1. Nhận định thị trường:
VN-Index bất ngờ giảm mất 8,43 điểm (tương đương 1,25%) xuống mức 666,69 điểm, với khối lương giao dịch khớp lệnh đạt hơn 152 triệu cổ phiếu.
Đồ thị VN-Index ngày 14/07/2016. Nguồn: Amibroker
VN-Index tiếp tục đà tăng ngay từ đầu phiên giao dịch nhưng áp lực chốt lời bất ngở xảy ra về cuối phiên khiến VN-Index giảm trở lại hình thành cây nến đỏ dài có bóng trên và không có bóng dưới thể hiện tâm lý bán ra mạnh lên về cuối phiên. Tuy nhiên, diễn biến của VN-Index hôm nay vẫn chưa đủ để gây ra nhiều tín hiệu quan ngại, đặc biệt là khi phần thân nến vẫn nằm cao hơn thân nến liên trước. Thanh khoản trong phiên này dù tiếp tục ở mức cao nhưng không quá mức đột biến để cảnh báo về hiện tượng phân phối. Ngưỡng 660 điểm chưa bị phá vỡ là cơ sở quan trọng ủng hộ cho quan điểm xu hướng ngắn hạn của VN-Index chưa bị ảnh hưởng sau phiên hôm nay.
Về chỉ báo, các chỉ báo xu hướng như MACD, +/-DI vẫn phản ứng tích cực với diễn biến hiện tại của chỉ số. Sự sụt giảm của chỉ số vẫn được đánh giá mang tính kỹ thuật là cao bởi VN-Index đã vượt ra ngoài bollinger trong phiên tăng mạnh liền trước. Tuy nhiên, do mốc 670-675 điểm không được củng cố thành công và tiếp tục giữ vai trò kháng cự xu hướng nên diễn biến giằng co và giảm nhẹ có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong phiên cuối tuần.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai 15/07/2016, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ điều chỉnh về lại đường hỗ trợ SMA20. Vùng hỗ trợ được tạo bởi đường SMA20 và khoảng trống tăng giá được hình thành trong phiên hôm qua tại 660 điểm sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số trong phiên cuối tuần. Đây cũng là điểm được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số quay lại đà tăng điểm và dòng tiền ngắn hạn có xu hướng dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps sang nhóm cổ phiếu Largecaps. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở những vùng giá thấp khi chỉ số có xu hướng điều chỉnh về vùng hỗ trợ ngắn hạn 660 ở phiên tới đây.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 14/07/2016:
Điều chỉnh mạnh nhất kể từ sự kiện Brexit, áp lực chốt lời và tâm lý lo ngại về lượng margin trên thị trường đang ở mức cao khiến VN-Index mất mốc 670.
Hai chỉ số bất ngờ giảm điểm, VN-Index giảm 8,43 điểm (-1,25%) xuống mức 666,69 điểm, còn HNX-Index giảm 0,70 điểm (-0,8%) xuống 86,68 điểm. Giao dịch trên thị trường tiếp tục diễn ra sôi động, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt 4.059 tỷ đồng. Cụ thể, trên HSX giá trị giao dịch đạt 3.205,64 tỷ đồng (-16%) tương ứng với 160,11 triệu cổ phiếu, trên HNX giá trị giao dịch đạt 853 tỷ đồng (-4,9%) tương ứng với 65,77 triệu cổ phiếu.
Bước vào phiên giao dịch mới, thị trường duy trì sắc xanh khá tốt nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, CTG, BID, VNM,…, chỉ số VN-Index có thời điểm tăng điểm mạnh vượt qua mốc 680 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng mạnh về cuối phiên khiến nhiều cổ phiếu trụ cột như GAS, VCB, VIC, HSG, HPG, PVD, VCG… đều giảm khá. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu tăng nóng trong thời gian vừa qua như KSB, C32, EVE, HAX, LIX, SVC…đồng loạt giảm sàn đã khiến cả hai chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.
Trên Hsx, khối ngoại đã mua ròng 6,78 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 117,98 tỷ đồng, tăng 96,62% về lượng và 54,59% về giá trị so với phiên trước đó. CTG là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất, với khối lượng 2,08 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 41,28 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 562.810 đơn vị, trị giá 23,34 tỷ đồng. Trên Hnx, khối ngoại đã mua ròng 2,7 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 34,55 tỷ đồng; trong khi phiên trước bán ròng 1,91 triệu đơn vị, trị giá 30,69 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng mạnh nhất trong tháng 7 này. SHB là mã dẫn đầu về lượng mua ròng đạt 579.800 đơn vị, trị giá 3,64 tỷ đồng. Ngược lại, DBC là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, với khối lượng 67.000 đơn vị, trị giá 2,59 tỷ đồng.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
ETC: Nâng chuẩn nhà máy, chiến lược tiếp cận kênh ETC
Do hạn chế về công nghệ, các doanh nghiệp dược Việt Nam hầu như chỉ có thể sản xuất các loại thuốc generics. Thuốc Generics, khi đấu thầu vào kênh bệnh viện (ETC), sẽ được phân ra làm 5 nhóm riêng biệt:
Nhóm 1: Thuốc sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PIC/S-GMP hoặc WHO-GMP, tại các nước tham gia ICH (Mỹ, Nhật, các nước châu Âu…) và Australia.
Nhóm 2: Thuốc sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S-GMP nhưng không thuộc nước tham gia ICH và Australia. Hiện tại, chiếm nhiều nhất là các doanh nghiệp Ấn Độ, ngoài ra còn các doanh nghiệp chấu Á khác như Đài Loan, Hàn Quốc và một vài doanh nghiệp Việt Nam (Bidipharco, Pymepharco)
Nhóm 3: Thuốc sản xuất trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhận.
Nhóm 4: Thuốc có chứng minh tương đương sinh học do Bộ Y tế công bố.
Nhóm 5: Thuốc không đáp ứng tiêu chí của các nhóm 1, 2, 3 và 4 ở trên.
Hiện cả nước có tới 178 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Ngoài ra còn rất nhiều các công ty của Trung Quốc và Ấn Độ. Sự cạnh tranh trong nhóm 3 vì vậy là khốc liệt nhất, với chiến thằng thường thuộc về các loại thuốc giá rẻ nhưng chất lượng không cao. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng mới hoặc nâng cấp các nhà máy lên chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S-GMP để có thể chuyển lên nhóm 2. Cho đến 24/3/2016, chỉ có 3 nhà máy tại Việt Nam có dây chuyền đạt những tiêu chuẩn này, đó là dây chuyền của công ty Bidiphar (Bình Định), Stada (Bình Dương) và Pymepharco (liên doanh, Phú Yên).
Để tìm hiểu tình hình cạnh tranh ở nhóm 2, Chuyên viên tiến hành đánh giá đóng góp của các dây chuyền của Bidiphar và Pymepharco trong việc bán thuốc vào kênh ETC. Theo kết quả đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế trong năm 2014, tổng giá trị các sản phẩm nhóm 2 của Bidiphar (kháng sinh Amoxicilin, thuốc tiêm Omeprazole và Cefotaxim, dung dịch lọc thận Natri bicarbonate …) là 112 tỷ đồng, chiếm 24,3% giá trị các sản phẩm cùng loại trong nhóm. Con số này của Pymepharco là 209 tỷ và 45,8%, với các loại kháng sinh uống và tiêm nhóm Cephalosporin như Cefaclor, Cefalexin hay Ceftizoxime… Tính rộng ra cho tất cả các loại thuốc ở nhóm 2, hai công ty này chiếm gần 16% giá trị (tương đương 321 tỷ đồng), một con số rất đáng kể.
Như vậy, có thể thấy nhờ các dây chuyền chuẩn EU hay PIC/S-GMP, các doanh nghiệp Việt sở hữu một miếng bánh không nhỏ trong nhóm 2 ETC. Hiện các công ty như DHG, IMP, DMC đều đang tiến hành xây dựng nhà máy theo các chuẩn này. Tuy nhiên, ngoại trừ 2 nhà máy của IMP đã nâng cấp xong, còn lại các nhà máy được xây mới phải đến 2018 mới có thể hoàn thành.
——————————–
DBC: CTCP Tập đoàn DABACO Việt Nam: đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2016, với số liệu không khác nhiều so với ước tính trước đó: doanh thu thuần đạt hơn 1.591,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2016 đạt 199,3 tỷ đồng, gấp 3,74 lần cùng kỳ năm trước do quý II/2016, nguyên nhân gây đột biến một phần từ việc công ty có khoản lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng KCN Quế Võ 3 tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh.
——————————–
CTD: CTCP Xây dựng Coteccons dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP: CTCP Xây dựng Coteccons thông báo dự kiến phát hành 2.339.540 cổ phiếu CTD cho cán bộ chủ chốt trong công ty. Giá phát hành sẽ được chia làm 2 loại, một nửa (1.169.770 cổ phiếu) được phát hành với giá 42.000 đồng/cp, và một nửa sẽ được phát hành với giá 70.000 đồng/cp, tương ứng bằng 1/5 và 1/3 thị giá hiện tại trên sàn của CTD. Với thị giá trên sàn ở mức 215.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phiếu phát hành cho nhân viên ở mức trên 500 tỷ đồng.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Chứng khoán Châu Á tăng điểm đồng loạt tại hầu hết các thị trường lớn như Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc... Động lực tăng điểm trên đến từ kỳ vọng NHTW Anh sẽ thông báo hạ lãi suất cuối ngày hôm nay (14/07) để chống lại tác động tiêu cực của Brexit đến nền kinh tế nước này. Sự kiện Brexit cũng khiến nhà đầu tư kỳ vọng NHTW Châu Âu, Nhật cũng sẽ có những động thái nới lỏng mạnh mẽ hơn trong khi lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ sẽ được đẩy lùi lại, qua đó giúp TTCK toàn cầu tăng điểm tích cực. Mới đây, thủ tướng Nhật, ông Abe, kêu gọi tăng cường nới lỏng tiền tệ với kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 2% sau khi ông chiến thắng cuộc bầu cử trong ngày chủ nhật vừa qua. TTCK Việt Nam cũng được hưởng lợi đáng kể từ diễn biến tích cực của TTCK thế giới trong thời gian qua.
——————————–
Thị trường thép có sự phục hồi tích cực về nhu cầu tiêu thụ, cộng với các biện pháp tự vệ tạm thời với phôi thép, thép dài, thép không gỉ cán nguội… đã giúp các doanh nghiệp thép giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh và ổn định thị trường. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, toàn ngành thép đã sản xuất hơn 8,5 triệu tấn sản phẩm (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội…), tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi tổng sản lượng tiêu thụ đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 39% so với cùng kỳ. Trừ đi lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, thì tiêu thụ nội địa vẫn đạt trên 7 triệu tấn. Các thông tin trên cùng với diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu phần nào phản ánh KQKD tích cực của các doanh nghiệp thép trên sàn trong hai quý vừa qua.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (15/07/2016):
15/07/2016 DMC Niêm yết cổ phiếu bổ sung – 8,013,668 CP
15/07/2016 RCD Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 900 đồng/CP
15/07/2016 FIT Giao dịch bổ sung – 14,336,485 CP
15/07/2016 TMT Giao dịch bổ sung – 1,596,289 CP
15/07/2016 STK Giao dịch bổ sung – 6,980,189 CP
15/07/2016 HU3 Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 750 đồng/CP
15/07/2016 NSC Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP
15/07/2016 HU3 Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 750 đồng/CP
15/07/2016 NSC Ngày GDKHQ Trả cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP
15/07/2016 VPS Trả cổ tức năm 2015 bằng tiền, 2,000 đồng/CP
15/07/2016 VPH Lấy ý kiến CĐ bằng VB
15/07/2016 LDG Lấy ý kiến CĐ bằng VB
15/07/2016 NDF Họp ĐHCĐ thường niên lần 2 năm 2016 Hội trường Công ty
6. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:
Ghi chú:
– “Giá mục tiêu” và “Giá cắt lỗ” sẽ được cập nhật dựa trên diễn biến giao dịch hàng ngày của từng mã.
– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.
——————————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net