% so với năm. KQKD khả quan nói trên có sự đóng góp của 3 yếu tố: (1) giá nguyên liệu chính trong sản xuất ống nhựa là bột PVC và HDPE (chiếm ~70% giá vốn) tiếp tục giảm 18% so với năm 2014; (2) nhà máy Long An đã đi vào hoạt động giúp giải quyết một phần tình trạng thiếu phụ tùng và giải phóng diện tích để có thể tăng sản xuất ống ở nhà máy Bình Dương và (3) việc mở rộng hệ thống phân phối có kết quả tích cực nhờ sự khởi sắc của thị trường BĐS cũng như sự gia tăng về số lượng các dự án hạ tầng, cấp thoát nước.
Liên quan đến nhà máy mới ở Long An, Công ty cho biết đã hoàn tất đầu tư phân kỳ 1 của GĐ 1 với công suất là 5.000 tấn phụ tùng/năm. Chi phí đầu tư cho nhà máy này vào khoảng 134 tỷ đồng, trong đó giá trị phần xây dựng là 85 tỷ đồng. Nhờ có nhà máy Long An, BMP đã có thể cung cấp đủ nhu cầu ống hiện tại cho thị trường, tuy nhiên, đối với mảng phụ tùng, tình trạng cung không đủ cầu là vẫn cần. Chính vì vậy, Công ty có kế hoạch tiếp tục đầu tư tiếp GĐ 2 trong năm 2016-2017 để sản xuất thêm từ 10.000-15.000 tấn phụ tùng/năm. Trong giai đoạn này, Công ty sẽ chú trọng việc xây dựng nhà xưởng và phát triển sản phẩm mới nên vốn đầu tư dự kiến tương đối lớn, khoảng 620 tỷ đồng, tài trợ hoàn toàn bằng vốn chủ sở hữu. Bên cạnh việc đáp ứng một phần sản lượng thiếu hụt, nhà máy Long An còn có nhiệm vụ đảm nhiệm một phần công suất của nhà máy hiện tại ở quận 6, theo quy hoạch sẽ phải di dời trước năm 2020.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2016, BMP đặt mục tiêu tăng trưởng 10% về cả sản lượng và doanh thu so với 2015, tương ứng sản lượng tiêu thụ khoảng 72.000 tấn và doanh thu khoảng 3.377 tỷ đồng. Tuy vậy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ được đặt ở mức 600 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 10% so với thực hiện năm 2015 do lo ngại về khả năng phải giảm giá bán do giá đầu vào đã giảm mạnh. Đồng thời, chi phí hội nghị khách hàng ước tính từ 40-50 tỷ đồng cũng có thể tác động không nhỏ tới LNTT của Công ty. Dù vậy, chuyên viên cho rằng BMP có thể đạt mức lợi nhuận tương đương như năm 2015, tức khoảng 659 tỷ đồng. Như vậy, P/E forward năm 2016 của cổ phiếu hiện vào khoảng là 10,3x. Ngoài ra, với KQKD tích cực, BMP để ngỏ khả năng sẽ nâng tỷ lệ cổ tức cho năm 2015 lên thấp nhất 40% (kế hoạch 35%).
————————————-
GAS: Ước tính KQKD 2015 của GAS sát kế hoạch điều chỉnh.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS – Khả quan) thông báo ước tính sơ lược KQKD 2015 với doanh thu đạt 62,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,57% so với năm 2014) và LNST cho cổ đông công ty mẹ là 8,61 nghìn tỷ đồng (giảm 39,03% so với năm 2014).
Kết quả này chỉ cao hơn một chút so với kế hoạch mới nhất của công ty, sau khi điều chỉnh giảm đáng kể khi chỉ còn một vài ngày là kết thúc năm.
Công ty cũng thông báo đề xuất mua 56% cổ phần của Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), tương đương 15,12 triệu cổ phiếu. Trong khi đó Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) cũng thông báo thoái toàn bộ 14,904 triệu cổ phần của công ty tại CNG vào ngày 26/1/2016.
Cho năm 2016, chuyên viên dự báo công ty sẽ đạt doanh thu là 46,421 nghìn tỷ đồng (giảm 25,96% so với năm 2015) và LNST cho cổ đông công ty mẹ là 2,852 nghìn tỷ đồng (giảm 66,88% so với năm 2015). Chuyên viên giả định sản lượng khí sẽ ở mức tương đương năm 2015 và giả định giá khí đầu ra sẽ giảm còn 2,24 USD/MMBTU cho các nhà máy điện, 3,18USD/ MMBTU cho công ty sản xuất phân bón và 5,11 USD/MMBTU cho các hộ sản xuất.
————————————-
DXG: Duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ sang Quý 4/2015.
CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) cho biết trong Quý 4/2015 đã đạt 486 tỷ đồng doanh thu, tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái; LNST và sau lợi ích CĐTS đạt 90 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ nhưng tăng 57% nếu không tính thu nhập bất thường. Như vậy, doanh thu và LNST và sau lợi ích CĐTS cả năm 2015 đạt lần lượt 1.395 tỷ đồng và 337 tỷ đồng, tăng 176% và 101% so với năm 2014.
Hoạt động môi giới đóng vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy tăng trưởng năm 2015 với 54% tổng doanh thu và 83% lợi nhuận gộp. Năm 2015, chỉ tính riêng lĩnh vực môi giớ , công ty đã bán được 8.000 căn hộ, tương đương thị phần 22% tại các phân khúc thấp và trung cấp. Trên cơ sở danh mục dự án hiện nay, doanh thu 2016 dự báo sẽ tăng 20%-30%.
Về lĩnh vực phát triển BĐS, Công ty đã bàn giao khoảng 600 căn hộ tại dự án Sunview Town. 1000 căn còn lại sẽ được bàn giao trong 6 tháng đầu năm 2016. DXG cũng sẽ hoàn tất giao dịch bán đất nền dự án Gold Hill trị giá 100 tỷ đồng và ghi nhận một phần doanh thu từ dự án Luxcity, dự kiến thu về tổng cộng 1.600 tỷ đồng từ lĩnh vực này trong năm 2016.
DXG cũng đã mua lại dự án Venice City, diện tích 6,7ha tại Quận 2 đúng như dự kiến với giá tổng cộng 1.072 tỷ đồng. Công ty sẽ xây dựng 3.000 căn hộ trung cấp tại dự án này với tổng chi phí 5.145 tỷ đồng; như vậy, đây là dự án lớn nhất trong danh mục hiện nay của công ty. Với động thái này, nhiều khả năng DXG sẽ thông qua kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu tại ĐHCĐ 2016 nhằm tài trợ việc thi công và mở rộng quỹ đất. Khả năng Công ty sẽ thực hiện đợt phát hành quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu với giá thực hiện là 10.000VND/cổ phiếu, qua đó thu về tổng số tiền 1.173 tỷ đồng. Sau giao dịch này, chuyên viên cho rằng trong ngắn hạn công ty sẽ không cần huy động thêm vốn chủ sở hữu.
Khuyến nghị MUA dành cho DXG và sẽ đưa ra báo cáo cập nhật trong thời gian tới. Theo giá đóng cửa phiên hôm nay 17.900 đồng, DXG hiện đang giao dịch tại mức 8,3 lần EPS dự phóng 2016 do chuyên viên đưa ra (đã phản ánh tác động do tăng vốn dự kiến đầu năm 2016).
————————————-
VNM: Mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nga.
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) công bố nghị quyết HĐQT về việc thành lập văn phòng đại diện tại Nga. Chuyên viên cho rằng với quyết định này, VNM có ý định đón đầu cơ hội từ lệnh cấm nhập khẩu của Nga đối với một số loại nông sản từ Mỹ và EU, trong đó có sữa.
Công ty hiện vẫn chưa ký hợp đồng thương mại nào tại thời điểm này, nhưng chúng tôi cho rằng Nga là một thị trường đầy tiềm năng với lệnh cấm nhập khẩu nêu trên và quy mô lên đến 17 tỷ USD trong năm 2015, theo Euromonitor.
Khuyến nghị MUA đối với VNM với giá mục tiêu 146.000VND. Tại giá đóng cửa phiên hôm nay, VNM hiện đang giao dịch tại mức PER dự phóng 2016 là 18,1 lần, so với trung vị của các công ty cùng ngành trong khu vực là khoảng 24 lần.
————————————-
DSN: 2016 tiếp tục trả cổ tức tối thiểu 36% CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN – sàn HOSE) vừa công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông lần 4 – Nhiệm kỳ III (2013-2017) thông qua các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Theo đó, năm 2016, DSN đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 175 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức tối thiểu là 36%. Đại hội cổ đông DSN cũng thông qua phương án trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 90%, gấp 2,5 lần so với kế hoạch đã thông qua tại ĐHCĐ thường niên trước đó (tối thiếu 36%), trong đó 47% bằng tiền mặt và 43% bằng cổ phiếu thưởng và cổ phiếu trả cổ tức. Theo báo cáo tài chính quý IV/2015, Công ty có doanh thu thuần đạt 23,58 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 5,3 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2015, DSN đạt 171,7 tỷ đồng doanh thu và 70,49 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 4,5% và 3,25% so với cùng kỳ 2014.
————————————-
VHG: Qúy IV/2015 ước lãi sau thuế 20 tỷ đồng, tăng hơn 68% CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam(VHG – sàn HOSE) vừa có thông báo sơ bộ một số thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2015. Theo đó, quý IV/2015, doanh thu hợp nhất của VHG ước tính trên 210 tỷ đồng, tăng 70,6%; lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20 tỷ đồng, tăng 68,2% so với cùng kỳ 2014. Về hoạt động đầu tư, VHG vừa thông báo quyết định rút vốn tại CTCP Đầu tư Develyn. Công ty dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại Đầu tư Develyn từ 99% xuống dưới 20%. Trước đó, vào cuối năm 2015, VHG công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án đầu tư mua 9,9 triệu cổ phần, tương ứng 99% vốn điều lệ của CTCP Thủy sản Viễn Đông. Hiện tại, VHG có 4 công ty con gồm CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam, CTCP Đầu tư Develyn, CTCP Khoảng sản Quảng Nam và CTCP Quê Việt Quảng Nam.
————————————
EVE: Được chấp nhận nới “room” lên 100%
CTCP Everpia (HOSE: EVE) đã nhận được công văn xác nhận từ phía UBCK NN về việc chấp thuận cho phép tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 100% và thực hiện giao dịch chứng khoán theo đúng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
————————————
HQC: Lãi ròng đột biến gần 655 tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2015, HQC đạt doanh thu 1,430 tỷ đồng, tăng 4.3 lần so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế 654.8 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và gấp nhiều lần kết quả năm 2014.
————————————
NTL: Lãi ròng công ty mẹ quý 4 gấp 3 lần cùng kỳ
Theo BCTC công ty mẹ quý 4/2015, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm đạt doanh thu thuần gần 194 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước. Theo đó, lãi ròng của NTL tặng vọt đạt 48.5 tỷ đồng.
————————————
VSC: Quý IV giảm lãi, cả năm vẫn vượt 45% kế hoạch đề ra
Cụ thể, doanh thu bán hàng quý IV đạt 230,87 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ. Lãi gộp đạt 80,81 tỷ đồng, giảm 19,16 % so với quý IV/2014.
————————————
L18: Trả cổ tức 2015 bằng tiền tỷ lệ 12%
Theo nghị quyết HĐQT của CTCP Đầu tư và Xây dựng Số 18. HĐQT đã thông qua việc thanh toán cổ tức 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, thời gian chi trả dự kiến 27/04/2016.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Chỉ số PMI tháng 1 tăng đạt 51,5, so với mức 51,3 trong tháng 12/2015
PMI tháng 1 tăng lên 51,5 PMI tháng 1 tăng so với tháng 12 – NIKKEI đã công bố PMI tháng 1 của Việt Nam đạt 51,5 điểm; tăng từ 51,3 điểm trong tháng 12/2015. Đây là tháng thứ 2 chỉ số PMI ở trên mốc 50 và cho thấy ngành sản xuất tăng trưởng mạnh hơn tháng trước đó. Và tăng trưởng đạt được là nhờ (1) sản lượng tăng nhờ đơn hàng mới tăng và (2) cả giá đầu vào & đầu ra đều tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường hàng hóa cơ bản thế giới vẫn đang giảm.
Hầu hết các chỉ số thành phần đều cho thấy xu hướng tích cực – Sản lượng tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Đơn hàng mới cũng tăng tháng thứ 2 liên tiếp với đơn hàng xuất khẩu mới tăng nhưng mức độ tăng đã chậm lại. Tồn kho tăng khiêm tốn và là lần tăng đầu tiên kể từ 8 tháng qua. Giá hàng hóa cơ bản giảm đã khiến cả giá đầu vào và đầu ra giảm. Giá đầu vào giảm nhanh hơn trước đó và đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp giảm. Trong khi đó chỉ số việc làm tăng nhẹ và chỉ số này đã tăng lần thứ 9 trong vòng 10 tháng qua. Cuối cùng chỉ số tồn kho thành phẩm giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2015 do cầu tăng và hàng hóa giao cho khách hàng tăng.
PMI tăng nhờ sự tăng trưởng của khu vực FDI – Chỉ số PMI của Việt Nam khả quan và trên thực tế ngược hẳn với chỉ số PMI của các nền kinh tế khu vực như Trung Quốc và các nước ASEAN khác. Và chỉ số PMI công bố còn cho thấy sự tích cực hơn nữa khi mà số liệu sản xuất công nghiệp công bố gần đây cho thấy sự suy giảm trong tăng trưởng. Điều này có vẻ là do sự tăng trưởng vững vàng của khu vực FDI (sự tăng trưởng của khu vực FDI được phản ánh rõ hơn ở chỉ số PMI nếu so với số liệu sản xuất công nghiệp).
————————————
Gói hỗ trợ nhà ở đã giải ngân được 90%
Tốc độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ tăng mạnh trong 6T cuối năm – Phương tiện truyền thông đưa tin gói hỗ trợ nhà ở trị giá 30 nghìn tỷ đồng đã giải ngân được 90%; tương đương 27 nghìn tỷ đồng tính đến thời diểm ngày 31/12/2015. Như vậy tốc độ giải ngân đã tăng mạnh kể từ mùa hè năm ngoái (tại thời điểm mùa hè năm ngoái tỷ lệ giải ngân mới đạt 25%). Gói này sẽ tiếp tục được giải ngân trong năm nay (theo một Phó Thống đốc NHNN) nhưng hiện chỉ còn 3 nghìn tỷ đồng để tiếp tục giải ngân nên tác động sẽ không được như trong 6T cuối năm 2015.
Tốc độ giải ngân trong 2 năm đầu tiên là rất chậm – Theo đó đã có thêm nhiều quy định mới nhằm nới lỏng điều kiện vay và cuối cùng gói hỗ trợ đã đến được tay người có nhu cầu. Lãi suất cho vay cố định trong năm đầu tiên là 5% (điều chỉnh giảm từ lãi suất ban đầu là 6%). Và lãi suất trong 12 tháng tiếp theo được NHNN điều chỉnh dựa trên lãi suất thị trường (bằng 50% lãi suất bình quân thị trường nhưng không cao hơn 6%/năm).
Tác động từ giải ngân gói 30 nghìn tỷ trong 6T cuối năm 2015 chắc chắn là rất lớn – Với tỷ lệ giải ngân tăng mạnh trong một thời gian ngắn như trên (trong 6T cuối năm 2015) thì tác động của gói 30 nghìn tỷ đối với sự phục hồi của thị trường nhà ở chắc chắn là khá lớn. Và trong khi tốc độ tăng số nhà bán được tại 2 thành phố lớn vẫn ở mức cao trong thời gian này thì chúng tôi không thấy có sự tăng mạnh trong 6T đầu năm 2015. Và khi trao đổi với một số chủ đầu tư thì có vẻ nói chung ý kiến là số lượng nhà bán không nhờ nhiều vào gói 30 nghìn tỷ đồng do gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ là tạm thời và sẽ ngừng cho vay mới khi giải ngân xong trong năm nay.
————————————
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc giảm xuống còn 49.4 điểm trong tháng 1, thấp nhất 4 năm và cũng thấp hơn mức ước tính 49.6 điểm được các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Điều này làm tăng khả năng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tung thêm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh TTCK đã bước vào thị trường giá xuống lần thứ 2 kể từ tháng 6 tới nay và đồng nhân dân tệ ở mức thấp nhất 5 năm.
————————————
Đầu tháng 2, tỷ giá trung tâm bật tăng trở lại 11 đồng
NHNN công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 1/2/2016 là 21.892 đồng, tăng 11 đồng so với cuối tháng trước.
————————————
Nhà máy tranh mua, giá mía nguyên liệu tăng cao
Trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, các công ty mía đường đang tranh nhau thu mua mía nguyên liệu, khiến giá mía giữa vụ tăng cao.
————————————
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net