1. Nhận định thị trường:
Sau hai phiên hồi phục, VN-Index đã giảm nhẹ trở lại xuống 625,11 điểm, giảm 1,91 điểm (tương đương 0,3%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 117 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ so với hai phiên hồi phục trước.

Đồ thị VN-Index ngày 16/06/2016. Nguồn: Amibroker
Dù duy trì được sắc xanh trong hầu hết phiên giao dịch nhưng áp lực chốt lời mạnh về cuối phiên đã đẩy VN-Index quay đầu giảm điểm. Thanh khoản tiếp tục được cải thiện khi vượt lên mức trung bình 10 phiên gần nhất, còn độ rộng thị trường vẫn chứng kiến sự cân bằng giữa hai bên xanh đỏ. Diễn biến cho thấy nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý lạc quan, kỳ vọng vào xu hướng tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn, bất chấp áp lức chi phôi chỉ số từ sự giảm điểm của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Trên đồ thị, đường giá đã quay đầu điều chỉnh khi tiến đến thử thách cận trên của dải BB (tương ứng vùng 630- 632 điểm). Vùng điểm quanh đường SMA20 sẽ đóng vài trò là ngưỡng hỗ trợ của chỉ số trong phiên kế tiếp. Phản ứng hồi phục của đường giá được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại vùng này.
Về mặt xu hướng, chỉ số vẫn duy trì được xu hướng tăng điểm với sự hỗ trợ từ nhóm MA ngắn hạn. Các chỉ báo MFI và RSI đang hướng lên và cho thấy tín hiệu hướng về vùng quá mua trong thời gian tới. Đường Momentum cũng đang dần xác lập lại đà tăng điểm sau khi tạo 2 đáy tại ngưỡng 100. Đây là những tín hiệu hỗ trợ cho đà đi lên của chỉ số với đích đến kỳ vọng 635-640 điểm trong thời gian tới. Mặc dù vậy, việc dải BB đang có xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp trong khi đường ADX vẫn đang dao động quanh ngưỡng 25 có thể khiến chỉ số cần thêm thời gian tích lũy, trước khi được kỳ vọng sẽ hướng đến các mốc điểm cao hơn. Chỉ báo STO đang lao dốc mạnh sau khi rời khỏi vùng quá bán, còn đường MACD cũng cắt xuống dưới đường tín hiệu ở dưới ngưỡng 0 sẽ là những yếu tố có thể tạo rủi ro điều chỉnh đối với đường giá.
Trên cơ sở đó, Nguyễn Văn Nguyên cho rằng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày mai 17/06/2016, chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động mạnh cả về điểm số và thanh khoản do ảnh hưởng từ phiên cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Đồng thời,Nguyễn Văn Nguyên đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền vẫn chưa có hiện tượng rút khỏi thị trường cho nên các nhà đầu tư không nên bán tháo bằng mọi giá ở các nhịp điều chỉnh.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 618.26 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đồng thời, Nguyễn Văn Nguyên nhận thấy trong những lần cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF gần đây, các nhà đầu tư ngắn hạn thường có chiến lược đầu tư ngược với các quỹ ETF.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 16/06/2016:
Việc Fed giữ nguyên lãi suất đã nằm trong kỳ vọng của hầu hết nhà đầu tƣ khiến VN-Index không có nhiều biến động. Tuy nhiên vào phiên 3, VN-Index bất ngờ giảm khi hai nhóm Ngân hàng và Dầu khí cùng giảm. VN-Index đóng cửa giảm -1,91 điểm (-0,3%) còn HNX-Index giảm -0,19 điểm (-0,23%).
Trong tuần review của 2 quỹ ETF, nhà đầu tư thường thận trọng hơn khiến thanh khoản sụt giảm. Tổng GTGD hai sàn chỉ đạt gần 2.900 tỷ đồng mặc dù đã tăng nhẹ hơn +11% so với phiên giao dịch hôm qua. Về giao dịch của NĐTNN, khối ngoại tiếp tục mua bán ròng trái chiều ở hai sàn khi bán ròng gần -24 tỷ tại sàn HOSE và mua ròng +8,2 tỷ tại HNX. Cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là HHS với giá trị bán ròng gần -42 tỷ đồng, tiếp đó là KDC (-11,5 tỷ), SKG (-9 tỷ), HBC (-9 tỷ)… TMS là cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh +29,2 tỷ chủ yếu qua kênh giao dịch thỏa thuận. Ngoài ra nhóm cổ phiếu thuộc top mua mạnh còn bao gồm: VCB, VIC, PVT, CTD với giá trị mua ròng không quá lớn.
Nhóm cổ phiếu Ô tô tiếp tục tăng mạnh ở một số cổ phiếu thanh khoản thấp như HTL, SVC và HAX. Mặc dù bị NĐTNN bán mạnh nhưng lực cầu nội mạnh khiến HHS có lúc tăng kịch trần, đóng cửa tăng +5,4% và là cổ phiếu có KLGD cao nhất thị trường. Theo VAMA, doanh số bán ô tô bán trên toàn thị trường tháng 5 đạt khoảng 26 nghìn tỷ (tăng +45% so với cùng kỳ năm ngoái).
Cổ phiếu Cao su bắt đầu được chú ý trở lại khi giá cao su thiên nhiên hồi phục. PHR tăng trần cho đến hết phiên với volume tăng đột biến, các cổ phiếu DRC, CSM cũng có diễn biến tích cực trong hai tháng trở lại đây. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu VLXD (KSB, NNC, CVT) cùng PTB, PAC, DBC, CAV, AAA, NT2 tiếp tục được chú ý.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
Cập nhật PXS: Niềm tin “nhen nhóm”
Chuyên viên vừa có buổi trao đổi với đại diện CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy dầu khí (PXS – HSX). Theo đó, tình hình các dự án công ty đang thực hiện theo khá sát tiến độ và kế hoạch đặt ra vào đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thấp và khó khăn chung của ngành, một số dự án đã bị điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng từ đó ảnh hưởng đến KQKD của công ty trong NĐTC 2016.
Sang năm 2017, khối lượng công việc mà PXS có khả năng đảm nhận chắc chắn đã được ½ kế hoạch năm trước, và hiện nay, công ty đang tiến hành đấu thầu, chuẩn bị nhiều dự án tiềm năng khác cho năm tài chính kế tiếp. Nhìn chung, đợt hồi của giá dầu gần đây mang lại hy vọng về công việc tương lai cho các doanh nghiệp xây lắp. Tuy nhiên, Chuyên viên cho rằng niềm tin chỉ mới “nhen nhóm”, PXS cần ít nhất 12-15 tháng nữa để kỳ vọng có một sự đột phá trong công việc cũng như hiệu quả kinh doanh.
Khó khăn của ngành dầu khí và ngân sách ảnh hưởng đến hoạt động xây lắp của PXS
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, hai dự án trọng điểm của năm 2016 gồm 3P (Bộ Quốc Phòng) và Thái Bình 2 (PVN) đều bị điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng lần lượt là 150 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2016, giá trị xây dựng ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng (~56,6% kế hoạch đầu năm), doanh thu dự kiến ghi nhận khoảng 1.400 tỷ đồng. Với việc điều chỉnh giảm giá trị các hợp đồng lớn, doanh nghiệp cho biết doanh thu cả năm chỉ đạt ~1.900 tỷ đồng, thấp hơn 15% so với kế hoạch đặt ra đầu năm.
Đối với tác động đến biên lãi gộp, công ty cho biết biên lợi nhuận dự án phục vụ Bộ Quốc Phòng vẫn được duy trì (trung bình 12-14%), dự án onshore như Thái Bình 2 thông thường được đảm bảo biên lãi gộp cố định trong khi biên lợi nhuận của dự án offshore như Sư Tử Trắng sẽ bị điều chỉnh giảm do khó khăn của chủ đầu tư, phần lớn đến từ tác động tiêu cực của giá dầu.
Trong nửa cuối năm, PXS tập trung vào công việc mua sắm vật tư cho dự án 3P tiếp theo của Bộ Quốc Phòng (P11,12,13), hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án Sư Tử Trắng, gói thầu số 1 Nhiệt điện Thái Bình 2 và một số dự án nhỏ khác với doanh thu từ 20-70 tỷ đồng/dự án. Điểm rơi lợi nhuận của PXS sẽ rơi chủ yếu vào nửa đầu năm và có khả năng lợi nhuận Q2 sẽ tốt nhất trong năm nhờ hoàn nhập một số khoản đã trích trước trong giai đoạn 2014-2015 (phải trả nhân viên, bảo hành). Do điều chỉnh giá trị hợp đồng và biên lợi nhuận giảm, Chuyên viên điều chỉnh dự phóng doanh thu và LNST của PXS còn lần lượt 1.874 tỷ đồng và 107 tỷ đồng, EPS tương ứng khoảng 1.700 đồng/cp. PE forward của PXS tại mức giá đóng cửa ngày 16/06/2016 là 7,8x.
Niềm tin “nhen nhóm”
PXS hiện đang xem xét một số hợp đồng tiềm năng cho nửa cuối 2017 gồm dự án Sư Tử Trắng – giai đoạn 2, dự án Nhà máy Lọc Hóa dầu Long Sơn. Trong đó, dự án Nhà máy Lọc Hóa Dầu Long Sơn là một dự án có giá trị lớn mà PXS nhiều khả năng có cơ hội tham gia. Đầu tháng 05/2016, đại diện Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết một số thông tin tích cực liên quan đến tiến độ của dự án trên: (1) phía SCG đã tìm được đối tác mới cho dự án (thay thế tập đoàn Quatar) – đây là nút thắt khó nhất từ trước đến nay của dự án; (2) đã hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng và đang đàm phán một số vấn đề về vốn góp và nguồn khí với PVN. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, PXS có thể tham gia vào dự án thông qua liên doanh với nhà thầu nước ngoài với giá trị ước tính ban đầu khoảng 125 triệu USD (~2.700 tỷ đồng). Do đó, Chuyên viên cho rằng sự hồi phục của giá dầu và tiến triển của dự án Long Sơn là yếu tố giúp niềm tin sẽ dần được “nhen nhóm” trở lại đối với PXS.
———————————–
PTB, PAC: Đánh giá nhanh về PTB và PAC
Theo số liệu thống kê của VAMA, lũy kế 5T 2016, thị trường ô tô tiệu thụ được tổng cộng 111.438 xe (+22% so với cùng kì); trong đó, xe thương mại và xe du lịch lần lượt tăng 42% và 21% so với cùng kì. Tương tự với tốc độ tăng trưởng tích cực của thị trường, các cổ phiếu trong ngành ô tô và phụ tùng bao gồm như SVC, HAX, PTB, HTL, PAC …đều đồng loạt đóng cửa với sắc xanh vào cuối phiên giao dịch ngày hôm nay. Trong khuôn khổ của NKCV, Chuyên viên sẽ cập nhật sơ lược đến quý nhà đầu tư về PTB và PAC – hai cổ phiếu nằm trong danh sách yêu thích của Chuyên viên.
CTCP Phú Tài (PTB – HSX). Như đã cập nhật trong NKCV ngày 7/06/2016, phần lớn các dòng xe Toyota mà PTB đang phân phối nằm trong phân khúc có dung tích thấp. Giá bán của các dòng xe trên sẽ không phải điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh giảm nhẹ khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức được áp dụng từ ngày 01/07/2016. Dù mức điều chỉnh chỉ từ 20-30 triệu đồng/1 xe nhưng được kì vọng thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng và cải thiện doanh số tiêu thụ xe từ quý 3. Bên cạnh đó, triển vọng tích cực của hai mảng gỗ và đá cũng là điểm nhấn đầu tư hấp dẫn của cổ phiếu PTB. . Về KQKQ 2016, Chuyên viên giữ nguyên dự phóng doanh thu và LNST là 3.656 tỷ đồng (+20,06% so với cùng kì) và 233,1 tỷ đồng (+34,8% so với cùng kì). Với mức giá đóng cửa ngày 16/06/2016, PTB đang giao dịch với mức PE forward khoảng 10,8x, phù hợp so với ngành. Thông tin đánh giá về KQKD Q2 sẽ được Chuyên viên cập nhật trong thời gian tới.
CTCP Pin Ắc Quy Miền Nam (PAC –HSX). KQKD của PAC được nhìn nhận sẽ tiếp tục cải thiện nhờ vào triển vọng tăng trưởng tích cực của mảng ắc quy, đặc biệt là ắc quy thay thế. Với luận điểm tăng trưởng tiêu thụ ắc quy gắn với tăng trưởng ngành ô tô trong quá khứ, Chuyên viên dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2016 lần lượt là 2.644 tỷ đồng (+17% so với cùng kì) và 116,8 tỷ đồng (+22,2% so với cùng kì). Sau khi trừ đi quỹ khen thưởng phúc lợi (10%), EPS forward 2016 của doanh nghiệp ước đạt 2.262 đồng/cp. Với mức giá đóng cửa hiện tại, PAC đang giao dịch tại mức PE forward là hơn 22x, khá cao so với lịch sử và PE của các công ty có ngành nghề kinh doanh tương tự. Tuy nhiên, diễn biến giá thời gian qua của PAC phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào hai yếu tố: (1) chia trả cổ tức tiền mặt 25% và cổ phiếu tỷ lệ 2:1 dự kiến vào ngày 8/7/2016; (2) khả năng Vinachem sẽ thoái vốn.
Trong Q2/2016, KQKD của PAC được kỳ vọng vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ vào giá nguyên vật liệu như chì và giá kẽm vẫn ở mức thấp và nhu cầu khả quan của mảng ắc quy ô tô. Bên cạnh đó, Q2 cũng thường là quý có điểm rơi lợi nhuận tốt nhất trong năm của doanh nghiệp. Như vậy, cũng với các kịch bản giả đinh như trên, Chuyên viên dự phóng doanh thu thuần và LN Q2 lần lượt là 593,7 tỷ đồng (+9,4%yoy) và 31,8 tỷ đồng (+45%yoy). Thông tin chi tiết sẽ được cập nhật trong báo cáo công ty PAC Chuyên viên phát hành trong tuần tới.
———————————–
TCL: Giới thiệu báo cáo công ty CTCP Đại Lý GNVT Tân Cảng (TCL-HSX)
CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (TCL-HSX) là công ty con của TCT Tân cảng Sài Gòn chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần cảng (xếp dỡ, kho bãi container, đóng rút hàng) tại cảng Cát Lái và gần đây là ICD Nhơn Trạch (Đồng Nai). Địa bàn hoạt động chủ lực ở Đông Nam Bộ nơi có hoạt động sản xuất công nghiệp sôi động nhất Việt Nam và sự giúp đỡ về quỹ đất từ Công ty mẹ phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh là những lợi thế của TCL. Trong ngắn hạn, KQKD của TCL sẽ khó có sự đột biến do hoạt động ở khu vực Cát Lái đã quá tải, cơ sở hạ tầng khai thác liên quan chủ yếu thuê ngoài dẫn đến biên lợi nhuận thu về thấp.
Về trung và dài hạn, Chuyên viên kỳ vọng dự án ICD Nhơn Trạch (cảng cạn) sẽ gia tăng hiệu quả nhờ vào (1) hoạt động giao thương tăng lên khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu vực này đón đầu các FTAs và (2) xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất công nghiệp về phía Đồng Nai và Bà rịa Vũng Tàu khi quỹ đất khu vực Bình Dương và TP.HCM ngày càng hẹp dần. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt sắp tới, TCL cần phải tận dụng các ưu thế sẵn có để mở rộng mạng khách hàng cho riêng Công ty và giảm rủi ro lệ thuộc vào Công ty mẹ. Bên cạnh hoạt động kinh doanh đánh giá khá ổn định, TCL còn duy trì mức cổ tức tiền mặt khá tốt (năm 2016: 1.500 đồng) và khả năng sẽ tăng lên khi nhu cầu đầu tư giảm đi. Với những phân tích trên, Chuyên viên khuyến nghị Tích Lũy trong Dài Hạn cho cổ phiếu TCL với mức giá hợp lý năm 2016 là 34.000 đồng (tương ứng mức tăng 19%).
———————————–
JVC: Thay Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc Ngày 14/6, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC – HOSE) ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty đối với ông Lê Văn Giáp. Đồng thời, JVC bổ nhiệm ông Đỗ Thanh Tùng, Thành viên HĐQT thay thế ông Lê Văn Giáp giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc JVC cùng ngày. Ông Giáp sau quyết định miễn nhiệm sẽ chỉ giữ chức danh Thành viên HĐQT. Trước đó, vào ngày 6/6, JVC đã đồng ý đơn xin từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của bà Đỗ Thị Ngọc Hoa và bầu bổ sung ông Đỗ Thanh Tùng thay thế bà Hoa.
———————————–
CII dự kiến chi trả cổ tức năm 2016 làm 3 đợt
CII vừa công bố thông tin về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả là 20% trên mệnh giá (tỷ lệ này trước đó đã được ĐHCĐ thường niên thông qua). Công ty sẽ chi trả 650 đồng/cổ phiếu vào tháng 7 hoặc tháng 8/2016, 650 đồng trước Tết Âm lịch (tháng 1/2017), và 700 đồng còn lại vào khoảng tháng 4/2017 (trước ĐHCĐ thường niên). Thông tin cụ thể về ngày chốt quyền cho từng đợt chi trả hiện chưa được công bố. Chuyên viên đang khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu CII với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 24%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,8%). Theo mức giá đóng cửa 25.800 đồng hôm nay, CII đang giao dịch với mức P/E dự phóng là 8,9 lần.
———————————–
DHC: Gia tăng công suất hỗ trợ tăng trưởng năm 2016
CTCP Đông Hải Bến Tre (Dohaco) là nhà sản xuất giấy công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Nhà máy mới của Công ty đang được xây dựng sẽ nâng tổng công suất sản xuất lên gấp 3 lần; trong khi đó nhà máy hiện tại ước tính sẽ vận hành với công suất 92% trong năm nay, trong khi nhu cầu đang tiếp tục tăng trưởng. Kết quả kinh doanh năm 2015 đầy ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng sau thuế (NPTA) đạt 82,3%. Công suất đạt 92% sẽ là động lực chính thúc đẩy LNST tăng 12,7% trong năm nay. Chuyên viên ước tính EPS cơ bản 2016 đạt 3.980 đồng/cổ phiếu, giảm 14%. Nhà máy mới sẽ vận hành vào đầu năm 2018. Sức cầu sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm. P/E dự phóng 9,5 lần, khá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng của Công ty. Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn với sự góp mặt của nhiều dự án FDI.
———————————–
KDH: Duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường nhà phố/biệt thự tại quận 9
Chuyên viên giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) tuy nhiên mức sinh lời giảm xuống còn 11.4% do giá cổ phiếu đã tăng kể từ báo cáo trước đó. Cổ phiếu này dường như được định giá hợp lý tại mức P/B 1,3 lần. Mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng 218% trong quý một nằm trong dự kiến và không làm thay đổi nhận định về dài hạn của Chuyên viên về tiềm năng trong tương lai của công ty. KDH thống lĩnh thị trường nhà phố Quận 9, TP. HCM với thị phần trên 90% trong Quý 1/2016. Chuyên viên dự báo giá trị hợp đồng sẽ tăng 50% năm 2016. Tăng trưởng Quý 1 đầy ấn tượng, cho thấy mục tiêu LNST tăng trưởng 45% của KDH là thận trọng. Tỷ lệ hấp thu nhà phố/biệt thự giảm từ 51% Quý 2/2014 xuống 22% trong Quý 1 gây ra một số lo ngại. Hiện cổ phiếu vẫn chưa thể phản ánh tiền năng từ quỹ đất lớn của BCI do quá trình tái cấu trúc sẽ kéo dài trong hai năm tới.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
FED giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6. Cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Mỹ (FOMC) đã kết thúc vào đêm qua theo giờ Việt Nam với kết quả không gây nhiều bất ngờ khi FED quyết định giữ nguyên lãi suất đồng USD. Theo Chủ tịch FED, ngoài nguyên nhân thị trường việc làm của Mỹ không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng trong tháng 5 vừa qua thì rủi ro từ kịch bản Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 tới cũng đóng vai trò quan trọng khiến FED trì hoãn việc tăng lãi suất. Theo Chuyên viên, đây là bước đi thể hiện sự thận trọng của FED nhằm giúp thị trường tài chính toàn cầu tránh được rủi ro “kép”, nhất là trong bối cảnh các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người ủng hộ “Brexit” đang tăng nhanh. Về cơ bản, Chuyên viên cho rằng đây là thông tin tích cực đối với TTCK trong ngắn hạn tuy mức độ tác động không quá lớn (do đã nằm trong kỳ vọng của nhà đầu tư). Sau cuộc họp tháng 6, khả năng FED tăng lãi suất sẽ được rời sang cuộc họp chính sách vào tháng 7 hoặc tháng 9 khi kịch bản “Brexit” có trở thành hiện thực hay không đã rõ ràng.
———————————–
Giá vàng trong nước tăng đột biến. Trong phiên giao dịch hôm nay, giá vàng trong nước đã tăng gần 400 nghìn đồng/lượng- một mức tăng khá mạnh và đột biến tính theo ngày. Nguyên nhân là do giá vàng thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần, đạt gần 1.300 USD/oz sau khi FED ra quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Xu hướng đồng USD yếu đi đi kèm với rủi ro từ kịch bản “Brexit” đang khiến nhà đầu tư toàn cầu tìm đến các tài sản có tính an toàn cao như vàng hay trái phiếu. Mặc dù tăng mạnh trong phiên hôm nay nhưng theo giá quy đổi, giá vàng trong nước vẫn đang thấp hơn so với giá vàng thế giới gần 400 nghìn đồng/lượng. Đây là dư địa thuận lợi hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng trong nước. Tuy vậy, theo quan sát của Chuyên viên, sau một thời gian dài bị kiểm soát bởi các chính sách của NHNN, thị trường vàng đã dần mất đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và không còn sôi động như trước cho dù biến động giá trong thời gian gần đây đã rõ rệt hơn.
———————————–
Dự trữ ngoại hối đạt 34 tỷ USD trong Quý 1, tài sản tài chính của Mỹ 19 tỷ USD Vietnamnet cho biết Việt Nam nắm giữ 34 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong Quý 1/2016, tăng so với 30 tỷ USD vào cuối 2015. Theo báo cáo, cả nước nắm giữ 19 tỷ USD tài sản tài chính của Mỹ, bao gồm 12 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương 30% dự trữ ngoại hối, và 6,8 tỷ USD nợ theo báo cáo của các ngân hàng Mỹ và công ty tài chính sang Việt Nam. 19 tỷ USD tài sản Mỹ ước tính sẽ mang lại 110 triệu USD đến 318 triệu USD thu nhập lãi, tùy thuộc vào loại nợ Việt Nam nắm giữ.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (17/06/2016):
17/06/2016 MKV Giao dịch bổ sung – 2,310,875 CP
17/06/2016 FID Giao dịch bổ sung – 10,999,999 CP
17/06/2016 VQC Ngày GDKHQ Thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 5:4
17/06/2016 VQC Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP
17/06/2016 THG Trả cổ tức đợt 3/2015 bằng tiền, 1,100 đồng/CP
17/06/2016 HD2 Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,500 đồng/CP
17/06/2016 SSN Họp ĐHCĐ thường niên lần 2 năm 2016
17/06/2016 GIL Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 2,500 đồng/CP
17/06/2016 DPR Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP
17/06/2016 VGS Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP
17/06/2016 ACM Trả cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền, 250 đồng/CP
17/06/2016 PTI Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 1,200 đồng/CP
17/06/2016 TV3 Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 500 đồng/CP
17/06/2016 TV3 Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%
17/06/2016 PJS Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 700 đồng/CP
17/06/2016 SEB Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 1,000 đồng/CP
17/06/2016 KAC Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
17/06/2016 KDC Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
17/06/2016 ICF Họp ĐHCĐ thường niên năm 2016
6. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:
Ghi chú:
– “Giá mục tiêu” và “Giá cắt lỗ” sẽ được cập nhật dựa trên diễn biến giao dịch hàng ngày của từng mã.
– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.
———————————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Nguyễn Văn Nguyên – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Điện thoại / Zalo /
Email: nguyen.nguyenvan@hsc.com.vn
Website: dautucophieu.net