DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 20/05/2016 gồm cập nhật ngành dệt may, giá xăng dầu, VIC, MBB, VFG, ITD, MWG, BHS, SHA

Lượt xem: 13,664 - Ngày:
Chia sẻ

1. Nhận định thị trường:

VN-Index tiếp tục giảm phiên thứ hai xuống mức 619,2 điểm, giảm thêm 3,25 điểm (tương đương 0,52%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 114 triệu cổ phiếu.

Đồ thị VN-Index ngày 19/05/2016

Đồ thị VN-Index ngày 19/05/2016. Nguồn: Amibroker

VN-Index lùi về kiểm tra vùng đỉnh cũ 617,92 điểm được thiết lập tháng 11/2015. Đồng thời, chỉ số đang có dấu hiệu của nhịp pullback nhằm bù lấp khoảng trống giá được tạo ra giữa các phiên 16&17/05. Thanh khoản vẫn dao động ở quanh mức trung bình 20 phiên gần nhất trong khi độ rộng thị trường lại cho thấy sự cân bằng giữa 2 bên xanh đỏ. Diễn biến này được xem là một nhịp điều chỉnh cần thiết của chỉ số để ổn định lại phần nào tương quan cung cầu trên thị trường, qua đó giúp chỉ số tạo đà cho đợt tăng điểm tiếp theo. Về hệ thống chỉ báo kỹ thuật, cường độ xu hướng của chỉ số đang mạnh dần lên khi đường ADX đang dao động quanh ngưỡng 45 trong sự phân kỳ của 2 đường DI. Các chỉ báo MFI, MACD và Momentum vẫn giữ được trạng thái dao động khả quan. Tuy nhiên, nhóm chỉ báo dao động (STO, RSI và W%R) đã bắt đầu tiến vào vùng quá bán.

Trong 1 tháng qua, mỗi khi VN-Index giảm nhẹ 1-2 phiên, thị trường lại bất ngờ tăng mạnh. Đây là sự bất ngờ có chủ ý của dòng tiền lớn. Vậy với phiên giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp, liệu dòng vốn ngoại cũng như LargeCap có một lần nữa tạo ra sự đột biến. Về cơ bản vẫn có thể kỳ vọng nếu nhìn vào mức độ bán ra của NĐT cũng như thanh khoản mà thị trường có được. Khi mà NĐT vẫn lựa chọn chiến lược bán ra có chọn lọc trong khi đó dòng tiền “bí ẩn” vẫn liên tục khuấy đảo nhóm LargeCap thì sự sụp giảm mạnh có lẽ khó diễn ra.

Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày mai 20/05/2016, nhịp điều chỉnh của chỉ số VN-Index có thể sẽ kết thúc tại vùng hỗ trợ 615 – 620 điểm và chỉ số có thể quay lại nhịp tăng về cuối phiên. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng dòng tiền ngắn hạn đã quay lại thị trường và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, áp lực điều chỉnh chỉ mang tính kỹ thuật khi các cổ phiếu Largecaps rơi vào trạng thái bị quá mua và rủi ro ngắn hạn tiếp tục có xu hướng giảm.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 608.79 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và tiếp tục nắm giữ.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 19/05/2016:

VN-Index giảm gần trọn phiên giao dịch dưới lực bán của các cổ phiếu dầu khí và các cổ phiếu ngân hàng. Giá trị giao dịch giảm, độ rộng thị trường cũng nghiêng về số mã giảm. Mức độ tham gia của khối nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao và khối này bán ròng hơn 130 tỉ đồng trên cả hai sàn, trong đó giá trị bán ròng VIC lên đến gần 147 tỉ đồng. VNM ETF premium 0,16%, FTSE ETF premium 0,09%.

• Các mã ngân hàng điều chỉnh, dẫn đầu là VCB; CTG và BID. MBB; ACB & EIB tăng trong khi STB giảm. Các mã NHQD đã tăng tốt trong những tuần gần đây và Chuyên viên thấy đã có dấu hiệu củng cố ở những mã này trong vài ngày qua và thay vào đó các mã ngân hàng ngoài quốc doanh đã tăng. Định giá vẫn ở mức “mềm” nếu so với thời gian trước đây tuy nhiên nếu so với khu vực thì định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn ở mức cao; đặc biệt trước rủi ro pha loãng do tăng vốn ở những ngân hàng lớn có hệ số CAR thấp.

• BVH đóng cửa tại tham chiếu. PVI giảm. ĐHCĐTN của BVH hôm qua được tổ chức mà không có nhiều bất ngờ. Các mã chứng khoán giảm hôm nay, dẫn đầu là SSI; HCM và VND. Trong vài tháng qua cổ phiếu ngành chứng khoán không được NĐT quan tâm nhiều.

• VNM đóng cửa tại tham chiếu trong đó NĐT đang mong đợi ĐHCĐTN diễn ra vào ngày thứ 7. Trong những năm trước nội dung họp ĐHCĐTN thường có sự điều chỉnh vào phút chót trước khi họp; tuy nhiên cho đến nay Chuyên viên thấy lần này chưa có gì bất thường. NĐT đang chờ đợi thông tin từ ban lãnh đạo liên quan đến thời gian nới room. Và phần trả lời chất vấn trong Đại hội có lẽ sẽ đem lại nhiều thông tin nhất. MSN giảm trong khi KDC tăng. FPT đóng cửa tại tham chiếu.

• Các mã dầu khí giảm sau khi tăng mạnh gần đây, dẫn đầu là GAS & PVD. Giá dầu giảm trước thông tin tồn kho tại Mỹ tăng và theo đó nhiều NĐT đã chốt lời mặc dù có một số NĐT vẫn mua vào, dẫn đến sự dao động mạnh trong phiên ở giá cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là PVD. PVS và PXS cũng giảm.

• Các mã BĐS diễn biến trái chiều với VIC đóng cửa tại tham chiếu. NLG giảm trong khi BCI tăng. SJS giảm còn TDH tăng. DXG đóng cửa tại tham chiếu. CII & KBC giảm. CTD cũng giảm. HBC tăng nhẹ.

• Các mã sản xuất tăng, dẫn đầu là HPG & HSG. PAC & TTF tăng khá mạnh. DQC đóng cửa tại tham chiếu trong khi TMT cũng tăng.

• HAG giảm trong khi HNG tiếp tục tăng. GTN tăng. VFG giảm.

• Với thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khiến nhóm cổ phiếu thủy sản và Dệt may có biên động tích cực. Nhóm cổ phiếu như HVG, VHC, TCM, TNG tăng khá tích cực.

Trên HSX, khối ngoại bán ròng hơn 109 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu không tính giao dịch bán thỏa thuận 2,74 triệu đơn vị VIC trị giá hơn 152,5 tỷ đồng thì khối ngoại vẫn mua ròng hơn 43 tỷ đồng. MBB dẫn đầu về khối lượng mua ròng với trên 3,2 triệu đơn vị. PVD, EIB và GAS cũng đc mua ròng nhẹ. Chiều ngược lại. KSA dẫn đầu về khối lượng bán ròng khớp lệnh với trên 533K. STB, DIG và HPG bị bán ròng nhẹ. Trên HNX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 20,7 tỷ đồng. PVS dẫn đầu về khối lượng bán ròng với trên 691K. HUT, NDN và PVX cũng bị bán ròng nhẹ. Chiều ngược lại, khối ngoại chủ yếu mua ròng BVS với khối lượng đạt trên 190K.

Biên bản họp mới nhất của FOMC công bố đêm qua đã khẳng định khả năng nâng lãi suất sớm hơn kỳ vọng vào tháng 6 chắc chắn sẽ có trong nội dung họp sắp tới của Fed, theo đó làm tăng thêm lo ngại về khả năng tăng lãi suất vốn đã xuất hiện trên cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu kể từ cuối tháng 4. Theo đó, các thị trường chứng khoán trên thế giới đã có diễn biến trái chiều vào đêm qua và hôm nay. Tuy nhiên công bằng mà nói thì khả năng tăng lãi suất của Fed có vẻ đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Trước mắt, (1) chuyến thăm của Tổng thống Obama cùng với những thỏa thuận về hợp tác kinh tế và (2) câu chuyện nới room tại VNM đang là yếu tố hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự kế tiếp cho thị trường vào mức 638 – 640 điểm và đây là mức kháng cự cực kỳ mạnh bởi trong quá khứ chỉ duy nhất một lần vào năm 2007 VNIndex chinh phục được mốc này và tạo nên “đại sóng 2007”.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

VIC: Tóm tắt báo cáo Cập nhật VIC

Chuyên viên điều chỉnh khuyến nghị cho cổ phiếu VIC từ MUA thành PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG. Giá cổ phiếu đã chạm giá mục tiêu trước đây của Chuyên viên, trong khi mảng kinh doanh bán lẻ đã tác động đến lợi nhuận mảng BĐS.

Nhu cầu nhà ở phân khúc cao cấp đang đạt đỉnh trong khi nguồn cung tiếp tục tăng trưởng. Sau mức tăng mạnh khối lượng giao dịch năm 2015, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy phân khúc BĐS cao cấp đạt đỉnh và có thể giảm dần trong năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, nguồn cung được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh so với năm 2015, làm gia tăng áp lực thừa cung; VIC hiện đang chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ lớn và lượng giao dịch dự kiến giảm.

Quy mô lớn có thể gây ra sự bất lợi. Trong khi quy mô lớn và thương hiệu mạnh cho phép VIC giành được các lô đất có vị trí đắc địa, lợi thế này cũng khiến VIC có thể gánh chịu những rủi ro về vĩ mô và chính sách khó có thể tránh khỏi do quy mô lớn của mình. Những nỗ lực nhằm siết chặt tín dụng BĐS gần đây của Chính phủ là những dấu hiệu đầu tiên trong giai đoạn 2016-2017. Mô hình kinh doanh dựa vào các dự án lớn và phụ thuộc vào các nhà đầu cơ/đầu tư BĐS khiến VIC khó có thể linh hoạt thay đổi theo biến động thị trường như đã thấy trong chu kỳ trước.

Mảng bán lẻ tiêu dùng có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận. VIC vẫn duy trì tham vọng thống trị thị trường bán lẻ khi tích cực mở rộng chuỗi siêu thị và siêu thị mini. Cơ hội dành cho VIC là vẫn có, nhưng khả năng thực hiện chưa tốt dẫn đến ghi nhận lỗ lớn trong năm 2015 và những lo ngại trong tương lai (biên LN từ HĐKD quý 1/2016 là -35%). Chuyên viên cho rằng khoản lỗ trong mảng tiêu dùng bán lẻ sẽ lấy đi một nửa lợi nhuận từ BĐS trong năm 2016.

Đầu tư lớn vào quỹ đất và mở rộng nhanh chóng vào mảng tiêu dùng bán lẻ sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Sau những thành công vang dội trong năm 2014 và 2015, VIC đã đầu tư lớn vào việc thâu tóm quỹ đất và mở rộng bán lẻ (1 tỷ USD năm 2014 và 1,7 tỷ USD năm 2015). Mức sinh lời từ khoản đầu tư này dự kiến sẽ giảm khi quỹ đất đã vượt triển vọng bán hàng, cùng với khả năng thực hiện chưa tốt của VIC trong lĩnh vực bán lẻ có tính cạnh tranh cao. Nói cách khác, VIC đạt được lợi thế vững chắc trong thị trường BĐS nhưng gặp thách thức trong mảng bán lẻ vốn đang tăng trưởng nhưng đầy tính cạnh tranh. Tình trạnh này có thể kéo dài trong giai đoạn cuối 2016 đến 2018, thời điểm thị trường BĐS bắt đầu chu kỳ mới và VIC có thể điều chỉnh chiến lược và cách thực hiện trong mảng bán lẻ.

Mức tăng mạnh của giá cổ phiếu trong thời gian gần đây đã khiến giá cổ phiếu chạm giá trị hợp lý. Kể từ báo cáo gần nhất của Chuyên viên ngày 10/12/2015, giá cổ phiếu VIC đã tăng 29,5% đạt 53.500 đồng, chỉ thấp hơn 1,8% so với giá mục tiêu trước đây của Chuyên viên. Chuyên viên cho rằng cổ phiếu đã được định giá hợp lý ở mức này.

————————–

MBB: Chuyên viên duy trì khuyến nghị Tích lũy đối với cổ phiếu MBB với giá mục tiêu là 16.600 đồng/cp (upside 6,4%).

Ngày 19/05/2016, cổ phiếu MBB được giao dịch tại mức giá 15.600 đồng/cp, tương đương với P/E FW là 8,2x và P/B là 1,1x. MBB là một trong những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động tại thị trường Việt Nam, kết quả kinh doanh được kỳ vọng cải thiện. (1) Ngân hàng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tín dụng do tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng thấp, đạt 67% trong năm 2015. (2) Nguồn vốn giá rẻ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn vốn huy động, chiếm 31% trong năm 2015 mang lại lợi thế về chi phí và giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ NIM cao. (3) Dự phòng rủi ro chặt chẽ với tỷ lệ bao nợ xấu cao đạt 101%, tỷ lệ lãi thực thu/thu nhập lãi đạt 105%, các khoản lãi, phí phải thu giảm mạnh trong năm 2015. Chuyên viên cho rằng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của MBB sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. Lưu ý, một số trái phiếu trong danh mục trái phiếu lãi suất cao do MBB nắm giữ giai đoạn trước đã đáo hạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến NIM và thu nhập lãi của MBB trong năm 2016.

Kết quả kinh doanh quý 1/2016: Kết thúc quý 1/2016, huy động vốn của MBB gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2015, dư nợ tăng 2,3%. Tỷ lệ nợ xấu đạt 1,61% giảm so với thời điểm cuối năm 2015 (1,62%). Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 862 tỷ đồng (+10% yoy).

Kế hoạch kinh doanh 2016. Năm 2016, ngân hàng đặt mục tiêu, tổng tài sản tăng trưởng 10% đạt 240 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tăng 20%, đạt 144 nghìn tỷ đông, huy động vốn tăng 5%, đạt 191 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 2016 ước tính tương đương năm 2015 (khoảng 2.102 tỷ đồng. Lơi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 12%, đạt 3.611 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận của riêng ngân hàng là 3.550 tỷ đồng. MBB dự kiến đưa vào hoạt động công ty tài chính tiêu dùng MFinance (chuyển đổi từ SDFC) công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life vào quý 4/2016.

Tăng vốn điều lệ lên 17.127 tỷ đồng. Tháng 4/2016, SDFC đã chính thức sáp nhập vào MBB với tỷ lệ 1 cổ phiếu MBB đổi 2,2 SDFC. Do vậy, vốn điều lệ tăng lên 16.312 tỷ đồng. Năm 2016, MBB dự kiến thực hiện chi trả cổ tức đợt 2 năm 2015 là 5% bằng cổ phiếu (cổ tức đợt 1 là 5% tiền mặt), tăng vốn điều lệ lên 17.127 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức 2016 là 10% cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu.

Bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị. Đại hội cổ đông thường niên bầu ông Nguyễn Chí Thành đại diện 10% vốn của SCIC làm thành viên HĐQT ngân hàng TMCP Quân đội.

————————–

VFG: Sẽ tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh. Triển vọng ngắn hạn chưa có gì đặc biệt nhưng câu chuyện dài hạn là rất đáng chú ý.

KQKD Q1 cho thấy sự ảnh hưởng của tình trạng hạn hán đang diễn ra nhưng ảnh hưởng là không lớn. VFG đứng thứ 2 trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật với 7% thị phần. Và trong lĩnh vực này chỉ có 2 công ty đứng đầu là được tổ chức tốt với sản phẩm có chất lượng cao sử dụng thành phần thuốc với nguồn gốc uy tín. Với cuộc cách mạng nông nghiệp đang diễn ra trong đó có sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp cộng với hình thức khoán, thì Chuyên viên cho rằng ngành sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu; trong đó VFG sẽ trong nhóm tập trung thị phần vào tay mình. Công ty đang xây dựng nhà máy nâng công suất lên gần gấp 3 và mục tiêu đến 2020 nâng gấp đôi doanh thu. Chuyên viên cho rằng mục tiêu này là khá khả thi dựa trên tình hình hiện tại của ngành. Chuyên viên dự báo tốc độ tăng trưởng CAGR của LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 33,2% trong 3 năm tới (cho đến 2018).

Khả quan. P/E dự phóng 8,3 lần là rất hợp lý cho một công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Mối liên hệ với PAN và sự mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ là những động lực chính trong bối cảnh hiện ngành đang còn manh mún trong khi an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn.

VFG là doanh nghiệp đầu ngành hóa chất nông nghiệp chuyên về thuốc bảo vệ thực vật. Tại thị giá hiện tại là 62.000đ; giá trị vốn hóa của VFG là 1.082 tỷ đồng (48,3 triệu USD). Hoạt động kinh doanh của VFG bao gồm: hóa chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp & giống cây trồng; dịch vụ khử trùng; dịch vụ kiểm soát mối mọt & sâu bệnh và cho thuê văn phòng. Công ty có 1 nhà máy tại KCN Lê Minh Xuân với công suất 3.000 tấn/năm cộng với mạng lưới 16 chi nhánh toàn quốc. Mô hình kinh doanh hiện nay là nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu; sau đó trộn nguyên liệu tại nhà máy và đóng gói và phân phối qua kênh bán buôn. Công ty hiện giữ thị phần là 7%; đứng sau Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là AGPPS – CTCP bảo vệ thực vật An Giang). Khu vực ĐBSCL đóng góp 75% tổng doanh thu của công ty. VFG có một công ty con tại Campuchia, đóng góp khoảng 1,8 triệu USD; tương đương 2% doanh thu trong năm 2015.

VFG có danh tiếng tốt trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật vì công ty nhập khẩu thành phần thuốc từ những thị trường uy tín để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Những nhà cung cấp chính của VFG là các công ty đầu ngành chẳng hạn như Sygenta (Thụy Sĩ), Kumiai Chemical (Nhật Bản), Sumitomo Chemical Corp. (Nhật Bản), Nufarm (Australia), Dow Agrosciences (Mỹ). VFG chủ yếu phân phối hạt giống ngô thường & biến đổi gen và một phần nhỏ hạt giống dưa hấu, cà chua và mướp đắng.

VFG là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ khử trùng tại Việt Nam và hiện công ty giữ khoảng 60% thị phần khử trùng toàn quốc. Công ty còn có VFC Tower cao 11 tầng; trong đó có 3 tần được dùng làm văn phòng cho thuê, còn lại 8 tầng được cho thuê và đem lại doanh thu 9 tỷ đồng/năm. Ngoài ra công ty còn cho thuê một phần văn phòng tại Đà Nẵng.

VFG có thể sẽ kết hợp chặt chẽ với PAN trong tương lai – SSI hiện nắm trực tiếp 13,78% cổ phần VFG. Còn nếu tính cả số cổ phần do các quý của SSI nắm giữ thì tổng cộng là 33,52%. Hiện PAN (thuộc quyền kiểm soát của Chủ tịch của SSI và các bên liên quan) chuyên cung cấp hạt giống và mua sản phẩm thu hoạch (hiện chủ yếu là lúa gạo) để đóng gói và bán chủ yếu qua kênh siêu thị trong nước. Nhân tố chính ở đây là PAN giao khoán cho các hộ nông dân sử dụng hạt giống của PAN và sau đó bán lại sản phẩm thu hoạch cho công ty. Chuỗi giá trị này là khá mới và thiếu 1 mắt xích là liên kết hay thậm chí có riêng một công ty thuốc bảo vệ thực vật. Việc khép kín chuỗi giá trị cần đến sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn quốc tế và VFG trở thành một lựa chọn rõ ràng. Theo đó, Chuyên viên không ngạc nhiên nếu mối quan hệ giữa VFG và PAN trở nên gần gũi hơn trong những năm tới.

Và với lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm thì ngành thuốc bảo vệ thực vật sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu – Phần lớn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường thuộc thế hệ cũ; thường có tính độc hại cao khi bị lạm dụng và năng suất cũng kém hơn so với sản phẩm của VFG. Mặc dù có giá bán cao hơn 20-25%, nhưng sản phẩm của VFG lại kinh tế hơn nhờ năng suất cao hơn. Với lo ngại về an toàn thực phẩm đang ở mức cao thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia làm nông nghiệp, thì Chuyên viên cho rằng ngành thuốc bảo vệ thực vật sẽ diễn ra trong 3-5 năm tới trong bối cảnh hình thức giao khoán canh tác sẽ phổ biến hơn; và phương thức kinh doanh hiện đại hơn này sẽ có lợi cho những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cao như của VFG.

KQKD kiểm toán 2015 khá khả quan – Doanh thu thuần đạt 2.109 tỷ đồng (tăng trưởng 7,3% và hoàn thành 104,52% kế hoạch); LNTT đạt 179,7 tỷ đồng (tăng trưởng 21,7% và hoàn thành 110,9% kế hoạch) và LNST đạt 139,2 tỷ đồng (tăng trưởng 37,1% và hoàn thành 115,98% kế hoạch).

Mảng hóa chất nông nghiệp & giống cây trồng đóng góp 85,4% doanh thu và 78,7% LNTT; tiếp theo là mảng khử trùng chiếm 9,5% doanh thu và 9,6% LNTT; tiêp đến là dịch vụ kiểm soát mối mọt đóng góp 4,6% doanh thu và 9,3% LNTT. Mảng cho thuê văn phòng đóng góp 0,5% doanh thu và 2,4% LNTT.

Trong mảng hóa chất nông nghiệp & giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 87,2% doanh thu (đạt 1.570 tỷ đồng, tăng trưởng 7,1%); trong đó thuốc diệt nấm đóng góp 55,6% (đạt 1.000 tỷ đồng), tiếp theo là thuốc diệt cỏ đóng góp 18,9% (đạt 340 tỷ đồng). Thuốc diệt côn trùng và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác lần lượt chiếm 10% (đạt 180 tỷ đồng) và 2,8% (đạt 50 tỷ đồng). Giống cây trồng chiếm 12,8% doanh thu, đạt 230 tỷ đồng (tăng trưởng 67,1%).

Theo khu vực địa lý, khu vực phía Nam đóng góp 76,4% doanh thu thuần; tiếp theo là khu vực miền Bắc đóng góp 10%; tiếp theo là khu vực miền Trung đóng góp 7,5% và cuối cùng là khu vực Tây Nguyên đóng góp 6,4%.

Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ nhưng tỷ suất lợi nhuận thuần tăng nhờ tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/ doanh thu và thuế TNDN giảm – Lợi nhuận gộp đạt 531,7 tỷ đồng (tăng trưởng 6,9%) và LNST đạt 139,2 tỷ đồng (tăng trưởng 37,1%). Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống còn 26,3% từ 26,4% năm 2014. Tuy nhiên tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu cũng giảm từ 19% xuống 17,5% và thuế TNDN giảm từ 31,3% xuống 22,5%; theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 5,4% lên 6,9%.

KQKD Q1/2016 khiêm tốn – VFG đã công bố KQKD Q1/2016 với doanh thu thuần, LNTT và LNST lần lượt đạt 495 tỷ đồng (tăng 10,7% so với cùng kỳ); 35,5 tỷ đồng (tăng 7,1%) và 27,8 tỷ đồng (tăng 8,7%). Theo đó, kết quả Q1 hoàn thành 22,5% kế hoạch doanh thu, 19,2% kế hoạch LNTT và 19% kế hoạch LNST.

Các khoản giảm trừ doanh thu tăng gần 8 lần từ 3,6 tỷ đồng lên 31,2 tỷ đồng. Từ Q3/2015, công ty thay đổi chính sách chiết khấu từ chiết khấu trực tiếp trên đơn giá sản phẩm sang chiết khấu trên tổng giá trị đơn hàng và ghi nhận vào mục giảm trừ doanh thu. Có thể thấy doanh thu gộp tăng 16,8% so với cùng kỳ những doanh thu thuần chỉ tăng 10,7%.

Chuyên viên dự báo LNST cho cổ đông công ty mẹ sẽ là 143,1 tỷ đồng (tăng trưởng 2,8%) và EPS điều chỉnh là 7.314đ.

P/E hiện tại là 8,3 lần với P/E dự phóng rất hợp lý so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực – Chuyên viên xem xét 6 doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và theo đó ước tính P/E dự phóng bình quân ngành trong khu vực là 15,76 lần. Chuyên viên áp dụng phương pháp khấu trừ 10% rủi ro quốc gia và P/E hợp lý cho VFG là 14,2 lần, theo đó giá trị hợp lý của cổ phiếu VFG là 103.858đ/cp. Như vậy, định giá hiện tại của cổ phiếu có vẻ rẻ so với cổ phiếu các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực đặc biệt khi mà cổ phiếu hiện đang giao dịch với P/E dự phóng là 8,3 lần.

Quan điểm đầu tư – Đánh giá ban đầu của Chuyên viên là Khả quan. Định giá hợp lý và triển vọng tăng trưởng rất tốt. Không có nhiều yếu tố thúc đẩy giá ngắn hạn do KQKD 2016 nhiều khả năng sẽ giảm do đợt hạn hán nghiêm trọng hiện tại. Tuy nhiên, do kinh tế nông nghiệp Việt Nam trải qua một cuộc cải cách, Chuyên viên cũng nhận thấy ngành bảo vệ thực vật cũng đang tiến hành tái cơ cấu dẫn đầu là Tập đoàn Lộc Trời và VFG. Với sự ra đời của mô hình nông nghiệp bao tiêu do các doanh nghiệp lớn kiểm soát, nông dân buộc phải sử dụng đầu vào chất lượng tốt hơn với đòi hỏi an toàn thực phẩm. Do đó, với mối liên hệ hiện tại của VFG và PAN Group, Chuyên viên cho rằng công ty là đối tượng hưởng lợi chính của xu hướng này. Kế hoạch mở rộng công suất quyết liệt và kế hoạch gấp đôi doanh thu trong dài hạn đến năm 2020 phản ánh tiềm năng và tham vọng của công ty.

————————–

ITD: Cập nhật KQKD năm tài chính 2015

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Kết thúc năm tài chính 2015 (tháng 3/2016), ITD đạt doanh thu 627,8 tỷ đồng (+40%) và LN gộp 177,2 tỷ đồng (+45%). Với đặc thù là doanh nghiệp dự án, khối lượng công việc tăng mạnh trong năm 2015 giúp ITD đạt tăng trưởng tốt về doanh thu trong khi chi phí hoạt động duy trì xấp xỉ các năm trước. Tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu giảm từ mức trung bình 11% của các năm trước xuống còn 7,7% trong năm 2015. Nhờ vậy, LNTT tăng trưởng gấp đôi và đạt 82 tỷ đồng.

Điểm sáng đến từ kinh doanh hạ tầng giao thông, chuyên về các dự án cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông thông minh (gồm cung cấp thiết bị và phần mềm quản lí), đặc biệt là hệ thống thu phí tự động. Với đóng góp hơn 50% vào doanh thu và LNG, đây là mảng kinh doanh thúc giúp ITD tăng trưởng mạnh trong năm 2015. Cụ thể, tổng doanh thu và lợi nhuận gộp kinh doanh hạ tầng giao thông đạt lần lượt 319,4 tỷ đồng (+152% yoy) và 89,9 tỷ đồng (+155%) trong năm 2015.

Triển vọng 2016: động lực tăng trưởng là hạ tầng giao thông

Trước định hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào phát triển hạ tầng của Chính phủ, Chuyên viên kỳ vọng lĩnh vực cung cấp giải pháp và thiết bị thu phí giao thông thông minh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. ITD, với thị phần hơn 80%, được xem là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này, do vậy cũng sẽ hưởng lợi đáng kể nhờ tăng trưởng chung của ngành, trong đó tập trung vào hai nhóm chính (1) xu hướng chuyển đổi lên thu phí tự động và (2) việc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các tuyến cao tốc Bắc Nam.

Liên quan đến hai nhóm dự án này, khối lượng công việc sẽ thực hiện năm 2016 của ITD khá lớn, gồm (1) Triển khai hệ thống thu phí tự động trên tuyến cao tốc Long Thành –Dầu Giây và tuyến Hà Nội – Hải Phòng, đang thực hiện và (2) Hợp đồng triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe cho 19 trạm thuộc Dự án Thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc – giai đoạn 1 của chủ đầu tư Công ty Cổ phần VETC/TASCO. Hợp đồng có giá trị trên 200 tỷ, dự kiến được triển khai và hoàn tất trong năm 2016.

Trong năm tài chính 2015, ITD ghi nhận lợi nhuận sau thuế 64 tỷ đồng, với phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ vào khoảng 46,2 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS 3.000 đồng. Do đó, với giá đóng cửa 24.000đ, ITD đang được giao dịch tại vùng P/E trailing vào khoảng 8,2x. Riêng về triển vọng năm 2016 và mức EPS forward năm 2016 sẽ được Chuyên viên cập nhật chi tiết sau kỳ ĐHCĐ của ITD. ĐHCĐ của DN dự kiến tổ chức vào ngày 23/6/2016.

————————–

MWG: CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016. Theo đó, doanh thu thuần trong quý của MWG đạt 9.627 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 417,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015 doanh thu tăng 75,16% và lợi nhuận tăng 80,4%. Các siêu thị mới mở từ quý 11 năm 2015 và năm 2016 đóng góp lần lượt là 27% và 7% trong tông doanh thu Quý I năm 2016. sổ lượng siêu thị mới mở từ quý II năm 2015 là 234 siêu thị và trong quý 1-2016 là 111 siêu thị.

————————–

BHS: Dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS – HOSE) đã thông qua nghị quyết phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, trong năm 2016, thông qua đại lý phát hành, BHS sẽ phát hành 500 trái phiếu không chuyển đổi có tài sản đảm bảo, với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu cho tối đa là 100 nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài). Được biết, số trái phiếu này có kỳ hạn tối đa là 5 năm, lãi suất chưa được công bố, nhưng 6 tháng được trả lãi 1 lần. Trong Báo cái tài chính hợp nhất quý I/2016, BHS ghi nhận tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.179 tỷ đồng, tăng mạnh 55% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng hơn 2 lần, lên 21,5 tỷ đồng. Hoạt động từ mảng đầu tư chứng khoán cũng mang lại lợi nhuận tăng 3,45 tỷ đồng cho Công ty so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I năm nay của BHS đạt 64,4 tỷ đồng, tăng mạnh 76,22% so với quý I/2015.

————————–

SHA: Lãi ròng quý 1 gần 8 tỷ đồng Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 1/2016 của SHA đạt hơn 128 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 154%, đạt gần 8 tỷ đồng.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

FED công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 4, gợi mở khả năng sẽ tăng tiếp lãi suất vào cuộc họp tháng 6 tới. Ngày hôm qua (18/05), biên bản cuộc họp mới nhất của FED đã được công bố, cho thấy khả năng FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng 6/2016 đang lớn hơn ngay cả khi nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo kinh tế Mỹ còn đối diện với nhiều thách thức. Biên bản cuộc họp chính sách ngày 26 và 27/4 của FED cho thấy các quan chức FED đa phần đồng thuận rằng thị trường lao động Mỹ đã diễn biến rất tích cực, thị trường tài chính tăng trưởng tốt sau thời gian sụt giảm vào đầu năm nay. Họ cho rằng nếu sắp tới các thông tin kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tốt, lạm phát tiến gần hơn đến mức 2% thì đã đến lúc nâng lãi suất đồng USD. Dù vậy, các quan chức vẫn khẳng định việc nâng lãi suất (nếu có) sẽ được thực hiện một cách vô cùng thận trọng và có tính đến các yếu tố từ bên ngoài tác động đến nước Mỹ. Chuyên viên cho rằng, về cơ bản, những thông điệp trên không có nhiều điểm mới so với biên bản các cuộc họp trước đó. Hiện vẫn còn gần một tháng nữa mới đến cuộc họp tiếp theo của FED và khả năng tăng tiếp lãi suất vẫn còn để ngỏ nếu số liệu kinh tế tháng 5 của Mỹ không tốt như kỳ vọng hoặc có thêm những diễn biến bất ngờ liên quan đến đà suy giảm của các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản.

————————–

Giá xăng có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Ngày mai (20/05) sẽ đến kỳ xem xét lại giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ điều hành giá 15 ngày (lần điều chỉnh mới nhất diễn ra vào ngày 05/05 vừa qua). Dữ liệu công khai từ Bộ Công thương cho biết, đến cuối ngày 16/5, giá bán xăng dầu tại thị trường Singapore đều cao hơn so với ngày 5/5 – thời điểm giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá xăng khoảng 57,28 USD/thùng, giá dầu hỏa khoảng 55,36 USD/thùng, cao hơn 3-3,96 USD/thùng so với ngày 5/5. Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, doanh nghiệp đang bị lỗ khoảng 200 đồng/lít xăng/dầu, do vậy khả năng tăng giá vào ngày mai là có cơ sở. Với mức lỗ trên, Chuyên viên cho rằng nếu phải điều chỉnh thì mức tăng giá xăng dầu ngày mai sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, về tổng thể, với xu hướng hồi phục rõ ràng của giá dầu thô thế giới hiện nay, diễn biến lạm phát trong năm 2016 chắc chắn sẽ không còn thuận lợi nhờ giá nhiên liệu giảm như trong năm 2015 nữa.

————————–

Dệt may giảm được 63,5% tiền thuế nhập khẩu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 10 năm gần đây, Việt Nam luôn trong top quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Năm 2014, xuất khẩu dệt may đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ấn Độ. Ngành dệt may còn đóng góp 16- 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với mức tăng bình quân 15%/năm (giai đoạn 2010-2015). Các thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc. Xuất khẩu dệt may được dự báo sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới nhờ có các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Riêng ngành dệt may, với mức cam kết như đã đạt được với Mỹ (giảm 63,5% số thuế phải nộp ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp tục giảm thêm theo lộ trình xuống 0%), kim ngạch có thể tăng đáng kể. Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam có thể tăng 30-40% ngay năm đầu tiên và sau khoảng 3-4 năm sẽ tăng gấp đôi.

5. Sự kiện nổi bật ngày mai (20/05/2016):

20/05/2016 10:00 DAP Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP

20/05/2016 10:00 PIC Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 700 đồng/CP

20/05/2016 10:00 ORS Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016

————————–

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Nhật Cường nhận Quản lý Tài khoản, Tư vấn Đầu tư và Ủy thác Đầu tư Chứng khoán.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224

Skype: dautu.cophieu

Email: dautucophieu68@gmail.com

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý