DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 26/07/2016 gồm cập nhật CPI tháng 7, FPT, PPC, CSM, DXG, GAS, NLG, PNJ

Lượt xem: 4,048 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

Sắc đỏ tiếp tục hiện diện ở phiên giao dịch đâu tuần, VN-Index mất 0,57 điểm về 649,3 cùng với thanh khoản ở mức khá thấp 86,42 triệu cổ phiếu được khớp.

Đồ thị VN-Index ngày 25/07/2016. Nguồn: Amibroker

Đồ thị VN-Index ngày 25/07/2016. Nguồn: Amibroker

 

VN-Index chịu áp lực chốt lời khi tiếp cận lại đường SMA20, qua đó khiến chỉ số điều chỉnh về cuối phiên và hình thành cây nến có dạng Spinning Top cho thấy trạng thái giằng co giữa mua và bán tái diễn quanh mốc 650 điểm với ưu thế thuộc về bên bán tại thời điểm đóng cửa. Thanh khoản sụt giảm mạnh về dưới mốc bình quân 20 phiên và đạt mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2016 đến nay. Dựa trên biến động của khối lượng giao dịch thì có thể khẳng định áp lực bán ngày hôm nay là không lớn, thậm chí độ rộng thị trường còn chứng kiến sự nhỉnh hơn của số mã tăng điểm. Tuy nhiên cần thận trọng nếu như thanh khoản thấp vẫn tiếp tục duy trì sang cả những phiên chỉ số hồi phục bởi dòng tiền yếu sẽ không tạo được nền tảng bền vững cho một nhịp tăng kế tiếp. Các chỉ báo có độ tin cậy cao như MACD và RSI vẫn tiếp tục đi xuống sau phiên hôm nay hàm ý rằng quá trình dò đáy vẫn chưa kết thúc. Theo đó, kỳ vọng thị trường đảo chiều hồi phục sẽ phụ thuộc chính vào sức mua tiềm ẩn tại các mốc hỗ trợ quan trọng phía dưới của VN-Index tại lần lượt các mốc 645, 640 và 630 điểm.

Về mặt xu hướng, chỉ số vẫn đang giữ được xu hướng uptrend ngắn hạn khi vùng hỗ trợ 640-645 điểm chưa bị phá vỡ. Dù sự hồi phục đã xuất hiện nhưng áp lức từ nhóm MA ngắn hạn và đường PSAR đang án ngữ phía trên có thể khiến chỉ số quay lại kiểm tra vùng hỗ trợ quanh 640 điểm một lần nữa trong một vài phiên kế tiếp. Nếu vùng hỗ trợ này tiếp tục phát huy sức mạnh sẽ giúp thị trường có cơ hội tích lũy và hình thành mặt bằng giá mới, qua đó mở ra cơ hội sớm quay lại xu hướng tăng điểm cho chỉ số. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, chỉ số phá vỡ ngưỡng 640 thì xu hướng tăng ngắn sẽ bị phủ nhận và đích đến kế tiếp của chỉ số sẽ nằm tại 625-628 điểm.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 26/07/2016, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 640-645 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu mua an toàn hơn nếu thị trường có thể ổn định trở lại tại các mốc hỗ trợ dưới. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu lớn nên tận dụng các nhịp hồi phục trong phiên để cơ cấu lại danh mục (ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bảo hiểm). Trong trường hợp mốc 640 tiếp tục bị vi phạm, nhà đầu tư nên lưu ý đến việc tăng mạnh tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 25/07/2016:

Giảm phiên thứ 5 liên tiếp trên cả hai sàn. Tâm lý thận trọng, thanh khoản sụt giảm mạnh dưới mức trung bình 20 phiên.

· Các mã ngân hàng biến động trái chiều với VCB tăng dù CTG & BID giảm. EIB cũng tăng trong khi STB & MBB giảm. ACB đóng cửa tại tham chiếu.

· Các mã tài chính phi ngân hàng biến động trái chiều với BVH giảm dù PVI tăng vọt. Cổ phiếu chứng khoán giảm với SSI; HCM và VNM giảm.

KQKD 6 tháng đầu năm – Chứng khoán VNDriect (VND – HSX) công bố ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm tăng vọt đạt 273,5 tỷ đồng, tăng 47,3% so với cùng kỳ trong khi đó LNST tăng 22,7% so với cùng kỳ đạt 93,5 tỷ đồng.

· Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng biến động trái chiều và giảm với VNM tiếp tục giảm trong khi đó MSN đóng cửa tại tham chiếu. Tuy nhiên, KDC tăng. FPT giảm và MWG & PNJ cũng giảm.

· Cổ phiếu dầu khí biến động trái chiều với GAS tăng trong khi đó PVD; PVS và PXS giảm.

Giá dầu liên tục giảm đang có những tác động nhất định lên tâm lý NĐT đối với cổ phiếu dầu khí mặc dù giá cổ phiếu GAS vẫn giữ khá vững nhờ KQKD của công ty ít bị ảnh hưởng nhất. Trong khi đó PVD giảm do có lẽ phải đợi đến năm sau giá thuê cho giàn khoan tự nâng mới có thể hồi phục.

Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều và tăng với HPG tăng khá trong khi HSG giảm nhẹ. NKG tăng. PAC đóng cửa tại tham chiếu trong khi BMP giảm. CSM giảm dù DRC tăng nhẹ. DQC đóng cửa tại tham chiếu dù RAL tăng. STK tăng trong khi TCM giảm. HHS và TMT tiếp tục giảm.

KQKD 6 tháng đầu năm – Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS-HSX) công bố ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm là 949,33 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ trong khi đó LNST chỉ là 81,6 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ.

· Các mã BĐS biến động trái chiều và tăng với VIC tăng và NLG; DIG; SJS; KDH và TDH đều tăng. BCI & CII đóng cửa tại tham chiếu dù KBC giảm. CTG giảm dù HBC tăng.

· Cổ phiếu ngành nông nghiệp & thủy sản cũng biến động trái chiều với HAG & HNG tăng trần. PAN; GTN tăng nhẹ và VFG & VHC đóng cửa tại tham chiếu. Trong khi đó BHS & SBT giảm.

· Cổ phiếu ngành dược tăng dẫn đầu là TRA; IMP và DMC. DHG đóng cửa tại tham chiếu.

KQKD 6 tháng đầu năm – Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG – HSX) công bố ước tính doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ trong khi đó LNST là 298 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng hơn 109 tỷ đồng. HPG dẫn đầu về giá trị mua ròng, tương ứng hơn 52,8 tỷ đồng. Theo sau đó là GAS, được khối ngoại mua ròng 10 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HSG bị bán ròng mạnh nhất, đạt hơn 24,6 tỷ đồng, theo sau đó là BVH, tương ứng hơn 4,1 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại mua ròng hơn 19,5 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về giá trị mua ròng, tương ứng hơn 10 tỷ đồng. VIX cũng được mua ròng tích cực với hơn 1,8 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại không tập trung bán ròng mã nào.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

FPT công bố KQKD 6 tháng đầu năm sát kỳ vọng. Chuyên viên dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 11,1% trong năm nay. Tiếp tục duy trì đánh giá Mua vào

Mảng gia công phần mềm; viễn thông; nội dung số & giáo dục có kết quả khả quan nhưng không đủ để bù cho KQKD kém ở mảng tích hợp hệ thống, dịch vụ CNTT, giải pháp phần mềm và phân phối. KQKD những mảng nêu trên kém một phần do tác động của nhân tố mùa vụ (doanh thu lợi nhuận ghi nhận về cuối năm) và một phần do FPT mất mảng phân phối điện thoại Apple (ảnh hưởng đến mảng phân phối). Chuyên viên kỳ vọng nhân tố mùa vụ sẽ thuận lợi trong nửa cuối năm và dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 11,1% trong năm nay. Ở FPT, những nhân tố tích cực vươt trội so với nhân tố tiêu cực mặc dù KQKD 6 tháng đầu năm chưa thực sự khả quan.

Duy trì đánh giá Mua vào. Định giá có vẻ hợp lý với P/E dự phóng 9,8 lần. Khả năng bán mảng bán lẻ & phân phối trước cuối năm là một động lực quan trọng cho giá cổ phiếu bên cạnh triển vọng KQKD được cải thiện. Hiện FPT chưa có câu chuyện nới room. NĐTNN vẫn có thể mua theo lô giao dịch thỏa thuận xuất hiện trên thị trường.

KQKD 6 tháng đầu năm sát kỳ vọng với LNTT giảm 6,9% so với cùng kỳ – FPT (Mua vào) công bố doanh thu thuần đạt 17.818 tỷ đồng (giảm 7,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 38,9% kế hoạch cả năm) và LNTT đạt 1.258 tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ và hoàn thành 39,9% kế hoạch cả năm). KQKD 6 tháng đầu năm kém khả quan do ảnh hưởng của mảng phân phối, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống cho dù các mảng giá công phần mềm, dịch vụ viễn thông, quảng cáo trực tuyến và bán lẻ đạt kết quả tốt.

Doanh thu và LNTT mảng gia công phần mềm tăng trưởng mạnh – Trong 6 tháng đầu năm doanh thu mảng gia công phần mềm đạt 2.359 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ) trong khi LNTT đạt 349 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ). Tỷ suất LNTT giảm từ 16% Q1/2015 xuống còn 14,8% 6 tháng đầu năm 2016 do tỷ trọng nhân lực làm việc tại chỗ tăng lên và chi phí nghiên cứu phát triển cho chương trình Kỹ sư cầu nối nhằm mở rộng nguồn nhân lực cho FPT tăng.

Doanh thu tăng nhờ doanh thu tại thị trường Nhật Bản tăng do tổng hợp hai nhân tố: đồng Yên tăng giá và nhu cầu tăng. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng doanh thu tại thị trường Nhật Bản đạt khoảng 50%. Nếu loại bỏ tác động của tỷ giá hối đoái, thì doanh thu từ thị trường Nhật Bản tăng 28% nhờ công ty ký thêm được hợp đồng cả từ khách hàng hiện hữu và khách hàng mới.

Mảng tích hợp hệ thống, dịch vụ CNTT và giải pháp phần mềm có lợi nhuận tăng trưởng âm do tác động của nhân tố mùa vụ – Trong 6 tháng đầu năm, tất cả các mảng liên quan đến tích hợp hệ thống đều có lợi nhuận giảm. Bản thân mảng tích hợp hệ thống đạt 889 tỷ đồng doanh thu (giảm 10% so với cùng kỳ) và 14 tỷ đồng LNTT (giảm 68% so với cùng kỳ). Mảng dịch vụ CNTT có doanh thu đạt 384 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 32 tỷ đồng (giảm 42% so với cùng kỳ). Trong khi đó doanh thu mảng giải pháp phần mềm đạt 311 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ) và LNTT đạt âm 38 tỷ đồng.

Có vẻ các mảng trên chịu tác động của nhân tố mùa vụ vì FPT hiện đang triển khai một số dự án lớn cung cấp giải pháp CNTT cho chính phủ theo chương trình cho thuê CNTT và dự án trị giá 33,6 triệu USD cho Cơ quan thuế Bangladesh. Theo đó công ty chỉ có thể ghi nhận doanh thu đáng kể vào những quý tới. Ngoài ra phần giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện xong của 3 mảng trên tại thời điểm cuối tháng 6 là 2.997 tỷ đồng (tăng 21,5% so với cùng kỳ).

Mảng dịch vụ viễn thông cũng đạt mức tăng trưởng mạnh đối với doanh thu nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm do khấu hao hệ thống cáp quang – Mảng này đạt 2.690 tỷ đồng doanh thu (tăng 26% so với cùng kỳ) và 422 tỷ đồng LNTT (giảm 11% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận giảm là do công ty tiếp tục khấu hao dự án chuyển từ cáp đồng sang cáp quang (đã làm chi phí khấu hao tăng mạnh trong vài năm qua). Dự án chuyển đổi sang cáp quang đã bắt đầu vào tháng 5/2014 tại Hà Nội và TP HCM; hiện công ty mở rộng dự án sang các thành phố cấp 2. Nếu không tính tác động khấu hao kể trên, Chuyên viên ước tính trên thực tế EBITDA tăng 38% so với cùng kỳ.

Mảng nội dung số cũng đạt kết quả khả quan – Mảng nội dung số chỉ bao gồm quảng cáo trực tuyến. Mảng này đạt doanh thu là 217 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và LNTT là 110 tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ). Nếu loại bỏ một khoản lãi tài chính, thì LNTT mảng này thực tế tăng 44% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận bao gồm một khoản lãi tài chính khoản 11 tỷ đồng từ bán cổ phần của FPT Online tại Sendo, một công ty thành viên trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B2C (doanh nghiệp đến doanh nghiệp đến người tiêu dùng) cho một NĐT chiến lược Nhật Bản. Tuy nhiên FPT Online vẫn giữ cổ phần kiểm soát tại Sendo sau thương vụ bán cổ phần này.

Doanh thu lợi nhuận mảng phân phối giảm do Apple thay đổi chính sách phân phối – Mảng phân phối đạt doanh thu 5.613 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ) và LNTT 182 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ).

Kể từ Q4/2015, Apple bắt đầu bán Iphone trực tiếp qua kênh bán lẻ bao gồm cả các cửa hàng bán lẻ của FPT và MWG thay vì bán thông qua FPT (nhà phân phối của Apple tại Việt Nam). Do vậy KQKD của mảng phân phối bị ảnh hưởng tiêu cực. Yếu tố này đã đưa vào kế hoạch kinh doanh của FPT cũng như dự báo của Chuyên viên.

Mảng bán lẻ tăng trưởng nhờ tăng mạnh số lượng cửa hàng – Doanh thu bán lẻ đạt 4.736 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 98 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ). Trong 6 tháng đầu năm, FPT đã mở thêm 66 cửa hàng mới, nâng tổng số cửa hàng lên 318 (tăng 55,1%). Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng được cải thiện nhờ doanh số tăng và chi phí cố định mỗi cửa hàng giảm. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 48% so với cùng kỳ; chiếm 10,1% doanh thu bán lẻ trong 6 tháng đầu năm.

Mảng giáo dục tăng trưởng tốt – Mảng giáo dục đạt 347 tỷ đồng doanh thu (giảm 1% so với cùng kỳ) và 87 tỷ đồng LNTT (tăng 109% so với cùng kỳ) nhờ số lượng học viên tuyển sinh trong năm 2015 tăng.

Chuyên viên lạc quan hơn về triển vọng 6 tháng cuối năm – Cho 6 tháng cuối năm, Chuyên viên tin tưởng FPT các mảng chính của FPT sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Lý do như sau;

(1) Đến tháng 6, chi phí khấu hao cho mạng lưới cáp quang tại Hà Nội và TP HCM đã được ghi nhận hết và chi phí khấu hao cho dự án mở rộng sang các thành phố cấp 2 trong 6 tháng cuối năm sẽ không đến 100 tỷ đồng; thấp hơn nhiều mức 300 tỷ đồng khấu hao ghi nhận vào giá vốn hàng bán mảng viễn thông trong 6 tháng đầu năm.

(2) Tăng trưởng so với cùng kỳ của mảng tích hợp hệ thống, dịch vụ CNTT và giải pháp phần mềm sẽ có sự cải thiện nhờ giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện của cả 3 mảng đến cuối tháng 6 tăng 21,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận các mảng này được ghi nhận không đều giữa các quý và thường dồn về cuối năm.

(3) Tăng trưởng so với cùng kỳ của mảng phân phối cũng sẽ cải thiện kể từ Q4 vì từ Q4/2015 mảng này bắt đầu mất quyền phân phối điện thoại cho Apple. Ngoài ra FPT Trading bắt đầu phân phối điện thoại smartphone Xiaomi Mi4 tại Việt Nam từ cuối tháng 7. Thông thường mua cao điểm của mảng phân phối và bán lẻ đối với các sản phẩm CNTT và ĐTDĐ rơi vào trước năm học mới và các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Chuyên viên dự báo LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 11,1% trong năm 2016 – Trong số các mảng chủ chốt, tích hợp hệ thống, viễn thông và phát triển phần mềm có lợi nhuận gần với dự báo của Chuyên viên. Lợi nhuận mảng giáo dục và bán lẻ trên đà vượt dự báo cả năm trong khi mảng phân phối có kết quả kém so với dự báo. Tuy nhiên lợi nhuận của tất cả các mảng tổng hợp lại sát dự báo của Chuyên viên, do đó Chuyên viên giữ nguyên dự báo cho năm 2016 với doanh thu đạt 41,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 8,7%) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.146 tỷ đồng (tăng trưởng 11,1%).

Chuyên viên ước tính EPS năm 2016 đạt 4.205đ; P/E dự phóng đạt 9,8 lần; nghĩa là vẫn rất hấp dẫn đối với một doanh nghiệp công nghệ đầu ngành tại Việt Nam. Chưa kể FPT có kế hoạch bán cổ phần tại mảng phân phối và bán lẻ trước cuối năm. Theo đó FPT có thể thu về lượng tiền mặt lớn và đầu tư cho mảng công nghệ; đông thời giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho công ty. Tiếp tục duy trì đánh giá Mua vào.

——————————–

PPC: Cập nhật KQKD Q2/2016

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC – HSX) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016 với doanh thu đạt 1.517 tỷ đồng (-33%, yoy) và LNST âm hơn 192 tỷ đồng (6T2015: dương 317 tỷ đồng).

Chưa tính sản lượng hợp đồng Phả Lại 1 vào KQKD 6T2016, lợi nhuận gộp giảm mạnh. Tổng sản lượng điện 6 tháng đầu năm của hai nhà máy PL1 và PL2 đạt hơn 2,7 tỷ kWh, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng điện hợp đồng ước đạt 1,34 tỷ kWh, được đóng góp bởi nhà máy Phả Lại 2. Trong khi đó, mặc dù đã đàm phán xong giá điện hợp đồng cho giai đoạn 2016 – 2019 nhưng sản lượng điện hợp đồng cho 6 tháng đầu năm 2016 của nhà máy Phả Lại 1 vẫn chưa được PPC và EVN xác định chính thức. Việc chỉ hạch toán doanh thu cho nhà máy Phả Lại 1 theo giá điện thị trường (Pm) khiến Phả Lại 1 lỗ trong 6 tháng đầu năm và kéo giảm biên lợi nhuận gộp chung của cả hai nhà máy xuống còn 4,2% (6T2015: 7,5%). Lợi nhuận gộp quý 2/2016 đạt xấp xỉ 82 tỷ đồng (-56%, yoy). Lũy kế 6T2016, LNG đạt hơn 134 tỷ đồng (-58%, yoy).

Lỗ hoạt động tài chính do biến động tỷ giá. Đồng Yên đã tăng giá 9% trong quý 2 và tăng khoảng 15% so với đầu năm khiến PPC lỗ nặng do đánh giá lại khoản vay ngoại tệ. Cụ thể, với dư nợ đồng Yên còn hơn 23,2 tỷ vào cuối quý 2/2016, lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý 2 của PPC là 415,8 tỷ đồng và trong 6 tháng là 672,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính do vậy tăng mạnh lên hơn 388 tỷ đồng trong quý 2 và lũy kế 6T2016 lên hơn 673 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế 6 tháng, PPC đạt doanh thu thuần 3.222,6 tỷ đồng (-24,4% yoy) và LN HĐKD sản xuất điện đạt 259,6 tỷ đồng (-42% yoy). Bao gồm biến động tỷ giá, LNST hợp nhất âm 349 tỷ đồng (6T2015: dương 369 tỷ đồng).

Có thể thấy, nếu không tính đến việc tỷ giá biến động thì hoạt động kinh doanh chính của PPC cũng đang diễn biến tiêu cực. Bên cạnh đó, do chưa dứt điểm việc xác định sản lượng điện hợp đồng trong 6 tháng đầu năm cho Phả Lại 1, biên lợi nhuận của PPC cũng suy giảm mạnh. Đại diện doanh nghiệp đang để ngỏ khả năng hồi tố doanh thu/lợi nhuận đối với phần sản lượng hợp đồng này. Trong trường hợp xấu nhất là việc hồi tố không thực hiện được và JPY duy trì mức giá hiện tại, ước tính LNST (bao gồm biến động tỷ giá) năm 2016 của PPC chỉ đạt hơn 224 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2015. EPS năm 2016 theo đó ước đạt 522 đồng và PE forward vào khoảng 27,8x. Nếu loại trừ tác động của tỷ giá, EPS năm 2016 ước khoảng 2.590 đồng và PE forward vào khoảng 5,6x.

——————————–

CSM: KQKD 6 tháng đầu năm của CSM thấp hơn kế hoạch. Chuyên viên điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2016. Lặp lại đánh giá Nắm giữ.

Doanh thu lốp radial không đạt kế hoạch như dự kiến do việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ vẫn bị trì hoãn cho đến khi CSM hoàn thành điều chỉnh chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Trong khi đó, giá bán bình quân cũng giảm đáng kể dù sản lượng tiêu thụ tăng. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhờ tỷ lệ sử dụng công suất của nhà máy sản xuất lốp radial tăng. Chuyên viên điều chỉnh giảm dự báo cả năm và dự báo hiện tại của Chuyên viên là LNST 2016 giảm 4,4% so với năm 2015.

Lặp lại đánh giá Nắm giữ. Cổ phiếu hiện giao dịch với P/E dự phóng là 9 lần. Thị trường xuất khẩu tại Mỹ vẫn là một tiềm năng đầy hứa hẹn cho việc xuất khẩu lốp radial nhưng cho tới nay, thời gian chính thức cho việc xuất khẩu sang thị trường này đã bị đẩy lùi một vài lần. Trong tương lai, CSM sẽ ghi nhận một số thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các đối tác, tuy nhiên thời gian chưa rõ ràng. Giá cổ phiếu có vẻ đã phản ánh hết giá trị với đợt tăng giá mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Casumina (CSM – NẮM GIỮ) đã tổ chức gặp gỡ các chuyên viên phân tích hàng quý vào thứ 7 vừa qua. Sau đây là một số ghi nhận chính của Chuyên viên từ cuộc họp;

KQKD chưa soát xét 6 tháng đầu năm 2016 kém khả quan một chút – Với doanh thu thuần là 1.491,4 tỷ đồng (giảm 23,3% so với cùng kỳ) và LNTT là 154,9 tỷ đồng (giảm 24,63% so với cùng kỳ) – Kết quả này chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận liên quan tới hoạt động BĐS như trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, khoản đóng góp này là 402 tỷ đồng vào doanh thu thuần và 67,5 tỷ đồng LNTT. Nếu loại trừ đóng góp từ hoạt động BĐS, doanh thu thuần từ các mảng kinh doanh chủ chốt 6 tháng đầu năm nay giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đó LNTT tăng khoảng 12,65% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm chủ yếu do giá bán bình quân giảm mạnh trong khi đó LNTT tăng nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện. Với kết quả này, CSM chỉ mới hoàn thành 44,3% kế hoạch doanh thu cả năm và 46,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giá bán bình quân giảm 9,87% so với cùng kỳ mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng 8% so với cùng kỳ – Trong 6 tháng đầu năm, CSM đã tiêu thụ 43.000 lốp radial, (tăng 21% so với cùng kỳ mặc dù vậy kết quả này chỉ tương đương 32,5% kế hoạch cả năm) và phần lớn được tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, doanh thu từ lốp radial lại giảm 5,7% so với cùng kỳ là 165 tỷ đồng và hiện chiếm 11,05% doanh thu thuần. CSM đã được cấp chứng nhận DOT cho phép công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, công ty mong muốn xuất khẩu những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn sang thị trường này và theo đó đang thực hiện một số điều chỉnh đối với quá trình sản xuất để đạt một chứng nhận chất lượng nữa trước khi bắt đầu xuất khẩu những lô hàng đầu tiên. Công ty dự kiến sẽ hoàn thành việc điều chỉnh này trong 6 tháng cuối năm nay.

Phân loại doanh thu theo thị trường tiêu thụ, trong 6 tháng đầu năm nay doanh thu trong nước chiếm 72,8% tổng doanh thu trong khi đó doanh thu xuất khẩu đóng góp 27%. Cả doanh thu trong nước và xuất khẩu đều giảm nhẹ, lần lượt là 2% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động thương mại (bao gồm cả mảng BĐS) giảm mạnh 98% so với cùng kỳ vì lý do đã được giải thích ở trên.

Xét về kênh bán hàng, CSM hiện bán trực tiếp lốp ô tô cho 8 nhà sản xuất ô tô trong nước như THACO, Dongfeng, Hanoi Auto, 3/2 Auto,… Và kênh tiêu thụ qua các nhà sản xuất này chiếm khoảng 20-25% doanh thu lốp ô tô trong nước của CSM. Trong khi đó, đối với lốp xe máy, doanh thu qua kênh tiêu thụ trực tiếp đến các nhà sản xuất xe máy là thấp hơn 10% tổng doanh thu do công ty hiện chỉ bán trực tiếp lốp xe máy cho Suzuki và Yamaha. Honda, nhà sản xuất xe máy lớn nhất chưa phải là khách hàng của CSM và hiện CSM đang thực hiện các bước đàm phán với nhà sản xuất xe máy lớn nhất này.

Tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2016 tăng nhẹ đạt 23% từ mức 20,9% trong 6 tháng đầu năm ngoái – Với tỷ lệ sử dụng công suất cao hơn của nhà máy sản xuất lốp radial. Chuyên viên biết rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của lốp radial trong 6 tháng đầu năm nay là khoảng (-12%), giảm nhẹ từ mức (-15%) trong cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm nay là 343,4 tỷ đồng (giảm 15,6% so với cung kỳ) và theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 23%. Tại cuộc họp, công ty đã không công bố giá mua bình quân nguyên liệu đầu vào, nhưng Chuyên viên biết rằng với cạnh tranh gay gắt từ lốp Trung Quốc, để giữ thị phần, giá bán bình quân giai đoạn này đã giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ giảm của giá nguyên liệu đầu vào.

LNTT và LNST lần lượt là 154,9 tỷ đồng (giảm 24,6% so với cùng kỳ) và 123,8 tỷ đồng (giảm 22,8% so với cùng kỳ) – Do không còn khoản đóng góp lợi nhuận từ BĐS, là khoảng 67,5 tỷ đồng từ hai dự án số 9 Nguyễn Khoái và 504 Nguyễn Tất Thành được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm ngoái. Nếu loại trừ đóng góp từ hai dự án này, LNTT từ mảng kinh doanh chủ chốt khi đó đã tăng 12,65% so với cùng kỳ nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện đồng thời lỗ tài chính thuần giảm còn 29,8 tỷ đồng từ mức lỗ 55,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Chi phí tài chính 6 tháng đầu năm giảm mạnh còn 34,6 tỷ đồng (giảm 44,2% so với cùng kỳ) nhờ lỗ tỷ giá giảm đáng kể xuống 630 triệu đồng từ 19,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, chi phí quản lý và bán hàng 6 tháng đầu năm nay tăng 5,6% so với cùng kỳ lên 163 tỷ đồng và chiếm 10,9% doanh thu thuần, tăng từ mức 7,93% doanh thu thuần trong cùng kỳ năm ngoái.

Cho năm 2016, Chuyên viên điều chỉnh giảm dự báo doanh thu thuần xuống 3.408,6 tỷ đồng (giảm 6,3% so với năm 2015) và dự báo LNTT còn 348,6 tỷ đồng (giảm 6,1% so với năm 2015) – Trước đó, Chuyên viên dự báo doanh thu thuần 2016 là 3.558 tỷ đồng (giảm 2,2% so với năm 2015) và LNTT là 374 tỷ đồng (tăng nhẹ 0,4% so với năm 2015).

Chuyên viên dự báo công ty sẽ đạt LNTT và LNST lần lượt là 348,7 tỷ đồng (giảm 6,1% so với năm 2015) và 277,2 tỷ đồng (giảm 4,4% so với cùng kỳ). EPS 2016 theo đó sẽ là 2.641đ, P/E dự phóng là 9 lần.

Cập nhật kế hoạch đầu tư

· Công ty vừa tăng 233% công suất sản xuất lốp không săm lên 2 triệu lốp/năm với chi phí cho đầu tư tăng công suất là 50 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ là 940.000 lốp, (tăng 28,8% so với năm 2015). Nhu cầu gia tăng với tiềm năng xuất khẩu đặc biệt là sang thị trường Mỹ khi TPP được phê chuẩn.

· CSM vừa điều chỉnh giảm kế hoạch sản lượng tiêu thụ đối với lốp radial xuống 100.000 lốp (tăng trưởng 42,9%) từ 120.000 lốp theo kế hoạch trước đó. Kế hoạch này là khá thấp so với công suất thiết kế của Giai đoạn 1, là 350.000 lốp. Đến năm 2018, công ty dự kiến Giai đoạn 1 sẽ hoạt động hết công suất, và hi vọng khởi động Giai đoạn 2 trong năm 2017 (dự kiến giai đoạn này sẽ tăng gấp đối công suất lên 700.000 lốp). Chi phí đầu tư cho Giai đoan 2 là khoảng 800 tỷ đồng.

· CSM có kế hoạch xây nhà máy bán thép chuyên dành riêng cho xe du lịch với tổng công suất thiết kế là 4 triệu lốp trong 3 giai đoạn. Công ty sẽ bắt đầu sản xuất những sản phẩm bán thép đầu tiên trước năm 2017 với công suất thiết kế là 500.000 lốp và giá trị đầu tư là khoảng 200 tỷ đồng. 100% sản lượng của Giai đoạn 1 sẽ được xuất khẩu. Trong giai đoạn 2, công ty sẽ bổ sung thêm 1,5 triệu tấn với tổng chi phí ước tính là 300 tỷ đồng. Giai đoạn 3 sẽ khởi công khi hai giai đoạn đầu tiên đã đi vào hoạt động tốt. Giai đoạn 3 sẽ bổ sung công suất thêm 2 triệu lốp.

CSM đã ký Biên bản ghi nhớ bao tiêu sản phẩm với Tireco, một đơn vị sản xuất lốp của Mỹ đối với các sản phẩm lốp radial bán thép, theo đó công ty này sẽ bao tiêu 1,5 triệu tấn lốp/năm sang thị trường Bắc Mỹ. Đổi lại, sự chuyển giao công nghệ giúp CSM sản xuất lốp bán thép cho các dòng xe du lịch.

· Hiện tại, lốp radial bán thép Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải chịu mức thuế suất nhập khẩu là 5% cộng với 34% thuế chống bán phá giá. Mức thuế chống bán phá giá rất cao này đã giúp tạo khoảng trống thị phần cho CSM và các đối tác xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong năm đầu tiên (2017), CSM dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 250.000 lốp sang thị trường này với doanh thu là khoảng 250 tỷ đồng.

· Về dự án BĐS 180 Nguyễn Thị Minh Khai, CSM đã ký hợp đồng liên doanh với một đối tác mới, là Hoành Sơn để phát triển dự án tòa nhà văn phòng này. Công ty dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong năm nay và thời gian xây dựng dự kiến là 18 tháng. Tổng vốn đầu tư cho dự án này ước tính là 100 tỷ đồng và sẽ do Hoành Sơn tài trợ trong khi đó CSM đóng góp quyền sử dụng đất. Khi dự án hoàn thành, CSM sẽ có quyền sử dụng 32% không gian văn phòng của toàn nhà.

· Về các lô đất tại Nguyễn Biểu, Xí nghiệp Bình Lợi và Kha Vạn Cân, CSM đã ký hợp đồng với một đối tác khác để chuyển giao quyền sử dụng đất của những lô đất này. Đối tác cam kết trả cho CSM 200 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chi phí di dời. Tiền đền bù này sẽ được thanh toán theo nhiều đợt và dự kiến sẽ được ghi nhận là lợi nhuận bất thường trong năm 2017 – 2018. Do thiếu thông tin chi tiết, Chuyên viên chưa bao gồm khoản lợi nhuận bất thường này vào mô hình dự báo lợi nhuận của mình.

Quan điểm đầu tư – Lặp lại đánh giá Nắm giữ. Giá cổ phiếu CSM trên thị trường đã tăng 33,7% so với đầu năm nhờ những thông tin liên quan đến việc trả cổ tức tiền mặt lớn cùng với việc phát hành cổ phiếu thưởng. Ngành kinh doanh chủ chốt của công ty được cải thiện với tỷ lệ công suất hoạt động cao hơn đối với nhà máy radial nhưng vẫn hoạt động dưới mức hòa vốn. Hơn nữa, do môi trường cạnh tranh khốc liệt, khả năng chuyển những tác động tăng trong chi phí nguyên liệu đầu vào sang người sử dụng cuối cùng là hạn chế. Hiện tại, cổ phiếu CSM đang giao dịch với P/E dự phóng là 9 lần, là mức định giá theo Chuyên viên là đã phản ánh hết giá trị. Mặc dù công ty có kế hoạch mở rộng đầy tham vọng và tiềm năng đóng góp lợi nhuận từ một số mảng kinh doanh không chủ chốt, Chuyên viên vẫn ưa thích DRC hơn trong ngành này.

——————————–

DXG: Tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ từ ghi nhận doanh số bán BĐS

Chuyên viên giữ nguyên khuyến nghị MUA cho CTCP Dịch vụ & Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG). Trong khi diễn biến KQKD của DXG trong 6 tháng đầu năm 2016 là không tốt như kỳ vọng, Chuyên viên kỳ vọng diễn biến trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng tốc trong khi tiến độ bán hàng tích cực sẽ tiếp nối trong nửa cuối năm nay.

Doanh thu quý 2 tăng trưởng 264% so với quý 2/2015.

Biên LN gộp tăng trưởng 73%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu.

LN ròng sau thuế trừ lợi ích CĐTS tăng trưởng khiêm tốn 31% và hoàn thành 33% dự báo cả năm của Chuyên viên.

Chuyên viên kỳ vọng lợi nhuận từ mảng môi giới BĐS sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2016

DXG sẽ gia tăng tốc độ mở bán các dự án trong quý 3 và quý 4.

Công tư dự kiến sẽ hoàn thành đợt phát hành quyền mua tỷ lệ 1:1 trong quý 3 năm nay. Ngày thực hiện cụ thể hiện vẫn chưa được công bố

——————-

GAS: Kết quả 6 tháng đầu năm giảm mạnh, dự kiến sẽ được bù đắp nhờ kết quả 6 tháng cuối năm

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) giảm 5% trong khi LNST theo báo cáo giảm 41,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các kết quả này tương đương lần lượt 48,7% và 40,7% dự báo cả năm của Chuyên viên. Tình hình này phù hợp với dự báo của Chuyên viên, vì Chuyên viên cho rằng giá dầu tăng và ghi nhận lợi nhuận hồi tố sẽ hỗ trợ KQLN 6 tháng cuối năm. Chuyên viên cho rằng sẽ không điều chỉnh đáng kể giá mục tiêu và khuyến nghị trên cơ sở các kết quả trên.

Doanh thu chỉ giảm nhẹ 5% vì sản lượng bán ra 6 tháng đầu năm vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận từ hoạt động giảm 46,9% chủ yếu do chi phí bán hàng tăng 23,5%.

Dự báo KQLN của Chuyên viên có phản ánh giá dầu trung bình tăng 17% trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ giá bán trung bình.

Ghi nhận lợi nhuận hồi tố sẽ giúp lợi nhuận 6 tháng cuối năm tăng 22 triệu USD.

—————————————-

NLG: Tăng trưởng doanh thu mạnh nhờ ghi nhận các dự án phổ thông

Chuyên viên giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG). KQKD 6 tháng đầu năm 2016 nhìn chung phù hợp với dự báo Chuyên viên đã đưa ra ngày 20/07/2016.

Doanh thu quý 2 tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn nhờ ghi nhận doanh thu các dự án thấp cấp của NLG tại TP. HCM. Doanh thu đạt 52% dự báo và phù hợp với dự báo của Chuyên viên.

LNST sau lợi ích CĐTS tăng 226%, chủ yếu nhờ tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng trên tổng doanh thu tăng. Kết quả này tương đương 51% dự báo của Chuyên viên.

KQKD 6 tháng cuối năm có thể vượt dự báo của Chuyên viên, một phần nhờ việc chuyển nhượng cổ phần tại một số dự án. Diễn biến tài chính quý 3 và quý 4 của NLG có thể sẽ vượt dự báo của Chuyên viên nhờ NLG có thể sẽ ghi nhận giao dịch tại các thành phố cấp hai và định giá lại đất vì công ty có thể chuyển nhượng vốn góp tại một số dự án cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, Chuyên viên vẫn giữ quan điểm thận trọng khi thực hiện mô hình định giá

—————————————-

PNJ: Trên đà vượt kế hoạch nhờ mảng bán lẻ trang sức cốt lõi

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố KQLN 6 tháng đầu năm 2016, trong đó doanh thu thuần và LNST lần lượt tăng 2,2% và 124,4% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST đạt mức tăng trưởng ấn tượng trên nhờ các lý

do: (1) LNST lĩnh vực cốt lõi tăng trưởng đầy ấn tượng 31% chủ yếu nhờ hoạt động bán lẻ; và (2) Chi phí dự phòng liên quan đến Ngân hàng Đông Á giảm.

Chuyên viên ước tính lợi nhuận cốt lõi tăng 31,4% so trong 6T/2016 so với cùng kỳ

Lợi nhuận báo cáo tăng trưởng 124% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi nhờ chi phí dự phòng cho Đông Á giảm và lợi nhuận bất thường.

Mặc dù Chuyên viên đã ngừng đưa ra khuyến nghị đối với PNJ, Chuyên viên tin rằng mức P/E cốt lõi 13.5 lần chưa phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng của công ty.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 đã tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước, số liệu được công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê. Cụ thể, Trong tháng 7 này có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 1,19% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 tăng chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu trong thời gian qua. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao cũng góp phần lớn vào việc tăng giá của nhóm hàng này. Ở chiều ngược lại, tuy chỉ có nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông giảm giá so với tháng trước nhưng do chiếm tỷ trọng lớn trong cách tính nên đã tác động đáng kể kìm bớt mức tăng của chỉ số chung. Nhìn chung, đây là mức tăng khá thấp so với diễn biến giá cả một số tháng gần đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 7 tháng đầu năm đang ở mức 1,81%, rất sát với mức 1,82% CPI bình quân cho thấy yếu tố tiền tệ đang chi phối rất lớn đến lạm phát năm nay. Nói cách khác, tác động từ chính sách nởi lỏng tiền tệ của NHNN đang dần được phản ánh qua diễn biến lạm phát. Mặc dù chưa ở mức đáng báo động, tuy nhiên lạm phát vẫn sẽ là yếu tố cần được theo dõi sát sao và có tác động lớn đến chính sách tiền tệ của NHNN.

——————————–

Chỉ số VN30 mới thêm vào các cổ phiếu BID, GAS, HNG, MWG trong khi EIB, HHS, HVG, PVT bị loại theo công bố kết quả sàng lọc kỳ 2/2016 của HoSE. Đáng chú ý trong lần điều chỉnh lần này, HoSE loại cổ phiếu có free-float (chưa làm tròn) ≤ 10%, ngoại trừ cổ phiếu có Giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float lớn hơn trung vị của top 90% Giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float của toàn thị trường. Do đó, một số cổ phiếu có tỷ lệ free-float nhỏ (do cổ đông nhà nước vẫn còn nắm giữ phần lớn sở hữu) nhưng quy mô giá trị vốn hóa sau điều chỉnh free-float lớn được đưa vào Bộ chỉ số kỳ 2/2016 (BID, GAS). Chuyên viên đánh giá việc GAS và BID được đưa vào rổ cổ phiếu VN30 giúp rổ này đại diện tốt hơn cho biến động ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (26/07/2016):

26/07/2016 SBT Niêm yết cổ phiếu bổ sung – 9,118,675 CP

26/07/2016 D11 Ngày GDKHQ Thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 1:0.5, giá 10.000 đồng/CP

26/07/2016 TDN Ngày GDKHQ Thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 100:84

6. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:

Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư 25072016

Ghi chú:

– “Giá mục tiêu” và “Giá cắt lỗ” sẽ được cập nhật dựa trên diễn biến giao dịch hàng ngày của từng mã.

– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý