DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 21/06/2016 gồm cập nhật Thông tư 08, giá xăng, MWG, ITC, CII

Lượt xem: 13,399 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với sắc xanh, chỉ số tăng mạnh 7,21 điểm lên 626,46 điểm cùng với 94,71 triệu cổ phiếu được khớp.

Đồ thị VN-Index ngày 20/06/2016

Đồ thị VN-Index ngày 20/06/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index hình thành cây nến xanh dài với chân nến nằm sát trên đường SMA20, kèm theo sự lan tỏa tích cực của độ rộng tăng điểm. Sự hồi phục trở lại của các cổ phiếu bluechips sau khi có dấu hiệu bị bán quá đà trong phiên ATC cuối tuần trước, cùng đa tăng điểm của nhóm dầu khí là động lực chính cho phiên tăng điểm này. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đã được cởi bỏ phần nào trước diễn biến mua ròng trở lại của khối ngoại sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số có diễn biến tích cực trong những phiên kế tiếp.

Trên đồ thị, thân nến tăng của phiên hôm nay cho thấy đà tăng suất hiện khá sớm và được mở rộng dần về cuối phiên. Tín hiệu này đã góp phần xóa bỏ nguy cơ mất mốc hỗ trợ được phản ánh trong nến giảm liền trước. Như vậy, đường SMA 20 đã chứng tỏ vai trò quan trọng đối với xu hướng thị trường ngắn hạn. Đây cũng là khu vực biên dưới của kênh biến động theo chiều ngang của VN-Index kể từ đầu tháng 6/2016 tới nay.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 21/06/2016, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục duy trì đà tăng và thử thách lại vùng kháng cự 630 điểm. Đồng thời, lực cầu ngắn hạn có thể sẽ cải thiện trong vài phiên tới và rủi ro từ phiên bán của hai quỹ ETF đã có chiều hướng suy giảm. Ngoài ra, Nhật Cường đánh giá dòng tiền vẫn chưa có hiện tượng rút ra khỏi thị trường và có sự dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 618.26 điểm. Do đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 20/06/2016:

Cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực, VN-Index tăng trong suốt phiên giao dịch và đóng cửa tại ngưỡng cao nhất phiên. Khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia với mức độ trung bình và khối này mua ròng gần 75 tỉ đồng cả hai sàn. VNM ETF discount -0,26%, FTSE ETF premium 1,11%.

• Cổ phiếu ngân hàng biến động trái chiều với VCB giảm mặc dù CTG & ACB tăng. MBB cũng giảm trong khi BID, STB và EIB đóng cửa tại tham chiếu.

Truyền thông trong nước hôm nay đề cập đến nợ xấu, ước tính còn khoảng 345 nghìn tỷ đồng (hay 15,5 tỷ USD) cần được xử lý. Tiếp đó, báo chí cũng đề cập với số nợ xấu này sẽ mất một thập kỷ nữa để xử lý hoàn toàn. Vấn đề nợ xấu cũng là một phần trong câu chuyện trả cổ tức cổ phiếu của BID & CTG và áp lực giảm lãi suất cho vay hiện tại cũng tăng thêm sự bất ổn trong ngành ngân hàng về mặt (1) triển vọng lợi nhuận trong năm nay; và (2) rủi ro đối với tăng trưởng của các ngân hàng cần phải tăng vốn cấp 1 (BID và CTG). Trong khi đó EIB có vẻ vẫn bế tắc trong cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông khi mà không một nhóm cổ đông nào có thể nắm quyền kiểm soát HĐQT.

Do đó, không có nhiều yếu tố thúc đẩy giá ngắn hạn đối với hầu hết các cổ phiếu ngân hàng. Chỉ một vài ngân hàng đã niêm yết như VCB & MBB là không bị tác động nhiều (có thể kể đến cả ACB) và theo đó kết quả kinh doanh có lẽ sẽ tốt trong năm nay. Tuy nhiên, một phần do cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh vào năm ngoái và một phần do yếu tố cơ bản của ngành hiện chưa thực sự tốt, Chuyên viên nhận thấy trước mắt không có nhiều triển vọng để cổ phiếu ngân hàng tăng vững.

• Các mã tài chính phi ngân hàng tăng hôm nay dẫn đầu là BVH và PVI. Các mã chứng khoán cũng tăng mạnh dẫn đầu là SSI và HCM. VND cũng tăng.

• Các mã ngành hàng tiêu dùng biến động trái chiều với KDC tăng mạnh trong khi MSN giảm trở lại còn VNM đóng cửa tại tham chiếu. FPT tăng vọt trong khi MWG tăng trần. Mã ngành bán lẻ nữa là PNJ cũng tăng tốt.

KDC (Nắm giữ) tăng tốt với những thông tin khả quan từ ĐHĐCĐTN, cụ thể lãnh đạo công ty cho biết cách thức công ty sẽ phát triển trong tương lai (chào mua Vocarimex) và có thể tham gia và một số thương vụ mua lại các công ty chuyên về thực phẩm và đồ uống. Đồng thời, công ty cũng sẽ bán số cổ phần còn lại tại BKD trong năm nay. Hơn nữa, công ty cũng thông báo về kế hoạch mua cổ phiếu quỹ và với toàn bộ thông tin này, cổ phiếu trở nên khá hấp dẫn.

MWG (Khả quan) tiếp tục tăng với KQKD tốt và công ty đã công bố LNST 5 tháng đầu năm 2016 đạt 700 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và theo đó hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm. Lợi nhuận tăng nhờ doanh thu mỗi cửa hàng tăng cộng với nhiều cửa hàng mới được mở (gồm cả cửa hàng TGDĐ và điện máy).

• Cổ phiếu dầu khí có một ngày khả quan hơn với PVD tăng trần và GAS, PVS và PXS tăng mạnh. Giá dầu thô tăng vọt chắc chắn là xúc tác ở đây trong khi việc PVD giảm mạnh tuần trước do yếu tố kỹ thuật đã khiến NĐT mua vào mạnh hôm nay.

• Cổ phiếu BĐS biến động trái chiều với VIC và DXG tăng tốt trong khi đó NLG giảm. BCI tiếp tục tăng trong khi đó SJS đóng cửa tại tham chiếu. KBC tăng trong khi đó CII tăng vọt. Trong số các cổ phiếu xây dựng, CTD đạt mức cao mới và HBC cũng duy trì tăng tốt.

Với mức giá hiện tại, Chuyên viên ưu thích HBC (Khả quan) hơn so với CTD (Nắm giữ) khi mà câu chuyện xoay quanh HBC vẫn chưa thể hiện hết. Không có lý giải rõ ràng vì sao CII (Khả quan) tăng mạnh như vậy hôm nay. Tuy nhiên, Chuyên viên vẫn ưa thích cổ phiếu này với vị thế là doanh nghiệp cơ sở hạ tầng đầu ngành. CafeF nhắc lại thông tin gần đây về dự án đường cao tốc trên cao của CII và dự án này hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. CII dự kiến sẽ tiến hành đấu thầu hợp đồng đầu tiên về xây dựng đường cao tốc trên cao và nếu thành công, đây là sẽ hợp đồng đầu tiên trong nhiều hợp đồng nữa sau này.

• Các mã ngành sản xuất phục hồi tốt dẫn đầu là HPG và HSG. NKG, cổ phiếu một cổ phiếu ngành thép cũng tăng hôm nay. PAC tiếp tục tăng mạnh trong khi đó BMP tăng tốt. DQC cũng đóng phiến tăng. TMT và HHS cũng tăng.

• Cổ phiếu ngành dược phẩm biến động trái chiều hôm nay với TRA giảm trong khi DHG tăng

• Các mã ngành thủy sản và nông nghiệp diễn biến trái chiều và tăng với GTN tiếp tục tăng trong khi VHC cũng tăng mạnh. HAG và HNG đóng cửa tại tham chiếu. VFG và SBT tiếp tục tăng.

HĐQT SBT đã phê duyệt kế hoạch mua cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre hay Betrimex trong tháng 6/tháng 7 tới. Tuy nhiên, SBT vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết liên quan nào. Betrimex hiện là công ty liên kết của Tập đoàn Thành Thành Công và tập trung vào các sản phẩm chế biến từ dừa như nước cốt dừa, xơ dừa than bùn và sợi dừa.

Trên HSX, khối ngoại mua ròng 69.42 tỷ đồng. HPG dẫn đầu về khối lượng mua ròng, đạt hơn 536 nghìn đơn vị. Đứng thứ 2 là HAH với 260 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, DPM bị bán ròng mạnh nhất, khối lượng đạt hơn 212 nghìn đơn vị. Trên HNX, khối ngoại mua ròng 5,18 tỷ đồng. CVT dẫn đầu về khối lượng mua ròng với 88,4 nghìn đơn vị. Khối ngoại không tập trung bán ròng mã nào trên HNX.

Phiên hôm nay giống như một phiên “xả van” của thị trường với những mã bluechip giảm vào hôm thứ 6 đã tăng lại. Tuy nhiên nhiều mã cổ phiếu tăng tốt gần đây như MWG; PAC; CTD và GTN cũng tăng mạnh. Điều này cho thấy phiên tăng hôm nay không đơn giản chỉ là một phiên tăng mang tính kỹ thuật. Theo đó VN-Index đã bật lại từ ngưỡng hỗ trợ quanh 620 và hướng đến ngưỡng cao trong biên độ biến động gần đây.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

MWG: Công bố KQKD 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan

LNST tăng 80% so với cùng kỳ nhờ công ty tích cực mở cửa hàng mới trong khi từng cửa hàng của cả chuỗi TGDĐ và điện máy cũng có sự tăng trưởng. Chuyên viên dự báo LNST năm 2016 tăng trưởng 46,4%. Hai chuỗi TGDĐ và điện máy còn dưa địa tăng trưởng tiếp khoảng 1 hoặc 2 năm nữa. Sau đó, tăng trưởng của MWG sẽ phụ thuộc vào chuỗi bách hóa xanh (hiện MWG đã mở một số cửa hàng bách hóa xanh để đánh giá thị trường).

Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Định giá không còn thấp nhưng hợp lý dựa trên tốc độ tăng trưởng cao. Hiện room đã đầy. Tuy nhiên vẫn có những lô cổ phiếu lớn của khối ngoại được giao dịch.

MWG (Khả quan) công bố KQKD 5 tháng đầu năm vượt kế hoạch – doanh nghiệp nắm giữ chuỗi bán lẻ TGDĐ đầu ngành và chuỗi bán lẻ điện máy công bố KQKD 5 tháng đầu năm tăng mạnh với doanh thu thuần đạt 16.240 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ và hoàn thành 48% kế hoạch cả năm) và LNST đạt 700 tỷ đồng (tăng 86% so với cùng kỳ và hoàn thành 50% kế hoạch cả năm). KQKD đạt được nhờ công ty mở cửa hàng mới trong khi doanh thu từng cửa hàng cũng có sự tăng trưởng

Cả chuỗi TGDĐ và điện máy đều đạt mức tăng trưởng mạnh – Trong 5 tháng đầu năm 2016, MWG mở mới 215 cửa hàng TGDĐ (nâng tổng số cửa hàng lên 779, tăng 85% so với cùng kỳ) và 30 cửa hàng điện máy (nâng tổng số cửa hàng lên 99, tăng 312,5% so với cùng kỳ).

Doanh thu mỗi cửa hàng cũng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ – doanh thu mỗi cửa hàng cả TGDĐ và điện máy tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ.

Chuyên viên dự báo LNST năm 2016 tăng trưởng 46,4% – Cho 2016, Chuyên viên dự báo MWG sẽ đạt doanh thu là 37.455 tỷ đồng (tăng trưởng 48,3%) và LNST đạt 1.575 tỷ đồng (tăng trưởng 46,4%). Theo đó EPS đạt 9.336đ; P/E dự phóng đạt 11,5 lần. Dựa báo của Chuyên viên dựa trên những giả định sau;

(1) Chuyên viên giả định đến cuối năm số lượng cửa hàng trong chuỗi TGDĐ tăng lên 900 cửa hàng (tăng 60%) và điện máy tăng lên 130 cửa hàng (tăng 88,4%); nghĩa là MWG mở mới 336 cửa hàng TGDĐ và 61 cửa hàng điện máy trong 2016.

(2) Chuyên viên giả định tốc độ tăng trưởng từng cửa hàng TGDĐ là 5% và điện máy là 10% (thấp hơn năm ngoái)

(3) Chuyên viên ước tính lợi nhuận gộp sẽ đạt 5.847 tỷ đồng, tăng trưởng 49,07%. Chuyên viên cũng giả định tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 15,53% lên 15,61% (tỷ suất lợi nhuận gộp chuỗi TGDĐ giữ nguyên ở 15,5% còn chuỗi điện máy tăng nhẹ từ 15,3% lên 15,65%).

(4) Chuyên viên dự báo lợi nhuận tài chính thuần giảm 36% xuống 25,8 tỷ đồng với doanh thu HĐ tài chính tăng 30,14% lên 105,4 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng 95,7% lên 79,6 tỷ đồng. Điều này là do cơ cấu đóng góp của chuỗi TGDĐ và điện máy có sự thay đổi với tỷ trọng đóng góp của chuỗi điện máy tăng từ 17,7% năm 2015 lên 22% năm 2016. Chuyên viên giả định số ngày phải trả là 28,1 (năm 2015 là 25,5).

(5) Chuyên viên ước tính chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu là 10,4% (năm 2015 là 10,3%).

MWG hiện đã mở 15 cửa hàng bách hóa xanh – MWG đã mở 15 cửa hàng bách hóa xanh với diện tích bình quân là 250m2 trong 6 tháng cuối năm 2015. Cửa hàng bách hóa xanh chuyên bán các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày; đặc biệt là là hoa quả và rau tươi. Cho đến nay, toàn bộ các cửa hàng được mở tại các con hẻm lớn tại quận Bình Tân và Tân Phú, TP HCM. MWG công bố không nhiều thông tin về tình hình triển khai cửa hàng bách hóa xanh ngoại trừ cho biết tình hình vẫn được triển khai như dự kiến. Chuyên viên cho rằng MWG sẽ có quyết định cuối cùng về tính khả thi của dự án bách hóa xanh (và có khả năng sẽ đẩy mạnh mở thêm cửa hàng vào năm sau)

Quan điểm đầu tư – Duy trì đánh giá Khả quan. Định giá là khá hợp lý dựa trên tốc độ tăng trưởng cao. Việc doanh thu mỗi cửa hàng ĐTDĐ tiếp tục tăng trưởng là một nhân tố tích cực bất ngờ vì hiện thị trường đang ngày càng trở nên bão hòa và cho thấy có thể chu kỳ thay mới ĐTDĐ đã bắt đầu. Các mẫu ĐTDĐ bán nhiều nhất trong 2015 và Q1/2016 là Iphone 6, Iphone 6s và Samsung Galaxy A. Tuy nhiên Chuyên viên cho rằng mô hình chuỗi ĐTDĐ đã hoạt động tối ưu và sát đến ngưỡng ổn định; có lẽ chỉ có thể tăng trưởng nhanh thêm 6-12 tháng. Về lĩnh vực bán lẻ điện máy, chuỗi điện máy của MWG vẫn tăng trưởng tốt như dự kiến. Chuỗi điện máy có thể tăng trưởng trong 2-3 năm với tiềm năng cải thiện cả tỷ suất lợi nhuận gộp. Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng dài hạn sẽ tùy thuộc vào sự thành công của chuỗi bách hóa xanh. Cho đến nay MWG chưa chia sẻ nhiều về hoạt động của chuỗi bách hóa xanh; tuy nhiên Chuyên viên được biết giai đoạn thử nghiệm vẫn diễn ra như dự kiến. Nếu MWG có thể thành công và đẩy mạnh mở rộng chuỗi bách hóa xanh trong năm sau thì điều này sẽ nâng cao đáng kể tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công ty.

——————————–

ITC: Nhiều chuyển động mới từ các dự án; tình hình tài chính chưa cải thiện nhiều

So với năm 2015, hoạt động đầu tư – kinh doanh của ITC đã có một số chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, việc tái khởi động lại dự án tại lô đất “vàng” số 83 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM là được kỳ vọng sẽ sớm đưa ITC trở lại cuộc đua giữa các công ty BĐS của Tp.HCM.

Hiện tại, 2 dự án ITC đang tập trung triển khai và kinh doanh là Intresco Plaza (tên thương mại là Terra Royal) và KDC Long Thới – Nhơn Đức (tên thương mại là Star Village). Trong đó, Terra Royal được nhà đầu tư chờ đợi từ khá lâu và được đánh giá là dự án có vị trí “đẹp” nhất của ITC hiện nay. Terra Royal nằm ngay ngã tư Lý Chính Thắng (Q.3) và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), trên trục sân bay Tân Sơn Nhất – Bến Thành và điểm giao nhau giữa quận 1, quận 3 và quận Phú Nhuận. Intresco Plaza có tổng diện tích 6.525m2, khoảng 70.000 m2 sàn xây dựng và vốn đầu tư ước tính hơn 2.000 tỷ đồng. Theo phương án ban đầu, khoảng 35% diện tích sàn sẽ được xây dựng thành căn hộ cao cấp, phần còn lại được dùng làm văn phòng và khách sạn.

Tiến độ của dự án Terra Royal bị kéo dài nhiều năm qua do vướng thủ tục đền bù. Tuy nhiên, Chuyên viên được biết, ITC hiện đã gút lại phương án đền bù và có được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng nhằm hoàn tất việc đền bù ngay trong tháng 6/2016. Cũng trong quý 2, ITC đã thanh toán thêm khoảng 400 tỷ tiền SDĐ cho dự án (lũy kế đã thanh toán tổng cộng 500/892 tỷ đồng). Terra Royal dự kiến được khởi công đầu quý 3/2016. Qua khảo sát, các dự án chung cư cao cấp ở khu vực xung quanh quận 3 và Phú Nhuận đang giao dịch ở mức giá từ 50-65 triệu/m2, cao nhất có nơi lên đến 70 triệu/m2. Với lợi thế về vị trí của Terra Royal và nguồn cung căn hộ ở khu vực xung quanh dự án còn chưa nhiều, Chuyên viên đánh giá khá cao khả năng kinh doanh của dự án này.

Cũng theo khảo sát của Chuyên viên, việc bán hàng của dự án KDC Long Thới – Nhơn Đức hiện tương đối khả quan. Được mở bán từ giữa năm 2015 nhưng tiến độ bán hàng của dự án chỉ thực sự tăng tốc từ đầu năm đến nay, chủ yếu nhờ việc hoàn thành việc san lấp và xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 (45ha) cũng như kỳ vọng tăng giá đất sau khi một số dự án hạ tầng quanh khu vực quận 7, Nhà Bè như cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng đường trục Bắc Nam Tp.HCM vv được khởi công. Đến thời điểm hiện tại, ITC đã kinh doanh được hơn 200 nền tại dự án này. Với giá bán trung bình từ 8,5-10,5 triệu/m2, doanh số từ những lô đã bán nhưng chưa hạch toán doanh thu ước tính vào khoảng 200 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tương ứng vào khoảng 40 tỷ đồng. ITC dự kiến đóng tiền sử dụng đất cho giai đoạn 1 (khoảng 127 tỷ đồng) trong tháng 6 hoặc tháng 7/2016 để có thể bắt đầu ghi nhận doanh thu cho những nền đã bán từ quý 4. Hiện tại, một số nền nhà liên kế trong dự án cũng đã bắt đầu khởi công xây dựng.

Bên cạnh 2 dự án trên, ITC sẽ tiếp tục chuyển nhượng lô đất số 6F Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM và lô số 8 dự án KDC 6B (ITC là đơn vị phân phối thứ cấp), Bình Chánh, Tp.HCM. Trong khi lô đất 6F Ngô Thời Nhiệm có khả năng đem lại cho ITC 7 tỷ đồng LNG ngay trong năm 2016 thì dự án KDC 6B (LNG còn lại ước tính ~50 tỷ) hiện vẫn vướng một số thủ tục pháp lý để bàn giao cho khách hàng. Do vậy, khả năng đóng góp của các giao dịch này vào KQKD năm 2016 là không nhiều.

Theo đánh giá của Chuyên viên, ITC chỉ mới thực sự “khỏe” lên từ năm 2015 khi Công ty trả được phần lớn nợ vay nhờ việc thanh lý dự án Intresco Tower (46 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận). Năm 2016, ITC tiếp tục lên kế hoạch vay 900 tỷ đồng để đóng tiền sử dụng đất cho Terra Royal và Star Village. Việc tăng đòn bẩy tài chính trở lại vào lúc này sẽ là rủi ro lớn nếu thu tiền từ việc kinh doanh đất nền bị chậm lại và/hoặc tiến độ kinh doanh của Terra Royal không như kỳ vọng. Bên cạnh đó, do điểm rơi doanh thu và lợi nhuận chủ yếu từ năm 2017 trở đi, khó kỳ vọng ITC ghi nhận tăng trưởng KQKD tích cực trong ngắn hạn. Dù vậy, câu chuyện tái cơ cấu của ITC đã gần đi đến hồi kết và việc triển khai được những dự án lớn như Terra Royal và Star Village có thể sẽ đánh dấu một bước chuyển mình đối với ITC. Cổ phiếu ITC hiện đang giao dịch ở mức P/B chỉ 0,4x, thấp hơn rất nhiều so với bình quân ngành. Chuyên viên cho rằng ITC sẽ phù hợp với hơn với khẩu vị của những nhà đầu tư giá trị, có khả năng chấp nhận rủi ro cao và nắm giữ lâu dài.

——————————–

CII: 70% trái phiếu của CII đã được chuyển đổi

CTP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) đã thông báo kết quả chuyển đổi trái phiếu CII41401 thành cổ phiếu CII tại đợt 3 tháng 6/2016. Tương ứng, đã có 150.428 trên 218.184 trái phiếu được chuyển đổi thành 13.673.830 cổ phiếu CII, trong đó 16,5% sở hữu của ban lãnh đạo công ty và 49,3% từ trái chủ nước ngoài. Nhà đầu tư sẽ không được hưởng lãi trái phiếu kể từ ngày 23/06/2015 cho đến 23/06/2016 trên số lượng trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu trong đợt 3 này.

Dựa trên việc chuyển đổi này, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của CII tăng thêm 5,5% lên mức 264 triệu cổ phiếu, dẫn đến giá mục tiêu thay đổi nhẹ từ 30.000 đồng xuống còn 28.800 đồng. Giá cổ phiếu đã CII tăng mạnh 4,7% hôm nay và đóng cửa ở mức 26.800 đồng/CP, đang giao dịch với mức P/E dự phóng là 9,5 lần.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Giá xăng giảm 340 đồng/lít

Giá xăng bán lẻ RON92 giảm 340 đồng/lít xuống 16.160 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 390 đồng/lít lên 12.290 đồng/lít từ 3 giờ chiều nay. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cho biết giá xăng trung bình trên thị trường thế giới 15 ngày qua đã giảm 1,6USD/thùng RON92, trong khi giá các mặt hàng khác như diesel, dầu, và mazut lại tăng. Vì vậy, hai bộ đã quyết định điều chỉnh trái chiều giá xăng dầu như trên. Bên cạnh đó, chi tiêu vào quỹ bình ổn giá được giữ nguyên đối với xăng tại mức 639-672 đồng/lít và giảm đối với các mặt hàng còn lại. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng RON92 đã được điều chỉnh 11 lần, bao gồm năm lần giảm giá và sáu lần tăng giá. Tổng cộng, giá xăng hiện nay thấp hơn 240VND/lít so với cuối năm ngoái.

——————————–

Thông tư 08 – Hoàn thiện pháp lý cho quá trình xử lý nợ xấu

NHNN vừa ban hành thông tư 08 mục đích sửa đổi và bổ sung một số quy định về việc mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC. Những điểm chính trong thông tư 08 gồm:

1. Quy định liên quan đến việc gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt (TPĐB): thời gian không quá 10 năm kể từ ngày phát hành. 2 trường hợp được gia hạn thời hạn của TPĐB: a. Tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu, b. Tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro TPĐB dẫn đến LNTT bị âm.

2. Nới lỏng một số điều kiện về xử lý miễn, giảm lãi phạt, phí lãi vay quá hạn đối với nợ xấu đã mua như loại bỏ điều kiện khách hàng cam kết trong 60 ngày trả tối thiểu 5% số dư nợ gốc tại thời điểm xem xét miễn, giảm lãi phạt, phí lãi vay đã quá hạn.

3. Thông tư quy định rõ hơn những điều kiện liên quan đến việc bán nợ xấu được mua theo giá thị trường và cách thức trích lập dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường.

Thông tư dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08/2016.

Tính đến ngày 31/05/2016, VAMC đã mua được 247.000 tỷ đồng nợ xấu với giá mua là 212.000 tỷ đồng. Trong đó, VAMC đã thu hồi được 31.000 tỷ đồng và các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 10% trong tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC. Chuyên viên cho rằng thông tư 08 vừa ban hành nằm trong lộ trình hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh làm rõ các quy định liên quan đến mua bán nợ xấu theo giá thị trường thì việc nới lỏng một số điều kiện về phạt lãi hay gia hạn thời hạn giúp giảm bớt áp lực và chi phí trích lập dự phòng cho các ngân hàng. Thông tin này đã được lan truyền từ trước đây nên không mới đối với nhà đầu tư.

Trước mắt, việc gia hạn thời gian như một cách thức để “nuôi con bệnh”, hỗ trợ cho các ngân hàng yếu kém phục hồi. Về lâu dài, Chuyên viên không lạc quan rằng việc xử lý nợ xấu sẽ được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là cơ chế xử lý nợ xấu tại Việt Nam khó tạo động cơ mạnh mẽ để các bên tích cực tham gia, đồng thời hiện tại VAMC cũng không có nguồn lực đủ mạnh để tham gia mua nợ xấu trực tiếp.

——————————–

Moody’s: VPBank, BIDV được lợi nhất nếu VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt

Ngày 7/6, Bloomberg đưa tin rằng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ mua nợ xấu của các ngân hàng bằng tiền mặt lần đầu tiên trong năm nay. Trong một báo cáo phát đi ngày 20/6, Moody’s nhận định đây là một động thái tích cực cho các ngân hàng Việt Nam bởi giao dịch bằng tiền mặt đồng nghĩa với việc các rủi ro kinh tế gắn liền với nợ xấu sẽ được chuyển sang cho VAMC. Theo Moody’s, với việc bán nợ xấu lấy tiền, nợ xấu sẽ giảm, đồng thời các ngân hàng sẽ có thêm tiền, qua đó cải thiện khả năng hấp thụ lỗ. Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng lên do tiền thu được từ bán nợ có thể dùng để cho vay. Tuy nhiên, Moody’s cũng thận trọng cho rằng sự thành công của kế hoạch này còn phụ thuộc vào khả năng mua nợ xấu của VAMC từ các nhà băng. VAMC hiện chỉ có khả năng chi 2.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ, để mua nợ xấu. Trong khi đó, chỉ tính riêng số nợ xấu của các ngân hàng Việt được Moody’s đánh giá tín nhiệm đã lên đến 30.000 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch mua nợ này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.

——————————–

Thị trường chứng khoán Châu Á tăng điểm đồng loạt trong phiên giao dịch ngày hôm nay (20/06). Động lực của diễn biến hồi phục trên xuất phát từ việc nhà đầu tư đánh giá khả năng Anh ra khỏi EU giảm đáng kể, thể hiện qua kết quả các cuộc khảo sát gần đây. Đồng Bảng Anh, giá dầu và tâm lý nhà đầu tư được hỗ trợ khá tốt trước thông tin trên, giúp thị trường chứng khoán Châu Á hồi phục mạnh sau khi giảm điểm trong tuần trước. Mặc dù phe ủng hộ Anh ở lại EU đã đạt được thành quả nhất định trong cuộc vận động, các nhà phân tích vẫn đánh giá xác suất để Brexit xảy ra là khá cân bằng. Do vậy, nhà đầu tư với quan điểm đầu tư thận trọng được khuyến nghị không nên có tâm lý quá hưng phấn, đẩy tỷ trọng lên mức cao ở thời điểm hiện tại. Biến động thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục bám sát diễn biến cuộc trưng cầu dân ý ở Anh trong tuần này.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (21/06/2016):

21/06/2016 BTP Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

21/06/2016 TMS Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 500 đồng/CP

21/06/2016 TMS Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:15

21/06/2016 DHA Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP

21/06/2016 L10 Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 300 đồng/CP

21/06/2016 TPP Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 800 đồng/CP

21/06/2016 TPP Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%

21/06/2016 L10 Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10:1

21/06/2016 VC6 Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

21/06/2016 CIG Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

21/06/2016 SDI Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

6. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:

Ghi chú:

– “Giá mục tiêu” và “Giá cắt lỗ” sẽ được cập nhật dựa trên diễn biến giao dịch hàng ngày của từng mã.

– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.

——————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

Website: dautucophieu.net

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý